THIÊN CHÚA THI ÂN
16/2 Thứ Ba trong tuần thứ Sáu Mùa Quanh Năm
St 6:5-8; Tv 29:1-2,3-4,3,9-10; Mc 8:14-21
THIÊN CHÚA THI ÂN
Tin Mừng hôm nay có liên quan tới câu chuyện Tin Mừng về việc Chúa Giê-su làm phép hóa bánh ra nhiều (Mc 8, 1-10). Phép lạ hóa bánh ra nhiều, Chúa Giê-su không chỉ muốn thể hiện uy quyền nhưng quan trọng hơn, Chúa Giê-su muốn hướng lòng dân chúng tới một thứ bánh “thiêng liêng” hơn là đơn thuần là thứ bánh vật chất.
Thế nhưng, những người biệt phái và ngay cả các môn đệ thân cận với Chúa cũng mang thật nặng chất “con người”. Sau phép lạ bánh hóa nhiều, điều còn dư âm lại trong trí các môn đệ chỉ là… bánh, thứ bánh ăn rồi vẫn đói, không có gì hơn! Các môn chỉ nghĩ đến những cái trước mắt, những cái vật chất của thế giới trần tục này.
Các ông chưa biết đi từ dấu chỉ ấy để vươn lên tới chỗ nhận ra uy quyền của Chúa Giêsu. Ðức Giêsu muốn hướng các ông có cái nhìn cao hơn, khát khao những điều vĩ đại hơn thuộc thế giới thần thiêng. Vì quá quan tâm vướng bận đến tranh cải về việc thiếu mang bánh vật chất, Chúa Giê-su định hướng lại cho các môn đệ sự hiện diện của chính Chúa là Đấng quyền năng có thể biến cái không thành có.
Khi Thiên Chúa thi ân, Ngài muốn ban dư đầy ngoài sự chờ đợi của con người. Khi người con hoang lên đường trở về nhà cha, anh chỉ muốn làm một tên đầy tớ trong nhà mà thôi. Thế nhưng, chẳng những anh được người cha nhìn nhận như con, mà còn được đãi tiệc mừng như một ông hoàng. Manna được ban trong sa mạc cũng thế, Thiên Chúa không chỉ ban vừa đủ dùng, Ngài còn cho dư dật. Mẻ cá lạ cũng vậy : cá nhiều đến độ muốn rách cả lưới.
Thiên Chúa luôn đáp trả ngoài sự chờ đợi của con người. Ngài chỉ có một thứ cân lường duy nhất đó là yêu thương và ban phát đến cùng. Và càng ban phát, Ngài càng ẩn mình đi. Quà Giáng sinh ban tặng chúng ta là sự sống, nhưng Thiên Chúa lại đến âm thầm và bị lãng quên như một em bé. Sau mỗi lần thi ân, Ngài ân mình lên núi và cuối cùng tột đỉnh của trao ban, Ngài xuất hiện như một tên cướp bị treo ô nhục trên Thập giá.
Thiên Chúa của chúng ta là một Thiên Chúa thi ân, nhưng lại tuôn ẩn mình. Người tin ở sự ban phát dồi dào của Thiên Chúa luôn được mời gọi nhận ra dấu vết kín đáo của Ngài, ngay cả nơi những mất mát lớn lao nhất của cuộc sống.
Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ Ngài hãy vượt lên những bận tâm vật chất để đi vào chiều sâu sứ điệp của Ngài. Ðiều đó cũng có nghĩa là tin vào quyền năng của Ngài, hoàn toàn phó thác cho Ngài. Giữa những khó khăn thử thách của cuộc sống, con người dễ dàng chạy đến với Chúa: đó là thái độ rất chính đáng, bởi vì qua cử chỉ ấy, con người tuyên xưng niềm tin vào tình yêu thương của Thiên Chúa. Tuy nhiên, Chúa Giêsu muốn chúng ta hãy có một thái độ vô vị lợi hơn, hoàn toàn tín thác vào tình yêu của Ngài. Một thái độ như thế sẽ cho chúng ta nhận ra tình yêu của Ngài, và cho chúng ta thốt lên như các vị thánh: “Tất cả đều là hồng ân của Chúa” bởi vì tình yêu của Ngài vượt trên mọi tính toán và chờ đợi của chúng ta.
Vượt lên trên cái “bình thường” của con người để tin tưởng tuyệt đối nơi Thiên Chúa luôn luôn là một thách đố đối với các môn đệ xưa và cũng là của mỗi người bước theo Chúa Giê-su hôm nay. Chất “men biệt phái” trong mỗi người luôn trội lên trong rất nhiều sự kiện: một chút thiếu thốn ập đến, hay một ơn lành nào xảy ra, hoạn nạn xảy ra…dường như rất nhiều lần ta thường dừng lại ở sự kiện đó mà quên mất ý nghĩa hay thánh ý bên trong những sự kiện tưởng là tình cờ.
Trước một sự việc không may xảy ra, nhiều lần ta cũng như các môn đệ xưa việc đầu tiên là loay hoay xoay sở đủ cách, tìm mọi cách giải quyết và để Thiên Chúa “ngoài cuộc” và quên mất sự hiện diện của Chúa ở giữa cuộc sống của mỗi người và của sự vận hành của vũ hoàn. Rất nhiều lần ta hành xử như là ta có thể tự mình lo liệu mọi việc. Chúa hoàn toàn đứng bên lề cuộc đời.
Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ hãy ra khỏi những bận tâm vật chất ấy để hiểu được ý nghĩa các phép lạ và sứ điệp của Ngài. Ðó cũng chính là nội dung của chương trình huấn luyện mà Ngài đeo đuổi trong ba năm rao giảng của Ngài. Mãi đến lúc Ngài bị bắt và chịu treo trên Thập giá, xem chừng các môn đệ vẫn chưa hiểu được chiều sâu sứ điệp của Ngài. Mơ tưởng của những người dân chài này là được trở thành công hầu khanh tướng trong vương quốc trần gian mà họ nghĩ là Chúa Giêsu đã đến để thiết lập.
Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ tin tưởng vào Thiên Chúa Quan Phòng. Ngài khuyên họ tránh khỏi men Biệt phái tức là đề phòng khỏi thái độ cứng tin. Bài học được Chúa Giêsu đưa ra giữa lúc Ngài và các môn đệ đang vượt biển sang Bethsaibê. Lên thuyền, các môn đệ mới sực nhớ chỉ còn một chiếc bánh. Nỗi lo lắng của họ biểu lộ qua lời đối đáp với nhau. Chúa Giêsu nhân cơ hội này nhắc lại cho các ông phép lạ bánh hóa nhiều mà Ngài đã thực hiện mấy ngày trước đó. Một lần với 5 chiếc bánh, Ngài đã hóa nhiều cho trên 5.000 người ăn ; và một lần khác từ 7 chiếc bánh, Ngài đã nuôi sống trên 4.000 người. Lần nào dân chúng cũng được ăn no nê mà bánh vẫn còn thừa. Nhắc lại các phép lạ ấy Chúa Giêsu kêu gọi các môn đê đặt trọn tin tưởng vào Ngài .
Qua những lời thầm thì thể hiện sự lo lắng của các môn đệ về chuyện các ông không mang bánh theo, Đức Giêsu đã khiển trách các môn đệ và Ngài tiếp tục dạy cho các ông bài học về sự phó thác. Đức Giêsu đã dùng phương pháp hồi tưởng để gợi lại cho các ông về sự quan phòng của Thiên Chúa khi con người tin tưởng vào Ngài qua hai phép lạ hóa bánh ra nhiều. Nhắc lại như thế, Đức Giêsu còn đi xa hơn để củng cố lòng tin của các ông vào chính Ngài, đó là: có Chúa là có tất cả. Chúa là kho báu mà không gì có thể sánh bằng.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy khiêm tốn, tin tưởng, phó thác nơi Thiên Chúa mọi nơi mọi lúc, nhất là những lúc khó khăn, thử thách.