2021
ĐÁP LẠI LÒNG BAO DUNG CỦA CHÚA
06Thứ Bảy Tuần II Mùa Chay
– Thứ Bảy đầu tháng, ngày đền tạ Trái tim vô nhiễm Đức Mẹ.
– Các bài đọc Lời Chúa: Mk 7,14-15.18-20; Lc 15,1-3.11-32.
ĐÁP LẠI LÒNG BAO DUNG CỦA CHÚA
Thiên Chúa như một người Cha từ bi nhân hậu luôn “chạnh lòng thương” và sẵn sàng tha thứ tội lỗi con cái lòai người như Thánh vịnh 135 đã ca tụng: “Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương“.
Thiên Chúa không ngừng đi tìm kiếm con người. Thiên Chúa đã tạo dựng cho chúng ta có tự do. Thiên Chúa muốn đối xử với chúng ta như một con người trưởng thành. Thiên Chúa yêu thương đến độ tìm kiếm, ngóng trông con người từng giây từng phút, Thiên Chúa yêu thương đến độ sẵn sàng tha thứ tất cả lỗi phạm của con người, để phục hồi nó hoàn toàn trong thân phận cao quý của một con người.
Trên con đường thiêng liêng mùa Chay, cả hai đứa con trong dụ ngôn mà câu chuyện tin mừng hôm nay kể lại, chừng như cứ lúc ẩn lúc hiện bàng bạc trong nếp sống đạo của rất nhiều người tín hữu chúng ta. Rất nhiều lần chúng ta đã lợi dụng lòng tốt của Thiên Chúa, chúng ta đã dùng cách sai lạc tự do của mình, muốn thoát khỏi tình yêu thương chăm sóc của Thiên Chúa là Cha, muốn tìm cho mình một nơi nương tựa khác, muốn chọn cho mình một ngẫu tượng khác, nên nghe theo cơn cám dỗ của thế gian và xác thịt, thu quén tiền bạc ra đi phương xa ăn chơi vui vẻ, phóng đãng.
Thái độ sám hối quyết tâm trở về của đứa con thứ tội lỗi (15,12-19) : Anh đã phạm tội bất hiếu khi đòi cha phải chia gia tài cho anh ngay khi cha đang còn sống và sau đó đã bỏ nhà đi hoang ăn chơi phóng đãng phung phí hết tài sản của cha. Đến khi lâm cảnh đói rách phải đi làm thuê làm mướn và bị chủ khinh dể và đối xử còn tệ hơn một con heo. Chính sự cùng khổ ấy đã buộc anh phải suy nghĩ và quyết tâm đứng dậy quay về xin lỗi cha và chỉ mong được đối xử như một người làm công. “Đứng lên, đi về cùng cha” cho thấy thái độ dứt khoát với quá khứ tội lỗi để về với cha.
Thái độ bao dung nhân hậu của người cha (15, 20-24). Về phần người cha, sau khi đứa con ra đi, ông đã ngày ngày chờ đợi nó quay trở về. Khi thấy bóng con từ xa, ông đã nhận ra và “chạnh lòng thương”: không trách mắng hay trừng phạt, mà vội chạy tới ôm chầm lấy cổ nó và hôn lấy hôn để, lập tức trả lại địa vị làm con qua việc cho thay áo mới, đeo nhẫn, xỏ giầy và cho mời các người thân cận đến nhà ăn mừng đứa con “tưởng đã chết mà nay sống lại, tưởng đã mất mà nay lại tìm thấy”. Đây là sự đón tiếp nồng hậu ngoài sự tưởng tượng của đứa con trở về.
Thái độ hẹp hòi của người con trưởng (15, 25-32): Người anh trưởng từ ngoài đồng trở về nhà, nghe tiếng đàn ca, hỏi ra mới biết thằng em đi hoang mới trở về được cha tha thứ và còn mở tiệc ăn mừng. Anh giận dỗi cha không vào nhà. Anh chỉ trích cách đối xử của cha là bất công và không thể chấp nhận được (15,29). Thái độ của anh khiến cha già phải xuống nước năn nỉ giải thích : ”Tất cả những gì của cha đều là của con “ (Lc 13, 31). Dụ ngôn kết thúc bằng lời cha khuyên con trưởng hãy cư xử bao dung với em “vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy”.
Và rồi mỗi người chúng ta trong sâu lắng, chúng ta đáp lại lòng bao dung của Thiên Chúa thế nào ? :
Dụ ngôn người cha bao dung và đứa con hoang đàng nói lên lòng nhân từ của Thiên Chúa đối với các tội nhân. Người yêu thương chúng ta như một người cha nhân hậu. sẵn sàng bao dung tha thứ: Tha thứ không mệt mỏi, vô điều kiện và tha thứ luôn mãi !
Chúa phán: “Tội các ngươi dầu có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết. có thắm tựa vải điều, cũng hóa trắng như bông” (Is 1, 18): Dù tội của chúng ta có nặng tới đâu, thì tình thương của Chúa còn nặng hơn gấp bội. Dù tội lỗi chúng ta có nhiều tới mức nào, thì Chúa cũng vẫn hằng chờ đợi để tha thứ, miễn là chúng ta thực lòng hồi tâm sám hối và quyết tâm quay về với Người.
Thiên Chúa tôn trọng sự tự do ra đi và chờ đợi sự tự do quay về của chúng ta: Trong những ngày Mùa Chay này mỗi người chúng ta sẽ làm gì để đáp lại tình thương bao dung của Thiên Chúa, để cấp thời sám hối quay về lãnh ơn giao hòa với Người, và giúp các người thân trong gia đình và bạn bè đang lạc xa Chúa cũng được ơn hoán cải quay về với Người?
Thánh Gioan đã tóm tắt tất cả chân lý ấy bằng câu nói: “Thiên Chúa là tình yêu”. Thiên Chúa không mong gì hơn nơi con người, là con người nhận biết được tình yêu ấy. Không gì xúc phạm đến Thiên Chúa cho bằng khi con người khước từ tình yêu của Ngài.
Khước từ Thiên Chúa, con người cũng khước từ anh em của mình. Không cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa, con người cũng không muốn san sẻ tình yêu với người anh em. Tin Mừng hôm nay quả thực là một quảng diễn về hai giới răn cơ bản trong đạo của chúng ta đó là: Mến Chúa Yêu Người. Người ta không thể mến Chúa mà không yêu tha nhân.
Ước gì, qua dụ ngôn trong tin mừng hôm nay, mỗi người chúng ta hãy cầu xin cho nhau, biết nhìn vào thân phận tội lỗi yếu hèn của mình, nhưng không phải để buồn nản thất vọng, mà là để cảm nhận được lòng thương xót vô bờ bến của Chúa. Và khi đã cảm nhận được lòng thương xót tha thứ của Chúa đối với chúng ta, chúng ta cũng sẽ biết cảm thông và tha thứ cho người anh chị em của chúng ta. Nhờ đó, từng gia đình và cả cộng đoàn giáo xứ của chúng ta cũng sẽ được đoàn tụ với nhau trong bữa tiệc vui của Cha chúng ta ở trên Trời.
2021
TÔI ĐÃ LÀM GÌ VỚI ƠN CHÚA
05Thứ Sáu Tuần II Mùa Chay
– Thứ Sáu đầu tháng, ngày đền tạ Trái Tim Cực Thánh Chúa Giê-su.
– Các bài đọc Lời Chúa: St 37,3-4.12-13a.17b-28; Mt 21,33-43.45-46.
TÔI ĐÃ LÀM GÌ VỚI ƠN CHÚA
Qua trang Tin Mừng hôm nay, thánh sử Matthêu cho chúng ta lắng nghe dụ ngôn của Chúa Giêsu nói về sự phản bội của một số người trong dân Chúa chọn, trước lời mời gọi: “Hãy làm cho hồng ân Chúa ban được trổ sinh nhiều hoa trái”. Thiên Chúa cho ai nhiều, thì sẽ đòi nhiều. Chúa ban cho con một đời sống, Ngài cũng ban tự do để con chọn lựa sống một đời sống thánh thiện, cao đẹp, bổ ích hay phá tán thành một đời sống cằn cỗi, phản bội, độc hại, đê hèn. Phải! Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta mà không cần hỏi ý kiến. Nhưng Ngài không thể cứu chuộc chúng ta, nếu không có sự cộng tác của chúng ta.
Với tự do của mỗi người, bất cứ lúc nào chúng ta cũng có thể thưa không đối với chương trình của Chúa. Nhưng lúc đó người bị thiệt hại không phải là Thiên Chúa, mà kẻ thiệt hại chính là chúng ta. Lúc đó, chúng ta làm cho cuộc sống mình trở thành cằn cỗi, phản bội, độc hại và đê hèn.
Sự đáp trả của con người trước mầu nhiệm và lịch sử cứu độ của Thiên Chúa cho con người được Chúa Giê-su phác họa qua dụ ngôn chủ vườn nho và các tá điền trong bài Tin Mừng hôm nay. Thiên chúa thi hành quyền bính và cách thức chúng ta sử dụng những ân huệ và tự do đã nhận lãnh.
Lòng dạ con người độc ác và lộng quyền, hay con người không thấu hiểu nổi ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa trong chương trình cứu độ, nên đã “ngộ sát” hàng loạt? khởi đi từ cái chết của các ngôn sứ là những đầy tớ của Thiên Chúa được sai đến với dân Itraen, rồi đến chính Con một của Thiên Chúa là Chúa Giesu, và hàng loạt những người khác nữa sau cái chết của Con Thiên Chúa…
Thế nhưng, tất cả cái chết của những người tôi tớ của Thiên Chúa không phải là dấu chấm hết, mà là nền tảng “đá gốc” để Thiên Chúa sử dụng mở ra những chương trình cứu độ con người. Cũng giống như câu chuyện của Giuse bị anh em ruột của mình bán sang Ai Cập với giá 20 đồng, chỉ vì sự ghen tức và họ đã lộng quyền tự do một cách thiếu trách nhiệm. Chúa Giesu, người con duy nhất của ông chủ vườn nho đã bị những tá điền thuê vườn giết chết (Mt 21,38-39). Chúa Giêsu cũng bị bán bởi sự ghen ghét của các quan chức muốn loại trừ Chúa ra khỏi lòng người.
Chính viên đá bị loại bỏ bởi con người, Thiên Chúa với uy quyền của Ngài đã biến nó trở nên nên viên đá nền tảng của góc tường. Viên đá bị lạo trừ này là cánh cửa mở ra một trang mới của lịch sử, không phải chỉ là lịch sử của dân tộc Ítraen, mà còn của cả nhân loại.“Viên đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên viên đá đầu góc.
Thế giới vẫn luôn tồn tại những bạo động và loại trừ bởi những cách thế sử dụng quyền lực, nhất là đối với những người nắm giữ quyền. Nhưng Thiên Chúa vẫn luôn là niềm hy vọng, Thiên Chúa vẽ đường thẳng trên những đường cong. Nhiều điều thế gian cho là khờ khạo, điên rồ và mất giá trị…thì là điều khôn ngoan trước mắt Thiên Chúa (1Cr 1, 22-23).
Chúa Giêsu đã nói dụ ngôn này trước biến cố khổ nạn xảy ra cho Ngài. Sau khi mầu nhiệm vượt qua được hoàn tất, đó là việc Chúa đã chịu chết và Phục Sinh để hoàn tất chương trình cứu chuộc nhân loại của Ngài. Chúng ta nghe lại dụ ngôn này và lĩnh hội thấm thía hơn ý nghĩa của nó. Vì tình yêu đối với con người, Thiên Chúa có sáng kiến thực hiện chương trình cứu độ, nhưng con người đã sử dụng tự do của mình để chống lại chương trình của Ngài, không cộng tác với chương trình của Thiên Chúa.
Thật tệ hại hơn nữa là đã và đang còn có những người dám lộng ngôn tuyên bố Thiên Chúa đã chết, và nếu Ngài chưa chết thì họ dám hành động giết Ngài. Nói thế hay làm thế, họ tưởng rằng mình có thể phá đổ được chương trình của Ngài. Nhưng thực sự thì họ đã làm hư hỏng cuộc đời của họ và gây thiệt hại cho anh em xung quanh.
Ðã 2,000 năm qua, nước Thiên Chúa vẫn tiếp tục lan rộng, Giáo hội Chúa vẫn tiếp tục phát triển cách lớn mạnh. Chúa Giêsu Kitô vẫn còn gặp được những tâm hồn chân thành yêu mến Ngài, và kiên trì dấn thân làm lợi những hồng ân lãnh nhận từ tình yêu Chúa để phục vụ anh em đồng loại.
Có những người Công giáo đợi chờ, khoanh tay mong đợi niềm hy vọng đến. Có những người Công giáo thụ động, trốn tránh, vô trách nhiệm. Họ chỉ biết nhìn lên để kêu cứu mà không biết nhìn tới để tiến, và nhìn quanh để chia sẻ gánh vác cho nhau. Niềm hy vọng đang ở giữa họ mà họ không hay. Người ích kỷ tránh trách nhiệm, tránh mệt nhọc, tránh hy sinh. Họ muốn tạo hạnh phúc, tạo một thiên đàng dành riêng cho họ giữa trần gian, nhưng họ sẽ mất thiên đàng vĩnh viễn.
Vườn nho đó chính là hình ảnh của Nước Thiên Chúa, nơi qui tụ mọi người tin vào Đức Giêsu Kitô để được cứu độ nhờ Danh Ngài. Nước Chúa đã khởi đầu và sẽ hoàn tất trong ngày cánh chung mà Giáo Hội trên trần gian chính là dấu chỉ hữu hình của Nước đó. Mỗi kitô hữu vừa là thành phần trong “vườn nho của Chúa” vừa được đặt làm người chăm sóc vườn nho đó. Hẳn là sai lầm khi chúng ta nói mình đang phục vụ Nước Thiên Chúa mà lại hành động như “những tá điền chiếm đoạt vườn nho” và “giết hại” những sứ giả Chúa sai đến. Đúng hơn, Chúa mời gọi chúng ta làm việc trong vườn nho của Chúa không phải như người làm thuê mà là như người con thảo đi làm vườn nho cho cha mình.
Chúng ta không cần nói nhiều đến thái độ của kẻ khác trước ơn cứu rỗi Chúa ban cho, nhưng mỗi người chúng ta cần nhìn đến chính cuộc sống của mình. Tôi đã cộng tác với ơn Chúa ban như thế nào? Tôi có thể nói được như Thánh Phaolô không: “Nhờ ơn Chúa, tôi được như thế này”, và ơn Chúa đã không trở nên vô ích đối với tôi.
Lời Chúa hôm nay đã chỉ rõ cho chúng ta biết về nếp sống phải có ở trong vườn nho của Ngài, là dân của Ngài, là Hội Thánh của Chúa Giêsu Kitô. Không những chúng ta phải kết hiệp mật thiết với Ngài mà còn phải sống sự kết hiệp ấy một cách cụ thể, khi chúng ta yêu mến nhau, để Hội Thánh của Chúa là cộng đoàn huynh đệ bác ái. Vườn nho của Ngài sẽ được tốt tươi và đơm hoa kết trái.
2021
ĐỪNG NHÌN VẺ BÊN NGOÀI
04Thứ Năm Tuần II Mùa Chay
– Thánh Ca-xi-mia (Casimir).
– Thứ năm đầu tháng, ngày các Linh mục.
– Các bài đọc Lời Chúa: Gr 17,5-10; Lc 16,19-31.
ĐỪNG NHÌN VẺ BÊN NGOÀI
Lời Chúa ngày hôm nay cho thấy, Thiên Chúa không xét xử theo dáng vẻ bên ngoài, nhưng Ngài nhìn thấu tâm can. Ngài dựa vào những công việc đẹp, những hành động tốt lành mà chúng ta dành cho Chúa và cho nhau. Thật vậy, tác giả Luca diễn tả hai con người, hai hoàn cảnh hoàn toàn trái ngược nhau từ đời sống này cho đến đời sống sau. Họ khác nhau từ cách thức họ dành cho nhau và dành cho Chúa. Sự khác biệt, tương phản ấy khởi đi từ đời sống vật chất. Anh nhà giàu, vinh hoa phú quý, ngày ngày yến tiệc linh đình. Sống trong nhung lụa, thưởng thức sơn hào hải vị. Anh ta rất hạnh phúc và sung sướng với những gì mà mình đang có. Trái lại, anh nhà nghèo Lazaro, khố rách áo ôm, người đầy những ghẻ lở hôi thối, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, đang đau đớn vì bệnh tật, mong được hưởng chút canh thừa cơm cặn từ ông chủ nhà này…
Thế rồi, đùng một cái, thánh Luca cho chúng ta thấy, cả hai khi sống đã khác nhau và khi chết, số phận lại đảo chiều. Anh nhà giàu xuống hỏa ngục, chịu đau đớn khổ sở kêu la. Trong khi đó, anh nhà nghèo lại hưởng hạnh phúc mát mẻ. Kinh thánh cho chúng ta biết, sỡ dĩ anh nhà giàu này xuống hỏa ngục vì khi sống ở trần gian, anh đã vô tâm, dửng dưng không quan tâm tới ai, anh chỉ biết đến mình. Anh không được phần phúc thiên đàng vì anh đã không đầu tư, không sống theo lời gọi mời của Chúa. Còn anh nhà nghèo Lazaro, Lazaro theo nghĩa Kinh thánh có nghĩa là được Chúa thương mến. Anh được hưởng phúc, diện kiến nhan Chúa. Chiêm ngưỡng hai nhân vật này, cho chúng ta có cái nhìn về đời sống đạo thực tế và những bài học luân lý.
Bài học thứ nhất, không phải cứ giàu có vật chất là không được lên Thiên đàng, vì có quan niệm cho rằng: người giàu vào Nước Trời còn khó hơn lạc đà chui qua lỗ kim. Và vì thế mà người giàu coi như mình bị “chúc dữ”, đáng sa hỏa ngục trầm luân. Trái lại, bài học thứ hai là, không phải cứ nghèo về vật chất, an phận thủ thường, đương nhiên sẽ được hưởng nhan Chúa. Tệ hại hơn, với tính đố kỵ, kẻ nghèo, người thua thiệt thường lên mặt, tỏ vẻ mừng vui khi thấy kẻ thắng, người giàu “sa cơ lỡ bước”.
Như vậy, cả hai bài học này đều đáng bị lên án và không hợp với luân lý và suy nghĩ của người Ki-tô hữu. Những nghĩ suy như thế cũng không thích hợp với quan niệm Nước Trời.
Thiên Chúa là Đấng giàu lòng xót thương nhưng cũng rất mực công bằng vô cùng. Người ghét tội nhưng Người thương kẻ có tội. Người vui khi thấy kẻ có tội thật lòng thống hối ăn năn. Người còn vui hơn khi chứng kiến con người biết yêu thương và quan tâm đến nhau, xót thương nhau. Anh nhà giàu trong tin mừng Mát-thêu đã giữ luật “mến Chúa yêu người” rất hoàn trọn, anh muốn được nên trọn lành giống như Chúa; thế nhưng khi Ngài đề nghị anh bán tất cả tài sản cho người nghèo, anh đã bỏ đi. Anh không biết cảm thương người khác. Anh không thể nên trọn lành như Cha trên trời.
Trong lịch sử Giáo hội, chúng ta đã được chiêm ngưỡng rất nhiều những gương lành và việc làm nhân đức đáng để chúng ta suy nghĩ và noi theo. Một Phan-sinh từ bỏ hết tài sản cha mẹ cho để chọn lối sống nghèo thanh thoát. Một Đa-minh dành trọn cuộc đời để rao giảng Tin mừng cho người nghèo. Hay một Tê-rê-sa gày còm, ốm yếu rời bỏ đời sống an bình nơi tu viện để đến với những người đầu đường xó chợ…
Tất thảy họ đáng được hưởng niềm vui Nước Trời vì họ quan tâm, chia sẻ và đem Chúa đến cho người khác và đưa tha nhân về cho Chúa. Chúng ta, người Ki-tô hữu, những hậu duệ được thấm nhuần những việc lành của các ngài, đặc biệt là mẫu gương của Thầy Chí Thánh; người Ki-tô hữu trong ngàn năm thứ ba này cũng khát khao ra đi, đến với anh chị em của mình trong bất cứ hoàn cảnh, môi trường nào. Nơi đây, trong mùa chay thánh này mọi người đều ước mong được hưởng nếm mật ngọt Nước Trời. Nơi đây, trong mùa chay thánh này mọi người cùng sống chung qua sự chia sẻ hiệp nhất.
Chìa khóa để hiểu được ý nghĩa của Kinh Thánh là người hành khất Lagiarô, đang ngồi trước cổng nhà! Thiên Chúa tự giới thiệu mình trong con người của kẻ nghèo khó, ngồi tại cửa nhà chúng ta, để giúp chúng ta lấp đầy hố sâu to lớn mà người giàu có đã tạo ra. Lagiarô cũng là Chúa Giêsu, kẻ nghèo khó và là Đấng Cứu Thế tôi tớ, Đấng đã không được chấp nhận, nhưng Đấng mà cái chết đã hoàn toàn thay đổi mọi thứ từ gốc rễ. Và mọi việc thay đổi trong ánh sáng của cái chết của người nghèo khó. Thậm chí nếu nhà phú hộ nghĩ rằng ông ta có tôn giáo và đức tin, trong thực tế, thì ông ta đã không ở cùng với Thiên Chúa, vì ông đã không mở cửa cho người nghèo khó, như ông Giakêu đã làm (Lc 19:1-10).
Tình cảnh của nhà phú hộ và người hành khất. Hai thái cực của xã hội. Một mặt, sự giàu có thừa thãi; còn mặt khác, một người nghèo không cơm ăn, không quyền lực, mình đầy ghẻ chốc, không ai đoái hoài, ngó ngàng tới anh ta, ngoại trừ những con chó đến liếm ghẻ chốc của người ấy. Vật ngăn cách giữa họ là cánh cổng đóng kín của nhà phú hộ. Về phần nhà phú hộ, không có sự chấp nhận cũng chẳng có lòng thương xót đến tình cảnh của người hành khất ngoài cửa nhà ông ta. Nhưng người hành khất thì có tên và nhà phú hộ thì không có. Có nghĩa là, người hành khất có tên mình được viết vào trong sách hằng sống, mà nhà phú hộ thì không. Tên của người hành khất là Lagiarô. Nó có nghĩa là Thiên Chúa cứu giúp.
Dụ ngôn được tạo nên để chúng ta nghĩ và suy gẫm. Vì lý do này, điều quan trọng là phải chú ý, ngay cả đến những chi tiết nhỏ nhặt nhất. Câu chuyện dụ ngôn trong bài Tin Mừng hôm nay có ba nhân vật. Người hành khất tên Lagiarô, nhà phú hộ vô danh và Tổ Phụ Abraham. Trong bài dụ ngôn, ông Abraham đại diện cho tư tưởng của Thiên Chúa. Nhà phú hộ vô danh đại diện cho hệ thống tư tưởng thống trị thời đó. Lagiarô đại diện cho tiếng khóc thầm lặng của những người nghèo khó vào thời của Chúa Giêsu và của tất cả mọi thời đại.
Và qua người hành khất, Thiên Chúa giúp cho nhà phú hộ có thể có tên trong sách hằng sống. Nhưng nhà phú hộ không chấp nhận việc được giúp đỡ bởi người hành khất, bởi vì cánh cổng nhà ông ta đóng kín. Khởi đầu của bài dụ ngôn này mô tả tình trạng, là một tấm gương trung thực của những gì đã xảy ra trong thời của Chúa Giêsu và thời ông Luca. Nó cũng là tấm gương của mọi việc đang xảy ra hiện nay trên thế giới!
2021
KHIÊM TỐN VÀ PHỤC VỤ
03Thứ Tư Tuần II Mùa Chay
– Thứ Tư đầu tháng. Kính Thánh Cả Giu-se.
– Các bài đọc Lời Chúa: Gr 18,18-20; Mt 20,17-28.
KHIÊM TỐN VÀ PHỤC VỤ
Trên đường lên Giêrusalem (vì sắp tới lễ Vượt Qua là lễ mà mọi người Do Thái đến tuổi thành niên về Giêrusalem để tham dự), Chúa Giêsu tách riêng những môn đệ thân tín đi với Ngài. Ngài nói với các ông như lời tiên báo và cũng là lời tâm sự : “Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ kết án tử hình Người… bị nhạo báng, đánh đòn, đóng đinh…. và sẽ chỗi dậy” (c.18-19).
Đứng trước một tin động trời như vậy thế mà chẳng có môn đệ nào phản ứng, ngay cả Phêrô, Gioan… là những người đứng đầu bảng tuyên xưng niềm tin và được Chúa Giêsu thương mến. Hình như các ông chẳng quan tâm và cho rằng đó là chuyện của người nào đấy… và không dính dáng đến mình. Thánh sử còn nói rõ : đây là việc tiên báo về cuộc thương khó lần thứ ba của Chúa Giêsu. Thật vô tình quá ! Bài học này đã không được các môn đệ tiếp nhận.
Chúa Giêsu đang buồn rầu vì các môn đệ không hiểu bài học Ngài vừa truyền đạt, thì Ngài lại phải giải quyết một vấn đề khá quan trọng xảy ra với hai môn đệ thân tín của Ngài: Mẹ của Gioan và Giacôbê đến gặp Chúa Giêsu. Một bà mẹ như đoán trước thời cuộc. Thời lên ngôi của Chúa Giêsu nên bà vội vã đến quì lạy xin giành “chỗ nhất” cho hai đứa con yêu quí của bà được ngồi bên tả, bên hữu Chúa. (x. c.20-21)
Rất tiếc bà đã đi lệch hướng. Chúa Giêsu liền kéo bà và mọi người quay trở về đường lối của Thiên Chúa: “Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không ?” chẳng biết có hiểu “chén của Chúa” là cuộc tế hiến trên đồi Canvê của Ngài hay không, họ cũng đáp liều : Thưa uống nổi. Nhưng Chúa Giêsu khẳng định rõ với họ: Môn đệ theo Thầy là phải giống như Thầy là uống chén đắng, nhưng còn việc ngồi ở đâu là do quyền Chúa Cha định đoạt. Ý nói : chúng ta được cứu độ không phải là do công trạng mình lập ra, nhưng là do lòng thương xót của Chúa.
Có lẽ mười môn đệ kia tức tối với hai anh em Giacôbê và Gioan là vì : mình không chạy nhanh, không tính toán bằng. Đó có thể là sự ganh tị… và Chúa Giêsu, nhân cơ hội này đã giảng một bài về phục vụ cho những người muốn làm thủ lãnh, làm đầu, làm nhất, làm lớn trong thiên hạ. Chúa trưng dẫn lối lãnh đạo theo Người đời : Lấy quyền thống trị, dùng uy cai quản (c. 25). Ngài khẳng định : Giữa anh em không được như vậy : làm lớn để phục vụ (c. 26). Làm đầu phải là đầy tớ (c. 27). Một lối sống đối nghịch với những gì người đời mong đợi.
Vào thời ấy, những ai nắm giữ quyền lực thì không kể gì đến người dân. Họ làm theo ý họ (xem Mc 6:27-28). Đế quốc La Mã kiểm soát thế giới và duy trì sự thuần phục của nó bằng sức mạnh khí giới, và trong cách này, nhờ vào việc cống nạp, sưu thuế, đã thành công trong việc tập trung của cải của dân chúng ở trong tay một số ít người tại Rôma. Xã hội được biểu thị bởi những đàn áp và lạm dụng quyền lực. Chúa Giêsu đã có một đề nghị hoàn toàn khác nhau. Người nói: “Giữa các con thì không được thế. Trong các con, ai muốn làm lớn, thì hãy phục vụ các con, và ai muốn cầm đầu trong các con, thì hãy làm tôi tớ các con!” Chúa Giêsu truyền dạy tương phản lại đặc quyền và sự cạnh tranh. Người muốn thay đổi guồng máy và khẳng định sự thực rằng phục vụ là phương thuốc chống lại tham vọng cá nhân.
Đứng trước thái độ của các tông đồ, Chúa Giêsu đã lật đổ những mơ ước hão huyền của các môn đệ, làm cho giấc mộng công hầu khanh tướng mà các ông đang theo đuổi tan thành mây khói khi loan báo cái chết sẽ đến với Ngài. Đồng thời Chúa Giêsu cũng dạy cho các ông bài học về người làm đầu, làm lớn. Theo lẽ thông thường của thế gian, người làm vua quan, người làm lớn, làm đầu là người được người khác phục vụ, người có thể sai bảo người khác. Nhưng đối với Chúa Giêsu, người làm lớn, làm đầu phải là người phục vụ. Phục vụ đích thực chính là sống tron vẹn cho tha nhân, vì tha nhân, chứ không vì một tính toán lợi lộc trần gian nào. Phục vụ như thế là quên mình vì người khác theo gương Chúa Giêsu.
Chúa Giêsu xác định sứ vụ và cuộc sống của mình: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ!” Người đã đến để hiến mạng sống mình làm giá chuộc cho nhiều người. Người là Đấng Cứu Thế Tôi Tớ, được loan báo bởi Tiên Tri Isaia (Is 42:1-2; 49:1-6; 50:4-9; 52:13 – 53:12). Người đã học được từ Mẹ của mình là người đã nói: “Vâng, đây là nữ tỳ của Chúa” (Lc 1:38). Một điều đề nghị hoàn toàn mới mẻ cho xã hội thời đó.
Lời Chúa hôm nay thúc bách chúng ta xem xét lại động cơ theo Chúa để biết sống khiêm nhường hơn nữa. Nhiều khi điều chúng ta lớn tiếng hôm nay lại là điều ta làm không nổi sau này. Hơn nữa, dù đã đoan hứa với Chúa một lần thay cho tất cả, chúng ta vẫn phải lặp lại mỗi ngày quyết tâm theo Chúa trên con đường khổ nạn. Sống tinh thần của mùa Chay, ta cố gắng làm trọn điều phải làm hôm nay, dù khó khăn, ví dụ: không phàn nàn trong công việc bổn phận, xây dựng bầu khí vui tươi, tin tưởng nơi gia đình, cộng đoàn, xứ đạo…
Xin Chúa ban cho chúng ta luôn biết đặt Chúa làm trọng tâm đời mình, để biết sống yêu thương, phục vụ Chúa và tha nhân trong vai trò và bậc sống của mình. Xin Người cũng giúp chúng ta ý thức được sự yếu đuối của mình để biết luôn cậy dựa vào Chúa trong một thế giới đầy rẫy những cám dỗ hưởng thụ này. Amen!