2021
ĐỪNG VỤ HÌNH THỨC
17/2 Thứ Tư Lễ Tro
Ge 2:12-18; 2 Cr 5:20-6; Tv 51:3-4,5-6,12-13,14,17; Mt 6:1-6,16-18
ĐỪNG VỤ HÌNH THỨC
Khi thấy được những Luật Sĩ và Biệt Phái sống kiểu bịp bợm, lưu manh…, Chúa Giêsu đã không muốn để cho dân chúng bị mắc hợm và cũng không muốn các môn đệ của mình khi thi hành sứ vụ lại có một lối sống như họ. Vì thế, Ngài đã thẳng thắn phê phán họ cách công khai và hướng dẫn các môn đệ về cách thức thi hành Luật Chúa.
Tin Mừng hôm nay ghi lại những lời dạy của Chúa Giêsu về tinh thần tu đức cần phải có, với nguyên tắc sống đạo: đừng làm việc lành có ý phô trương cho người ta thấy. Theo luật Môsê, bố thí, cầu nguyện, ăn chay là những việc lành cao quý, và người ta thường tổ chức các việc đạo đức đó cách công khai để thúc đẩy nhiều người tham gia. Chúa Giêsu không phản đối các việc đó, nhưng Ngài chỉ muốn người ta thực hiện chúng với ý hướng mới, đó là làm vì lòng yêu mến và tìm đẹp lòng Chúa hơn là để được người đời khen ngợi. Chẳng vậy, các việc đạo đức ấy có thể chỉ có hình thức, đấy là chưa nói đến trường hợp có nhiều người làm bộ cầu nguyện lâu giờ, ăn chay nhiều ngày, bố thí rộng rãi để dễ lừa gạt người khác.
Ta thấy Chúa Giêsu đã lên tiếng nói: “Hỡi những kẻ giả hình, chớ thì trong ngày Sabát, mỗi người trong các ông không thả bò hay lừa của mình ra khỏi chuồng mà dẫn nó đi uống nước sao? Phương chi người con gái của Abraham này, Satan cột trói nó đã 18 năm nay, chớ thì không nên tháo xiềng xích buộc nó trong ngày Sabát sao?”. Qua câu hỏi đó, Đức Giêsu mặc cho luật một tinh thần mới, đó là: yêu thương, liên đới và tha thứ. Đây chính là cốt lõi của luật. Luật mà không có tình yêu lồng vào thì đó là luật chết, vì nó giết chết con người cách khủng khiếp nhất.
Những kinh sư và những người Pharisiêu là những nhà lãnh đạo Do Thái giáo, những thầy dạy trong dân mà họ lại “sống giả hình”, họ dẫn dân đi trên “đường mù quáng” của chính họ. Chúa Giêsu cực lực phản đối thái độ sống như vậy. Thực ra trở ngại của những kinh sư và những người Pharisiêu khiến Chúa Giêsu phải nặng lời không phải là điều khó khăn quá sức không thể dứt bỏ, nó chỉ như những cục đá nhỏ nhưng họ không dám bỏ đi mà thôi.
Người ta vẫn thường nhắc nhở: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” nhưng chúng ta vẫn bị quyến rũ mạnh mẽ bởi cái dáng vẻ bên ngoài. Chính vì thế trước những chiêu quảng cáo tinh vi, các khách hàng là “thượng đế” dễ dàng mềm lòng tưởng rằng chất lượng sản phẩm tất nhiên đi đôi với mẫu mã đẹp hoặc tin như đinh đóng cột rằng khi dùng những sản phẩm này hoặc dịch vụ nọ mình sẽ đẹp hơn, thông minh hơn, “đẳng cấp” hơn… Tình trạng “mập mờ đánh lận con đen” ấy càng dễ xảy ra trong đời sống tâm linh: Có biết bao người “ngoài miệng thì niệm nam mô, trong lòng thì chứa một bồ dao găm” và Thánh Vịnh cũng điểm mặt: “Miệng thì chúc phúc cầu an, mà lòng nguyền rủa chứa chan những lời” (Tv 62, 5b). Chúa khiển trách họ nặng nề và gọi họ là những “nấm mồ tô vôi” bên ngoài đẹp đẽ mà trong thì đủ mọi thứ ô uế.
Lời quở trách về sự sự giả hình bên ngoài, chỉ khác hình ảnh: “mồ mả” thay vì “chén đĩa”. “Khốn cho các ngươi, hỡi những luật sĩ và biệt phái giả hình, vì các ngươi rửa bên ngoài chén đĩa, nhưng bên trong, các ngươi đầy gian tham và nhơ bẩn”. Đây là những hình ảnh dành cho người biệt phái và luật sĩ: bên ngoài giữ luật rất tốt, đạo đức như cầu nguyện lâu giờ, cầu nguyện ở ngả ba đường, ăn chay tua áo thật dài… nhưng trong lòng họ đầy những xấu xa.
Ngày nay, vẫn có nhiều người xem ra rất đạo đức như: đọc kinh, xem lễ hằng ngày; lần hạt thì hết chuỗi này đến chuỗi khác. Điều này rất tốt và ích lợi cho đời sống thiêng liêng nếu người đó biết thực hành những điều Chúa và Giáo Hội dạy ngang qua những việc đạo đức đó, tức là “Lời nói đi đôi với việc làm”.
Chẳng phải chỉ thời những kinh sư và Pharisêu mới có nạn giả hình, giả dối! Thời nay cũng lắm sự giả dối: bằng giả, thực phẩm giả, hàng hóa giả v.v, đánh lừa người khác bằng vẻ bề ngoài hào nhoáng, hấp dẫn. Tinh quái hơn, người ta còn cố che đậy “mọi thứ ô uế” bên trong bằng những mỹ từ nghe rất vô hại, ví dụ: phá thai thì gọi là “điều hòa,” “bảo vệ sức khoẻ”, v.v… Vì thế, thật khó nhận ra bên trong thế giới rất tự hào về văn minh này lại đang nhung nhúc những thứ giả dối và gian ác.
Quả thực là ở đâu, vào thời nào, thói giả hình vẫn tồn tại trong lòng con người; và hơn nữa đối với các Kitô hữu, nó lại là một cơn cám dỗ triền miên. Chúng ta dễ có khuynh hướng trau chuốt bề ngoài để che đậy những xấu xa bẩn thỉu bên trong. Dĩ nhiên, xã hội cũng phải có những ràng buộc nhằm tạo nên trật tự và hài hoà. Nhưng nếu sự hài hoà đó không thể hiện trật tự nội tâm con người thì nó chỉ là một cái vỏ giả tạo, một nấm mồ được tô vẽ đẹp đẽ bên ngoài còn bên trong thì “đủ mọi thứ ô uế.”
Căn bệnh giả dối này đã di căn trong nhân loại mọi thời. Sách Sáng Thế vạch rõ sự dối trá được buông ra từ miệng lưỡi xỏ xiên của một con vật mà sách Khải Huyền gọi là “tên chuyên mê hoặc toàn thể thiên hạ” (Kh 12,9), và trong ngày cánh chung chúng và những người thích điều gian dối sẽ “bị tống ra ngoài” (Kh 12,10; 22,15), bị loại ra khỏi Giêrusalem mới trên thiên quốc (Kh 20,10). Chỉ có sự thật sẽ giải phóng con người (Ga 8,32) và Thiên Chúa chính là Sự Thật.
Ta thấy trớ trêu thay, vẫn còn đó những cái xác không hồn khi không biết sống yêu thương, không có tấm lòng bác ái, nhân từ, vẫn sống man trá, lọc lừa nhân danh thứ đạo đức dởm bề ngoài. Lại có nhiều người đi lễ đâu phải vì lòng mến Chúa, mà chủ yếu là khoe mẽ quần là áo lượt! Vì thế, khi thấy cha giảng hơi dài một chút là khó chịu, bực tức, hoặc khi cha dẫn giải Lời Chúa mà đụng chạm đến lòng tự ái của mình là đùng đùng nổi giận và chỉ trích cha thế này, cha thế kia…! Tệ hơn nữa là đi lễ chỉ vì luật, nên không thiếu gì những bạn trẻ đi lễ “ôm” hay thuộc đạo “gốc”; đạo “ngắm”; đạo “dòng”!
Chúa Giêsu cảnh giác chúng ta đề phòng thứ đạo đức vụ hình thức. Nhưng việc đạo đức tự nó rất ích lợi cho bản thân, cho tha nhân và đáng được Thiên Chúa ban thưởng, với điều kiện chúng được thực hiện với ý ngay lành. Chúng ta cần thực hành các việc lành với ý hướng này, vì đó là lẽ sống, là niềm vui và là động lực cho cuộc đời hy sinh phục vụ của chúng ta.
Chúa Giêsu muốn cho các môn đệ của Người đừng rơi vào lối sống giả hình, vụ hình thức, vụ lợi của những Luật sĩ và Biệt phái. Muốn được như thế, chúng ta hãy sống theo những tâm tình chia sẻ của thánh Phaolô khuyên dạy chúng ta “hãy lánh xa khỏi bất cứ người anh em nào sống vô kỷ luật…” và hãy noi gương bắt chước ngài trong đời sống công chính thánh thiện. Chúng ta đừng quá bận tâm với những hình thức bên ngoài, nhưng hãy mở rộng lòng đón lấy lời Chúa vào lòng, để cho lời ấy thức tỉnh mình, cộng tác với lời ấy và hoán cải đời sống. Chúa luôn chờ đợi mỗi người chúng ta những thành quả tốt đẹp của việc cải hóa tâm hồn.
2021
THIÊN CHÚA THI ÂN
16/2 Thứ Ba trong tuần thứ Sáu Mùa Quanh Năm
St 6:5-8; Tv 29:1-2,3-4,3,9-10; Mc 8:14-21
THIÊN CHÚA THI ÂN
Tin Mừng hôm nay có liên quan tới câu chuyện Tin Mừng về việc Chúa Giê-su làm phép hóa bánh ra nhiều (Mc 8, 1-10). Phép lạ hóa bánh ra nhiều, Chúa Giê-su không chỉ muốn thể hiện uy quyền nhưng quan trọng hơn, Chúa Giê-su muốn hướng lòng dân chúng tới một thứ bánh “thiêng liêng” hơn là đơn thuần là thứ bánh vật chất.
Thế nhưng, những người biệt phái và ngay cả các môn đệ thân cận với Chúa cũng mang thật nặng chất “con người”. Sau phép lạ bánh hóa nhiều, điều còn dư âm lại trong trí các môn đệ chỉ là… bánh, thứ bánh ăn rồi vẫn đói, không có gì hơn! Các môn chỉ nghĩ đến những cái trước mắt, những cái vật chất của thế giới trần tục này.
Các ông chưa biết đi từ dấu chỉ ấy để vươn lên tới chỗ nhận ra uy quyền của Chúa Giêsu. Ðức Giêsu muốn hướng các ông có cái nhìn cao hơn, khát khao những điều vĩ đại hơn thuộc thế giới thần thiêng. Vì quá quan tâm vướng bận đến tranh cải về việc thiếu mang bánh vật chất, Chúa Giê-su định hướng lại cho các môn đệ sự hiện diện của chính Chúa là Đấng quyền năng có thể biến cái không thành có.
Khi Thiên Chúa thi ân, Ngài muốn ban dư đầy ngoài sự chờ đợi của con người. Khi người con hoang lên đường trở về nhà cha, anh chỉ muốn làm một tên đầy tớ trong nhà mà thôi. Thế nhưng, chẳng những anh được người cha nhìn nhận như con, mà còn được đãi tiệc mừng như một ông hoàng. Manna được ban trong sa mạc cũng thế, Thiên Chúa không chỉ ban vừa đủ dùng, Ngài còn cho dư dật. Mẻ cá lạ cũng vậy : cá nhiều đến độ muốn rách cả lưới.
Thiên Chúa luôn đáp trả ngoài sự chờ đợi của con người. Ngài chỉ có một thứ cân lường duy nhất đó là yêu thương và ban phát đến cùng. Và càng ban phát, Ngài càng ẩn mình đi. Quà Giáng sinh ban tặng chúng ta là sự sống, nhưng Thiên Chúa lại đến âm thầm và bị lãng quên như một em bé. Sau mỗi lần thi ân, Ngài ân mình lên núi và cuối cùng tột đỉnh của trao ban, Ngài xuất hiện như một tên cướp bị treo ô nhục trên Thập giá.
Thiên Chúa của chúng ta là một Thiên Chúa thi ân, nhưng lại tuôn ẩn mình. Người tin ở sự ban phát dồi dào của Thiên Chúa luôn được mời gọi nhận ra dấu vết kín đáo của Ngài, ngay cả nơi những mất mát lớn lao nhất của cuộc sống.
Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ Ngài hãy vượt lên những bận tâm vật chất để đi vào chiều sâu sứ điệp của Ngài. Ðiều đó cũng có nghĩa là tin vào quyền năng của Ngài, hoàn toàn phó thác cho Ngài. Giữa những khó khăn thử thách của cuộc sống, con người dễ dàng chạy đến với Chúa: đó là thái độ rất chính đáng, bởi vì qua cử chỉ ấy, con người tuyên xưng niềm tin vào tình yêu thương của Thiên Chúa. Tuy nhiên, Chúa Giêsu muốn chúng ta hãy có một thái độ vô vị lợi hơn, hoàn toàn tín thác vào tình yêu của Ngài. Một thái độ như thế sẽ cho chúng ta nhận ra tình yêu của Ngài, và cho chúng ta thốt lên như các vị thánh: “Tất cả đều là hồng ân của Chúa” bởi vì tình yêu của Ngài vượt trên mọi tính toán và chờ đợi của chúng ta.
Vượt lên trên cái “bình thường” của con người để tin tưởng tuyệt đối nơi Thiên Chúa luôn luôn là một thách đố đối với các môn đệ xưa và cũng là của mỗi người bước theo Chúa Giê-su hôm nay. Chất “men biệt phái” trong mỗi người luôn trội lên trong rất nhiều sự kiện: một chút thiếu thốn ập đến, hay một ơn lành nào xảy ra, hoạn nạn xảy ra…dường như rất nhiều lần ta thường dừng lại ở sự kiện đó mà quên mất ý nghĩa hay thánh ý bên trong những sự kiện tưởng là tình cờ.
Trước một sự việc không may xảy ra, nhiều lần ta cũng như các môn đệ xưa việc đầu tiên là loay hoay xoay sở đủ cách, tìm mọi cách giải quyết và để Thiên Chúa “ngoài cuộc” và quên mất sự hiện diện của Chúa ở giữa cuộc sống của mỗi người và của sự vận hành của vũ hoàn. Rất nhiều lần ta hành xử như là ta có thể tự mình lo liệu mọi việc. Chúa hoàn toàn đứng bên lề cuộc đời.
Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ hãy ra khỏi những bận tâm vật chất ấy để hiểu được ý nghĩa các phép lạ và sứ điệp của Ngài. Ðó cũng chính là nội dung của chương trình huấn luyện mà Ngài đeo đuổi trong ba năm rao giảng của Ngài. Mãi đến lúc Ngài bị bắt và chịu treo trên Thập giá, xem chừng các môn đệ vẫn chưa hiểu được chiều sâu sứ điệp của Ngài. Mơ tưởng của những người dân chài này là được trở thành công hầu khanh tướng trong vương quốc trần gian mà họ nghĩ là Chúa Giêsu đã đến để thiết lập.
Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ tin tưởng vào Thiên Chúa Quan Phòng. Ngài khuyên họ tránh khỏi men Biệt phái tức là đề phòng khỏi thái độ cứng tin. Bài học được Chúa Giêsu đưa ra giữa lúc Ngài và các môn đệ đang vượt biển sang Bethsaibê. Lên thuyền, các môn đệ mới sực nhớ chỉ còn một chiếc bánh. Nỗi lo lắng của họ biểu lộ qua lời đối đáp với nhau. Chúa Giêsu nhân cơ hội này nhắc lại cho các ông phép lạ bánh hóa nhiều mà Ngài đã thực hiện mấy ngày trước đó. Một lần với 5 chiếc bánh, Ngài đã hóa nhiều cho trên 5.000 người ăn ; và một lần khác từ 7 chiếc bánh, Ngài đã nuôi sống trên 4.000 người. Lần nào dân chúng cũng được ăn no nê mà bánh vẫn còn thừa. Nhắc lại các phép lạ ấy Chúa Giêsu kêu gọi các môn đê đặt trọn tin tưởng vào Ngài .
Qua những lời thầm thì thể hiện sự lo lắng của các môn đệ về chuyện các ông không mang bánh theo, Đức Giêsu đã khiển trách các môn đệ và Ngài tiếp tục dạy cho các ông bài học về sự phó thác. Đức Giêsu đã dùng phương pháp hồi tưởng để gợi lại cho các ông về sự quan phòng của Thiên Chúa khi con người tin tưởng vào Ngài qua hai phép lạ hóa bánh ra nhiều. Nhắc lại như thế, Đức Giêsu còn đi xa hơn để củng cố lòng tin của các ông vào chính Ngài, đó là: có Chúa là có tất cả. Chúa là kho báu mà không gì có thể sánh bằng.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy khiêm tốn, tin tưởng, phó thác nơi Thiên Chúa mọi nơi mọi lúc, nhất là những lúc khó khăn, thử thách.
2021
DẤU CHỈ
15/2Lễ Thường
Thường Niên
Năm BX
Thứ Hai trong tuần thứ Sáu Mùa Quanh Năm
St 4:1-15,25; Tv 50:1,8,16-17,20-21; Mc 8:11-13
DẤU CHỈ
Ngày mỗi ngày, chúng ta đi tìm dấu lạ khắp nơi. Chúng ta đặt ra giá trị cho tất cả những gì có thể cân đo, đong đếm. Không có những điều này, chúng ta coi nhẹ mọi sự. Đời sống thiêng liêng cũng không loại trừ khuynh hướng này. Những phép lạ, lời đáp trả mau lẹ cho những lời chúng ta cầu xin là bằng chứng cho rằng những lời cầu xin đó được lắng nghe, chúng là những dấu lạ mà chúng ta tìm kiếm để tin.
Qua trang Tin Mừng hôm nay, sau những dấu lạ Chúa Giêsu đã làm, người Pharisêu còn xin một dấu lạ khác. Lời yêu cầu của họ, cho chúng ta thấy những đòi hỏi mù quáng thiếu đức tin như muốn thách thức Thiên Chúa, hay cố tình không chịu tin vào quyền năng của Người.
Dẫu cho rằng họ rất thông minh, nhưng không hề khiêm nhường đơn sơ, nên đứng trước biết bao phép lạ Chúa đã làm, nhưng người biệt phái vẫn còn mơ hồ, nghi ngờ, đòi hỏi Người thêm một phép lạ từ Trời nữa, khiến Chúa Giêsu phải lắc đầu não nuột: “sao thế hệ này lại xin một dấu lạ”.
Như vậy trước yêu sách này, dấu lạ sẽ chẳng đi đến đâu, chẳng phục vụ cho ai mà chỉ thỏa mãn trí tò mò của họ. Lần đầu tiên người Pharisêu dám thách thức Thiên Chúa, thách thức quyền năng Thiên Chúa.
Chúa Giêsu không bao giờ làm ảo thuật, vì quyền năng Thiên Chúa không phục vụ cho những dục vọng thấp hèn, không phục vụ cho trí tò mò. Ngài làm phép lạ, đó là Ngài yêu thương con người cách đặc biệt, Ngài dựng nên tất cả nên Ngài có quyền trên tất cả.
Ngài luôn tôn trọng tự nhiên, vì siêu nhiên không bao giờ phá đổ tự nhiên, thỉnh thoảng ở nơi này nơi kia, Ngài cho xảy ra ngoài phạm vi tự nhiên, đó là vì yêu thương chúng ta. Như vậy, phép lạ hay dấu lạ luôn dựa trên nền tảng là Tình yêu, vì tình yêu của Ngài đối với con người..
Và rồi ta thấy Chúa Giêsu quá thất vọng, thất vọng đến nỗi Marcô viết “thở dài”, thất vọng đến tận ruột gan mình vì họ quá cố chấp, ở lì trong thành kiến của mình, mà không chịu bước ra để tìm kiếm sự thật. Nếu có ai rơi vào tình trạng tuyệt vọng, họ sẽ hiểu thế nào là thẫn thờ, thế nào là thở dài, không còn hy vọng gì nữa. Mọi cố gắng dường như là con số không.
Dân Do Thái thời Cựu Ước cũng thế, bao nhiêu lần Đức Chúa đã tỏ lòng trung thành với Tổ phụ họ, Ngài đã cứu họ ra khỏi cảnh khốn cùng, cảnh bị nô lệ, cảnh bị áp bức, nhưng cũng bấy nhiêu lần họ quay lưng lại. Đức Chúa đã quá ngán ngẩm với họ. Cuối cùng Ngài đã sai chính Con Một mình đến với họ, ở với họ. Nhưng hôm nay Con Thiên Chúa, Chúa Giêsu lại phải thở dài não nuột vì thái độ cố chấp của người Pharisêu, nói rộng hơn còn cho những người lãnh đạo Do Thái Giáo. Họ là dân Chúa chọn, nhưng lại cố chấp không tin Con Thiên Chúa.
Mặc dù Thiên Chúa cố gắng thể hiện tình yêu của Người đến với họ, nhưng họ là những người yếu đuối, kém cỏi trong đức tin, nhưng vẫn tỏ ra mình là những người hiểu biết, nhìn xa trông rộng. Nhưng tình yêu Thiên Chúa luôn lan tỏa bằng sự tự nguyện, không phải là ép buộc. Dấu lạ của Người bằng lòng tin yêu, bằng chính tâm hồn hướng về Người. Thiên Chúa chỉ cần lòng tin, như lòng tin của người phụ nữ thật mạnh mẽ nhưng đơn sơ giản dị: “Tôi chỉ cần sờ được vào áo của Người thôi là sẽ được cứu”. ( Mt 9, 22)
Chúa Giê-su đã ban cho chúng ta dấu lạ chắc chắn về sự hiện diện hằng ngày của Ngài trong đời sống chúng ta. Dấu thứ nhất là thập giá. Chỉ có đức tin mới mở cho chúng ta biết mầu nhiệm của Ngài và giúp chúng ta đương đầu với tội lỗi nhờ lòng thương xót. Tội là nguyên do của những gì nguy hại trong đời sống chúng ta. Thập giá của Đấng chịu đóng đinh là khí giới có thể chữa lành chúng ta. Đức tin cho phép chúng ta nhìn thấy tình yêu Chúa ở trung tâm vũ trụ và thế giới được lôi kéo về Ngài. Thánh Thể là một dấu lạ nữa mà Chúa để lại cho chúng ta. Đó là dấu lạ mạnh mẽ nhất vì nơi đó chứa đựng tác giả của chính dấu lạ. Chúa Giêsu đã hạ mình qua mọi phương thế để ở lại với chúng ta. Dưới hình bánh rượu, Ngài mạc khải cho chúng ta thấy Ngài muốn gắn bó với chúng ta. Xin cho những dấu lạ này luôn là bảo chứng tình yêu để chúng con nói với Chúa theo cách Ngài muốn được biết, được yêu và được tôn thờ.
Cuộc sống ngày nay biết bao mưu toan tính toán của con người, biết bao biến cố xảy ra hàng ngày, hàng giờ, hàng phút đến với chúng ta, với gia đình, xã hội, thế giới, đó cũng là dấu chỉ, có cảm nhận được dấu chỉ sẽ giúp chúng ta tỉnh thức, bình tâm lại, để có một niềm tin, trông cậy phó thác trong tình yêu bao la của Thiên Chúa.
Thiên Chúa chỉ từ chối với những ai cố chấp, thách thức, nhưng Ngài luôn hiện hiện diện với những ai thành tâm tìm kiếm Ngài. Vậy ta hãy đến với Chúa trong tình con thảo và ta tin Thiên Chúa thấu suốt ta còn hơn ta biết ta. Ngài là Người Cha, Ngài sẽ biết mình sẽ làm gì cho con cái Ngài.
Chúa Giêsu chờ đợi chúng ta có một đức tin chân thành và vô vị lợi. Điều duy nhất phải quan tâm, đó là hành động vì đức tin. Biết rằng Chúa Giêsu nhìn chúng ta, Ngài nhận biết những việc làm của chúng ta, và với cái nhìn đầy yêu thương, Ngài đồng hành với chúng ta từng giây phút của cuộc sống. Nhận biết mình được an toàn trong tay Chúa là bằng chứng hùng hồn về đức tin của chúng ta.
2021
ƠN CỨU ĐỘ PHỔ QUÁT
11/2 Thứ Năm trong tuần thứ Năm Mùa Quanh Năm
St 2:18-25; Tv 128:1-2,3,4-5; Mc 7:24-30
ƠN CỨU ĐỘ PHỔ QUÁT
Trong Tông huấn Niềm vui của Tin Mừng, Đức Giáo Hoàng Phanxicô mời gọi mỗi Kitô hữu hãy ra khỏi vùng đất tiện nghi của mình để đến với mọi vùng ‘ngoại vi’ đang cần ánh sáng Tin Mừng (x. Evangelii Gaudium, 20). Phụng vụ hôm nay nói lên thao thức của Chúa Giêsu đến với vùng đất dân ngoại.
Chúa Giêsu không bao giờ tỏ ra kỳ thị con người. Tin Mừng hôm nay là một bằng chứng. Cũng như các tác giả Tin Mừng khác, thánh sử Marcô cho thấy phần lớn hoạt động và thời giờ của Chúa Giêsu được dành cho người Do thái; chỉ sau khi sống lại, Ngài mới chính thức sai các Tông đồ truyền giảng Tin Mừng cho mọi người, bất luận là Do thái hay không Do thái.
Thật ra ngay những năm rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu đã hé mở cho thấy chiều kích phổ quát của giáo lý và của ơn cứu độ mà Ngài mang lại. Ngoài những giáo huấn về tình huynh đệ đại đồng và thái độ không bài ngoại của Chúa Giêsu, Tin Mừng còn thuật lại các chuyến đi của Ngài tới vùng đất ngoại giáo, tại đây, Ngài cũng đã làm nhiều phép lạ, như trừ quỷ cho một thanh niên ở Gêrasa, cho một người câm ở miền Thập tỉnh nói được, và lần này trừ quỷ cho con gái của một phụ nữ Hy lạp gốc Phênixi.
Dựa vào những yếu tố trên, câu nói của Chúa Giêsu: “Không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con” không thể giải thích đó là dấu biểu thi sự khinh miệt của Ngài đối với người khác đạo và khác tổ quốc; đúng hơn, Chúa muốn mọi người đừng quên ưu thế của người Do thái trong việc thừa hưởng ơn cứu độ, bởi vì Thiên Chúa đã chọn cha ông họ và muốn tỏ lòng trung thành với cha ông họ. Người Do thái được ưu tiên, chứ không phải là những người duy nhất được hưởng ơn cứu độ; vì thế, dù quan tâm săn sóc người Do thái nhiều đến đâu, Chúa Giêsu cũng không để trở thành vật sở hữu độc quyền của họ, Ngài vẫn có tự do bày tỏ tình thương đối với người khác.
Chúng ta chấp nhận sự tự do của Thiên Chúa trong việc ban phát ơn huệ và tình thương của Ngài. Dù ý thức mình chẳng là gì, chúng ta hãy tin rằng mình luôn là đối tượng yêu thương của Thiên Chúa. Với một Ðấng vô biên như Thiên Chúa, thì bất cứ hành vi nào của Ngài cũng có chiều kích vô hạn và quà tặng của Ngài cũng tràn trề sung mãn. Xin cho chúng ta cảm nhận được rằng Chúa đang yêu thương chúng ta và như thế là đủ cho chúng ta.
Trong 3 năm rao giảng của Chúa Giêsu, Ngài rất ít đi ra ngoài lãnh thổ của Do-thái. Lý do không phải vì Ngài không muốn Tin Mừng của Ngài được lan rộng đến Dân Ngoại; nhưng vì Ngài đã có kế hoạch rõ ràng. Bổn phận của Ngài là loan báo Tin Mừng cho các chiên lạc của nhà Israel. Tuy nhiên hôm nay Ngài cũng dành một khoảng thời gian đi ra khỏi biên giới để đến vùng đất dân ngoại. Trang Tin mừng kể: “Chúa Giêsu đứng dậy, rời nơi đó, đến địa hạt Tia”. Mặc dù Ngài đến cách âm thầm kín đáo, thế nhưng vẫn bị dân ngoại phát hiện. Chi tiết thánh sử Marcô nhấn mạnh: “Bà đó là dân ngoại, dòng giống Syrophenixi”. Vào lúc Marcô biên soạn Tin mừng, thì Rôma, giữa lòng dân ngoại, chi tiết này không kém phần quan trọng. Ông muốn minh chứng rằng, Chúa Giêsu thật sự là Đấng sáng lập Công cuộc truyền giáo cho dân ngoại.
Hơn nữa ngang qua cuộc đối thoại: “Phải để cho con cái ăn no trước đã, vì không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con.” Bà ấy đáp: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng chó con ở dưới gầm bàn lại được ăn những mảnh vụn của đám trẻ con.” Chúa Giêsu đã chấp nhận chia sớt ân phúc cho dân ngoại, qua việc ban cho bà theo ý thỉnh cầu.
Sứ điệp lời Chúa cho cộng đoàn là: Củng cố cộng đoàn để ra đi truyền giáo, hay củng cố, xây dựng vững mạnh để khoe mầu cờ sắc áo cho hơn các hội đoàn khác?
Ta nhớ lại : “Khi vua Salomon về già, các bà vợ ông hướng ông về các dân ngoại”. Vào thời ấy, có nhiều vợ là dấu chỉ giầu sang, tiếng tăm lừng lẫy, cũng có thể là do quyền lực mà các nước liên ban muốn giao hảo nên gả con gái cho để cầu hòa.
Sống trong môi trường đa văn hóa, đa tôn giáo, lẽ ra vua Salomon phải bày tỏ đức tin đẹp hơn, tốt hơn về Thiên Chúa của mình, trái lại ông cho xây dựng đền đài những tà thần cho mỗi người vợ. Vua Salomon đã làm điều dữ trái mắt Chúa. Thiên Chúa nổi giận với vua Solomon, vì lòng vua rời xa Đức Chúa, Thiên Chúa của Israel, Đấng đã hiện ra với vua hai lần, và truyền cho vua là đừng đi theo các thần ngoại, nhưng vua không giữ điều Thiên Chúa đã truyền. Thiên Chúa phán với vua Solomon: “Vì ngươi đã như vậy và đã không giữ giao ước cũng như các giới răn Ta truyền cho ngươi, thì chắc chắn Ta sẽ giựt lấy vương quốc ngươi mà trao cho một thuộc hạ của ngươi.”
Nếu người đàn bà trong Tin Mừng hôm nay, đã biểu lộ niềm tin của mình để được Chúa Giêsu chữa cho con gái của bà, thì chúng ta cũng phải biểu lộ niềm tin của chúng ta trong cuộc sống. Chúng ta tin vào Chúa, thì đòi hỏi chúng ta phải biết sống yêu thương, bao dung và độ lượng với mọi người đang sống chung quanh chúng ta. Thực hiện được như vậy là chúng ta góp phần làm cho Danh Chúa được cả sáng và Nước Chúa được mở rộng đến muôn người.
Khi suy niệm Tin Mừng hôm nay, đứng trước đức tin sâu sắc của người phụ nữ ngoại đạo được thánh Máccô thuật lại hôm nay, chúng ta, những Kitô hữu sống giữa những người không Kitô ngày nay, không ngừng được mời gọi để cảnh giác và tự vấn về đức tin và thực hành đức tin trong cuộc sống của mình. Cuộc sống của chúng ta có là men làm dậy cả khối bột không? Có là ánh sáng của trần gian không? Có được Kitô hóa chưa? Những giá trị Tin Mừng đã thực sự thấm nhập vào cuộ sống hằng ngày của chúng ta chưa?
Mỗi người chúng ta nhìn lại đời sống truyền giáo của mình. Chúng ta đã trình bày đức tin, đời sống đạo để cho anh chị em các tôn giáo nhận ra Công giáo tốt hơn, đẹp hơn hay chưa?