2021
Công cuộc truyền giáo của hai Giám mục tiên khởi tại Giáo hội Việt Nam
CÔNG CUỘC TRUYỀN GIÁO
CỦA HAI GIÁM MỤC TIÊN KHỞI TẠI GIÁO HỘI VIỆT NAM
+ Giuse Đỗ Mạnh Hùng
Giám mục Gp. Phan Thiết
DẪN NHẬP
“Phần các Giám mục, các ngài được Chúa Thánh Thần cắt cử để kế vị các Tông đồ làm mục tử chăn dắt các linh hồn, đồng thời, hợp nhất với Đức Giáo hoàng và dưới quyền ngài, các Giám mục được ủy thác sứ mạng duy trì luôn mãi công trình của Chúa Kitô, vị Mục tử vĩnh cửu” (Sắc lệnh Giám mục, Christus Dominus số 2 – 28/10/1965)
1. Công Cuộc Truyền Giáo Tại Việt Nam Dưới Chế Độ Bảo Trợ Bồ Đào Nha
Công cuộc truyền giáo ở Việt Nam thời kỳ đầu được thực hiện chủ yếu bởi Dòng Tên dưới quyền bảo trợ của người Bồ Đào Nha. Các nhà truyền giáo đã gặt hái được những thành công đáng kể: số tín hữu gia tăng với tinh thần sống đạo sốt sắng, Hội Thầy giảng được thành lập, khai mở nền văn chương Công giáo trên đất Việt, v.v…. Tuy nhiên, những cuộc bách hại Đạo và việc trục xuất các thừa sai ngoại quốc, cùng với những cản trở từ phía Chế độ Bảo trợ luôn là những thách đố lớn cho công việc truyền giáo tại đây.
Theo thỉnh nguyện của cha Đắc Lộ được đệ trình lên Toà thánh sau khi bị trục xuất khỏi Việt Nam năm 1645, ngài nhấn mạnh hai đề xuất chính:
– Do tình trạng thiếu linh mục để chăm sóc các tín hữu, nâng đỡ họ trong những cuộc bách hại, xin Toà thánh sớm gởi các Giám mục qua để thành lập hàng Giáo phẩm địa phương, đào tạo và phong chức các linh mục bản xứ;
– Ban đầu, ngài dự định xin Đức Thánh cha bổ nhiệm các Giám mục Chính tòa, nhưng khi hiểu được kế hoạch của Tòa thánh trong chương trình gửi các Giám mục Đại diện Tông tòa, để tránh rắc rối với Chế độ Bảo trợ, cha Đắc lộ đệ trình một bản ‘ghi nhớ’ xin gửi Giám mục in partibus (trong phần đất dân ngoại) và không cần cho Vua Bồ Đào Nha biết[1].
2. Đường Hướng Của Toà Thánh
Dù phải công nhận rằng Chế độ Bảo trợ có những đóng góp nhất định cho công cuộc truyền giáo chung, nhưng Toà thánh ngày càng nhận ra những bất cập, lạm dụng, thậm chí trở thành những khó khăn và nguy hại, nhất là khi các vua chúa đặt quyền lợi chính trị và kinh tế lên hàng đầu.
Để thoát ra khỏi tình trạng trên, Toà thánh muốn trực tiếp đảm trách và điều hành công cuộc truyền giáo qua việc thiết lập Thánh bộ Truyền bá Đức Tin vào năm 1622. Từ đây, đường hướng truyền giáo ở các nơi đều phải tuân theo sự hướng dẫn của Thánh Bộ, cụ thể qua Huấn Thị năm 1659 trao cho hai Giám mục đầu tiên được gửi đến Đàng Ngoài, Đàng Trong và Trung Hoa[2].
Riêng đối với công cuộc truyền giáo tại Việt Nam, ngày 13.05.1658, Thánh Bộ Truyền bá Đức Tin đề nghị bổ nhiệm hai cha François Pallu và Pierre Lambert làm giám mục và được Đức Thánh cha Alexandre VII phê chuẩn ngày 08.06.1658. Một năm sau, ngày 09.09.1659, ngài ký Sắc chỉ Super Cathedram thiết lập hai Địa phận Tông toà: trao cho Đức cha François Pallu cai quản Đàng Ngoài, năm tỉnh của Trung Hoa: Vân Nam, Quý Châu, Hồ Quảng (nay là Hồ Nam, Hồ Bắc), Quảng Tây, Tứ Xuyên, và nước Lào; tiếp đến trao cho Đức cha Pierre Lambert cai quản Đàng Trong và một số vùng của Trung Hoa: Chiết Giang, Phúc Kiến, Quảng Đông, Giang Tây và đảo Hải Nam[3].
Thánh Bộ còn gửi cho hai tân Giám mục bản Huấn Thị khá chi tiết với những điểm đáng chú ý ở phần III như:
+ Thiết lập Hàng Giáo sĩ bản địa qua việc phong chức linh mục cho người địa phương;
+ Cẩn trọng trong việc phong chức giám mục; không tự tiện làm nhưng phải thỉnh ý và chờ sự chấp thuận của Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin;
+ Mở trường học, dạy tiếng La tinh và Giáo lý để từ đó có thể tìm ra các ơn gọi linh mục;
+ Hội nhập văn hoá;
+ Không can dự vào chính trị;
+ Giữ liên hệ chặt chẽ với Toà Thánh[4].
Tòa thánh cũng bổ nhiệm Cha Cotolendi làm Đại diện Tông Tòa Giáo phận Nam Kinh (Trung Hoa). Ngài được tấn phong Giám mục ngày 07.11.1660, hiệu tòa Métellopolis và lên đường truyền giáo ngày 03.9.1661 nhưng không may đã từ trần tại Ấn Độ ngày 26.08.1662[5]. Vì thế, chỉ còn hai vị Đại diện Tông Tòa đảm trách công cuộc truyền giáo vùng Viễn Đông.
3. Hai Giám Mục Tiên Khởi Tại Việt Nam
Đức Cha Pierre Lambert de la Motte sinh ngày 28.01.1624 tại Lisieux vùng Normandie nước Pháp, trong một gia đình thuộc giai cấp thượng lưu, giàu sang. Lớn lên, ngài học ngành luật và hành nghề luật sư, sớm trở thành thẩm phán, khi mới 22 tuổi, với phép miễn tuổi của Vua Louis XIV. Được thúc đẩy bởi ơn gọi linh mục, ngài theo chương trình thần học và được thụ phong linh mục ngày 27.12.1655. Đức cha Pierre Lambert được bổ nhiệm làm Giám mục và thụ phong ngày 11.06.1660 tại Paris với hiệu toà Bérithe. Ngài đã dâng cúng tài sản mình để lo cho chương trình truyền giáo Viễn Đông được tiến hành nhanh chóng[6].
Ngày 27.11.1660, Đức Cha Pierre Lambert và hai linh mục thừa sai rời Pháp lên đường sang Việt Nam, không theo hành trình đường biển dành cho các thừa sai được Vua gửi đi, nhưng theo lộ trình mà Thánh bộ Truyền Bá Đức Tin đề nghị: “Hành trình đất liền xuyên qua xứ Syria và vùng Mésopotamia sẽ an toàn cho chư huynh hơn nhiều so với đường biển Đại Tây Dương và mũi Hảo Vọng”[7]. Sau chuyến đi đầy gian nan vất vả, phái đoàn đã tới Ayutthaya ngày 22.08.1662. Ngài chưa thể đến Đàng Trong được vì lúc đó đang có cuộc bách hại dữ dội.
Đức Cha François Pallu chào đời năm 1626[8] tại thành phố Tours, nước Pháp, trong gia đình quý tộc và vị vọng. Ngài được rửa tội ngày 31.08.1626. Sau khi học xong chương trình ở chủng viện, ngài thụ phong Linh mục vào tháng 09.1650 và tiếp tục học để lấy bằng tiến sĩ dân luật và giáo luật. Đức cha François Pallu được thụ phong Giám mục ngày 17.11.1658 tại Rôma với hiệu toà Héliopolis.
Đức cha Pallu là thành viên Nhóm Bạn Hiền và Hiệp hội Thánh Thể, là những tổ chức góp phần vận động Toà thánh gởi các Giám mục sang Việt Nam và Trung Hoa cũng như hỗ trợ cho việc hình thành Chủng viện Thừa sai Paris[9].
Ngày 02.01.1662, Đức cha Pallu rời Pháp đi Việt Nam với bảy linh mục và hai giáo dân bằng con đường bộ. Sau hai năm, ngày 27/01/1664 phái đoàn của ngài đã tới được kinh đô Ayutthaya, nhưng chỉ còn hai linh mục và một giáo dân[10].
Hai tâm hồn – một chí hướng:
Khi còn là linh mục, Đức cha François Pallu và Pierre Lambert gặp nhau và trở thành đôi bạn thân trong kế hoạch truyền giáo tại Rôma vào năm 1657. Các ngài đã cùng soạn ra một chương trình để thỉnh xin Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin cho lập một chủng viện chuyên lo việc truyền giáo Đông Nam Á[11]. Đó là bước khởi đầu của chủng viện Hội Thừa Sai Paris.
Sau khi được Toà Thánh bổ nhiệm trong chức Giám mục và lãnh trách nhiệm trên hai Địa phận của Việt Nam, với tâm hồn đạo đức và đầy nhiệt huyết của vị tông đồ truyền giáo, hai Đức cha François Pallu và Pierre Lambert luôn cộng tác tích cực với nhau trên hành trình truyền giáo với tinh thần liên đới trách nhiệm. Các ngài đã sống và chết cho sứ vụ được trao phó là xây dựng Giáo hội Việt Nam trong tình say mến Đức Kitô Chịu-Đóng-Đinh.
Phần I. HAI MẪU GƯƠNG QUẢ CẢM TRONG SỨ VỤ GIÁM MỤC
I. ĐỨC CHA LAMBERT
1. Các Cuộc Kinh Lý
Trên hành trình sang Việt Nam, hai Đức cha Pierre Lambert và François Pallu không thể đến địa sở của mình được vì đang có cuộc bách hại lớn. Các ngài phải dừng chân ở Ayutthaya, Thái Lan và điều hành công việc quản trị từ xa. Riêng Đức cha Lambert, ngài đã thực hiện được ba cuộc kinh lý mục vụ sang Việt Nam nhằm củng cố và phát triển hai Giáo phận Đàng Trong và Đàng Ngoài.
- Kinh Lý Đàng Ngoài (1669 – 1670)
Miền truyền giáo Đàng Ngoài thuộc trách nhiệm của Đức cha François Pallu. Nhưng vì nhiều lý do, ngài đã không thể đến Đàng Ngoài được. Từ ngày 30.08.1669 đến ngày 14.03.1670, Đức cha Lambert thay mặt Đức cha Pallu kinh lý mục vụ miền truyền giáo Đàng Ngoài. Trong chuyến đi này, bên cạnh việc thăm viếng và rửa tội cho giáo dân, Đức cha đã thực hiện được 4 việc quan trọng[12]:
+ Phong chức linh mục cho bảy thầy giảng Đàng Ngoài (1670) trên chiếc thuyền được coi như nhà thờ Chánh Toà tiên khởi của Giáo hội Việt Nam;
1) Thầy Martinô Mật (68 tuổi)
2) Thầy Giacôbê Chiêu (46 tuổi)
3) Thầy Simon Kiên (60 tuổi)
4) Thầy Antôn Quế (56 tuổi)
5) Thầy Philipphê Nhân (52 tuổi)
6) Thầy Lêô Trụ (46 tuổi)
7) Thầy Vitô Trị (30 tuổi)[13]
+ Tổ Chức Công đồng Phố Hiến (14.02.1670);
+ Thành lập Hiệp hội Tín hữu Mến Thánh Giá.
+ Thành lập Dòng Nữ Mến Thánh Giá tại Đàng Ngoài.
- Kinh lý Đàng Trong Lần Thứ nhất (1671 – 1672)
Ngày 20.07.1671, Đức cha Lambert thực hiện chuyến kinh lý Đàng Trong cùng với hai thừa sai Pháp là Guillaume Mahot va Claude Guiart và hai linh mục người Đàng Trong là Giuse Trang và Luca Bền. Sau hơn một tháng vượt biển đầy gian nan do bão tố và hải tặc, thuyền của Đức cha đã cập bến Nha Trang ngày 31.08.1671 (sợ bị lộ diện, ngài vẫn ở trong thuyền, tối hôm sau, tín hữu kín đáo đưa ngài đến Lâm Tuyền, một xóm chài nhỏ; sau đó ra An Chỉ, Quảng Ngãi). Ở đây, Đức cha Lambert đã thực hiện những công cuộc quan trọng[14]:
+ Thăm viếng các giáo điểm, ban các Bí tích và gặp gỡ các chức sắc và giáo dân;
+ Thành lập Dòng Nữ Mến Thánh Giá tại Đàng Trong (tại xứ An Chỉ, Quảng Ngãi);
+ Tổ chức Công đồng Hội An (năm 1672).
- Kinh lý Đàng Trong Lần Thứ Hai (1675 – 1676)
Ngày 23.07.1675 (ba năm sau), Đức cha Lambert và hai linh mục thừa sai trở lại Đàng Trong lần thứ hai. Các công việc của Đức cha trong chuyến kinh lý này gồm có[15]:
+ Dành nhiều thời gian tiếp đón các linh mục, giáo dân đến với ngài, giải quyết các vấn đề mục vụ và ban các Bí tích cho đoàn chiên;
+ Nhận lời khấn của các nữ tu Mến Thánh Giá đầu tiên tại Đàng Trong;
+ Phong chức linh mục cho thầy Louis Đoan tại Quảng Ngãi;
+ Giải quyết những mâu thuẫn giữa các vị thừa sai thuộc Chế Độ Bảo Trợ với các vị Đại diện Tông Toà;
+ Gởi sứ điệp kêu gọi các Giáo đoàn hiệp nhất với nhau và phục quyền vị chủ chăn hợp pháp.
2. Tổ Chức Các Công Đồng Địa Phương
- Công Đồng Ayutthaya
Trong thời gian hai Đức cha François Pallu và Pierre Lambert ở Thái Lan, các ngài đã tổ chức Công đồng Ayutthaya[16], khai mạc ngày 29.02.1664 với tám thành viên, gồm hai Giám mục, năm linh mục và một giáo dân.
Công đồng đã thảo luận và quyết định ba việc quan trọng, đó là:
+ Soạn thảo “Huấn Thị Gởi Các Thừa Sai”, còn gọi là Huấn Thị Ayutthaya hoặc Monita
+ Xây dựng chủng viện chung cho cả vùng Viễn Đông;
+ Lập Hội Tông Đồ gồm các thừa sai và giáo dân.
- Công Đồng Phố Hiến
Trong chuyến kinh lý Đàng Ngoài, ngày 14.02.1670, Đức cha Lambert triệu tập Công đồng Phố Hiến[17] gồm chính ngài, ba linh mục thừa sai và chín linh mục Việt Nam. Nghị quyết gồm 34 điều với những điểm chính:
+ Ấn định vùng trách nhiệm cho mỗi linh mục bản quốc;
+ Xác định nhiệm vụ của các thầy giảng;
+ Lập quỹ chung để trang trải các nhu cầu mục vụ và lo cho người nghèo;
+ Khuyến khích các linh mục bản xứ nuôi dạy các thiếu niên đạo đức để gởi vào chủng viện;
+ Kêu gọi các linh mục quản xứ quan tâm đặc biệt đến các nữ tu Mến Thánh Giá;
+ Khuyến khích giáo dân tập suy gẫm chung và riêng; đồng thời giới thiệu những người thích hợp vào Hiệp hội Mến Thánh Giá Tại Thế.
+ Quyết định nhận Thánh Giuse làm bổn mạng Giáo hội Đàng Ngoài.
- Công Đồng Hội An
Trong chuyến kinh lý Đàng Trong, ngày 19.01.1672, tại Hội An[18], Đức cha Lambert khai mạc Công đồng với sự hiện diện của ba vị thừa sai Châu Âu, hai linh mục bản xứ và một số thầy giảng. Công đồng thông qua một nghị quyết gồm mười điều với những vấn đề chính như:
+ Công bố các sắc dụ của Toà Thánh về quyền bính các Đại diện Tông Toà mà mọi thành phần Dân Chúa phải tùng phục;
+ Xác định nhiệm vụ của các thầy giảng và ban Quý chức trong giáo xứ;
+ Nhắc lại một vài quy tắc về đời sống hôn nhân;
+ Kêu gọi tín hữu can đảm tuyên xưng đức tin ra bên ngoài (điều này xây dựng niềm tin mạnh mẽ để lãnh phúc tử đạo sau này).
3. Xây Dựng Chủng Viện và Đào Tạo Linh Mục Bản Xứ
- Xây Dựng Chủng Viện Ayutthaya
Việc đào tạo và thiết lập Hàng Giáo sĩ bản xứ là một trong những sứ mạng quan trọng mà Toà thánh mong đợi hai vị Giám mục thực hiện ở miền truyền giáo Viễn Đông.
Công đồng Ayutthaya (1664) đã quyết định thành lập một chủng viện chung cho cả vùng Viễn Đông nhằm đào tạo các ứng sinh linh mục tương lai do các nước trong khu vực này gởi về.
Năm 1665, Đức cha Lambert đã tiến hành xây dựng một chủng viện tại Ayutthaya và bắt đầu chương trình đào tạo linh mục ngay khi hoàn tất[19]. Đây là nơi đào tạo nhiều linh mục Việt Nam sau này.
- Thiết Lập Hàng Giáo Sĩ Địa Phương
Chỉ vài năm sau khi xây dựng chủng viện tại Ayutthaya, Đức cha Lambert đã phong chức linh mục cho các chủng sinh đầu tiên vào năm 1668, trong đó có cha Giuse Trang từ Đàng Trong qua (Cha Giuse Trang là linh mục người Việt đầu tiên). Sau đó vào tháng Sáu cùng năm, Đức cha truyền chức linh mục cho hai thầy giảng người Đàng Ngoài là Bênêđictô Hiền và Gioan Huệ. Đầu năm 1669, sau một lần tìm cách sang Đàng Trong không thành, Đức cha Lambert truyền chức linh mục cho thầy Luca Bền, người Đàng Trong.
Vì không thể đến được Việt Nam, Đức cha Lambert luôn nhắc nhở các cha Tổng Đại diện, các vị thừa sai Tông toà phải quan tâm đến việc quy tụ và huấn luyện các thầy giảng, dạy tiếng Latinh, và chuẩn bị cho họ chịu chức linh mục. Các ngài thường chọn những thầy giảng xuất sắc và gởi sang Thái Lan cho Đức cha Lambert phong chức linh mục.
Nhân chuyến viếng thăm Đàng Ngoài, tháng 01.1670, Đức cha Lambert phong chức linh mục cho bảy thầy giảng trên chiếc thuyền được coi như nhà thờ Chánh Tòa.
Cũng vào dịp đi kinh lý Đàng Trong lần thứ hai, ngài cũng phong chức cho thầy Louis Đoan tại Quảng Ngãi vào ngày 21.03.1676. Cha Louis Đoan được xem là tác giả cuốn Sấm Truyền Ca, viết bằng chữ Nôm năm 1670, với bút hiệu là Lữ Y Đoan.
Với việc phong chức linh mục cho các thầy giảng, Đức cha Lambert đã khai sinh ra hàng giáo sĩ Việt Nam, mở đầu cho bao thế hệ linh mục tiếp nối. Các linh mục là những trụ cột vững chắc của Giáo hội Việt Nam, là chỗ dựa tinh thần cho các tín hữu trong những thời điểm khó khăn nhất[20].
4. Thành Lập Dòng Mến Thánh Giá
- Hiệp Hội Nam Nữ Tín Hữu Mến Thánh Giá Đức Giêsu Kitô Chúa Chúng Ta
Sớm nhận ra vai trò chứng tá của người giáo dân trong việc loan báo Tin Mừng, Đức cha Lambert đã lập ra “Hiệp hội Nam Nữ Tín hữu Mến Thánh Giá Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta” tại Ayutthaya, Thái Lan vào năm 1668, và tại Đàng Ngoài, Việt Nam vào năm 1669-1670. Mục đích của Hiệp hội là “để thôi thúc các tín hữu khắp nơi hướng tới tình yêu thực tiễn đối với Thánh giá Con Thiên Chúa” trong đời sống đạo đức của họ[21].
- Dòng Nữ Mến Thánh Giá tại Đàng Ngoài
Khi đến Đàng Ngoài, Đức cha Lambert được cha Deydier giới thiệu hai nhóm thiếu nữ và một số bà góa muốn sống chung với nhau, có thể tập hợp gần 30 người[22]. Họ đã được cha Deydier dạy dỗ hướng dẫn từ lâu trên đường nhân đức. Sau khi tìm hiểu kỹ lưỡng, Đức cha quyết định thành lập Dòng Mến Thánh Giá, qua việc đích thân nhận lời khấn của hai nữ tu tiên khởi Anê và Paula tại Phố Hiến ngày 19.02.1670, và trao cho hai chị Bản Luật do ngài soạn thảo sẵn. Đó là ngày khai sinh Dòng Nữ Mến Thánh Giá Việt Nam[23].
- Dòng Nữ Mến Thánh Giá tại Đàng Trong
Tại An Chỉ – Quảng Ngãi, vào tháng 12.1671, Đức cha Lambert chính thức thành lập Dòng Nữ Mến Thánh Giá với mười chị tiên khởi (trong đó có em gái của cha Giuse Trang được đặt làm Bề trên đầu tiên; lúc ấy chị khoảng 30 tuổi). Ngài trao cho chị em một Bản Luật giống như ở Đàng Ngoài. Vì tình hình khó khăn, Đức cha cho phép các chị mặc thường phục như các phụ nữ địa phương[24].
Trong chuyến kinh lý lần hai, Đức cha đã tới thăm các chị em Mến Thánh Giá ở Quảng Ngãi và nhận lời khấn của bốn nữ tu tại Bàu Tây (Quảng Ngãi) vào ngày 13.12.1675 và một nữ tu thuộc nhà An Chỉ, ngày 18.12.1675[25].
- Dòng Nữ Mến Thánh Giá tại Thái Lan
Năm 1672, tại Ayutthaya, Thái Lan, Đức cha Lambert lập một Dòng Mến Thánh Giá với 4 hay 5 nữ tu đầu tiên là Việt kiều gốc Đàng Trong[26].
II. ĐỨC CHA FRANÇOIS PALLU
Cũng giống như Đức cha Lambert, Đức cha François Pallu không thể đến được Địa phận Đàng Ngoài vì cuộc bách hại đạo dữ dội. Thiên Chúa nhân lành đã muốn cho ngài thi hành sứ vụ theo một cách riêng. Đức cha Pallu còn phải thực hiện những chuyến đi về giữa Âu – Á trong nhiều năm để xin sự chuẩn nhận của Toà Thánh cho các hoạt động khởi đầu của Giáo hội Việt Nam cũng như vận động thêm nhiều nguồn tài trợ cho công cuộc truyền giáo Viễn Đông.
1. Hành Trình Á – Âu Lần Thứ Nhất (1665 – 1673)[27]
Sau khi kết thúc Công đồng Ayutthaya, hai Đức cha thấy rằng những quyết định này cần phải được sự chuẩn nhận sớm của Toà thánh. Thay vì trao đổi qua thư từ chiếm nhiều thời gian, các kế hoạch sẽ được xúc tiến nhanh hơn nếu một trong hai vị trở lại Rôma để trình bày trực tiếp lên Toà thánh; đồng thời cũng cho Toà Thánh hiểu được rõ nét những khó khăn mà các vị Đại diện Tông Toà đang gặp phải. Đức cha Pallu đã tự nguyện quay trở lại Châu Âu vì cảm thấy sức khoẻ tốt hơn.
Đức cha Pallu trao quyền điều hành Đàng Ngoài cho Đức cha Lambert, ngày 17.01.1665, ngài lên đường về lại Châu Âu và đến Rôma, ngày 20.4.1667.
Tại Rôma, những đệ trình của Đức cha Pallu được Thánh Bộ cứu xét cẩn thận. Năm 1669, Toà thánh đưa ra quyết định:
+ Chấp thuận, đánh giá rất cao, tài trợ kinh phí in ngay tại Roma[28] bản “Huấn Thị Gởi Các Thừa Sai”;
+ Tán thành việc lập chủng viện chung cho cả vùng truyền giáo Viễn Đông;
+ Đặt Xiêm La dưới quyền cai quản của các Giám mục Pháp. Các ngài có thể tiếp nhận và huấn luyện các linh mục cho vùng Viễn Đông;
+ Không đồng ý việc duy trì Hội Tông Đồ.
Ngày 13.09.1669, Toà Thánh ban hành sắc lệnh Speculatores, chỉ thị cho mọi thừa sai khi tới các địa sở của các vị Đại diện Tông Toà phải trình bày bài sai riêng của mình và vâng phục các ngài; nếu không, sẽ bị vạ tuyệt thông.
Trong chuyến đi này, Đức cha Pallu nỗ lực tìm kiếm thêm nhân sự cũng như nguồn tài trợ cho công cuộc truyền giáo.
Ngày 03.02.1670, Đức cha Pallu trở lại Châu Á, với sáu linh mục và bốn giáo dân. Tại Surate – Ấn Độ, sau khi nhận được tin tức, bản ký sự về chuyến đi Đàng Ngoài của Đức cha Lambert (1669-1670), Đức cha Pallu quyết định gửi Cha Charles Sevin quay về Pháp và Rôma, đệ trình hồ sơ xin Toà Thánh phê chuẩn các quyết định của Công đồng Phố Hiến và Tu hội nữ Mến Thánh Giá. Ngày 27.5.1673, Đức cha Pallu tới Ayutthaya.
Trong Đoản sắc Apostolatus Officium (được ban hành ngày 23.12.1673), Đức Giáo hoàng đã xác nhận Công đồng Phố Hiến.
2. Hành Trình Á – Âu Lần Thứ Hai (1674 – 1681)[29]
Ngày 21.08.1674, Đức cha Pallu từ biệt Đức cha Lambert tại Ayutthaya để lên đường sang Đàng Ngoài. Nhưng tàu của ngài bị bão đánh dạt cảng Cavite, Philippines. Đức cha và thuỷ thủ đoàn bị chính quyền Tây Ban Nha bắt giữ và giải về kinh đô Manila với tội danh “đi truyền giáo mà không có phép của triều đình Tây Ban Nha”.
Ngày 04.04.1675, chính quyền Manila đưa Đức cha Pallu về Madrid, Tây Ban Nha để xét xử, và ngài được tuyên bố trắng án. Rời Madrid, Đức cha Pallu sang Pháp rồi từ đó đi Rôma.
Thời gian ở Rôma, Đức cha Pallu luôn bận rộn với việc làm các bản tường trình, thỉnh nguyện để trình lên Toà thánh, cách riêng về hai vấn đề của Giáo hội Việt Nam: sự chống đối của Chế Độ Bảo Trợ truyền giáo Bồ Đào Nha; thứ hai là thái độ không vâng phục Toà Thánh nơi các cha thừa sai Dòng Tên người Bồ Đào Nha.
Ba năm ở Rôma, Đức cha Pallu thỉnh nguyện được hai mươi hai sắc lệnh của Toà thánh; Ngài cũng trình bày lên Toà thánh về Dòng nữ và Hiệp hội Tín hữu Mến Thánh Giá do Đức cha Lambert thành lập. Ngày 02.01.1679, Đức Giáo hoàng Innôxentê XI đã ban Tông thư Cum Sicut công nhận các tổ chức Mến Thánh Giá.
Nhờ hoạt động của Đức cha Pallu tại Rôma, ngày 25.11.1679, Toà thánh đã bổ nhiệm cha Deydier[30] và cha Bourges[31] làm Giám mục và Đại diện Tông toà xứ Đàng Ngoài. Ngài cũng được Toà Thánh chấp thuận cho từ chức Đại diện Tông toà Đàng Ngoài, và được bổ nhiệm làm Đại diện Tông toà xứ Phúc Kiến với quyền giám quản một số tỉnh ở Trung Hoa.
Ngày 25.03.1681, Đức cha Pallu rời Pháp đi Thái Lan và đến nơi ngày 04.7.1682. Ngài ở lại Ayutthaya một năm rồi lại tiếp tục đến Giáo phận Phúc Kiến, địa sở mới của ngài vào ngày 14.01.1684.
III. HAI CÁI CHẾT LÀNH THÁNH
1. Đức Cha Lambert
Trở lại Thái Lan vào giữa tháng 05.1676, sức khoẻ của Đức cha Lambert kém dần. Chứng bệnh đường ruột và sạn thận hành hạ khiến Đức cha đau đớn nhiều.
Vào những ngày cuối đời, Đức cha muốn dành thời gian yên tĩnh để cầu nguyện và kết hợp mật thiết với Chúa Kitô Chịu-Đóng-Đinh.
Khoảng 4 giờ sáng ngày 15.06.1679, Đức cha Pierre Lambert de la Motte đã an nghỉ lành thánh trong Chúa tại Ayutthaya (55 tuổi)[32].
2. Đức Cha François Pallu
Lúc 03 giờ 30 sáng Chúa nhật ngày 29.10.1684, Đức cha François Pallu nhẹ nhàng trút hơi thở cuối cùng tại Giáo phận Phúc Kiến, Trung Hoa với tuổi đời 58[33].
IV. TÓM LẠI
Trong công cuộc truyền giáo và xây dựng Giáo hội Việt Nam, những hoạt động của Đức cha Pierre Lambert và Đức cha François Pallu là một sự kết hợp hài hoà, không thể tách rời nhau. Nếu như Đức cha Lambert chuyên về hoạt động để xây dựng và củng cố Giáo hội về mặt thể chế, phẩm trật, đời sống, thì Đức cha Pallu đảm nhận vai trò kết nối giữa Toà Thánh với Việt Nam. Nhờ ngài, các hoạt động của Đức cha Lambert được Toà Thánh chuẩn nhận và hướng dẫn hành động. Nhờ vậy, dù trải qua nhiều thời kỳ chia cắt, Giáo hội Việt Nam vẫn hiệp nhất và thống nhất.
Hương thơm nhân đức của hai vị Giám mục Tiên Khởi được toả ra từ : (1) đời sống thánh thiện của các ngài; (2) hoa trái thánh thiện mà các ngài để lại[34].
- Đời sống thánh thiệncủa các ngài được thể hiện qua quyết tâm chu toàn Thánh Ý Chúa qua bổn phận được trao phó là xây dựng Giáo hội Việt Nam trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, phức tạp, trong sự đan xen giữa tôn giáo, chính trị và kinh tế. Đồng thời, tìm mọi cách củng cố, động viên các thừa sai và cộng đoàn Kitô giáo giữ vững niềm tin, kiên trung trong mọi thử thách và bách hại. Hai ngài đã sống và chết cho sứ mạng truyền giáo và xây dựng 2 Giáo phận Tông tòa đầu tiên tại Việt Nam.
Điều này đã được thực hiện qua một đường hướng truyền giáo hết sức rõ ràng và cụ thể với 3 điểm nhấn:
+ Nền tảng của việc truyền giáo và xây dựng Giáo hội là “Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh”;
+ Luôn hiệp thông với Tòa Thánh và tuân theo những hướng dẫn của Tòa Thánh;
+ Mời gọi và nối kết mọi thành phần Dân Chúa để xây dựng Giáo hội, xây dựng Giáo phận: linh mục (thành lập Chủng viện), nữ tu (lập Dòng Mến Thánh Giá), giáo dân (lập Hiệp hội Tín hữu Mến Thánh Giá);
- Hoa trái thánh thiệncủa các ngài để lại chính là Giáo hội Việt Nam:
+ Với hơn 100.000 tử đạo gắn bó với Thập giá Chúa Giêsu;
+ 27 giáo phận với các chủng viện đào tạo linh mục;
+ 30 Hội Dòng Mến Thánh Giá;
+ Các Hiệp Hội Tín hữu Mến Thánh Giá.
Như vậy, khi “được ủy thác sứ mạng duy trì luôn mãi công trình của Chúa Kitô, vị Mục tử vĩnh cửu” (Christus Dominus 2), Đức cha Pallu và Đức cha Lambert đã cộng tác tích cực với nhau để “xây dựng Thân Thể Chúa Kitô” (Ep 4,12) là Giáo Hội” (Christus Dominus 1) tại Việt Nam.
PHẦN II. HƯỚNG TỚI VIỆC PHONG THÁNH CHO HAI VỊ GIÁM MỤC TIÊN KHỞI TẠI VIỆT NAM
Việc xin phong Chân phước và phong Thánh cho hai vị Đại diện Tông toà đầu tiên của Việt Nam, Đức Cha François Pallu và Đức Cha Pierre Lambert de la Motte, là thao thức mong mỏi chung của Hội đồng Giám mục và đặc biệt của các Nữ tu Dòng Mến Thánh Giá. Thao thức này đang được thực hiện qua việc nỗ lực tìm kiếm, sưu tầm, viết lại các chứng từ sống động liên quan đến Đức cha Pierre Lambert de la Motte và Đức cha François Pallu để hoàn tất bộ hồ sơ xin phong thánh.
Các chứng từ về các ngài bao gồm:
I. “Chứng Từ Lịch Sử Trên Văn Bản”: do Nhóm chuyên viên phụ trách
- Thủ bản của Đức cha Lambert và của Đức cha Pallu
- Các linh mục thừa sai đương thời với hai Giám mục viết về các ngài.
- Các sử gia đương thời, các sử gia uy tín hay những luận án tiến sĩ, thạc sĩ… về các ngài.
II. “Chứng Từ Lịch Sử Sống Động”
Đức cha Lambert và Đức cha Pallu đã xây dựng Giáo hội Việt Nam trên những nền tảng chung, cả về thể chế tổ chức và về tinh thần lẫn phương thức sống đạo. Hai Đức cha đã hết mình sống và chết cho sứ mạng loan báo Tin Mừng và xây dựng Giáo hội tại Việt Nam. Sự hy sinh của hai ngài đã và đang sinh hoa kết trái là một Giáo hội ngày càng trưởng thành đi lên trong dòng máu anh hùng của các chứng nhân đức tin. Có rất nhiều dấu tích của các ngài trong đời sống của Giáo hội Việt Nam suốt 350 năm qua.
1. Chứng Nhân Tử Đạo
Lịch sử Giáo hội Việt Nam ghi nhận hàng trăm ngàn Kitô hữu được phúc tử đạo, trong đó có 117 vị được nâng lên bậc hiển thánh và 1 chân phước Anrê Phú Yên. Một số Giáo phận hiện nay vẫn đang tiếp tục làm hồ sơ xin phong thánh cho các vị tử đạo trong Giáo phận của mình.
2. Một Giáo Hội Trên Đà Trưởng Thành
Trải qua 350 năm, từ 2 Giáo phận Tông tòa đầu tiên, giờ đây Giáo hội Việt Nam đang trên đà phát triển, gồm :
+ 3 Giáo tỉnh với 27 Giáo phận: Trên 120 Giám mục được tấn phong, trong đó có 6 vị nhận tước Hồng y;
+ Hơn 4.000 Linh mục;
+ 11 Đại Chủng viện với 2.803 chủng sinh trong niên khóa 2021-2022.
+ Khoảng 310 Dòng tu với tổng số tu sĩ gần 35.000;
+ Trên 4.500 Giáo xứ với khoảng hơn 7 triệu Giáo dân;
3. Gia Đình Mến Thánh Giá
+ 24 Hội dòng Mến Thánh Giá trong nước và 6 Hội dòng Mến Thánh Giá ở nước ngoài;
+ Khoảng 10.000 nữ tu và gần 1.000 tập sinh, với sự liên kết “đặc biệt” giữa Hội dòng Mến Thánh Giá và mỗi Giáo phận. Hầu hết các Giáo phận đều có lập Dòng Mến Thánh Giá. Và rất nhiều giáo xứ có cộng đoàn Nữ tu Mến Thánh Giá hiện diện và phục vụ trong giáo xứ.
+ Trên 15.000 hội viên Tín Hữu Mến Thánh Giá. Hiệp hội này luôn là cánh tay nối dài của Dòng Nữ Mến Thánh Giá trong cuộc sống để làm dậy men Phúc Âm ngay trong lòng giáo xứ của họ.
Quy tụ mọi thành phần dân Chúa trong Đại gia đình Mến Thánh Giá, Đức cha Lambert ước muốn xây dựng một Giáo hội truyền giáo xuyên qua Linh đạo Thánh Giá, nhấn mạnh chiều kích truyền giáo của tình yêu Thánh Giá[35]. Đó là một Giáo hội canh tân vì mục đích Phúc Âm hóa, “đến nỗi thiên hạ nói về họ như xưa dân ngoại đã nói về Israel : Dân Thiên Chúa chính là đây”[36].
Một hình ảnh sống động về “hoa trái thánh thiện” của Đức cha Lambert de la Motte là chứng từ của các nữ tu Mến Thánh Giá khấn trọn hằng năm: quyết định “khấn trọn” là 1 hành vi thánh thiện. Đây là quyết định “dâng hiến trọn cuộc đời mình cho Thiên Chúa để phục vụ chương trình cứu độ của Ngài”. Mỗi năm có trên 200 nữ tu khấn trọn, thuộc 30 Hội Dòng Mến Thánh Giá. Những nữ tu này đã được tác động bởi “linh đạo Mến Thánh Giá” của Đức cha Lambert. Ngoài ra, còn có chứng từ của các nữ tu đã sống lâu năm trong dòng Mến Thánh Giá: đặc biệt dịp kỷ niệm 25,50,60 năm khấn dòng với những chứng từ sống động được khơi nguồn từ Linh đạo Mến Thánh Giá. Điều này cho thấy linh đạo Mến Thánh Giá do Đức cha Lambert khởi xướng vẫn đang sống động trong lòng GHVN.
III. Phúc Lành Của Thiên Chúa qua các phép lạ
Một điều phải có trong hồ sơ phong thánh đó là các phép lạ như là dấu chỉ phúc lành đến từ thiên Chúa. Ước mong rằng sẽ có những người nhận được “phép lạ” qua sự chuyển cầu của 2 Giám mục tiên khởi François Pallu và Pierre Lambert de la Motte.
KẾT LUẬN
Ghi khắc công ơn của Đức cha Pierre Lambert de la Motte và Đức cha François Pallu, Giáo hội Việt Nam luôn ao ước sớm thấy các ngài được vinh hiển trong hàng ngũ các thánh. Đây là công việc chung của cả Giáo hội Việt Nam. Công việc này rất cần sự đóng góp của nhiều thành phần: (1) Các chuyên viên; (2) Mọi thành phần Dân Chúa : các Giám mục, các Linh mục, các Đại Chủng viện, các Hội Dòng Mến Thánh Giá và anh chị em Giáo dân, nhất là các Hiệp Hội Mến Thánh Giá Tại Thế.
Ước mong rằng vào năm 2034, kỷ niệm 375 năm Giáo hội Việt Nam được chính thức hình thành với sự bổ nhiệm hai Giám mục tiên khởi François Pallu và Lambert de la Motte[37], chúng ta sẽ dâng lời tạ ơn Thiên Chúa cách đặc biệt vì hồng ân đức tin mà Thiên Chúa đã ban tặng. Niềm vui này sẽ được tròn đầy hơn nếu hai vị Giám mục đầu tiên được tôn vinh qua cuộc đời “thánh thiện, hy sinh trọn vẹn” để chu toàn nhiệm vụ Loan báo Tin Mừng và xây dựng Giáo hội Việt Nam trên niềm tin son sắt vào Đức Giêsu Kitô Chịu-Đóng-Đinh, hầu mang ơn cứu độ cho nhân loại.
Nguyện xin Thiên Chúa nhân lành, qua lời chuyển cầu của Đức cha Pierre Lambert de la Motte và Đức cha François Pallu, chúc lành cho công việc tốt đẹp này sớm được hoàn thành.
Tài liệu tham khảo:
- P. LAMBERT DE LA MOTTE,Abrégé de Relation, AMEP, T. 121, T. 677 ; Journal 12/1675, AMEP, T. 877.
- Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin,Huấn thị 1659 dành cho các vị Đại diện Tông tòa đi đến các Vương quốc Trung Hoa tại Đàng Ngoài và Đàng Trong.
- Hội Đồng Giám Mục Việt Nam,Tiểu Sử Đức cha François Pallu & Đức cha Pierre Lambert de la Motte, NXB Tôn Giáo, 2020.
- Nhóm Nghiên Cứu Linh Đạo Mến Thánh Giá,Lịch Sử Dòng Mến Thánh Giá, 2018.
- Đào Quang Toản,Đức Cha Pallu và Dòng Mến Thánh Giá, 2010.
- DEYDIER François, Thư gửi Đức cha Pallu, ngày 01.11.1667, AMEP, T. 677.
- Đỗ Quang Chính, SJ.,Hai Giám mục đầu tiên tại Việt Nam, 2005.
- FAUCONNET-BUZELIN Françoise,Người Cha bị lãng quên của công cuộc truyền giáo hiện đại, Pierre Lambert de la Motte, Đại diện Tông tòa tiên khởi Đàng Trong, Nxb. Phương Đông, 2015.
- LAUNAY Adrien,Histoire générale de la Société des Missions Étrangères de Paris, t. I, Les Indes Savantes, 2003.
- Marie Fiat Trần Thị Tuyết Mai,Sứ mạng liên tục của Chúa Giêsu, theo quan điểm của Đức cha Lambert de la Motte (1624-1679) và công cuộc canh tân việc Phúc Âm hóa tại Châu Á, 2018.
- Marie Fiat,Về với cội nguồn Giáo hội Việt Nam, 2009.
- MOUSSAY Gérard et APPAVOU Brigitte ,Répertoire des membres de la Société des Missions Étrangères (1659-2004), ordre alphabétique suivi de l’ordre chronologique, Paris, AMEP, 2004.
- VACHET Bénigne,Chuyện Đức Cha Lambert, chuyển ngữ: Cao Kỳ Hương, 2005.
[1] Đỗ Quang Chính, SJ., Hai Giám mục đầu tiên tại Việt Nam, Tp. HCM, 2005, tr. 55-56, 59-60.
[2] Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin, Instructio vicariorum apostolicorum ad regna sinarum Tonchini et Cocincinae proficiscentium 1659 (Huấn thị 1659 dành cho các vị Đại diện Tông tòa đi đến các Vương quốc Trung Hoa tại Đàng Ngoài và Đàng Trong).
[3] Adrien Launay, Histoire générale de la Société des Missions Étrangères de Paris, t. I, Paris, Les Indes Savantes, 2003, tr. 41-43.
[4] Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin, Huấn thị 1659, III: Tại nơi truyền giáo.
[5] Gérard Moussay et Brigitte Appavou, Répertoire des membres de la Société des Missions Étrangères (1659-2004), ordre alphabétique suivi de l’ordre chronologique, Paris, AMEP, 2004, tr. 50 (Trong lược sử của hai Cha đi cùng với Đức cha Cotolendi là Louis Chevreuil và Antoine Hainques, chúng ta cũng thấy ghi cùng một ngày, họ rời Paris ngày 06.01.1661, nhưng xuống tàu ở Marseille, vĩnh viễn rời nước Pháp, ngày 03.09.1661).
[6] Nhóm Nghiên cứu Linh đạo Mến Thánh Giá (NNCLĐMTG), Lịch sử Dòng Mến Thánh Giá, 2018, tr. 60.64.75.93.
[7] Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin, Huấn thị 1659, II, 1: Lộ trình
[8] Gérard Moussay et Brigitte Appavou, Répertoire des membres de la Société des Missions Étrangères, tr. 52.
[9] Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN), Tiểu sử Đức cha François Pallu và Đức cha Pierre Lambert de la Motte, Nxb. Tôn giáo, 2020, tr. 10.12.14.22.
[10] Françoise fauconnet-buzelin, Người Cha bị lãng quên của công cuộc truyền giáo hiện đại, Pierre Lambert de la Motte, Đại diện Tông tòa tiên khởi Đàng Trong, Nxb. Phương Đông, 2015, tr. 347.
[11] Đào Quang Toản, Đức cha Pallu và Dòng Mến Thánh Giá, 2010, tr. 78.
[12] HĐGMVN, Tiểu sử Đức cha François Pallu và Đức cha Pierre Lambert de la Motte, tr. 87-88.
[13] Pierre Lambert de la Motte, Abrégé de Relation (Giản yếu ký sự), AMEP, T. 677, tr. 204.
[14] HĐGMVN, Tiểu sử Đức cha François Pallu và Đức cha Pierre Lambert de la Motte, tr. 89-90.
[15] NNCLĐMTG, Lịch sử Dòng Mến Thánh Giá, tr. 150-156.
[16] Nt., tr. 113-118.
[17] Nt., tr. 139-141.
[18] Nt., tr. 145-148.
[19] Nt., tr. 115-116.
[20] Nt., tr. 116.133-134.136.138.155.
[21] Nt., tr. 119.
[22] François Deydier, Thư gửi Đức cha Pallu, ngày 01.11.1667 (AMEP, T. 677, tr. 27).
[23] NNCLĐMTG, Lịch sử Dòng Mến Thánh Giá, tr. 170-173.
[24] Nt., tr. 185.
[25] P. Lambert de la Motte, Journal (Nhật ký) tháng 12/1675, AMEP, T. 877, tr. 574.
[26] NNCLĐMTG, Lịch sử Dòng Mến Thánh Giá, tr. 187.
[27] HĐGMVN, Tiểu sử Đức cha François Pallu và Đức cha Pierre Lambert de la Motte, tr. 34-39.
[28] Bénigne Vachet, Chuyện Đức cha Lambert, Cao Kỳ Hương chuyển dịch, Đào Quang Toản giới thiệu, 2013, tr. 38.
[29] HĐGMVN, Tiểu sử Đức cha François Pallu và Đức cha Pierre Lambert de la Motte, tr. 39-46.
[30] Cha François Deydier sinh ngày 28/9/1634 tại Toulouse, Pháp; chịu chức linh mục ngày 23/4/1657. Cùng với Đức cha Lambert và Cha Bourges, ngài rời quê hương đi truyền giáo vào ngày 27/11/1660. Sau bốn năm ở Xiêm La, ngài được Đức cha Lambert gởi sang Đàng Ngoài vào năm 1666, và được tấn phong Giám mục trong căn nhà bếp của mình ở Phố Hiến vào đêm ngày 21/12/1682. Với tư cách Giám mục hiệu tòa Ascalon và Tổng Đại diện Đàng Ngoài, ngài dấn thân phục vụ Tin Mừng 27 năm và an nghỉ trong Chúa vào ngày 01/07/1693 tại Phố Hiến. Ngài là người lập Chủng viện Việt Nam đầu tiên cũng như góp phần xây dựng Hàng Giáo Sĩ và Dòng Mến Thánh Giá tại Việt Nam.
[31] Cha Jacques de Bourges sinh năm 1634 tại Pháp. Sau khi chịu chức linh mục ngài lên đường truyền giáo với Đức cha Lambert và Cha Deydier năm 1660. Sau đó, ngài được gởi sang Đàng Ngoài năm 1669 và được bổ nhiệm làm Giám mục Đại diện Tông Tòa Tây Đàng Ngoài năm 1679, nhưng bị trục xuất khỏi Việt Nam năm 1713 và qua đời tại Thái Lan năm 1714, thọ 83 tuổi.
[32] HĐGMVN, Tiểu sử Đức cha François Pallu và Đức cha Pierre Lambert de la Motte, tr. 96-99.
[33] Nt., 48-49.
[34] Phần này dựa trên những ý kiến của các Giám mục trong cuộc họp Thường Niên của HĐGMVN vào tháng 4.2021 tại Nha Trang, do tác giả ghi lại.
[35] Marie Fiat Trần Thị Tuyết Mai, Sứ mạng liên tục của Chúa Giêsu, theo quan điểm của Đức cha Lambert de la Motte (1624-1679) và công cuộc canh tân việc Phúc Âm hóa tại Châu Á, 2018, tr. 22. 454.
[36] P. Lambert de la Motte, Abrégé de Relation (Giản yếu ký sự), AMEP, T. 121, tr. 759.
[37] Theo Cha Maurice Vidal và Cha Laurent Villemin, hai chuyên viên Giáo hội học thuộc Viện Đại học Công Giáo Paris : Giáo hội Việt Nam được chính thức hình thành vào ngày 09/09/1659 với sự bổ nhiệm hai Giám mục đầu tiên François Pallu và Lambert de la Motte. Về phương diện thần học và Giáo luật, ngay khi hội đủ ba yếu tố : Tin Mừng, Thánh Thể và Giám mục, lúc đó một Giáo hội địa phương được thành hình (Lumen Gentium 26 ; Giáo luật, điều 368-369. 371, § 1), (Marie Fiat, Về với cội nguồn Giáo hội Việt Nam, 2009, tr. 9-18).
2021
Đức Giáo Hoàng Phanxicô và người trẻ Việt Nam
Các bạn trẻ thân mến,
Chúng ta cùng tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho Giáo hội những Đức Giáo Hoàng tuyệt vời, lãnh đạo Giáo hội như lòng Chúa ước mong. Lúc này chúng ta hướng đến vị Giáo Hoàng đương vị Phanxicô. Dưới đây là chút tiểu sử của ngài:
– Đức Giáo Hoàng Phanxicô tên thật là Jorge Mario Bergoglio sinh ngày 17 tháng 12 năm 1936, tại Buenos Aires, nước Argentina.
– Tuy có bằng thạc sĩ hóa học, ngài đã quyết định không gắn bó với chuyên môn này mà muốn trở thành một linh mục. Ngài vào nhà tập Dòng Tên ở Cordoba ngày 11 tháng 3 năm 1958 và khấn lần đầu trong Dòng ngày 12 tháng 3 năm 1960.
– Thầy Bergoglio đã làm hai năm thực tập tông đồ tại hai trường Inmaculada ở Santa Fe và Salvador ở Buenos Aires (môi trường người trẻ).
– Thầy đã học thần học tại chủng viện San Miguel, từ năm 1967 đến năm 1970.
– Thầy Bergoglio chịu chức linh mục vào ngày 13 tháng 12 năm 1969.
– Sau đó cha từng lãnh chức vụ: Giám tập, rồi Giám tỉnh Dòng Tên tại Argentina khi mới 36 tuổi.
– Ngày 28 tháng 2 năm 1998 nhận chức vụ Tổng Giám Mục Buenos Aires.
– Ngày 21 tháng 02 năm 2001, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tấn phong Hồng Y cho ngài.
– Sau cái chết của thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Đức Hồng Y Bergoglio đã được nhiều người coi là một ứng viên sáng giá cho ngôi Giáo Hoàng vào năm 2005.
– Sau khi Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI từ chức, Đức Hồng Y Bergoglio được bầu làm Giáo Hoàng vào ngày 13 tháng 3 năm 2013, danh hiệu là Phanxicô.
Chúng ta có thể xem phim ngắn về cuộc đời của ngài tại đây: link 1, link 2
* * * * *
Dẫn nhập
Tôi muốn bắt đầu buổi chia sẻ này với các bạn bằng một thông báo: Hoãn tổ chức Đại Hội Giới Trẻ giáo tỉnh Hà Nội.
“Vì tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, sau khi đã tham khảo những người hữu trách, Đức Cha Giám Quản Tông Tòa giáo phận Hưng Hóa Phêrô Nguyễn Văn Viên đã trình bày với Đức Tổng Giuse Vũ Văn Thiên xin hoãn tổ chức Đại Hội và được Đức Tổng chấp thuận.”[1]
Như thế, năm nay rất nhiều người trẻ không thể gặp nhau để vui chơi, chia sẻ, hội thảo, cầu nguyện và có những sinh hoạt đông người. Virus Covid-19 đã đảo lộn mọi hoạt động của chúng ta. Tuy sức đề kháng người trẻ mạnh, nhưng chúng ta vẫn bị ảnh hưởng của dịch bệnh từ nhiều khía cạnh khác nhau: vấn đề tâm lý, xã hội giãn cách, học tập, công ăn việc làm, kinh tế khó khăn, nhiều sinh hoạt tôn giáo còn hạn chế, v.v.
Tuổi trẻ trước dịch bệnh vốn đã gặp nhiều vất vả khó khăn, nay thách thức ấy chắc hẳn tăng lên bội phần. Tuy nhiên phải nói ngay rằng, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang gửi thông điệp mạnh mẽ đến với người trẻ trên thế giới, với các bạn trẻ Việt Nam: “Xin các con đường bỏ cuộc. Hãy trỗi dậy và mơ về một tương lai tươi sáng, vì chúng con có Thiên Chúa, có Giáo hội và chúng ta cần bước đi cùng nhau.”[2]
Là tu sĩ trẻ, tôi hạnh phúc dấn thân đồng hành với các bạn trẻ. Tạ ơn Chúa vì tôi nhận được nhiều hướng dẫn từ Giáo Hoàng Phanxicô trong lãnh vực này. Tôi có thể nói rằng một trong những bận tâm nhất của vị Giáo Hoàng này là người trẻ. Vì những lý do sau:
– Ngài từng trải qua nhiều năm với người trẻ tại Argentina, một đất nước từng rất xinh đẹp, nhưng bị tàn phá bởi nhiều lý do khác nhau. Nhìn đến thân phận người trẻ trong bối cảnh đó, ngài đã dấn thân hết sức để vực dậy tinh thần của người trẻ để dựng xây tương lai.
– Ngài viết nhiều sứ điệp, gửi nhiều video đến người trẻ; trong đó phải kể đến Tông huấn Christus Vivit – Chúa Kitô đang sống. Một trong những thông điệp chính từ các tài liệu này là: “Các bạn trẻ thân mến, các con hãy tin tưởng vào Đức Giêsu Kitô và can đảm làm chứng cho Chúa giữa một thế giới nhiều đổ vỡ.”
– Nếu ai đọc các sứ điệp của ngài, chúng ta thấy cách hành văn và lời lẽ luôn đơn sơ, mộc mạc, thực tế và mang tâm tình của một người cha với người con, ngôn ngữ của người trẻ. Đức Giáo Hoàng muốn đồng hành với từng người chúng ta.
– Sau cùng nhưng chưa hết, Giáo Hoàng Phanxicô là người rất thực tế, không bắt buộc người trẻ phải làm điều này, tránh làm điều kia. Trên hết, ngài mời gọi người trẻ cùng với Đức Giêsu để nhìn nhận và giải quyết vấn đề cùng với Chúa và với nhau.
Sau khi đọc những Sứ điệp, Tông huấn và các lần gặp gỡ của Giáo Hoàng Phanxicô với người trẻ, chúng ta có thể đưa ra vài điểm chính sau:
1. Đừng sợ, vì chúng ta có Đức Giêsu là người trẻ |
1. Đừng sợ, vì chúng ta có Đức Giêsu là người trẻ
Đừng sợ là chủ đề chính trong Sứ điệp Ngày Giới trẻ Thế[3] giới lần thứ 33, tại Panama vào tháng 1 năm 2019! Lưu ý rằng trong tất cả các lần trò chuyện với người trẻ, Đức Giáo Hoàng cố gắng đồng hành với người trẻ để cùng nhau vượt qua nỗi sợ rất thật từ mỗi người trẻ chúng ta:
- Sợ mình không được yêu
Ở trong gia đình, giáo xứ hay trong nhóm bạn, chắc mỗi người đều có cảm giác bất an này. Mình có được người thân đón nhận, nhất là khi mình phạm lỗi lầm nào đó. Mình có đủ tài năng để giúp cho gia đình, hoặc không biết mình có đủ quảng đại để phục vụ anh chị em trong nhóm hoặc giáo xứ? Mình sợ người khác chê bai. Tiếc là ở Việt Nam, nạn bắt nạt, chê trách, miệt thị đang thực sự đáng lo, nhất là trên không gian mạng. Đó những nỗi sợ “tiềm tàng” của nhiều bạn: sợ mình không được yêu, không được ái mộ hay không được chấp nhận trong tình trạng như mình hiện là. Tôi có nằm trong trường hợp này? Đừng quên trong Kinh Thánh, Thiên Chúa không ngừng nhắc chúng ta “Đừng sợ!”. Chúa muốn chúng ta thoát khỏi sợ hãi. Bằng cách nào?
Đức Giáo Hoàng nhắn: “Ân sủng của Thiên Chúa chạm cuộc sống của các bạn, nắm lấy các bạn trong tình trạng hiện nay của các bạn, với tất cả những nỗi sợ hãi và giới hạn của các bạn. Ân sủng Chúa cũng cho thấy những kế hoạch diệu kỳ của Người! Hỡi các bạn trẻ, các bạn phải biết rằng có những người thực sự tin tưởng nơi các bạn: xin hãy biết rằng Đức Giáo Hoàng có lòng tin nơi các bạn, Giáo Hội tin tưởng các bạn! Về phần mình, các bạn hãy tin tưởng vào Giáo Hội!”[4]
- Sợ không thể tìm được một vị trí nghề nghiệp
Công ăn việc làm là chủ đề chính người trẻ ước muốn và bận tâm. Có lẽ điều này càng đúng trong và sau đại dịch. Nhiều doanh nghiệp phá sản, nên ở thành phố hay về quê, v.v luôn là những điều ảnh hưởng đến nghề nghiệp của bạn trẻ. Tiếc là xã hội Việt Nam hiện nay (trên thế giới cũng thế), tình trạng thất nghiệp gia tăng, lương lao động thấp và mức độ cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Thậm chí tôi có nhiều dịp gặp các bạn trẻ đang phải lao động trong môi trường khắc nghiệt. Bóc lột sức lao động và xem người trẻ như một món đồ để mua bán. Nhiều bạn trẻ phải bỏ quê xuất khẩu lao động. Nơi đó không thiếu những hình thức loại trừ và bị đẩy ra ngoài lề xã hội. Điều này khiến các bạn trẻ nghèo hoàn nghèo. Hệ quả là tình trạng thiếu công ăn việc làm đã cướp đi khả năng mơ ước và hy vọng. Không biết tôi có trong nhóm này?
Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắn với người trẻ: “Mặc dù công việc có thể không giúp các con thực hiện các ước mơ của mình, nhưng điều quan trọng là những người trẻ phải nuôi dưỡng một cái nhìn, học cách làm việc theo cách thật sự cá nhân và đầy đủ cho đời sống của mình, và tiếp tục phân định ơn gọi của Thiên Chúa.”[5]
- Nỗi sợ đối diện với khó khăn
Ai cũng thích ngồi mát ăn bát vàng. Nhiều người muốn làm giàu mà không chịu đương đầu với thách đố. Dù tuổi trẻ là thời gian nhiều nhiệt huyết, muốn khám phá và chấp nhận những sai sót, nhưng không ít bạn sợ giải quyết các vấn đề. Tôi xin chia sẻ kinh nghiệm bản thân về những trở ngại từng gặp phải. Sau khi xem video về những cách thay đổi bản thân như kỹ năng đọc sách, làm việc đúng giờ, phản tỉnh cá nhân, tôn trọng, xin lỗi, cảm ơn… thì máu anh hùng trong tôi đã nổi lên. Tôi muốn tập, tập và tập một cách điên cuồng. Tuy vậy, tập được vài ngày thì ngựa lại quen đường cũ. Sống theo phong cách mới sao khó quá! Đúng là anh hùng rơm không thắng nổi những đòi hỏi của quá trình rèn luyện bản thân. Đơn giản bởi chúng ta thích dễ dãi và nuông chiều theo bản tính tự nhiên, hơn là chịu khuôn mình vào những giá trị cao quý. Đó là nỗi sợ cần can đảm chịu khó vượt qua. Xin đừng kêu than, tìm mọi lý do để biện minh, tại, bởi, vì, do, v.v. Tôi cũng nhiều lần rơi vào nhóm này.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắn với người trẻ: “Đây là sự an toàn của chúng ta: Chúa Giêsu đang sống. Nếu chúng ta bám chặt lấy Người, chúng ta sẽ sống và vượt qua tất cả các hình thức chết chóc và bạo lực đang rình rập chúng ta trên đường.”[6]
- Sợ đi xưng tội
Đức Giáo Hoàng chưa một lần lên án người trẻ, dù chúng ta thường xuyên phạm tội, hoặc mắc lỗi lầm. Thay vào đó, ngài thường nhắc người trẻ mạnh dạn đến với tòa giải tội. Nơi đó không phải là tòa phán xét, nhưng là để chúng ta được chữa lành yêu thương. Vì vậy, đừng bao giờ quên, mỗi khi chúng ta đi xưng tội, trên thiên đàng có một lễ hội. Điều này cũng xảy ra như vậy trên mặt đất! Là tội nhân, có khi tôi sợ chạy đến với linh mục để nhận ơn tha thứ của Chúa. Không ít lần tôi lười đi xưng tội vì mặc cảm tội lỗi, vì ngại ngùng lười biếng; phần khác vì tôi nghĩ xưng tội rồi lại phạm tội, hoặc tôi hẹn lần, chờ dịp thuận tiện mới xưng. Cuối cùng tôi vẫn quen với “con ma nhà họ hứa”.
Để chữa lãnh nỗi sợ này, Đức Giáo Hoàng nói: “Hãy chăm chú nhìn vào vòng tay rộng mở của Đức Kitô chịu đóng đinh, hãy để mình được Chúa cứu đi cứu lại. Và khi các con đi xưng tội của mình, các con hãy tin chắc vào lòng thương xót của Người, là điều giải thoát các con khỏi mặc cảm tội lỗi.”[7]
“Lòng thương xót của Thiên Chúa rất thực tế và chúng ta được gọi mời đích thân trải nghiệm. Khi cha mười bảy tuổi, lòng thương xót Chúa đã xảy ra vào một ngày khi cha đi ra ngoài với vài người bạn, cha quyết định dừng lại để vào nhà thờ trước đã. Cha gặp một linh mục, người đã gợi cho cha niềm tin tưởng lớn lao, và cha thấy ước mong mở lòng mình trong bí tích Hòa Giải. Lần gặp gỡ đó đã thay đổi đời cha! Chúng con đang nghĩ: Tôi đã làm điều này, tôi đã làm điều kia…. Đừng sợ! Thiên Chúa đang chờ đợi chúng con! Thiên Chúa hằng tha thứ cho chúng ta!”[8]
- Sợ đưa ra quyết định
Đây là điều không phải ai cũng để ý. Tôi có nhiều dịp chia sẻ với các bạn trẻ về vấn đề này, nhiều bạn chần chừ, lo lắng và sợ quyết định. Khó là vì khi đã quyết định điều gì đó, ví dụ lập gia đình[9], đi làm, đi tu[10] hoặc thực hiện kế hoạch với nhóm bạn, thường phải mang lấy trách nhiệm. Tiếc là càng sợ lại càng tạo ra một loại tê liệt về quyết định. Giáo hội chỉ ra tình trạng giới trẻ hiện nay: “Tuổi trẻ không thể ngừng lại ở một thời gian lơ lửng: đây là tuổi của những chọn lựa, và sự quyến rũ cùng nhiệm vụ lớn nhất của nó nằm ở chính tuổi này. Những người trẻ đưa ra những quyết định trong các lĩnh vực chuyên nghiệp, xã hội, chính trị và các lĩnh vực khác, rất căn bản, là điều đem lại cho cuộc đời các em một hướng đi quyết định.”[11]
Tôi thường được giúp nhiều với lời khuyên này của Đức Giáo Hoàng: “Hãy mạo hiểm, ngay cả khi các con thất bại. Đừng sống sót với tâm hồn tê mê và đừng nhìn thế giới như thể các con là du khách. Hãy gây tiếng ồn ào! Hãy xua tan những nỗi lo sợ làm tê liệt các con, để các con không trở thành những xác ướp trẻ. Hãy sống! Hãy cho mình những gì tốt nhất trong cuộc sống! Hãy mở cửa lồng và hãy bay đi! Làm ơn đừng về hưu non.”[12]
2. Hy vọng và ước mơ với Thiên Chúa và Giáo Hội
Nếu hỏi Đức Giáo Hoàng vào lúc này về người trẻ, chắc ngài phải nói với chúng ta rằng: đừng từ bỏ ước mơ và hãy hy vọng về một tương lai tươi sáng. “Hãy dám ước mơ! Tự tin để vượt qua khủng hoảng”, cũng là cuốn sách Giáo Hoàng viết tặng mỗi người để vượt qua lần đại dịch này[13]. Trước đó, trong tông huấn Đức Kitô sống, ngài cũng không ngừng lay động người trẻ hãy chịu khó ước mơ và hy vọng; để từ đó, người trẻ mới có được hạnh phúc, thành công và bình an.
Giáo Hội ý thức rằng “người trẻ là chủ thể chứ không chỉ là đối tượng chăm sóc mục vụ của Giáo Hội; “người trẻ là hiện tại chứ không chỉ là tương lai của Giáo Hội”; “Mục vụ giới trẻ là phải đồng hành và lắng nghe hơn là dạy dỗ”[14]. Như thế, người trẻ chúng ta phải là hiện tại sống động, chúng ta không thuộc về thế hệ tương lai mơ hồ nào đó. Đức Giáo Hoàng tuy nhắn với người trẻ về ước mơ và hy vọng, nhưng ngài luôn đặt người trẻ trong hiện tại; nghĩa là chúng ta phải bắt đầu từ lúc này.
Dù ở lứa tuổi nào, nhóm bạn hoặc môi trường nào, chúng ta luôn có quyền xây dựng ước mơ, có quyền hy vọng ngay từ ngày hôm nay. “Khi các con đấu tranh để biến ước mơ của mình thành hiện thực, hãy sống trọn vẹn ngày hôm nay, cho đi tất cả và từng giây phút lấp đầy nó bằng tình yêu. Bởi vì thật sự là ngày hôm nay của tuổi trẻ của các con có thể là ngày cuối cùng, và như thế thật đáng giá để sống nó với tất cả ước muốn và tất cả chiều sâu có thể.”[15] Thật thú vị là khi Đức Giáo Hoàng viết cho giới trẻ thế giới, nhưng lại trích lời của Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, để nhắn với chúng ta rằng: “Hãy chọn sống giây phút hiện tại bằng cách lấp đầy nó với tình yêu”; và “hãy nắm bắt những cơ hội phát sinh mỗi ngày, để thực hiện những hành động bình thường một cách phi thường.”[16]
Về mặt tâm lý, hy vọng và mơ ước cho người ta động lực, sinh ra những năng lượng tích cực. Từ đó, chúng ta có nhiều sáng kiến và hăng say làm việc. Về mặt thiêng liêng, Đức Giáo Hoàng luôn nhắc với người trẻ rằng chúng ta có Thiên Chúa luôn ở với con người. Thiên Chúa yêu thương người trẻ; đó là sự thật. Trong tình yêu này, Chúa muốn từng người hãy đặt niềm hy vọng vào Thiên Chúa và Giáo hội để sống và làm việc. Tôi cũng như bạn, không dễ để chỉ ra ước mơ của mình. Người ước có xe hơi, nhà lầu, có đủ tiện nghi, vợ đẹp con ngoan, lấy được chồng giàu sang, hoặc cuộc sống phải sang chảnh, v.v. Bạn nghĩ sao về những ước mơ này?
Có thể nói ước mơ càng rõ ràng, hy vọng càng mạnh mẽ, thì bạn càng dễ xác định được những bước đi cần thiết để đạt được mục tiêu ấy. Ví dụ có bạn sinh viên mới ra trường xác định trong 2 năm đầu sẽ tìm được một công việc ổn định và phù hợp với bản thân. Tiếp đến bạn đó có thể xác định một mức lương mình mong muốn trong thời điểm đó. Sau đó mới đến kế hoạch khác như lập gia đình, sinh con, mua đất, mua nhà, mua xe hơi… Tùy từng mục tiêu[17] đặt ra lớn hay nhỏ mà bạn đặt ra khoảng thời gian dài hay ngắn để đạt được. Đừng quên Đức Giáo Hoàng nói: “những giấc mơ đẹp nhất chỉ đạt được bằng hy vọng, kiên nhẫn, quyết tâm, và không vội vàng.”[18] Về điểm này, người trẻ Việt chúng ta dường như đang sống vội, muốn cái gì là phải có cho bằng mọi giá. Đừng quên, để thực hiện ước mơ luôn cần cầu nguyện, học tập, làm việc nỗ lực không ngừng!
Mơ ước đâu phải trả tiền, nên cứ ước mơ cho thật lớn. Có thể bạn bật cười khi nghĩ rằng điều ấy không thể hiện sự khiêm nhường. Người Công giáo phải trở nên nhỏ bé, vì Chúa mời gọi như thế. Không! Dường như nhiều bạn trẻ đã hiểu lầm lời khuyên này của Đức Giêsu. Bạn nghĩ sao khi Đức Giáo Hoàng nhắn chúng ta đừng từ bỏ những ước mơ vĩ đại. Hơn nữa mới đây ngài còn kêu gọi người trẻ đừng mơ những ước mơ “nhỏ mọn” nhưng hãy “phấn đấu vì một tương lai tốt đẹp hơn và biến những khát vọng đó thành những hành động cụ thể và ý nghĩa”[19]. Chúa muốn chúng ta mạnh dạn và vui vẻ chạy đua, hướng tới những mục tiêu cao cả. Chúng ta không được tạo dựng để mơ về những kỳ nghỉ hay các cuối tuần, nhưng để thực hiện những ước mơ của Thiên Chúa trên thế giới này. Thiên Chúa ban cho chúng ta khả năng mơ ước để chúng ta có thể ôm choàng lấy vẻ đẹp của cuộc sống.[20] Người trẻ là vậy, dám nghĩ, dám làm và dám lên đường thực hiện ước mơ. Nhớ là hãy ước mơ với Thiên Chúa và với Giáo hội.
Thật may mắn vì chúng ta là người Công giáo. Bạn thử tưởng tượng sau bao nhiêu cuộc họp của các giám mục trên thế giới về người trẻ, sau cùng Đức Giáo Hoàng thay mặt cho cả Giáo Hội nhắn với người trẻ với câu đầu tiên. “Đức Kitô đang sống! Người là niềm hy vọng của chúng ta, và bằng một cách tuyệt vời, Người mang tuổi trẻ đến cho thế giới của chúng ta, và mọi sự Người chạm đến đều trở nên trẻ trung, mới mẻ và tràn đầy sức sống.”[21] Đây là lý do để chúng ta có quyền hy vọng và ước mơ. Đó là lý do tại sao Đức Giáo Hoàng không ngừng thúc giục các người trẻ đừng để mình bị cướp mất hy vọng. Với các con, cha nhắc lại: “Đừng để ai coi thường tuổi trẻ của con.” (1 Tim 4,12). Ngay cả khi các con sai lầm, các con luôn luôn có thể đứng lên và bắt đầu lại, vì không ai có quyền đánh cắp hy vọng của các con.[22] Nhất là với người trẻ Việt Nam, chúng ta tuy có ước mơ và hy vọng, nhưng dễ bị mất khi gặp thách đố và lời ra tiếng vào. Đã đến lúc chúng ta phải đứng vững như kiềng ba chân. Mở ngoặc nơi đây, cả Giáo hội và mỗi người hãy nâng đỡ, chăm sóc cho từng ước mơ của mỗi người. Lời động viên, cầu nguyện và cộng tác thì quý hơn là thái độ trù dập những ước mơ của người khác.
3. Gắn kết với truyền thống
Đây là thông điệp khiến người trẻ Việt Nam ngạc nhiên. Là người Việt Nam, chưa chắc nhiều người có văn hóa và truyền thống Việt Nam. Đó là những giá trị, là cội rễ của con người nói chung và người Việt nói riêng. Ví dụ: tình yêu, tình người, công bằng, bác ái, tôn trọng, tự do, sự thật, tình bạn, tình yêu quê hương, đất nước, truyền thống gia đình, niềm tin tôn giáo, nhân bản, lịch sự, văn minh…Những mảnh đất màu mỡ ấy cần cho bộ rễ người trẻ bám vào để lớn lên. Tiếc là hiện nay có những trào lưu đòi bỏ dần nguồn gốc để hòa chung vào sự phát triển của quốc tế. Đó là một mối nguy cho sự thành đạt của người trẻ. Tại sao?
Bạn có kinh nghiệm thấy một cây tươi tốt vươn lớn như thổi, nhưng sẽ sụp đổ sau cơn mưa bão, nếu gốc rễ của nó không ăn sâu vào lòng đất. Từ nơi lòng đất đó, rễ không chỉ hút dưỡng chất, mà còn tạo thế đứng an toàn cho cây. Những bộ rễ nông cạn sẽ dễ dàng khiến cây đổ ngã, chết dần chết mòn. Cũng vậy, từ truyền thống dân tộc, tôn giáo và văn hóa, người trẻ có thể kín múc được biết bao điều, để bước vào đời mà không sợ lạc lõng, chơi vơi. Khi lớn lên, không biết mình là ai, nguồn cội lịch sử dân tộc mình là gì, xem nhẹ truyền thống ngàn đời của ông bà tổ tiên, không ai dám chắc người ấy sống thành công hạnh phúc. Ví dụ, chúng ta quen với câu: “Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người.” Hoặc nói như ngôn ngữ của Đức Giáo Hoàng: “Người ta không thể lớn lên nếu không có những rễ mạnh mẽ giúp họ đứng vững và gắn chặt vào lòng đất. Thật dễ dàng để bị “cuốn đi” khi người ta không có nơi nào để gắn bó, để bám chặt lấy”[23]
Tôi rất nể những bạn dám dành giờ để trò chuyện với ông bà cha mẹ. Khi làm xa về, nhiều bạn trẻ tranh thủ đến thăm ông bà, họ hàng. Họ nói về những ký ước tuổi thơ, về những kỷ niệm làm nên tuổi trẻ của họ. Tôi tin là từ kinh nghiệm sống động này, người trẻ ấy biết mình cũng có truyền thống gia đình, họ hàng và giáo xứ. Từ đó, họ lớn lên mà không bị mang tiếng là mất gốc.
Khi viết tới đây, tôi nhớ đến nhân vật Hà Lan trong Mắt Biếc của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Sau khi lên thành phố học, Hà Lan đã bỏ lại ngôi làng Đo Đo. Nơi đó có biết bao truyền thống tốt đẹp. Đặc biệt nơi đó có cha mẹ Hà Lan, vốn là những người sâu sắc, sống có nghĩa, có tình. Hà Lan đã nhiều lần khóc nức nở vì tình yêu. Ngạn là người lắng nghe những tâm sự của cô. Có lần Ngạn trách thầm Hà Lan không bén rễ sâu ở ngôi làng, nơi gia đình. Kết quả là…
Chắc như Hà Lan trên đây, người trẻ có tự do làm mọi thứ, và nhiều người trẻ cũng tin như thế. Tự do gạt bỏ cả những giá trị ngàn đời là dấu hiệu của người mất gốc. Họ núp trong vỏ bọc của cái gọi là “tôn thờ tuổi trẻ”, chạy theo thời thượng. Có khi xã hội thôi thúc người trẻ “cháy hết mình” nơi những trò vô bổ. Họ chăm chút vẻ đẹp bên ngoài hơn là những giá trị bên trong. Chúng ta cần khiêm tốn nhận rằng hào nhoáng bên ngoài có ảnh hưởng đến tôi. Đây không chỉ là tình trạng tại Việt Nam, nhưng tuổi trẻ trên thế giới cũng mắc phải. Ví dụ người trẻ sành điệu phải uống cà phê Starbucks, ăn ở Mcdonald, xài điện thoại quả táo, mặc hàng hiệu, chau chuốt đến vẻ đẹp bên ngoài, Facebook phải có tích xanh, v.v. Tự nhiên nhóm người này tạo ra một đẳng cấp khác. Đức Giáo Hoàng cho rằng nhiều người trẻ như thế đang bị xỏ mũi bởi lối sống hời hợt, lầm lẫn vẻ đẹp tâm hồn với hình thức ngoại hình. Thay vào đó:
“Các con nên ý thức rằng có một vẻ đẹp nơi những người lao động trở về nhà bẩn thỉu và lếch thếch, nhưng với niềm vui vì đã kiếm được cơm bánh cho con cái. Có một vẻ đẹp phi thường trong sự hiệp thông của gia đình quây quần quanh bàn ăn và trong cơm bánh được chia sẻ cách quảng đại, ngay cả khi cái bàn rất nghèo. Có một vẻ đẹp trong người vợ đầu tóc bù xù và có phần già đi, nhưng vẫn tiếp tục chăm sóc cho người chồng ốm đau, bất chấp sức mạnh và sức khỏe của chính mình.”[24]
Một khía cạnh quan trọng khác thể hiện sự mất gốc của người trẻ chúng ta đó là vấn đề tôn giáo. Tôi nghe nhiều bạn chia sẻ rằng tôn giáo hiện nay không quá quan trọng nữa. Họ không hẳn là không tin vào Thiên Chúa, nhưng niềm tin một khi không quan trọng, họ sẽ phớt lờ và từ đó, họ sẽ bị mất gốc, mất liên lạc với Đấng tạo ra họ. Có thể điều này chưa hẳn là do lỗi của người trẻ, nhưng Đức Giáo Hoàng chỉ ra một nguyên nhân khác: “Ở các nước không thuộc Phương Tây, việc toàn cầu hóa mang đến các hình thức thực dân nền văn hóa, nó lôi những người trẻ ra khỏi các liên hệ văn hóa và tôn giáo mà từ đó các em đến.”[25]
Nhận xét trên cũng đúng trong bối cảnh tại Việt Nam. Người trẻ đổ về các khu công nghiệp, thành phố lớn để học tập và làm việc. Cuộc sống cơm áo gạo tiền đã kéo rất rất nhiều bạn trẻ ra khỏi môi trường làng xã, giáo xứ. Nơi đất khách quê người, nhiều bạn trẻ đã mất liên lạc với Giáo hội, với Thiên Chúa. Nhìn thấy mối nguy này, nên Đức Giáo Hoàng tha thiết nhắc các Giáo hội địa phương hãy đồng hành với người trẻ trong việc chuyển tiếp này mà không đánh mất những đặc điểm quý giá nhất của căn tính của các em[26]. Một trong những giải pháp mà Đức Giáo Hoàng đưa ra trước vấn đề này là: Hãy giữ mối liên hệ với người già!
Thật may vì văn hóa Việt Nam còn duy trì 2-3 thế hệ chung sống trong một gia đình. Hoặc ít ra truyền thống đạo hiếu vẫn còn đủ mạnh nơi người trẻ. Nhất là trong lần đại dịch này, gia đình là nơi để người trẻ chúng ta tìm về nguồn gốc của mình. Còn nhớ lần Đại Hội Giới Trẻ Giáo Tỉnh Miền Bắc năm 2019, lời tâm huyết Đức Giáo Hoàng Phanxicô dành cho người trẻ Công giáo Việt Nam, đó là: “Hãy về nhà”. Trong đó, chúng ta có thể thấy 5 điểm chính mà Đức Giáo Hoàng tha thiết nhắn với người trẻ Việt Nam[27]:
– Đào sâu di sản truyền thống và văn hoá
– Đào sâu di sản đức tin
– Chứng tá Tin Mừng
– Nhân cách của một người trẻ Công Giáo
– Con có một Tổ Quốc
Ước sao những lời nhắn này giúp chúng ta một lần nữa không ngần ngại đào sâu đức tin ngay trong gia đình, truyền thống và văn hóa người Việt Nam. Nơi đó luôn có những bài học sống động giúp người trẻ đến được với Đức Giêsu, Đấng cũng có một gia đình, họ hàng và truyền thống văn hóa tôn giáo Do Thái.
4. Chăm sóc ngôi nhà chung
Từ khi sống ở trời Âu, tôi mới nhận thức rõ hơn: Tại sao Châu Âu và người dân ở đây luôn ý thức bảo vệ môi trường? Họ được học, được tập và được nhắc nhở từ thuở đến trường. Lớn lên một chút, lời căn dặn ấy trở thành thói quen[28]. Đó còn là cách hành xử của người lịch sự. Điều này quan trọng, vì khi bước vào xã hội, môi trường kinh tế, kinh doanh sản xuất và trong mọi lãnh vực, họ thường ý thức môi trường xanh sạch là xu thế toàn cầu.
Bởi đó, những sản phẩm thân thiện với thiên nhiên, những công ty ít tác động đến môi trường thường được nhà nước và người dân ủng hộ. Hơn nữa, từ khi Giáo hội Công giáo ban hành Tông Huấn “Laudato si’”, người ta lại càng nhắc nhau bảo vệ môi trường hơn.
Đối với người trẻ Việt, có lẽ từ Latinh trên đây khá lạ lẫm. Nếu hiểu nghĩa nó, thì thử hỏi mấy ai nhắc nhau bảo vệ môi trường bằng cụm từ này? Dẫu sao, Laudato si’ có nghĩa là: Chúc tụng Thiên Chúa. Đó là tên chính của Tông Huấn được Đức Giáo Hoàng Phanxicô công bố ngày 18 tháng 6 năm 2015. Bên dưới Tông Huấn có phụ tựa: Chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta. Ngoài ra, Laudato si’ cũng gợi cho người đọc nhớ đến một vị thánh nổi tiếng thân thiện và luôn chăm sóc thiên nhiên: Thánh Phanxicô Assisi. Chẳng hạn bài ca về Thiên Nhiên nổi tiếng của ngài âm vang:
“Chúc tụng Chúa, lạy Thiên Chúa của con, ngang qua người Chị của chúng con, Mẹ Trái Đất, là người nuôi dưỡng và điều hành chúng con, và là người sản sinh ra nhiều hoa trái khác nhau với nhiều loại hoa muôn sắc và cỏ cây.” (Laudato si’ số 1).
Tôi không muốn đi vào nội dung Tông Huấn, vì chúng ta có thể dễ dàng tìm đọc bản Tiếng Việt trên Internet hoặc trong sách. Ở đây, điều thú vị là nếu chúng ta nhắc nhở nhau bảo vệ môi trường, thì ngôi nhà chung Việt Nam của chúng ta sẽ tốt hơn nhiều.
Đức Giáo Hoàng báo cho người trẻ một tin vui: “Nơi nhiều thanh thiếu niên, việc tiếp xúc với các thụ tạo gây ra một sức thu hút đặc biệt, và các em rất nhạy cảm với việc bảo vệ môi trường, như trong trường hợp các hướng đạo sinh và các nhóm khác, là các nhóm tổ chức những ngày ở giữa thiên nhiên, cắm trại, leo núi, du ngoạn và các chiến dịch cho môi trường.”[29] Sẽ là thoái lui nếu cứ mang thành kiến: nhắc nhau thì được gì, quan trọng là làm. Đúng vậy! Nhưng trước khi hành động, người ta cần ý thức và nhắc nhau về một vấn nạn khủng hoảng môi trường đang xảy ra[30]. Từ đó chính người nhắc cũng có thêm động lực để bảo vệ môi trường nơi những điều cụ thể.
Hãy tưởng tượng từ thuở học sinh, các em được thầy cô dạy bảo, nhắc nhở và tập cho những việc làm nho nhỏ bảo vệ thiên nhiên; từ từ các em sẽ có thói quen gìn giữ ngôi nhà chung của chúng ta. Đúng là thà thắp lên một ngọn nến còn hơn ngồi đó nguyền rủa bóng đêm. Bắt đầu từ suy nghĩ, từ bản thân và từ gia đình! Phải thừa nhận rằng chính lời kêu gọi bảo vệ ngôi nhà chung của Đức Giáo Hoàng đã ảnh hưởng đến rất nhiều chính sách của các quốc gia. Mục đích là: Hãy cứu lấy hành tinh của chúng ta.
Chắc có người cho rằng nhắc nhau như thế cũng chẳng đi đến đâu, bởi môi trường thiên nhiên ở Việt Nam hiện quá ô nhiễm. Các thông tin báo chí thường đưa tin đây đó ô nhiễm nguồn nước, không khí và thực phẩm. Vì các dự án, nhiều hàng cây xanh bị chặt hạ, nhiều cánh rừng biến mất. Vì nhiều tư lợi, các công ty ô nhiễm vẫn ngang nhiên hoạt động, xả thải. Hoặc chính mỗi người cũng cảm thấy môi trường bị ô nhiễm đang bào mòn sức sống người Việt. Nhiều người đùn đẩy trách nhiệm ấy cho nhà nước. Bởi, để giải quyết vấn đề này cần mang tầm mức quốc gia. Điều ấy đúng! Nhưng thực tế mỗi người trẻ, mỗi gia đình cũng có thể làm được chút nào đó góp phần bảo vệ môi trường.
Tại nhiều nước tiên tiến, người ta đánh giá mức độ văn minh của một người khi nhìn vào cách người ấy đối xử với môi trường như thế nào. Xả rác bừa bãi dĩ nhiên là một người bất lịch sự. (Tiếc là điều này lại thường xảy ra nơi người trẻ!). Gây tổn hại đến thiên nhiên, nơi công ích cũng là người thiếu văn minh. Lãng phí khi sử dụng đồ ăn, thức uống cũng là người chưa văn hóa. Theo ngôn ngữ của Đức Giáo Hoàng, ngày nay chúng ta đang sống trong “nền văn hóa vứt bỏ”. Văn hóa này cũng đang lan tràn tại Việt Nam!
“Ai làm sao, tôi làm vậy” không còn hợp thời nữa! Nhất là trong khi chung sống với Mẹ Thiên Nhiên, nhiều người làm sai, nhưng tôi hẳn là không muốn đi vào lối mòn ấy. Khi viết về môi trường, Đức Giáo Hoàng cho rằng: “Người trẻ đòi một sự thay đổi. Họ đang tự hỏi làm thế nào mà bất kỳ ai có thể tuyên bố là đang xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn mà lại không nghĩ đến sự khủng hoảng về môi trường và nỗi đau khổ của những người bị loại trừ.”[31] Nói thì dễ, nhưng để thay đổi không phải một sớm một chiều. Tuy vậy, người trẻ Việt Nam cũng cần nhắc nhau, cần nói trên phương tiện truyền thông, cần bàn trong những kế hoạch dự án, cần tạo nên làn sóng bảo vệ môi trường. Khi đó người Việt mới có hy vọng được hít thở bầu không khí trong lành, được sử dụng nguồn nước trong sạch và môi trường sống xanh tươi.
Nếu nước Nhật hiện nay là văn minh, phát triển và xanh sạch, thì chúng ta hãy nhớ họ đã từng nhắc nhở nhau bảo vệ môi trường. Họ đã từng là nước ô nhiễm trầm trọng, nhất là sau hai cuộc thế chiến. Tuy nhiên, ngoài chính sách vĩ mô, tại Nhật:
“Có hàng nghìn tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực môi trường, hàng trăm tờ báo chuyên về môi trường, về xử lý chất thải và bảo tồn đa dạng sinh học. Khắp nơi đâu đâu cũng có các thông điệp về bảo vệ môi trường, tràn ngập trên các dãy phố, trên mọi phương tiện thông tin đại chúng, tác động vào nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân Nhật Bản về tình yêu đối với môi trường và cuộc sống, vì một màu xanh cho thế hệ mai sau.”[32]
Ngoài ra, giáo dục về vấn đề này ở trường lớp cũng nằm trong chính sách của cả nước Nhật. Nếu người Việt cũng muốn hưởng môi trường sống như thế, mỗi người cần bắt đầu với việc nhắc nhau và chung tay làm những điều có thể. Bạn cứ yên tâm dấn thân, vì sau bạn luôn có sự ủng hộ của Đức Giáo Hoàng và Giáo Hội. Bởi mới đây nhất, ngài viết cho người trẻ: “Phong trào người trẻ quan tâm bảo vệ môi trường cũng là một minh chứng cho thấy chúng con có khả năng lắng nghe tiếng khóc của Trái đất.”[33]
Nếu được mở rộng vấn đề, ta còn thấy Đức Giáo Hoàng thường không do dự nói về “sự ô nhiễm tinh thần”. Số là các mạng xã hội bị ô nhiễm bằng sự leo thang lời nói, những phát biểu hận thù thường được thốt ra cách ẩn danh. “Ngay cả nơi các môi trường Công giáo, người ta có thể vượt quá các giới hạn, người ta có thói quen tầm thường hóa sự phỉ báng và vu không, và tất cả đạo đức cũng như tất cả sự tôn trọng thanh danh của người khác dường như bị loại bỏ”[34], Đức Thánh Cha nhận xét ở số 115 của tông huấn Exsultate Et Gaudete. Điều này đáng để người trẻ Việt Nam chúng ta suy nghĩ trong thời đại công nghệ này!
5. Quan tâm đến người nghèo
Khi biết mình được làm Giáo Hoàng, ý hướng mục vụ đầu tiên của ngài là: hãy quan tâm đến người nghèo. Vì lý do này, Đức Giáo Hoàng liền chọn cho mình một danh hiệu là thánh Phanxicô, vì thánh của người nghèo. Cũng năm 2013, chúng ta thấy Đức Giáo Hoàng không ngừng cải tổ Giáo hội thành Giáo hội của người nghèo và cho người nghèo.
Khi trò chuyện với người trẻ, Đức Giáo Hoàng không ngại chia sẻ rằng Đức Giêsu đang ở với người nghèo. Chính Chúa dạy người trẻ nơi những người đói khổ lầm than, bệnh tật, tội lỗi và những người bị xã hội khai trừ[35]. Từ kinh nghiệm có thấy một mặt người trẻ chúng ta dễ có lòng trắc ẩn với người yếu thế cô thân. Chúng ta muốn làm gì đó giúp họ. Mặt khác chúng ta thường rơi vào lối mòn này: người nghèo nhiều thế sao tôi giúp hết được. Không! Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh về vai trò của người trẻ chúng ra là: “Người trẻ có thể giúp giữ cho Hội Thánh trẻ trung. Các em có thể ngăn cản Hội Thánh khỏi kiêu căng và bè phái, giúp cho Hội Thánh nghèo hơn và làm chứng tốt hơn, đứng về phía những người nghèo và những người bị ruồng bỏ, đấu tranh cho công lý và khiêm tốn để cho mình được thử thách.”[36]
Suốt thời gian đại dịch vừa qua, chúng ta thấy biết bao “phép lạ” mà mỗi người đang làm cho nhau khi giúp đỡ anh chị em đồng loại. Trong số họ có biết bao người trẻ dấn thân nơi tuyến đầu chống dịch. Phải thừa nhận rằng nhiều người trẻ được gợi hứng từ lời kêu gọi của Giáo Hội: hãy bác ái với người nghèo. Thật tuyệt vời vì ngay cả Đức Giáo Hoàng cũng nhận ra “các nhóm trẻ từ các giáo xứ, trường học, phong trào hoặc các đại học có thói quen đồng hành với những người già cả và bệnh tật, hoặc đến thăm các khu dân nghèo, hay cùng nhau giúp đỡ người nghèo”. Trong việc giúp đỡ này, Đức Giáo Hoàng nói chúng ta nhận được nhiều hơn là cho đi, bởi người nghèo có thể giúp chúng ta khám phá ra những giá trị mà chúng ta không nhìn thấy.
Khi nói chuyện với người trẻ Slovakia (tháng 9, 2021) về nhóm người nghèo ở quốc gia này, Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh: “Xã hội, người nghèo đang chờ đợi các con!” Với các bạn trẻ Việt Nam, chắc hẳn ngài cũng lặp lại một thông điệp như thế. Việt Nam nằm trong nước đang phát triển, nghĩa là người nghèo chiếm đa số. Do đó, nếu mỗi người chúng ta đang có ước mơ làm giàu, đang muốn khởi nghiệp thành công, hoặc đang có công việc ổn định, xin nhớ đến người nghèo. Lý do là khi phát biểu tại diễn đàn quy tụ các nguyên thủ quốc gia, đại diện các tổ chức và lãnh đạo doanh nghiệp Châu Âu, Đức Giáo hoàng Phanxicô nhấn mạnh điều này: “Thật quan trọng để đầu tư vào những người trẻ. Người trẻ là thế hệ tiếp theo của các nhà kinh tế và doanh nhân. Họ sẽ là những nhân vật chính của nền kinh tế trong nay mai. Phải đào luyện cho các em, người trẻ nam nữ, được chuẩn bị để phục vụ cộng đồng và tạo ra một nền văn hóa gặp gỡ.”[37]
Ngoài ra, Đức Giáo Hoàng còn kêu gọi người trẻ: “Hãy trỗi dậy và bảo vệ công bằng xã hội, sự thật và lẽ phải, nhân quyền, những người bị bách hại, những người nghèo và người dễ bị tổn thương, những người không có tiếng nói trong xã hội, những người nhập cư.”[38] Tôi tin Thiên Chúa có cách để đồng hành và giúp người trẻ chúng ta can đảm giang rộng vòng tay nhân ái đến với những ai cần giúp đỡ.
Kết luận
Các bạn trẻ thân mến,
Có thể ai đó cho rằng 5 điểm trên đây vĩ đại quá, sao con làm được! Đó là thái độ của người chưa có ước mơ lớn. Hãy tập ước mơ và từ từ hoàn thành ước mơ của mình mỗi ngày. Ước mơ ấy một khi hòa chung nhịp đập của Giáo hội, (những điều trên Giáo hội quan tâm), chắc chắn bạn không lạc lõng. Thử tưởng tượng ai cũng có ước mơ và hy vọng theo đuổi một trong những điểm thú vị mà Đức Giáo Hoàng đề nghị, chắc chắn đời sống của người trẻ sẽ thay đổi, đổi thay rất nhiều.
Đã đến lúc chúng ta được Giáo Hoàng, được Giáo Hội hoan hô cổ vũ để cộng tác trong cuộc sống này. Tôi và bạn là những người trẻ Công giáo, nghĩa là chúng ta có Đức Giêsu trẻ trung, muốn kết thân với chúng ta. Đức Giêsu luôn có một kế hoạch cho từng người. Ngay cả trước khi chúng ta hiện hữu, chúng ta đã ở trong kế hoạch yêu thương của Ngài.
Để kết thúc, chúng ta nghe lại lời chia sẻ của Đức Giáo Hoàng dành cho người trẻ thế giới, cho từng người trẻ Việt Nam: “Chúa Giêsu lấp đầy các con bằng những món quà khác, mà cộng đồng được mời gọi trân quý, để các con có thể khám phá ra kế hoạch yêu thương của Người dành cho từng người chúng con.”[39]
[1] https://www.tonggiaophanhanoi.org/thong-bao-hoan-to-chuc-dai-hoi-gioi-tre-giao-tinh-ha-noi/
[2] Xem Sứ điệp mới nhất của ĐTC Phanxicô cho Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 36: https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2021-09/su-diep-dtc-phanxico-ngay-gioi-tre-the-gioi-lan-36.html
[3] Toàn văn: https://www.vatican.va/content/francesco/en/messages/youth/documents/papa-francesco_20180211_messaggio-giovani_2018.html
[4] Sứ điệp Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 33
[5] Tông Huấn Đức Kitô Sống số 268
[6] Tông Huấn Đức Kitô Sống số 127
[7] Tông Huấn Đức Kitô Sống 123
[8] Đọc thêm: Sứ điệp của ÐTC Phanxicô gửi Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 31 tại Krakow, Balan.
[9] Về đời sống hôn nhân, ĐGH viết: “Hãy mơ ước, không lo sợ về việc xây dựng một gia đình, sinh dưỡng và nuôi dạy con cái, trải nghiệm cuộc sống và chia sẻ tất cả với một người khác. Đừng xấu hổ về những lỗi lầm và yếu đuối của các con, vì có một người sẵn sàng chấp nhận và yêu chúng, một ai đó sẽ yêu các con như các con là.” (Diễn văn của ĐTC trong buổi gặp gỡ giới trẻ tại sân vận động Lokomotiva ở Košice, 14/9/2021).
[10] Về đời sống hiến dâng, ngài viết: Niềm vui Tin Mừng là điều khiến chúng ta không được phép lưỡng lự và biếng nhác, nhưng mở ra để gặp gỡ Thiên Chúa và anh chị mình. Niềm vui sẽ không lấp đầy trái tim ta nếu chúng ta cứ đứng ở cửa sổ chờ mong cho, mà không chấp nhận những rủi ro cho chính quyết định của chúng ta hôm nay. Ơn gọi bắt đầu từ hôm nay! (x. Sứ điệp ĐGH Phanxicô gửi cho giới trẻ nhân Ngày Thế Giới Ơn Gọi 2018)
[11] Tông Huấn Đức Kitô Sống số 140
[12] Tông Huấn Đức Kitô Sống số 143
[13] Tựa sách: Let Us Dream: The Path to a Better Future (2020)
[14] Theo Tông huấn Chúa Kitô Sống
[15] Tông Huấn Đức Kitô Sống, số 148.
[16] Tông Huấn Đức Kitô Sống số 148
[17] Xem thêm: Lê Đắc Thắng, S.J và Phạm Đình Ngọc, S.J, Khởi nghiệp với thánh I Nhã, Tôn Giáo, 2020, tr. 15-18.
[18] Tông Huấn Đức Kitô Sống số 142
[19] https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2021-10/dtc-phanxico-nguoi-tre-dien-dan-luong-thuc-the-gioi-fao.html
[20] Trích bài giảng của Đức Giáo hoàng trong Thánh lễ kính trọng thể Chúa Ki-tô Vua vũ trụ tại Rô-ma, Chủ nhật ngày 22/11/2020.
[21] Tông Huấn Đức Kitô Sống số 1
[22] Tông Huấn Đức Kitô Sống số 143
[23] Huấn Từ trong Buổi Canh Thức, Ngày Giới Trẻ Thế Giới XXXIV tại Panama, (26 tháng 1, 2019): L’Osservatore Romano, 28-29 tháng 1, 2019, 6.
[24] Tông Huấn Đức Kitô Sống số 183
[25] Tông Huấn Đức Kitô Sống số 185
[26] Tài Liệu Kết Thúc Thượng Hội Đồng Giám Mục Thường Kỳ Thứ XV, 60, số. Tài liệu tiếng Việt tại: http://www.giaoly.org/vn/tlktthdgt/.
[27] Ý được tóm theo Lm. Cao Gia An, SJ: (nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/church/news/2019-11/hay-ve-nha-loi-tam-huyet-dgh-phanxico-danh-cho-nguoi-tre-vn.html)
[28] Tôi rất thích câu nói của triết gia Hy Lạp Aristotle: “Những thói quen tốt ta hình thành khi còn trẻ không tạo nên khác biệt nhỏ nào, đúng hơn, chúng tạo ra tất cả khác biệt.” Hoặc chúng ta quen với danh ngôn này của Samuel Smiles: “Gieo suy nghĩ, gặt hành động. Gieo hành động, gặt thói quen. Gieo thói quen, gặt tính cách. Gieo tính cách, gặt số phận.”
[29] Tông Huấn Đức Kitô Sống số 228
[30] Ngoài ra, Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo 10 mối đe dọa sức khỏe toàn cầu năm 2019: Ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu, các bệnh không lây nhiễm, đại dịch cúm toàn cầu, khu vực sống mong manh và dễ bị tổn thương, kháng kháng sinh, ebola và các tác nhân gây bệnh nguy hiểm khác, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu yếu kém, sự e ngại trong tiêm phòng vắc–xin, sốt xuất huyết, HIV. (Xem thêm: https://www.who.int/vietnam)
[31] Laudato si’ số 13
[32]Xem thêm: https://moitruong.net.vn/hoc–cach–nguoi–nhat–bao–ve–moi–truong–song/
[33] https://tgpsaigon.net/bai-viet/su-diep-ngay-gioi-tre-the-gioi-lan-thu-35-nam-2020-cua-duc-thanh-cha-phanxico-59867
[34] https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/mang-xa-hoi-va-chu-nghia-tieu-thu-truyen-thong-canh-bao-cua-duc-phanxico-42858
[35] Tông Huấn Đức Kitô Sống, số 31
[36] Tông Huấn Đức Kitô Sống, số 37
[37] https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2020-09/dtc-phanxico-dien-dan-european-house-ambrosetti-kinh-te.html
[38] https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2021-09/su-diep-dtc-phanxico-ngay-gioi-tre-the-gioi-lan-36.html
[39] Tông Huấn Đức Kitô Sống số 149, Đức Giáo hoàng ký nhận những lời này tại Đền Thờ Loreto, ngày 25 tháng 3, năm 2019, năm thứ bảy của triều đại giáo hoàng của ngài.
2021
Cẩm nang cho Thượng Hội đồng Giám mục về tính hiệp hành
Hướng đến một Hội thánh hiệp hành:
Hiệp thông, Tham gia và Sứ vụ
CẨM NANG CHO THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VỀ TÍNH HIỆP HÀNH
Cẩm nang chính thức cho việc lắng nghe và phân định trong các Giáo hội địa phương: Giai đoạn đầu tiên [10.2021 – 04.2022] tại các giáo phận và các hội đồng giám mục đến Đại hội Thượng Hội đồng Giám mục 10.2023
Thượng Hội đồng Giám mục
Vatican
Văn phòng Tổng thư ký Thượng Hội đồng Giám mục phát hành
Số 34, đường Hòa giải, thành Vatican
09.2021
Kinh cầu nguyện cho Thượng Hội đồng: Adsumus Sancte Spiritus
Mỗi phiên họp của Công đồng Vaticanô II đều bắt đầu với lời kinh Adsumus Sancte Spiritus, câu đầu tiên trong nguyên bản Latin, “Lạy Chúa Thánh Thần, này chúng con đang hiện diện trước nhan Chúa”, là lời kinh đã được dùng trong các công đồng, công nghị và các buổi hội họp khác của Hội thánh theo dòng lịch sử suốt hàng trăm năm qua, và được cho là của thánh Isidore Seville (khoảng 560 – 4.4.636). Khi chúng ta được mời gọi đi theo con đường hiệp hành của Thượng Hội đồng, lời kinh này nài xin Chúa Thánh Thần hoạt động trong chúng ta để chúng ta có thể là một cộng đoàn và một dân của ân sủng. Đối với Thượng Hội đồng 2021-2023, chúng tôi đề nghị sử dụng phiên bản rút gọn này, để bất kỳ nhóm hay cộng đoàn phụng vụ nào cũng có thể nguyện kinh dễ dàng hơn.
Lạy Chúa Thánh Thần,
này chúng con đang hiện diện trước nhan Chúa,
khi cùng nhau tụ họp nhân danh Chúa.
Chỉ có Chúa là Đấng hướng dẫn chúng con,
xin hãy ngự trị trong tâm hồn chúng con;
xin dạy chúng con lối đường phải đi
và cách bước đi trên lối đường đó.
Chúng con yếu đuối và tội lỗi,
xin đừng để chúng con gây xáo trộn.
Đừng để chúng con u mê sa nẻo đường lầm
cũng đừng để chúng con làm theo thiên kiến.
Xin giúp chúng con tìm thấy nơi Chúa sự hiệp thông giữa chúng con
để chúng con có thể cùng tiến đến cuộc sống vĩnh cửu
và không lạc xa khỏi con đường chân lý và ngay thật.
Chúng con cầu xin Chúa,
là Đấng hoạt động mọi nơi mọi thời,
trong sự thông hiệp với Chúa Cha và Chúa Con,
mãi mãi đến muôn đời.
Amen.
NỘI DUNG
TÀI LIỆU CẨM NANG
Lưu ý: Cẩm nang này được soạn thảo để dùng cho Giáo hội Công giáo khắp hoàn cầu. Do đó, từ “Giáo hội địa phương” có thể dùng thay thế cho một giáo phận, một giáo phận Đông phương, một định sở giám mục hay bất kỳ địa sở Giáo hội nào tương đương. Cũng vậy, nơi đâu Cẩm nang này dùng thuật ngữ “Hội đồng giám mục”, thì tương đương với những định chế hiệp hành có liên quan của mỗi Giáo hội tự quản (sui iuris).
CÁC NGUỒN LỰC GIÚP TỔ CHỨC TIẾN TRÌNH HIỆP HÀNH
- Bảng thuật ngữ
- Những câu hỏi thỉnh ý bổ sung để hướng dẫn Tiến trình hiệp hành
III. Các nhóm liên quan trong Tiến trình hiệp hành
- Các hướng dẫn và kỹ năng giúp lắng nghe ở cấp độ địa phương
- Các nguồn Kinh thánh
- Các nguồn phụng vụ
VII. Các trích đoạn từ các tài liệu liên quan của Giáo hội
VIII. Ý nghĩa của việc đồng thuận trong Tiến trình hiệp hành
Những vấn đề thường hay thắc mắc về Thượng Hội đồng
Chữ viết tắt
DV Công đồng Vaticanô II, Hiến chế tín lý Dei Verbum [Mạc khải của Thiên Chúa] (18.11.1965)
EC ĐTC Phanxicô, Tông hiến Episcopalis Communio [Tình hiệp thông giám mục] (14.09.2018)
FT ĐTC Phanxicô, Thông điệp Fratelli Tutti [Hỡi tất cả anh em] (03.10.2020)
GS Công đồng Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes [Vui mừng và hy vọng] (07.12.1965)
ITC, Syn. Ủy ban thần học quốc tế, Tính hiệp hành trong đời sống và sứ vụ của Hội thánh (02.03.2018)
LG Công đồng Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium [Ánh sáng muôn dân] (07.12.1965)
PD Tài liệu chuẩn bị
RM Thánh Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris Missio [Sứ vụ Đấng Cứu Thế] (07.12.1990)
1. GIỚI THIỆU
1.1 Mục đích của Cẩm nang
Cẩm nang này được thiết kế như một cuốn hướng dẫn kèm theo Tài liệu chuẩn bị, phục vụ cho hành trình mang tính hiệp hành. Hai tài liệu này bổ sung cho nhau và nên được đọc tiếp nối nhau. Đặc biệt, Cẩm nang đưa ra sự hỗ trợ thực hành cho (các) linh hoạt viên hay ban linh hoạt của giáo phận, được giám mục giáo phận chỉ định, nhằm chuẩn bị và tập họp Dân Chúa để họ có thể chia sẻ những kinh nghiệm nơi Giáo hội địa phương của họ. Lời mời gọi mọi tín hữu trên toàn thế giới này là giai đoạn đầu tiên của Đại hội toàn thể thường kỳ của Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XVI, mà chủ đề là “Hướng đến một Hội thánh hiệp hành: Hiệp thông, Tham gia và Sứ vụ”.
Khi tạo cơ hội lắng nghe và đối thoại ở cấp địa phương thông qua Thượng Hội đồng này, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi Giáo hội khám phá lại bản chất hiệp hành sâu sắc của mình. Việc Giáo hội tái khám phá cội rễ hiệp hành này sẽ bao gồm tiến trình cùng nhau khiêm tốn học hỏi về cách Thiên Chúa đang kêu gọi chúng ta trở thành với tư cách là Hội thánh trong thiên niên kỷ thứ ba.
Cẩm nang này là sách hướng dẫn để hỗ trợ các nỗ lực của mỗi Giáo hội địa phương, chứ không nhằm đưa ra các quy định. Những người có trách nhiệm tổ chức tiến trình lắng nghe và đối thoại ở cấp địa phương nên nhạy bén với văn hóa và bối cảnh, nguồn lực và sự giới hạn của địa phương mình, đồng thời biết biện phân để tìm ra cách thực hiện giai đoạn hiệp hành giáo phận do giám mục giáo phận hướng dẫn. Chúng tôi mong anh chị em đón nhận những gợi ý hữu ích từ hướng dẫn này, nhưng cũng nên xuất phát dựa trên hoàn cảnh riêng của mỗi địa phương. Nhờ đó, có thể tìm thấy những con đường mới mẻ và sáng tạo để các giáo xứ và các giáo phận cùng nhau làm việc, đưa Tiến trình hiệp hành này đạt tới kết quả mỹ mãn. Không được để Tiến trình hiệp hành này trở thành một gánh nặng quá lớn lấn át việc chăm sóc mục vụ địa phương. Đúng hơn, nên xem đây là một cơ hội thúc đẩy sự hoán cải mục vụ và hiệp hành của mỗi Giáo hội địa phương để việc truyền giáo trổ sinh hoa trái dồi dào hơn.
Nhiều vùng miền đã thiết lập được các tiến trình nối kết các tín hữu ở cấp giáo xứ, phong trào và giáo phận ở đó. Chúng tôi nhận thấy rằng Giáo hội địa phương ở một số quốc gia đã khởi xướng cuộc hội đàm hiệp hành của riêng mình, như Đại hội Giáo hội ở Châu Mỹ Latinh và Caribê, Hội đồng Toàn thể ở Úc, và các Hành trình hiệp hành ở Đức và Ái Nhĩ Lan. Cũng có nhiều Công nghị Giáo phận đã diễn ra trên khắp thế giới, kể cả một vài Công nghị đang được tiến hành. Những vùng miền và các giáo phận này được kêu gọi khai triển các Tiến trình hiệp hành cách sáng tạo, vốn được tiến hành với các giai đoạn của Tiến trình hiệp hành hiện nay đang diễn ra khắp Giáo hội. Đối với một số vùng miền nào đó, kinh nghiệm của Tiến trình hiệp hành này là điều mới mẻ và chưa biết đến. Mục đích của chúng tôi là các nguồn lực do Cẩm nang này mang lại có thể cung cấp những công cụ hữu ích phục vụ tất cả, bằng cách đề xuất những cách thực hành hữu ích và hiệu quả, có thể được thích ứng trong quá trình chúng ta “cùng nhau cất bước hành trình”. Ngoài sách hướng dẫn này, Cẩm nang bao gồm: a) các nguồn phụng vụ, Kinh thánh và lời nguyện trực tuyến, cũng như b) các công cụ và những đề nghị phương pháp chi tiết hơn, c) các ví dụ từ các thực hành Thượng Hội đồng gần đây, và d) Bảng chú giải thuật ngữ cho Tiến trình hiệp hành.
Điều đặc biệt quan trọng là tiến trình lắng nghe này diễn ra trong khung cảnh linh thiêng nhờ đó có được sự cởi mở khi chia sẻ cũng như lắng nghe. Vì lý do này, anh chị em được khuyến khích đào sâu kinh nghiệm về Tiến trình hiệp hành tại địa phương khi suy niệm Kinh thánh, khi cử hành phụng vụ và cầu nguyện. Theo cách này, hành trình chúng ta lắng nghe nhau có thể là một kinh nghiệm đích thực để nhận biết tiếng nói của Chúa Thánh Thần. Sự biện phân đích thực được thực hiện khi có thời gian đào sâu suy tư và sự tin tưởng lẫn nhau, có đức tin và mục đích chung.
Tài liệu chuẩn bị nhắc nhở chúng ta về bối cảnh mà Công nghị này đang diễn ra: đại dịch toàn cầu, các xung đột địa phương và quốc tế, tác động ngày càng tăng của biến đổi khí hậu, việc di cư, các hình thức bất công, phân biệt chủng tộc, bạo lực, bách hại, và gia tăng bất bình đẳng trên toàn nhân loại, đó là chỉ nêu lên một số vấn đề. Trong Giáo hội, bối cảnh cũng được đánh dấu bằng những đau khổ mà các trẻ vị thành niên và những người dễ bị tổn thương phải chịu “vì bị lạm dụng tình dục, lạm dụng quyền lực, và lạm dụng lương tâm do một số đáng kể các giáo sĩ và người thánh hiến gây ra”[1].Với tất cả những gì đang nói, chúng ta thấy mình đang ở một thời điểm quan trọng trong đời sống của Giáo hội và thế giới. Đại dịch Covid-19 đã làm bùng nổ những bất bình đẳng vốn có. Đồng thời, cuộc khủng hoảng toàn cầu này khiến chúng ta ý thức lại rằng tất cả chúng ta đều ở trên cùng một con thuyền và “vấn đề của cá nhân là vấn đề của tất cả” (FT, 32). Bối cảnh của đại dịch Covid-19 chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc triển khai Tiến trình hiệp hành. Cơn đại dịch toàn cầu này thực sự tạo ra những thách thức trong việc tổ chức và thực hiện, nhưng cũng là cơ hội thúc đẩy Hội thánh hồi sinh ở thời điểm quan trọng trong lịch sử nhân loại, khi nhiều Giáo hội địa phương phải đối mặt với những vấn đề khác nhau về con đường phía trước.
Giữa bối cảnh này, tính hiệp hành thể hiện con đường qua đó Hội thánh có thể được đổi mới nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, khi cùng nhau lắng nghe những gì Thiên Chúa nói với Dân Người. Tuy nhiên, cuộc hành trình chung này không chỉ làm chúng ta hợp nhất với nhau cách sâu xa hơn trong tư cách là Dân Thiên Chúa, mà còn sai phái chúng ta thực hiện sứ mạng của mình, như một chứng tá ngôn sứ bao trùm toàn thể gia đình nhân loại, cùng với các tông phái Kitô hữu anh em và các truyền thống tôn giáo khác.
1.2 Hiệp hành là gì? Bối cảnh cho Thượng Hội đồng này
Bằng việc triệu tập Thượng Hội đồng này, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi toàn thể Giáo hội suy tư về một chủ đề có ý nghĩa quyết định đối với đời sống và sứ mạng của mình: “Con đường hiệp hành này là chính con đường Thiên Chúa mong đợi nơi Hội thánh của thiên niên kỷ thứ ba”[2]. Tiếp theo đường hướng canh tân Hội thánh do Công đồng Vatican II đề xuất, cuộc hành trình cùng đi chung với nhau này vừa là một hồng ân vừa là một nhiệm vụ. Bằng cách cùng nhau suy tư về hành trình đã qua, với sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, các thành viên trong Giáo hội sẽ có thể học hỏi kinh nghiệm và quan điểm của nhau (PD, 1). Được soi sáng bởi Lời Chúa và hiệp nhất trong lời cầu nguyện, chúng ta sẽ có thể phân định các diễn trình để tìm kiếm thánh ý Chúa và theo đuổi các con đường mà Thiên Chúa kêu gọi chúng ta – hướng tới sự hiệp thông sâu sắc hơn, tham gia đầy đủ hơn và với tinh thần cởi mở hơn để hoàn thành sứ mạng của mình trong thế giới. Ủy ban Thần học Quốc tế (ITC) mô tả tính hiệp hành như sau:
“Synod” là một từ cổ kính trong Truyền thống của Giáo hội, ý nghĩa của nó được rút ra từ những nội dung sâu xa nhất của Mặc khải […] Nó chỉ ra con đường mà Dân Chúa cùng nhau bước đi. Tương tự như thế, từ này đề cập đến Đức Giêsu, Đấng tự giới thiệu chính Ngài là “con đường, sự thật và sự sống” (Ga 14,6), và đến sự kiện là các Kitô hữu, những người đi theo Ngài, ban đầu được gọi là “những người đi theo Con Đường đó” ( x. Cv 9,2; 19,9.23; 22,4; 24,14.22).
Trước hết và trên hết, tính hiệp hành biểu thị một phong cách đặc trưng của đời sống và sứ mạng của Hội thánh, diễn tả bản chất của Hội thánh là Dân Thiên Chúa đồng hành cùng nhau và tập họp trong cộng đoàn, được Chúa Giêsu quy tụ bằng quyền năng của Chúa Thánh Thần để loan báo Tin Mừng. Tính hiệp hành phải được thể hiện trong cách sống và làm việc bình thường của Hội thánh.
Theo nghĩa này, tính hiệp hành giúp cho toàn thể Dân Chúa cùng nhau tiến bước, lắng nghe Chúa Thánh Thần và Lời Chúa, tham gia vào sứ mạng của Giáo hội trong sự hiệp thông mà Đức Kitô thiết lập giữa chúng ta. Cuối cùng, con đường đồng hành này là cách hiệu quả nhất để biểu lộ và thực hành bản chất của Giáo hội với tư cách là Dân Chúa lữ hành và truyền giáo (PD, 1).
Toàn thể Dân Chúa qua Bí tích Rửa tội chia sẻ cùng một phẩm giá và ơn gọi. Nhờ Bí tích Rửa tội, tất cả chúng ta đều được mời gọi tham gia tích cực vào đời sống của Hội thánh. Trong các giáo xứ, các cộng đồng Kitô hữu nhỏ, các phong trào giáo dân, các cộng đoàn tu trì, và các hình thức hiệp thông khác, nam nữ, trẻ già, tất cả chúng ta được mời gọi lắng nghe nhau để nhận ra sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, Ngài đến để hướng dẫn những nỗ lực nhân loại của chúng ta, thổi sinh khí vào Hội thánh và dẫn chúng ta vào sự hiệp thông sâu xa hơn cho sứ mạng của chúng ta trong thế giới. Khi Hội thánh dấn bước trên con đường hiệp hành này, chúng ta phải cố gắng đi sâu vào kinh nghiệm thực sự lắng nghe và biện phân, trên bước đường trở thành Hội thánh mà Thiên Chúa kêu gọi chúng ta trở thành.
1.3 Mục đích Thượng Hội đồng này nhắm đến. Các mục tiêu của Tiến trình hiệp hành
Hội thánh thừa nhận rằng tính hiệp hành là một phần không thể thiếu trong chính bản chất của mình. Đặc tính hiệp hành của Hội thánh được thể hiện qua các Công đồng đại kết, các Thượng Hội đồng Giám mục, các Công nghị giáo phận, các hội đồng giáo phận và giáo xứ. Chúng ta có thể trải nghiệm các hình thức “hiệp hành” đã có trong Hội thánh bằng nhiều cách, tuy nhiên đặc tính hiệp hành của Hội thánh không bị giới hạn trong các thiết chế hiện hành. Thật vậy, tính hiệp hành không phải là một sự kiện hay một khẩu hiệu, mà đúng hơn là một kiểu mẫu và một cách thức hiện hữu qua đó Hội thánh thực hiện sứ mạng của mình trong thế giới. Sứ mạng của Hội thánh đòi hỏi toàn Dân Chúa cùng đồng hành với nhau, với mỗi thành viên đang đóng vai trò cốt yếu của mình, và cùng hiệp nhất với nhau. Hội thánh hiệp hành tiến bước trong sự hiệp thông để theo đuổi một sứ mạng chung với sự tham gia của mọi thành viên và mỗi thành viên. Mục tiêu của Tiến trình hiệp hành không phải là cung cấp kinh nghiệm tạm thời hoặc một lần về tính hiệp hành, mà là tạo cơ hội cho toàn Dân Chúa cùng nhau phân định cách tiến bước trên con đường trở thành một Hội thánh mang tính hiệp hành hơn trong tầm nhìn dài hạn.
Một trong những thành quả của Công đồng Vatican II là thiết chế về Thượng Hội đồng Giám mục. Trong khi từ trước đến nay Công nghị các giám mục diễn ra như cuộc hội họp của các giám mục cùng với Đức Giáo hoàng và dưới quyền Đức Giáo hoàng, thì giờ đây Hội thánh ngày càng nhận ra hiệp hành là con đường của toàn thể Dân Chúa. Do đó, Tiến trình hiệp hành không đơn thuần chỉ là đại hội của các giám mục nhưng còn là hành trình dành cho tất cả các tín hữu, trong đó mỗi Giáo hội địa phương đảm nhận phần trách vụ không thể thiếu của mình. Công đồng Vatican II giúp những người đã chịu phép Rửa, cả các đấng bậc và giáo dân, ý thức lại rằng tất cả đều được kêu gọi để tham gia tích cực vào sứ mạng cứu độ của Hội thánh (LG, 32-33). Các tín hữu đã được lãnh nhận Chúa Thánh Thần trong Bí tích Rửa tội và Thêm sức, đồng thời được ban cho những ân sủng và đặc sủng khác nhau để canh tân và xây dựng Hội thánh, với tư cách là chi thể của Thân thể Chúa Kitô. Do đó, huấn quyền của Đức Giáo hoàng và các giám mục đối thoại với cảm thức đức tin, vốn là tiếng nói sống động của Dân Thiên Chúa (x. ITC, Cảm thức đức tin trong đời sống Hội thánh, 74). Con đường hiệp hành tìm cách đưa ra các quyết định mục vụ phản ánh thánh ý Chúa một cách trung thành hết sức có thể, trên nền tảng là tiếng nói sống động của Dân Chúa (ITC, Syn., 68). Cần lưu ý rằng việc cộng tác với các nhà thần học – giáo dân, giáo sĩ và tu sĩ – có thể là sự trợ giúp hữu ích để tiếng nói của Dân Chúa, vốn là cách biểu lộ thực tại đức tin dựa trên kinh nghiệm sống của Dân Chúa, được diễn tả cách rõ ràng.
Trong khi các Thượng Hội đồng gần đây đã xem xét các chủ đề như tân phúc âm hóa, gia đình, giới trẻ, và Amazon, thì Thượng Hội đồng hiện nay lại tập trung vào chủ đề đặc biệt là tính hiệp hành.
Câu hỏi căn bản hướng dẫn Tiến trình hiệp hành mà hiện nay chúng ta đang thực hiện là: Để Hội thánh có thể loan báo Tin Mừng, việc “cùng nhau cất bước hành trình” hiện đang diễn ra thế nào trên các cấp độ khác nhau (từ địa phương đến hoàn vũ)? Đồng thời để Hội thánh phát triển như một Hội thánh hiệp hành, Thần Khí đang mời gọi chúng ta thực hiện những bước đi nào? (PD, 2)
Dưới ánh sáng này, Thượng Hội đồng hiện nay, với tư cách toàn thể Dân Chúa, nhắm đến mục tiêu là lắng nghe những gì Chúa Thánh Thần đang nói với Hội thánh. Chúng ta thực hiện việc này bằng cách cùng nhau lắng nghe Lời Chúa trong Kinh thánh và Truyền thống sống động của Hội thánh, và rồi bằng cách lắng nghe nhau, đặc biệt là lắng nghe những người bên lề, cũng như phân định các dấu chỉ thời đại. Trên thực tế, toàn bộ Tiến trình hiệp hành có mục đích thúc đẩy những trải nghiệm sống động về sự phân định, tham gia và đồng trách nhiệm, là nơi quy tụ mọi loại ân sủng khác nhau để phục vụ cho sứ mạng của Hội thánh trên toàn thế giới.
Hiểu theo nghĩa này, rõ ràng mục đích của Thượng Hội đồng hiện nay không phải là soạn thêm tài liệu, mà đúng ra là tạo niềm hứng khởi để con người mơ về một Hội thánh mà chúng ta được mời gọi trở thành, là làm cho niềm hy vọng của họ được nảy nở, là khơi dậy niềm tin, là băng bó các vết thương, là tạo nên những mối tương quan mới mẻ và sâu sắc hơn, là học hỏi lẫn nhau, là xây dựng những nhịp cầu, là thắp sáng tâm trí, là sưởi ấm cõi lòng và phục hồi sức mạnh cho đôi tay để phục vụ sứ mạng chung của chúng ta (PD, 32). Vì vậy, mục tiêu của Tiến trình hiệp hành này không chỉ là hàng loạt các cuộc diễn tập hết bắt đầu rồi lại kết thúc, mà là một hành trình phát triển đích thực hướng tới sự hiệp thông và sứ mạng mà Thiên Chúa kêu gọi Hội thánh thực hiện trong thiên niên kỷ thứ ba này.
Việc đồng hành này sẽ yêu cầu chúng ta canh tân não trạng và cơ cấu Giáo hội để thực hiện lời Thiên Chúa mời gọi Giáo hội giữa những dấu chỉ hiện nay của thời đại. Việc lắng nghe toàn thể Dân Chúa sẽ giúp Hội thánh đưa ra các quyết định mục vụ phù hợp hết sức có thể với thánh ý Chúa (ITC, Syn., 68). Viễn cảnh cuối cùng để định hướng con đường hiệp hành này của Hội thánh là để phục vụ cho cuộc đối thoại của Thiên Chúa với nhân loại (DV, 2) và để cùng nhau tiến vào Nước Chúa (x. LG, 9; RM, 20). Cuối cùng, Tiến trình hiệp hành tìm cách hướng tới một Hội thánh trổ sinh nhiều hoa trái hơn để làm cho Nước trời mau đến.
1.4 Chủ đề của Thượng Hội đồng: Hướng đến một Hội thánh hiệp hành: Hiệp thông, Tham gia và Sứ vụ
Trong buổi lễ kỷ niệm 50 năm thành lập thiết chế Thượng Hội đồng Giám mục vào tháng 10 năm 2015, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tuyên bố rằng “thế giới mà chúng ta đang sống và được kêu gọi yêu thương và phục vụ, ngay cả giữa những mâu thuẫn của nó, đòi hỏi Hội thánh tăng cường sự hợp tác trong tất cả các lĩnh vực truyền giáo của mình”. Lời kêu gọi cộng tác vào sứ mệnh của Hội thánh này được gửi đến toàn thể Dân Chúa. Đức Thánh Cha Phanxicô đã minh định điều đó khi trực tiếp mời gọi toàn thể Dân Chúa hãy góp phần nỗ lực để Hội thánh hướng tới việc chữa lành: “Mỗi người đã chịu phép Rửa cần phải cảm thấy mình có liên quan đến sự thay đổi của Giáo hội và xã hội mà chúng ta rất cần phải có. Việc thay đổi này đòi hỏi sự hoán cải mang tính cá nhân và cộng đồng, giúp chúng ta nhìn xem mọi sự như Chúa nhìn”. Vào tháng 4 năm 2021, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khởi xướng một cuộc hành trình hiệp hành của toàn thể Dân Chúa, để rồi được khởi sự vào tháng 10 năm 2021 tại mỗi Giáo hội địa phương và cao điểm là tháng 10 năm 2023 trong Đại hội toàn thể của Thượng Hội đồng Giám mục.
CÁC TỪ THEN CHỐT DÀNH CHO TIẾN TRÌNH HIỆP HÀNH
Chủ đề của Thượng Hội đồng là “Hướng đến một Hội thánh hiệp hành: Hiệp thông, Tham gia và Sứ vụ.” Ba chiều kích của chủ đề là hiệp thông, tham gia và sứ vụ. Ba chiều kích này có mối quan hệ mật thiết với nhau. Chúng là những trụ cột quan trọng của một Hội thánh hiệp hành. Không có thứ bậc giữa chúng. Thay vào đó, mỗi chiều kích làm phong phú và định hướng cho hai chiều kích kia. Giữa ba chiều kích này tồn tại một mối tương quan năng động, cần phải được hiểu rõ mối tương quan này cùng với cả ba chiều kích của nó.
– Hiệp thông: Do ý muốn nhân lành, qua giao ước ban cho dân, Thiên Chúa quy tụ chúng ta lại với nhau như những dân khác biệt nhưng cùng một đức tin. Cội nguồn sâu xa nhất của sự hiệp thông mà chúng ta cùng chia sẻ phát xuất từ tình yêu và sự hiệp nhất của Thiên Chúa Ba Ngôi. Chính Chúa Kitô là Đấng hòa giải chúng ta với Chúa Cha và liên kết chúng ta với nhau trong Chúa Thánh Thần. Khi liên kết với nhau, chúng ta kín múc niềm hứng khởi từ việc lắng nghe Lời Chúa, qua Truyền thống sống động của Hội thánh, và được bén rễ sâu vào cảm thức đức tin mà chúng ta cùng chia sẻ. Tất cả chúng ta đều có vai trò của mình trong việc biện phân và thực hiện lời kêu gọi mà Thiên Chúa dành cho Dân Ngài.
– Tham gia: Lời kêu gọi tất cả những ai thuộc về Dân Chúa – giáo dân, người được thánh hiến và giáo sĩ – hãy dấn thân vào cuộc thao luyện lắng nghe nhau cách chân thành và tôn trọng. Việc lắng nghe này tạo ra không gian để chúng ta cùng nhau lắng nghe Chúa Thánh Thần, và dẫn lối cho những khát vọng của chúng ta đối với Hội thánh trong Thiên niên kỷ thứ ba. Nền tảng thực sự của việc tham gia là tất cả các tín hữu đều có đủ tư cách và được kêu gọi để phục vụ lẫn nhau qua các ân ban mà mỗi người đã nhận được từ Chúa Thánh Thần. Trong Hội thánh hiệp hành, với các thành viên hết sức đa dạng, toàn thể cộng đồng được kêu gọi cùng nhau cầu nguyện, lắng nghe, phân tích, đối thoại, biện phân và góp ý cho việc đưa ra các quyết định mục vụ phù hợp hết sức có thể với ý muốn của Thiên Chúa (ICT, Syn., 67-68). Phải thực sự nỗ lực để đảm bảo những người ở bên lề hoặc cảm thấy bị loại trừ đều được nhập cuộc.
– Sứ mạng: Hội thánh hiện hữu để loan báo Tin Mừng. Chúng ta không bao giờ được phép tập trung vào chính mình. Sứ mạng của chúng ta là làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa giữa toàn thể gia đình nhân loại. Tiến trình hiệp hành mang chiều kích truyền giáo rõ nét. Mục đích của tiến trình này là giúp Hội thánh làm chứng cho Tin Mừng cách hữu hiệu hơn, đặc biệt với những người sống ở vùng ngoại vi của thế giới chúng ta xét về mặt tâm linh, xã hội, kinh tế, chính trị, địa lý và hiện sinh. Theo cách này, hiệp hành là con đường qua đó Hội thánh có thể hoàn thành cách hiệu quả hơn sứ mạng loan báo Tin Mừng cho thế giới, như nắm men làm cho nước Thiên Chúa mau đến.
1.5 Kinh nghiệm ở cấp địa phương
Giai đoạn đầu tiên của Tiến trình hiệp hành là giai đoạn lắng nghe trong các Giáo hội địa phương. Sau lễ khai mạc tại Roma vào thứ Bảy, mồng 9 tháng 10 năm 2021, giai đoạn cấp giáo phận của Thượng Hội đồng sẽ bắt đầu vào Chúa nhật, ngày 17 tháng 10 năm 2021. Để hỗ trợ giai đoạn đầu của hành trình hiệp hành, vào tháng 5 năm 2021, vị Tổng thư ký Thượng Hội đồng Giám mục, Đức Hồng y Mario Grech, đã viết thư cho mỗi giám mục đề nghị chỉ định một người hoặc một ban linh hoạt để hướng dẫn giai đoạn lắng nghe tại địa phương. Người hoặc ban này cũng có nhiệm vụ liên lạc giữa giáo phận với các giáo xứ, cũng như giữa giáo phận đó với hội đồng giám mục. Các Giáo hội địa phương được yêu cầu cung cấp phản hồi của mình cho hội đồng giám mục để có thể tổng hợp các ý kiến trước thời hạn chót là tháng 4 năm 2022. Bằng cách này, các hội đồng giám mục và các công nghị Giáo hội Đông phương có thể lần lượt cung cấp một bản tổng hợp cho Thượng Hội đồng Giám mục. Tài liệu này sẽ được tổng hợp làm cơ sở để soạn thảo hai tài liệu làm việc (được gọi là Instrumentum Laboris). Cuối cùng, Đại hội Thượng Hội đồng Giám mục sẽ được tổ chức tại Roma vào tháng 10 năm 2023.
Như đã được trình bày trong Tài liệu chuẩn bị (số 31):
Mục đích của giai đoạn đầu tiên trong hành trình hiệp hành là thúc đẩy tiến trình thỉnh ý trên diện rộng để thu thập kho kinh nghiệm sống tinh thần hiệp hành từ các mục tử và tín hữu tại tất cả các cấp độ của Giáo hội [địa phương], theo cách thức trình bày và các khía cạnh khác nhau của những kinh nghiệm này, thông qua các phương tiện thích hợp nhất tùy theo tình hình thực tế của mỗi địa phương: các cuộc thỉnh ý, do giám mục điều phối, được triển khai đến “các linh mục, phó tế và giáo dân trong các Giáo hội [địa phương], hoặc theo tư cách cá nhân hoặc trong các hiệp hội, không bỏ qua sự đóng góp quý giá mà những người nam và nữ thánh hiến có thể cống hiến” (EC, 7). Đặc biệt yêu cầu sự đóng góp của các tổ chức và hội đoàn hiện hành trong các Giáo hội [địa phương], nhất là của hội đồng linh mục và hội đồng mục vụ, từ sự đóng góp đó “[có thể thực sự] bắt đầu hình thành một Giáo hội hiệp hành”[3]. Sự đóng góp của các thực thể Giáo hội khác mà Tài liệu chuẩn bị [và Cẩm nang này] sẽ được gửi đến, cũng như của những người muốn gửi trực tiếp ý kiến của mình sẽ có giá trị ngang nhau. Cuối cùng, điều quan trọng cơ bản là những người nghèo và người bị loại trừ cũng được cất lên tiếng nói của mình, chứ không chỉ những người có vai trò hoặc trách nhiệm nào đó trong các Giáo hội [địa phương].
Các dòng tu, phong trào giáo dân, hiệp hội tín hữu và các nhóm khác trong Giáo hội được khuyến khích tham gia vào Tiến trình hiệp hành trong bối cảnh của các Giáo hội địa phương. Tuy nhiên họ, cũng như bất kỳ nhóm hoặc cá nhân nào không có cơ hội tham gia ở cấp địa phương, có thể đóng góp trực tiếp cho Văn phòng Tổng thư ký như đã nêu trong Episcopalis Communio (điều 6 về Thỉnh ý Dân Chúa):
- 1. Việc thỉnh ý Dân Chúa diễn ra trong các Giáo hội riêng biệt, thông qua các Công nghị giám mục của các Giáo hội Đông phương và Tổng giáo miền chính, các Hội đồng Giáo chủ và các Đại hội Giáo phẩm của các Giáo hội tự trị sui iuris và qua các Hội đồng giám mục. Trong mỗi Giáo hội riêng biệt, các giám mục thực hiện việc thỉnh ý Dân Chúa bằng cách nhờ đến các tổ chức và hội đoàn hiện hành được luật quy định mà không loại trừ các hình thức mà các ngài cho là phù hợp.
- 2. Các khối liên hiệp, các liên dòng, các hội nghị tu hội thánh hiến và tu đoàn tông đồ nam và nữ tham vấn các bề trên thượng cấp, các vị bề trên này, đến lượt họ, có thể thăm dò ý kiến nơi các hội đồng tư vấn của họ và những thành viên khác của tu hội và tu đoàn đang được nói đến.
- 3. Cùng cách thức như vậy, các hiệp hội giáo dân đã được Tòa thánh công nhận, thỉnh ý các thành viên của mình.
- 4. Các bộ của giáo triều Rôma cống hiến những đóng góp của mình, có lưu ý đến những lĩnh vực thuộc thẩm quyền chuyên biệt của họ.
- 5. Văn phòng Tổng thư ký của Thượng Hội đồng có thể xác định các hình thức khác của việc thỉnh ý Dân Chúa.
Mỗi giai đoạn lắng nghe sẽ được thích ứng với hoàn cảnh địa phương. Cách thức tham gia của những người vùng sâu vùng xa, thiếu điều kiện truy cập Internet, có thể khác với những người ở đô thị. Các cộng đồng hiện đang hứng chịu đại dịch Covid-19 có thể tạo các cơ hội đối thoại và lắng nghe khác với các cộng đồng có tỷ lệ phục hồi cao. Cho dù hoàn cảnh địa phương có thế nào, (các) linh hoạt viên của Giáo phận nên tập trung vận động cho việc hòa nhập và tham gia tối đa, tìm cách tiếp cận để thu hút được nhiều người nhất có thể, đặc biệt là những người ở ngoại vi, vốn là những người thường bị loại trừ và quên lãng. Việc tham gia tối đa như thế bảo đảm cho các bản đúc kết từ các cấp giáo phận, các hội đồng giám mục và toàn thể Giáo hội, nắm bắt được những thực tại có thật và kinh nghiệm sống của Dân Chúa. Vì sự nhập cuộc này của Dân Chúa là nền tảng và là hương vị đầu tiên của kinh nghiệm hiệp hành đối với nhiều người, nên điều cốt yếu là mọi thực hành lắng nghe cấp địa phương phải được hướng dẫn bởi nguyên lý hiệp thông, tham gia và sứ vụ vốn là các nguyên lý truyền cảm hứng cho con đường hiệp hành. Việc triển khai Tiến trình hiệp hành cấp địa phương cũng phải bao gồm:
– Tính phân định qua việc lắng nghe, để tạo ra không gian cho sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
– Khả năng tiếp cận, để bảo đảm rằng càng nhiều người tham gia càng tốt, bất kể vùng miền, ngôn ngữ, giáo dục, tình trạng kinh tế xã hội, khả năng / thiểu năng và các nguồn vật lực.
– Ý thức văn hóa để tôn vinh và đón nhận sự đa dạng trong các cộng đồng địa phương.
– Tính quy tụ, cố gắng hết sức để những người cảm thấy bị loại trừ hoặc bị gạt ra ngoài lề xã hội được hội nhập.
– Tính liên đới dựa trên mô hình Giáo hội đồng trách nhiệm.
– Tinh thần tôn trọng các quyền, phẩm giá và ý kiến của mỗi người tham gia.
– Khả năng tổng hợp chính xác, thực sự nắm bắt được các quan điểm khác nhau mang tính phê bình và tán dương của tất cả các hồi đáp, gồm cả các quan điểm dẫu chỉ là của một thiểu số.
– Tính minh bạch, bảo đảm rằng các tiến trình mời gọi, tham gia, hòa nhập và thu nhập dữ liệu thì rõ ràng và được thông báo đầy đủ.
– Tính công bằng, bảo đảm mỗi người được đối xử bình đẳng trong việc tham gia vào tiến trình lắng nghe, để mọi tiếng nói đều có thể được đón nghe cách thích đáng.
(Các) linh hoạt viên trong giáo phận được khuyến khích vận dụng nguồn kinh nghiệm sống của Giáo hội vào bối cảnh địa phương. Trong suốt giai đoạn giáo phận, nên ghi nhớ các nguyên tắc của Tiến trình hiệp hành và sự cần thiết của một số yếu tố mang tính cấu trúc của cuộc đàm luận, để qua đó giáo phận có thể tổng hợp các ý kiến và cung cấp thông tin cách hữu hiệu cho việc soạn thảo các tài liệu làm việc (Instrumentum Laboris). Mục đích của chúng ta là chú ý để nhận biết Thần Khí nói thế nào qua Dân Chúa.
2. CÁC NGUYÊN TẮC CỦA MỘT TIẾN TRÌNH HIỆP HÀNH
2.1 Thành phần tham gia
Đọc toàn bộ Tin Mừng, chúng ta thấy cách thức Chúa Giêsu đến với mọi người. Ngài không chỉ cứu riêng từng người nhưng cứu họ với tư cách là dân được Ngài quy tụ, Ngài như một Mục tử của một đoàn chiên (x. Ga 10,16). Sứ vụ của Chúa Giêsu cho chúng ta thấy không ai bị loại trừ khỏi kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.
Làm sao chúng ta có thể hiểu được công trình loan báo Tin Mừng và sứ điệp cứu độ nếu Chúa Giêsu không thường xuyên mở ra với cử tọa rộng lớn nhất có thể. Tin Mừng đề cập tới cử tọa này như đám đông, được làm nên bởi hết những ai theo Chúa Giêsu trên con đường của Ngài và tất cả mọi người được Chúa Giêsu mời gọi bước theo Ngài. Công đồng Vaticanô II nhấn mạnh rằng “Mọi người đều được mời gọi vào đoàn Dân mới của Thiên Chúa” (LG, 13). Thiên Chúa thực sự hoạt động trong toàn thể những ai Ngài đã quy tụ lại. Đây là lý do tại sao “Toàn thể tín hữu được Đấng Thánh xức dầu nên không thể sai lầm trong đức tin, họ biểu lộ thuộc tính đặc biệt này qua cảm thức siêu nhiên về đức tin của toàn thể dân Chúa, khi có sự đồng thuận từ các giám mục đến những người bé mọn nhất trong các tín hữu về những điều liên quan đến đức tin và phong hoá” (LG 12). Hơn nữa, Công đồng còn chỉ ra rằng việc biện phân đó được Chúa Thánh Thần linh hoạt và được tiến hành qua việc đối thoại giữa mọi dân tộc, qua việc đọc các dấu chỉ thời đại trong sự trung thành với giáo huấn của Hội thánh.
Trong ánh sáng này, mục tiêu của giai đoạn cấp giáo phận là thỉnh ý Dân Chúa để Tiến trình hiệp hành được thực hiện qua việc lắng nghe mọi người đã chịu phép Rửa. Bằng cách triệu tập Thượng Hội đồng này, Đức Thánh Cha Phanxicô đang mời gọi mọi người đã chịu phép Rửa tham gia vào Tiến trình hiệp hành, bắt đầu từ cấp giáo phận. Các giáo phận được mời gọi lưu ý rằng đối tượng chính của kinh nghiệm hiệp hành là mọi người đã chịu phép Rửa. Đặc biệt, cần chú ý đến những ai có nguy cơ bị loại trừ: phụ nữ, người khuyết tật, người tị nạn, người di cư, người lớn tuổi, người nghèo, những người Công giáo ít khi hay không bao giờ thực hành đức tin, v.v… Cũng nên tìm ra những phương thức sáng tạo để cả thiếu nhi và giới trẻ cũng được hòa nhập vào Tiến trình hiệp hành này.
Hợp lại với nhau, mọi người đã chịu phép Rửa đều là chủ thể của cảm thức đức tin, vốn là tiếng nói sống động của Dân Chúa. Đồng thời, đối với những ai đã chịu phép Rửa, điều quan trọng để tham gia trọn vẹn vào việc phân định là: lắng nghe tiếng nói của người khác trong bối cảnh địa phương của họ, gồm cả những ai đã lìa bỏ thực hành đức tin, những người thuộc các truyền thống tôn giáo khác, những người không có niềm tin tôn giáo, v.v… Vì như Công đồng đã tuyên bố: “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo âu của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và của bất cứ ai đang đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo âu của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà họ lại không cảm nhận trong đáy lòng họ” (Gs, 1).
Vì lý do này, trong khi mọi người đã chịu phép Rửa được đặc biệt kêu mời tham gia vào Tiến trình hiệp hành này, không nên để ai – bất kể hệ phái tôn giáo của họ – bị loại trừ khỏi việc chia sẻ viễn tượng và các kinh nghiệm của họ, trong chừng mực họ muốn giúp Hội thánh trên hành trình hiệp hành của Hội thánh trong việc tìm kiếm những gì là tốt lành và chân thực. Điều này đặc biệt đúng đối với những người dễ bị tổn thương hoặc bị loại trừ nhất.
2.2 Tiến trình thực sự mang tính hiệp hành: Lắng nghe, biện phân và tham dự
Trước hết và trên hết, Tiến trình hiệp hành là một tiến trình thiêng liêng. Đây không phải là chuyện cứ máy móc thu thập dữ liệu hay tổ chức hàng loạt những cuộc hội họp và thảo luận. Mục đích của việc lắng nghe mang tính chất hiệp hành là biện phân, vì thế đòi hỏi chúng ta phải học biết và sử dụng nghệ thuật biện phân cá nhân và cộng đoàn. Chúng ta lắng nghe nhau, lắng nghe truyền thống đức tin của chúng ta và lắng nghe các dấu chỉ thời đại để nhận biết những gì Chúa đang nói với chúng ta. Đức Giáo Hoàng Phanxicô mô tả hai mục đích tương thuộc của tiến trình lắng nghe là: “Lắng nghe Thiên Chúa, để cùng với Ngài chúng ta có thể nghe thấy tiếng kêu của Dân Ngài; lắng nghe Dân Ngài cho đến khi chúng ta hòa hợp với ý muốn mà Thiên Chúa kêu gọi chúng ta đón nhận ý muốn đó”[4].
Đây không phải là loại biện phân chỉ thao dợt một lần, nhưng căn bản là một cách sống, đặt nền tảng trên Đức Kitô, theo sự chỉ dẫn của Chúa Thánh Thần, sống sao cho vinh quang Chúa được rạng rỡ hơn. Sự biện phân cộng đoàn giúp xây dựng các cộng đoàn năng động và bền bỉ thi hành sứ vụ của Hội thánh ngày nay. Biện phân tuy là ơn ban của Thiên Chúa, nhưng cũng đòi hỏi chúng ta góp phần qua những cách thức đơn sơ là cầu nguyện, suy tư, chú ý đến tâm tình bên trong, lắng nghe và nói với nhau cách chân thành, ý nghĩa và cởi mở.
Hội thánh trao cho chúng ta nhiều phương cách biện phân thiêng liêng. Theo ý nghĩa thiêng liêng, biện phân là nghệ thuật lý giải xem con tim muốn dẫn dắt chúng ta theo hướng nào, không để mình bị quyến rũ bởi những gì dẫn dắt chúng ta đến nơi chẳng bao giờ chúng ta muốn đến. Biện phân có liên quan đến suy tư và vận dụng cả con tim và khối óc để đưa ra những quyết định trong đời sống cụ thể của chúng ta nhằm tìm kiếm và nhận ra ý Chúa.
Nếu trong Tiến trình hiệp hành, lắng nghe là phương pháp và biện phân là mục đích, thì tham gia là con đường. Càng tham gia chúng ta càng ra khỏi chính mình để có tương quan với người khác, với những người có quan điểm khác chúng ta. Lắng nghe những người đồng quan điểm sẽ chẳng mang lại thành quả gì. Đối thoại đòi hỏi phải cùng nhau xem xét những ý kiến khác nhau. Thật vậy, Thiên Chúa thường nói qua những người mà chúng ta dễ dàng loại trừ, gạt qua một bên hay không đếm xỉa đến. Chúng ta phải hết sức nỗ lực để lắng nghe những người mà chúng ta có ý xem thường và những người thúc ép chúng ta phải xem xét những quan điểm mới, có thể khiến chúng ta phải thay đổi cách suy nghĩ.
2.3 Thái độ tham gia Tiến trình hiệp hành
Đức Thánh Cha Phanxicô, trong nhiều dịp, đã chia sẻ quan điểm của ngài về cách thức thực thi hiệp hành trong thực tế. Những thái độ cụ thể sau đây cho phép chúng ta thực sự lắng nghe và đối thoại khi tham gia vào Tiến trình hiệp hành.
– Tính hiệp hành đòi phải dành thời gian cho việc chia sẻ: Chúng ta được mời gọi can đảm nói thẳng nói thật (parrhesia) để có thể phối hợp giữa tự do, sự thật và bác ái. Qua đối thoại mỗi người có thể hiểu biết hơn.
– Khiêm tốn lắng nghe phải đi đôi với việc can đảm nói ra: Mọi người đều có quyền được người khác lắng nghe, cũng như mọi người đều có quyền được nói. Cuộc đối thoại hiệp hành phụ thuộc vào sự can đảm của cả người nói lẫn người nghe. Không phải là sửa soạn lao vào cuộc tranh luận để tranh thắng. Đúng hơn, là đón chào những gì người khác nói như cách thế qua đó Chúa Thánh Thần có thể nói vì lợi ích của mọi người (x. 1Cor 12,7).
– Đối thoại đưa chúng ta đến đổi mới: Chúng ta phải sẵn sàng thay đổi ý kiến dựa trên những gì chúng ta nghe được từ người khác.
– Sẵn sàng hoán cải và thay đổi: Thông thường, chúng ta có thể kháng cự những gì Chúa Thánh Thần đang cố gắng thôi thúc chúng ta đón nhận. Chúng ta được kêu gọi từ bỏ những thái độ tự mãn và an phận khiến chúng ta đưa ra những quyết định chỉ dựa vào những cách thức hoạt động xưa cũ.
– Thượng Hội đồng là cuộc thao luyện biện phân của Hội thánh: Biện phân phải dựa trên niềm xác tín rằng Thiên Chúa vẫn đang hoạt động trong thế giới và chúng ta được kêu gọi để lắng nghe điều Thần Khí khơi gợi nơi chúng ta.
– Chúng ta là dấu chỉ cho một Hội thánh lắng nghe và lữ hành: Khi lắng nghe, Hội thánh noi gương Thiên Chúa, Đấng lắng nghe những tiếng than khóc của Dân Ngài. Tiến trình hiệp hành mang lại cho chúng ta cơ hội mở lòng ra để thực sự lắng nghe, không dùng những giải pháp đã có hay những quyết định rập theo công thức.
– Loại bỏ các thành kiến và khuôn mẫu sẵn: Chúng ta có thể bị trì trệ bởi những yếu đuối và tội lỗi của mình. Bước đầu tiên để lắng nghe là giải phóng trí óc và con tim khỏi những thiên kiến và khuôn mẫu dẫn vào đường lầm, đưa đến u mê và chia rẽ.
– Vượt khỏi tai họa giáo sĩ trị: Hội thánh là Thân thể Chúa Kitô, được ban nhiều loại đặc sủng khác nhau, trong đó mỗi thành viên có một vai trò duy nhất. Giữa đoàn dân thánh của Thiên Chúa, tất cả chúng ta độc lập với nhau và chia sẻ cùng một phẩm tính. Theo hình tượng Đức Kitô, quyền lực đích thực đó là việc phục vụ.
– Chữa trị virus tự mãn: Tất cả chúng ta trên cùng một con thuyền. Cùng hợp đoàn, chúng ta làm nên Thân thể Đức Kitô. Bỏ đi thói ảo tưởng tự mãn, chúng ta mới có thể học hỏi lẫn nhau, đồng hành với nhau và phục vụ lẫn nhau. Chúng ta có thể xây những nhịp cầu bắc qua những bức tường đôi khi đe dọa ngăn cách chúng ta, như tuổi tác, giới tính, giàu nghèo, năng lực, giáo dục, v.v…
– Vượt qua ý thức hệ: Chúng ta phải tránh nguy cơ cho rằng ý tưởng thì quan trọng hơn thực tại đời sống đức tin của những người đang sống niềm tin đó cách cụ thể.
– Nâng cao niềm hy vọng: Thực hiện những gì đúng đắn chân thật, chứ không lôi kéo sự chú ý hay để nổi đình nổi đám, nhưng đúng hơn, để trung thành với Thiên Chúa và phục vụ Dân Ngài. Chúng ta được kêu gọi trở nên ngọn hải đăng của niềm hy vọng, chứ phải là người báo trước họa diệt vong.
– Thượng Hội đồng là thời gian để ước mơ và “dành thời gian sống tương lai”: Chúng ta được khích lệ tạo lập một tiến trình tại địa phương nhằm truyền cảm hứng cho mọi người, không ai bị loại trừ trong việc tạo ra một viễn cảnh tương lai đầy niềm vui Tin Mừng. Những tâm thế sau đây sẽ giúp những người tham dự (x. Christus Vivit):
+ Quan điểm mới mẻ: Để phát triển những cách tiếp cận mới, với tính sáng tạo và ít nhiều táo bạo.
+ Tính chất quy tụ: Một Hội thánh thông dự và đồng trách nhiệm, có khả năng đánh giá đúng sự phong phú đa dạng của mình, gồm hết những ai thường bị chúng ta quên lãng hay không biết tới.
+ Tinh thần cởi mở: Chúng ta hãy tránh những chiêu bài ý thức hệ và hãy dùng mọi phương pháp luận đã từng tỏ ra hữu dụng.
+ Lắng nghe mọi người và mỗi người: Bằng cách học hỏi từ người khác, chúng ta có thể phản ánh tốt hơn thực tại muôn mặt tuyệt vời mà Hội thánh của Đức Kitô đã được tiền định để trở thành.
+ Hiểu biết về việc “cùng nhau cất bước hành trình”: Để đi con đường mà Thiên Chúa kêu gọi Hội thánh đảm nhận cho ngàn năm thứ ba.
+ Hiểu khái niệm về một Hội thánh đồng trách nhiệm: Để đánh giá và lãnh nhận vai trò và ơn gọi duy nhất của mỗi chi thể trong Thân thể Đức Kitô, phục vụ cho sự đổi mới và xây dựng Hội Thánh toàn thể.
+ Vươn ra thông qua đối thoại đại kết và liên tôn: Để cùng ước mơ và cùng đi với nhau đến toàn thể gia đình nhân loại.
2.4 Các cạm bẫy cần tránh
Như đối với mọi cuộc hành trình, chúng ta cần nhận ra những cạm bẫy có thể có, gây cản trở cho tiến trình của chúng ta trong suốt thời gian hiệp hành này. Phải tránh những cạm bẫy sau đây để tiếp thêm sinh khí và tăng hiệu quả cho Tiến trình hiệp hành:
1) Cám dỗ muốn tự mình dẫn dắt mình thay vì để Thiên Chúa dẫn dắt. Sự hiệp hành không phải là một cuộc thao dượt của tập thể mang tính chiến lược, đúng hơn, đây là một tiến trình thiêng liêng do Chúa Thánh Thần dẫn dắt. Chúng ta có thể bị cám dỗ quên đi rằng chúng ta là những lữ khách và tôi tớ trên con đường mà Thiên Chúa vạch ra cho chúng ta. Những nỗ lực khiêm tốn của chúng ta để tổ chức và phối hợp là nhằm phụng sự Thiên Chúa, Đấng hướng dẫn chúng ta trên đường. Chúng ta là đất sét trong bàn tay Thợ gốm là Thiên Chúa (x. Is 64,8).
2) Cám dỗ tập trung vào mình và những mối quan tâm tức thời của chúng ta. Tiến trình hiệp hành là cơ hội để mở ra, để nhìn chung quanh, để thấy từ những góc độ khác và trong sứ vụ truyền giáo, là để đi ra, đi đến những vùng ngoại biên. Việc này đòi chúng ta phải nghĩ đến những mục tiêu dài hạn, đồng thời cũng có nghĩa là nới rộng viễn tượng của chúng ta tới những chiều kích của Giáo hội toàn thể và đặt ra những câu hỏi như: Kế hoạch của Thiên Chúa cho Giáo hội ở đây và hiện nay là gì? Làm thế nào chúng ta có thể thực hiện giấc mơ của Thiên Chúa cho Giáo Hội ở tầm mức địa phương?
3) Cám dỗ chỉ nhìn thấy “những vấn đề”. Thế giới và Giáo hội đang đương đầu với nhiều thách thức, khó khăn và thiếu thốn. Tuy nhiên, nếu chú ý thái quá đến những vấn đề đó, chúng ta sẽ kiệt sức, mất can đảm và bi quan. Nếu chỉ tập trung vào bóng tối, có thể chúng ta sẽ không thấy ánh sáng. Thay vì chỉ chú tâm vào những gì không hay, chúng ta hãy biết nhận ra đâu là nơi Chúa Thánh Thần đang tác sinh sự sống và cách thức chúng ta có thể để cho Thiên Chúa hoạt động nhiều hơn.
4) Cám dỗ chỉ chú trọng đến cơ cấu. Dĩ nhiên, Tiến trình hiệp hành sẽ đòi phải đổi mới cơ cấu của Giáo hội ở mọi cấp độ, để thúc đẩy sự hiệp thông sâu xa hơn, tham gia trọn vẹn hơn và sứ vụ trổ sinh nhiều hoa trái hơn. Tuy nhiên, liên quan đến kinh nghiệm hiệp hành không nên chỉ mải mê tập trung vào cơ cấu, nhưng đến kinh nghiệm cùng nhau thực hiện hành trình để biện phân con đường tương lai, do Chúa Thánh Thần gợi hứng. Việc hoán cải và đổi mới cơ cấu sẽ chỉ xảy ra thông qua tiến trình liên tục hoán cải và đổi mới của mọi chi thể trong Thân thể Đức Kitô.
5) Cám dỗ không nhìn quá những ranh giới hữu hình của Giáo hội. Khi sống theo Tin Mừng, các tín hữu hành động như men trong thế giới nơi chúng ta sống và làm việc. Tiến trình hiệp hành là thời gian để đối thoại với những người thuộc giới kinh tế và khoa học, chính trị và văn hóa, nghệ thuật và thể thao, phương tiện truyền thông và những khởi xướng xã hội. Tiến trình này sẽ là thời gian để suy tư về sinh thái học và hòa bình, về vấn đề sự sống và di cư. Chúng ta phải thấy bức tranh bao quát hơn để hoàn thành sứ mạng của mình trong thế giới này. Đây cũng là dịp để đào sâu hành trình đại kết với các tông phái Kitô giáo khác và hiểu những truyền thống tôn giáo khác cách sâu sắc hơn.
6) Cám dỗ lơ là các mục tiêu của Tiến trình hiệp hành. Để thực hiện Tiến trình Thượng Hội đồng, chúng ta cần lưu ý rằng, trong khi phạm vi các cuộc thảo luận của chúng ta có thể rất bao quát, thì mục đích của Tiến trình hiệp hành vẫn giữ nguyên, đó là biện phân cách thức Thiên Chúa kêu gọi chúng ta cùng nhau tiến bước. Không có Tiến trình hiệp hành nào giải quyết được mọi ưu tư và vấn đề của chúng ta. Tính hiệp hành là thái độ và cách tiếp cận của việc tiến bước theo cách thức đồng trách nhiệm vốn mở ra đón chào những hoa trái của Thiên Chúa được dần dần tỏ hiện.
7) Cám dỗ xung đột và chia rẽ. “Để tất cả chúng nên một” (Ga 17,21). Đây là lời Chúa Giêsu thiết tha khẩn cầu Thiên Chúa Cha, để các môn đệ của Ngài được hiệp nhất với nhau. Chúa Thánh Thần dẫn đưa chúng ta đi sâu hơn vào mối hiệp thông với Thiên Chúa và với nhau. Những mầm mống chia rẽ sẽ chẳng mang lại hoa trái gì. Thật vô ích khi cố gắng áp đặt ý một người lên toàn thể hoặc khi làm mất thể diện của những kẻ bị coi là khác biệt.
8) Cám dỗ coi Thượng Hội đồng như một kiểu nghị trường. Cám dỗ này nhầm lẫn giữa hiệp hành với “cuộc tranh luận chính trị”, bên này phải triệt hạ bên kia để dành quyền quyết định. Việc chống đối người khác hay cổ vũ các cuộc xung đột gây chia rẽ, đe dọa sự hiệp nhất và hiệp thông trong Hội thánh đều là những điều trái ngược với tinh thần hiệp hành.
9) Cám dỗ chỉ lắng nghe những thành phần hoạt động trong Giáo hội. Làm như thế có thể giúp cho việc điều hành được dễ dàng hơn, nhưng rốt cuộc lại bỏ sót một số lượng Dân Chúa đáng kể.
3. TIẾN TRÌNH THƯỢNG HỘI ĐỒNG
Hình trên là sơ đồ tổng thể của Tiến trình Thượng Hội đồng. Văn phòng Tổng thư ký công bố Tài liệu chuẩn bị và Cẩm nang như những công cụ để các Giáo hội địa phương thực hiện giai đoạn cấp giáo phận của Thượng Hội đồng. Mỗi Giáo hội địa phương sẽ thu góp các thành quả của giai đoạn giáo phận thành một bản đúc kết. Sau đó, dựa trên những đúc kết do các Giáo phận gởi đến, mỗi Hội đồng giám mục và Công nghị Giáo hội Đông phương sẽ soạn thảo một bản tổng hợp. Các thành phần định chế khác trong Giáo hội cũng sẽ nhận được Cẩm nang và Bản câu hỏi này (xem phần 5) để tham dự vào cuộc thỉnh ý và có thể soạn thảo bản tổng hợp của riêng họ. Các thành phần định chế này bao gồm các bộ tại giáo triều Roma, liên hiệp các bề trên tổng quyền và liên hiệp quốc tế các bề trên tổng quyền, các hiệp hội và liên dòng khác, các phong trào giáo dân quốc tế, các trường đại học và các khoa thần học. Văn phòng Tổng thư ký sẽ soạn thảo ấn bản đầu tiên của Tài liệu làm việc dựa trên những bản tổng hợp nhận được từ các hội đồng giám mục, các công nghị Giáo hội Đông phương, và các thành phần định chế khác của Giáo hội được Tông hiến Episcopalis Communio đề cập đến. Sau đó, Tài liệu làm việc đầu tiên này sẽ được thảo luận tại các cuộc họp cấp châu lục (xem phần 3.3 bên dưới). Dựa trên các tài liệu được thực hiện ở cấp châu lục, ấn bản thứ hai của Tài liệu làm việc sẽ được biên soạn để Đại hội Thượng Hội đồng Giám mục sử dụng vào tháng 10 năm 2023 (Văn phòng Tổng thư ký Thượng Hội đồng Giám mục).
3.1 Giai đoạn cấp giáo phận
Phần lớn thành quả của giai đoạn lắng nghe này sẽ đến từ những buổi thảo luận trong các giáo xứ, các phong trào giáo dân, các trường học và đại học, các dòng tu, các cộng đồng Kitô giáo lân cận, các phong trào xã hội, các phong trào đại kết và liên tôn, cùng các nhóm hoạt động khác. Vì các giám mục khởi xướng giai đoạn này, nên có khả năng là việc vận động tham gia ở cấp giáo phận sẽ được điều phối thông qua các kênh liên lạc thường xuyên của giám mục giáo phận. Những giáo xứ có hội đồng mục vụ giáo xứ và các giáo phận có hội đồng mục vụ giáo phận, có thể sử dụng các cơ cấu “hiệp hành” hiện có này để tổ chức, tạo điều kiện và mang lại sức sống cho Tiến trình hiệp hành ở cấp địa phương, miễn sao có thể nỗ lực tiếp cận các vùng ngoại vi và những tiếng nói không mấy khi được nghe thấy. Mục đích của việc này không phải để chất thêm gánh nặng trên các giáo phận và giáo xứ, nhưng là để hòa nhập Tiến trình hiệp hành vào đời sống của Giáo hội địa phương bằng những cách thức sáng tạo nhằm thúc đẩy sự hiệp thông sâu sắc hơn, sự tham gia đầy đủ hơn, và việc truyền giáo hiệu quả hơn.
Trong giai đoạn lắng nghe này, Dân Chúa được khuyến khích quy tụ lại, cùng nhau trả lời cho những gợi ý từ các câu hỏi/hình ảnh/tình huống, lắng nghe nhau và đưa ra những phản hồi, ý kiến, phản ứng và đề nghị của cá nhân và tập thể. Tuy nhiên, nếu vì hoàn cảnh (chẳng hạn những hạn chế do đại dịch hoặc do cách xa nhau) khiến việc tương tác trực tiếp trở nên khó khăn, thì những hình thức như các nhóm thảo luận trực tuyến có người chủ trì, các hoạt động trực tuyến tự quản, các nhóm “chat”, trao đổi qua điện thoại và các hình thức truyền thông xã hội khác nhau, kể cả các bảng câu hỏi trên giấy và trực tuyến đều có thể được sử dụng. Các tài liệu giúp cầu nguyện, các bài suy niệm Lời Chúa, các bản thánh ca, cũng như các tác phẩm nghệ thuật, thơ ca v.v… cũng có thể được sử dụng để khích lệ suy tư và đối thoại.
Giai đoạn cấp giáo phận này là cơ hội để các giáo xứ và giáo phận gặp gỡ, cảm nghiệm và cùng nhau thực hiện những bước đường hiệp hành, nhờ thế khám phá hoặc phát triển các phương cách và con đường hiệp hành phù hợp nhất với bối cảnh địa phương, và cuối cùng chúng sẽ trở thành phong cách mới của các Giáo hội địa phương trên con đường hiệp hành.
Do đó, Thượng Hội đồng này không chỉ mong đợi những phản hồi góp phần hỗ trợ Đại hội Thượng Hội đồng Giám mục được tổ chức tại Roma vào tháng 10 năm 2023, mà còn mong muốn thúc đẩy các Giáo hội sống tinh thần hiệp hành và cảm nghiệm điều đó trong suốt tiến trình này và cả trong tương lai nữa. Đã có các Giáo hội địa phương dấn bước vào cuộc hành trình này và cống hiến những nguồn tài liệu tuyệt vời, chẳng hạn như tài liệu “Hướng dẫn Tiến hành Đại hội Giáo hội của Hội đồng giám mục Châu Mỹ Latinh” cùng các tài liệu quan trọng của “Hội đồng Toàn thể tại Úc”. Anh chị em nên tham khảo các nguồn tài liệu này để hỗ trợ và truyền cảm hứng cho công tác của anh chị em tại Giáo hội địa phương.
3.2 Vai trò của các hội đồng giám mục và các công nghị Giáo hội Đông phương
Một khi giai đoạn cấp giáo phận đã đạt đến cao trào với Hội nghị Tiền-Thượng Hội đồng giáo phận và bản đúc kết của giáo phận, các hội đồng giám mục và công nghị Giáo hội Đông phương sẽ thâu tập các thông tin và các phản hồi mà họ đã nhận được từ các giáo phận Công giáo và giáo khu Đông phương để soạn thảo bản tổng hợp phản ánh thích đáng các đóng góp của những người tham gia cấp địa phương. Các hội đồng giám mục và các công nghị Giáo hội Đông phương được kêu gọi để biện phân và thu thập sự tổng hợp bao quát hơn này, thông qua Hội nghị Tiền-Thượng Hội đồng của mình.
Sau đó, những tổng hợp này sẽ là cơ sở cho ấn bản đầu tiên của Tài liệu làm việc do Văn phòng Tổng thư ký của Thượng Hội đồng Giám mục xuất bản.
3.3 Giai đoạn tại châu lục
Tài liệu Làm việc đầu tiên này sẽ là tài liệu làm việc cho bảy cuộc họp lục địa: Châu Phi (SECAM); Châu Đại Dương (FCBCO); Châu Á (FABC); Trung Đông (CPCO); Châu Mỹ Latinh (CELAM); Châu Âu (CCEE) và Bắc Mỹ (USCCB và CCCB).
Bảy cuộc họp quốc tế này sẽ lần lượt đưa ra bảy Văn kiện cuối cùng làm cơ sở cho ấn bản Tài liệu làm việc thứ hai và ấn bản này sẽ được sử dụng tại Đại hội Thượng Hội đồng Giám mục vào tháng 10 năm 2023.
3.4 Đại hội Thượng Hội đồng Giám mục
Các giám mục và quan sát viên sẽ họp với Đức Thánh Cha Phanxicô trong Đại hội Thượng Hội đồng Giám mục ở Rôma vào tháng 10 năm 2023 để phát biểu và lắng nghe nhau dựa trên Tiến trình Thượng Hội đồng cấp địa phương. Mục đích của Thượng Hội đồng Giám mục không phải là làm lu mờ vai trò của giáo phận, hội đồng giám mục / công nghị Giáo hội Đông phương, và các giai đoạn châu lục, nhưng là để biện phân ở mức độ hoàn vũ tiếng nói của Chúa Thánh Thần, Đấng đã và đang nói trong toàn thể Giáo hội.
3.5 Giai đoạn thực hiện
Vì Thượng Hội đồng này nhằm thúc đẩy một phong cách mới sống tinh thần hiệp thông, tham gia và sứ vụ của Giáo hội, nên giai đoạn thực hiện sẽ mang tính quyết định đối với việc cùng tiến bước trên con đường hiệp hành. Với ý định triển khai việc thực hiện này tại tất cả các Giáo hội địa phương trên toàn thế giới, Tiến trình Thượng Hội đồng vừa là điểm xuất phát và cũng vừa là điểm đến của toàn thể Dân Chúa (EC, 7). (Các) linh hoạt viên của Giáo phận, các cá nhân và các tổ chức khác có liên quan đến giai đoạn của giáo phận có thể giúp ích cho giai đoạn thực hiện này, bao gồm hội đồng mục vụ giáo phận, hội đồng linh mục và các hội đồng mục vụ giáo xứ.
Hy vọng rằng kinh nghiệm của Tiến trình Thượng Hội đồng sẽ mang lại một mùa xuân mới cho việc lắng nghe, phân định, đối thoại và ra quyết định, để toàn thể Dân Chúa có thể thực hiện tốt hơn cuộc hành trình cùng bước đi bên nhau và cùng bước đi với toàn thể gia đình nhân loại, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
4. CON ĐƯỜNG HIỆP HÀNH TẠI CÁC GIÁO PHẬN
4.1 Tóm tắt những dự kiến trong giai đoạn giáo phận
Giai đoạn đầu tiên này của Tiến trình Thượng Hội đồng là nền tảng cho tất cả các giai đoạn tiếp theo. Mục đích của giai đoạn giáo phận, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, là nhằm cống hiến cho nhiều người, càng nhiều càng tốt, một kinh nghiệm hiệp hành thực sự trong việc lắng nghe nhau và cùng nhau tiến về phía trước, chứ không đơn giản chỉ là trả lời một bảng câu hỏi.
Thần Khí Thiên Chúa soi sáng và ban sức sống cho cuộc hiệp hành này, cũng chính là Thần Khí đang hoạt động trong sứ vụ mà Chúa Giêsu đã giao phó cho các tông đồ của Người. Chúa Thánh Thần hoạt động qua mọi thế hệ môn đệ là những người nghe Lời Chúa và đem ra thực hành. Thần Khí do Chúa Kitô sai đến không chỉ xác nhận tính liên tục của Tin Mừng Chúa Giêsu, mà còn soi sáng chiều sâu luôn mới mẻ của Lời Chúa và soi dẫn các quyết định cần thiết để duy trì cuộc hành trình của Hội thánh và tiếp thêm sinh lực cho Hội thánh trong sứ mạng của mình (xem Ga 14,25-26; 15,26-27; 16,12-15) (PD, 16).
Tài liệu Chuẩn bị đã phác họa hai “hình ảnh” từ Kinh thánh để gợi hứng cho hành trình chúng ta xây dựng Hội thánh hiệp hành. Hình ảnh đầu tiên xuất hiện từ “khung cảnh cộng đồng” vốn luôn kèm theo hành trình loan báo Tin Mừng, từ khi Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ rao giảng: mỗi người đều có chỗ của mình – Chúa Giêsu, các tông đồ và đám đông (PD, 17-21). Hình ảnh thứ hai đề cập đến kinh nghiệm về Chúa Thánh Thần, trong đó Thánh Phêrô và cộng đoàn sơ khai nhận ra nguy cơ đặt ra những giới hạn không chính đáng trong việc chia sẻ đức tin (PD, 22-24). Chúng tôi khuyến khích anh chị em suy gẫm về hai hình ảnh này như nguồn dinh dưỡng và cảm hứng trong Tiến trình hiệp hành.
Tin Mừng chứng thực cho cách thức Chúa Giêsu thường xuyên tìm đến những người bị loại trừ, bị gạt ra ngoài lề xã hội và bị lãng quên. Một đặc điểm chung trong suốt sứ vụ của Chúa Giêsu là đức tin luôn nảy sinh khi con người được quý trọng: lời cầu xin của họ được lắng nghe, khi gặp khó khăn họ được trợ giúp, sự quảng đại của họ được đánh giá cao, phẩm giá của họ được Thiên Chúa nhìn nhận và được phục hồi trong cộng đồng. Như Phêrô đã được biến đổi bởi kinh nghiệm của ngài với Cornêliô, chúng ta cũng phải để chính mình được biến đổi bởi những gì Thiên Chúa đang mời gọi chúng ta. Với Tiến trình hiệp hành, Thiên Chúa dẫn dắt chúng ta trên con đường hoán cải thông thường đó là qua những gì chúng ta cùng nhau trải nghiệm. Thiên Chúa thường đến với chúng ta qua người khác và Ngài đến với người khác qua chúng ta theo những nẻo đường bất ngờ.
Để điều này xảy ra, cần phải nỗ lực thu hút nhiều người tham gia, tham gia nhiều nhất có thể và tham gia cách đầy ý nghĩa. Đây là trách nhiệm đầu tiên của (các) linh hoạt viên của Giáo phận, vốn là người được chỉ định để hướng dẫn và linh hoạt giai đoạn cấp giáo phận của Tiến trình hiệp hành. Mọi việc sẽ hóa ra vô ích nếu khởi đầu cách hời hợt hoặc theo kịch bản, không thể hiện được đầy đủ và chính xác kinh nghiệm của những người tham dự cũng như không diễn tả đầy đủ được tầm mức và sự đa dạng của các kinh nghiệm.
Theo nghĩa này, giai đoạn giáo phận nên bắt đầu bằng cách tìm ra những cách vận động hiệu quả nhất để đạt được sự tham gia rộng rãi nhất có thể. Cá nhân chúng ta phải đi ra các vùng ngoại vi, đến với những người đã rời bỏ Giáo hội, những người chẳng mấy khi hoặc không bao giờ thực hành đức tin, những người trải qua cảnh nghèo đói hoặc bị gạt ra ngoài lề xã hội, những người tị nạn, những người bị loại trừ, những người không có tiếng nói, v.v…
Trọng tâm của kinh nghiệm hiệp hành là lắng nghe Chúa qua việc lắng nghe nhau, nhờ được Lời Chúa soi dẫn. Chúng ta lắng nghe nhau để nghe rõ hơn tiếng Chúa Thánh Thần đang nói trong thế giới hôm nay. Việc này có thể kéo dài buổi họp, nhưng dẫu sao vẫn rất nên tổ chức một số buổi họp cho phép tạo ra bầu khí chia sẻ tương thân tương ái hơn, ở đó mọi người quen biết nhau, tin tưởng nhau và cảm thấy có thể nói chuyện thoải mái hơn, khi đó buổi họp trở thành một buổi cảm nghiệm về sự đồng hành với nhau, một trải nghiệm thực sự mang tính hiệp hành. Trong các buổi họp, ngoài lúc chia sẻ và lắng nghe cần sự nghiêm túc hơn, cũng nên có những lúc thoải mái. Các cuộc hành hương, các hoạt động nhóm, các cuộc biểu diễn nghệ thuật và thậm chí cả giờ nghỉ giải lao cũng có thể giúp nuôi dưỡng ý thức cộng đồng thông qua trải nghiệm chia sẻ cuộc sống với nhau.
Các cuộc họp này diễn ra như thế nào sẽ tùy thuộc vào hoàn cảnh địa phương. Có thể liên kết các giáo xứ lại với nhau, cũng như liên kết các hệ thống thừa tác vụ như mục vụ chăm sóc sức khỏe hoặc mục vụ giáo dục Công giáo, các dòng tu, các phong trào giáo dân và các nhóm đại kết.
Để bắt đầu và tạo điều kiện trải nghiệm việc chia sẻ và lắng nghe này, bản câu hỏi ở phần 5 dưới đây có đưa ra các câu hỏi gợi ý. Mục đích không phải là trả lời tất cả các câu hỏi mà là chọn ra những câu hỏi thích đáng nhất với bối cảnh địa phương. Anh chị em cũng có thể đặt những câu hỏi khác, chúng tôi khuyến khích điều đó. Yêu cầu sau đây được xem như một hướng dẫn chung: Xin hãy nhấn mạnh vào các loại câu hỏi gợi lên những câu chuyện cá nhân và trải nghiệm thực tế hơn là những phát biểu mang tính “giáo điều”. Xin xem phần 5 để biết một số ví dụ.
Các phản hồi nhận được qua suốt quá trình lắng nghe nên được thu tập và viết thành một bản “đúc kết”. Như được giải thích trong lộ trình dưới đây (phần 4.4), bất cứ khi nào trong giáo phận có cuộc họp để trả lời các câu hỏi được phác thảo trong Cẩm nang này (phần 5) thì đều nên viết một bản đúc kết. Cùng với việc mỗi giáo phận viết một bản đúc kết, thì sau cùng mỗi hội đồng giám mục sẽ viết một bản tổng hợp. Mục đích của những bản tổng hợp này, dù ở bất kỳ cấp nào, cũng không phải là nhằm tạo ra một bản tóm tắt chung chung về mọi điều đã được nói, hay như kiểu một bài thu hoạch mang tính học thuật. Đúng hơn, đây là một hành động biện phân để lựa chọn và viết ra những gì sẽ đóng góp cho giai đoạn tiếp theo của Tiến trình Thượng Hội đồng, bằng cách gửi chúng cho giáo phận (trong trường hợp thỉnh ý trong giáo phận) và cuối cùng là gửi cho hội đồng giám mục (trong trường hợp bản đúc kết do giáo phận viết). Theo nghĩa này, bản tổng hợp không chỉ tường trình các xu hướng chung và các điểm tương đồng, mà còn làm nổi bật những điểm tạo đồng thuận, khơi lên một quan điểm độc đáo hoặc mở ra một chân trời mới. Trong bản tổng hợp nên dành sự quan tâm đặc biệt cho tiếng nói của những người thường không được lắng nghe và nên kết hợp cả những gì mà chúng ta có thể gọi là “ý kiến trái chiều của thiểu số”. Để phản ánh đúng những gì đã được lắng nghe, việc phản hồi không chỉ nhấn mạnh những trải nghiệm tích cực mà còn cho thấy những trải nghiệm mang tính thách thức và tiêu cực. Trong phản hồi cũng nên truyền đạt điều gì đó về kinh nghiệm của cuộc họp địa phương: thái độ của những người tham dự, niềm vui và những thách thức khi cùng nhau phân định.
Tiếp đến, phản hồi nhận được từ các cuộc họp địa phương này sẽ được biên soạn thành bản đúc kết cấp giáo phận. Chính bản đúc kết do mỗi giáo phận soạn thảo khi kết thúc tiến trình lắng nghe và phân định sẽ là phần đóng góp cụ thể của giáo phận cho hành trình của toàn thể Dân Chúa. Cũng có thể dùng bản đúc kết này làm tài liệu giúp xác định các bước tiếp theo trong hành trình của Giáo hội địa phương trên con đường hiệp hành. Để tạo điều kiện cho các giai đoạn kế tiếp của Tiến trình Thượng Hội đồng, cần phải viết thật súc tích để cô đọng thành quả của việc cầu nguyện và suy tư trong tối đa mười trang giấy. Các bản văn khác có thể được đính kèm vào bản đúc kết của giáo phận để xác nhận hoặc minh họa cho nội dung của nó.
Sau đó, bản đúc kết của mỗi giáo phận hoặc giáo khu (Đông phương) sẽ được chuyển đến các hội đồng giám mục và công nghị Giáo hội Đông phương. Đến lượt mình, các hội đồng và công nghị này sẽ soạn thảo bản tổng hợp của riêng mình với cùng một tinh thần phân định như đã nêu trên, dựa trên những bản đúc kết mà họ đã nhận được từ giáo phận / giáo khu (Đông phương). Thế rồi, các hội đồng giám mục và công nghị Giáo hội Đông phương sẽ đệ trình bản tổng hợp mà họ đã soạn lên Văn phòng Tổng thư ký của Thượng Hội đồng Giám mục, Văn phòng này sẽ soạn ấn bản đầu tiên của Tài liệu làm việc (Instrumentum Laboris) dựa trên những gì đã được chia sẻ và kinh nghiệm tại cấp địa phương.
4.2 Vai trò của giám mục trong Tiến trình hiệp hành
Không tồn tại tính hiệp hành nếu không tồn tại quyền mục tử của giám mục đoàn, dưới quyền tối thượng của đấng kế vị Thánh Phêrô, cũng như nếu không tồn tại quyền mục tử của mỗi giám mục giáo phận nơi giáo phận được giao phó cho ngài coi sóc. Thừa tác vụ của các giám mục là trở nên mục tử, thầy dạy và tư tế lo phụng tự thánh. Đặc sủng biện phân của các giám mục mời gọi các ngài thực sự trở thành những người bảo vệ, giải thích và làm chứng cho đức tin của Giáo hội. Giáo hội Công giáo duy nhất tồn tại trong và từ các Giáo hội địa phương (LG, 23). Sự trọn vẹn của Tiến trình Thượng Hội đồng chỉ có thể thực sự tồn tại khi có sự tham gia của các Giáo hội địa phương, vốn cần đến và sự tham gia của chính giám mục giáo phận. “Nhờ đặc tính công giáo ấy, mỗi phần tử mang những ân huệ riêng của mình đến cho các phần tử khác và cho toàn thể Giáo hội, để tất cả và mỗi người được vững mạnh nhờ cùng chia sẻ mọi sự và cùng hiệp lực đạt đến tình trạng viên mãn trong tình hiệp nhất” (LG, 13). Sự đa dạng cũng như bối cảnh và văn hóa của các Giáo hội địa phương đã mang lại những ân huệ khác nhau cho toàn thể Giáo hội, làm phong phú toàn Thân thể Chúa Kitô. Đây là chìa khóa để hiểu về con đường hiệp hành của Hội thánh.
Vì vậy, vai trò chính yếu của giám mục giáo phận trong Tiến trình Thượng Hội đồng này là tạo điều kiện để toàn thể Dân Chúa có được kinh nghiệm hiệp hành trên hành trình hướng tới một Hội thánh mang tính hiệp hành hơn. Giám mục giáo phận giữ vai trò chính trong việc lắng nghe Dân Chúa trong giáo phận của ngài. Dưới sự soi dẫn của Chúa Thánh Thần, giám mục có thể phân định những tiến trình lắng nghe Dân Chúa cách hiệu quả nhất, trên con đường hiệp hành mà toàn thể Giáo hội thực hiện. Để được trợ giúp trong nhiệm vụ này, giám mục giáo phận sẽ chỉ định nhân sự hoặc ban linh hoạt của giáo phận . Hợp nhau lại, họ có thể cùng biện phân trong cầu nguyện. Giám mục cần đảm nhận vai trò tích cực trong giai đoạn giáo phận của Tiến trình Thượng Hội đồng này. Sự tham gia của ngài phải thúc đẩy cuộc đối thoại cởi mở trong sự đa dạng của Dân Chúa.
Trong quá trình tổ chức, giám mục có thể đề nghị sự phản hồi và tham gia của Dân Chúa ở bất cứ nơi nào ngài thấy có cơ hội. Giám mục được mời gọi liên lạc với các đoàn thể, các tổ chức và các cơ cấu riêng của giáo phận, bao gồm hội đồng mục vụ giáo phận, hội đồng linh mục, các giáo xứ, các cộng đồng tu sĩ, các phong trào giáo dân, các thừa tác mục vụ khác (chẳng hạn như trong trường học và bệnh viện), và các ủy ban của giáo phận để khuyến khích họ tham gia vào Tiến trình hiệp hành và yêu cầu sự giúp đỡ thích đáng của họ. Dưới quyền của giám mục, (các) linh hoạt viên Giáo phận có thể liên lạc trực tiếp với các điều phối viên trong các giáo xứ và các cộng đoàn khác trong giáo phận để chuẩn bị và tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình thỉnh ý.
Đồng thời, giám mục có thể bảo đảm dành riêng các nguồn lực thích hợp, bao gồm cả tài chính, tổ chức, kỹ thuật và nhân sự. Để Tiến trình hiệp hành có thể là một nỗ lực thực sự mang tính cộng tác, giám mục cũng có vai trò khuyến khích các cá nhân và các nhóm khác nhau nhập cuộc, thu hút sự tham gia rộng rãi của các tín hữu và tiếp cận được đầy đủ các thành phần Dân Chúa: Linh mục, phó tế, những người nam và nữ thánh hiến, giáo dân. Về mặt này, các cơ cấu giáo phận vốn nhắm đến việc thao luyện tính hiệp hành có thể là nguồn hỗ trợ năng động, đặc biệt là hội đồng mục vụ giáo phận, hội đồng linh mục, hội đồng mục vụ giáo xứ, v.v…
Giám mục có thể viết một lá thư hoặc ngay cả thực hiện một video trong đó mời gọi và khuyến khích mọi người trong giáo phận tham gia tiến trình lắng nghe, đối thoại và thỉnh ý. Chúng tôi đề nghị giai đoạn cấp giáo phận của Tiến trình Thượng Hội đồng được khai mạc và kết thúc bằng một cử hành phụng vụ do giám mục chủ tọa.
Trong tiến trình thỉnh ý, vai trò cốt yếu của giám mục là lắng nghe. Mặc dù có thể có nhiều hình thức để cá nhân giám mục giáo phận tham gia vào quá trình lắng nghe, nhưng ngài được khuyến khích tham dự và chú ý lắng nghe tiếng nói của các tín hữu. Ngoài việc tham dự các buổi lắng nghe trên khắp giáo phận, giám mục có thể triệu tập những buổi họp của các cộng đoàn nhỏ đặc biệt, phi thể thức nếu ngài muốn làm như vậy, mời các đại diện từ những thành phần tiêu biểu trong giáo phận, đặc biệt là những người ở các vùng ngoại vi. Ngoài ra, ngài cũng có thể lắng nghe bằng cách xem lại các phản hồi được thu thập từ các cuộc thỉnh ý, biện phân những gì Chúa Thánh Thần đang nói qua dân được ủy thác cho ngài chăm sóc. Giám mục nên gặp (các) linh hoạt viên của Giáo phận cách đều đặn để xem xét tiến độ của cuộc thỉnh ý và để mắt đến bất kỳ thách đố nào phải đối mặt. Cần lưu ý để bảo đảm rằng sự hiện diện của giám mục và giáo sĩ không vô tình cản trở những ý kiến xác thực và không kiềm chế của các tín hữu, đặc biệt là ở những nơi có tai tiếng, hoặc đơn giản vì có sự khác biệt văn hóa.
Cuối cùng, giám mục sẽ triệu tập hội nghị Tiền-Thượng Hội đồng giáo phận để đi đến đỉnh cao kết thúc giai đoạn cấp giáo phận và rồi ngài sẽ làm việc cùng (các) linh hoạt viên Giáo phận để tổ chức hội nghị này. Cuộc tập họp này nên có được đại diện của mọi thành phần từ khắp giáo phận với mục đích cùng nhau cầu nguyện, lắng nghe, suy tư và biện phân con đường hiệp hành mà Thần Khí Chúa đang kêu gọi toàn giáo phận đi theo. Sau đó, giám mục có thể duyệt lại bản đúc kết của giáo phận với sự cộng tác của (các) linh hoạt viên Giáo phận trước khi đệ trình lên hội đồng giám mục. Một điều rất quan trọng cần lưu ý là bản đúc kết của giáo phận không nhằm phản ánh mặt tích cực hay tiêu cực của giám mục giáo phận, mà đúng hơn, phải là bản tường trình trung thực tất cả những gì đã được chia sẻ trong giai đoạn giáo phận của Tiến trình hiệp hành, đồng thời trình bày các quan điểm và cách nhìn đa chiều của Dân Chúa.
Việc bắt tay vào quá trình thỉnh ý này sẽ gợi lên nơi các mục tử nhiều cung bậc cảm xúc, từ phấn khích và vui mừng đến lo lắng, sợ hãi, bất ổn, hoặc thậm chí là hoài nghi. Đó là điều có thể hiểu được. Những sắc thái phản ứng như vậy thường là một phần của con đường hiệp hành. Các giám mục có thể chấp nhận các phản ứng đan xen đang phát sinh trong giáo phận, trong khi sẵn sàng mở lòng ra với Chúa Thánh Thần là Đấng thường hoạt động theo những cách bất ngờ và mới mẻ. Là mục tử nhân lành của đoàn chiên, giám mục được mời gọi đi trước Dân Chúa, đứng giữa họ và theo sau họ, để bảo đảm không ai bị bỏ rơi hoặc lạc đường.
4.3 Vai trò của các linh mục và phó tế trong Tiến trình hiệp hành
Thừa tác vụ của các linh mục và phó tế có hai điểm quy chiếu quan trọng: Một mặt là giám mục giáo phận và mặt khác là giáo dân được giao phó cho các ngài chăm sóc mục vụ. Do đó, sự hiện diện của các giáo sĩ trong giáo hội địa phương giúp nối kết giữa giám mục và những người mà họ phục vụ. Điều này trao cho các linh mục và phó tế vai trò then chốt trong việc cùng nhau cất bước hành trình giữa Dân Chúa, khi họ hiệp nhất với giám mục và phục vụ các tín hữu. Họ có thể nhân danh giám mục thông truyền ý ngài cho các tín hữu và ngược lại họ cũng có thể thông đạt ý của các tín hữu cho giám mục. Họ là những tác nhân hiệp thông và hiệp nhất trong việc xây dựng Thân thể Chúa Kitô, giúp các tín hữu đồng hành với nhau, cùng nhau tiến bước giữa lòng Hội Thánh. Tương tự như vậy, các giáo sĩ là những người loan báo về sự đổi mới, chú ý đến nhu cầu triển nở của đàn chiên họ coi sóc, và chỉ cho thấy cách thức Chúa Thánh Thần đang mở ra những nẻo đường mới. Cuối cùng, họ là những con người cầu nguyện, vốn là những người thúc đẩy kinh nghiệm hiệp hành thiêng liêng thực sự, nhờ đó Dân Chúa có thể chú ý hơn đến Chúa Thánh Thần và cùng nhau lắng nghe thánh ý Thiên Chúa.
Theo nghĩa này, các linh mục và phó tế có một vai trò cốt yếu trong việc đồng hành với toàn thể Dân Chúa trên con đường hiệp hành. Những nỗ lực của họ nhằm thúc đẩy và thực hành cách thế làm cho Hội thánh Chúa Kitô mang tính hiệp hành hơn thì hết sức quan trọng. Các linh mục và phó tế có thể giúp các giáo xứ, các thừa tác và các phong trào mà họ phục vụ, nâng cao nhận thức về bản chất hiệp hành của Hội thánh và ý nghĩa của hiệp hành. Các linh mục và phó tế cũng được kêu gọi để hỗ trợ, khuyến khích, thúc đẩy và tạo điều kiện khai triển giai đoạn cấp giáo phận của Tiến trình hiệp hành nơi Giáo hội địa phương. Họ làm như vậy thông qua các tổ chức và hội đoàn hiện hành đã được thành lập khắp giáo phận, chẳng hạn như hội đồng mục vụ giáo phận, hội đồng linh mục và hội đồng mục vụ giáo xứ. Rất cần có sự tham gia của các tổ chức “mang tính hiệp hành” thuộc các Giáo hội địa phương, đặc biệt là của hội đồng linh mục và hội đồng mục vụ (PD, 31). Trên con đường hiệp hành của Hội thánh, sự tham gia của các tổ chức và hội đoàn này ở cấp giáo phận “rõ ràng là yếu tố nền tảng, để từ đây một Hội thánh hiệp hành có thể bắt đầu xuất hiện” (EC, 7).
Đồng thời, các linh mục và phó tế có thể tìm ra những cách thức mới mẻ và sáng tạo để nuôi dưỡng kinh nghiệm hiệp hành đích thực giữa các tín hữu, liên kết với các sáng kiến của giám mục giáo phận và (các) linh hoạt viên trong giáo phận được chỉ định cho Tiến trình Thượng Hội đồng này. Cần lưu ý rằng việc thỉnh ý trong giai đoạn cấp giáo phận của Tiến trình Thượng Hội đồng được điều phối bởi giám mục giáo phận và được triển khai đến “các linh mục, phó tế và giáo dân trong các Giáo hội [địa phương], hoặc theo tư cách cá nhân hoặc trong các hiệp hội, không bỏ qua sự đóng góp quý giá mà những người nam và nữ thánh hiến có thể cống hiến”(EC, 7).
Tài liệu chuẩn bị cho chúng ta biết rằng trong sứ vụ của Chúa Giêsu, “Việc tuyển chọn các tông đồ không phải là đặc ân phong ban một chức quyền với lãnh địa riêng có tính phân tán mà là ân sủng của một thừa tác vụ ban phúc lành và tình huynh đệ có tính quy tụ. Nhờ ân huệ Thánh Thần của Chúa Phục Sinh, họ sẽ bảo toàn địa vị của Chúa Giêsu mà không thay thế Người: Không đặt các lăng kính để lọc bớt sự hiện diện của Người nhưng làm cho việc gặp gỡ Người được trở nên dễ dàng” (PD, 19). Cũng vậy, tất cả các giáo sĩ với các thánh ân và đặc sủng được phú ban và lãnh nhận qua việc truyền chức, đều có vai trò quan trọng để bảo đảm rằng kinh nghiệm hiệp hành này là cuộc gặp gỡ đích thực với Chúa Kitô Phục Sinh nhờ đắm mình trong cầu nguyện, được nuôi dưỡng bằng việc cử hành Thánh Thể, và được soi dẫn khi lắng nghe Lời Chúa.
4.4 Lộ trình (các bước mẫu cho giai đoạn giáo phận)
Các nhiệm vụ liên quan đến việc thực hiện giai đoạn lắng nghe và đối thoại trong mỗi giáo phận sẽ thay đổi tùy theo những nhân tố địa phương, nhưng cách tiếp cận chung sẽ bao gồm các bước sau:
1) Chỉ định (các) linh hoạt viên của Giáo phận
Mỗi giáo phận nên chọn một hoặc hai cá nhân để làm (các) linh hoạt viên của Giáo phận. Phụ lục A cho biết chi tiết về các trách nhiệm và đức tính cần có của các linh hoạt viên này. Lý tưởng nhất là chỉ định hai người đồng sự như một kiểu mẫu của tinh thần đồng trách nhiệm. Nếu giáo phận có nhiều hơn thì nên chỉ định ít nhất một nữ và một nam. Đây có thể là công việc tự nguyện hoặc được trả thù lao, và có thể do (những) người đã làm việc trong giáo phận đảm nhiệm. Các linh hoạt viên của Giáo phận có thể là linh mục, tu sĩ, hoặc giáo dân. Các giáo phận có thể nghĩ đến vai trò có thể có của (các) linh hoạt viên trong giáo phận, với viễn tượng tiếp tục phục vụ con đường hiệp hành tại giáo phận cho đến tháng 10 năm 2023 và sau đó nữa.
2) Thành lập một nhóm hiệp hành giáo phận
(Các) linh hoạt viên của Giáo phận có thể sẽ cần phải làm việc với sự cộng tác của một nhóm nòng cốt, nhóm này có thể được quy tụ thông qua một tiến trình mở, bao gồm những người bày tỏ sự quan tâm của họ, hoặc qua sự bổ nhiệm của giám mục giáo phận. Các thành viên của nhóm hiệp hành giáo phận này có thể bao gồm các đại diện từ các giáo xứ, phong trào, thừa tác viên giáo phận và dòng tu. Họ có thể được quy tụ thành một ban cố vấn và hoạt động, giúp (các) liên lạc viên của giáo phận. Ngoài giai đoạn cấp giáo phận của Thượng Hội đồng hiện tại, nhóm hiệp hành giáo phận có thể cộng tác với giám mục giáo phận tiếp tục thúc đẩy và thực hiện con đường hiệp hành của giáo phận trong tương lai.
3) Biện phân hướng đi cho giáo phận
Tài liệu chuẩn bị và Cẩm nang cung cấp thông tin về Thượng Hội đồng hiện nay và đưa ra các hướng dẫn cho việc tổ chức tiến trình thỉnh ý. Các tài liệu này sẽ được áp dụng cách khác nhau trong các bối cảnh khác nhau, tùy vào thực tế và những thách đố hiện nay trong Giáo hội địa phương và trong xã hội, cũng như tùy vào bất kỳ những Tiến trình hiệp hành nào diễn ra cùng lúc hoặc gần đây trong giáo phận. Có thể dùng các tài liệu này trong việc suy tư cầu nguyện nhằm biện phân các lĩnh vực quan yếu của giáo phận.
4) Lập kế hoạch cho tiến trình tham gia
Mỗi giáo phận nên nhắm tới sự tham gia rộng rãi nhất có thể, với sự đa dạng hóa phương cách tổ chức. Có thể là các cuộc họp cấp giáo xứ, cuộc họp liên giáo xứ, các nhóm liên quan đến học đường, các hiệp hội địa phương, các diễn đàn trực tuyến, các nhóm ngôn ngữ đặc biệt, và các phương tiện phù hợp để tiếp cận những người vẫn còn ở xa Giáo hội. Lý tưởng nhất là tạo cơ hội cho các nhóm khác nhau lắng nghe nhau. Nên xác định và chuẩn bị sẵn các nguồn lực cần thiết cho tiến trình thỉnh ý, bao gồm ngân quỹ chung, cơ sở vật chất và các diễn đàn trực tuyến. Giữa các giáo phận nên có sự liên đới để hỗ trợ về tài chính và nhân lực khi cần thiết.
5) Chuẩn bị nhóm điều phối viên cho các cuộc họp thỉnh ý mang tính hiệp hành
Nhóm hiệp hành giáo phận có thể làm việc thông qua các điều phối viên để thực hiện cuộc họp thỉnh ý hiệp hành trên toàn giáo phận. Ví dụ, việc thỉnh ý hiệp hành trong một giáo xứ có thể được giám sát bởi một điều phối viên giáo xứ là người cùng làm việc với nhóm [điều phối] trong giáo xứ đó. Tất cả các điều phối viên cần được hướng dẫn tường tận về tinh thần, các mục tiêu và quan điểm của Tiến trình Thượng Hội đồng, và nên truy cập vào các nguồn tài liệu liên quan bao gồm Cẩm nang này và trang mạng Synod. Sau đó, điều phối viên có thể biện phân và lập tiến trình phù hợp nhất cho nhóm mình, giữ liên lạc với nhóm hiệp hành giáo phận.
6) Cuộc hội thảo định hướng cho nhóm hiệp hành giáo phận và các điều phối viên địa phương
Vì mức độ hiểu biết và kinh nghiệm liên quan đến tính hiệp hành của các tín hữu trong giáo phận có thể khác nhau, có thể tổ chức các cuộc hội thảo huấn luyện để họ biết về định hướng của tính hiệp hành và trang bị cho họ những kỹ năng cơ bản dùng trong các Tiến trình hiệp hành. Những kỹ năng đó bao gồm việc thực hiện các cuộc họp thỉnh ý hiệp hành, và việc huấn luyện cơ bản này tự nó là một kết quả có giá trị của Tiến trình Thượng Hội đồng hiện nay. Phụ lục B cung cấp một phác thảo về cách hướng dẫn một buổi họp thỉnh ý hiệp hành tiêu biểu. Điều quan trọng hàng đầu là áp dụng các phương pháp phù hợp để tạo bầu khí thuận tiện cho việc chú ý lắng nghe, chia sẻ chân thành và cùng biện phân thiêng liêng. Các nguồn tài liệu khác nữa có sẵn trên trang mạng Synod.
7) Truyền thông cho mọi người
Nhằm gây ý thức và khuyến khích sự tham gia, có thể quảng bá về Thượng Hội đồng để truyền đạt ý nghĩa và các mục tiêu của Thượng Hội đồng cũng như cách thức tham gia. Trên trang mạng Synod có đưa ra vài mẫu tài liệu dùng để quảng bá.
8) Thực hiện, giám sát và hướng dẫn tiến trình thỉnh ý hiệp hành
Sau khi đã sẵn sàng, tiến trình thỉnh ý hiệp hành sẽ bắt đầu. Trọng tâm của giai đoạn này là các cuộc họp thỉnh ý hiệp hành sắp diễn ra trên toàn giáo phận. Có thể tổ chức một buổi cử hành phụng vụ cấp giáo phận để khai mạc giai đoạn giáo phận và cầu khẩn Chúa Thánh Thần hướng dẫn toàn bộ tiến trình. Trong suốt giai đoạn giáo phận, (các) linh hoạt viên của Giáo phận nên giữ liên lạc thường xuyên với nhóm điều phối viên các cuộc họp thỉnh ý hiệp hành toàn giáo phận để giám sát tiến độ, hỗ trợ những nơi cần thiết, và tạo điều kiện cho việc trao đổi các ý kiến, các cách thực hiện hay nhất, và các phản hồi nổi bật. Nên ấn định cụ thể ngày gửi các ý kiến phản hồi, có thể tuân theo các hướng dẫn cho việc chuẩn bị bản đúc kết của giáo phận như được mô tả bên dưới.
9) Hội nghị Tiền-Thượng Hội đồng giáo phận
Hết sức khuyến khích việc ghi dấu đỉnh cao của tiến trình thỉnh ý trong giáo phận bằng Hội nghị Tiền-Thượng Hội đồng giáo phận, bao gồm cả cử hành phụng vụ. Nên mở rộng mời nhiều thành phần đại diện trong khắp giáo phận tham gia với mục đích cùng nhau cầu nguyện, lắng nghe, suy tư và biện phân con đường hiệp hành mà Thần Khí Chúa đang kêu gọi toàn giáo phận thực hiện. Phụ lục C đưa ra các đề nghị để tổ chức hội nghị này.
10) Chuẩn bị và đệ trình bản đúc kết của giáo phận
Cuối cùng, nên chuẩn bị một bản đúc kết của giáo phận dựa trên tất cả các phản hồi đã được thu thập và sắp xếp từ khắp giáo phận cũng như dựa trên diễn biến của Hội nghị Tiền-Thượng Hội đồng. Phụ lục D gợi ý một đề cương. Bản đúc kết này phải được đệ trình lên hội đồng giám mục vào ngày đã ấn định. Sau khi hoàn thành, bản đúc kết này nên được phổ biến trên toàn giáo phận. Trong suốt tiến trình của Thượng Hội đồng, nên duy trì việc bổ nhiệm (các) linh hoạt viên của Giáo phận, ít nhất là cho đến khi diễn ra Đại hội Thượng Hội đồng Giám mục vào tháng 10 năm 2023, và sau ngày này, nếu có thể họ vẫn tiếp tục vai trò của mình. Trong các giai đoạn kế tiếp của Thượng Hội đồng hiện tại, họ sẽ là mối liên lạc cho các hội đồng giám mục và cho các cuộc họp cấp châu lục, và có thể giúp giáo phận tiếp tục tham gia vào Tiến trình hiệp hành. Nơi nào cần, họ cũng có thể bảo đảm một sự chuyển tiếp êm thắm nhằm thực hiện bất kỳ đề nghị nào được nêu lên trong tiến trình thỉnh ý tại giáo phận. Xét cho cùng, Tiến trình hiệp hành này không phải là kết thúc mà là một khởi đầu mới.
4.5 Những thành tố cơ bản của kinh nghiệm hiệp hành
Các bước đã được liệt kê ở trên trong phần 4.4 chính là những hướng dẫn. Về cơ bản, giai đoạn giáo phận đòi hỏi phải có những “thành tố” tương tự như Đại hội Thượng Hội đồng Giám mục, như Đại hội sẽ diễn ra ở Roma vào tháng 10 năm 2023. Những thành tố này là: Một cử hành phụng vụ để khai mạc, một đại hội đông đảo được quy tụ, những buổi họp nhóm nhỏ, những khoảnh khắc tĩnh lặng và cầu nguyện, những cuộc trò chuyện thân mật, những kinh nghiệm được chia sẻ (chẳng hạn như những cuộc hành hương, những cuộc trình diễn nghệ thuật và những trải nghiệm với những người dễ bị tổn thương, những người tàn tật và người già) và một cử hành phụng vụ để kết thúc. Những thành tố cơ bản của Thượng Hội đồng như thế có thể điều chỉnh một cách dễ dàng cho phù hợp với hoàn cảnh địa phương để thúc đẩy một kinh nghiệm hiệp hành đầy hoa trái trong Giáo hội địa phương của anh chị em, hãy ghi nhớ các nguyên tắc, thái độ và cạm bẫy đã được nêu ở trên trong phần 2.
5. CÁC NGUỒN LỰC ĐỂ TỔ CHỨC TIẾN TRÌNH HIỆP HÀNH
5.1 Phương pháp luận của Tiến trình hiệp hành cấp giáo phận
Mỗi giáo phận có thể phân định để nhận ra những cách thức hiệu quả nhất sao cho mọi người thuộc giáo phận có được kinh nghiệm hiệp hành do Thần Khí hướng dẫn, đặc biệt chú ý đến những người trước đây đã không được lắng nghe. Có những khuyến nghị và các nguồn tài liệu về cách thức thực hiện điều này trong trang mạng Synod.
Như đã được đề cập, các cá nhân và các nhóm được khích lệ tham gia vào Tiến trình hiệp hành thông qua Giáo hội địa phương của họ. Tuy nhiên, các cá nhân và các nhóm cũng có thể trực tiếp đóng góp cho Văn phòng Tổng thư ký của Thượng Hội đồng Giám mục (EC, 6).
Mỗi Giáo hội địa phương nên lên chương trình cho các buổi hội họp sao cho kinh nghiệm hiệp hành mang lại nhiều hoa trái nhất trong bối cảnh địa phương của mình. Cách lý tưởng đó là tổ chức ít là một lần “các cuộc họp thỉnh ý hiệp hành” cho cùng một nhóm người để họ có thể tham gia sâu hơn và đối thoại được nhiều hơn. Bên cạnh đó, cũng tổ chức cho các nhóm mới để nhiều người có dịp lắng nghe và tiếp xúc với các quan điểm và kinh nghiệm khác biệt hơn.
Các cá nhân cũng có thể đóng góp ý kiến phản hồi trực tiếp cho giáo phận. Vì có các góp ý cá nhân như thế, những thông tin và tài liệu thích hợp nên được phân phát đúng lúc để các quan điểm đó có thể được bao gồm trong bản đúc kết của giáo phận. Các kinh nghiệm chung của Tiến trình hiệp hành nên được đánh giá cao hơn các góp ý cá nhân, vì chúng biểu lộ tốt hơn tinh thần hiệp hành của việc cùng bước đi với nhau. Theo nghĩa này, các video, các hội nghị trực tuyến, các suy tư về Kinh thánh và các kinh nguyện có thể được đề nghị cho những người góp ý cách cá nhân, để họ được liên kết gần gũi hơn với kinh nghiệm hiệp hành.
Việc tổ chức các cuộc hội họp thỉnh ý hiệp hành, với sự tham dự của nhiều giáo xứ có thể là cách thức quy tụ tốt khi tập họp những người thuộc các giới khác nhau về tầng lớp kinh tế xã hội, về sắc tộc, về tuổi tác, v.v… Hai hay nhiều giáo xứ có thể cùng nhau lên kế hoạch tổ chức chung các buổi họp thỉnh ý hiệp hành. Ở đó người ta có thể tập trung chia sẻ về kinh nghiệm thích đáng chung, như những thách thức các Kitô hữu phải đối mặt, Giáo hội giữa thời đại dịch Covid-19, hay điều gì đó liên quan đến bối cảnh của họ. Có thể thành lập một ban tổ chức liên giáo xứ.
Chúng tôi cũng khuyến khích đưa các chủ đề về tính hiệp hành và Tiến trình hiệp hành của việc thỉnh ý vào các cuộc họp và hội nghị đã được hoạch định ở cấp địa phương hay giáo phận, bất cứ nơi đâu có thể. Theo nghĩa này, giai đoạn giáo phận của Tiến trình hiệp hành có thể làm cho nghị trình mục vụ hiện nay của năm 2021-2022 được thêm phong phú, đồng thời cũng gây hứng khởi cho một số yếu tố mới.
5.2 Chiều kích thân mật của Tiến trình hiệp hành
Việc lắng nghe nhau được thêm phong phú nhờ mọi người đã biết nhau và chia sẻ đời sống với nhau. Cũng là điều hữu ích khi cùng có một hoạt động chung trước khi khởi sự gặp gỡ và đối thoại với nhau.
Một số ví dụ về những hoạt động có thể cùng làm với nhau là hành hương, công tác bác ái xã hội, hay đơn giản là cùng chia sẻ bữa cơm huynh đệ. Bên cạnh việc tăng cường sự tín nhiệm giữa các thành viên, điều này cũng có thể thúc đẩy sự tham gia của những người được thu hút bởi hoạt động thực hành hơn là những cuộc thảo luận trí tuệ.
Đây là cách làm theo gương Chúa Giêsu: Ngài tập họp các môn đệ để họ cùng ăn uống với nhau, đi với nhau hay đơn giản chỉ là dành thời gian bên nhau. Việc những người tham dự có đủ thời gian và không gian để cùng nhau ăn uống, kéo dài kinh nghiệm lắng nghe nhau cách tự nhiên và ít gò bó trong các cuộc trao đổi trò chuyện lúc nghỉ giải lao cũng có thể là yếu tố quan trọng. Điều này như cánh cửa mở ra để những người cảm thấy ít thoải mái trong những cuộc hội họp nghiêm chỉnh được tham gia cách hiệu quả hơn, cũng như cho họ có cơ hội bày tỏ quan điểm cách tự do hơn.
Việc tham gia các hoạt động thể chất, văn hóa, xã hội và bác ái có thể góp phần xây dựng sự hiệp thông giữa những người tham dự, canh tân Hội thánh qua các kinh nghiệm mới mẻ về tình huynh đệ giữa họ với nhau.
5.3 Câu hỏi chính để thỉnh ý
Thượng Hội đồng hiện nay đặt ra câu hỏi căn bản sau đây: Hội thánh hiệp hành “cùng nhau cất bước hành trình”, khi loan báo Tin Mừng. Việc “cùng nhau cất bước hành trình” hiện đang diễn ra thế nào trong Giáo hội địa phương của anh chị em? Để Hội thánh được lớn lên trong việc “cùng nhau cất bước hành trình”, Thần Khí đang mời gọi chúng ta thực hiện những bước đi nào? (PD, 26)
Để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta được mời gọi:
– Nhớ lại kinh nghiệm của mình: Câu hỏi căn bản trên gợi nhớ những kinh nghiệm nào trong Giáo hội địa phương của chúng ta?
– Đọc lại những kinh nghiệm này trong chiều kích sâu xa hơn: Chúng đã mang lại những niềm vui nào? Chúng khiến chúng ta gặp phải những khó khăn và trở ngại nào? Chúng phơi trần những thương tích nào? Có thể rút ra những hiểu biết nào từ các kinh nghiệm này?
– Thu thập thành quả để chia sẻ: Tiếng Chúa Thánh Thần vang dội nơi đâu trong những kinh nghiệm này? Thánh Linh đang đòi hỏi chúng ta điều gì? Đâu là những điểm phải khẳng định, các viễn cảnh nên thay đổi, các bước cần thực hiện? Ở nơi nào chúng ta ghi nhận được sự đồng thuận? Những nẻo đường nào đang mở ra cho Giáo hội địa phương của chúng ta?
Để giúp những người tham dự khám phá câu hỏi nền tảng này cách đầy đủ hơn, sau đây là những chủ đề làm nổi bật những phương diện quan trọng của việc “sống tinh thần hiệp hành” (PD, 30). Khi trả lời cho những câu hỏi này, nên nhớ rằng có hai cách “cùng nhau cất bước hành trình”, hai cách này có liên hệ sâu sắc với nhau. Trước hết, chúng ta cùng nhau cất bước hành trình như Dân Chúa với nhau. Kế đến, chúng ta cùng nhau cất bước hành trình như Dân Chúa với toàn thể gia đình nhân loại. Hai viễn tượng này làm phong phú cho nhau và giúp chúng ta cùng nhau phân định chung hướng đến sự hiệp thông sâu xa hơn và sứ vụ mang lại nhiều hoa trái hơn.
Những câu hỏi kèm theo mỗi chủ đề trong mười chủ đề sau đây có thể được dùng như điểm khởi đầu hay những chỉ dẫn hữu ích. Các cuộc đàm luận và đối thoại không nhất thiết phải giới hạn nơi những câu hỏi này:
1) CÁC BẠN ĐỒNG HÀNH TRÊN CUỘC HÀNH TRÌNH
Trong Giáo hội và ngoài xã hội, chúng ta sát cánh bên nhau trên cùng một nẻo đường. Trong Giáo hội địa phương của chúng ta, ai là những người “cùng nhau cất bước hành trình”? Ai là những người dường như xa cách hơn? Là những người đồng hành, chúng ta được kêu gọi để thăng tiến như thế nào? Các nhóm và cá nhân nào vẫn còn ở bên lề?
2) LẮNG NGHE
Lắng nghe là bước đầu tiên, đòi hỏi khối óc và con tim rộng mở, không thành kiến. Thiên Chúa ngỏ lời với chúng ta qua những tiếng nói mà đôi khi chúng ta không nhận ra như thế nào? Giáo dân, đặc biệt là phụ nữ và giới trẻ, được lắng nghe ra sao? Điều gì làm chúng ta dễ lắng nghe hoặc ngăn cản chúng ta lắng nghe? Chúng ta lắng nghe những người ở vùng ngoại biên như thế nào? Những đóng góp của những người nam và nữ thánh hiến được đón nhận thế nào? Khả năng lắng nghe của chúng ta có những hạn chế nào, đặc biệt là lắng nghe những người có quan điểm khác với chúng ta? Nơi chốn nào dành cho tiếng nói của những người thiểu số, đặc biệt những người trải qua cảnh đói nghèo, ở bên lề hay bị xã hội loại trừ?
3) PHÁT BIỂU
Mọi người đều được mời gọi can đảm và mạnh dạn (parrhesia) lên tiếng, nghĩa là, phải bao gồm cả tự do, chân lý và bác ái. Trong Giáo hội địa phương và trong xã hội chúng ta, điều gì tạo điều kiện hay điều gì cản trở việc nói ra cách can đảm, thẳng thắn và có trách nhiệm? Khi nào và cách nào để chúng ta nói lên được những gì là quan trọng đối với chúng ta? Mối tương quan với hệ thống truyền thông địa phương (không chỉ với truyền thông Công giáo) thì thế nào? Ai nói thay cho cộng đồng Kitô hữu và họ được chọn thế nào?
4) CỬ HÀNH
Chỉ có thể “cùng nhau cất bước hành trình” khi cộng đoàn lắng nghe Lời Chúa và cử hành Thánh Thể. Trên thực tế, việc cầu nguyện và cử hành phụng vụ trong cộng đoàn của chúng ta truyền cảm hứng và hướng dẫn đời sống và sứ vụ của chúng ta như thế nào? Chúng truyền cảm hứng cho những quyết định quan trọng nhất như thế nào? Các tín hữu được khích lệ ra sao để tích cực tham dự phụng vụ? Vị trí nào dành cho các tín hữu để họ tham gia vào thừa tác vụ đọc sách và giúp lễ?
5) CHIA SẺ TRÁCH NHIỆM ĐỐI VỚI SỨ VỤ CHUNG CỦA CHÚNG TA
Hiệp hành là để phục vụ cho sứ mạng của Hội thánh, mọi thành viên trong Hội thánh đều được mời gọi tham gia vào sứ mạng này. Vì tất cả chúng ta đều là các môn đệ truyền giáo, mọi người đã chịu phép Rửa được mời gọi tham gia vào sứ vụ này của Hội thánh như thế nào? Điều gì cản trở người đã chịu phép Rửa tham gia tích cực sứ vụ này? Những lĩnh vực nào của sứ vụ mà chúng ta đang bỏ mặc? Cộng đoàn hỗ trợ ra sao cho những thành viện của mình tham gia phục vụ xã hội theo những cách thức khác nhau (công tác xã hội và hoạt động chính trị, nghiên cứu khoa học, giáo dục, cổ võ công bằng xã hội, bảo vệ quyền con người, chăm sóc môi trường, v.v…)? Hội thánh đã giúp những thành viên này thế nào để họ phục vụ xã hội theo cách thức truyền giáo? Sự phân định những chọn lựa truyền giáo được thực hiện thế nào và bởi ai?
6) ĐỐI THOẠI TRONG GIÁO HỘI VÀ XÃ HỘI
Đối thoại đòi hỏi kiên trì và nhẫn nại, nhưng cũng giúp hiểu biết lẫn nhau. Những dân tộc khác nhau trong cộng đoàn chúng ta đối thoại được với nhau tới mức độ nào? Trong Giáo hội địa phương của chúng ta có những nơi nào và cách thức nào để đối thoại? Chúng ta khích lệ sự hợp tác với các giáo phận bạn, các dòng tu trong khu vực, các hiệp hội hay phong trào giáo dân, v.v… như thế nào? Chúng ta đề cập đến những bất đồng quan điểm hay những xung đột và khó khăn như thế nào? Chúng ta cần phải chú ý đến những vấn đề quan trọng nào trong Giáo hội và xã hội? Chúng ta có những kinh nghiệm nào trong việc đối thoại và hợp tác với tín đồ của các tôn giáo khác và với những người không gia nhập tôn giáo nào? Giáo hội đối thoại và học hỏi từ các lĩnh vực xã hội khác như thế nào: Chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội dân sự và những người sống trong nghèo khó?
7) ĐẠI KẾT
Vị trí đặc biệt trên con đường hiệp hành của cuộc đối thoại giữa những Kitô hữu thuộc các tín phái khác nhau, liên kết với nhau bởi cùng một Phép Rửa. Cộng đoàn Giáo hội chúng ta có những mối tương quan nào với các thành viên của các truyền thống và tông phái Kitô giáo khác? Chúng ta chia sẻ điều gì và cùng cất bước hành trình như thế nào? Chúng ta rút ra được những hoa trái nào từ việc cùng nhau bước đi? Đâu là những khó khăn? Làm thế nào để chúng ta có thể cùng nhau đi bước tiếp theo tiến về phía trước?
8) UY QUYỀN VÀ SỰ THAM GIA
Hội thánh hiệp hành là Hội thánh tham gia và đồng trách nhiệm. Làm thế nào để cộng đoàn Giáo hội chúng ta nhận ra các mục tiêu phải theo đuổi, con đường để đạt tới và những bước đi phải thực hiện? Cách hành sử uy quyền hay cai quản trong Giáo hội địa phương của chúng ta thế nào? Việc thực hiện cách làm việc theo nhóm và tinh thần đồng trách nhiệm thì thế nào? Việc đánh giá được chỉ đạo thế nào và ai chỉ đạo? Các thừa tác vụ và trách nhiệm của giáo dân được khích lệ thế nào? Chúng ta đã có những kinh nghiệm hiệp hành sinh hoa kết quả ở cấp địa phương hay chưa? Các tổ chức và đoàn thể hiệp hành (các hội đồng mục vụ giáo xứ, hội đồng linh mục, v.v…) hoạt động ra sao ở cấp Giáo hội địa phương? Chúng ta có thể đẩy mạnh sự tiếp cận mang tính hiệp hành nhiều hơn trong việc chúng ta tham gia và lãnh đạo như thế nào?
9) BIỆN PHÂN VÀ QUYẾT ĐỊNH
Theo phong cách hiệp hành, chúng ta đưa ra quyết định bằng cách biện phân những gì Chúa Thánh Thần đang nói qua toàn thể cộng đoàn. Chúng ta dùng những cách thức và quy trình nào để đưa ra quyết định? Có thể hoàn thiện chúng hơn được không? Chúng ta cổ võ việc tham gia đưa ra quyết định trong các cơ cấu phẩm trật như thế nào? Các cách thức đưa ra quyết định có giúp chúng ta lắng nghe toàn thể Dân Chúa hay không? Đâu là mối tương quan giữa thỉnh ý và đưa ra quyết định, và chúng ta làm thế nào để thực hiện? Chúng ta dùng những phương tiện và thủ tục nào để thúc đẩy tính minh bạch và trách nhiệm giải trình? Chúng ta có thể làm thế nào để thăng tiến trong việc cộng đoàn cùng biện phân thiêng liêng?
10) TỰ ĐÀO TẠO TRONG TIẾN TRÌNH HIỆP HÀNH
Tính hiệp hành đòi hỏi phải sẵn sàng chịu biến đổi, đào tạo và không ngừng học hỏi. Cộng đồng Giáo hội chúng ta đào tạo những con người ngày càng có khả năng “cùng nhau cất bước hành trình”, lắng nghe nhau, dấn thân vào sứ vụ và tham gia đối thoại như thế nào? Chúng ta đào tạo thế nào để thúc đẩy sự phân định và thực thi quyền bính theo phương cách hiệp hành?
Trang mạng Synod có đề xuất cách đặt những câu hỏi này sao cho đơn giản và thu hút các nhóm đối tượng khác nhau. Mỗi giáo phận, giáo xứ hay hội nhóm không cần phải nêu ra hết mọi câu hỏi nhưng nên nhận ra và tập trung vào những khía cạnh hiệp hành thích hợp nhất với bối cảnh của mình. Những người tham dự được khích lệ thành tâm và cởi mở chia sẻ những kinh nghiệm thực trong đời sống của mình và cùng nhau suy nghĩ về điều Chúa Thánh Thần có thể tỏ lộ qua những gì họ chia sẻ với nhau.
LỜI CẢM ƠN
Xin gởi lời biết ơn chân thành đến hết những ai tổ chức, phối kết và tham gia vào Tiến trình hiệp hành này. Được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, chúng ta trở nên những viên đá sống động qua đó Thiên Chúa xây dựng nên Hội thánh mà Ngài ước muốn cho thiên niên kỷ thứ ba (x. 1Pr 2,5). Nguyện xin Đức Trinh Nữ Maria, là Nữ vương các Tông đồ và là Mẹ Hội thánh, khẩn cầu cho chúng ta khi chúng ta cùng nhau cất bước hành trình trên con đường Thiên Chúa xếp đặt cho chúng ta. Như trong nhà Tiệc ly vào ngày Phục sinh, ước mong sự chăm sóc và chuyển cầu từ mẫu của Mẹ đồng hành với chúng ta khi chúng ta xây dựng sự hiệp thông với nhau và thực hiện sứ vụ của chúng ta trong thế giới này. Là Dân Chúa, chúng ta hiệp lời với Mẹ để cùng thưa lên: “Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38).
PHỤ LỤC A: (Các) nhân sự/ban linh hoạt của giáo phận
Mỗi giáo phận* nên chọn một hoặc hai cá nhân làm linh hoạt viên hoặc người đồng sự cho giai đoạn thỉnh ý hiệp hành cấp giáo phận. Nếu có thể, nên tổ chức họ thành một ban, gồm nhiều người để cộng tác với nhau.
Thay vì chỉ định một linh hoạt viên duy nhất, nên áp dụng mô hình đồng sự vì nó phản ánh đúng bản chất của Tiến trình hiệp hành. Chúng tôi khuyến khích anh chị em cùng làm việc với một bạn đồng sự và cộng tác với một nhóm để học hỏi lẫn nhau, chia sẻ trách nhiệm, cũng như để tăng cường khả năng sáng tạo và sức sống cho Tiến trình hiệp hành trong giáo phận của anh chị em. Công việc của (các) nhân sự/ban linh hoạt giáo phận sẽ bao gồm các chức năng hay nhiệm vụ chung sau đây.
1. Vai trò và trách nhiệm của (các) nhân sự/ban linh hoạt Giáo phận
– Nối kết giữa giáo phận và hội đồng giám mục (và với linh hoạt viên hay nhóm linh hoạt viên của các giáo phận).
– Là nơi tham chiếu cho các giáo xứ và các hội nhóm khác trong giáo phận về quá trình thỉnh ý hiệp hành.
– Là (các) linh hoạt viên nòng cốt giúp giám mục giáo phận trong Tiến trình hiệp hành.
– Làm việc với một ban theo phương thức hiệp hành để triển khai cách thức qua đó tiến trình cấp giáo phận sẽ đưa ra và thảo luận các chủ đề và vấn đề liên quan đến tính hiệp hành (như Văn phòng Tổng thư ký Thượng Hội đồng Giám mục và hội đồng giám mục đã vạch ra), cũng như thực hiện tiến trình thu thập, phân tích và tổng hợp các ý kiến từ khắp giáo phận đưa về.
– Mời gọi tất cả các giáo xứ tham gia vào tiến trình thỉnh ý, tổ chức các cuộc tập hợp để tham gia vào Tiến trình hiệp hành cấp địa phương. Các giáo xứ có thể liên kết với nhau nhằm tăng cường cảm thức hiệp thông và đồng hành. Các nhân sự/ban linh hoạt của giáo phận nên khuyến khích các giáo xứ nuôi dưỡng tinh thần huynh đệ, đồng trách nhiệm, và sự tham gia tích cực, đầy đủ của giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân trong cộng đoàn kể cả thiếu nhi, thanh niên, người độc thân hay người đã kết hôn, các gia đình và người cao tuổi. Theo cách này, tiến trình thỉnh ý sẽ lột tả được bối cảnh đa dạng của nền kinh tế xã hội, văn hóa/sắc tộc và các năng lực của mỗi địa phương, cũng như mở rộng việc tham khảo ý kiến đến những ai chưa tích cực trong việc thực hành đức tin Công giáo, đến các tín hữu thuộc các tông phái Kitô giáo và của các truyền thống đức tin khác, và đến các cư dân trong cộng đồng địa phương hay phố thị không có liên hệ với giáo xứ.
– Mời gọi mọi thừa tác vụ, phong trào, cơ quan Giáo hội, các phòng ban trong giáo phận, đóng góp ý kiến cho các câu hỏi trong Cẩm nang (Vademecum) và những tài liệu kèm theo, dựa trên lợi thế của sứ vụ đặc thù hay lĩnh vực hoạt động chính của các nhóm này. Mỗi nhóm có thể tổ chức buổi thỉnh ý riêng, hoặc cùng tổ chức với nhau, và/hoặc tổ chức với các giáo xứ khác trong giáo phận. Cần nỗ lực lôi cuốn tất cả các nhóm hoạt động tông đồ, văn hóa, cộng đồng, nhóm hội, các sáng kiến và các nỗ lực đại kết/liên tôn trong giáo phận tham gia vào tiến trình thỉnh ý, vốn nuôi dưỡng kinh nghiệm đích thực về tính hiệp hành trong Giáo hội địa phương.
– Huấn luyện và đồng hành (theo hình thức hội nghị, hội luận trực tuyến, qua video, tài liệu và/hoặc hỗ trợ cá nhân) với những người sẽ chịu trách nhiệm thực hiện và hỗ trợ quá trình thỉnh ý ở cấp địa phương (trong các giáo xứ, cộng đoàn, v.v…), nhằm giúp họ hiểu về tính hiệp hành, những mục tiêu của Tiến trình hiệp hành hiện tại và các đặc tính của kinh nghiệm hiệp hành mà họ đang cố gắng vun trồng (để biết thêm thông tin, vui lòng tham khảo Cẩm nang hoặc trang mạng Synod).
– Triển khai các phương thức tiếp nhận ý kiến đóng góp từ tiến trình thỉnh ý trong toàn giáo phận và truyền đạt tiến trình này cho các giáo xứ, các nhóm trong giáo phận, các dòng tu và các phong trào, thu hút sự tham gia rộng rãi nhất có thể. Điều này có thể bao gồm:
+ Đề nghị các giáo xứ/cộng đoàn cử linh hoạt viên hoặc ban linh hoạt của họ để thực hiện các buổi thỉnh ý.
+ Đề nghị các giáo xứ/cộng đoàn tiến hành một, hai hoặc nhiều buổi họp thỉnh ý dân chúng trong cộng đồng địa phương. Các giáo xứ/nhóm có thể mong muốn có được một cuộc thỉnh ý đặc biệt cho một số nhóm nhất định (ví dụ cho thanh thiếu niên, giới trẻ, các cặp vợ chồng, người di cư và tị nạn, những người ít tích cực trong đức tin, những người nghèo và bị gạt ra bên lề xã hội).
+ Đề nghị các giáo xứ tìm cách tổng hợp hoặc ghi lại từng cuộc thỉnh ý/hội thoại (qua các cách thức như có thư ký/người ghi chép, thông qua việc thu lại cuộc họp dưới dạng điện tử, nhờ người tham gia hoặc điều phối viên tải các ghi chú của họ lên mạng, hoặc qua các phương tiện khác).
+ Thiết lập thời hạn cụ thể và quy trình/cách thức mà qua đó tất cả ý kiến sẽ được gửi đến (các) nhân sự/ban linh hoạt của giáo phận.
Sau quá trình thỉnh ý những ai đã tham gia và những người khác, nên tổ chức các cuộc họp để chia sẻ những gì đã làm, tiếp tục bám sát những ý kiến phản hồi và phân định rõ các bước tiếp theo nhằm kết hợp tinh thần hiệp hành và cách thể hiện hiệp hành ở cấp địa phương.
– Thường xuyên liên lạc với từng giáo xứ/cộng đồng trong giai đoạn thỉnh ý, để hỗ trợ, khích lệ, đồng hành và tỏ lòng biết ơn trong suốt hành trình này.
– Kịp thời thu thập các bản tổng hợp/các phản hồi/các ý kiến sâu sắc từ các cuộc thỉnh ý tại địa phương.
– Giám sát việc tổ chức Hội nghị Tiền-Thượng Hội đồng giáo phận (xem phụ lục C).
– Phân tích và tổng hợp những ý kiến đã thu thập được, soạn thành một bản đúc kết cô đọng của giáo phận tổng cộng tối đa là mười trang, sau đó sẽ được thông tri cho hội đồng giám mục vào thời hạn đã nêu. Bản đúc kết này nên được thực hiện bởi nhóm làm việc với (các) linh hoạt viên của giáo phận, có sự cộng tác với giám mục và/hoặc người được ngài chỉ định (xem phụ lục D).
– Gửi bản đúc kết của giáo phận đến hội đồng giám mục đúng thời hạn.
2. Phẩm chất của (các) nhân sự/ban linh hoạt của giáo phận
– trưởng thành về mặt tâm linh và có đức tin sống động,
– dễ cộng tác,
– có khả năng truyền đạt cách hiệu quả,
– có khả năng tổng hợp các thông tin,
– có khả năng giao tiếp tốt với những người đến từ các nền văn hóa, thế hệ và bối cảnh giáo hội khác nhau.
– quen thuộc với các cơ cấu và quy trình của giáo phận.
– có kinh nghiệm làm việc trong các dự án sáng kiến cộng đồng hoặc các quy trình hiệp hành.
– khiêm tốn khi làm việc với đồng sự và/hoặc với nhóm, vui vẻ cởi mở với những hiểu biết và tài năng của người khác cũng như sẵn sàng thử nghiệm những cách thức tiến hành mới.
Cần lưu ý rằng (các) linh hoạt viên của Giáo phận không phải là thành viên của hàng giáo sĩ. Nếu mô hình đồng quản trị được sử dụng, thì nhóm đồng sự nên gồm một nam và một nữ, trong đó ít nhất có một giáo dân. Đó là điều rất đáng khuyến khích.
Nhóm cộng tác với (các) linh hoạt viên của Giáo phận phải phản ánh sự đa dạng của giáo phận và nên bao gồm những người lãnh đạo chủ chốt của giáo phận: nam nữ giáo dân, giáo sĩ, và tu sĩ thánh hiến; thuộc các nền văn hóa, thế hệ và xuất thân khác nhau; đại diện cho các thừa tác vụ và đặc sủng đa dạng của Hội thánh, đặc biệt là trong công tác mục vụ giới trẻ, gia đình, người di cư, người tị nạn và người nghèo. Sẽ rất hữu ích nếu một số thành viên của nhóm trước đây/gần đây đã từng làm việc với các Tiến trình hiệp hành của địa phương, giáo phận hay quốc gia, hoặc có những nỗ lực tương tự.
* Lưu ý: Trong Cẩm nang và tất cả các phụ lục lẫn các nguồn đi kèm, thuật ngữ “giáo phận” dùng để chỉ các Giáo hội địa phương nói chung, và có thể được thay thế bằng các thuật ngữ như giáo khu, giáo hạt, hay bất kỳ cơ cấu định chế Giáo hội tương đương nào khác.
PHỤ LỤC B: Các đề xuất để tổ chức một cuộc họp thỉnh ý hiệp hành
Các cuộc họp thỉnh ý hiệp hành có thể được tổ chức giữa nhiều nhóm khác nhau trong một giáo xứ hoặc bằng cách tập hợp nhiều tầng lớp dân chúng từ các giáo xứ lại với nhau. Các cơ cấu định chế khác trong giáo phận hay các tổ chức của tu sĩ và giáo dân cũng có thể cộng tác với nhau để mở các cuộc họp thỉnh ý. Sau đây là phác thảo chung về các bước có thể được thực hiện.
- Có thể thành lập mộtban tổ chứcđể lên kế hoạch và thực hiện tiến trình thỉnh ý, cũng như các buổi hội họp ở cấp địa phương, kể cả nhận biết đâu là cách thức tiếp cận với dân chúng và phương pháp phù hợp nhất thúc đẩy đối thoại và tham gia kinh nghiệm hiệp hành đích thực.
- Khuyến khích mọi ngườitham giaqua các thông báo của giáo xứ, phương tiện truyền thông đại chúng, thư mời, v.v… Với sự hỗ trợ của các khu dân cư trong địa phương cũng như của các cơ sở thuộc Giáo hội như các trường học và trung tâm cộng đồng, cần hết sức nỗ lực để xác định và liên hệ với những người đã không thường xuyên liên lạc với cộng đoàn. Cần quan tâm vận động những ai bị loại trừ, hay không được lắng nghe.
- Thành phần lý tưởng của nhóm tham dự viên là những người đến từ các cộng đồng và nền văn hóakhác nhau, với kinh nghiệm khác nhau, thuộc độ tuổi và tầng lớp trong xã hội khác nhau. Quy mô nhóm lớn hay nhỏ tùy thuộc vào địa điểm sẵn có và số lượng điều phối viên.
- Các tài liệu chuẩn bịcho việc cầu nguyện và suy tư nên được gửi đến tất cả các tham dự viên khoảng 2-3 tuần trước khi họp mặt. Các tài liệu này có thể là một bài trình bày ngắn gọn về nền tảng và ý nghĩa của tính hiệp hành, (các) câu hỏi suy tư then chốt, phương thức gợi ý cầu nguyện và phân định những câu hỏi đó, bao gồm cả các đoạn Kinh Thánh được đề xuất. Những người tham gia cũng cần được thông báo về phương pháp sẽ được sử dụng tại buổi gặp gỡ hiệp hành này. Mỗi người nên dành thời gian chuẩn bị trước cho mình bằng việc tham khảo tất cả các tài liệu này vì đây là điều cần thiết để đạt được một cuộc đối thoại có hiệu quả.
- Các câu hỏi suy tưthen chốt phải thích đáng và ngắn gọn. Thường chỉ cần ít câu hỏi có ý nghĩa sâu xa để khám phá thì tốt hơn là có nhiều câu hỏi mang nội dung hời hợt. Thượng Hội đồng này đặt racâu hỏi cơ bản sau đây: Hội thánh hiệp hành “cùng nhau cất bước hành trình”, khi loan báo Tin Mừng: Việc “cùng nhau cất bước hành trình” hiện đang diễn ra thế nào trong Giáo hội địa phương của anh chị em? Để Hội thánh được lớn lên trong việc “cùng nhau cất bước hành trình”, Thần Khí đang mời gọi chúng ta thực hiện những bước đi nào? (PD, 26)
Để trả lời câu hỏi này, chúng ta được mời gọi:
– Nhớ lại kinh nghiệm của mình: Câu hỏi then chốt này gợi nhớ đến những kinh nghiệm nào về Giáo hội địa phương của chúng ta?
– Đọc lại những kinh nghiệm này trong chiều kích sâu xa hơn: Chúng đã mang lại những niềm vui nào? Chúng gặp phải những khó khăn và trở ngại nào? Chúng phơi trần những thương tích nào? Có thể học được điều gì từ các kinh nghiệm này?
– Thu thập các thành quả để chia sẻ: Tiếng Chúa Thánh Thần vang dội nơi đâu qua những kinh nghiệm này? Người đang đòi hỏi chúng ta điều gì? Đâu là những điểm phải khẳng định, các viễn cảnh nên thay đổi, các bước cần thực hiện? Chúng ta ghi nhận được sự đồng thuận ở những nơi nào? Những nẻo đường nào đang mở ra cho Giáo hội địa phương của chúng ta ?
Thông thường sẽ rất hữu ích khi các tham dự viên phản ánh về hành trình của cộng đồng địa phương của họ từ trước cho đến nay. Lịch sử đời sống đức tin của cộng đoàn ra sao? Cộng đồng đó đã tiến bước thế nào để đến vị trí hiện nay? Thiên Chúa đã hiện diện với họ theo cách thế nào? Thông thường việc cùng nhau hồi tưởng những chuyện đã qua sẽ giúp cộng đồng xây dựng và định hướng con đường phía trước.
Để giúp mọi người khám phá câu hỏi cơ bản này một cách đầy đủ hơn, mười chủ đề đã được khai triển để làm nổi bật các khía cạnh quan trọng của việc “sống tinh thần hiệp hành” (PD, 30). Các câu hỏi đi kèm với mỗi chuyên đề này có thể được sử dụng như một điểm khởi đầu hoặc những chỉ dẫn hữu ích để làm cho cuộc thỉnh ý thêm phong phú. Có thể tìm thấy những câu hỏi này trong phần 5 của Cẩm nang và cũng đã có sẵn một phiên bản chi tiết hơn trong các tài liệu kèm theo trên trang mạng Synod.
- Cần đảm bảo rằng có đủnhóm điều phối viênứng với phương pháp và hình thức đã chọn cho cuộc họp thỉnh ý, đồng thời cũng bảo đảm rằng họ đã được chuẩn bị đầy đủ để hướng dẫn tiến trình này. Mặt khác cần xác định trước nhóm nhân sự sẽ chuẩn bị đúc kết cuộc thỉnh ý.
- Tại buổi họp nhóm, việc cộng đoàn cùngcầu nguyện và cử hành phụng vụsẽ đóng một vai trò trọng yếu. Việc lắng nghe nhau phải dựa trên việc lắng nghe Lời Chúa và Chúa Thánh Thần. Có thể dùng các hình thức cầu nguyện ý nghĩa, nài xin Thiên Chúa hướng dẫn và soi sáng, đồng thời để Ngài liên kết chúng ta hiệp thông sâu sắc với nhau. Cùng tham dự phụng vụ và nhau suy niệm Kinh Thánh có thể là những cách thức rất hữu ích cho việc này.
- Có thể sử dụng phương pháp phù hợp cho việcđối thoại theo nhómvốn tương thích với các nguyên tắc hiệp hành. Chẳng hạn, phương pháp Chia sẻ tâm linh sẽ thúc đẩy sự tham gia tích cực, lắng nghe chăm chú, phát biểu chín chắn và sự biện phân thiêng liêng. Chia các tham dự viên thành nhóm nhỏ, mỗi nhóm khoảng 6 -7 người có xuất thân và hoàn cảnh khác nhau. Buổi chia sẻ tâm linh sẽ kéo dài ít là một giờ và bao gồm ba vòng. Ở vòng đầu tiên, mọi người lần lượt chia sẻ những hoa trái có được qua lời cầu nguyện của mình, liên quan đến các câu hỏi suy tư đã được phổ biến trước đó (xem số 5 của phụ lục này). Lúc này tham dự viên không thảo luận nhưng chỉ đơn giản là chăm chú lắng nghe từng người và lưu tâm đến những tác động của Chúa Thánh Thần trong tâm hồn mình, nơi người đang nói và trong toàn thể nhóm. Tiếp theo là khoảng thời gian thinh lặng để cảm nhận những biến chuyển nội tâm của mỗi người. Ở vòng hai, những người tham dự chia sẻ điều gì ở vòng một khiến họ ấn tượng nhất và điều gì trong thời gian thinh lặng sau đó khiến họ xúc động. Thỉnh thoảng có thể đối thoại với nhau miễn là vẫn duy trì bầu khí linh thánh đó. Thế rồi lại là một khoảng thời gian thinh lặng. Cuối cùng tại vòng thứ ba, các tham dự viên sẽ phản ánh những gì vang vọng dội lại từ cuộc chia sẻ và những gì đánh động họ cách sâu sắc nhất. Những nhận thức mới và cả những vấn đề chưa giải quyết cũng được ghi nhận. Có thể kết thúc buổi chia sẻ bằng những lời cầu nguyện tạ ơn tự phát. Thông thường mỗi nhóm nhỏ sẽ có một điều phối viên và người ghi chép. (Xem mô tả chi tiết về quá trình này trên trang mạng Synod).
- Sau buổi đối thoại nhóm, tham dự viên nênnhìn lạivà chia sẻ kinh nghiệm của mình về quá trình thảo luận trong nhóm nhỏ. Kinh nghiệm của họ như thế nào ? Những điều gây hứng khởi và làm chán nản? Họ đã khám phá ra những điều gì mới mẻ và thú vị? Họ đã học được gì về cách thức tiến hành theo tinh thần hiệp hành? Thiên Chúa hiện diện và hoạt động thế nào trong thời gian họ sinh hoạt cùng nhau?
- Kế đến các tham dự viên nên quyết địnhphản hồinhững gì mà họ muốn trao đổi với nhóm tổ chức/điều phối. Các câu hỏi hướng dẫn để viết bản tổng hợp của giáo phận như được nêu trong phần 4 của Cẩm nang có thể được sử dụng làm cơ sở cho phản hồi này tại cấp địa phương (xem thêm phụ lục D).
- Sau đó, tất cả tham dự viên ngồi lại với nhau để kết thúc cuộc họp. Mỗi nhóm nhỏ cử một đại diện để chia sẻ ngắn gọn về kinh nghiệm của nhóm mình. Những người tham gia nên được thông tin về giai đoạn tiếp theo của Tiến trình hiệp hành, để họ biết sẽ góp phần thế nào cho tiến trình này của toàn thể Giáo hội. Buổi họp mặt nên kết thúc bằng một lời cầu nguyện hoặc khúc ca tạ ơn.
- Sau cuộc hội thảo, các thành viên trong nhóm tổ chức/điều phối có thể họp lại để xem xét toàn bộ kinh nghiệm và chuẩn bị soạn thảo bản tóm kết dựa trên phản hồi của tất cả các nhóm nhỏ. Sau đó, họ có thể chuyển bản tóm kết của mình đến (các) linh hoạt viên của giáo phận.
- Đối với những người không thể tham dự cuộc họp trực tiếp hoặc trực tuyến, nên cố gắng liên hệ với họ qua tin nhắn, điện thoại, radio hoặc các phương tiện thích hợp khác. Điều quan trọng là chúng ta cố gắng hết sức để lắng nghe tiếng nói của mọi người, đặc biệt là những người bị loại trừ khỏi xã hội.
Để có thêm tài liệu, xin vui lòng tham khảo trang mạng Synod.
PHỤ LỤC C: Hội nghị Tiền-Thượng Hội đồng giáo phận
1. Giới thiệu
Mỗi Giáo hội địa phương đi đến cao điểm của giai đoạn giáo phận bằng Hội nghị Tiền-Thượng Hội đồng giáo phận. Cuộc tập hợp này tạo cơ hội nhờ đó các thành viên trong giáo phận có thể quy tụ với nhau để cùng nhau tham dự phụng vụ, cầu nguyện, suy tư về những kinh nghiệm của họ liên quan đến Tiến trình hiệp hành trong giáo phận, để lắng nghe những phản hồi nổi bật từ các cuộc thỉnh ý hiệp hành trên khắp địa phận, để đối thoại về thực trạng hiện tại của Giáo hội địa phương và về những dấu chỉ thời đại, và để phân định lời kêu gọi của Chúa Thánh Thần đối với giáo phận trên con đường hiệp hành. Trong khi phần lớn tiến trình thỉnh ý trong giai đoạn cấp giáo phận có thể đã diễn ra nơi các cộng đoàn cụ thể của Giáo hội địa phương, chẳng hạn như trong các giáo xứ, các nhóm thừa tác và các hội đoàn khác, thì mục tiêu của Hội nghị này là để tập hợp bộ phận đại diện tiêu biểu của toàn giáo phận, bao gồm các nhóm thiểu số và những người ở vùng ngoại vi, và để những người tham dự có thể cùng nhau cầu nguyện, lắng nghe, suy tư và phân định. Sau cuộc tập hợp này, thành quả của Hội nghị Tiền-Thượng Hội đồng giáo phận nên được đưa vào bản đúc kết của giáo phận như một phần của nó, cùng với những phản hồi thu được từ các cuộc thỉnh ý hiệp hành trong toàn giáo phận. (Xem phụ lục D để biết thêm thông tin về bản đúc kết của giáo phận).
2. Mục tiêu
- Đạt kết quả cao nhất trong thời gian thỉnh ý Dân Chúa ở giai đoạn hiệp hành cấp giáo phận.
- Ghi dấu và suy nghĩ về những sự kiện và kinh nghiệm nổi bật của việc đồng hành trên con đường hiệp hành của giáo phận.
- Nêu bật các chủ đề chính trong các cuộc thỉnh ý cấp giáo phận dành cho một nhóm đại diện được chọn từ các cộng đồng khác nhau của giáo phận.
- Thu hút các thành viên từ các cộng đồng (giáo xứ, nhóm thừa tác, phong trào, trường học, giáo sĩ, dòng tu, người bị gạt ra ngoài lề, giới trẻ, các nhóm văn hóa, v.v…) vào việc suy tư về kinh nghiệm và dữ liệu đã nhận từ tiến trình thỉnh ý, nhằm hoàn thành bản đúc kết của giáo phận trên cơ sở các phản hồi đã thâu lượm được từ khắp giáo phận.
- Lắng nghe những gì Thiên Chúa đang nói qua dân chúng trong giáo phận, để phân định xem Chúa muốn gì nơi Giáo hội địa phương và những nẻo đường nào Ngài đang mời gọi Giáo hội trong giáo phận đi theo để có được sự hiệp thông sâu sắc hơn, tham gia trọn vẹn hơn và sứ vụ hiệu quả hơn.
- Giới thiệu các phương pháp, các lộ trình hiệp hành tốt nhất cũng như tiếp thêm động lực và mang lại sức sống mới để Giáo hội đồng hành, lắng nghe nhau và đồng trách nhiệm, càng ngày càng mang tính hiệp hành hơn nữa.
- Thực hiện bản đúc kết của giáo phận có khả năng chuyển tải những gì đã được Dân Chúa chia sẻ trong suốt tiến trình thỉnh ý tại giáo phận, và như thế là góp phần vào Tiến trình hiệp hành hiện nay của toàn thể Hội thánh.
3. Tham dự viên
Các thành viên của Hội nghị Tiền-Thượng Hội đồng này sẽ được quyết định tùy theo tình hình của giáo phận. Các giáo phận có thể điều chỉnh các hướng dẫn sau đây cho phù hợp với quy mô dân số, khoảng cách địa lý, nguồn lực sẵn có, nền tảng văn hóa của người dân, v.v…Tốt nhất, các thành viên nên bao gồm:
– Giám mục giáo phận, các giám mục phụ tá và (các) nhân sự/ban linh hoạt của giáo phận.
– Những người thường không được lắng nghe cách thích đáng, chẳng hạn như người nghèo, người già, các nhóm dân tộc thiểu số, người neo đơn, người khuyết tật, người di cư, người tị nạn, cộng đồng bản địa, v.v…
– Các giáo dân có vai trò lãnh đạo (nam, nữ, thanh niên thuộc các ban và các hội đoàn trong giáo phận).
– Những giáo dân khác (nam, nữ, và thanh niên được mời từ các giáo xứ và các tổ chức khác của Giáo hội).
– Giáo sĩ (linh mục triều, linh mục dòng, phó tế, v.v…).
– Các thành viên của các tu hội thánh hiến và tu đoàn tông đồ (phản ánh sự đa dạng của các đặc sủng) và của bộ phận lãnh đạo các tổ chức tông đồ và hoạt động từ thiện.
– Các đại biểu quan tâm đến đại kết và liên tôn (và những người khác không thuộc Công giáo nhưng có thể đóng góp những quan điểm hữu ích đối với Giáo hội).
– Những người có kỹ năng chuyên môn cần thiết cho cuộc họp, bao gồm điều phối viên và các chuyên gia mục vụ hoặc thần học ngành Giáo hội học.
4. Chương trình nghị sự và hình thức của Hội nghị Tiền-Thượng Hội đồng giáo phận
Chương trình nghị sự của cuộc tập hợp này là để đánh dấu một chặng đường trên hành trình hiệp hành mà giáo phận đã thực hiện cho đến nay, để ngẫm nghĩ về những phản hồi thu thập được từ tiến trình thỉnh ý trên toàn giáo phận, và để hoàn thành bản đúc kết của giáo phận, thể hiện thành quả của việc lắng nghe và phân định của Dân Chúa trong giáo phận. Bản đúc kết này sẽ là phần đóng góp của giáo phận gửi lên hội đồng giám mục.
Hình thức của cuộc tập hợp này sẽ như thế nào tùy theo sự cân nhắc của giám mục và (các) nhân sự/ban linh hoạt của giáo phận, sao cho có thể đạt tới các mục tiêu nêu trên cách hiệu quả nhất trong bối cảnh của giáo phận. (Xem trang mạng Synod để có thêm gợi ý và nguồn tài liệu). Rất khuyến khích đánh dấu đỉnh cao của giai đoạn giáo phận bằng việc cử hành phụng vụ, tạ ơn Thiên Chúa về chặng đường đã qua và xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn cho hành trình sắp tới. Còn các yếu tố khác của cuộc tập hợp này được sắp xếp thế nào tùy mỗi giáo phận định đoạt. (Các) nhân sự/ban linh hoạt của giáo phận sẽ chịu trách nhiệm thu tập tất cả các phản hồi nhận được từ tiến trình thỉnh ý trong toàn giáo phận. Các phản hồi có thể được trình bày cho các tham dự viên tại cuộc tập họp này vốn là đỉnh cao của giai đoạn giáo phận.
5. Khả năng mở các cuộc họp hiệp hành trực tuyến (online) hoặc kết hợp (hybrid)
Việc sắp xếp cho các cuộc họp trực tuyến hoặc kết hợp có thể là cần thiết hoặc hữu ích, không những cho các buổi thỉnh ý địa phương mà cả cho buổi tập họp của giáo phận ghi dấu đỉnh cao của Tiến trình hiệp hành trên toàn giáo phận. Các cuộc họp trực tuyến hoặc kết hợp cả hai cách thức trực tiếp và trực tuyến, có thể là một lựa chọn hiệu quả, đặc biệt là giữa thời đại dịch Covid-19. Cần hết sức lưu ý để đảm bảo rằng các cuộc họp trực tuyến hoặc kết hợp này diễn ra trong bầu khí cầu nguyện, hiệp thông, chăm chú lắng nghe nhau và lắng nghe Chúa Thánh Thần. Những người điều phối hoặc người hướng dẫn phải đảm bảo rằng mọi tham dự viên đều có thể đóng góp và được lắng nghe, kể cả những người trang bị công nghệ kém hoặc không quen với công nghệ.
6. Vai trò của giới trẻ trong các cuộc họp trực tuyến hoặc kết hợp
Các giáo phận nên thu hút giới trẻ tham gia vào việc lập kế hoạch và thực hiện các cuộc họp trực tuyến hoặc kết hợp này, nhờ thế họ tìm tòi những cách thức sáng tạo giúp cho buổi họp dễ tiếp cận và trở nên thân thiện hơn đối với mọi thành viên tham dự, nếu chúng ta lưu ý đến các nhu cầu khác nhau của các nhóm với độ tuổi khác nhau.
Các công cụ chẳng hạn như các phương tiện truyền thông xã hội, các diễn đàn ảo và công nghệ tương tác có thể được sử dụng rộng rãi để tiếp cận với nhiều người hơn và để thu thập các phản hồi giao về cho (các) nhân sự/ban linh hoạt của giáo phận. Các bạn trẻ có thể giữ một vai trò quan trọng góp phần vào những nỗ lực này cách sáng tạo và hiệu quả.
PHỤ LỤC D: Chuẩn bị bản đúc kết cấp giáo phận
Bản đúc kết của giáo phận chuyển tải những thành quả chính trong việc phân định của toàn thể Dân Chúa trong giáo phận. Bản đúc kết này cần được cô đọng trong một văn bản dài tối đa mười trang. Có thể đính kèm các tài liệu khác như hình ảnh, video, câu chuyện, trình bày nghệ thuật và lời chứng cá nhân, miễn là chúng giúp nói lên kinh nghiệm và ý kiến đóng góp của các tham dự viên.
Bản đúc kết cấp giáo phận phải phản ánh sự đa dạng của các quan điểm và ý kiến được bày tỏ, và đặc biệt chú ý đến kinh nghiệm sống của các tham dự viên, cả tích cực lẫn tiêu cực. Bản đúc kết này phải phản ánh trung thực tiếng nói của mọi người và bất cứ điều gì xuất phát từ sự phân định và đối thoại của họ, thay vì đưa ra các tuyên bố chung chung hoặc đúng đắn về mặt giáo lý. Không cần loại bỏ những quan điểm trái ngược, nhưng phải được ghi nhận và trình bày cách trung thực. Không nên loại trừ các quan điểm chỉ vì chúng được thể hiện bởi một số ít tham dự viên. Thật vậy, đôi khi viễn cảnh của điều mà chúng ta có thể gọi là “ý kiến trái chiều của thiểu số” có thể là chứng tá mang tính ngôn sứ cho những lời Thiên Chúa muốn ngỏ với Hội thánh.
Nội dung của bản tổng hợp có thể được sắp xếp theo các câu hỏi được gợi ý dưới đây với mục đích truyền đạt đúng đắn những thành quả, nhận thức, niềm vui và thách đố của kinh nghiệm và sự phân định hiệp hành của Dân Chúa trong giáo phận:
– Về tiến trình thỉnh ý, giáo phận đã thực hiện những bước chủ yếu nào? Những câu hỏi cốt lõi được đặt ra là gì? Giáo phận đã làm gì để thu hút người tham gia nhiều nhất có thể và tiếp cận các vùng ngoại vi? Trong giáo phận, số người tham gia cách này hay cách khác được khoảng bao nhiêu phần trăm? Có nhóm người nào tham gia cần được đặc biệt lưu ý không? Có những nhóm người cụ thể nào đã không tham gia vì lý do nào đó hay không?
– Điều gì có ý nghĩa nhất trong toàn bộ kinh nghiệm của cuộc thỉnh ý? Điều gì mang lại niềm hứng khởi và nỗi chán chường hay niềm an ủi và nỗi phiền muộn? Những quan điểm, thái độ hoặc cảm xúc nào đáng chú ý? Những căng thẳng hoặc bất đồng nào xuất hiện trong quá trình lắng nghe? Chủ đề hoặc vấn đề nào đã làm nảy sinh các quan điểm khác biệt? Nhìn chung, những hoa trái do Chúa Thánh Thần mang lại qua kinh nghiệm này là gì?
– Trong số các phản hồi từ các cuộc họp cấp địa phương, điều gì đặc biệt có ý nghĩa, gây ngạc nhiên hoặc bất ngờ? Những viễn cảnh mới hay những chân trời mới nào được mở ra? Những câu chuyện cụ thể hoặc kinh nghiệm thực tế nào đặc biệt cảm động và tại sao? Những quan điểm nào dường như gây được tiếng vang sâu rộng? Những quan điểm nào ít được đề cập nhưng gây hứng thú và đáng chú ý?
– Nói chung, Chúa Thánh Thần đã soi dẫn cho cộng đoàn thấy điều gì liên quan đến cả phần sáng và phần tối của thực trạng hiện tại trong giáo hội địa phương về tính hiệp hành? Các tham dự viên đã nói gì về những lĩnh vực mà Giáo hội đang cần được chữa lành và hoán cải, trong đời sống thiêng liêng, văn hóa, quan điểm, cơ cấu, hoạt động mục vụ, các mối tương quan và các nỗ lực truyền giáo?
– Chúa Thánh Thần mời gọi giáo hội địa phương lớn lên trong tinh thần hiệp hành bằng những cách thức nào? Các tham dự viên đã bày tỏ những ước mơ, ước muốn và nguyện vọng nào đối với Giáo hội? Dựa trên phản hồi của họ, giáo phận chúng ta được kêu gọi thực hiện những bước đi nào để trở nên Hội thánh hiệp hành hơn? Đâu là những bước tiến tiếp theo cho giáo phận trên con đường hiệp hành, trong sự hiệp thông với toàn thể Giáo hội ?
– (Những) nét văn hóa nào thể hiện kinh nghiệm của chúng ta về tính hiệp hành?
Chúng tôi khuyến nghị bản đúc kết này nên được chuẩn bị bởi một nhóm ít người hơn là một hội đồng lớn. Nhóm này sẽ thực hiện nhiệm vụ của mình, có sự cộng tác với giám mục giáo phận và các nhân sự/ban linh hoạt. Họ nên đọc tất cả các ý kiến đã được gởi đến trong tinh thần cầu nguyện. Chính các cuộc họp của nhóm này phải mang tính hiệp hành và tinh thần phân định, lắng nghe tiếng nói sống động của Dân Chúa trong toàn giáo phận dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
Mỗi giáo phận có thể quyết định chuẩn bị bản đúc kết trước hoặc sau Hội nghị Tiền-Thượng Hội đồng, miễn là thành quả của hội nghị đó cũng được đưa vào bản đúc kết của giáo phận. Cần cố gắng hết sức có thể để mọi tham dự viên đều cảm nhận tiếng nói của mình đã được thể hiện trong bản đúc kết đó. Là một mô hình minh bạch, vì thế nên công khai cho mọi người biết các thành viên của nhóm soạn thảo cũng như quá trình đúc kết các phản hồi. Chúng tôi đặc biệt khuyến nghị công bố bản đúc kết sau khi được phác thảo, như một tiêu chuẩn đánh giá bước đường hiệp hành của giáo phận. Dân Chúa phải được tạo nhiều cơ hội nhất có thể để xem xét và phản hồi nội dung bản đúc kết của giáo phận trước khi chính thức gửi bản đúc kết đó lên hội đồng giám mục.
Bản dịch của nhóm dịch thuật HĐGMVN
Tải tài liệu về tại đây: File Word, file PDF
Đọc thêm: Tài liệu chuẩn bị Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XVI
[1] Phanxicô, Thư gởi Dân Chúa (20.08.2018).
[2] Phanxicô, Diễn từ Mừng kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập Thượng Hội đồng Giám mục (17.10.2015).
[3] Phanxicô, Diễn từ Mừng kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập Thượng Hội đồng Giám mục (17.10.2015).
[4] Phanxicô, Diễn từ Mừng kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập Thượng Hội đồng Giám mục (17.10.2015).
2021
Lịch sử của vắc xin
Lịch sử của vắc xin
Lịch sử chủng ngừa bắt đầu từ vài thế kỷ gần đây, từ một số phương thức dân gian thời xưa, đến kỹ thuật chủng đậu vào thế kỷ 17 ở Trung Quốc…
Năm 1796, bác sĩ Edward Jenner, thành viên của Hội Hoàng gia London (Anh), đã được công nhận là cha đẻ của vắc xin. Sau khi tình cờ phát hiện bệnh đậu bò (bệnh đậu mùa ở bò), ông đã nghiên cứu và thực hiện chủng ngừa siêu vi gây bệnh đậu bò cho một cậu bé 13 tuổi. Em bé này sau đó miễn dịch trước vi rút gây bệnh đậu mùa. Năm 1798, vắc xin đầu tiên ngừa đậu mùa được phát triển.
Ðến thế kỷ 19, nhà khoa học Công giáo Louis Pasteur đã thực hiện các cuộc thí nghiệm đi đầu cho nỗ lực phát triển vắc xin bệnh tả dựa trên vi rút sống giảm độc lực và vắc xin ngừa bệnh than (lần lượt vào năm 1897 và 1904). Vắc xin dịch cũng được phát minh vào cuối thế kỷ 19. Từ năm 1890 đến 1950, nỗ lực phát triển vắc xin được tăng tốc, cho phép ra đời những dòng vắc xin cứu sống hàng triệu người, trong đó có vắc xin ngừa lao Bacillis-Calmette-Guerin (BCG).
Năm 1923, nhà miễn dịch học người Anh Alexander Glenny đã hoàn thiện biện pháp khử hoạt độc tố uốn ván bằng formaldehyde. Phương pháp tương tự đã được áp dụng để phát triển vắc xin ngừa bệnh bạch hầu vào năm 1926. Bên cạnh đó, vắc xin ho gà mất nhiều thời gian hơn để điều chế, và phải đợi đến năm 1948, Mỹ mới cấp phép vắc xin đầu tiên liên quan đến căn bệnh này.
Giai đoạn 1950-1985 chứng kiến sự xuất hiện của các biện pháp cấy mô siêu vi, dẫn đến sự ra đời của vắc xin ngừa sốt bại liệt Salk (hiện không còn sử dụng) và Sabin. Công tác chủng ngừa sốt bại liệt trên diện rộng đã giúp xóa sổ căn bệnh này ở nhiều vùng của thế giới. Cũng trong thời gian này, các chủng vi rút gây bệnh sởi, quai bị và rubella được xử lý để chế tạo vắc xin. Hiện bệnh sởi nhiều khả năng sẽ là mục tiêu bị xóa sổ kế tiếp thông qua các chiến dịch tiêm phòng.
Hai thập niên qua chứng kiến các lợi ích của di truyền học phân tử và việc tăng cường ứng dụng công nghệ mới vào lĩnh vực miễn dịch học, vi sinh vật học và gien di truyền cho các dự án phát triển vắc xin. Nhân loại đang gặt hái những thành công trong việc phát triển các vắc xin kết hợp để ngừa viêm gan siêu vi B, sự ra đời của những kỹ thuật mới cho khâu sản xuất vắc xin cúm mùa…