2021
CÁM DỖ VÀ TÍN THÁC VÀO CHÚA
21/2 Chúa Nhật thứ Nhất Mùa Chay
St 9:8-15; Tv 25:4-5,6-7,8-9; 1 Pr 3:18-22; Mc 1:12-15
CÁM DỖ VÀ TÍN THÁC VÀO CHÚA
Thiên Chúa có ý định dựng nên con người bất toàn, để con người cộng tác với Người trong công trình sáng tạo để hoàn thiện chính mình. Vì thế con người có nhu cầu. Và Thiên Chúa đã dự liệu cho con người khi ban cho con người mọi loài trên mặt đất này. Chính vì thế mà tự bản chất mọi sự đều có sức hấp dẫn đối với con người.
Thế nhưng sử dụng nó thế nào? Đó là quyền tự do và sự khôn ngoan của con người. Thuốc bổ nhưng dùng quá liều cũng hại, ngược lại người ta cũng có thể lấy độc trị độc! Cám dỗ suy cho cùng cũng là một sự hấp dẫn. Điều quan trọng là chúng ta sử dụng nó nhằm mục đích gì?
Và ta thấy khởi đầu cuộc sống công khai, Chúa Giêsu đã dành một thời gian 40 đêm ngày ăn chay cầu nguyện trong sa mạc, đã chịu ma quỷ cám dỗ giống như dân Do Thái trong sa mạc 40 năm, và cũng giống như Ađam chịu thử thách trong vườn địa đàng. Ađam đã sa chước cám dỗ. Dân Do Thái đã thất trung. Còn Chúa Giêsu đã chiến đấu và đã thắng Satan nhờ làm theo Lời Thiên Chúa. Sau hành động quyết liệt đương đầu với Satan, Chúa Giêsu đã đi rao giảng Tin Mừng và kêu gọi thống hối: “Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1, 15).
Là người tin theo Chúa Giêsu, chúng ta cũng có thể chiến thắng như Người nếu biết đứng về phía Thiên Chúa, biết lắng nghe lời Người mà thay đổi nếp sống. Đó cũng là ý nghĩa và mục đích của Mùa Chay, thời gian 40 ngày chuẩn bị cử hành mầu nhiệm Vượt Qua trong Tuần Thánh, tuần lễ đặc biệt bước theo Chúa Giêsu Khổ nạn và Phục sinh. Khi khi chiến thắng sự chết nhờ sự sống lại, Chúa Giêsu đã trở thành Adam mới, Trưởng Tử của một dân mới, đem lại sự sống đã mất do tội, thiết lập Giao ước mới.
Trong lịch sử dân Israel, Thiên Chúa đã giải thoát họ khỏi cảnh nô lệ Ai Cập, đã giúp họ vượt qua sa mạc đầy thử thách để thanh luyện họ và đem họ vào Đất Hứa, rồi thiết lập Giao ước với họ trên Núi Sinai. Trong lịch sử dân Israel mới, Ðức Giêsu đã chiến đấu trước những thử thách để thực hiện chương trình cứu độ của Thiên Chúa, thiết lập Giao ước mới nhờ cái Chết và sự Phục sinh của Người.
Ở trong vườn địa đàng, Adong đã bị cám dỗ. Con cái Noe sống trong Giao ước cũng đã gặp thử thách. Dân Chúa trong sa mạc còn gặp nhiều hơn nữa. Tất cả đều nói lên rằng hạnh phúc con người ở trần gian này có thể bị tan vỡ. Tình yêu Thiên Chúa ở nơi ta có thể bị thử thách. Và rõ rệt tất cả loài người đã sa ngã, đã phạm tội. Adong đã phạm tội; con cháu Noe cũng vậy; dân Chúa ngày xưa cũng thế. Trong Cựu Ước, xem ra chỉ có một người không sa ngã.
Nói đúng hơn chỉ có câu truyện một người bị cám dỗ mà vẫn không sa ngã, để làm gương cho ta: đó là truyện ông Yob, một truyện được xây dựng có mục đích răn bảo, nên không cần đặt vấn đề có hay không. Nhưng điều mà sách Yob gợi lên, đề cao sự trung thành với Thiên Chúa qua bất cứ gian nan thử thách nào, điều đó đã được thực hiện nơi Ðức Kitô. Ở trong sa mạc, Ngài bị Satan cám dỗ, nhưng Ngài đã lướt thắng một cách bình an chân thật, báo trước việc Ngài sẽ đi qua con đường thập giá đau thương mà cuối cùng vẫn trung tín thưa cùng Chúa Cha: Con xin phó mạng sống con trong tay Cha.
Ta thấy rằng “tin vào Tin Mừng” chính là đón nhận Giao ước: một bên là Thiên Chúa yêu thương con người trước, một bên là con người đáp lại tình thương đó bằng cách làm theo ý Thiên Chúa. Như thế, Giao ước vừa là một ân huệ Chúa ban, vừa là một thử thách đối với con người vì họ luôn bị cám dỗ làm ngược lại ý Thiên Chúa. Nhưng “lửa thử vàng, gian nan thử đức”, đây chính là đức tin, là tín thác vào Thiên Chúa, chỗ dựa duy nhất để chiến thắng Satan.
Thật vậy, các bài đọc hôm nay chủ yếu nói với chúng ta về Giao ước. Bài đọc thứ I trích sách Sáng thế (St 9, 8-15) muốn nhắc nhớ thời gian nhân loại được sống hạnh phúc sau khi được Thiên Chúa cứu thoát nạn lụt 40 đêm ngày. Giáo hội muốn dùng bài Sách Thánh đó để nói đến thời gian Ân sủng của 40 ngày Mùa Chay. Thời gian ấy, hiện ta đang sống đây, như bài đọc II (1 Pr 3, 18-22) cho thấy: chúng ta là những người đã chịu phép Rửa của Ðức Kitô, đã được cứu thoát nạn lụt tội lỗi, để được tái sinh trong tình thương của Thiên Chúa mà mầu nhiệm Phục sinh đem lại. Vì thế, có người giải thích con số 40×7=280 ngày, thời gian người mẹ vất vả cưu mang để sinh ra người con mà mình yêu thương.
Chúa đã yêu thương bằng và với ân sủng của Ngài đó là đi tìm ta đưa vào sa mạc. Ngài chịu gian khổ để dẫn ta qua dòng nước Rửa tội. Ta đang sống trong Nước Trời và trong tình nghĩa của Ngài. Hôm nay ta còn đến đây để dự lễ, để thấy Chúa thương ta như ta vừa hiểu qua các bài đọc Sách Thánh, để còn uống thêm chén giao ước của Ngài trong Thánh Thể mà ta cử hành bây giờ. Chúng ta còn có thể có thái độ nào khác hơn là dứt khoát đứng về bên Chúa, chọn Lời Chúa làm lẽ sống, lấy tình Ngài làm hạnh phúc. Có như vậy chúng ta mới thật sự sống với Ðức Kitô trong mầu nhiệm sa mạc, trong mùa Chay 40 ngày mà ta đang cử hành.
Như vậy, Mùa Chay trước tiên là thời gian Ân sủng, thời gian Thiên Chúa yêu thương chúng ta và muốn mời gọi chúng ta trung thành với Giao ước tình yêu. Chỉ với những tâm tình đó, chúng ta mới hiểu được hết ý nghĩa của bài Tin Mừng hôm nay: Chúa Giêsu là mẫu gương trung thành với Thiên Chúa Tình Yêu, và mời gọi chúng ta “sám hối và tin vào Tin Mừng” để trở nên “con yêu dấu” của Chúa Cha. Việc “Phúc-Âm-hóa đời sống giáo xứ và các cộng đoàn” cũng đòi hỏi “sám hối mục vụ” để đổi mới cung cách ứng xử với nhau cho phù hợp với tinh thần Phúc Âm. Thực tế, chúng ta chỉ có thể đáp lại lời mời gọi đó nhờ sức mạnh của Thánh Thần.
Và ta thấy rằng không giống như Tin mừng Matthêu (4,1-11) và Lc (4,1-13), Tin mừng Maccô không giải thích cách thức Satan cám dỗ Đức Giêsu trong hoang địa. Các câu chuyện Israel đi trong hoang địa, cũng như Ađam và Evà ở trong vườn là những ví dụ về thế nào là bị cám dỗ và sa ngã. Những câu chuyện về Môsê và Êlia là những thí dụ về thế nào là bị thử thách và đứng vững. Nếu tin tưởng vào Lời Chúa thì đứng vững; nếu không tin tưởng vào Lời Ngài thì sẽ sụp đổ. Đức Giêsu luôn trung thành với Thiên Chúa, do đó, dã thú sống hoà bình với Người, còn các thiên thần thì hầu hạ Người.
Và rồi nếu như ai nào đó muốn chuẩn bị lòng trí đón Chúa đến, người ta phải triệt để quay về với Thiên Chúa, phải cậy dựa vào Lời Chúa và tín thác đời mình trong sự quan phòng của Thiên Chúa.
2021
LÒNG NHÂN TỪ CỦA CHÚA
20/2
Thứ Bảy sau Thứ Tư Lễ Tro
Is 58:9-14; Tv 86:1-2,3-4,5-6; Lc 5:27-32
LÒNG NHÂN TỪ CỦA CHÚA
Thiên Chúa đã mạc khải cho dân Israen, cách sống mà thiên Chúa ưa thích, và đó cũng là cách sông hưởng được niềm vui của Thiên Chúa, là nhìn lại mối liên hệ với tha nhân. Với một điệp khúc được lặp đi lặp lại: “Nếu ngươi . . .”. Nhằm nhấn mạnh cho dân Israen thấy rằng, nếu ta nhân từ, bao dung, và quảng đại với tha nhân, thì chính lúc đó chúng ta không bị thua thiệt mà trái lại, chúng ta tìm thấy được lòng từ bi và nhân từ của Thiên Chúa.
Tin Mừng hôm nay, thánh Luca mô tả cho chúng ta ơn gọi thật đặc biệt của ông Lêvi khi ông còn đang ngồi ở bàn thu thuế. Chúa Giêsu trông thấy và gọi ông, ông đã vội vã đứng lên, bỏ lại sau lưng tất cả mà đi theo Người. Những câu văn của Thánh Kinh ghi lại thật ngắn gọn và súc tích đến nỗi ta có cảm giác rằng việc đáp lời của ông Lêvi đối với Chúa diễn ra quá nhanh như một quán tính, và việc mau mắn bước theo Chúa của ông như một hành động mang tính chất bồng bột nhất thời.
Nhưng không, khi nhìn từ kinh nghiệm cuộc sống, thì dường như ít ai có thể dễ dàng đánh đổi miếng cơm manh áo, đặc biệt là một nghề đang hái ra tiền để chọn lấy một hành động có giá trị kém hơn. Nhưng cũng chính nơi bàn thu thuế này, nơi mà Lêvi đã có những cảm nghiệm sâu lắng về sự ghẻ lạnh của đồng bào dành cho mình khi họ coi ông như một người tiếp tay cho đế quốc Rôma để bóc lột họ, ông cũng lắng nghe những tiếng kêu đầy ghê tởm của những đồng tiền chèn ép trên mồ hôi và nước mắt của người khác.
Khi Chúa Giêsu nhìn thấy Lêvi con ông Alphê, là một quan thuế thành Capharnaum gần bờ hồ Tibêriat đang ngồi tại bàn thu thuế, Chúa đã gọi ông và ông đã sẵn lòng bỏ mọi sự mà đi theo Chúa, qua hành động mau mắn của Lêvi đáp lại lời mời gọi của Chúa, xin Chúa cho chúng con cũng biết mạnh dạn hăng hái chỗi dậy để đáp lại tiếng Chúa kêu mời, như Lêvi xưa khi gặp Chúa Ngài bảo ông: “Hãy đi theo Ta”. Ông liền bỏ mọi sự đứng dậy theo Người.
Một hành động dứt khoát, Lêvi không chần chừ bỏ tất cả để đi theo Chúa. Là người tín hữu Kitô, tất cả chúng ta đều được Chúa gọi mời tham dự vào chương trình ơn cứu độ của Chúa. Điều hệ trọng ở đây, chúng ta có sẵn sàng đáp lại lời mời gọi của Chúa hay không. Ơn gọi ở đây không chỉ dành riêng cho những người sống đời thánh hiến linh mục, giáo sĩ hay tu sĩ, mà Chúa sẽ mời gọi tất cả mọi người tùy theo khả năng, hoàn cảnh, kiến thức để phục vụ Chúa qua Giáo Hội, chẳng hạn với thành phần giáo dân, chúng ta sẵn sàng vâng phục khi được lời mời gọi của Chúa qua Hội Thánh, tích cực tham gia sinh hoạt ban hành giáo, sinh hoạt trong các đoàn thể Công Giáo, hướng dẫn giáo lý cho các dự tòng và các em thiếu nhi vì mục đích làm rạng Thánh Danh Chúa, đem nguồn ân sủng của Chúa đến với mọi người.
Vào thời kỳ Chúa Giêsu, tại đất nước Palestina người dân phải đóng rất nhiều loại thuế: Thuế trực thu, thuế gián thu, thuế đền thờ, các loại thuế và nghĩa vụ khác. Theo các nhà nghiên cứu phỏng định với một gia đình trung bình họ phải chi khoảng một nửa số thu nhập hằng năm để chi vào các loại thuế trên. Chính vì thế thời đó thu thuế là một nghề mà người dân không có mấy thiện cảm, có thể vì họ nghĩ quan thuế là những tay sai cho đế quốc để bóc lột dân. Lêvi nhận được sự tín nhiệm của Chúa qua lời mời gọi, sau đó ông Lêvi còn mở tiệc linh đình thết đãi Chúa, ông mời bạn bè thân thích của ông cùng làm nghề thu thuế như ông đến dự tiệc.
Các người biệt phái và luật sĩ khi nhìn thấy Chúa Giêsu và các môn đệ ngồi ăn chung với giới thu thuế, họ cảm thấy không hài lòng và tỏ thái độ kiêu căng miệt thị “Sao các người lại ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi như vậy?”.
Điều đặc biệt là trong các trình thuật Tin Mừng chúng ta lại thấy Chúa Giêsu có thái độ khác hẳn với nhóm biệt phái và luật sĩ, Chúa lại hay giao tiếp gần gũi với những hạng người mà xã hội khinh bỉ như các quan thuế hay gái điếm, giao tiếp đây không có nghĩa là Chúa Giêsu tán đồng hay khích lệ việc làm sai trái của họ, nhưng Chúa giao tiếp để kêu mời họ ăn năn quay trở về với đường ngay nẻo chính. “Ta đến không phải để kêu mời người công chính, nhưng để gọi kẻ tội lỗi ăn năn hối cải”.
Chính bởi những cảm nghiệm về tình Chúa nên đã thôi thúc ông quyết định đứng lên để thay đổi cuộc đời. Lời mời gọi của Chúa Giêsu như một sự thúc đẩy hướng ông về phía trước: sám hối và bước đến một con đường đầy ánh sáng trong tình yêu. Nếu một người trong lúc đau ốm cảm nhận được sự mỏng manh của phận người và sự cần thiết của sức khỏe bao nhiêu, thì chính Lêvi lại nhận ra sự cần thiết của việc chữa lành tâm hồn bấy nhiêu. Chính ông đã bỏ tất cả, đứng dậy đi theo Chúa và làm tiệc lớn để đãi Chúa Giêsu. Chính nơi Chúa Giêsu mà ông cảm nhận được hơi ấm của sự bình an, của sự chữa lành mà bấy lâu nay ông khao khát từ trong chính tâm hồn.
Trong bức tranh vẽ về hình ảnh Lêvi rời bàn thu thuế để bước theo Chúa Giêsu, mắt hướng về Chúa mà tay vẫn còn thò lại đằng sau để nắm lấy túi tiền, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói: “Tôi cũng như vậy đấy”.
Không riêng gì Đức Giáo Hoàng Phanxicô hay Lêvi trong tranh vẽ, mỗi người trong chúng ta có lẽ ai cũng có những giây phút đắm mình trong tình yêu của Chúa, đầy hạnh phúc và vui sướng đến mức chúng ta sẵn sàng nhìn lại con người mình và quyết tâm sửa đổi cách mau mắn, nhưng đôi tay dường như vô tình vẫn còn thò ra đằng sau để nắm lấy tội của mình mà không chịu thả ra. Để rồi với năm tháng cuộc đời, sám hối rồi tái phạm, tái phạm rồi sám hối, một vòng chu kỳ ấy vẫn cứ xoay tròn và lặp lại như một điều bất di bất dịch cho phận người mỏng manh.
Chính trong những lúc này, lời Chúa lại vang lên: “Ta đến để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn”(Lc 5, 32). Chính trong những lúc đắm mình trong tội, chúng ta không được phép bỏ cuộc buông xuôi nhưng vẫn phải quyết tâm đứng dậy sám hối và trở về với Chúa, vì “ở đâu tội lỗi lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội”(Rm 5,20)
Trong lắng đọng tâm hồn, ta thấy thái độ của Lê-vi rất can đảm và dứt khóat: ông bỏ tất cả, đứng dậy đi theo Chúa Giêsu. Ông can đảm vì dám bỏ một “nghề hái ra tiền,” và không thắc mắc “rồi làm gì mà ăn?” Ông dứt khóat với quá khứ cũ tội lỗi, để hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn. Từ đây, Ông sẽ bắt đầu một cuộc đời mới, là sông mối liên hệ với Chúa bằng việc bước đi theo Ngài. Về phần Chúa Giêsu, Ngài thực sự đã phóng thích ông khỏi làm nô lệ cho tội lỗi, và cho ông cơ hội làm lại cuộc đời.
2021
TÌM VỀ Ý NGHĨA CỦA ĂN CHAY
19/2 Thứ Sáu sau Thứ Tư Lễ Tro
TÌM VỀ Ý NGHĨA CỦA ĂN CHAY
Ăn chay là một trong ba việc làm chính để tỏ lòng sám hối ăn năn. Thế nhưng, trong bài Tin mừng mà chúng ta sắp nghe sau đây, ăn chay lại là một đề tài tranh luận giữa các môn đệ của ông Gioan và Chúa Giêsu. Bài Tin mừng theo thánh Matthêu 9,14-15 thuật lại việc này như sau: “Bấy giờ, các môn đệ ông Gioan tiến lại hỏi Chúa Giêsu rằng: “Tại sao chúng tôi và các người Pharisêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?” Chúa Giêsu trả lời: “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc, khi chàng rể còn ở với họ? Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay.”
Để có thể hiểu cuộc tranh luận này một cách rõ ràng hơn, chúng ta cùng nhau tìm hiểu sơ qua về việc ăn chay của thời bấy giờ: theo sách Lêvi 16,19-31 thì luật cũ chỉ buộc người Do Thái ăn chay mỗi năm một lần vào ngày đền tội. Đến thời Chúa Giêsu, ngoài việc giữ chay mỗi năm một lần này, người ta còn tự nguyện giữ những ngày chay chung vì những lý do khác. Ngoài ra, một số người đạo đức còn giữ thêm những ngày chay riêng, như nhóm Pharisêu ăn chay một tuần hai lần.
Như vậy, việc ăn chay mà các môn đệ ông Gioan thắc mắc ở đoạn Tin mừng trên đây là việc giữ chay riêng vì lòng đạo đức, chứ không phải vì luật buộc. Đức Giêsu và các môn đệ của Người không phủ nhận giá trị của việc ăn chay theo truyền thống, bởi chính Người cũng đã vào hoang địa ăn chay bốn mươi đêm ngày trước khi ra đi rao giảng.
Tuy vậy, trong bối cảnh mới của thời Đấng Thiên Sai, Chúa Giêsu muốn nhắc lại rằng mục đích chính của việc ăn chay trong thời Cựu ước là để chờ đón Đấng Mêsia. Hiện nay, việc họ tự nguyện ăn chay là tốt, nhưng có một việc còn tốt hơn: đó là nhận biết Chúa Giêsu Na-da-rét chính là Đấng Mêsia mà Chúa Cha sai đến để cứu độ trần gian.
Để giúp các môn đệ ông Gioan có thể mở lòng ra mà nhận biết Người, Chúa Giêsu trả lời họ bằng một câu hỏi gợi ý: “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc, khi chàng rể còn ở với họ?” Nếu những người môn đệ này của ông Gioan đã có mặt khi xảy ra cuộc tranh luận trước đây giữa các bạn đồng môn và một người Do Thái về việc thanh tẩy, hẳn họ sẽ nhớ ngay lại lời thầy mình đã nói về Chúa Giêsu như sau: “Ai cưới cô dâu, người ấy là chú rể. Còn người bạn chú rể, đứng đó nghe chàng, thì vui mừng hớn hở vì được nghe tiếng nói của chàng. Đó là niềm vui của Thầy, niềm vui ấy bây giờ đã trọn vẹn”.
Vâng ! Ta thấy Chúa Giêsu chính là chú rể trong tiệc cưới Nước Trời. Bao lâu có Chúa Giêsu ở cạnh, thì bấy lâu họ không phải âu sầu phiền não. Chỉ khi nào mất Chúa họ mới phải ăn năn khóc lóc thôi!
Chúa Giêsu đã rất sát với đời thường khi đưa ra hình ảnh tiệc cưới và chú rể để nói về Nước Trời và bản thân Người. Vâng, tiệc cưới là một hình ảnh quá quen thuộc với chúng ta. Ở bất cứ nơi nào thời nào, ngày cưới luôn luôn là một ngày trọng đại, một ngày vui vẻ cho gia đình. Và các nhân vật chính luôn là chú rể và cô dâu. Phải, Nước Trời là một bữa tiệc cưới, trong đó Chúa Giêsu chính là chàng rể, và Giáo Hội chính là cô dâu.
Khi nhìn lại câu trả lời của Chúa Giêsu, chúng ta nhận rằng : Ngài muốn mở ra một cách thức mới về việc ăn chay. Các môn đệ sẽ không phải ăn chay khi họ đang ở bên Chúa. Họ chỉ ăn chay khi Ngài ra đi chịu khổ nạn và chịu chết. Việc chay tịnh khi đó mới thực có ý nghĩa, để chờ đón Ngài, để được gặp lại Ngài.
Sự kết hợp giữa Chúa Giêsu và Giáo Hội mang lại hạnh phúc và hoan lạc đời đời cho những ai tham dự tiệc cưới đó, tức là cho những ai gia nhập vào gia đình Giáo Hội. Khi một gia đình có tiệc cưới, mọi thành viên trong gia đình đều vui mừng phấn khởi. Ai cũng muốn bắt tay vào việc, mỗi người tuỳ sức mình mà đóng góp cho niềm vui chung. Trong ngày đó, ai cũng trở nên dễ mến dễ thương, ai cũng trở nên ân cần tử tế. Nhờ sự hiện diện của chú rể, không khí trong nhà đượm nét đầm ấm và vui tươi. Tất cả mọi ưu tư phiền muộn đều tạm gác lại. Mọi người tập trung tận hưởng niềm vui của ngày hôn lễ. Đâu cũng nghe tiếng cười. Đâu cũng thấy đèn hoa.
Ta đang ở trong mùa Chay Thánh với 40 ngày sẽ rất có ý nghĩa với chúng ta, nếu chúng ta thực hiện điều Thiên Chúa muốn.
Việc ăn chay là một cách thức có tác động mạnh đối với thế giới xung quanh của chúng ta. Thiên Chúa đã gợi ý cho chúng ta cả một danh sách những điều mong ước của Ngài về việc ăn chay của chúng ta : “chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục” (x. Is 58,7).
Để khiêm nhường van xin Thiên Chúa dung thứ tội lỗi chúng ta, đó là chúng ta hãy biết mở lòng ra để cho Ngài chữa lành chúng ta. Đó cũng là việc chúng ta mở đôi mắt ra xung quanh để nhìn những người đang bị tổn thương và túng thiếu cần được giúp đỡ.
Như Thánh nữ Têrêsa Avila đã nói, chúng ta là những bàn tay và đôi chân của Thiên Chúa. Chúng ta dường như suy nghĩ điều Thiên Chúa yêu cầu ở trên là hết sức khó. Tuy nhiên, những yêu cầu của Thiên Chúa luôn đơn giản để chúng ta đến gần Ngài hơn với lòng khiêm nhường, lòng sám hối ăn năn.
2021
CON ĐƯỜNG CHẲNG MẤY AI ĐI
18.2 Thứ Năm sau Thứ Tư Lễ Tro
St 30:15-20; Tv 1:1-2,3,4,6; Lc 9:22-25
CON ĐƯỜNG CHẲNG MẤY AI ĐI
Chúa Giêsu cho biết rõ con đường của Chúa là con đường dẫn tới vinh quang phục sinh, nhưng trước đó phải qua đau khổ của thập giá; và ai muốn đi theo Ngài thì cũng phải đi qua con đường thập giá, phải vác thập giá hằng ngày.
Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ thì nói: “phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mà theo.” Phải chăng Chúa muốn con người đau khổ chứ không muốn con người hạnh phúc? Thưa không! Chắc chắn là Ngài muốn cho con người hạnh phúc. Bằng chứng là Ngài đã sai Con Một xuống trần để đem lại hạnh phúc cho con người. Nhưng sở dĩ Thiên Chúa chọn con đường Thập Giá để cứu chuộc con người chẳng những vì tội lỗi con người nặng nề, phải được đền bù cho cân xứng, mà còn vì đó là cách Thiên Chúa biểu lộ tình yêu của Ngài cách mãnh liệt nhất. Và Ngài cũng muốn mời gọi con người bước đi trên con đường đó để đi theo làm môn đệ của Ngài.
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu báo trước một thực tại đau buồn sẽ xảy đến cho Người: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy” (Lc 9,22). Người báo trước cho các môn đệ cuộc tử nạn của Người, đây là điều các môn đệ thật khó mà tin nổi, khi họ đã chứng kiến Người từng làm bao nhiêu phép lạ, với quyền năng của một Đấng Mêsia quyền năng trong mấy năm rao giảng.
Rồi Người nói với mọi người, những người đang nghe và theo mình: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Lc 9, 23-24). Muốn theo Chúa thì phải từ bỏ chính mình, từ bỏ nhiều điều, nhất là điều mình lại ưa thích gắn bó, nhưng đi ngược lại với giáo huấn của Chúa là vô cùng khó khăn đối với sức riêng của con người.
Nhưng nếu tôi mở lòng cho Chúa ngự trị và lấy Chúa là nguồn vui hạnh phúc, sống gắn bó hạnh phúc trong Chúa, tình yêu Chúa tràn đầy khỏa lấp tâm hồn thì những thứ kia sẽ tự giảm thiểu và không cần thiết nữa. Chính sức mạnh của Chúa sẽ khử trừ những lầm lạc và những thứ vô bổ đó ra khỏi con người mỏng dòn, ham hố của tôi. Bởi vì “Đối với loài người thì điều đó không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì mọi sự đều có thể được” (Mt 19, 26).
Chúng ta, những người Kitô hữu, đang bước theo Chúa Giêsu, chúng ta không thể đi con đươcng khác. Từ bỏ mình la từ bỏ những tính mê nết xấu tội lỗi mình. Từ khi nguyên tổ phạm tội, con người luôn hướng về điều xấu, mà Thiên Chúa thì muỗn kéo chúng ta lên để hướng về sự thánh thiện, cho nên cần phải chiến đấu không ngừng để lựa chọn đúng.
Bỏ mình còn có nghĩa tích cực là quên mình đi vì Chúa và vì anh em. Quên mình vì nghĩ đến kẻ khác, muốn phục vụ kẻ khác; quên mình vì muốn sống tha thứ, nhịn nhục và yêu thương. Con người sinh ra vốn ích kỷ, muốn sống quên mình vì Chúa vì anh em thật là khó, cần phải có ơn Chúa, cần phải biết chạy đến với Chúa; cần phải có một đời sống Phúc âm.
Đồng thời với bỏ mình, là vác thập giá mình. Nhiều người hiểu thập giá đời mình là những rủi ro, bệnh hoạn, những bất hạnh trong cuộc sống. Nhưng thập giá của mỗi người chúng ta còn là những cuộc chiến chống lại mọi khuynh hướng xấu, tội lỗi trong ta; thập giá của mỗi người còn là những tương quan với những con người bất toàn hằng ngày ta tiếp xúc.
Thập giá là những bổn phận phải chu toàn hàng ngày : bổn phận của một người cha người me, của vợ của chồng , của con cái, của nghề nghiệp mình…. Như một vận động viên leo núi, để lên cao, người ấy phải tốn nhiều sức lực và mồ hôi, có khi còn kèm thêm máu và nước mắt. Nhưng đổi lại, người ấy được hưởng niềm vui chinh phục đỉnh cao. Nếu ngại khổ ngại khó, người ấy sẽ đứng mãi dưới chân núi mà ôm ấp giấc mộng không thành. Muốn thành công thành đạt phải đổ mồ hôi, phải thức đêm phải cố gắng. Thành công không thể có cho những ai lười biếng, nhút nhát.
Theo Chúa thì phải vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Ai cũng thấy khó chịu và khổ sở khi “vác” thập giá dù là nặng nhẹ. Nếu không có Chúa cùng đi với con, một mình mang lấy thì quả là nặng nề và sẽ bực dọc kêu ca, phản kháng. Nhưng khi sống mật thiết đậm đà với Chúa, thấy rằng luôn có Chúa đi trước, cùng đi với con và với tình yêu, thập giá hằng ngày của trở nên nhẹ nhàng và con sẽ chiến thắng vượt qua.
Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống vì Chúa thì lại cứu được mạng sống mình. Nghịch lý này đã thể hiện trong chính cuộc đời Đức Giêsu, Người đã hy sinh chịu chết và đã sống lại, cho muôn người được ơn cứu độ và được sống. Chính các thánh tử đạo đã liều mất mạng sống vì Chúa, nên được lại mạng sống, đã chiến thắng với nhành thiên tuế. Máu các ngài đã trổ sinh nhiều tín hữu.
Sách Đệ Nhị Luật khẳng định: “Coi đây, hôm nay tôi đưa ra cho anh (em) chọn: hoặc là được sống, được hạnh phúc, hoặc là phải chết, bị tai hoạ… nghĩa là hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh (em), nghe tiếng Người và gắn bó với Người, vì như thế anh (em) sẽ được sống, sống lâu mà ở lại trên đất Đức Chúa đã thề với cha ông anh (em), là ông Abraham, ông Issac và ông Giacob, rằng Người sẽ ban cho các ngài” (Dnl 30, 15.20).
Và ta cùng xin Chúa ban cho chúng ta đủ tình yêu, được ơn can đảm và quảng đại, để chúng ta hăng hái vác thập giá hằng ngày mà tiến bước theo Chúa. Xin Chúa cho chúng ta hiểu và sống lời Chúa dạy: “Ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy”.