2021
ĐỪNG LOẠI TRỪ
11Thứ Năm Tuần III Mùa Chay
– Thánh Đa-minh Nguyễn Văn Cẩm, Linh mục (1859), Tử đạo.
– Các bài đọc Lời Chúa: Gr 7,23-28; Lc 11,14-23.
ĐỪNG LOẠI TRỪ
Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa đã xuống thế làm người để giải thoát con người khỏi tội lỗi và sự chết. Mọi việc Ngài làm đều tốt đẹp nhưng không phải lúc nào Ngài cũng nhận được sự đồng tình, ủng hộ, tán thưởng của dân chúng mà ngược lại Ngài thường xuyên bị người Do Thái phản đối và tìm cách hãm hại. Dù vậy Ngài vẫn trung thành với sứ mạng thiên sai, vẫn không ngừng thi thố tình thương và quyền năng của Thiên Chúa cho con người, chữa lành mọi bệnh tật nơi thân xác cũng như tâm hồn con người. Ngài luôn hiện diện để sẻ chia mọi khổ đau của kiếp người. Ngài hy sinh tất cả để con người được hạnh phúc đích thực.
Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu trừ quỷ. Ngài đã dùng quyền năng Thiên Chúa để giải thoát con người khỏi quyền lực của ma quỉ. Ngài đã thực hiện sứ mạng thiên sai mà tiên tri Isaia đã loan báo: “Chính người sẽ đến cứu anh em . Bấy giờ mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được.
Bấy giờ người què nhảy nhót như nai, miệng lưỡi người câm sẻ reo hò” (Is 35,5). Phần lớn dân chúng đã nhận ra điều ấy và ngưỡng mộ Ngài thế nhưng vẫn còn một số ít kẻ chống đối, tố cáo Ngài dùng tướng quỉ Bê en dê bun mà trừ quỉ, một số người khác lại muốn thử Người, nên đã đòi một dấu lạ từ trời. Phải chăng sự kiêu căng tự ái, ghen tương, ích kỷ, hận thù đã làm cho lòng họ trở nên hẹp hòi, ngoan cố, mù quáng không nhận biết sự thật?
Chúa Giêsu vừa mới trục xuất được một quỷ câm. Khi quỷ xuất ra thì người câm nói ngay được (c. 14). Cùng với sự ngạc nhiên thích thú của đám đông, còn có sự vu khống xuyên tạc của một số người khác .Họ cho rằng chẳng qua Đức Giêsu chỉ là kẻ dựa dẫm Bêendêbun. Bêendêbun là tên của một vị thần ở vùng Canaan. Người Do thái vẫn coi các thần dân ngoại là ma quỷ (1Cr 10, 19-20).Ở đây, Bêendêbun chính là quỷ vương, là Satan (c. 18). Như thế Đức Giêsu bị tố cáo là người cùng phe với quỷ, dùng tay tướng quỷ để trừ các quỷ nhỏ.
Chúa Giêsu cho thấy sự sai lầm của lập luận này. Ngài nhắc đến nước của Xatan, một nước hiện vẫn còn đứng vững (c. 18). Nước ấy chưa sụp đổ vì không có sự chia rẽ giữa các quỷ với nhau, nên không thể bảo là Ngài dùng quỷ vương để trừ quỷ nhỏ. Vả lại, có những người Do thái khác cũng trừ quỷ như Ngài. Có ai dám bảo là họ thông đồng với quỷ vương không ? (c. 19).
Chúa Giêsu vén mở cho thấy ý nghĩa của việc Ngài trừ quỷ. “Nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là Nước Thiên Chúa đã đến giữa các ông” (c. 20). Nước Thiên Chúa đến qua việc Chúa Giêsu giải phóng. Ngài giải phóng con người khỏi bệnh tật thân xác. Ngài trả lại cho con người khả năng nghe, nói, nhìn. Ngài kéo người bất toại đứng lên, đi được, đưa tay ra. Ngài trả người phong về với cộng đoàn, đưa người chết ra khỏi mộ. Trên hết, Ngài giải phóng con người khỏi sự chật hẹp của lòng mình. Ngài mở con người ra trước nỗi đau và cô đơn của anh em. Ngài nâng con người lên tới tầm cao của trái tim Thiên Chúa. Như thế là con người được thật sự tự do. Chỗ nào có tự do thật sự, chỗ đó có Nước Thiên Chúa. Chỗ nào có Nước Thiên Chúa, chỗ đó nước của Satan phải lui đi.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta bước đi trong đường lối Chúa để được hạnh phúc. Đó là bước đi trong sự thật, sự thiện, trong sự bác ái và yêu thương, luôn trân trọng những việc làm tốt đẹp của tha nhân, nhất là luôn dành cho nhau những lời nói, ý nghĩ tốt đẹp.
Thật ra con người chúng ta thật yếu đuối, dễ sai lầm. Không phải lúc nào chúng ta cũng nhìn nhận và đánh giá đúng các chân lý khách quan. Không phải lúc nào chúng ta cũng nhìn nhận và đánh giá các sự vật hiện tượng như sự thực của chúng. Chúng ta thường đánh giá con người, sự vật, các biến cố và cả chính Thiên Chúa theo những thành kiến, toan tính chủ quan và lệch lạc của mình do đó cuộc sống thiếu đi niềm vui. Vì thế việc cảm thông và đoán ý lành cho nhau luôn là điều kiện đem lại bình an và hạnh phúc đích thực.
Cuộc chiến giữa Nước Thiên Chúa và nước Satan vẫn tiếp diễn, nhưng Nước Thiên Chúa đã đến rồi, ngón tay Thiên Chúa ở đây. Chúa Giêsu vẫn tiếp tục trừ quỷ và mời chúng ta cộng tác. Làm sao để con người hôm nay không còn bị ám bởi bất cứ thụ tạo nào, không sụp lạy trước bao ngẫu tượng mới của thời đại? Quỷ vẫn là kẻ mạnh, được vũ trang đầy đủ, đứng canh nhà của nó (c. 21). Nhưng Thiên Chúa và Chúa Giêsu lại là người mạnh hơn (c. 22). Người mạnh hơn tấn công, tước vũ khí và phân chia chiến lợi phẩm.
Trong cuộc chiến này, chúng ta không có quyền mập mờ, hàng hai. Mùa Chay mời chúng ta đứng hẳn về phía Giêsu, vì ai không ở với Giêsu là chống lại Ngài, ai không thu góp với Chúa Giêsu là phân tán (c. 23). Hãy quyết định dứt khoát để cùng với Giêsu chiến đấu cho Nước Cha.
Tin Mừng hôm nay được nói cho những kẻ đối nghịch, những người đã có một định kiến đối với Chúa Giêsu: “Ai không thuận với Ta là nghịch cùng Ta, và ai không thu góp với Ta là phân tán.” Định kiến và việc không chấp nhận khiến cho cuộc đối thoại không thể xảy ra được và phá vỡ tình đoàn kết. Câu kia thì được dành cho các môn đệ là những người nghĩ rằng các ông được độc quyền với Chúa Giêsu. “Bất cứ ai không thuận với Ta là nghịch cùng Ta!”
Và ta thấy nhiều người không phải là Kitô hữu nhưng thực hành tình yêu thương, lòng nhân ái, sự công bằng, trong cách tốt lành nhiều lần hơn so với các Kitô hữu. Chúng ta không thể loại trừ họ. Họ là những anh em và là những người thợ trong việc xây dựng Nước Trời. Kitô hữu chúng ta không phải là những sở hữu chủ của Chúa Giêsu. Trái lại, Chúa Giêsu là Chúa chúng ta!
2021
KIỆN TOÀN LỀ LUẬT
KIỆN TOÀN LỀ LUẬT
Luật lệ vốn là lời loan báo của các tiên tri về Ðấng Cứu thế, do đó luật lệ có tính tiên tri. Khi chu toàn lề luật, Giáo Hội chứng tỏ cho mọi người thấy rằng Ngài chính là Ðấng các tiên tri đã loan báo. Như vậy, một cách nào đó, khi người Kitô hữu tuân hành lề luật, họ cũng loan báo chính Chúa Kitô, nhưng dĩ nhiên, họ chỉ có thể loan báo về Ngài khi việc tuân giữ của họ thể hiện được chính tinh thần của Ngài. Xét cho cùng, đối với người Kitô hữu, tuân giữ lề luật là mặc lấy tâm tình của Chúa Kitô, là sống như Ngài, là trở thành hiện thân của Ngài.
Những người Biệt phái, nhất là các Luật sĩ, vốn là những người rất trung thành với lề luật, họ tuân giữ luật lệ không thiếu một chấm, một phết. Nhưng đàng sau sự trung thành ấy có hàm ẩn tự mãn: họ cho rằng trung thành với lề luật là đương nhiên trở thành người công chính, và vì nghĩ mình là người công chính, nên họ lên mặt khinh dễ những người không tuân giữ luật lệ một cách nghiêm chỉnh như họ.
“Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải để bãi bỏ, nhưng để kiện toàn” (c.17). Thật vậy, Chúa Giêsu đã đẩy luật Mô-sê đi sâu vào phẩm chất của luật. Có lẽ vì thấy người Do Thái giữ luật chi theo hình thức bên ngoài “mã tô vôi” mà quên đi điều cốt lõi là sự yêu thương và lòng bác ái… “Lề luật hay lời các ngôn sứ” được nói ở đây ý chỉ là tất cả Cựu Ước, chứ không chỉ là những cuốn sách. Vì Đức Giêsu là đích điểm của tất cả lịch sử dân Chúa, là trung tâm lịch sử cứu độ, là ý nghĩa mà toàn bộ Kinh Thánh Cựu Ước nói tới. Ngài khẳng định: Ngài đến để kiện toàn luật, nghĩa là Ngài đưa luật tới ý nghĩa toàn hảo, ý nghĩa đích thực của nó.
“Thầy bảo thật: Trước khi trời đất qua đi, thì một chấm, một phết trong lề luật cũng không thể qua đi được, cho đến khi mọi sự được hoàn thành”. (c.18) Một chấm, một phết ở đây không là dấu chấm phẩy trong câu văn tiếng việt của chúng ta, nhưng là những nét chấm, phết trong mẫu tự Do Thái. Đó là những nét nhỏ để phân biệt chữ này với chữ khác. Vậy tại sao một dấu nét nhỏ trong lề luật không thể qua đi? Chúa Giêsu nhấn mạnh và nêu lên hình ảnh này để nói lên tầm quan trọng đích thực của luật.
Vì lề luật được xuất phát từ ý muốn của Thiên Chúa. Và những gì là Thánh ý Chúa thì không được xem là nhỏ bé, tầm thường. “cho đến khi mọi sự hoàn thành”. Chúng ta thấy ngôn từ này quen thuộc như lời Chúa Giêsu đã nói khi ở trên cây Thánh Giá trước khi trút hơi thở cuối cùng : Mọi sự đã hoàn tất… Đấng ban lề luật, Đấng xét xử lề luật đã hoàn tất công trình cứu chuộc, Ngài đã kiện toàn luật Mô-sê bằng chính sự hiến dâng thân xác của mình, để từ nay đưa con người vào sống trong sự hiệp thông với Thiên Chúa, phá bỏ mọi gánh nặng của lề luật trói buộc con người.
câu 19 Thánh sử viết: “Ai bãi bỏ luật là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân giữ và dạy người khác thì gọi là lớn trong Nước Trời”. Vì sao vậy? Vì luật là ý muốn của Thiên Chúa. Ai nghe và tuân giữ Lời Chúa thì được gọi là mẹ, anh em, chị em của Chúa Giêsu (Lc 8,,21). Và môn đệ chân chính là người thi hành ý muốn của Chúa Cha. (Mt 7,21). Chúa Giêsu còn đưa ra ví dụ dẫn chứng về việc nghe và thực hành Lời Chúa qua dụ ngôn: xây nhà trên cát hoặc trên đá và hậu quả sự khác nhau đó sẽ xảy ra khi mưa to, bão lớn. ( 7, 24tt).
Chúa Giêsu không phải là người vô kỷ cương và luật pháp. Ngài đã sống như một người Do thái, nghĩa là tuân giữ luật lệ của Môsê truyền lại. Chỉ có điều khác biệt giữa Ngài và các người Biệt phái, đó là tinh thần: nếu những người Biệt phái tự cho mình là người công chính nhờ tuân giữ lề luật, thì Chúa Giêsu lại khẳng định rằng chỉ nhờ ơn Chúa, con người mới có thể nên công chính. Chúa Giêsu tuân giữ lề luật để kiện toàn nó, kiện toàn theo nghĩa thực hiện chính những lời loan báo của các tiên tri liên quan đến Ngài, kiện toàn đến độ mặc cho lề luật một tinh thần mới, tức là tình mến.
Con người ngày nay thích tìm sự dễ dãi, họ xem Luật Chúa như một gánh nặng cổ hũ. Đây chính là nguyên nhân gây ra biết bao hệ lụy đáng buồn. Trong Sứ điệp Mùa Chay, Đức Thánh Cha Phanxicô cảnh tỉnh mọi tín hữu đừng để các tiên tri giả mê hoặc, đừng để tình yêu trở nên nguội lạnh, hãy dấn thân sống trọn tinh thần mùa chay. “Vì sự ác lan tràn, tình yêu của nhiều người sẽ bị nguội lạnh” (Mt 24,12). Người ta xa lìa Thiên Chúa để chạy theo những tiên tri giả. Bao nhiêu người trẻ tìm phương được giả dối trong ma túy, trong những quan hệ “dùng rồi bỏ”, kiếm tiền dễ dàng một cách bất chính! Bao nhiêu người khác nữa bị vướng vào một cuộc sống hoàn toàn là ảo, trong đó những tương quan có vẻ đơn giản và mau lẹ hơn, nhưng rồi chúng vô nghĩa một cách bi thảm! […]
Vì thế, mỗi người chúng ta được kêu gọi phân định trong tâm hồn và cứu xét xem mình có bị đe dọa vì những điều giả dối của các tiên tri giả ấy hay không. Cần học cách không dừng lại ở mức độ gần kề, hời hợt, nhưng nhận ra điều để lại trong chúng ta dấu vết tốt lành và lâu bền hơn, vì nó đến từ Thiên Chúa và thực sự có giá trị mưu ích cho chúng ta.
2021
THA THỨ ĐỂ ĐƯỢC THỨ THA
09Thứ Ba Tuần III Mùa Chay
– Thánh Phan-xi-ca Rô-ma, Nữ tu.
– Các bài đọc Lời Chúa: Đn 3,25.34-43; Mt 18,21-35.
THA THỨ ĐỂ ĐƯỢC THỨ THA
Tha thứ không phải là hành động của con người nhưng là hành động được phát xuất từ Thiên Chúa. Nếu với lý trí người phàm, chúng ta có thể đưa ra muôn vàn lý do, những lý luận thuyết phục để biện minh rằng: khó mà tha thứ. Chẳng hạn, làm sao chúng ta có thể tha thứ khi người khác làm hại chúng ta, rồi lại đến xin lỗi? Phải chăng chúng ta kém cỏi, khờ dại hay nhụt chí mà lại dung túng cho kẻ có tội? Đó là những lý lẽ của con người, còn trong ánh nhìn đức tin thì khác.
Và rồi mỗi người chúng ta hãy nhìn lên Đức Giêsu Kitô trên thập giá. Dù Người đã phải chịu bao sỉ nhục, những đau đớn bởi đòn vọt, những bước chân mệt nhọc lê bước lên đồi Can-vê, những vết đinh cắm sâu vào thân thể,… Người đã chịu tất cả như một người tội nhân, dù Người đã chẳng làm gì nên tội.
Thế mà trên thập giá, Người vẫn thương yêu và cầu xin Chúa Cha tha tội cho những người đã làm nên những điều ấy: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23, 34). Thật vậy, khi ở trong tương quan với Chúa, chúng ta chỉ là những tội nhân trước mặt Người, có một vị Thánh đã khẳng định: khi càng ở gần Chúa bao nhiêu, chúng ta lại càng thấy mình tội lỗi bấy nhiêu. Nhưng thật kỳ diệu! Chúng ta luôn được sống trong tình yêu và ân sủng của Người, nhờ hồng ân tha thứ vẫn còn được tiếp diễn qua bí tích Hòa Giải. Chúng ta luôn được Người ấp ủ, yêu thương và tha thứ: “tội lỗi các ngươi, dầu có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết; có thẫm tựa vải điều, cũng hóa trắng như bông (Is 1, 18)”.
Trong Bài Tin mừng, vị Thẩm phán được diễn tả như một vị vua và với cách gọi “tôn chủ”, thể hiện người đáng kính trọng và là một người liêm khiết. Vị tôn chủ đã chạnh lòng thương trước lời van xin của người đầy tớ và sẵn sàng tha cho hắn món nợ rất lớn là mười ngàn yến vàng. Chúng ta nhớ đến bài giảng của Chúa Giêsu về ngày tận thế (x. Mt 25,31-46). Lúc đó, vị thẩm phán cũng được gọi là “Đức Vua” xét xử người lành cũng như kẻ dữ, tuỳ theo việc họ đã làm khi còn sống trên dương gian. Trước đó, vị thẩm phán cũng được dùng với danh xưng “Con Người”. “Con Người” hay “Con loài người” là danh xưng chính Chúa Giêsu đã dùng để chỉ bản thân Người. Như thế, vị thẩm phán sẽ xét xử loài người là chính Chúa Giêsu, như chúng ta đọc trong kinh Tin kính: “Ngày sau bởi trời lại xuống phán xét kẻ sống và kẻ chết”.
Hình ảnh vị tôn chủ trong Tin Mừng hôm nay cho thấy đó là vị Thẩm phán vừa công bằng vừa bao dung nhân hậu. Vị thẩm phán ấy chạnh lòng thương trước nỗi khổ của con người và sẵn sàng tha thứ nếu người ấy khiêm tốn kêu xin. Tuy vậy, ngài cũng nghiêm khắc với kẻ gian manh, chỉ biết khúm núm trước người chủ nợ, mà lại táng tận lương tâm đối với bạn hữu đang mắc nợ mình chỉ có một trăm quan tiền, trong khi món nợ mình được tha có giá trị gấp nhiều lần.
Nếu Thiên Chúa là vị Thẩm phán khoan dung nhân hậu, thì những ai tin vào Ngài cũng phải khoan dung nhân hậu như thế. Những ai cố chấp, hận thù và ích kỷ không thể lãnh nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa. Người đầy tớ có trái tim chai đá trước lời van xin của tha nhân bị ông chủ kết án là đồ gian ác. Hơn thế nữa, anh ta phải vào tù và phải trả món nợ trước đây ông chủ đã có ý tha, vì thấy anh ta đáng thương và vì lời van xin thống thiết. Trong thực tế, con người dễ hạ mình trước mặt Thiên Chúa, nhưng lại xảo trá và mưu mô đối với đồng loại. Lời kết câu chuyện của Chúa Giêsu cũng là tóm lược lời kinh Lạy Cha: “Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình”.
Và đây cũng là nội dung của Bài trích sách Huấn Ca: “Hãy bỏ qua điều sai trái cho kẻ khác, thì khi bạn cầu khẩn, tội lỗi bạn sẽ được tha” (Bài đọc I). Bao dung nhân hậu, tha thứ yêu thương. Đó là cốt lõi của giáo huấn Kinh Thánh, nhất là trong giáo huấn của Chúa Giêsu. Hãy tha thứ vì con người sống trên trần gian đều là bất toàn. Khi tha thứ, ta mở cho người khác một con đường hướng tới tương lai. Giáo huấn Kitô giáo còn khẳng định: khi tha thứ là ta được thứ tha; khi cho đi ta sẽ nhận lãnh. Tha thứ sẽ đem lại cho chúng ta niềm vui, sự thanh thản và yêu đời. Người Việt Nam chúng ta thường nói” đời có vay có trả”, “gieo nhân nào gặt quả nấy”. Có người bức xúc vì thấy kẻ gian ác cứ sống nhơn nhơn, bất chấp đạo lý luân thường, ấy vậy mà họ vẫn giàu có hoặc may mắn. Nếu họ chưa phải trả giá cho sự gian ác họ đã gây ra cho người khác, là vì chưa đến thời đến buổi đó thôi, vì “lưới trời lồng lộng, thưa mà khó thoát”, như cổ nhân đã dạy.
Tha thứ thật sự không phải là khả năng của con người nhưng là của Thiên Chúa. Vậy, muốn tha thứ cho người anh em, ta hãy nài xin Thiên Chúa ban ơn giúp sức. Đức Giêsu kể cho ta dụ ngôn: “Tên đầy tớ không biết xót thương” là để nhắc nhở mỗi người chúng ta. Trước mặt Thiên Chúa nhân từ, ta luôn là một tội nhân. Món nợ ta mang đối với Ngài còn lớn hơn rất nhiều so với món nợ tha nhân nợ ta. Nhưng sự thật, dù món nợ ấy lớn tới đâu, chỉ cần ta biết ăn năn hối cải quay về và nài xin lòng thương xót của Chúa, ta sẽ được tha. Vậy, đến lượt ta, ta cũng hãy tha cho người anh em của ta như Thiên Chúa đã tha cho ta. Sở dĩ tên đầy tớ trong dụ ngôn bị hành hạ cho đến khi trả xong nợ là vì hắn đã vội quên ngay ân huệ vừa nhận được mà xử với người anh em theo cách của hắn, dù món nợ ấy chẳng đáng bao nhiêu. Ta đừng xử sự như tên đầy tớ ấy nhưng hãy xử sự như con cái Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi khi tha thứ cho ta.
Để có thể tha thứ, thiết nghĩ, trước tiên ta phải ý thức đầy đủ về thân phận tội lỗi của mình. Khi nhìn về lỗi lầm của người khác, ta cần nhìn về lỗi lầm của ta. Trước mặt ta, họ là tội nhân, nhưng trước mặt người anh em khác, có khi ta cũng mang thân phận ấy. Lúc này họ phạm đến ta, nhưng khi khác ta lại lỗi phạm đến người khác. Bây giờ, họ cần được ta tha thứ, khi khác ta lại là người cần được tha thứ. Có ai tự tin để nói rằng mình chưa một lần làm mất lòng người khác. Bởi vậy, sách Huấn ca có dạy: “Hãy bỏ qua điều sai trái cho kẻ khác, thì khi bạn cầu khẩn, tội lỗi bạn sẽ được tha” (Hc 28, 2). Nếu ta cố chấp trong những suy nghĩ, quan điểm của ta để rồi mang lấy oán hờn và giận dữ là những điều ghê tởm, ta sẽ là người thiệt hại (x.Hc 27, 30). Chẳng ai mang “cục tức” trong lòng mà có thể vui sống bình an. Lại nữa, tha thứ cho kẻ khác là điều kiện để ta được Thiên Chúa thứ tha.
2021
BỤT NHÀ KHÔNG THIÊNG
08Thứ Hai Tuần III Mùa Chay
– Thánh Gio-an Thiên Chúa, Tu sĩ
– Các bài đọc Lời Chúa: 2 V 5,1-15a; Lc 4,24-30.
BỤT NHÀ KHÔNG THIÊNG
Thánh Gioan Thiên Chúa, lúc đầu có tên là Gioan Cidade, sinh vào khoảng năm 1495, tại làng Montermor O-novo. Cha là ông An-rê và mẹ là bà Tê-rê-xa. Năm lên tám tuổi, cậu theo một người khách lạ lưu lạc qua Tây Ban Nha. Khi đi đến vùng Oropesa, cậu bị bỏ rơi, và được gia đình ông François de Majoral nhận về nuôi dạy.
Gioan đã kinh qua nhiều ngành nghề trong đời như đi chăn súc vật, đi làm mã phu, hai lần đi lính (một lần đánh chiếm lại Fontarabia và một lần đánh quân Thổ Nhĩ Kỳ ở Vienne), đi đắp thành ở Châu Phi, đi bán tranh ảnh, sách báo và bán củi ở Grenade.
Ngày 20.1.1539, anh được ơn biến đổi tâm hồn. Bài giảng của linh mục Gioan d’Avilla trong thánh lễ kính thánh Sébastiano tử đạo nói về sự nguy hiểm của tội lỗi và lòng xót thương của Thiên Chúa, đã làm Gioan cidade bị xúc động mạnh đến độ thần kinh bị kích động giống như những người bị điên lên cơn, và vì thế người ta đã đưa anh vào bệnh viện tâm thần Hoàng Gia Tây Ban Nha.
Vì chỉ là bị giao động thần kinh, nên sau vài ngày thì anh ổn định trở lại. Nhưng anh đã xin được ở lại bệnh viện độ ba tháng để giúp đỡ các công việc vặt và trò chuyện, chăm sóc cho các bệnh nhân. Sau đó anh xin xuất viện, và vì được sự chỉ dạy của cha linh hướng – linh mục Gioan d’Avilla, vào tháng 10 năm đó, anh đi hành hương Đức Mẹ Guadaloupe. Trong thời gian hơn một tháng ở Guadaloupe anh đã tranh thủ đi học cách tổ chức bệnh viện cũng như chăm sóc bệnh nhân với các tu sĩ dòng Hiêrônimô.
Trở về từ trung tâm hành hương kính Đức Mẹ nổi tiếng đó, tháng 12. 1539, Gioan bắt đầu thành lập một phòng khám đầu tiên tại phố Lucena, đúng ra thì đó chỉ là một ngôi nhà cho những người nghèo khổ, bệnh tật không có chỗ nương thân đến trú ngụ, và khi những bệnh nhân do chính Gioan đưa về hay tự họ tìm đến ngôi nhà này, thì việc đầu tiên Gioan làm là tắm rửa cho họ, băng bó những vết thương bị lở loét… Thấy công việc của anh tốt đẹp, đức cha Ramirez, giám mục thành Tuy đặt tên là Gioan Thiên Chúa, và vì anh có cái áo nào lành đều cởi cho người đói rách, nên đức cha cho anh mặc một loại áo giống như áo nhà tu và làm phép áo đó để anh không còn cho người khác.
Nhờ sự giúp đỡ của đức cha Ramirez, đức tổng giám mục Grenade và nhiều ân nhân, nên Gioan Thiên Chúa có điều kiện mở thêm những nhà khác và đi tìm kiếm và đón tiếp nhiều người đau khổ, bất hạnh. Thánh Gioan Thiên Chúa qua đời ngày 8.3.1550, do bị cảm lạnh nặng bởi trước đó mấy tuần ngài đã cố gắng lao mình xuống dòng nước buốt giá trong khi sức khỏe đã suy yếu, để cứu một thanh niên đi với củi với ngài bị lỡ chân rớt xuống sông Génil.
Đức giáo hoàng Alexandro tôn phong Gioan Thiên Chúa lên bậc hiển thánh vào ngày 16.10.1690, và đức Lêô XIII đặt ngài làm bổn mạng các bệnh nhân và các bệnh viện công giáo vào ngày 22.6.1886 ; và cùng với thánh Camilo de Lellis, được đức giáo hoàng Piô XI đặt làm đấ
Người Do thái trong hội đường Nazareth đã tìm cách hãm hại Chúa Giêsu khi Ngài lên tiếng chê trách niềm tin của họ. Có lẽ ai trong chúng ta cũng bất bình về việc làm của những người này. Nhưng kỳ thực trong cuộc sống, lắm lúc chúng ta đã sao chép lại nguyên bản việc làm ấy: tự hào là người Kitô hữu, là người nắm giữ niềm tin, nhưng rồi với một mớ lễ nghi hình thức, niềm tin trong chúng ta chỉ là ngọn đèn leo lét chực tắt trước gió. Chỉ là thân cây mất hết nhựa sống chờ ngày gẫy đổ. Ðây là một thứ niềm tin mà Ðức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, tác giả tập sách “Ðường Hy Vọng” đã nhắc nhở:
“Nhiều người nói: “Tôi có đức tin, tôi còn đức tin”. Có lẽ đức tin là đức tin của giấy khai sinh, không phải là đức tin của đời sống. Con đừng bao giờ mãn nguyện với một đức tin hình thức và lý thuyết. Nhưng con phải sống một đức tin chân thật và trung thành. Tự mãn với chính mình mà không chịu mở lòng đón nhận, khiến người Do thái đã mất Chúa Giêsu, nền tảng của niềm tin, Ðấng mà họ đang ngóng chờ”.
Cũng thế, Kitô hữu nếu chỉ đóng khung trong những nghi thức, tuân giữ luật lệ, thì sớm muộn gì họ cũng xa rời đức tin là nguồn mạch sự sống. Vì sống là gì, nếu không là một sự thay đổi luôn luôn. Con người sẽ chết khi một hệ tuần hoàn không lưu chuyển, hay hệ thần kinh không vận động. Ðối với đức tin cũng vậy, luôn luôn đòi hỏi một sự trao đổi với Thiên Chúa và với anh em.
Nếu đối với người Kitô hữu, tin trước hết là được cứu rỗi, được tha thứ, được yêu thương vô cùng. Chúa không phải là Ðấng bắt con phải kính mến, nhưng Chúa là Ðấng mà con phải để cho Ngài yêu thương con vô cùng. Nắm được đức tin, con phân biệt đâu là đường hy vọng của tâm hồn tông đồ, đâu là lối chết của thế gian. Tin là chấp nhận Chúa Giêsu vô điều kiện và quyết tâm sống chết với Ngài.
Lời Chúa ngày hôm nay chúng ta dễ dàng nhận ra hai thái độ khi giải quyết một vấn đề cần, mà vấn đề ấy đụng đến một sự thật : – Trước hết là thái độ của đám đông : đám đông đã không chân nhận sự thật, lấy phản ứng của số đông để phủ nhận sự thật và tấn công số ít… Sau là thái độ của Chúa Giêsu : Ngài bình tĩnh bước đi, vượt qua dư luận, mạnh mẽ và tự tin khi sống bằng sự thật.
Thái độ thứ nhất là thái độ của đám đông, một điều hiển nhiên thấy được qua bối cảnh của đoạn Tin Mừng này, rằng “số đông không phải là chân lý”. Những người lãnh đạo tầm thường thì lấy số đông để chứng minh chân lý. Chúa Giêsu đã không làm thế, dọc suốt hành trình sứ vụ công khai, Chúa Giêsu đã nhiều lần chứng minh cho mọi người thấy “số đông không phải là chân lý” : Câu chuyện trong Tin Mừng (Mt 21,12) miêu tả, người ta đem mọi thứ vào đền thờ để bán trong dịp lễ, một mình Chúa Giêsu đã đánh đuổi họ ; Dịp khác, trong Tin Mừng theo thánh Gioan (Ga 8,1-11), khi người ta định ném đá người phụ nữ ngoại tình, một mình Chúa Giêsu bênh vực ; Trước dinh Philatô trong việc xứ án Chúa Giêsu (Ga 18,28-40), một mình Ngài thua thiệt, dùng mạng sống để bảo vệ chân lý toàn vẹn…
Và hôm nay, trước vấn đề Chúa Giêsu trình bày qua định đề : “Không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình”, và hai ví dụ dẫn chứng về hai ngôn sứ lớn Êlia và Êlisa được sai đến với hai người dân ngoại ; “số đông không hề có chân lý”, họ nổi đóa và tìm cách xô Chúa xuống vực, họ phản ứng theo cảm xúc bên ngoài mà không dựa vào chân lý. Quả là phi lí khi giải quyết vấn đề dựa vào uy thế, phản ứng, và câu trả lời của “số đông”, trong khi “Số đông không phải là chân lý”.
Thái độ thứ hai là thái độ của Chúa Giêsu, thái độ đáp trả lại đám đông bằng cách “băng qua giữa họ mà đi”. Tin Mừng đã làm cho chúng ta ngạc nhiên, làm sao Chúa Giêsu lại có thể “băng qua giữa họ mà đi” đang khi họ “phẫn nộ”… Chúa Giêsu đã mạnh dạn bước trên dư luận, Ngài không bận tâm phản ứng lại đối phương khi họ đang tức giận. Ngài tự tin vì Ngài giữ bên mình một sự thật toàn vẹn. Ngài không cần phản ứng để bảo vệ sự thật, vì sự thật là chính nó, sự thật tự nó đứng vững và sự thật là toàn vẹn.
Và Nếu mỗi chúng ta sống với sự thật, nếu mỗi chúng ta có sự thật trong lòng, chúng ta có thể như Chúa Giêsu, có thể bước qua bất kỳ đám đông nào và băng qua bất cứ phản ứng thắc mắc nào, để hiên ngang bước đi.