2021
CHẠNH LÒNG THƯƠNG
6/2 Thứ Bảy Thánh Phaolô Miki và các bạn tử đạo
Dt 13:15-17,20-21; Tv 23:1-3,3-4,5,6; Mc 6:30-34
CHẠNH LÒNG THƯƠNG
Ngày 6-2-1597, 26 Kitô hữu bị đóng đinh tại Nagasaki (Nước Nhật). Trong số đó có các nhà truyền giáo châu Âu, các tu sĩ dòng Tên và dòng Phan Sinh, kể các các tu sĩ Nhật, như LM Phaolô Miki và 17 giáo dân: Gồm các giáo lý viên, các thông dịch viên, hai bác sĩ và cả các trẻ em. Tất cả đều tươi cười, nhiều người còn ca hát.
Thánh Phaolô Miki sinh ra tại đất nước Nhật Bản vào thế kỷ XVI giữa lúc nước Nhật cấm cách, bắt bớ đạo Công giáo một cách thật gắt gao. Thánh nhân là một tu sĩ Nhật Bản rất hăng say, nhiệt thành với công việc loan báo Tin Mừng. Điều mà sử gia Tertullien đã viết quả thực được thể hiện nơi Phaolô Miki và các bạn. Vì hăng say với công việc truyền giáo, ngày 5/2/1597 trên một chuyến tàu, Phaolô Miki và 25 người bạn đã bị quan quân Nhật Bản bắt nhốt, bị lên án tử bằng hình phạt treo Phaolô và các bạn của ngài trên những cây Thập giá đối diện với bờ biển.
Bị cực hình, bị treo lên những cây Thập tự giá, nắng, gió, đau đớn, nhưng với ơn Chúa giúp thánh Phaolô Miki và các bạn vẫn tươi vui, phấn khởi, không hề sợ sệt và vẫn hăng hái, sốt sắng giảng đạo, khuyên răn các người đến xem ăn năn hối cải, trở về với Thiên Chúa. Thánh nhân tha thứ cho những kẻ sỉ nhục, hành hạ và kết án ngài cùng các bạn. Quan quân Nhật Bản quá tức giận vì thái độ bình tĩnh và không sợ sệt của các ngài, nên đã đâm chết Phaolô Miki và các bạn của ngài.
Lời Thánh vịnh viết: “Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong vui sướng. Ai gieo trong nước mắt, sẽ về giữa tiếng cười”. Thánh Phaolô Miki và 25 người bạn đã được diễm phúc tử vì đạo với hình phạt nặng nề như Thầy của mình là bị đóng đinh trên Thập tự giá. Thiên Chúa và Giáo hội đã tôn vinh các ngài.
Sau khi đi loan báo Tin Mừng theo lệnh truyền của Chúa Giêsu, các tông đồ trở về với niềm vui hớn hở, họ vây quanh Thầy mình và đua nhau kể thành tích đã thâu lượm được trong sứ vụ. Chắc chắn Thầy Giêsu vui lắm, nhưng Ngài đã nhìn thấy những vất vả, nhọc nhằn vẫn còn in trên khuôn mặt các đồ đệ của mình và quan trọng hơn nữa: Ngài muốn các môn sinh có thời gian nghỉ ngơi phần xác, giống như sau sáu ngày làm việc Thiên Chúa đã nghỉ ngơi. Còn về phần hồn, thì “các trò” có giờ nghiền ngẫm lại những gì Thiên Chúa đã thực hiện cho người trần qua bàn tay và tiếng nói của họ.
Vì thế, Chúa mới ân cần nói: “Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút”. Quả thế, kẻ lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có thì giờ ăn uống nữa.Vậy, thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng.( Mc 6, 31- 32).
Thậy thế, người tông đồ thực thụ của Chúa dù ở bậc nào cũng luôn nhìn thấy sứ mạng để chu toàn. Bởi đó, họ luôn bị cám dỗ lao vào các công việc phục vụ đến nỗi không còn thời giờ chăm lo cho mình và quan trọng hơn là dành những giây phút riêng tư cho sự trợ giúp thiêng liêng của Thiên Chúa bằng cầu nguyện, xét mình, hồi tâm, đọc Lời Chúa… nếu thiếu sự trợ giúp của Thiên Chúa, chúng ta có thể ví mình như chiếc xe máy hết xăng giữa đường trường vắng vẻ. Người ta thường nói: “Ăn cơm nhà Chúa, múa cả ngày” điều đó rất đúng, vì việc nhà Chúa lúc nào cũng có và đều mang tính “khẩn”. Chúng ta “múa” mà có Chúa múa cùng thì điệu múa đó mới đẹp, mới hay và mới có ý nghĩa; còn múa một mình, không mời Chúa giúp, thì e rằng điệu múa đó coi chừng bị rớt nhịp, trơ trụi, lúng túng và thiếu chiều sâu tâm linh.
Trở về với bài Tin Mừng, tôi thấy: chiếc thuyền chở Thầy trò Giêsu hôm nay sao ấm cúng lạ thường! Phải chăng vì Thầy Giêsu luôn ở bên họ và cùng đồng lao cộng khổ với họ trong cuộc đời mà con thuyền này chỉ là một hình ảnh thu gọn! Được ở bên Thầy mỗi ngày, các môn sinh đều cảm nhận sâu hơn niềm vui, sự yêu thương, quan tâm, săn sóc mà Thầy Giêsu đã dành cho mình cũng như cho đoàn môn đệ. Các ông là những người được vinh dự đại diện cho mỗi người chúng ta hôm nay, cũng đang được Thiên Chúa yêu thương chăm sóc như vậy!
Tin Mừng lại trình bày tiếp: “Ra khỏi thuyền, Chúa Giêsu thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều”. Rõ ràng, tình yêu của Thiên Chúa không dừng nơi sự mệt nhọc thể lý của con người mà lại tiếp tục nhân rộng tình thương đến vô tận. “Chạnh lòng thương” ở đây không còn là từ ngữ nữa, nhưng là cái đụng chạm đến con tim, một con tim của Thiên Chúa đã vì yêu thương xuống thế làm người, ở với con người, dạy dỗ con người để cứu độ con người. Hỏi trên đời này, có ai quan tâm đến chúng ta hơn Thiên Chúa đã yêu thương, chăm sóc chúng ta không? Và đã có bao nhiêu người để ý tới điều đó để nhận ra cả cuộc đời mình đều là hồng ân của Chúa.
Chúa Giêsu chạnh lòng thương dân chúng vì “Họ như bầy chiên không người chăn dắt”. Họ không được qui tụ trong một đàn, họ tản mác, họ tự lo kiếm ăn và họ tự bảo vệ lấy mình. Họ không có bình an, hạnh phúc. Chúa Giêsu thương họ, Người muốn qui tụ họ. Nhưng trước hết, Người dạy dỗ họ nhiều điều. Chắc có lẽ Chúa Giêsu sẽ dạy họ về sự đoàn kết, về việc phải qui tụ nhau lại thành một. Muốn có được sự qui tụ, sự hiệp nhất, phải có chung điều gì đó. Điểm chung đó chính là Tình Yêu thương nhau, là cùng chung một niềm Tin và cùng tuân theo một sự hướng dẫn.
Chúa Giêsu đã qui tụ tất cả chúng ta trong Giáo Hội toàn cầu, mà cụ thể là Giáo xứ hay nơi gia đình. Quả thật, trong Giáo Hội, Giáo xứ và ngay trong gia đình, tất cả mọi người đều có chung một Niềm Tin: tin vào Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ, nhờ đó chúng ta nhận biết Thiên Chúa là Cha yêu thương tất cả mọi người.
Từ việc nhận biết Tình yêu Thương của Thiên Chúa qua Đức Kitô, chúng ta được dạy phải yêu thương nhau, và cho tới ngày sau hết, Thiên Chúa vẫn tỏ lộ và dạy chúng ta về Tình Yêu qua sự hướng dẫn của Đấng thay mặt Ngài, đó là những người hướng dẫn chúng ta.
Tin Mừng hôm nay, thánh Maccô như tóm tắt tất cả dung mạo của Chúa Giêsu trong câu nói: “Chúa Giêsu thấh đông đảo dân chúng thì chạnh lòng thương”. Ðây là tất cả mạc khải về tình yêu Thiên Chúa đối với con người: thay cho một Thiên Chúa ở trên cao, thưởng phạt chí công, lạnh lùng nghiêm khắc, Chúa Giêsu đã bày tỏ cho chúng ta một Thiên Chúa đi vào lịch sử con người, một Thiên Chúa sinh ra như một em bé, một Thiên Chúa có trái tim cảm thông và tha thứ, một Thiên Chúa gần gũi với con người, có mặt trong từng nhịp thở của con người.
Chiêm ngắm một Thiên Chúa như thế qua con người Chúa Giêsu Kitô, chúng ta cũng nhận ra được một chân lý về con người, bởi vì như Công Ðồng Vaticanô II trong Hiến chế “Vui mừng và Hy vọng” đã nói: Chỉ trong ánh sáng của Ngôi Lời Nhập Thể, chân lý về con người mới được sáng tỏ. Con người bởi đâu mà đến? sẽ đi về đâu? chúng ta nhận ra điều đó trong Chúa Giêsu đã đành, mà trong Ngài, chúng ta còn phải biết sống thế nào cho phải đạo làm người.
Qua cung cách của Ngài, chúng ta thấy phải đối xử thế nào với người đồng loại. Qua cuộc sống yêu thương và yêu thương đến chết trên Thập giá, chúng ta hiểu được rằng hiến thân cho tha nhân là ơn gọi của con người, chỉ có con người mới được mời gọi để sống cho tha nhân mà thôi.
2021
LÀM CHỨNG CHO SỰ THẬT
5/2 Thánh Agatha, Đttđ Lễ Nhớ
Dt 13:1-8; Tv 27:1,3,5,8-9; Mc 6:14-29
LÀM CHỨNG CHO SỰ THẬT
Agata, theo nghĩa tiếng Hy Lạp “người tốt”, là một thiếu nữ Sicilien, sinh tại Catane, dưới chân núi Etna. Được tử đạo vào năm 251 trong thời bách hại của Dèce; việc tôn kính nữ thánh từ Sicile lan tràn cả Phương Tây (Constantinople) lẫn Phương Đông (Rôma, Milan, Ravenne) từ thế kỷ thứ V, được mừng vào ngày 05.02. Tại Rôma, có một thánh đường được dâng kính thánh nữ vào thế kỷ thứ V, được gọi là Saint-Agathe-des-Goths. Vào đầu thế kỷ thứ VI, Đức Giáo Hoàng Symmaque đã đưa việc tôn kính thánh nữ vào thành thánh và cung hiến một đại thánh đường trên đường Via Aurelia cho thánh nữ. Người ta cho rằng Đức Giáo Hoàng Grégoire Cả đã đưa tên thánh nữ vào Kinh Nguyện Thánh Thể Rôma; tên thánh nữ có trong các hạnh tử đạo Hy Lạp lẫn La Tinh.
Thánh nữ Agata được tôn kính cách đặc biệt tại Catane; dân thành phố này tin rằng thánh nữ đã làm nhiều phép lạ trong thời đất nước gặp khó khăn ; họ tin rằng nhờ lời cầu bầu của thánh nữ đã cứu được thành khỏi bị núi lửa Etna bùng nổ. Agata được xem như thánh quan thầy của các cô bảo mẫu, người làm chuông, làm đồ nữ trang…Ngài được kể vào các thánh Bảo Trợ, được kêu cầu khi người ta bị bệnh đau thận. Mỹ thuật trình bày thánh nữ cầm một cái dĩa trong tay, trên có đôi vú bị cắt.
Thánh nữ Agata biết làm đẹp lòng Thiên Chúa bằng việc thánh hiến sự đồng trinh và sự can đảm trong cuộc tử đạo.
Theo truyền thuyết, ngay từ bé, Agata đã chọn con đường tận hiến trinh khiết, hoàn toàn tự do dâng hiến cho tình yêu Chúa Kitô. Để chống lại các đòi hỏi của tổng trấn ngoại giáo Quitinien mà thánh nữ bị bắt, bị hành hình đau khổ và bị giết chết.
Thánh Méthode, giáo chủ Constantinople (+ 487), trong bài giảng ngày lễ tử đạo của thánh nữ, đã nhấn mạnh đến sự thánh hiến của thánh Agata, “đính hôn với hôn phu duy nhất là Đức Kitô… thánh nữ suy niệm và luôn chiêm ngắm cái chết của hôn phu một cách say mê”. Tình yêu nồng cháy đã làm cho thánh nữ hạnh phúc, như tên của thánh nữ, chỉ vì Thiên Chúa là nguồn mọi điều tốt lành.
Trong thời bách hại của Dèce, rất nhiều người được tử đạo, nhưng cũng có nhiều người chối đạo. Sự can đảm của các chứng nhân đức tin trước các lý hình nhấn mạnh đến tính chất anh hùng của hy tế và gương mẫu của họ, đã giúp đỡ rất nhiều người Kitô hữu thêm vững vàng trong đức tin, như thánh nữ Agata, theo như Hạnh tử đạo của bà, “vui tươi và chiếu sáng, bước vào tù ngục như vào một bàn tiệc.”
Thánh Méthode khuyến khích các tín hữu của ngài chạy đến với nữ thánh tử đạo, “như đang chiến thắng trận chiến hiện tại, thánh nữ Agata mời gọi mọi người đến với Bà, dạy dỗ bằng mẫu gương của mình: mọi người hãy đến với bà, đến với sự tốt lành chân thật, không gì khác hơn là chính Thiên Chúa.”
Qua trang Tin Mừng hôm nay, ta thấy Chúa Giêsu. Lúc này đã nổi danh, vì đời sống ngay thẳng công chính, với một lối sống rõ rệt là bênh vực người nghèo và kẻ áp bức. Gioan Tẩy giả là người chính trực ngày thẳng, không vị nể và không sợ trước những áp lực thế gian.
Hêrôđê là một con người tha hóa, nhu nhược. Bà Hêrôđia là một con người thời cơ lợi dụng, âm mưu và tội lỗi. Con gái bà Hêrôđia là người không có phán đoán, sống theo hưởng thụ và sẵn sàng cộng tác vào những điều bất chính.
Tất cả những cách sống của những nhân vật như: Chúa Giêsu, Gioan Tẩy giả, Hêrôđê, bà Hêrôđia và con gái bà, chúng ta có thể thấy rất nhiều trong môi trường ngày nay, và đôi khi cũng là chính khuân mặt của chúng ta.
Gioan Tẩy Giả là nạn nhân của bất công. Có bất công khi người ta đặt chính trị lên trên những giá trị khác của cuộc sống, như tinh thần và niềm tin; có bất công khi người ta hành động theo bản năng hơn là theo tinh thần. Vua Hêrôđê lẫn nàng Hêrôđia đều đã hành động theo lối ấy. Hêrôđia sống bất chấp luân thường đạo lý, còn Hêrôđê thì cho dù vẫn sáng suốt để phân biệt được điều ngay với lẽ trái, nhưng lại chọn sống theo bản năng hơn là lý trí.
Gioan Tẩy Giả đã lên tiếng tố cáo bất công và sẵn sàng chết cho công lý. Trong ý nghĩa ấy, ngài là vị tiền hô của Chúa Giêsu, ngài qua đi nhưng tinh thần ngài vẫn sống mãi trong các môn đệ của ngài, và một cách nào đó, ngài cũng sống trong chính con người Chúa Giêsu và nơi mỗi người Kitô hữu. Từ 2000 năm qua, Giáo Hội vẫn sống trong niềm xác tín đó. Chính tinh thần của Gioan Tẩy Giả, của các Tông Ðồ, của các Thánh Tử Ðạo, đã sống mãi trong Giáo Hội và trở thành giây liên kết mọi Kitô hữu.
Cái chết anh dũng của thánh Gioan Tẩy giả. Ngài đã bị trảm quyết vì đã dám lên tiếng tố cáo cuộc sống vô luân của vua Hêrôđê, là người đã bỏ vợ để lấy vợ của anh cùng cha khác mẹ của mình. Mang trong mình sứ mệnh răn bảo, sửa dạy, và kêu mời dân chúng hoán cải, từ bỏ lối sống tội lỗi để trở về đường ngay nẻo chính, Gioan không thể làm ngơ trước cuộc sống vô luân có thể ảnh hưởng đến đời sống tinh thần và luân lý của toàn dân. Khi tố cáo cuộc sống tội lỗi của Hêrôđê, Gioan không chỉ tố cáo tội lỗi của một cá nhân, mà còn cảnh cáo giới lãnh đạo thời đó đã vì địa vị, danh vọng, mà để mặc cho bất công ngự trị, tung hoành.
Thánh Gioan đã chu toàn sứ mạng của mình cách trọn hảo. Ngài đã dám sống và dám đánh đổi ngay cả mạng sống mình để trung thành với sứ mạng làm chứng cho sự thật dù phải thiệt thân. Dung mạo của Gioan loan báo trước dung mạo của Chúa Giêsu, đến nỗi khi Chúa Giêsu đến vua Hêrôđê tưởng rằng ông đã sống lại. Ước gì đây là khuôn vàng thước ngọc cho người Kitô hữu chúng ta trong cuộc sống hiện tại để dám sống và trung thành bảo vệ chân lý Tin Mừng như Gioan dù có thể bị oán ghét, thiệt thòi.
Hình ảnh của Gioan Tẩy Giả là mẫu gương của một con người sống có lý tưởng và sống cho nhân loại. Nghĩ tới Tẩy Giả người ta không quên cuộc đời kham khổ và đầu loang máu trên điã bạc. Đó là hình ảnh của Chúa Giêsu gắn liền với Thập Giá. Chúa Giêsu đã ở trên Thập Giá nên đã sinh hoa kết trái là hồng phúc và ơn cứu chuộc của Ngài. Chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta hiểu được đời chúng ta đang sống và sống để đem lại sự thật cho những người đang sống chung quanh chúng ta.
2021
BUÔNG BỎ ĐI THEO CHÚA
4.2 Thứ Năm trong tuần thứ Tư Mùa Quanh Năm
Dt 12:18-19,21-24; Tv 48:2-3,3-4,9,10-11; Mc 6:7-13
BUÔNG BỎ ĐI THEO CHÚA
Xưa kia dân Chúa “chân đi dép, tay cầm gậy” (Xh 12, 11) để sẵn sàng cho một cuộc xuất hành, bước đi trong sự phó thác hoàn toàn vào quyền năng của Thiên Chúa để tiến về miền đất Hứa. Cũng vậy, trong bài Tin mừng thứ Năm tuần IV thường niên hôm nay, Chúa truyền cho các môn đệ chân đi dép, tay cầm gậy, nhưng không mang túi tiền, bao bị gì cả để sẵn sàng ra đi loan báo Tin mừng trong sự tin tưởng, phó thác tuyệt đối vào quyền năng của Chúa.
Chúa Giêsu sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng và chỉ thị những điều cần thiết khi thi hành nhiệm vụ. Ngài trao cho họ những quyền hạn mà người đời không ai có: quyền trên các thần ô uế, thần ô uế đây là ma quỉ. Ngài đưa ra những chỉ thị cần thiết: Không mang theo lương thực, bao bị, tiền bạc và chỉ mặc một cái áo mà thôi, mang một đôi dép duy nhất và chỉ có cây gậy cần thiết để đi đường.
Trước khi sai các tông đồ ra đi thực hiện sứ vụ truyền giáo, Đức Giêsu muốn các ông ở lại cùng Người: “Chúa Giêsu gọi Nhóm Mười Hai lại …” (Mc 6,7). Khoảng thời gian ở lại bên Chúa chính là cơ hội để các tông đồ biết những mong muốn và thao thức của Thầy, ngõ hầu khi được sai đi, các ông thi hành đúng thánh ý của Thiên Chúa. Mặt khác, khi ở lại cùng Đức Giêsu, các môn đệ cũng sẽ được trải nghiệm tình yêu của Chúa như lời Người đã phán truyền: “Anh em hãy ở lại trong tình yêu của Thầy” ( Ga 15,9). Từ đó, cuộc sống và việc làm của người môn đệ Đức Kitô sẽ sinh nhiều hoa trái.
Ta thấy Chúa dặn không mang theo lương thực vì khi vào nhà nào thì ở lại đó, người Do Thái rất hiếu khách và bổn phận của họ là tiếp đón những người qua đường. Khác với chúng ta hôm nay, ai cũng sợ trộm cướp, phải cửa đóng then gài, không ai đón tiếp những người khách lạ, không ai nghĩ đến ai, sống chết mặc bây, không ai tin ai.
Thế giới của chúng ta không an toàn. Người khác không còn là người anh em mà là đối thủ, phải đề phòng. Nền văn minh của chúng ta không là nền văn mình của tình thương mà là đố kỵ, hoài nghi, sợ sệt, là nền văn minh của sự chết. Những nhà truyền giáo hôm nay phải tự túc. Nhưng cũng có những nhà truyền giáo hoàn toàn tay không. Có những linh mục, khi đến một giáo xứ nghèo vẫn đi tay không như Chúa đã căn dặn. Thật đáng ngưỡng mộ. Và chính nhờ đó, các ngài đã tạo nên những cộng đoàn giáo xứ thật tốt đẹp, đầy tình thân ái, cha sở với giáo dân cùng nghèo nhưng rất thân tình, rất hạnh phúc. Một giáo xứ tham gia như thánh Gioan-Phaolo II đã nói. Với những điều kiện đó, việc rao giảng mới có thể có kết quả, vì những người đó chỉ mang theo một hành trang cần thiết mà thôi là Lời Chúa và tình yêu.
Chỉ được mang theo cây gậy để đi đường, một áo ngoài mà thôi. Không tiền không bạc vìkho tàng của các ngươi ở đâu thì lòng ngươi cũng ở đó. Tiền bạc là gông cùm, là tham lam, là thuốc độc cho tình yêu. Chúng ta không truyền giáo bằng tiền được, có chăng là để giúp đỡ những người cần đến hay xây dựng những gì cần thiết. Nó chỉ là phương tiện, nhưng nó vẫn là một đe dọa, một nguy hiểm. Chúa biết rõ điều đó, vì thế Ngài đòi buộc các môn đệ phải đi rao giảng tay không.
Ngày nay, sứ mạng loan báo Tin mừng của Chúa tiếp tục được ủy thác cho bạn và tôi. Tuy nhiên, chúng ta thường bị cám dỗ là khi nào có “đủ điều kiện” thì chúng ta mới có thể đi làm chứng tá Tin mừng cho Chúa.
Hẳn nhiên không phải là dễ dàng gì giải đáp câu hỏi đó bằng một vài chữ, bởi vì, loan báo Tin Mừng là cả một tiến trình phức tạp, đòi hỏi phải suy nghĩ chính chắn và thích nghi cẩn thận, quan tâm đến thời điểm mà người ta sống cũng như nền văn hóa mà Phúc Âm sẽ được gieo vải, vun trồng. Tuy nhiên, Chúa Giêsu cũng đưa ra những lời căn dặn, được xem là những điểm qui chiếu cần thiết, không được quên, nếu chúng ta muốn chuyển thông cho người khác đức tin mà chúng ta đã lãnh nhận một cách nhưng không, đã đem lại cho đời chúng ta một ý nghĩa căn bản, sâu xa.
Chúa không để chúng ta một mình, vì Ngài vẫn ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế.Ngài dám làm những việc lạ lùng cho chúng ta là trở thành lương thực cho chúng ta, sống trong chúng ta, sống với chúng ta từng giây phút. Hãy mang Chúa đi trong hành trình cuộc sống, cùng với Ngài loan báo Ngài cho anh em chúng ta. Họ đang chờ chúng ta lên tiếng hay chứng tỏ tình yêu của Chúa qua cuộc sống khiêm hạ nhỏ bé của chúng ta.
Như các tông đồ khi xưa, người Kitô hữu có diễm phúc và được mời gọi “ở lại” với Chúa, cách đặc biệt nơi Thánh Thể của Người. Khi cử hành các giờ tôn thờ Thánh Thể, khi viếng Chúa và đặc biệt là trong thánh lễ, người Kitô hữu được kết hiệp mật thiết với Đức Kitô như nhành nho với cây nho. Nhờ thế, họ kín múc được nguồn sức mạnh sung mãn nơi Thiên Chúa.
Thiên Chúa tin cậy chúng ta, trao ban sứ mạng rao giảng Tin Mừng cho thế giới. Thế nhưng trước hết, hãy rao giảng ở cái môi trường nhỏ bé mà chúng ta đang sống. Xin cám ơn Chúa đã đặt sự tín nhiệm nơi chúng ta, và xin ngài đừng để chúng ta trở thành những chứng nhân bất xứng với những gì ngài đang chờ đợi nơi chúng ta.
Lời Chúa hôm nay nhắn nhủ bạn và tôi: Hãy làm một chuyện quan trọng là “chân đi dép, tay cầm gậy” như dân Chúa xưa, nghĩa là biết sống tinh thần phó thác hoàn toàn vào quyền năng của Chúa. Khi chúng ta sống tinh thần “chân đi dép, tay cầm gậy” như thế, thì chính đời sống của chúng ta đã là một chứng tá Tin mừng cho Chúa rồi.
2021
ĐỪNG THÀNH KIẾN NỮA
3.2 Thứ Tư trong tuần thứ Tư Mùa Quanh Năm
Dt 12:4-7,11-15; Tv 103:1-2,13-14,17-18; Mc 6:1-6
ĐỪNG THÀNH KIẾN NỮA
Trong thời Cựu ước, Thiên Chúa phán với loài người qua các ngôn sứ và các tổ phụ. Các ngôn sứ được Chúa sai đến thường bị bạc đãi và tẩy chay như ngôn sứ Êdêkien được: Sai đến với dân phản nghịch đang nổi loạn chống lại (Ed 2:3) Thiên Chúa. Cuối cùng Thiên Chúa sai chính Con Một Người đến mạc khải trực tiếp cho nhân loại về tình yêu và đường lối của Người.
Thánh Phaolô cũng chịu chung một số phận như các ngôn sứ: Bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Ðức Kitô (2Cr 12:10). Khi Chúa Giêsu về thăm quê nhà như Tin Mừng hôm nay thuật lại, Người gặp thái độ nghi ngờ và tẩy chay của người đồng hương. Dân chúng không phàn nàn vì lời Người giảng dạy có tính cách nông cạn. Trái lại họ phải sửng sốt về những lời giảng dạy sâu sắc của Người. Dân chúng cho rằng họ biết tất cả về gia cảnh, thân thế và sự nghiệp của Người. Họ biết Người là con bà Maria nội trợ, con nuôi ông thợ mộc Giuse, không được đi học trường đạo tạo giáo sĩ hay kinh sư. Thế thì tại sao Người lại có thể biết nhiều về Kinh thánh như vậy? Vì thế họ không chấp nhận Người.
Những thành kiến của họ có tính cách cố định. Thành kiến đã làm trở ngại cho những cuộc tiếp xúc giữa Chúa Giêsu và người đồng hương. Chính những thành kiến đó làm cản trở ơn thánh đến với họ. Họ nuôi quan niệm sai lầm về Ðấng Cứu thế. Theo họ thì vị thiên sai phải là một nhà lãnh đạo chính trị lỗi lạc, một nhà cải cách xã hội tài ba, một vị tướng lãnh tài giỏi, bách chiến bách thắng, có thể đưa dân tộc họ lên hàng bá chủ hoàn cầu. Khi họ nhận ra Chúa Giêsu không thích hợp với với quan niệm họ sẵn có về Ðấng cứu thế, thì họ từ khước Người.
Vì thế đối với họ, Chúa Giêsu không thể là Ðấng cứu thế. Thành kiến của họ đã làm cản trở cho đức tin vào Chúa, vào lời Chúa và quyền năng của Chúa như Chúa muốn họ tin tuởng. Do đó Ðức Giêsu nói với họ: Ngôn sứ có bị coi rẻ thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình (Mc 6, 4). Phúc âm hôm nay ghi lại: Người đã không thể làm phép lạ nào tại đó, ngoại trừ đặt tay chữa vài bệnh nhân (Mc 6, 5). Sở dĩ Ðức Giêsu không làm phép lạ nào được vì như lời Phúc âm ghi lại họ cứng lòng tin (Mc 6, 6).
Ta có thể thầm trách đám đông trong Tin Mừng hôm nay đã tẩy chay Chúa. Tuy nhiên ta có thể mang tội giống như người trong Phúc âm hôm nay. Nếu ta chỉ đi tìm Chúa nơi những người quyền cao chức trọng, hay ở những nơi huy nga tráng lệ mà thôi, ta sẽ khó tìm thấy Chúa. Thiên Chúa còn hiện diện nơi những người bình thường mà ta thường gặp, cũng như những sự việc xẩy ra thường ngày. Ta khó nhận ra những dấu vết của Chúa nơi người khác cũng như sự việc ta gặp hằng ngày nếu ta để cho thái độ quen quá hoá nhàm xâm chiếm đời sống tư tưởng của ta.
Thiên Chúa không những hiện diện ở những nơi tầm thường như phố nhỏ Nadarét, mà còn ở nơi dơ bẩn, hôi hám như trong máng cỏ Bêlem. Ta có thể tìm thấy Chúa nơi người đau yếu, bệnh tật, nghèo khổ và tù đầy. Ðó là điều Chúa nói trong Tin Mừng thánh Mát-thêu: Khi Ta đói, các ngươi đã cho Ta ăn (Mt 25, 35). Ðể có thể tin, người ta phải giữ tâm hồn rộng mở. Nếu ta để cho thành kiến về đạo giáo làm mù quáng, thì những thành kiến có thể làm cản lối Chúa vào nhà tâm hồn. Nếu ta vịn cớ nọ cớ kia để đóng cửa nhà tâm hồn, thì Chúa cũng chịu, không vào được, vì Chúa đã ban cho loài người được tự do và Chúa tôn trọng tự do của loài người. Ân huệ và quyền năng của Chúa tuỳ thuộc vào việc mở rộng tâm hồn của mỗi người. Chúa không ép buộc ai theo Chúa và sống theo đường lối đức tin. Chúa chỉ mời gọi. Việc chấp nhận hay không là tuỳ thuộc vào mỗi người.
Nếu ta để cho thành kiến và tính ganh tị lấn át, ta sẽ không nhìn thấy những ưu điểm và khả thể nơi tha nhân. Nếu ta phán đoán lời nói hay việc làm của người khác chỉ dựa trên bằng cấp, sự nghiệp, chức quyền và gia cảnh của họ là ta để cho thành kiến len lỏi vào óc phán đoán của ta. Lời nói hay việc làm có giá trị thường mang tính chất khách quan chứ không tuỳ thuộc vào bằng cấp, sự nghiệp, chức quyền hay gia cảnh của người nói hay làm.
Nếu như ta nghe những lời nói hay việc làm mang khuyết điểm của người khác mà đóng cửa lòng lại, không tìm đến với họ, không cho họ cơ hội để bầy tỏ lí do, thì có phải là quan niệm hẹp hòi chăng? Gặp người khác lướt qua một vài lần, nói mấy lời xã giao mà đã kết luận người đó tốt xấu, thì không phải là nhận xét nông cạn sao? Bỏ việc thờ phượng hay nghe lời giảng dậy ngày Chúa nhật chỉ vì thắc mắc về khả năng hoạt bát và trình độ học vấn của linh mục cử hành thánh lễ và rao giảng thì có phải là một quyết định không dựa trên đức tin chăng? Buồn giận một linh mục nào đó mà không tìm đến thờ phượng ở bất cứ nhà thờ công giáo nào khác thuận lợi, thì có phải là hành động giận cá băm thớt không?
Dân xưa tự hào biết rất rõ về nghề nghiệp của ông: một bác thợ. Họ tự hào biết rất rõ về họ hàng ruột thịt: mẹ và anh chị em của ông, những người họ có thể kể tên, những người đang là bà con lối xóm với họ. Họ cũng biết rõ quãng đời thơ ấu và trưởng thành của ông Giêsu. Chính cái biết này đã ngăn cản khiến họ không thể tin ông Giêsu là một ngôn sứ. Hay đúng hơn chính vì họ có một hình ảnh rất cao cả về một ngôn sứ nên quá khứ bình thường của Chúa Giêsu khiến họ không thể tin được.
Người dân Nadarét đã không ngờ mình có người làng cao trọng đến thế: một ngôn sứ, một Đấng Kitô, một Thiên Chúa làm người, ở với họ. Và họ cũng không ngờ sự cao trọng đó lại được gói trong lớp áo tầm thường, không ngờ Đức Giêsu sẽ là người làm cho cả thế giới biết đến Nadarét. Làm thế nào chúng ta tránh được sai lầm của người Nadarét xưa? Cần tập nhận ra Chúa đến với mình trong cái bình thường của cuộc sống. Cần thấy Chúa nơi những người tầm thường mà ta quen gặp mỗi ngày.
Thành kiến là một tật xấu nằm sâu trong tâm khảm con người. Chính tật xấu này làm cho khả năng đón nhận và loan truyền Lời Chúa bị giới hạn lại. Các Kitô hữu cần học lấy bài học của thánh Phaolô: “vui khi thấy điều chân thật” (1 Cr 13,6). Đấy là khả năng nhận ra sự thiện hảo tại bất cứ nơi nào nó xuất hiện, và sẵn sàng nêu lên.