2020
Chết thay cho người mình yêu
CHẾT THAY CHO NGƯỜI MÌNH YÊU
Ga 11, 45-56
Trang Tin Mừng hôm nay cho thấy các Thượng hội đồng Do Thái đã “quyết định giết Chúa Giêsu” thể theo lời khuyến cáo mang tính tiên tri của thượng tế Caipha: “Thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt.” Đối với họ, đó là cách giải quyết gọn nhất, ít hao tổn xương máu nhất. Thế nhưng, trong cái nhìn của Thánh Gioan, thì cái chết của Đức Giêsu là một đảm bảo ơn cứu độ cho toàn dân Israen và cũng “để quy tụ con cái của Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối.”
Lời tiên tri của Thượng tế Caipha đã được ứng nghiệm: “Đức Giêsu sắp phải chết thay cho dân và không chỉ thay cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối” (Ga 11,51-52). Chúa Giêsu chết thay cho tất cả chúng ta: cho người nam cũng như cho người nữ, người già lẫn người trẻ, người giàu cũng như kẻ nghèo, người công chính cũng như kẻ tội lỗi. Người chết thay cho tôi và cho bạn.
Chính nhờ cây thập giá, Chúa Giêsu tẩy rửa sạch mọi tội lỗi của chúng ta. “Tội lỗi của chúng ta chính Người mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi chết với tội, chúng ta được nên công chính. Vì Người phải mang thương tích mà anh em đã được chữa lành” (1Pr 2, 24). Qua thập giá, Chúa Giêsu quy tụ nhân loại về tôn thờ Thiên Chúa duy nhất.
Những người Do Thái không tin đã nhìn nhận những hành động của Chúa Giêsu trong một lăng kính phàm trần, đầy màu sắc chính trị. Họ đã thắc mắc: Chúng ta phải xử trí sao đây? Vì Người này làm nhiều phép lạ. Nếu chúng ta cứ để Người như thế này thì mọi người sẽ tin theo và quân đội Rôma sẽ kéo đến phá hủy nơi này và dân tộc ta”. Chúng ta lưu ý lối lý luận lộn xộn của người Do Thái không tin rằng: “Nếu dân chúng tin Thiên Chúa thì quân đội Rôma sẽ kéo đến phá hủy thành Giêrusalem và dân tộc Do Thái”.
Dân chúng tin theo Chúa là việc thuộc lãnh vực tôn giáo, còn quân đội Rôma đến phá hủy là việc chính trị. Vậy làm sao việc tôn giáo có thể kéo theo hậu quả của việc chính trị như vậy được? Nhà cầm quyền Rôma thời đó cho người Do Thái được tự do hành đạo, mà quan Philatô đâu có muốn kết án tử hình Chúa Giêsu vì lý do tôn giáo, vì những tranh tụng tôn giáo giữa Chúa và những vị lãnh đạo của dân chúng đối chất. Trước mặt quan Philatô, họ phải tố cáo Chúa Giêsu về một tội chính trị, đó là xúi dân làm loạn, không nộp thuế cho Xêsarê.
Với tình yêu Chúa, người Kitô hữu có thể hiến mạng sống mình cho anh chị em. Ðó là một hành động của tình thương và nó sẽ khơi dậy những chuỗi tình thương tiếp nối. Chúa Giêsu Kitô đã trải qua kinh nghiệm này. Những người Do Thái không tin vào Chúa Giêsu, muốn bắt Chúa phải chết thay để người Roma không đến hủy diệt dân tộc Do Thái.
Thế nhưng rồi ta thấy trong chương trình cứu rỗi nhiệm mầu của Thiên Chúa Cha, Chúa Giêsu chấp nhận tự hiến, chịu chết thay để mọi người được sống và được sống đời đời. Tin Mừng hôm nay nhắc lại cảnh đời trớ trêu của Chúa như sau: “Quí vị không nghĩ rằng, thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt”.
Chúa đã sống trọn kiếp người ba chìm bảy nổi và đầy sóng gió nguy nan. Chúa đã trải qua những năm tháng hồn nhiên của tuổi thơ. Chúa âm thầm sống theo từng lứa tuổi để yêu thương và cảm thông với chúng con. Cuộc đời Chúa không thiếu những lời khen và cũng không ít những lời chê. Chúa đã từng làm ơn để rồi bị mắc oán. Chúa cũng cảm nghiệm nỗi đau của sự vong ân bội nghĩa của tha nhân. Nhưng Chúa đã vượt qua tất cả nhờ sự vâng phục thánh ý Chúa Cha.
Noi gương Chúa Giêsu, mỗi người tín hữu chết thay cho anh em mình khi hi sinh thời gian, sức khỏe, tiền bạc để giúp đỡ những con người đau khổ, bệnh tật. Trong mỗi gia đình, mỗi người sống là hiện thân của Chúa Giêsu. Chồng chết thay cho vợ khi biết khước từ những lời mời gọi xấu xa: nhậu nhẹt, cờ bạc… Vợ chết thay cho chồng khi từ bỏ một tật xấu, tập tính dịu dàng, nết na, nhân hậu… Bố mẹ chết thay cho con cái khi biết yêu thương, dạy dỗ và lắng nghe trong sự chân thành và cởi mở… Con cái chết thay cho bố mẹ khi cố gắng học hành chăm chỉ, vâng lời và hiếu kính với những bậc sinh thành… trong đời sống cá nhân, mỗi người cố từ bỏ những tính hư tật xấu: kiêu ngạo, ganh ghét, lười biếng, tham lam, nói hành nói xấu… Có như thế, thập giá của Chúa Giêsu mới trở nên hữu ích là đem lại nguồn ơn cứu độ cho chúng ta.
2020
Mở lòng đón Chúa
Thứ Sáu Tuần V Mùa Chay
Gr 20, 10-13; Ga 10, 31-42
MỞ LÒNG ĐÓN CHÚA
Trước thảm họa là khổ đau và tội lỗi, Chúa Giêsu đã được Đức Chúa Cha sai đến trên trần gian làm người cứu chữa và đem lại sự sống mới cho nhân loại. Chúa Giêsu ý thức rất rõ sứ mệnh với tất cả những gì mà Ngài phải gánh chịu Ngài đón nhận với tất cả tâm tình yêu mến, phó thác toàn thân cho Chúa Cha, hoàn toàn để cho Chúa Cha hành động và hoàn tất kế hoạch cứu rỗi của Ngài.
Ðây là lần thứ hai những người Do Thái muốn ném đá Chúa Giêsu vì Người xưng mình là Con Thiên Chúa. Sự xung khắc giữa hai bên, một bên vì sự thật, bên kia vì mê muội, càng ngày càng gia tăng. Chúa Giêsu cương quyết thi hành sứ mạng Chúa Cha trao phó cho Người bất chấp mọi nguy hiểm, kể cả nguy cơ bị giết chết. Người Do Thái cũng nhất quyết loại trừ Chúa Giêsu vì họ cho Người phạm thượng. Cuộc đối kháng sẽ đi đến cao trào vào ngày lễ Lá khi Chúa Giêsu công khai vào thành Giêrusalem với tư cách là Ðấng Mêsia. Về phía các đối thủ của Chúa Giêsu, họ cũng lập một kế hoạch để trừ khử Người.
Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa theo một nghĩa độc nhất vô nhị. Ngài là Con Một hằng ở nơi cung lòng Cha (Ga 1, 18), đầy tràn ân sủng và sự thật (Ga 1, 14). Người Con Một ấy đã trở thành người phàm mang tên Giêsu (c. 33), trở thành quà tặng cứu độ của Thiên Chúa cho nhân loại. Đức Giêsu gắn bó với Chúa Cha đến nỗi Ngài có thể nói : “Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha” (c. 38). Hơn nữa, Ngài còn dám nói: “Tôi và Chúa Cha là một” (c. 30). Con và Cha hiệp nhất làm một với nhau, Người được sai kết hiệp làm một với Đấng sai mình. Con không tự mình làm điều gì, không làm theo cách của mình, Con luôn sống như người được Cha sai. Đây không phải chỉ là sự hiệp nhất trong công việc, mà còn là sự hiệp nhất sâu thẳm giữa hai ngôi vị thần linh.
Chúa Giêsu đã làm nhiều việc tốt đẹp (c. 32). Các việc này không phải là việc của Ngài, mà là việc của Cha Ngài (c. 37). Suốt đời Đức Giêsu chỉ tận tụy với việc của Cha. Trên thập giá, trước khi lìa đời, Ngài nói: “Thế là đã hoàn tất” (Ga 19,30). Ngài đã vuông tròn mọi việc Cha giao. Những việc tốt đẹp này là một lời chứng hùng hồn cho con người của Ngài: “Nếu tôi làm các việc đó, thì dù các ông không tin tôi, ít ra cũng hãy tin các việc đó” (c. 38). Tin vào việc làm dẫn đến tin vào con người.
“Tôi là người Chúa Cha đã thánh hiến và sai đến thế gian” (c. 36). Thiên Chúa Cha đã thánh hiến Chúa Con để Ngài thi hành sứ mạng. Chúng ta cũng là những người được thánh hiến qua bí tích Thánh Tẩy, được sai vào thế giới này để chia sẻ sứ mạng còn dang dở của Chúa Giêsu. Chúng ta còn nhiều điều tốt đẹp phải làm cho cuộc đời này trước khi có thể nói như Chúa: “Thế là đã hoàn tất”.
Trang Tin Mừng hôm nay, người Do Thái khăng khăng buộc tội Chúa Giêsu, họ cho rằng Người đã nói phạm thượng khi xưng mình là Con Thiên Chúa. Họ không thèm đếm xỉa đến những việc tốt lành Chúa Giêsu đã thực hiện, cũng không thèm nghe những lời người khác làm chứng về Chúa Giêsu để xét xem Người có phải là Ðấng Mêsia hay không? Càng đối chất với Chúa Giêsu, họ càng trở nên ương ngạnh, ngoan cố.
Vì tự cao tự đại cũng như tự ái và để bảo vệ tư lợi, họ không còn quan tâm đến tính cách khách quan của sự kiện, đầu óc họ bây giờ chỉ còn một ý nghĩ duy nhất chiếm ngự đó là phải khử trừ Chúa Giêsu bằng bất cứ giá nào. Sự giận dữ nung đốt lòng họ, biến họ thành những kẻ gian ác, như hình ảnh những tá điền hung dữ mà Chúa Giêsu đã mô tả trong các dụ ngôn Người giảng dạy trước đây.
Người xưa có nói: “Giận mất khôn”, người Do Thái vì giận Chúa nên không còn kể gì sự khôn ngoan hay rồ dại nữa. Ðã biết bao lần Chúa Giêsu nhắc đến Chúa Cha. Người cố tình nhắc đi nhắc lại nhiều lần để mong họ thức tỉnh mà suy xét lại. Biết họ giận dữ, Người vẫn tiếp tục nói, không phải Chúa muốn chọc giận họ mà là muốn họ ăn năn sám hối và được cứu rỗi. Sứ mạng Chúa Cha đã trao phó cho Người, Người phải thi hành đến cùng. Chúa Giêsu càng thiết tha giảng dạy cho họ, họ càng tức điên lên, Chúa Giêsu càng nói họ càng tức giận và cuối cùng, không dằn được cơn giận họ đành tóm lấy Chúa Giêsu để trừng trị cho hả dạ. May thay, Chúa Giêsu đã lánh ra khỏi chỗ họ mà đi sang bên kia sông Giordan.
Khung cảnh bên kia sông Giordan lắng dịu và khách quan hơn, ở đó có nhiều người đến với Chúa Giêsu, những người này là những người thành tâm thiện chí, họ muốn tìm ra sự thật về vị Thầy Giêsu mà dân chúng xôn xao bàn tán bấy lâu. Dư luận nói tốt về Người cũng có, mà dư luận nói xấu về Người cũng chẳng thiếu, họ bình tâm đứng giữa hai luồng dư luận và để tìm hiểu những lời ông Gioan đã nói về Chúa Giêsu, họ tin vào sự chân thật của ông Gioan, bởi ông được mọi người công nhận là một ngôn sứ đích thực.
Thánh Gioan đã nói nhiều điều về Chúa Giêsu, và những điều đó đã xảy ra đúng như lời ông nói. Lời chứng của một người chân thật thì phải là một sự thật, thế thì chắc chắn Chúa Giêsu phải là Ðấng Mêsia mà Kinh Thánh đã từng tiên báo. Dù có nhiều điều họ chưa hiểu tường tận, nhưng dựa vào lời chứng của Gioan, họ đã tin vào lời Chúa Giêsu và họ đã tìm đến với Người. Tấm lòng rộng mở của họ đã dẫn họ đến với sự thật.
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết mở rộng để đón Chúa vào trong tâm hồn của mình, đón sự thật của Chúa bởi lẽ sự thật sẽ giải thoát anh em.
2020
Tin và đón nhận
Thứ Năm 2 tháng 4 2020
Ga 8, 51-59
TIN VÀ ĐÓN NHẬN
Sinh thời của Chúa Giêsu, dân chúng đã tìm cách giải thích dung mạo của Người, họ gán cho Người những hình ảnh quen thuộc: là Gioan Tẩy Giả, là ngôn sứ Êlia, hay một ngôn sứ nào đó (Mc 8, 28). Trong trình thuật Tin mừng của thánh Gioan hôm nay, Chúa Giêsu khẳng định Người là Con Thiên Chúa (Ga 8, 54) và là Đấng Hằng Hữu (Ga 8, 58).
Thuật ngữ “Ta Hằng Hữu” cho thấy Chúa Giêsu luôn hiện diện cách siêu việt thời gian và không gian như lời Thánh sử Gioan đã viết “lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa” (Ga 1, 1). Người không những hiện diện cách siêu hình mà còn hiện diện cụ thể trong lịch sử nhân loại “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1, 14a).
Với biến cố Nhập Thể, Ngôi Lời là Thiên Chúa vô hình đã hiện diện cách hữu hình khi trở nên người phàm. Người nói với con người bằng ngôn ngữ nhân loại, mạc khải cho con người về Ơn Cứu Độ. Tất cả những gì con người phải làm để được Ơn Cứu Độ là tin vào Chúa Giêsu, xem những gì Người làm, lắng nghe và tuân giữ những gì Người nói.
Tuy vậy, không phải mọi người đều nhận ra sự hiện diện đích thực của Chúa Giêsu và tin vào Người. Nhiều người Do Thái trực tiếp được thấy và nghe Chúa Giêsu giảng dạy nhưng đã không tin Người và cho rằng Người bị quỷ ám. Hình ảnh những người Do Thái không tin Chúa Giêsu chính là hình ảnh của nhiều người hôm nay. Họ không nhận ra sự hiện diện của Người vì những lý do khác nhau: hoặc vì thượng tôn khoa học, hoặc vì bám víu nơi vật chất, hoặc vì theo các lý thuyết vô thần.
Người Do Thái đã bị vấp phạm khi nghe thấy Chúa Giêsu, một người chưa đầy năm mươi tuổi, tự cho mình là Con Thiên Chúa, là Đấng Hằng Hữu, đã được thấy tổ phụ Apraham. Lý trí bình thường của con người và sự khép kín cõi lòng đã trở thành rào cản khiến họ không nhận ra Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ Thiên Chúa sai đến. Họ từ chối tin vào Ngài.
Trong một cuộc đối thoại với người Do Thái, Chúa Giêsu càng lúc càng mặc khải thêm về thân thế của Ngài… Nhưng với cái nhìn và kiến thức cũng như kinh nghiệm cá nhân, người Do Thái không thể nhận biết thân thế của Chúa: “Ông là ai? Ông chưa được 50 tuổi mà đã trông thấy Abraham sao? Bây giờ chúng tôi mới biết rõ ông bị quỷ ám… Sự thật của Chúa đòi hỏi con người phải từ bỏ nếp sống cũ của tội lỗi, những mưu tính vụ lợi, những ghanh tị tham lam.”
Thượng tế Caipha đang mưu toan đẩy Chúa Giêsu vào con đường chết nhằm loại trừ hậu họa theo cái nhìn của con người. Hơn nữa, mưu kế khôn ngoan của ông cũng che đậy một mưu mô thâm hiểm muốn giết người vô tội để thỏa lòng ghen tương, đố kỵ. Nhưng thật trớ trêu, âm mưu thâm độc của vị thượng tế lại trở thành lời tiên tri loan báo về Chúa Giêsu, Đấng sẽ chịu chết để trở thành nguồn ơn cứu độ cho muôn dân.
Sự mưu mô, tội ác, sự bất công vẫn đầy dẫy trong thế giới con người. Người ta dễ dàng bóp méo sự thật bằng những lời hoa mỹ. Người ta dùng những mưu kế thấp hèn để lừa dối lẫn nhau, lừa dối dân chúng nhằm phục vụ lợi ích cá nhân của mình. Những người công chính, ngay thẳng, và dám lên tiếng bênh vực cho sự thật, có thể bị loại trừ bằng những thủ đoạn thấp hèn.
Những ai muốn nhận ra chương trình của Thiên Chúa thì cũng phải tập nhìn mọi sự theo cách nhìn của Ngài. Những người Do Thái không muốn nhìn như thế, họ nhìn vào Chúa Giêsu và họ chỉ thấy đó là một con người tuổi chưa đầy năm mươi mà dám khoác lác nói rằng mình đã thấy tổ phụ Abraham, lại còn dám xưng mình ngang hàng với Thiên Chúa nữa. Họ không thể chấp nhận thái độ cao ngạo và phạm thượng ấy. Họ phải ném đá kẻ ngông cuồng này.
Quả đúng như lời mở đầu Tin Mừng theo thánh Gioan: “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người. Người ở giữa thế gian và thế gian đã nhờ Người mà có nhưng lại không nhận biết Người. Người đến nhà mình nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1, 9-11)
Đức tin và đón nhận Ngôi Lời là ơn ban đến từ Thiên Chúa và vượt qua sự hiểu biết của lý trí con người. Đức tin giúp con người đi vào các mầu nhiệm của Thiên Chúa và dấn bước theo Người với tình yêu và lòng phó thác. Vì đức tin, tổ phụ Apraham đã từ bỏ quê cha đất tổ lên đường đến miền Đất hứa vô định, đã sẵn sàng hy sinh đứa con độc nhất theo lệnh Chúa dù đó là mầm mống duy nhất cho một dòng dõi đông đảo mà Chúa hứa với ông. Ông trở thành “cha của những kẻ tin”.
Và ta thấy Đức Maria đã hết lòng yêu mến và tín thác cuộc đời nơi Thiên Chúa. Vì thế, Mẹ là đấng cao trọng nhất trong các loài thụ tạo. Trên hành trình về nhà Cha với biết bao trở ngại và thách đố, mỗi người cần tin tưởng và đặt trọn cuộc đời mình nơi bàn tay quan phòng của Chúa.
Nhiều người thời nay cũng không thể chấp nhận sự thật về Chúa Giêsu. Họ không tin Ngài là Đấng Cứu Thế, càng không tin Ngài là Con Thiên Chúa. Bởi vì họ đã có quá nhiều thành kiến về đạo, trong đó cũng có những thành kiến do những kẻ có đạo tạo nên.
Trong tâm tình Mùa Chay, là những người Kitô hữu, chúng ta cùng nhau suy ngắm mầu nhiệm thương khó và vượt qua của Chúa Giêsu. Vì yêu mà Đức Giêsu đã hy sinh mạng sống của mình để cứu độ muôn dân.
Vì thế, chúng ta cũng được mời gọi từ bỏ những mưu mô, những kiêu căng, đố kỵ, trù dập người khác để mang lại lợi ích cho bản thân. Mỗi khi chúng ta cư xử bất công với người anh em mình, thì chính chúng ta cũng đã tham gia vào bản án mà Đức Giêsu phải chịu. Ngoài ra, chúng ta cũng được thúc đẩy tìm kiếm và theo đuổi những phương thế phù hợp để thúc đẩy công lý và hòa bình.
2020
Lòng tin của người Do Thái – Lòng tin của ta
Thứ Tư Tuần V Mùa Chay
Đn 3, 14-20. 91-92. 95; Ga 8, 31-42
LÒNG TIN CỦA NGƯỜI DO THÁI – LÒNG TIN CỦA TA
Những dân tộc bị đô hộ nhiều năm mới hiểu được giá trị của giải phóng. Những ai bị cầm tù, bị áp bức mới hiểu được giá trị của tự do. Những ai đã từng bị vướng vào ma túy, cờ bạc, rượu chè,mới hiểu nỗi sướng vui của người thoát khỏi vòng nô lệ của chúng. Chế độ nô lệ đã cáo chung, nhưng lại thấy xuất hiện nhiều dạng nô lệ mới. Con người trở nên nô lệ cho chính những sản phẩm tinh tế của mình, và nhất là không thể giải phóng mình khỏi cái tôi ích kỷ.Tự do mãi mãi là khát vọng của con người. Con người vẫn chờ một Đấng Giải Phóng để mình được thật sự tự do.
Trang Tin Mừng hôm nay cho thấy thái độ của Chúa Giêsu đối với những người Do Thái mới tin vào Ngài. Lòng tin của họ chưa được trọn vẹn và Ngài đề nghị những biện pháp để củng cố niềm tin đó, như sống theo Lời Chúa, chấp nhận được giải thoát khỏi tội lỗi, phát triển mối tương quan với Ngài. Tuy nhiên, các người Do Thái không đủ khiêm tốn để chấp nhận đề nghị của Chúa, họ tự phụ mình là con cái của Abraham và do đó không cần ai dạy thêm điều gì nữa, cũng chính vì thế họ không thể tiến xa hơn trên con đường đức tin.
Những người Do thái đang tranh luận gay gắt với Đức Giêsu. Họ hãnh diện vì mình thuộc dòng dõi ông Abraham, nên cho mình là người tự do, chưa hề làm nô lệ cho ai bao giờ (c. 33). Đức Giêsu lại nhìn tự do theo một chiều hướng khác Ai phạm tội thì làm nô lệ cho tội, người ấy không có tự do (c. 34). Tự do không bắt nguồn từ việc mình thuộc dòng dõi ông Abraham. Tự do đến từ việc tin vào lời sự thật của Đức Giêsu. “Nếu các ông ở lại trong lời của tôi… các ông sẽ biết sự thật và sự thật sẽ cho các ông được tự do” (c. 32). Tự do đến từ chính con người của Ngài: “Nếu Người Con có cho các ông tự do, các ông mới thực sự tự do” (c.36).
Chúa Giêsu khẳng định với người Do Thái: “Nếu các ngươi cứ ở trong lời Ta, các ngươi sẽ thật là môn đệ của Ta, và sẽ được biết sự thật, và sự thật giải thoát các ngươi”. Để trở thành môn đệ của Chúa Giêsu thì cũng giống như mở lòng mình ra với Thiên Chúa. Lời Chúa Giêsu chính là lời của Thiên Chúa. Chúng thông tri sự thật, bởi vì chúng làm cho mọi việc được biết như chúng đang ở dưới mắt của Thiên Chúa và không phải như dưới mắt của người Biệt Phái. Sau đó, trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu sẽ dạy điều tương tự cho các môn đệ.
Người Do Thái phản ứng ngay lập tức: “Chúng tôi là con cháu Abraham, và chưa bao giờ làm nô lệ ai cả. Tại sao ông lại nói ‘Các ngươi sẽ được tự do’?” Chúa Giêsu lặp lại và xác nhận sự khác biệt giữa người con và người nô lệ mà nói rằng: “Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi: Hễ ai phạm tội, thì làm nô lệ cho tội. Mà tên nô lệ không ở mãi trong nhà; người con mới ở vĩnh viễn trong nhà. Vậy nếu Chúa Con giải thoát các ngươi, thì các ngươi sẽ được tự do thực sự.”
Chúa Giêsu là người con và ở mãi trong nhà Chúa Cha. Kẻ nô lệ thì không ở trong nhà Chúa Cha. Sống ở ngoài nhà, ngoài nhà của Thiên Chúa có nghĩa là sống trong tội lỗi. Nếu họ chấp nhận lời của Chúa Giêsu thì họ có thể trở thành con cái và được tự do thực sự. Họ sẽ không còn là nô lệ nữa. Và Chúa Giêsu nói tiếp: “Ta biết các ngươi là con cháu Abraham, thế mà các ngươi lại tìm giết Ta: vì lời Ta không thấm nhập vào lòng các ngươi.” Sự khác biệt thì rất rõ ràng ngay tức thì: “Ta nói những điều Ta đã thấy nơi Cha Ta. Còn các ngươi, các ngươi làm điều các ngươi đã thấy nơi cha các ngươi”. Chúa Giêsu không cho họ quyền nói rằng họ là con cái của Abraham, bởi vì các hành động của họ khẳng định điều trái ngược.
Những người Do thái cố chấp, chỉ tìm cách giết Đức Giêsu (cc. 37, 40). Họ không muốn nhận lời sự thật mà Ngài nghe được từ Thiên Chúa (c. 40). Khi từ chối sự thật, họ đã trở nên nô lệ cho sự dối trá và sát nhân. Đức Giêsu là Đấng Giải Phóng, Đấng cho người ta được tự do thực sự. Con người bị trói buộc bởi nhiều mối dây, bởi những tính toán ích kỷ hẹp hòi mà tự sức mình không sao thoát ra được. Hãy đến với Giêsu, mở ra với Giêsu, ta sẽ thấy mình được thanh thoát như Ngài.
“Giả như các ông là con cái ông Abraham, hẳn các ông phải làm điều ông Abraham đã làm” (c. 39). Giả như Thiên Chúa là Cha các ông, hẳn các ông phải yêu mến tôi, vì tôi đã phát xuất từ Thiên Chúa…” (c. 42). Như thế những kẻ chống đối Đức Giêsu thật ra chẳng phải là con cái thật sự của ông Abraham hay con cái Thiên Chúa. Họ sống trong ảo tưởng về mình khi họ cương quyết loại trừ Đức Giêsu.
Chúa Giêsu lặp đi lặp lại cùng một sự thật nhưng dùng nhiều chữ khác nhau: “Bất cứ ai đến từ Thiên Chúa thì lắng nghe lời của Thiên Chúa”. Nguồn gốc của lời khẳng định này là từ tiên tri Giêrêmia, người đã nói rằng: “Ở trong chúng, Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta. Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là dân của Ta. Chúng sẽ không còn phải dạy bảo nhau, kẻ này nói với người kia: ‘Hãy học cho biết ĐỨC CHÚA’, vì hết thảy chúng, từ người nhỏ đến người lớn, sẽ biết Ta – Sấm ngôn của ĐỨC CHÚA – Ta sẽ tha thứ tội ác cho chúng và không còn nhớ đến lỗi lầm của chúng nữa” (Gr 31:33-34). Nhưng họ sẽ không mở lòng mình ra để trải qua kinh nghiệm mới này về Thiên Chúa, và bởi vì điều này, họ sẽ không nhận ra Chúa Giêsu là Đấng đã được Chúa Cha sai đến.
Trước khi lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy, người dự tòng đã tuyên xưng từ bỏ tội lỗi, để sống trong tự do của con cái Thiên Chúa, từ bỏ những quyến rũ bất chính, để khỏi làm nô lệ cho tội lỗi. Mùa Chay là thời gian để chúng ta trở lại điều mình đã tuyên xưng, để được sống đúng với ơn gọi Kitô hữu mình đã lãnh nhận. Xin Chúa thêm ơn cho chúng ta để chúng ta mãi luôn vững tin vào Chúa.