2021
CẦU NGUYỆN
25/2
Thứ Năm trong tuần thứ Nhất Mùa Chay
Et 138:1-2,2-3,7-8; Mt 7:7-12
CẦU NGUYỆN
Tin mừng khuyến khích chúng ta hướng về Chúa luôn để cầu nguyện. Đức Kitô đã bảo đảm rằng những lời cầu nguyện của chúng ta không vô ích vì Thiên Chúa là Cha tốt lành hơn mọi người cha trần gian, Ngài trả lời cho những điều chúng ta xin. Nếu chúng ta kiên tâm, vững chí, bền lòng cầu nguyễn, chúng ta sẽ được đoái thương. Chính Đức Ki-tô đã quả quyết thế.
Tuy nhiên, chúng ta biết không phải mọi thứ luôn luôn được như vậy. Biết bao lần chúng ta xin mà chẳng thấy cho, tìm mà không thấy, gõ cửa mà chẳng mở. Chúng ta biết rõ rất nhiều người với đức tin chân thành mạnh mẽ – và có lẽ đó cũng là trường hợp của chúng ta – trong suốt nhiều năm cầu khẩn Chúa … và chẳng được đoái thương. Họ cầu nguyện cho người thân yêu được khỏi bệnh. Họ cầu nguyện cho người yêu trở về đường ngay nẻo chính . . . và chẳng thấy gì. Có phải họ cầu nguyện vô ích chăng? Có phải Đức Ki-tô đã nói quá khi Người quả quyết: “Hễ ai xin thì nhận được”. Có phải thời đó Người đã hứa mà thời nay Người không thể giữ lời hứa chăng?
Chúng ta biết rõ đây không phải là trường hợp biệt lập, nếu chúng ta khảo sát cẩn thận những lời của Đức Giê-su trong toàn bộ nội dung để soi sáng cho nhau. Lúc đó, người ta có thể tóm tắt những lời dạy của Đức Giê-su vào ba điểm sau:
Trước hết, Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng mỗi khi chủng ta hướng về Cha Người, Chúa Cha lắng nghe chúng ta và đáp tời chúng ta. Ngài không làm ngơ trước lời cầu nguyện của chúng ta. Bản văn thánh Mát-thêu đã nổi bật lên hàng đầu điều chúng ta kêu cầu.
Thứ đến Chúa Giêsu cũng xác nhận Thiên Chúa không luôn luôn phải đáp lời và không cần phải ban cho những gì chúng ta cầu khẩn. Ngài đáp lời bằng ban cho những điều tốt hơn những gì chúng ta khẩn cầu. Ngài luôn luôn biết điều gì tốt hơn cho chúng ta.
Sau cùng, Chúa Giêsu nhấn mạnh cho chúng ta rằng chỉ có một lời cầu nguyện luôn luôn được đoái thương là lời : Lạy Cha, xin cho ý Cha được thể hiện dưới đất cũng như trên trời”. Quên lời cầu nguyện cuối cùng này thì lời cầu nguyện của chúng ta chỉ là không tưởng, và người ta cầu nguyện chẳng được gì.
Có những trường hợp chúng ta xin những điều tốt điều hay cho chúng ta mà Chúa vẫn chẳng nhận lời. Chẳng hạn như chúng ta xin cho con được trúng sổ số để con lấy tiền giúp cho những người nghèo khổ, để con giúp cho việc xây dựng nhà thờ này, nhà thờ kia. Phải, dưới cái nhìn của chúng ta thì việc chúng ta xin thật là tốt. Thế nhưng dưới cái nhìn của Chúa thì lại khác. Có thể là Chúa đã thấy trước được rằng, nếu chúng ta được trúng số, có thể chúng ta không giữ lời hứa, hay có thể Chúa thấy rằng, nếu chúng ta có làm những công việc kia, khi chúng ta có tiền, thì chúng ta lại sinh ra kiêu căng, khoe khoang…vv. Chính vì thế mà Chúa đã không cho chúng ta trúng số.
Như vậy, muốn cho lời hứa kia của Chúa được thực hiện, thì điều chúng ta xin phải là điều hợp với ý của Chúa. Nhưng làm thế nào để biết được ý Chúa để mà xin? Muốn biết được ý Chúa, cách tốt nhất đó là chúng ta hãy để cho Chúa Thánh Thần hiện diện trong tâm hồn chúng ta.
Hơn ai hết, Chúa Thánh Thần Ngôi Ba Thiên Chúa, Ngài biết rất rõ ý muốn của Thiên Chúa. Vậy khi để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn những lời cầu xin của chúng ta thì những lời cầu xin của chúng ta rất trúng ý của Thiên Chúa. Và nếu đã trúng ý của Thiên Chúa, chắc chắn là chúng ta sẽ được Chúa nhận lời.
Chúng ta cần phải lưu ý trong việc cầu xin, để được Chúa nhận lời là, Chúa chúng ta là người Cha rất nhân từ và yêu thương chúng ta vô cùng. Bởi đó, khi ban ơn cho chúng ta thì bao giờ Ngài cũng ban những ơn lợi nhất, tốt nhất cho chúng ta, theo sự hiểu biết khôn ngoan vô cùng của Ngài. Do đó, những điều chúng ta xin mà không được Chúa nhận lời, thì chỉ vì đó là những điều không tốt, không lợi cho chúng ta, theo cái nhìn của Chúa.
Thiên Chúa không bao giờ sai lầm, Thiên Chúa thông minh vô cùng. Trong gia đình chúng ta chi cho con cái những gì tốt đúng và có lợi, dù lúc ấy con cái chưa biết và chưa hiểu ý của người cha mình. Nhưng mai sau này lớn khôn chúng mới thấy tình thương kia hải hà bao la.
Ta nghĩ đến một em bé thích chơi bò cạp là điều cha mẹ không thể cho phép mà còn bị cấm, bị phạt nữa. lúc ấy chúng không hiểu và còn than phiền chúng ta không tốt, hay không hợp thời với tuổi nhỏ, hay không chịu chơi… Nhưng mà sau khi hiểu ra chúng mới thấy cha mẹ tốt và biết ơn.
Vậy thì Thiên Chúa Cha ở trên trời lại không biết dành phần tốt nhất cho con cái mình ư ? (c.11). Vật tốt của tốt là điều Chúa ban cho chúng ta. Chúa không cho điều gì xấu cả. Bất cứ điều gì chúng ta đang có trong ý Thiên Chúa là tốt. Còn nếu chúng ta cho là không tốt thì đó là do ý kiến “trẻ con” của chúng ta mà thôi. Hồi còn bé cứ bị cha mẹ bắt đi ngủ sớm… chúng ta coi đó là một cực hình. Nhưng nay có sức khỏe.
Hãy an tâm đừng trách móc Chúa nữa, Chúa sẽ chọn phần tốt nhất cho ta, những gì có lợi cho ơn cứu rỗi cuối cùng của chúng ta. Hãy cúi đầu thờ lạy ý định ngàn đời của Thiên Chúa dành cho mỗi người trong đời chúng ta.
Mỗi người chúng ta hãy cầu xin với Chúa Thánh Thần, để xin Ngài đến với chúng ta, hầu soi sáng và hướng dẫn chúng ta trong việc cầu xin. Như thế, chắc chắn lời cầu xin của chúng ta bao giờ cũng được Chúa nhận lời, đúng như lời Ngài đã hứa : “Ai xin thì sẽ được”
Và để cho Chúa Thánh Thần đến với chúng ta, điều chúng ta cần phải làm và có thể làm ngay giờ này, đó là đẹp bỏ những cản trở cho việc Ngài đến. Mà cản trở đầu tiên đó là tội lỗi. Chúng ta hãy dẹp bỏ những cản trở đó đi bằng lòng thống hối ăn năn của chúng ta.
2021
QUAY VỀ VỚI CHÚA
QUAY VỀ VỚI CHÚA
Giáo Hội đang và đã bắt đầu bước vào mùa Chay thánh, chúng ta được các bài đọc giúp hướng lòng đến tâm điểm của sứ điệp mùa Chay. Khởi đầu, bài đọc một trích sách ngôn sứ Giô-na dẫn chứng cho chúng ta sự trở lại của dân thành Ni-ni-vê. Lời đáp ca trích dẫn từ thánh vịnh 50 diễn đạt một tâm tình của tội nhân đang hối lỗi và xin Chúa thanh tẩy cõi lòng.
Và kế đến với trang Tin Mừng theo thánh Luca, Chúa Giêsu đưa ra lời răn đe trong việc nhắc lại dấu lạ của ông Giô-na và sự sám hối của thành Ni-ni-vê. Như vậy trong cả ba bài đọc, Lời Chúa xoáy sâu vào sứ điệp canh tân đời sống đức tin của chúng ta.
Ngôn sứ Giô-na là nhân vật chính trong sách ngôn sứ Giô-na. Trong sách ấy, Chúa đã truyền lệnh cho ông đi đến thành phố Ni-ni-vê để cảnh cáo tình trạng tồi tệ của thành ấy. Thay vì đi đến và thực thi lệnh truyền của Chúa, ông đã bỏ trốn.
Ông không thể không thi lệnh truyền của Chúa vì trên đường bỏ trốn tới Tarshish bằng đường thủy, thuyền của ông bị một cơn bão khủng khiếp cản quét đến. Khi dân lái thuyền biết được do ông Giô-na là nguyên do của mọi sự, họ đã hiến tế ông lại cho Thiên Chúa. Ông bị quăng xuống biển và ở trong bụng cá ba ngày ba đêm. Ở trong bụng cá, ông cầu nguyện cùng Chúa và thề hứa với Chúa sẽ cảm tạ và thực thi lệnh truyền của Chúa. Chúa truyền lệnh cho con cá nhả ông ra.
Nhận lệnh truyền của Chúa một lần nữa, ông Giô-na đi ra đến thành phố Ni-ni-vê và công bố : “Còn bốn mươi ngày nữa, Ni-ni-vê sẽ bị phá đổ” (Gn 3:5). Lập tức, tất cả mọi giới trong thành công bố lệnh ăn chay và mặc áo thô, từ người lớn đến trẻ nhỏ. Từ vua cho đến dân đen, từ người cho đến gia súc quyết định không ăn, không uống, mặc vải thô và kêu cầu Thiên Chúa.
Cách riêng cho mỗi người, họ quyết định phải trở lại, bỏ đường gian ác và những hành vi bạo lực của mình. Họ vẫn còn biết kính sợ Chúa là điều căn bản nhất. Họ thiết nghĩ, “Biết đâu Thiên Chúa chẳng nghĩ lại, chẳng bỏ ý định giáng phạt, và nguôi cơn thịnh nộ, khiến chúng ta khỏi phải chết” (Gn 3:10).
Với câu chuyện và bối cảnh của ông Giôna và sự sám hối của thành Ni-ni-vê, chúng ta nhìn thấy hình ảnh của một Thiên Chúa nghiêm nghị và cương quyết đối với tội lỗi. Ngài muốn con người sống trong đường ngay nẻo chính chứ không phải đường gian ác và bất xứng. Nếu đọc câu chuyện này và lồng mình vào để xem xét ý định của Chúa muốn chúng ta điều gì thì chúng ta sẽ bắt gặp một sự mời gọi.
Trong Sứ điệp Tin Mừng hôm nay, qua hình ảnh ông Giôna, nhắc nhở chúng ta về lòng sám hối của mỗi người. Sám hối, có thể nói đó là trọng tâm cho những ai muốn đón nhận ơn tha thứ và hạnh phúc nước trời mà Chúa hứa ban. Và để sám hối thật sự, chúng ta cần:
Nhận ra mình là người có tội.
Tỏ lòng thống hối lo buồn với những lỗi phạm.
Tin vào tình thương, tha thứ của Thiên Chúa.
Quay về với Thiên Chúa.
Thiếu đi một trong bốn điều trên thì không còn là lòng sám hối chân thành đối với Chúa. Một trong những nguyên nhân làm cho con người không chân thành với Thiên Chúa là vì con người thiếu đi niềm tin và nghi ngờ chính lòng thương xót của Thiên Chúa. Dấu chỉ mà Chúa Giêsu diễn tả trong Tin Mừng hôm nay đã thể hiện thật sống động hình ảnh của con người đối với Thiên Chúa. Khi con người nghi ngờ, không tin vào Thiên Chúa, con người dễ bị cám dỗ chính mình là Thiên Chúa, nên không nhìn thấy được những dấu lạ hay ơn lành của Chúa trong cuộc đời mình. Khi có niềm tin vào Thiên Chúa, chúng ta sẽ nhận ra rằng, mỗi một ngày sống là ơn ban, mỗi biến cố trong cuộc đời mình chính là dấu lạ mà Chúa không ngừng tuôn đổ trên cuộc đời chúng ta.
Khi nhìn nhận tất cả những biến cố xảy ra trong thế giới này, những hiểm họa, dịch bệnh, những đe dọa đến sự sống, v.v. đều là dấu chỉ nhắc nhở chúng ta về chính lời Chúa Giêsu đã nói khi bắt đầu sứ vụ rao giảng của Người: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã gần đến”.
Lời Chúa mời gọi chúng ta cương quyết duyệt xét đời sống mình. Chúng ta không những được mời gọi để sống chính trực trước nhan Chúa, mà còn được mời gọi sống chứng tá cho Chúa như một Giô-na, sau khi được nhả ra từ bụng cá, đã bước đi sửa dạy anh chị em mình. Vai trò này không chỉ dành cho quý cha, quý thầy, quý sơ thôi đâu mà còn cho cả những phụ huynh, những giáo dân, những người làm anh, làm chị, làm thầy cô và bạn bè. Như vậy, sống tinh thần mùa Chay là sống đẹp lòng Thiên Chúa, Đấng giàu lòng nhân hậu xót thương. Dấu lạ của chúng ta là chứng tá sống thánh thiện trong đời sống thường ngày. Chúng ta cùng cầu nguyện cho nhau.
Khởi đầu sứ vụ rao giảng của Chúa Giêsu, Ngài không đòi chúng ta gì hơn ngoài việc kêu gọi: “Anh em hãy sám hối vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 4, 17). Quả vậy, trong dòng chảy cuộc sống, con người bị cuốn hút vào trào lưu tục hóa, thành công qua trở nên kiêu gạo, thất bại tạo ra bi quan, sung túc sinh ra sa đọa, khó khăn vất vả phá hủy lòng tín thác. Vì thế con người cần có khởi điểm để nhìn lại mình, và mùa chay chính là cột mốc nghe được tiếng mời gọi của Cha trên trời và qua mẹ Giáo Hội nhắc nhở con cái mình Sám Hối. Hãy đặt mình vào tương quan kính Cha, hiếu Mẹ, thì tiếng kêu mời này không còn xa lạ, nhưng là cho chính tôi.
2021
CHUYÊN CẦN CẦU NGUYỆN
23/2 Thứ Ba tuần I MC
Is 55:10-11; Tv 34:4-5,6-7,16-17,18-19; Mt 6:7-15
CHUYÊN CẦN CẦU NGUYỆN
Ta thấy Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ cầu nguyện. Đó là một định hướng giúp cho chúng ta biết mình phải làm gì để trở nên một người con của Chúa (Mt 6,7-8).
Trình thuật Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy ý nghĩa, giá trị và thái độ cần có khi cầu nguyện.
Trước tiên, cầu nguyện ở những nơi kín đáo, tức là có kinh nghiệm cá nhân với Chúa trước khi chúng ta cầu nguyện nơi tập thể, cộng đoàn.
Thứ hai, cầu nguyện cách chân thành chứ không sáo rỗng, hình thức, giả tạo. Cầu nguyện chân thành tức là một tâm hồn khao khát chân lý và sẵn sàng để cho thánh ý Thiên Chúa được thực hiện nơi mình.
Cuối cùng, cầu nguyện với tinh thần tha thứ. Cảm nghiệm được tình thương của Thiên Chúa đối với mình thì cũng phải tha thứ cho anh chị em. Đây là lời cầu nguyện sống động và hấp dẫn nhất.
Trong đời sống đạo của chúng ta vẫn thấy có những người cầu nguyện rất dài, nhưng lòng đạo thì lại quá ngắn! Tại sao vậy? Thưa bởi vì họ như con sáo, cuốn băng! Cầu nguyện mà không biết mình làm gì, chỉ mong sao đọc cho hết, nói cho xong là yên tâm! Trong khi đó, không hề thay đổi lối sống khi sứ điệp Lời Chúa đòi hỏi…
Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha, qua đó Ngài nêu bật thái độ phải có khi cầu nguyện: Trước hết là tinh thần đơn sơ khiêm tốn, gặp gỡ thân tình với Chúa hơn là nói nhiều lời ngoài môi miệng. Giờ cầu nguyện là giờ tâm sự với Chúa, chứ không phải là giờ làm bài, là giờ của con tim, chứ không phải là của khối óc.
Thứ đến là tinh thần quảng đại tha thứ cho kẻ xúc phạm đến chúng ta. Đó là điều đương nhiên, vì thân phận của con người là yếu đuối, tội lỗi, và mọi người đều mắc nợ nhau trong đức bác ái của lời nói, việc làm, cách suy nghĩ, cho dù chúng ta vẫn giữ được đức công bằng.
Thật ra, như lời thánh Phaolô: chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải, nhưng chính Thánh Thần chuyển cầu cho chúng ta bằng những tiếng rên khôn ta. Nhờ Bí tích rửa tội, chúng ta đã được kết hiệp với Đức Kitô và được lãnh nhận hồng ân Thánh Thần. Chúng ta hãy cố gắng sống trong Thánh Thần để phát triển đời sống cầu nguyện, nhờ đó canh tân chính mình và môi trường sống.
Người con của Chúa phải là người không làm theo ý mình, không mưu tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng là người luôn làm theo ý Chúa và mong muốn mọi người cùng thi hành ý Chúa để danh Chúa được vinh hiển: “Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” (Mt 6, 9-10)
Người con của Chúa phải là người luôn tin tưởng và phó thác vào sự quan phòng yêu thương của Chúa, nên không phải quan tâm đến nhu cầu thể xác cách quá đáng (Mt 6, 11). Nhưng điều quan trọng là giữ được phẩm giá con người mà Chúa đã ban tặng và đừng bao giờ cố tình để bị sa vào chước cám dỗ của sự dữ mà phản bội ân tình Chúa; đồng thời, chúng ta biết sống hiệp thông với nhau bằng tinh thần quảng đại, yêu thương và tha thứ theo gương Chúa Giêsu (Mt 6, 12-13).
Chúng ta cần cầu nguyện với Chúa Cha để sống và hoạt động tông đồ đắc lực, khi cầu nguyện như thế, chúng ta cậy nhờ Chúa Giêsu và nhờ chính lời cầu nguyện của Ngài. Có một điểm Chúa Giêsu căn dặn là trong khi cầu nguyện đừng có thái độ thuyết phục Thiên Chúa theo ý muốn của mình bằng những lời khéo léo dài dòng như những người ngoại giáo đối với các thần minh của họ. Chúa Giêsu dạy chúng ta đừng làm như thế, bởi vì “Cha các con đã biết rõ các con cần gì, trước khi các con cầu xin”.
Nói cách khác, khi cầu nguyện, chúng ta chỉ cần đơn sơ khiêm tốn nhìn nhận mình hèn mọn thiếu thốn, vạch rõ con người của chúng ta trước mặt Thiên Chúa, rồi vững dạ cậy trông tin tưởng. Thiên Chúa chẳng những sẽ lấp đầy cái trống rỗng của chúng ta, mà còn dằn lắc, còn ban cho chúng ta nhiều ơn hơn chúng ta khấn xin.
Lời dạy của Chúa Giêsu về cầu nguyện còn có một điểm đặc biệt nữa, đó là Ngài không chỉ nói: “Khi anh em cầu nguyện, đừng trở nên như những người giả hình” (c. 5), nhưng còn nói: “Anh em đừng lải nhải như dân ngoại!” (c. 7) Thực vậy, lời nguyện của chúng ta không được trở thành những lời lải nhải chỉ qui về mình, nghĩa là nhằm thỏa mãn nhu cầu, hoặc như những âm thanh vô hồn, nhưng phải là một lời ca tụng dựa trên tương quan thiết thân Cha-Con. Vì thế, trong lời nguyện “Lạy Cha của chúng con”:
Chúng ta được mời gọi ra khỏi mình để đi vào tương quan phụ-tử với Thiên Chúa, là Cha của chúng ta.
Ra khỏi mình để quan tâm trước hết đến Danh của Cha, đến Nước của Cha, đến Ý của Cha.
Và sau đó mới quan tâm đến sự sống của mình, nhưng không phải sự sống mà mình muốn, nhưng là sự sống đích thật mà Thiên Chúa muốn: đó là sự sống được xây dựng trên những ơn huệ: ơn huệ lương thực, ơn huệ giải thoát khỏi sự dữ và ơn huệ thứ tha.
Sự sống của chúng không thể không có lương thực, không thể không được tha thứ, và không thể không được giải thoát khỏi sự dữ. Và Chúa Cha đã ban cho chúng ta sự sống này rồi, cách nhưng không và viên mãn nơi Đức Giê-su Ki-tô, Con Chúa.
Chúng ta hãy siêng năng cầu nguyện để đức tin được củng cố và thêm vững mạnh. Nhờ đó, chúng ta mới có thể dễ dàng tha thứ cho nhau và tha thứ chính là hành động cụ thể biểu lộ đức tin của mình.
2021
YÊU MẾN VÀ CẦU NGUYỆN CHO CÁC ĐẤNG KẾ VỊ THÁNH PHÊRÔ
22/2 Thứ Hai tuần I MC
Toà Thánh Phêrô, Tông Đồ
Lv 19:1-2,11-18; Tv 19:8,9,10,15; Mt 25:31-46
YÊU MẾN VÀ CẦU NGUYỆN CHO CÁC ĐẤNG KẾ VỊ THÁNH PHÊRÔ
Lễ mừng kính Tông toà thánh Phêrô nhắc chúng ta nhớ lại sứ mạng Chúa Kitô đã trao phó cho vị thủ lãnh các Tông Đồ. Nhờ đặc ân không sai lầm, thánh Phêrô là người bảo đảm đức tin của các anh em trong Tông Đồ đoàn. Lòng tin của thánh Phêrô là đá tảng, trên đó Chúa đã xây Hội Thánh của Người
Khi cử hành lễ kính Tông Tòa Thánh Phêrô, phụng vụ muốn cho chúng ta thấy ngai tòa vững chắc mà Chúa Giêsu đã nói với Thánh Phêrô ”Anh là Phêrô nghĩa là tảng đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy” (Mt 16,18), đồng thời trao cho Thánh Phêrô nhiệm vụ chăn dắt. Do đó ngai tòa thánh Phêrô mang một ý nghĩa quan trọng tuyệt đối, Đức Giáo Hoàng là vị kế nhiệm thánh Phêrô hướng dẫn toàn thể Giáo Hội toàn cầu. Vì thế ngày lễ hôm nay là một lời tuyên xưng long trọng về quyền tối thượng của Đức Giáo Hoàng trong toàn thể Hội Thánh.
Hôm nay chúng ta tưởng nhớ việc Ðức Kitô chọn Phêrô là người thay thế Ngài trong việc cai quản Giáo Hội.
Sau một “cuối tuần mất mát” đầy đau khổ, hồ nghi và dằn vặt sau khi Ðức Kitô bị đóng đinh và đem đi chôn, Phêrô đã được nghe Tin Mừng. Thiên thần ở ngôi mộ nói với bà Maria Mađalêna: “Chúa đã sống lại! Hãy đi nói với các môn đệ và Phêrô.” Gioan kể lại khi ngài và Phêrô chạy đến mộ, vị tông đồ trẻ đi nhanh hơn tông đồ lớn tuổi kia, nhưng ngài đứng đợi ở ngoài. Khi Phêrô bước vào, thấy các khăn liệm ở dưới đất, khăn che mặt được gói lại để ở đúng vị trí của nó. Gioan trông thấy và tin. Nhưng ngài viết thêm: “… Họ không hiểu rằng theo kinh thánh, Ngài phải sống lại từ cõi chết” (Ga 20:9). Họ về nhà. Ðầu óc họ như nổ tung với một khám phá mới, điều bất khả đã trở thành hiện thực. Chúa Giêsu đã hiện ra với họ trong căn nhà khóa kín. Ngài nói, “Bình an cho anh em,” và họ quá đỗi vui mừng (Ga 20:21b).
Và biến cố trong ngày Ngũ Tuần đã giúp Phêrô cảm nhận được Ðức Kitô phục sinh một cách trọn vẹn. “… Tất cả đều tràn đầy Thánh Thần” (Cv 2:4a) và họ bắt đầu rao giảng bằng các thứ tiếng khác nhau tùy theo Thánh Thần ban cho.
Chỉ khi ấy Phêrô mới chu toàn nhiệm vụ mà Chúa đã trao cho ngài: “… Một khi anh trở lại, hãy củng cố các anh em” (Lc 22:32). Từ lúc đó, ngài trở nên phát ngôn viên cho nhóm Mười Hai về những gì họ được cảm nghiệm qua Thánh Thần — trước nhà cầm quyền muốn chặn đứng sự rao giảng, trước thượng hội đồng Giêrusalem, trước cộng đoàn về vấn đề của Ananias và Sapphira. Ngài là người đầu tiên rao giảng Tin Mừng cho Dân Ngoại. Sức mạnh chữa lành của Ðức Kitô ở trong Phêrô được chứng tỏ: cho kẻ chết sống lại, chữa người ăn xin tàn tật. Dân chúng khiêng bệnh nhân ra đường phố để khi Phêrô đi ngang qua, bóng của ngài có thể chữa họ lành.
Ngay cả một vị thánh cũng gặp khó khăn của cuộc đời Kitô Hữu. Khi Phêrô không còn ăn uống với Dân Ngoại tòng giáo vì ngài tế nhị không muốn tổn thương đến người Kitô gốc Do Thái, Phaolô viết: “… Tôi chống đối ông ấy ra mặt vì rõ ràng là ông ấy sai… Các ông ấy không đi đúng với chân lý của phúc âm…” (Gl 2:11b, 14a).
Trong đoạn cuối Tin Mừng theo Thánh Gioan, Chúa Giêsu nói với Phêrô, “Thật, Thầy bảo thật cho anh biết, khi anh còn trẻ, anh muốn mặc quần áo nào và muốn đi đâu tùy ý; nhưng khi anh lớn tuổi, anh sẽ phải giang tay ra, và người khác sẽ mặc áo cho anh và dẫn anh đến nơi anh không muốn” (Ga 21:18). Chúa Giêsu tiên đoán về cái chết mà Phêrô phải chịu để vinh danh Thiên Chúa. Trong thời gian cai trị của Nero, trên Ðồi Vatican ở Rôma, Phêrô đã vinh danh Chúa Giêsu với sự tử đạo, có lẽ cùng với nhiều Kitô Hữu khác.
Chúa Giêsu gọi Simon là Phêrô, nghĩa là Đá. Điều này diễn tả sự chia sẻ quyền lực của Thiên Chúa cho người đại diện Chúa nơi trần gian là Phêrô và các Đấng kế vị ngài. Chúng ta tin vào sự vững bền của Hội Thánh vì chính Chúa là Đá Tảng đã đặt ngai tòa Phêrô như Đá vững chắc cho ngôi nhà Giáo Hội. Sức mạnh của Đức Giêsu phục sinh là cơ sở cho niềm tin và bình an khi ta sống trong Hội Thánh của Chúa.
Để xây Hội Thánh, Chúa Ki-tô cũng muốn xác định tính vững chắc của những tảng đá Ngài sẽ dùng để làm nền móng cho Hội Thánh là các tông đồ. Phép thử của Ngài là một câu hỏi. Cần phải biết “Thầy là ai?” để hiểu mục đích mà Thầy nhắm đến khi thiết lập Hội Thánh. Cần phải biết Thầy để biết được giới hạn của mình cũng như để lường trước sức nặng của Hội Thánh mà Thầy sẽ đặt lên vai mình.
Qua phép thử này, Chúa Ki-tô cho biết tính vững chắc của Hội Thánh không hệ tại những đầu óc thông thái mà là một niềm xác tín vững vàng vào Đấng mà mình đang đi theo. Với niềm tin vào Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống thì Hội Thánh có sức đứng vững trước mọi thách thức, chống phá, dù là quyền lực của ác thần Sa-tan.
Thánh Phêrô đã được Chúa trao cho chìa khóa Nước Trời, có nghĩa là thánh nhân sẽ được tham dự vào quyền bính của Chúa. Chính vì thế, thánh Phêrô cũng như các vị kế nhiệm sẽ đại diện Chúa ở trần gian với quyền giáo huấn, quyền thánh hóa và quyền quản trị để phục vụ Dân Chúa. Do vậy, khi người tín hữu không vâng nghe Đấng kế vị thánh Phêrô cũng chính là không vâng nghe Đức Giêsu.
Điều này cũng như quyền năng của nối kết hoặc cầm buộc và của tách rời hoặc tháo cởi cũng được trao cho cộng đoàn (Mt 18, 18) và cho các môn đệ khác (Ga 20, 23). Một trong những điểm mà sách Tin Mừng Mátthêu nhấn mạnh nhiều nhất là sự hòa giải và tha thứ hoặc khoan dung. Nó là một trong những nhiệm vụ quan trọng hơn đối với các điều hợp viên của cộng đoàn. Bắt chước thánh Phêrô, họ phải cầm buộc hoặc tháo cởi, đó là, làm theo cách để có sự hòa giải, chấp nhận lẫn nhau, xây dựng tinh thần huynh đệ.
Mừng Lễ hôm nay, Hội Thánh mời gọi tất cả chúng ta hướng về Đức Giáo Hoàng, đấng kế vị Phêrô. Ngài là vị cha chung của Hội Thánh, có trách nhiệm chăm sóc và hướng dẫn Dân Chúa. Với tấm lòng con thảo, chúng ta hãy yêu mến, vâng lời và siêng năng cầu nguyện cho ngài.