KHIÊM TỐN VÀ PHỤC VỤ
03Thứ Tư Tuần II Mùa Chay
– Thứ Tư đầu tháng. Kính Thánh Cả Giu-se.
– Các bài đọc Lời Chúa: Gr 18,18-20; Mt 20,17-28.
KHIÊM TỐN VÀ PHỤC VỤ
Trên đường lên Giêrusalem (vì sắp tới lễ Vượt Qua là lễ mà mọi người Do Thái đến tuổi thành niên về Giêrusalem để tham dự), Chúa Giêsu tách riêng những môn đệ thân tín đi với Ngài. Ngài nói với các ông như lời tiên báo và cũng là lời tâm sự : “Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ kết án tử hình Người… bị nhạo báng, đánh đòn, đóng đinh…. và sẽ chỗi dậy” (c.18-19).
Đứng trước một tin động trời như vậy thế mà chẳng có môn đệ nào phản ứng, ngay cả Phêrô, Gioan… là những người đứng đầu bảng tuyên xưng niềm tin và được Chúa Giêsu thương mến. Hình như các ông chẳng quan tâm và cho rằng đó là chuyện của người nào đấy… và không dính dáng đến mình. Thánh sử còn nói rõ : đây là việc tiên báo về cuộc thương khó lần thứ ba của Chúa Giêsu. Thật vô tình quá ! Bài học này đã không được các môn đệ tiếp nhận.
Chúa Giêsu đang buồn rầu vì các môn đệ không hiểu bài học Ngài vừa truyền đạt, thì Ngài lại phải giải quyết một vấn đề khá quan trọng xảy ra với hai môn đệ thân tín của Ngài: Mẹ của Gioan và Giacôbê đến gặp Chúa Giêsu. Một bà mẹ như đoán trước thời cuộc. Thời lên ngôi của Chúa Giêsu nên bà vội vã đến quì lạy xin giành “chỗ nhất” cho hai đứa con yêu quí của bà được ngồi bên tả, bên hữu Chúa. (x. c.20-21)
Rất tiếc bà đã đi lệch hướng. Chúa Giêsu liền kéo bà và mọi người quay trở về đường lối của Thiên Chúa: “Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không ?” chẳng biết có hiểu “chén của Chúa” là cuộc tế hiến trên đồi Canvê của Ngài hay không, họ cũng đáp liều : Thưa uống nổi. Nhưng Chúa Giêsu khẳng định rõ với họ: Môn đệ theo Thầy là phải giống như Thầy là uống chén đắng, nhưng còn việc ngồi ở đâu là do quyền Chúa Cha định đoạt. Ý nói : chúng ta được cứu độ không phải là do công trạng mình lập ra, nhưng là do lòng thương xót của Chúa.
Có lẽ mười môn đệ kia tức tối với hai anh em Giacôbê và Gioan là vì : mình không chạy nhanh, không tính toán bằng. Đó có thể là sự ganh tị… và Chúa Giêsu, nhân cơ hội này đã giảng một bài về phục vụ cho những người muốn làm thủ lãnh, làm đầu, làm nhất, làm lớn trong thiên hạ. Chúa trưng dẫn lối lãnh đạo theo Người đời : Lấy quyền thống trị, dùng uy cai quản (c. 25). Ngài khẳng định : Giữa anh em không được như vậy : làm lớn để phục vụ (c. 26). Làm đầu phải là đầy tớ (c. 27). Một lối sống đối nghịch với những gì người đời mong đợi.
Vào thời ấy, những ai nắm giữ quyền lực thì không kể gì đến người dân. Họ làm theo ý họ (xem Mc 6:27-28). Đế quốc La Mã kiểm soát thế giới và duy trì sự thuần phục của nó bằng sức mạnh khí giới, và trong cách này, nhờ vào việc cống nạp, sưu thuế, đã thành công trong việc tập trung của cải của dân chúng ở trong tay một số ít người tại Rôma. Xã hội được biểu thị bởi những đàn áp và lạm dụng quyền lực. Chúa Giêsu đã có một đề nghị hoàn toàn khác nhau. Người nói: “Giữa các con thì không được thế. Trong các con, ai muốn làm lớn, thì hãy phục vụ các con, và ai muốn cầm đầu trong các con, thì hãy làm tôi tớ các con!” Chúa Giêsu truyền dạy tương phản lại đặc quyền và sự cạnh tranh. Người muốn thay đổi guồng máy và khẳng định sự thực rằng phục vụ là phương thuốc chống lại tham vọng cá nhân.
Đứng trước thái độ của các tông đồ, Chúa Giêsu đã lật đổ những mơ ước hão huyền của các môn đệ, làm cho giấc mộng công hầu khanh tướng mà các ông đang theo đuổi tan thành mây khói khi loan báo cái chết sẽ đến với Ngài. Đồng thời Chúa Giêsu cũng dạy cho các ông bài học về người làm đầu, làm lớn. Theo lẽ thông thường của thế gian, người làm vua quan, người làm lớn, làm đầu là người được người khác phục vụ, người có thể sai bảo người khác. Nhưng đối với Chúa Giêsu, người làm lớn, làm đầu phải là người phục vụ. Phục vụ đích thực chính là sống tron vẹn cho tha nhân, vì tha nhân, chứ không vì một tính toán lợi lộc trần gian nào. Phục vụ như thế là quên mình vì người khác theo gương Chúa Giêsu.
Chúa Giêsu xác định sứ vụ và cuộc sống của mình: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ!” Người đã đến để hiến mạng sống mình làm giá chuộc cho nhiều người. Người là Đấng Cứu Thế Tôi Tớ, được loan báo bởi Tiên Tri Isaia (Is 42:1-2; 49:1-6; 50:4-9; 52:13 – 53:12). Người đã học được từ Mẹ của mình là người đã nói: “Vâng, đây là nữ tỳ của Chúa” (Lc 1:38). Một điều đề nghị hoàn toàn mới mẻ cho xã hội thời đó.
Lời Chúa hôm nay thúc bách chúng ta xem xét lại động cơ theo Chúa để biết sống khiêm nhường hơn nữa. Nhiều khi điều chúng ta lớn tiếng hôm nay lại là điều ta làm không nổi sau này. Hơn nữa, dù đã đoan hứa với Chúa một lần thay cho tất cả, chúng ta vẫn phải lặp lại mỗi ngày quyết tâm theo Chúa trên con đường khổ nạn. Sống tinh thần của mùa Chay, ta cố gắng làm trọn điều phải làm hôm nay, dù khó khăn, ví dụ: không phàn nàn trong công việc bổn phận, xây dựng bầu khí vui tươi, tin tưởng nơi gia đình, cộng đoàn, xứ đạo…
Xin Chúa ban cho chúng ta luôn biết đặt Chúa làm trọng tâm đời mình, để biết sống yêu thương, phục vụ Chúa và tha nhân trong vai trò và bậc sống của mình. Xin Người cũng giúp chúng ta ý thức được sự yếu đuối của mình để biết luôn cậy dựa vào Chúa trong một thế giới đầy rẫy những cám dỗ hưởng thụ này. Amen!