2020
Đứng chai cứng
ĐỪNG CHAI CỨNG
Qua hình ảnh mấy đứa trẻ ương ngạnh không hưởng ứng trò chơi, Chúa Giêsu khéo léo ám chỉ dân Do thái là dân “cứng đầu cứng cổ”, luôn khước từ ý Chúa nhưng lại bắt Chúa phải theo ý mình. Họ phê phán sự khắc khổ của Gioan Tẩy Giả, họ lại chỉ trích lòng nhân hậu của Chúa Giêsu. Cách nào họ cũng không hài lòng, thật đúng như câu ca dao: “Ở sao cho vừa lòng người, ở rộng người cười, ở hẹp người chê”! Chúa dạy chúng ta không nản lòng trước những lời phê phán bất nhất, nhưng hãy làm chứng đức tin bằng những hành động thiết thực.
Chúa Giêsu đã so sánh đám dân chúng thời Người với lũ trẻ ngoài chợ. Cũng như bọn trẻ ở bất cứ đâu, chúng quy tụ lại để cùng chơi một trò chơi. Lát sau chúng chán và quay sang chơi trò khác. Chúng đâu có cần quan tâm đến điều gì ngoài những trò chơi. Chúa ví thế hệ ấy với đám trẻ ngoài chợ nghĩa là gì? Nghĩa là họ nhởn nhơ không quan tâm đến ý nghĩa mục đích của cuộc đời và cũng chẳng đếm xỉa gì đến sứ điệp từ trời.
Không những thế, họ còn phủ nhận lời kêu gọi của Chúa. Họ không muốn nghe lời Gioan Tẩy Giả hướng dẫn vì cho rằng ông ấy bị quỷ ám. Họ cũng bưng tai bịt mắt trước giáo huấn của Chúa Giêsu vì coi Người là bạn của phường tội lỗi. Họ chỉ quan tâm đến “trò chơi” của mình và đòi người khác cũng phải chia sẻ “cuộc chơi” với họ.
Chúa Giêsu đã phải than phiền, trách móc những kẻ khôn ngoan giả thời Ngài. Thế hệ mà Ngài đã đến, rao giảng lời Chân lý, nhưng họ đã trở thành người khuyết tật của đôi tai, đôi mắt, thành những kẻ cứng lòng tin. Rao giảng thế nào, họ cũng chẳng tin. Nếu Gioan Tẩy Giả đến sống khắc khổ, mời gọi ăn năn sám hối, thì họ lại lên án Gioan là người bị quỷ ám.
Ngược lại, Chúa Giêsu đến, cùng đồng bàn, cùng ăn, cùng uống trong nhịp đời của họ, thì họ lại ta thán, chỉ trích Ngài là kẻ mê ăn mê uống, bạn bè với những người thu thuế và tội lỗi. Ngài ví thế hệ chai lì ấy như cái lũ trẻ con chơi trò múa hát giữa phố chợ. Nhóm này thổi sáo, nhưng nhóm kia không thèm nhảy múa; nhóm này than vãn, nhóm khác tỉnh queo, không than không khóc. Đề nghị thế nào, họ cũng chẳng làm theo, bởi cái “cứng lòng” đã chi phối hết tất cả. Họ đã không tin Ngài.
Chúa Giêsu đã phản ứng lại và chỉ rõ cho thấy sự giả tạo của những kẻ khôn ngoan thông thái thời ấy. Cái khôn ngoan mà họ tự hào, dương oai tự đắc, thật ra là sự dốt nát, vì nó không chỉ bảo cho họ con đường sống, con đường nhận ra Đấng Thiên Sai. Sự chai lì trong tâm hồn đã phá đổ hạnh phúc, mà lẽ ra, con người có quyền được thừa hưởng.
Chúa Giêsu đến, Ngài đem lời của Tin Mừng cứu độ và ngỏ với con người. Chỉ những ai khôn ngoan thật mới nhận ra Ngài, mới nghe được tiếng Ngài. Ngài đã đồng kiếp người, trong những cái nhỏ nhoi nhất để chia san, để cùng sống với những cung bậc của nhịp đời con người đang sống với.
Giữa những sai lầm của con người, Thiên Chúa lên tiếng, chỉ dạy, kêu gọi con người sám hối, trở về, tin vào Ngài để đón nhận ơn cứu rỗi. Ngài hướng dẫn, chỉ ra con đường của sự thật, con đường đi đến hạnh phúc trường sinh. Kẻ khôn ngoan thực phải là người rất tinh tế để nhận ra Ngài, Thiên Chúa của lòng mình. Sự khôn ngoan ấy sẽ giúp con người có được lòng khiêm tốn, mở ra để đón nhận chân lý và trở về với Thiên Chúa.
Một cuộc trở về với niềm tin. Niềm tin vào Thiên Chúa. Niềm tin ấy sẽ đưa con người đến cánh cửa của Chân Lý, của hạnh phúc thật. Niềm tin ấy sẽ vực dậy con người từ những hố cách ngăn của tội lỗi, xoa dịu những vết đau hằn sâu trong tâm hồn. Niềm tin vào Thiên Chúa cho con người hy vọng sống tròn đầy, chờ đợi ngày hạnh phúc vĩnh cửu. Niềm tin ấy hướng dẫn con người đi trên nẻo đường ngay chính, xây dựng một cuộc sống hạnh phúc ngay tại trần thế và ngưỡng vọng về đời sau.
Niềm tin vào Thiên Chúa, phải là điều căn bản của người Kitô hữu. Niềm tin ấy phải được thể hiện một cách sống động, hiện thực, cụ thể. Tin trong lòng, và tuyên xưng ngoài miệng chưa đủ, nhưng còn phải sống niềm tin ấy bằng cách thức riêng của mỗi cảnh đời chúng ta đang có.
Khi thánh Gioan Tẩy Giả đến rao giảng ơn cứu độ, người không ăn uống thì được gán cho nhãn hiệu là bị quỉ ám. Ðức Kitô đến, Người ăn uống như bình thường thì bị kết án là người mê ăn uống, là bạn của quân thu thuế và tội lỗi. Họ chỉ hiểu ơn cứu độ theo quan điểm riêng của mình, chỉ nhìn Ðấng Messia theo cái nhìn phiến diện nên người Do Thái đã khép chặt cửa lòng trước lời mời gọi của ơn cứu rỗi.
Với cái nhìn phiến diện đã nảy sinh những phe phái chủ quan chẳng khác gì bọn trẻ nít ngồi nơi phố chợ: “Chúng tôi thổi sáo sao các bạn không nhảy múa. Chúng tôi than vãn sao các bạn không than khóc?” Chính vì thế mà ơn cứu độ đến và qua đi mà người Do Thái chẳng nhận ra: “Ngài đã đến trong nhà Ngài nhưng người nhà đã không nhận ra Ngài, không đón tiếp Ngài”.
Trong Giáo Hội ngày nay cũng không thiếu những trường hợp mắc phải căn bệnh của người Do Thái. Ðức Kitô được trình bày trọn vẹn trong Kinh Thánh, qua Phụng Vụ và qua Giáo Hội, thế mà người ta lại giới hạn Ðức Kitô trong cái nhìn của họ. Họ cũng giới thiệu Ðức Kitô cho người khác nhưng đây chỉ là một Ðức Kitô bị bóp méo cho hợp với chủ trương của họ, có lợi cho họ. Và nếu có một ai giới thiệu Ðức Kitô khác với chủ trương và đi ngược lại với quyền lợi thì họ sẵn sàng kết án hoặc bôi nhọ làm sao để đừng mất đi quyền lợi của mình.
2020
Nhỏ bé như Gioan
10 26 Tm Thứ Năm tuần 2 MV.
Is 41,13-20; Mt 11,11-15
NHỎ BÉ NHƯ GIOAN
Tin Mừng hôm nay góp một nét vẽ khắc họa nên chân dung Gioan Tẩy Giả: Chúa Giêsu xác nhận ông là người cao trọng nhất trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ ; ông là hiện thân của ngôn sứ Êlia với sứ mạng kêu gọi người ta sám hối để chuẩn bị tâm hồn đón Đấng Cứu Thế.
Cao trọng là vậy, nhưng nhiệm vụ của Gioan xem ra rất đỗi bình thường, chẳng khác một phu dọn đường quét rác là mấy ; có khác chăng, con đường đây chính là lòng người, rác rưởi đây được hiểu là những lỗi tội của con người. Cao trọng là vậy, mà Gioan vẫn bị xếp dưới hạng so với những công dân Nước Trời. “Kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông”, tuyên bố có vẻ mâu thuẫn và phần nào gây sốc này của Chúa Giêsu dường như lại hé mở một ngõ mới, lại chắp thêm cánh cho con người trên hành trình tìm kiếm trường sinh và hạnh phúc vĩnh cửu, đó là niềm khát mong chiếm được Nước Trời.
Khát mong này không phải là giấc mơ viển vông, cũng không phải là hy vọng hão huyền, nó là ước mơ chính đáng, phải đạo và có thể đạt được.
Gio-an Tẩy Giả là tiên tri sau cùng thời Cựu Ước tiên báo Đấng Cứu Thế đến. Ông cũng là người mở đầu cho một thời đại ngôn sứ mới trong Tân Ước, thời đại của những người biết Chúa Giê-su là Đấng Cứu Thế và được mời gọi làm chứng cho Chúa Giê-su qua những lời họ loan báo và cuộc sống của họ. Nói tóm lại, những gì được loan báo trong Cựu ước, Gio-an Tẩy Giả làm chứng chúng đã được hoàn tất trong Chúa Giê-su Ki-tô và những gì hoàn tất nơi Chúa Giê-su, những ngôn sứ mới phải công bố như Gio-an Tẩy Giả đã thực thi.
Vì thế, khi đề cập đến vai trò quan trọng của Gio-an Tẩy Giả trong mùa Vọng, Hội Thánh nhắc nhở cho mỗi chúng ta rằng, chúng ta là những ngôn sứ của thời đại mới, những người tiếp tục những gì Gio-an Tẩy Giả đã bắt đầu để loan báo Chúa Giê-su. Cuộc sống, lời nói và hành động của chúng ta phải làm chứng cho sự kiện siêu việt Chúa Giê-su vẫn đang đến với thế giới hôm nay. Qua đời sống đức tin, chúng ta là những Gio-an Tẩy Giả hôm nay. Mọi việc chúng ta làm, việc lớn, việc nhỏ, từ những việc công khai hay âm thầm, đều phải có sức lôi cuốn người khác đến với Chúa Giê-su.
Sau khi Gioan Tẩy Giả sinh ra, cả hai ông bà muốn đặt tên cho con trẻ là Gioan Tẩy Giả, nhưng bấy giờ Zacharia đang bị câm không nói được nên ông ra hiệu là đặt tên cho con trẻ là Gioan Tẩy Giả. Mặc dù mọi người trong dòng họ đều không bằng lòng, vì không ai trong họ hàng có tên đó.
Từ những sự kiện trên cho ta thấy Gioan Tẩy Giả được sinh ra một cách khác thường và khắp các miền núi phía Giuđêa lúc bấy giờ đều nghĩ thầm rằng: Con trẻ này rồi sẽ nên thế nào? Vì quả thực bàn tay Thiên Chúa đã ở với con trẻ này.
Ðiều đó đã được Chúa Giêsu xác nhận trong bài Tin Mừng hôm nay: “Thật, Ta bảo các ngươi hay, trong con cái do người nữ sinh ra chưa có ai cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả”. Con người có lẽ ai cũng mong ước được như Gioan Tẩy Giả. Chúng ta cũng thấy trong một đoạn Tin Mừng khác, lúc Chúa Giêsu đang giảng dạy thì có một người đàn bà buột miệng nói rằng: “Phúc thay dạ đã cưu mang Thầy và vú đã cho Thầy bú. Nhưng Chúa Giêsu lên tiếng: :Ai nghe và giữ lời Chúa thì còn có phúc hơn nhiều”.
Hoặc chúng ta cũng thấy trong lúc Chúa Giêsu đang thi hành sứ mệnh công khai của Ngài, Mẹ Maria và các người thân thuộc tìm đến nghe, nhưng vì dân chúng quá đông không chen vào được, có mấy người thấy thế nói với Chúa Giêsu: “Kìa Mẹ và anh em Thầy đến tìm Thầy”, Chúa Giêsu liền trả lời: “Ai là Mẹ Ta, ai là anh em Ta? Ðó là những kẻ nghe và giữ lời Ta”.
Qua những lời trên, Chúa Giêsu cho chúng ta một cái nhìn mới, một ý nghĩa mới: thân thuộc, bà con bằng máu mủ không quan trọng cho bằng thân thuộc bà con thiêng liêng: “Ai theo Ta mà không từ bỏ cha mẹ anh em thì chưa xứng đáng là môn đệ Ta”. Nói thế không phải chúng ta không tôn kính hay không yêu mến cha mẹ chúng ta, vì giới răn thứ tư trong Mười Ðiều Răn, Ðức Kitô dạy rằng: “Hãy thảo kính cha mẹ”. Giới răn này nằm sau giới răn thứ nhất: “Thờ phượng Ðức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự”.
Chúa Giêsu nói: “Từ thời ông Gio-an Tẩy Giả cho đến bây giờ, Nước Trời phải đương đầu với sức mạnh, ai mạnh sức thì chiếm được.” (c. 12) Vâng, nước trời và tất cả mọi công dân nước trời luôn phải tỉnh thức, luôn phải sẵn sàng để đương đầu với thế lực của sự ác. Tin tưởng vào tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa không miễn chuẩn cho chúng ta khỏi phải chiến đấu, khỏi phải cố gắng, nhưng trái lại nhận biết mình mỏng dòn yếu đuối, chúng ta càng cần phải tựa nương vào Chúa là đá tảng nhiều hơn để chiến đấu bằng chính sức mạnh của ơn Chúa để đẩy lui sự ác, gieo rắc sự sống và tình yêu của Thiên Chúa trong trần gian.
Sống mùa vọng, không những nhắc nhở chúng ta dọn tâm hồn để mừng kỷ niệm biến cố Chúa giáng sinh làm người mang hồng ân cứu độ cho con người, đồng thời hướng lòng chúng ta về ngày Chúa quang lâm, nhưng mùa vọng còn thức tỉnh, nhắc nhở chúng ta luôn sẵn sàng để chờ đợi Chúa đến với chúng ta trong mỗi ngày sống, đặc biệt ngày cuối cùng của cuộc đời. Vì thế, để được diễm phúc là công dân nước trời, chúng ta hãy là chiến binh ‘cầm lấy vũ khí của sự sáng’ mà chiến đấu dưới lá cờ hiệu của Đức Giê-su – Vua Bình An.
Hôm nay, lúc này, hẳn là dịp thuận tiện, là ngày lành tháng tốt để ta mời Chúa đến, để ta dám đặt tay mình vào bàn tay Chúa ngõ hầu Người có thể dắt ta đi, cùng ta chiến đấu và chiến thắng những khó khăn cản bước ; ngõ hầu Người có thể giúp ta hiểu và yêu mến những nghịch lý của Tin Mừng mà ở đó, các thang giá trị bị đảo ngược đến không ngờ như người rốt hết sẽ lên hàng đầu, hạt giống thối nát sẽ sinh cây xanh tốt, hạt giống bé tẹo sẽ tạo cây cao lớn, …
Gioan Tẩy Giả đi trước dọn đường với lòng nhiệt thành nóng bỏng như Ê-li-a ngày nào, rồi Đức Giê-su xuất hiện với quyền năng của Đấng Cứu Thế, y như cảnh tượng các ngôn sứ tiên báo từ xa xưa. Thế nhưng, người Do Thái chỉ quen nhìn với đôi mắt cũ: Đấng Cứu Thế phải đáp ứng mong mỏi của họ, phải là người giải phóng họ khỏi ách đô hộ của đế quốc Rô-ma. Vì thế, họ khước từ Gio-an, người Thiên Chúa sai đến. Họ cũng chối bỏ Đức Giê-su, không chấp nhận tư cách Thiên Sai của Ngài. Với đôi mắt cũ, họ không nhận ra sự thật, một “sự thật sẽ giải thoát anh em.” (Ga 8, 32).
Tất cả viễn ảnh trên sẽ trở thành hiện thực, nếu ta muốn chấp nhận sứ mạng dọn đường của Gioan tiền hô, nếu ta muốn dùng đôi tai để lắng nghe tiếng gọi sám hối của ông và can đảm qua trở về dọn lòng đón Đấng Cứu Thế. Hãy để cho Lời chạm vào hồn ta và chính Lời sẽ uốn nắn, đẽo gọt, sửa chữa hồn ta thành máng ấm cỏ êm cho Hài Vương vui ngự ; và nhất là biến ta thành những Gioan tiền hô mới, những phu dọn đường cho con người thời đại ngày nay, cho những anh chị em đang lạc đường xa lối và cho những anh chị em chưa từng được nghe Tin Mừng.
2020
Hiền lành và khiêm nhường
09 25 Tm Thứ Tư tuần 2 MV.
Is 40,25-31; Mt 11,28-30
HIỀN LÀNH VÀ KHIÊM NHƯỜNG
Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy Chúa Giêsu mở lớp dạy môn “Hiền lành và khiêm nhường” khi Chúa nói: “Anh em hãy học với tôi vì tôi hiền lành và khiêm nhường” (Mt 11, 29). Khởi đi từ ý tưởng nền tảng này, chúng ta cùng tìm hiểu hai điều quan trọng sau đây: Thứ nhất, đó là sống hiền lành và khiêm nhường trong tương quan với Thiên Chúa; thứ hai, đó là sống hiền lành và khiêm nhường trong tương quan với mọi người.
Trước hết, đó là sống hiền lành và khiêm nhường trong tương quan với Thiên Chúa. Người sống hiền lành và khiêm nhường là người sống lòng biết ơn Thiên Chúa. Thánh Phaolô đã nói: “Bạn có gì mà bạn đã không nhận lãnh? Nếu đã nhận lãnh, tại sao lại vênh vang như thể đã không nhận lãnh?” (2 Cr 4, 7), điều này có nghĩa là mọi sự chúng ta có đều do bởi ơn Chúa.
Thật vậy, có ai trong chúng ta đây có thể tự tạo ra mạng sống, trí khôn, sức khỏe, thời gian… cho mình đâu. Tất cả những gì chúng ta đang có đều được Chúa ban cho. Ngược lại, người kiêu ngạo là người vô ơn với Thiên Chúa và cho rằng mọi sự mình có đều do sức riêng của mình, vì thế, dễ dẫn đến việc xem thường Thiên Chúa, không tôn trọng Thiên Chúa và mọi người.
Tiếp theo, đó là sống hiền lành và khiêm nhường trong tương quan với mọi người. Trong đời sống cộng đồng xã hội, chúng ta có thể sống hiền lành và khiêm nhường khi chúng ta ghi nhận công ơn của mọi người và quảng đại đóng góp vào những công việc chung của cộng đồng. Chúng ta thấy rằng không ai trong chúng ta có thể tự lo cho mình hết mọi việc. Chúng ta cần đến người thợ để hớt tóc hoặc may quần áo; cần có bác sĩ để chữa bệnh, cần những công nhân làm ra các sản phẩm để sử dụng mỗi ngày, cần những nông dân để làm ra lúa gạo, cần người đánh cá, cần người quét đường v.v… Tóm lại, không ai trong chúng ta có thể sống cho riêng mình.
Chính vì thế, chúng ta cần khiêm tốn nhận ra sự thiếu thốn của mình để đón nhận người khác, để ghi nhận công ơn của mọi người và để tích cực góp sức mình xây dựng và làm phát triển cộng đoàn xã hội. Ngược lại, người kiêu ngạo thì sống vô ơn, ích kỷ, không đóng góp vào việc xây dựng cộng đoàn.
Chúa Giêsu dạy hãy sống hiền lành, dễ thương. Người khuyên chúng ta bắt chước người mục tử trong dụ ngôn “Con chiên lạc” (Lc 15, 4-7); người mục tử không hề đánh đập, giận dữ, quát tháo, hay kéo lê con chiên lạc về mà lại tử tế đặt nó lên vai mình, vác về đàn. Chúa Giêsu cũng khuyên chúng ta bắt chước người cha trong dụ ngôn “Đứa con hoang đàng” (Lc 15,11-32); người cha không mắng chửi đứa con nhiều lầm lỗi trở về, cũng không nóng nảy, không xua đuổi mà lại ôm hôn con và dọn tiệc ăn mừng. Còn rất nhiều câu chuyện trong Phúc âm kể về sự hiền lành, dễ thương của Chúa Giêsu.
Hiền lành và khiêm nhường nơi Chúa Giêsu là luôn tự ý bước xuống và trút bỏ vinh quang. Thánh Phaolô viết: “Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa.Nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập giá” (Pl 2, 6-8).
Vì Thiên Chúa khiêm nhường luôn tìm đường đi xuống nên những ai kiêu căng, tìm cách nâng mình lên sẽ chẳng bao giờ gặp được Người. Thiên Chúa khiêm nhường nên chỉ ai khiêm nhường, nhỏ bé mới gặp được Người. Vì thế, Chúa Giêsu đã “ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp lòng Cha” (Mt 11,25-26).
Khiêm nhường, hiền lành luôn biểu lộ đức tính yêu thương tha nhân, đem lại những điều hòa hợp, hợp nhất với mọi người trong cuộc sống. Chúa Giêsu luôn sống hiền lành và khiêm nhường, Chúa muốn con người thoát khỏi gánh nặng lề luật, hình thức đang đè nặng trên vai mình và người khác.
Chúa Giêsu luôn yêu thương, cảm thông với cuộc sống con người. Ngài hóa thân làm người trong đời sống khiêm nhường, hạ mình đến cứu độ trần gian, và kêu gọi những ai mang nỗi khó nhọc và gánh nặng của kiếp sống nhân sinh là hãy đến với Ngài, để được êm ái, nhẹ nhàng và bình an.
Chúa muốn mọi người thoát khỏi kiếp sống áp đặt, kềm kẹp của thói áp đặt giả hình lên cuộc sống tha nhân như những người Pharisiêu, Biệt Phái vụ luật, giả hình. Chúa muốn kiện toàn lề luật để giải phóng con người và được tuân giữ trong chân lý sự thật. Lề luật giúp cho con người muốn đạt tới vinh quang phải trải qua khổ nhọc, đau khổ của cuộc sống thì người ta mới đạt được tâm hồn êm ái, nhẹ nhàng và bình an, vinh quang nơi Thiên Chúa qua ơn cứu độ được trao ban.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta sống hiền lành và khiêm nhường trong tương quan với Thiên Chúa và mọi người. Xin Chúa biến đổi chúng ta để chúng ta biết sống mến Chúa và yêu người mỗi ngày một hơn.
2020
Nên trinh trong như Mẹ
08 24 Tr Thứ Ba tuần 2 MV.
LỄ ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI. Lễ trọng.
St 3,9-15.20; Ep 1,3-6.11-12; Lc 1,26-36
NÊN TRINH TRONG NHƯ MẸ
Bà Eva đã nghe lời dụ dỗ của con rắn, là Sa-tan, và cùng ông Adam bất tuân lệnh cấm của Thiên Chúa. Sa-tan đã phá hỏng tuyệt phẩm được Chúa dựng nên giống hình ảnh Người và được ban cho tự do, nhưng không dùng ân huệ tự do ấy mà tuân phục Người. Kết đoạn trích sách sáng thế, có câu: “Và Ađam đã gọi tên vợ mình là Evà: vì lẽ bà là mẹ của chúng sinh”.
Vâng, Evà là mẹ của chúng sinh, mẹ của loài người đã được sinh ra trong tình trạng mất ân nghĩa với Chúa. Bởi thế, thánh vịnh 51, câu 7 viết: “Mẹ con đã thai con trong tội”. Lời Chúa tuyên chiến với Sa-tan, cũng là lời hứa cứu độ con người từ sau khi con người phạm tội: “Ta sẽ đặt mối thù nghịch giữa miêu duệ mi và miêu duệ người phụ nữ”.
Nếu đã có một Eva bất tuân Thiên Chúa, thì Thiên Chúa đã chuẩn bị cho một người nữ là Đức Maria tuân phục Thiên Chúa và thực hiện ý muốn cứu rỗi của Thiên Chúa. “Người phụ nữ” ấy là Đức Maria mà Thánh Phao-lô gọi là người nữ đã được ơn tiền định từ khởi thủy. Mẹ Maria đã vâng phục Thiên Chúa và để cho Thiên Chúa thực hiện ý định cứu rỗi của Người ngang qua cuộc đời Mẹ, là: sinh ra Đức Giê-su Đấng Cứu Thế. Nhờ Đức Giê-su, Con Thiên Chúa, sinh ra bởi lòng Mẹ Maria, mà chúng ta được phục hồi ơn nghĩa tử của Thiên Chúa.
Chính vì thế thánh Phao-lô nói: “Trong tình thương, Người đã tiền định cho chúng ta được làm dưỡng tử đối với Người, qua Ðức Giêsu Kitô”.
Hôm nay chúng ta mừng lễ Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội, chúng ta tạ ơn Chúa đã tạo dựng cho nhân loại một đóa hoa rạng ngời luôn tỏa hương thơm ngát là Mẹ Maria. Tạ ơn Chúa đã tặng ban cho đời một đóa hoa luôn thanh thoát, cao quý bởi tình yêu hiến dâng cho Chúa để phục vụ cho đời. Tạ ơn Chúa và nguyện cầu cùng Mẹ giúp chúng ta biết trở thành một đóa hoa thơm ngát dâng tặng cho đời và ca tụng Thiên Chúa.
Lễ Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội được mừng vào đúng chín tháng trước ngày sinh nhật của Mẹ Maria.
Tín điều Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội bắt nguồn từ trong Thánh Kinh và lớn lên trong đức tin đơn thành và bình dân của tín hữu thời Giáo Hội Sơ Khai. Ngay từ thế kỷ thứ II, các Thánh Giáo Phụ Justinô và Irénée de Lyon đã ngợi khen sự thánh thiện của Đức Maria. Giáo Hội Đông Phương đã mừng Lễ Mẹ Vô Nhiễm từ thế kỷ thứ VII. Vào năm 1432, công đồng Bâle đã coi mầu nhiệm này như một tâm điểm của lòng tin.
Vào thế kỷ XIX, sau khi Đức Mẹ hiện ra với Thánh Catherine Labouré tại nguyện đường nhà Dòng Nữ Tử Bác Ai năm 1830, sau đó Đức Thánh Cha Piô IX đã long trọng ban bố tín điều Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội vào ngày 8.12.1854. Bốn năm sau đó, vào ngày 25.3.1858, Đức Mẹ hiện ra tại hang đá Massabielle Lộ Đức, với thánh nữ Bernadette Soubirous. Đức Mẹ đã xác nhận tín điều trên đây khi tự xưng mình là “Ta là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội”.
Với Đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội, Mẹ Maria trở thành một chứng nhân cụ thể cho tình yêu bao la của Thiên Chúa dành cho toàn thể nhân loại. Chính vì thế, trong ngày lễ hôm nay, Giáo Hội đã mượn lời Thánh Vịnh 97 để cùng hát lên trong hân hoan cảm tạ : “Hãy ca tụng Chúa một bài ca mới.Vì Người đã thực hiện những việc lạ lùng…Chúa đã công bố ơn cứu độ, đã tỏ sự công chính Người trước mặt chư dân…mọi dân trên khắp cùng bờ cõi trái đất đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta…”
Với Đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội, Mẹ Maria được quyền năng và tình yêu Thiên Chúa đổ tràn.Mẹ được khỏi tội tổ tông và được đầy ơn ơn sủng ngay từ trong lòng Mẹ. Quyền năng và tình yêu Chúa bao phủ suốt cả đời Mẹ trên từng ý nghĩ, từng tình cảm, từng mỗi hành động, từng mỗi bước đi… khiến cho tâm hồn Mẹ luôn hướng về Chúa mà tạ ơn và ngợi khen liên lỉ. Đặc ân cao trọng này chính là sự thánh thiện tinh tuyền của Mẹ, vốn đã được “Thánh Thần ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao rợp bóng trên bà” (Lc 1,35).
Tiền định của Đức Maria, như tất cả chúng ta, trong tương quan với tiền đình của Chúa Con. Chúa Kitô là chổi non mọc lên để đạp dập đầu con rắn xưa, theo sách Sáng Thế (x. St 3 , 15) là Con Chiên không tì vết (x. Xh 12, 5 , 1 P 1 , 19) tự hiến tế để cứu chuộc con người khỏi tội lỗi.
Với tiên đoán về cái chết cứu cứu chuộc của Ngài, Đức Maria đã được gìn giữ khỏi tội nguyên tổ và mọi tội lỗi khác. Trong chiến thắng của Adam mới, đó cũng là của Eva mới, mẹ của những người đã được cứu chuộc. Do đó Đức Maria Vô Nhiễm là một dấu chỉ niềm hy vọng cho tất cả chúng sinh, những người đã chiến thắng Sa-tan nhờ máu của Con Chiên (x. Kh 12 , 11).
Mẹ Maria đã được Thiên Chúa chọn làm Mẹ của Chúa Giêsu – Con Một Người. Để Mẹ được xứng đáng với thiên chức đó hơn, Mẹ đã được Người ban cho đặc ân “vô nhiễm nguyên tội”. Nhờ đó, Mẹ đã không bị truyền tội tổ tông do Adam và Eva gây ra ngày trước. Tuy nhiên, việc lãnh nhận đặc ân đó không phải ngẫu nhiên mà chính là nhờ hai tiếng “xin vâng”. Chính sự vâng phục Thiên Chúa đã đưa Mẹ rời khỏi hàng tội nhân của tội nguyên tổ và trở thành người diễm phúc nhất trong tất cả phụ nữ.
Đức Maria là Mẹ của Giáo hội và là Mẹ của tất cả chúng ta. Mẹ đã để lại cho chúng ta những tấm gương sáng cho chúng ta noi theo để chúng ta cũng nhận được ân sủng của Chúa ban như Mẹ. Mẹ đã sống một cuộc sống mật thiết với Thiên Chúa qua đời sống cầu nguyện. Mẹ mở rộng tâm hồn để đón nhận Lời Chúa, và trung thành sống theo ý Chúa như lời Mẹ thưa cùng Thiên thần Chúa trong bài Tin mừng hôm nay: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền.”