CHẠM ĐẾN CHÚA
8/2 Thường Niên
Thứ Hai trong tuần thứ Năm Mùa Quanh Năm
St 1:1-19; Tv 104:1-2,5-6,10,12,24,35; Mc 6:53-56
CHẠM ĐẾN CHÚA
Con người sinh ra hết sức bình thường là có ngũ quan.Xúc giác chính là một trong những ngũ quan của con người.
Nhìn thấy, nghe thấy, ngửi thấy, có khi vẫn chưa đủ. Người ta còn muốn sờ thấy, xem đằng mặt, bắt đằng tay.Sờ là một cách kiểm chứng đôi khi được coi là đáng tin hơn thấy. Đức Giêsu phục sinh đã nói với các môn đệ: “Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương thịt như anh em thấy Thầy có đây?” (Lc 24, 39). Thánh Tôma xem ra thích kiểm chứng bằng đụng chạm: “…nếu tôi không đặt ngón tay tôi vào lỗ đinh, không đặt bàn tay tôi vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin” (Ga 20, 25).
Ta thấy Chúa Giêsu phục sinh đã chiều Tôma (Ga 20, 27). Thiên Chúa đã chiều nhân loại, khi cho Con Ngài làm người như ta, nhờ đó chúng ta có thể đụng chạm đến Thiên Chúa theo nghĩa đen. Thánh Gioan đã reo lên khi loan báo Tin Mừng này: “Điều vẫn có ngay từ lúc đầu, điều chúng tôi đã nghe, Điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và bàn tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống” (1 Ga 1, 1).
Ta thấy chỉ với 4 câu vắn vỏi mà thánh Marcô dễ dàng giúp độc giả hình dung chuỗi hoạt động của Chúa Giêsu trong khung cảnh nhộn nhịp và sống động: Người ra khỏi thuyền, lên đất liền rồi đi vào các làng mạc, thành thị và thôn xóm. Hẳn nhiên đây không phải là sự nhộn nhịp và sống động của phố chợ hoặc bán buôn. Bầu khí sống động được kiến tạo bởi rất đông người ta và những kẻ ốm đau. Sự nhộn nhịp được tôn tạo nhờ vẻ đẹp của những nét mặt căng tràn tươi vui và hy vọng, của những tiếng cười nói động viên nhau chờ đợi và cố tìm cách đến với Chúa Giêsu, của những lời trầm trồ và kinh ngạc vì hồng ân khỏi bệnh quá lớn và quá bất ngờ, nhất là của chính con người Chúa Giêsu: ân cần, tận tụy, dịu hiền, nhanh nhẹn và đầy quyền năng; sẵn sàng để cho con người quấy rầy, réo gọi và đụng chạm.
Quả là Chúa Giêsu có sức thu hút mãnh liệt đối với dân chúng. Họ tin tưởng vào quyền năng và tình yêu thương của Ngài. Họ không mong gì hơn là được chạm vào tua áo của Ngài. Chắc chắn sự đụng chạm này không chỉ sơ sài nơi tua áo, mà là cái đụng chạm của lòng tin, của Trái Tim với trái tim ; mà là sự gặp gỡ giữa Thiên Chúa và loài người, giữa Đấng Chữa Lành và phận người toang vỡ vì đau khổ, bệnh tật và tội lỗi. Sự đụng chạm ấy, cuộc gặp gỡ ấy đẹp đẽ và xúc động làm sao. Đẹp vì Con Thiên Chúa làm người đã sẵn sàng hiện diện, sẵn sàng ở ngay bên để con người có thể chạm vào bất cứ lúc nào. Xúc động vì con người đã tìm gặp được Đấng đáng cậy tin để họ hân hoan mở cửa lòng mình và vui nhận hồng ân được tái sinh, được chữa lành. Họ hạnh phúc biết bao ! Hạnh phúc vì phận người mỏng dòn yếu đuối nay được tiếp sức bằng Sự Sống của Đấng ba lần Thánh. Hạnh phúc vì kiếp tục trần nay được chạm vào thánh thiêng.
Quyền năng của Chúa Giêsu được thi thố qua việc chữa bệnh.“Người ở đâu thì người ta cáng bệnh nhân đến đó. Người đi tới đâu… người ta cũng đặt kẻ ốm đau ở chỗ công cộng” (cc. 55-56). Dân chúng tin vào sức mạnh xuất phát từ chính con người Đức Giêsu. Ở đây không phải là chuyện Ngài đụng chạm vào các bệnh nhân để chữa họ, mà là các bệnh nhân xin “ít là được chạm đến tua áo choàng của Người; và “bất cứ ai chạm đến, thì đều được khỏi” (c. 56). Cái chạm của bệnh nhân là cái chạm của lòng tin vào Đức Giêsu. Nó giống với cái chạm của người phụ nữ bị băng huyết (Mc 5, 28). Không phải chỉ là chạm bằng tay, mà bằng cả con người.
Và ta thấy câu chuyện đụng chạm, chuyện gặp gỡ, chuyện mở cửa lòng, chuyện chữa lành hôm xưa vẫn tiếp diễn hôm qua, hôm nay và mãi mãi. Thiên Chúa vẫn có đó, trong mọi biến cố đời thường, trong Thánh Kinh, trong giáo huấn của giáo hội, trong kinh nguyện và nhất là trong mỗi Thánh Lễ. Người vẫn đi giữa nhân loại, vẫn rảo bước khắp làng mạc thôn xóm, vẫn ở đó với con người trong mọi phút buồn vui cuộc đời, vẫn sẵn sàng cho những quấy rầy và đụng chạm của con người. Liệu ta có muốn chạm vào Người và mở lòng cho những cuộc gặp gỡ thần diệu ấy chăng ? Liệu ta có muốn Người chữa lành những tật bệnh tinh thần và thiêng liêng cho ta chăng ?
Hơn thế, tôi, bạn và anh chị, ta còn mang trong mình phận vụ quan trọng và cấp thiết hơn bao giờ hết, là trở thành những Giêsu khác giữa dòng đời hôm nay, là nhân danh Người mà phục vụ các nhu cầu của tha nhân, nhất là của những người nghèo đói tật bệnh. Ta có dám sống với người nghèo và sẵn lòng để cho họ quấy rầy ta chăng ? Ta có dám học cách phục vụ người nghèo như Chúa Giêsu, là mau mắn trong những hành động cụ thể chứ không phải chỉ nhanh nhạy trong ý tưởng và nói rất hay nơi bàn giấy chăng ?
Nếu dám nghĩ, dám làm những gợi ý trên nơi bản thân, trong gia đình mình và tại thôn xóm mình thôi, là ta đang trở thành những tác viên tin mừng, những chứng nhân của tân phúc âm hóa đời sống gia đình và là những Giêsu khác như giáo hội thiết mong.
Nơi đáy lòng con người vẫn có khát khao được đụng chạm đến Thiên Chúa, cả nơi những người không tin có Ngài hay bướng bỉnh như Tôma. Truyền giáo là giúp người ta thực hiện ước mơ chính đáng: chạm đến Thiên Chúa. Nhà truyền giáo phải là người đã có kinh nghiệm chạm đến Thiên Chúa. Những ước mong mỗi Kitô hữu trở nên một nhà truyền giáo nhờ đụng chạm đến Lời Chúa và các Bí Tích mỗi ngày.