2021
ĐỪNG CHÚ TRỌNG VẺ BÊN NGOÀI
10/2Lễ Nhớ
Thường Niên
Năm BTr
Thánh Scholastica, Đt
St 2:5-9,15-17; Tv 104:1-2,27-28,29-30; Mc 7:14-23
ĐỪNG CHÚ TRỌNG VẺ BÊN NGOÀI
Trang Tin Mừng ta nghe hôm nay tiếp tục đề cập đến cái sạch dơ như một nối tiếp của bản văn Tin mừng hôm qua nhưng theo một chiều hướng khác, đó là cái bên trong và cái bên ngoài.
Ta tháy Chúa Giêsu lẫn người Do thái đều không đứng trên bình diện sinh học để cứu xét thức ăn sạch hay dơ, tốt hay xấu, nhưng cả hai phê phán giá trị thức ăn theo quan điểm luân lý. Người Do thái qui định một số thức ăn không được phép dùng, ban đầu có thể là do yếu tố vệ sinh, y học, nhưng về sau họ đánh giá theo một góc độ khác. Chẳng hạn người Do thái không ăn máu và những thú vật bị chết ngạt, vì họ cho rằng máu tượng trưng cho sự sống, mà sự sống là độc quyền của Thiên Chúa, do đó con người không được phép đụng tới. Quan niệm này tiếp tục tồn tại trong Giáo Hội Kitô tiên khởi và các tín hữu gốc ngoại giáo được yêu cầu nhượng bộ các Kitô hữu gốc Do thái ở điểm này.
Thắc mắc của các môn đệ và giải đáp của Chúa Giêsu được tác giả Marcô ghi lại ở đây, có lẽ phản ánh bầu khí tranh luận của Giáo Hội tiên khởi lúc ấy và hướng giải quyết vấn đề mà Giáo Hội dần dần phải theo, đó là mọi thức ăn đều thanh sạch; điều quan trọng hơn chính là tâm hồn con người, bởi vì thức ăn sạch, chén đĩa sạch, tay chân sạch có ích gì cho việc mưu cầu ơn cứu độ, nếu con người còn có tâm hồn lừa dối Thiên Chúa và phỉnh gạt người khác.
Có một lần Phêrô đã phản ứng như mọi người Do thái. Trong một thị kiến, Phêrô được lệnh phải giết và ăn các thú vật nằm trên tấm khăn lớn từ trời buông xuống, nhưng Phêrô lập tức từ chối vì cho đó là thức ăn dơ. Tuy nhiên, Thiên Chúa đã sửa sai quan niệm của ông: những gì Thiên Chúa tuyên bố là thanh sạch, thì con người chớ gọi là ô uế. Thật ra, thị kiến này chỉ có ý nghĩa tượng trưng: Phêrô được lệnh phải tiếp đón lương dân vào Giáo Hội, những người mà Do thái giáo cho là nhơ uế.
Như vậy, khi trả lời cho câu hỏi về vấn đề sạch, dơ ở đây, Chúa Giêsu muốn nói rằng người ta không thể đánh giá người khác dựa trên mầu da, chủng tộc, văn hóa, ngôn ngữ, giai cấp, vì tất cả những điều ấy chỉ là những hình thức phụ thuộc; mỗi người sẽ bị Thiên Chúa đánh giá dựa vào tâm địa tốt hay xấu của mình và những hành vi xuất tự tâm địa ấy.
Từ chỗ không kỳ thị về các sự vật, Kitô giáo tiến tới chỗ không kỳ thị về con người. Bằng chứng là trong giáo lý Công giáo hiện nay, không hề có dị ứng trước các thực tế của nhân loại, cũng không đặt bảng phân loại con người để tiếp nhận và Giáo Hội hay lập thang giá trị để đáng giá các phần tử trong Giáo Hội. Trái lại Kitô giáo mang tinh thần đại đồng và phổ quát, xứng đáng được gọi là đạo Công Giáo.
Trong đời sống thường ngày, chúng ta chỉ quan sát được cái bên ngoài, còn cái bên trong thì ta không thể quan sát hay cảm nhận được bằng các giác quan. Vì vậy, cái bên ngoài và cái bên trong có nhiều điều để nói. Chúa Giêsu nói với đám đông dân chúng: “Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ trong con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế”. Sau đó Chúa Giêsu còn giải thích cho các môn đệ hiểu rõ những lời dạy của Ngài. Thật vậy, cái có thể làm cho con người ra ô uế không phải cái từ bên ngoài mà chính là những cái phát xuất từ bên trong như ghen ghét, lười biếng, trộm cắp, gian dâm, xảo trá, kiêu ngạo… Đó là những cái từ trong lòng xuất phát ra. Nó làm cho con người ta ra dơ bẩn.
Tội lỗi thường phát xuất từ lòng con người, nó làm cho con người mất ân nghĩa với Chúa, mất tương quan tốt đẹp với tha nhân. Bởi vậy, người ta thường nói: “Tư tưởng của bạn thế nào thì hành động của bạn như vậy”, khi chúng ta nghĩ điều gì, ấp ủ điều gì trong lòng chúng ta dễ dàng hành động theo cái chúng ta suy nghĩ. Khi mình yêu mến ai, nghĩ tốt cho ai mình thường đối xử với người đó một cách dễ dãi, xuề xoà hay có một tương quan khá dễ chịu. Ngược lại, khi ta ác cảm với ai ta thường hay bắt bẻ, so đo, tính toán với người đó.
Vì vậy, tội lỗi thường xuất phát từ lòng người, đó là cái bên trong làm cho con người ra dơ bẩn. Đó cũng là cái bên trong mà Chúa Giêsu muốn nói đến, cái bên trong hay chúng ta còn gọi là “cái tâm”. Cái tâm tốt thì con người tốt và ngược lại cái tâm xấu làm cho con người cũng có những hành động xấu. Là những người Kitô hữu, chúng ta cần phải “tu tâm dưỡng tính” để ta luôn xuất ra bên ngoài những hành động tốt, đầy tình yêu thương. Cái dơ bẩn bên ngoài thì dễ tẩy rửa, nhưng nếu tâm hồn ta hoen ố vì tội lỗi, vì những đó kỵ, những tị hiềm thì ta khó có thể sửa đổi ngay được.
Đôi khi chúng ta chỉ vì những cái lợi nho nhỏ mà làm mất chính mình, làm mất những tương quan tốt đẹp trong đời sống của mình. Sống trong nền kinh tế thị trường hôm nay, người ta thường đặt lợi nhuận lên hang đầu. người ta tìm mọi cách để trục lợi, bất chấp những luân thường đạo lý. Vì thế người ta thường sống trong nghi kỵ, không còn tin vào người khác
Nhóm biệt phái thời Chúa Giêsu là nhóm chuyên để ý soi mói, lên án và trách móc người khác. Trong khi chính họ lại không quy hướng cuộc sống mình về Thiên Chúa mà luôn ảo tưởng, tự mãn với cái đạo đức giả hình của mình. Vì vậy họ thường tìm cách bắt bẻ người khác, chú tâm đến những luật lệ bên ngoài còn chính họ, họ lại không “tu tâm” để chính họ được sạch và bình an. Lời Chúa hôm nay cảnh cáo chúng ta về những ảnh hưởng của thế gian. Chúng ta phải làm chứng cho Chúa bằng chính cái tâm trong sáng của mình để tất cả những hành động, lời nói của chúng ta là những điều tích cực, mang lại niềm vui và bình an cho người khác.
Chúng ta thường đánh giá con người qua những gì quan sát được bên ngoài. Đôi khi cái bên ngoài trông rất tầm thường nhưng bên trong lại chứa đựng cả một kho tang vô giá ta không thấy được bằng quan sát bên ngoài mà ta chỉ có thể thấy được bằng cái tâm của mình. Do đó chúng ta cần phải điều chỉnh lại bằng cách xin Chúa giúp cho chúng ta có được cái nhìn thiện cảm về tha nhân để chúng ta biết nhìn sự thật nơi chính mình và luôn thể hiện những điều tốt đẹp qua cuộc sống của mình như những gì Chúa muốn dạy chúng ta.
Vốn dĩ là Kitô hữu, từ khi lãnh nhận bí tích Rửa tội, chúng ta thuộc về Chúa Kitô vì vậy chúng ta phải nên gương mẫu về đời sống đạo đức, sống thật với con người của mình từ bên trong lẫn bên ngoài. Chúng ta cần quy hướng về Chúa để mọi hành động và lời nói của ta luôn xuất phát từ một cái tâm ngay thẳng chứ không phải là những lời nói, hành động gây đau khổ cho người khác.
2021
Ngày 10 tháng 2 Thánh Cô-lát-ti-ca, trinh nữ
Ngày 10 tháng 2
Thánh Cô-lát-ti-ca, trinh nữ
lễ nhớ bắt buộc
Ca nhập lễ
Đây là một trong số các trinh nữ khôn ngoan,
đã cầm đèn sáng ra đón Đức Ki-tô.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, hôm nay chúng con mừng kính Thánh nữ Cô-lát-ti-ca. Xin cho chúng con theo gương người để lại biết hết lòng mến yêu phụng thờ Chúa và cảm nghiệm tình thương Chúa ngọt ngào. Chúng con cầu xin …
Bài đọc 1
Dc 8,6-7
Tình yêu mãnh liệt như tử thần.
Bài trích sách Diễm ca.
6Xin đặt em như chiếc ấn trên trái tim anh,
như chiếc ấn trên cánh tay anh.
Phải, tình yêu mãnh liệt như tử thần,
cơn đam mê dữ dội như âm phủ.
Lửa tình là ngọn lửa bừng cháy,
một ngọn lửa thần thiêng.
7Nước lũ không dập tắt nổi tình yêu,
sóng cồn chẳng tài nào vùi lấp.
Ai đem hết gia tài sự nghiệp mà đổi lấy tình yêu,
ắt sẽ bị người đời khinh dể.
Đáp ca
Tv 148,1-2.11-12.13-14a.14bc (Đ. x. c.12a và 13a)
Đ.Ai là nam thanh, ai là nữ tú,
nào ca tụng thánh danh Chúa đi !
1Ca tụng Chúa đi, tự cõi trời thăm thẳm,
ca tụng Người, trên chốn cao xanh.
2Ca tụng Chúa đi, mọi sứ thần của Chúa,
ca tụng Người, hỡi toàn thể thiên binh !
Đ.Ai là nam thanh, ai là nữ tú,
nào ca tụng thánh danh Chúa đi !
11Bậc vua chúa cũng như hàng lê thứ,
khanh tướng công hầu, thủ lãnh trần gian,
12ai là nam thanh, ai là nữ tú,
khắp mặt bô lão, khắp mặt nhi đồng !
Đ.Ai là nam thanh, ai là nữ tú,
nào ca tụng thánh danh Chúa đi !
13Nào ca tụng thánh danh Đức Chúa.
vì thánh danh Người cao cả vô sông,
và oai phong Người vượt quá đất trời.
14aThế lực dân Người, Người đã nâng cao.
Đ.Ai là nam thanh, ai là nữ tú,
nào ca tụng thánh danh Chúa đi !
14bcĐó là bài ca tụng của những ai hiếu trung với Chúa,
của con cháu nhà Ít-ra-en, dân gần gũi với Người.
Đ.Ai là nam thanh, ai là nữ tú,
nào ca tụng thánh danh Chúa đi !
Tung hô Tin Mừng
Ga 14,23
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Chúa nói : “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến với người ấy.” Ha-lê-lui-a.
Tin Mừng
Lc 10,38-42
Cô Mác-ta đón Đức Giê-su vào nhà. Cô Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.
38 Khi ấy, Đức Giê-su vào một làng kia. Có một người phụ nữ tên là Mác-ta đón Người vào nhà. 39 Cô có người em gái tên là Ma-ri-a. Cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy. 40 Còn cô Mác-ta thì tất bật lo việc phục vụ. Cô tiến lại mà nói : “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao ? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay !” 41 Chúa đáp : “Mác-ta ! Mác-ta ơi ! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá ! 42 Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất, và sẽ không bị lấy đi.”
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, chúng con ca tụng Chúa đã làm những việc kỳ diệu nơi thánh trinh nữ T … xin vui lòng chấp nhận lễ tế chúng con thành kính dâng lên Chúa và xin ban cho chúng con trung thành phụng sự Chúa suốt cả cuộc đời. Chúng con cầu xin …
Lời Tiền Tụng Chúa
Lạy Chúa là Cha chí thánh, là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, nhờ Ðức Ki-tô, Chúa chúng con, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con.
Vì chính Người, khi sinh ra đã đổi mới con người cũ, khi chịu khổ hình, đã tẩy xoá tội lỗi chúng con, khi từ cõi chết sống lại, đã khai lối vào chốn trường sinh, và khi lên cùng Chúa là Cha, Người đã mở cửa Nước Trời.
Vì thế, cùng với toàn thể Thiên thần và các thánh, chúng con hát bài ca chúc tụng Chúa và không ngừng tung hô rằng:
Thánh! Thánh! Thánh! …
Ca hiệp lễ
Mt 25,6
Kìa Tân Lang là Đức Ki-tô đã tới,
hãy ra nghênh đón Người.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, Chúa đã ban lương thực bởi trời để chúng con được thêm sức mạnh. Xin cũng giúp chúng con, biết noi gương sáng của thánh trinh nữ T … là chỉ sống cho Chúa khi mang trong thân mình cuộc thương khó của Chúa Kitô. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.
2021
TUÂN GIỮ LỜI CHÚA
9/2 Thứ Ba trong tuần thứ Năm Mùa Quanh Năm
St 1:20; St 2:4; Tv 8:4-5,6-7,8-9; Mc 7:1-13
TUÂN GIỮ LỜI CHÚA
“Phép Vua – thua lệ làng !” – rất có thể đây là sự liên tưởng hoặc cảm xúc của nhiều độc giả khi đọc xong trình thuật Tin Mừng hôm nay. Sự liên tưởng hoặc cảm xúc này hẳn có lý do của nó, ấy là vì câu trả lời quá xác đáng của Chúa Giêsu trước lời trách cứ của các Pharisêu và kinh sư về việc môn đệ Ngài không rửa tay trước khi dùng bữa.
Đối với người Do Thái, việc rửa tay, rửa chén đĩa, rửa thực phẩm, không chỉ là một biện pháp vệ sinh nhằm phòng bệnh, mà còn là một nghi thức tôn giáo nói lên ước nguyện trở nên thanh sạch để có thể hiệp thông với Thiên Chúa là Đấng Thánh. Đây là điều tốt, nhưng người Biệt phái đã quá vụ hình thức mà bỏ quên điều thiết yếu, họ phán đoán những người xấu hay tốt dựa trên những hình thức bên ngoài. Chúa Giêsu đã trả lời cho thái độ vụ hình thức ấy như sau: “Các ông gạt bỏ giới răn của Thiên Chúa qua một bên, mà duy trì truyền thống của người phàm”(Mc 7,13).
Và rồi Chúa Giêsu muốn cho thấy các việc làm bên ngoài ấy, dù có tính cách tôn giáo đến đâu, cũng không thể thay thế cho một việc khác quan trọng hơn. Điều quan trọng là sự thanh sạch của tâm hồn, chứ không phải việc rửa tay, rửa vật dụng bên ngoài. Đừng lẫn lộn ý muốn của con người với ý muốn của Thiên Chúa, đừng lẫn lộn tập tục của truyền thống phàm nhân với Lề Luật do chính Thiên Chúa ban bố.
Luật Thiên Chúa giúp cho con người sống ngày càng viên mãn, hầu dẫn đưa họ về cuộc sống đích thực mà Thiên Chúa mong muốn. Thế nhưng, trải qua thời gian dưới sự hướng dẫn của các kinh sư và người Pharisêu, dân Israel đã không còn sống theo tinh thần của Lề Luật mà chỉ chú trọng đến hình thức bên ngoài. Họ không nhận ra điều tinh túy mà chỉ chăm chú giữ gìn khoản luật chi li và tỉ mỉ.
Ngày hôm nay, mỗi Kitô hữu chúng ta cũng đang bị cám dỗ tôn thờ Thiên Chúa cách hình thức, giả tạo, bằng lòng với việc giữ đạo cách tối thiểu chỉ để lương tâm yên ổn, còn lòng trí thì ở xa Người.
Nhưng thật ra, sứ điệp quan thiết nhất cho chúng ta hôm nay lại nằm ở câu trích sách Isaia mà Chúa Giêsu dùng lại: dân này tôn kính Ta bằng môi miệng. Lời này vừa như để tố cáo cách khôn ngoan mà thẳng thắn những kẻ tự cho mình là công chính qua việc giữ luật thật tỉ mỉ ; mà cũng vừa như thể trách móc dân chúng và những ai đã nhẹ dạ cả tin đi theo thói đạo đức giả của những người lãnh đạo thiếu hẳn một tấm chân tình và lòng kính sợ Thiên Chúa thật sự.
Hóa ra rằng dù muốn dù không, cho đến lúc này Lời Chúa Giêsu vẫn âm vọng đâu đó trong tâm trong trí ta, thư thể Ngài đang thì thầm trong ta: con tôn kính Ta bằng môi miệng ; con bỏ giới răn của Ta để giữ truyền thống của các con; …
Âm vọng đó có thể khiến ta tránh né hoặc dừng lại để biện hộ. Tránh né bởi chuyện lòng ta xa Chúa đã quá rõ ràng. Nếu ta đã từng rất siêng đi lễ, đọc kinh sốt sắng nhưng không thể tha thứ cho người anh chị em xúc phạm đến ta ; đã từng cảm thấy vô cùng xấu hổ và mất mặt vì người con gái trong gia đình ta lỡ mang thai ngoài hôn nhân nên đã phá thai để che chắn; đã từng hy sinh thời gian và công sức để giảng dạy rất hay về giáo lý, về Lời Chúa, nhưng đời sống ta lại không làm chứng nổi cho những lời ấy ; ….
Biện hộ vì dường như ta đã dễ dàng để ma quỷ hạ gục, dễ dàng để ma quỷ điều khiển với những lý lẽ quá ỷ lại vào lòng xót thương và quyền năng của Chúa như: Chúa biết hoàn cảnh của con, xin Chúa thông cảm cho con ; Chúa khoan dung vô cùng, Chúa sẽ tha thứ cho con; … nhằm xoa dịu lương tâm rồi cứ vô tư làm điều mình muốn, bất chấp những giới răn của Chúa.
Và ta thấy khi càng thành tâm để Lời Chúa soi chiếu vào mọi ngõ ngách đời mình, ta sẽ nhận ra mình đã ít nhiều thiếu hẳn một tấm lòng dành cho Chúa trong mọi chọn lựa sống đạo, trong các nỗ lực thi hành giới răn Chúa, trong những giờ dành cho Chúa, … Sự thiếu vắng ngày khiến cho các việc ta làm thiếu đi ý nghĩa của nó. Dĩ nhiên là chỉ khi nào ta dành cho Chúa trọn cả tấm lòng, trọn cả mối tình, thì các hành động của ta mới mang chở đầy đủ ý nghĩa của nó, nhờ thế, ta mới có thể lớn lên trong ơn thánh, mới có thể dấn bước mà chạm đến ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho mỗi người. Tắt một lời, khi nào sống với Chúa trọn tình, ta mới đạt vẹn nghĩa làm con.
Đã hẳn chẳng ai trong chúng ta muốn thất nghĩa hoặc bất hiếu với Chúa. Vì thế, đây là lúc thuận tiện để tôi, bạn và anh chị, ta cùng mời Chúa Giêsu đến và ngoan ngoãn để Người vẽ bày cho ta cách sống trọn tình vẹn nghĩa với Người.
Sống và giữ đức bác ái với tha nhân là điều cần thiết. Chính vì thế Chúa Giêsu đã khiển trách người Pharisêu là những kẻ chỉ giữ luật bên ngoài mà quên đi cốt lõi của luật là tình yêu. Dù mang danh là Kitô hữu, nhưng chắc hẳn đã hơn một lần chúng ta để luật lệ chi phối những hành vi yêu thương, bác ái của mình. Hôm nay, Chúa mời gọi chúng ta hãy sống ngay thẳng, sống đúng với lương tâm của mình và giới răn mến Chúa yêu người như Chúa truyền dạy, nghĩa là sống theo truyền thống luật Chúa chứ đừng theo truyền thống luật con người chủ quan tạo ra. Ngày nay, Đức Giêsu mời gọi ta đừng “chạy” theo xã hội nữa, mà “dừng” lại suy ngẫm luật yêu thương của Chúa.
Ta thấy hôm nay ta được Chúa mời gọi mỗi người chúng ta trở về với điểm căn bản: hãy đặt Chúa vào chỗ thứ nhất và tuân giữ giới răn của Ngài. Chúa không chủ trương phá bỏ hình thức lễ nghi cơ cấu, nhưng chỉ muốn đặt chúng vào đúng vị trí. Hãy biết trân trọng và thực hiện điều chính yếu mà Chúa chờ đợi, thay vì cứ loay hoay với những điều phụ thuộc do loài người đặt ra.
2021
CHẠM ĐẾN CHÚA
8/2 Thường Niên
Thứ Hai trong tuần thứ Năm Mùa Quanh Năm
St 1:1-19; Tv 104:1-2,5-6,10,12,24,35; Mc 6:53-56
CHẠM ĐẾN CHÚA
Con người sinh ra hết sức bình thường là có ngũ quan.Xúc giác chính là một trong những ngũ quan của con người.
Nhìn thấy, nghe thấy, ngửi thấy, có khi vẫn chưa đủ. Người ta còn muốn sờ thấy, xem đằng mặt, bắt đằng tay.Sờ là một cách kiểm chứng đôi khi được coi là đáng tin hơn thấy. Đức Giêsu phục sinh đã nói với các môn đệ: “Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương thịt như anh em thấy Thầy có đây?” (Lc 24, 39). Thánh Tôma xem ra thích kiểm chứng bằng đụng chạm: “…nếu tôi không đặt ngón tay tôi vào lỗ đinh, không đặt bàn tay tôi vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin” (Ga 20, 25).
Ta thấy Chúa Giêsu phục sinh đã chiều Tôma (Ga 20, 27). Thiên Chúa đã chiều nhân loại, khi cho Con Ngài làm người như ta, nhờ đó chúng ta có thể đụng chạm đến Thiên Chúa theo nghĩa đen. Thánh Gioan đã reo lên khi loan báo Tin Mừng này: “Điều vẫn có ngay từ lúc đầu, điều chúng tôi đã nghe, Điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và bàn tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống” (1 Ga 1, 1).
Ta thấy chỉ với 4 câu vắn vỏi mà thánh Marcô dễ dàng giúp độc giả hình dung chuỗi hoạt động của Chúa Giêsu trong khung cảnh nhộn nhịp và sống động: Người ra khỏi thuyền, lên đất liền rồi đi vào các làng mạc, thành thị và thôn xóm. Hẳn nhiên đây không phải là sự nhộn nhịp và sống động của phố chợ hoặc bán buôn. Bầu khí sống động được kiến tạo bởi rất đông người ta và những kẻ ốm đau. Sự nhộn nhịp được tôn tạo nhờ vẻ đẹp của những nét mặt căng tràn tươi vui và hy vọng, của những tiếng cười nói động viên nhau chờ đợi và cố tìm cách đến với Chúa Giêsu, của những lời trầm trồ và kinh ngạc vì hồng ân khỏi bệnh quá lớn và quá bất ngờ, nhất là của chính con người Chúa Giêsu: ân cần, tận tụy, dịu hiền, nhanh nhẹn và đầy quyền năng; sẵn sàng để cho con người quấy rầy, réo gọi và đụng chạm.
Quả là Chúa Giêsu có sức thu hút mãnh liệt đối với dân chúng. Họ tin tưởng vào quyền năng và tình yêu thương của Ngài. Họ không mong gì hơn là được chạm vào tua áo của Ngài. Chắc chắn sự đụng chạm này không chỉ sơ sài nơi tua áo, mà là cái đụng chạm của lòng tin, của Trái Tim với trái tim ; mà là sự gặp gỡ giữa Thiên Chúa và loài người, giữa Đấng Chữa Lành và phận người toang vỡ vì đau khổ, bệnh tật và tội lỗi. Sự đụng chạm ấy, cuộc gặp gỡ ấy đẹp đẽ và xúc động làm sao. Đẹp vì Con Thiên Chúa làm người đã sẵn sàng hiện diện, sẵn sàng ở ngay bên để con người có thể chạm vào bất cứ lúc nào. Xúc động vì con người đã tìm gặp được Đấng đáng cậy tin để họ hân hoan mở cửa lòng mình và vui nhận hồng ân được tái sinh, được chữa lành. Họ hạnh phúc biết bao ! Hạnh phúc vì phận người mỏng dòn yếu đuối nay được tiếp sức bằng Sự Sống của Đấng ba lần Thánh. Hạnh phúc vì kiếp tục trần nay được chạm vào thánh thiêng.
Quyền năng của Chúa Giêsu được thi thố qua việc chữa bệnh.“Người ở đâu thì người ta cáng bệnh nhân đến đó. Người đi tới đâu… người ta cũng đặt kẻ ốm đau ở chỗ công cộng” (cc. 55-56). Dân chúng tin vào sức mạnh xuất phát từ chính con người Đức Giêsu. Ở đây không phải là chuyện Ngài đụng chạm vào các bệnh nhân để chữa họ, mà là các bệnh nhân xin “ít là được chạm đến tua áo choàng của Người; và “bất cứ ai chạm đến, thì đều được khỏi” (c. 56). Cái chạm của bệnh nhân là cái chạm của lòng tin vào Đức Giêsu. Nó giống với cái chạm của người phụ nữ bị băng huyết (Mc 5, 28). Không phải chỉ là chạm bằng tay, mà bằng cả con người.
Và ta thấy câu chuyện đụng chạm, chuyện gặp gỡ, chuyện mở cửa lòng, chuyện chữa lành hôm xưa vẫn tiếp diễn hôm qua, hôm nay và mãi mãi. Thiên Chúa vẫn có đó, trong mọi biến cố đời thường, trong Thánh Kinh, trong giáo huấn của giáo hội, trong kinh nguyện và nhất là trong mỗi Thánh Lễ. Người vẫn đi giữa nhân loại, vẫn rảo bước khắp làng mạc thôn xóm, vẫn ở đó với con người trong mọi phút buồn vui cuộc đời, vẫn sẵn sàng cho những quấy rầy và đụng chạm của con người. Liệu ta có muốn chạm vào Người và mở lòng cho những cuộc gặp gỡ thần diệu ấy chăng ? Liệu ta có muốn Người chữa lành những tật bệnh tinh thần và thiêng liêng cho ta chăng ?
Hơn thế, tôi, bạn và anh chị, ta còn mang trong mình phận vụ quan trọng và cấp thiết hơn bao giờ hết, là trở thành những Giêsu khác giữa dòng đời hôm nay, là nhân danh Người mà phục vụ các nhu cầu của tha nhân, nhất là của những người nghèo đói tật bệnh. Ta có dám sống với người nghèo và sẵn lòng để cho họ quấy rầy ta chăng ? Ta có dám học cách phục vụ người nghèo như Chúa Giêsu, là mau mắn trong những hành động cụ thể chứ không phải chỉ nhanh nhạy trong ý tưởng và nói rất hay nơi bàn giấy chăng ?
Nếu dám nghĩ, dám làm những gợi ý trên nơi bản thân, trong gia đình mình và tại thôn xóm mình thôi, là ta đang trở thành những tác viên tin mừng, những chứng nhân của tân phúc âm hóa đời sống gia đình và là những Giêsu khác như giáo hội thiết mong.
Nơi đáy lòng con người vẫn có khát khao được đụng chạm đến Thiên Chúa, cả nơi những người không tin có Ngài hay bướng bỉnh như Tôma. Truyền giáo là giúp người ta thực hiện ước mơ chính đáng: chạm đến Thiên Chúa. Nhà truyền giáo phải là người đã có kinh nghiệm chạm đến Thiên Chúa. Những ước mong mỗi Kitô hữu trở nên một nhà truyền giáo nhờ đụng chạm đến Lời Chúa và các Bí Tích mỗi ngày.