2021
6 Cách để khuyến khích lòng biết ơn nơi trẻ em thời hiện đại
6 Cách để khuyến khích lòng biết ơn nơi trẻ em thời hiện đại
Đây là cách giúp con cái bạn thực sự cảm thấy biết ơn.
Với việc chỉ còn vài ngày nữa là đến Lễ Tạ ơn*, nhiều bậc cha mẹ cần cố gắng truyền thụ cho con cái mình một nhận thức về lòng biết ơn. Tuy nhiên, việc đạt được cảm thức về lòng biết ơn thực sự không phải là điều dễ dàng. Nếu bạn nhìn vào các bài đăng trên mạng xã hội ngày nay, có rất nhiều bài được đánh dấu bằng những thẻ hashtag phổ biến như: #feelingthankful, #feelingblessed.
Mặc dù có thể mọi người đều cảm nhận ở một mức độ nào đó về lòng biết ơn, nhưng những gì chúng ta làm với lòng biết ơn này mới là điều quan trọng. Hơn bao giờ hết, nếu bạn cảm thấy Thiên Chúa đã thực sự thi ân giáng phúc cho bạn thì Người cũng yêu cầu bạn sử dụng những ơn phúc đó để phục vụ người khác. Và đây chính là lời nhắc nhở để chúng ta cần phải chia sẻ với con cái của mình, có lẽ hơn bao giờ hết là ngay hôm nay.
Để giúp con cái chúng ta cảm thấy biết ơn và sử dụng lòng biết ơn đó để làm điều tốt đẹp, thì điều quan trọng là chúng cần phải cảm thấy biết ơn trong cuộc sống hàng ngày, chứ không chỉ trong những dịp đặc biệt như Lễ Tạ ơn. Vì vậy, hãy để ý đến những ý tưởng sau đây và xem bạn có thể sử dụng chúng như thế nào trong chính gia đình của mình.
- Trò chuyện về lời “cám ơn”
Từ “cám ơn” rất dễ sử dụng và đó là điều chúng ta khuyến khích con cái mình nói ra mà không cần thực sự suy nghĩ. Khi con bạn nói “cám ơn”, thì đôi lúc bạn có thể hỏi chúng tại sao chúng lại cám ơn. Nếu chúng nói cám ơn vì một chiếc bánh quy được làm tại nhà, thì có phải do chúng yêu thích hương vị của chiếc bánh quy đó hay không? Hay chúng biết ơn vì công sức của bạn? Hay là vì chúng cảm thấy đói? Đôi khi chúng ta cần lưu tâm chính xác đến những gì chúng ta biết ơn.
© Marina Andrejchenko | Shutterstock
- Khuyến khích việc tự chủ
Nhiều bậc cha mẹ khuyến khích con cái mình phân chia tiền của chúng thành ba phần: tiết kiệm, bác ái và chi tiêu. Điều quan trọng là hãy để bọn trẻ quyết định về lý do mà chúng muốn dùng tiền của mình. Cho dù đó là để tặng một cốc đồ uống nóng cho một người vô gia cư mà chúng thường gặp hay dùng một toàn bộ số tiền dành dụm được cho một mục đích mà chúng quan tâm, hãy giúp con bạn đưa ra quyết định có ý nghĩa đối với chúng.
- Mang đến một cái nhìn về thế giới
Nhiều người trong chúng ta nghe nói đến việc “trẻ em chết đói ở Châu Phi” đang gia tăng. Vấn đề là châu Phi cách xa hàng nghìn dặm, làm cho điều này trở nên chẳng thể chạm tới đối với một người trẻ tuổi. Tuy nhiên, bạn có thể bảo trợ cho một đứa trẻ ở một nước đang phát triển và con của bạn có thể viết thư và tìm hiểu về cuộc sống cho đứa trẻ đó. Điều này có thể giúp chúng phát triển sự đồng cảm và lòng biết ơn.
- Biến sự phục vụ thành công việc gia đình
Nếu có điều gì đó bạn thích làm trong tư cách là một gia đình, vậy tại sao không tận dụng cơ hội này để giúp đỡ người khác? Những gia đình thích đi bộ có thể tham gia một cuộc đi bộ từ thiện để gây quỹ cho một mục đích thân quen nào đó. Ví dụ, nếu người ông của bạn vừa mới phục hồi sau một cơn đau tim, thì bạn có thể quyên góp tiền cho một quỹ về tim. Hãy khuyến khích bạn bè tham gia và làm cho việc này trở nên thú vị hơn.
- Trở nên một hình mẫu tích cực
Thật khó để trẻ em có được lòng biết ơn khi chúng thấy cha mẹ mình phàn nàn hay vô ơn. Vì vậy, hãy trở nên nguồn cảm hứng và lan tỏa một ý thức về lòng biết ơn hơn là lòng bất mãn. Từ việc nói lên lời “cám ơn”, cho đến việc giải thích cho con cái bạn lý do tại sao mà bạn phải biết ơn, tất cả những việc đó sẽ làm con cái bạn có được cơ hội tốt hơn để làm theo lời hướng dẫn của bạn.
- Dâng lời tạ ơn Thiên Chúa
Và quan trọng nhất, hãy khuyến khích con cái bạn biết dâng lời tạ ơn Thiên Chúa vì sự sống mà Người đã ban cho chúng và về con đường tuyệt diệu mà chúng đang có phía trước. Hãy cầu nguyện trước bữa ăn và đừng quên kể ra những điều cụ thể mà bạn cảm thấy biết ơn trong khi cầu nguyện trước lúc đi ngủ.
(*) Lễ Tạ ơn (Thanksgiving) là một ngày lễ hàng năm được tổ chức chủ yếu tại Hoa Kỳ, Canada, một số đảo ở Caribe và Liberia để mừng việc thu hoạch được mùa và tạ ơn Thiên Chúa vì đã ban cho một cuộc sống no đủ và an lành. Ở Hoa Kỳ, Lễ Tạ ơn diễn ra vào ngày thứ năm của tuần lễ thứ 4 của tháng 11. Ở Canada, ngày lễ này diễn ra vào ngày thứ 2 lần thứ hai của tháng 10.
Tác giả: Cerith Gardiner
Chuyển ngữ và hiệu đính: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên
2021
4 cách để Nước Thiên Chúa ở trong lòng bạn
4 cách để Nước Thiên Chúa ở trong lòng bạn
Thánh Gioan Phaolô II đã nêu ra 4 cách mà Nước Thiên Chúa có thể bén rễ trong lòng bạn.
Chúa Giêsu là Vua, nhưng để thuộc về vương quốc của Ngài trước hết chúng ta phải để Ngài bước vào trong tâm hồn của mình. Điều này không hề dễ dàng, vì chúng ta thường từ chối, thay vì để Ngài ngự vào tâm hồn mình chúng ta lại để cho thế giới này ngự trị ở đó.
Nhân chuyến viếng thăm New Zealand vào năm 1986, trong bài giảng lễ Chúa Kitô Vua, Thánh Gioan Phaolô II đã trình bày chi tiết về những cách để Nước Thiên Chúa có thể bén rễ trong tâm hồn mình.
“Và nếu chúng ta khao khát được thuộc về Nước Chúa, thì cách thức nào để cho Nước Chúa bắt đầu bén rễ trong tâm hồn con người? Làm thế nào để ơn hòa giải và bình an đến được trong cõi thâm sâu của mỗi người chúng ta?”
- CẦU NGUYỆN
Tất nhiên, trước hết là cầu nguyện. Tôi muốn nói đến cả lời cầu nguyện phụng vụ, trong đó chúng ta hiệp nhất với Chúa Kitô, vị Thượng Tế, trong việc thờ phượng chính thức của Giáo hội, với lời cầu nguyện cá nhân trong việc gặp gỡ Chúa cách riêng tư ở nơi sâu thẳm của linh hồn. Lời cầu nguyện mở rộng tâm trí và con tim cho Thiên Chúa. Cầu nguyện đào sâu hơn ước muốn thuộc về Nước Chúa của chúng ta. Lời cầu nguyện kết hiệp chúng ta một cách có ý thức với sự thông hiệp của các thánh, những người nâng đỡ chúng ta bằng sự chuyển cầu liên lỉ của họ.
- CHẤP NHẬN SỨ ĐIỆP PHÚC ÂM
Cách thứ hai để đạt được bình an trong lòng là chấp nhận sứ điệp Phúc âm. Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng công khai bằng lời kêu gọi hoán cải: “Hãy sám hối và tin vào Tin mừng”. Giáo hội tiếp tục sứ mạng của Chúa Kitô bằng cách lên án tội lỗi, khích lệ mọi người hoán cải, mời gọi họ hòa giải với Chúa. Và trong mọi thời đại, Giáo hội công bố lòng nhân từ và thương xót của Thiên Chúa. Giáo hội mời gọi tất cả chúng ta : “Hãy cởi bỏ mọi gánh nặng và tội lỗi đang trói buộc mình, và hãy kiên trì chạy trong cuộc đua dành cho ta, mắt hướng về Đức Giêsu là Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin” (Dt 12, 1-2).
- ĐỐI THOẠI VÀ NHẬN RA NGUỒN CHÂN LÝ
Đối thoại là phương cách khác dẫn tới hòa giải và hòa bình, trong đó cuộc đối thoại đức tin bắt nguồn từ sự tôn trọng sâu xa đối với người khác và từ niềm tin vào cuộc chiến thắng cuối cùng của chân lý. Để cuộc đối thoại chân thành được thiết lập, “chúng ta phải đối mặt với Lời Chúa và từ bỏ những quan điểm chủ quan của mình, biết tìm kiếm chân lý ở nơi nó được nhận biết, nghĩa là trong chính Lời Chúa và trong cách giải thích chính thức về Lời Chúa do Huấn quyền của Giáo hội cung cấp.
- CÁC BÍ TÍCH CỦA GIÁO HỘI
Những cách thức hoán cải bao gồm thực hành sám hối, bố thí, ăn chay và bất cứ điều gì thực sự giúp chúng ta hoán chuyển từ tội lỗi sang tự do thiêng liêng, từ ích kỷ sang công lý và yêu thương, từ hận thù sang khát vọng hòa bình. Qua tất cả các Bí tích của Giáo hội, chính Chúa Kitô thiết lập Nước Thiên Chúa trong lòng chúng ta. Trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta đón nhận Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian và ban bình an cho chúng ta. Trong Bí tích Thống hối, Thiên Chúa tự giao hòa với chúng ta và sai chúng ta vào thế gian với tư cách là các tôi tớ của sự hòa giải. Mỗi Bí tích, theo cách riêng của nó, kết hợp với chúng ta với Đấng Cứu độ Phục sinh và đổi mới trong chúng ta những ân sủng của Chúa Thánh Thần.
Võ Tá Hoàngchuyển ngữ
2021
Lịch sử và hoạt động của Bộ Giáo dục Công giáo
Lịch sử và hoạt động của Bộ Giáo dục Công giáo
Bộ Giáo dục Công giáo là một trong những cơ quan của giáo triều Roma. Bộ có 19 nhân viên thuộc 12 quốc gia, làm việc trong các văn phòng về trường học, văn phòng về đại học, phân bộ về các tổ chức quốc tế và các hoạt động khác như thủ quỹ, nghi lễ, lưu trữ, thư viện, công nghệ thông tin, vv.
Đức Hồng y Giuseppe Versaldi – Tổng trường Bộ Giáo dục Công giáo
Lịch sử thành lập
Vào năm 1588, với Tông Hiến Immensa Aeterni Dei, Đức Giáo hoàng Sixto V đã thành lập cơ quan tiền thân của Bộ Giáo dục Công giáo để giám sát Đại học La Sapienza ở Roma và các trường đại học nổi tiếng khác vào thời điểm đó, bao gồm đại học Bologna (Ý), Paris /Pháp) và Salamanca (Tây Ban Nha). Năm 1824, Đức Giáo hoàng Leo XII đã thành lập Bộ Nghiên cứu cho các cơ sở giáo dục ở các Quốc gia thuộc Giáo hoàng. Vào năm 1870, cơ quan này bắt đầu giám sát các trường đại học Công giáo. Đức Thánh Cha Pio X xác nhận trách nhiệm này vào năm 1908 và vào năm 1915, Đức Biển Đức XV đã thành lập phân bộ phụ trách các chủng viện và sáp nhập nó vào Bộ Nghiên cứu và gọi nó là Bộ Chủng viện và Nghiên cứu Đại học. Năm 1967, Đức Phaolô VI đã đổi tên thành Thánh Bộ về các học viện Công giáo. Tên hiện tại “Bộ Giáo dục Công giáo” xuất phát từ Tông Hiến Pastor Bonus – Mục tử Nhân lành, được Đức Gioan Phaolô II ban hành năm 1988.
Từ ngày 31/3/2015 Đức Hồng y Giuseppe Versaldi được Đức Thánh Cha bổ nhiệm làm Tổng trưởng Bộ Giáo dục Công giáo. Đức Hồng y đã có cuộc trò chuyện với Vatican News về lịch sử, sứ vụ cũng như kinh phí hoạt động của Bộ Giáo dục Công giáo.
Giáo dục – chủ đề trọng tâm trong triều đại giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô
Trước hết, Đức Hồng y lưu ý rằng giáo dục là một trong những chủ đề trọng tâm trong triều đại giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô. Ngay từ đầu triều đại giáo hoàng, theo phong cách mục vụ trước đây của ngài, Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc đầu tư tài năng của mọi người, nhất là của các thế hệ trẻ, để thúc đẩy một tình liên đới phổ quát mới và một xã hội chào đón hơn. Với sự ra mắt của Hiệp ước Toàn cầu về Giáo dục, ngài đã tiếp tục lời mời thiết lập một liên minh hướng tới sự hội tụ toàn cầu về giáo dục, biết cách đoàn kết mọi người dân, với tất cả các thành phần, để tìm ra giải pháp cho các vấn đề phát sinh bởi sự biến đổi liên tục của thời đại, để bắt đầu các quá trình biến đổi mà không sợ hãi và nhìn về tương lai với hy vọng. Lời mời này được hướng đến tất cả mọi người: giáo viên, học sinh, phụ huynh, xã hội; mọi lĩnh vực và ngành học; các biểu hiện khác nhau về trí tuệ, khoa học, nghệ thuật, thể thao, chính trị, kinh tế, kinh doanh, để hỗ trợ người trẻ.
Tài liệu hướng dẫn
Tiếp đến, Đức Hồng y giải thích về cách thức Bộ Giáo dục Công giáo tham gia vào việc hỗ trợ và áp dụng chiến lược được gợi hứng bởi Đức Thánh Cha: Được giao nhiệm vụ đồng hành cùng việc thực hiện dự án này, ngoài việc thúc đẩy một loạt các công ước và sự kiện để phát triển các thành phần khác nhau của hiệp ước giáo dục, được thực hiện ngay sau thông điệp đầu tiên của Đức Thánh Cha vào ngày 12/9/2019, Bộ Giáo dục Công giáo đã bắt đầu theo dõi và tập hợp các kinh nghiệm ở các trường và đại học Công giáo và ở nhiều tổ chức giáo dục tại nhiều nước trên thế giới. Trước sự gia tăng không ngừng các sáng kiến và quan điểm trong những năm tới, một Ủy ban đã được thành lập bao gồm Tổ chức Tòa Thánh Gravissimum educationationis, Đại học LUMSA ở Roma và Đại học Công giáo Thánh Tâm ở Milano. Điều này giúp chuẩn bị một tập sách toát yếu cho các nhà giáo dục và một tập sách hướng dẫn cho các trường đại học. Trong khi sách toát yếu phát triển các mục tiêu của Hiệp ước Toàn cầu do Đức Thánh Cha chỉ ra, thì sách các hướng dẫn mở rộng trên 5 lĩnh vực chủ đề mà Hiệp ước có thể được áp dụng để phát triển các sáng kiến học thuật, khoa học và văn hóa: phẩm giá và quyền con người; tình huynh đệ và sự hợp tác; công nghệ và hệ sinh thái toàn diện; hòa bình và quyền công dân; văn hóa và tôn giáo.
Với ý thức rằng đề xuất về một tổ chức giáo dục nhằm mục đích tìm kiếm sự hội tụ toàn cầu trong một “ngôi nhà chung” cho các cư dân trên Trái đất và một liên minh tạo ra hòa bình, công lý, sự chấp nhận giữa tất cả các dân tộc và đối thoại giữa các tôn giáo, Bộ Giáo dục Công giáo thực hiện công việc của mình với sự cộng tác hiệu quả với các thực thể khác trong Tòa Thánh.
Sứ vụ của Bộ Giáo dục Công giáo
Nói về sứ vụ của Bộ Giáo dục Công giáo, Đức Hồng y Tổng trưởng của Bộ cho biết, Bộ có nhiệm vụ đào sâu, phát triển và cổ võ các nguyên tắc nền tảng của giáo dục Công giáo, như được Huấn quyền của Giáo hội đề xuất, liên quan đến Dân Chúa, cũng như xã hội nói chung. Theo nghĩa này, Bộ Giáo dục Công giáo dấn thân để bảo đảm rằng các tín hữu có thể hoàn thành các nghĩa vụ của họ trong lĩnh vực này, và xã hội nói chung cũng có thể công nhận và bảo vệ các quyền của họ. Trong bối cảnh đó, đối thoại mang tính xây dựng được thực hiện với các tổ chức quốc gia và các tổ chức quốc tế là rất quan trọng.
Đặc biệt, Bộ Giáo dục thiết lập các hướng dẫn cho các trường Công giáo, nhiều trường trong đó được thành lập và điều hành bởi các dòng tu. Nó hỗ trợ các Giám mục Giáo phận trong vai trò giám sát chất lượng dịch vụ mà các trường này cung cấp, việc đào tạo các nhà đào tạo, giáo dục tôn giáo và chăm sóc mục vụ cho học sinh. Ngoài các trường học, Bộ Giáo dục theo dõi các trường đại học Công giáo và hỗ trợ các Giám mục trong việc xây dựng các quy tắc áp dụng Hiến chế Ex corde Ecclesiae – Từ trung tâm của Giáo hội – để họ có thể đồng hành với các cơ sở học thuật này trong việc phát triển các lĩnh vực khác nhau trong khi quan tâm đến nguồn cảm hứng Kitô giáo, và thúc đẩy các hình thức chăm sóc mục vụ khác nhau ở cấp đại học.
Một nhiệm vụ cụ thể khác được giao phó cho Bộ Giáo dục Công giáo liên quan đến các trường Đại học và Học viện nghiên cứu của Giáo hội. Thực hiện Tông Hiến Veritatis Gaudium – Niềm vui Chân lý – được Đức Thánh Cha Phanxicô phê chuẩn vào ngày 8/12/2017, Bộ Giáo dục phê chuẩn các quy chế của các loại tổ chức này, duy trì việc hướng dẫn chặt chẽ đối với chúng để đảm bảo chất lượng của việc giảng dạy giáo lý được cung cấp và để bảo vệ tính toàn vẹn của Đức tin Công giáo.
Đức Hồng y cho biết trên thế giới có khoảng 217 ngàn trường Công giáo, với hơn 60 triệu học sinh; 1.360 trường Đại học Công giáo; có 487 trường Đại học và phân khoa thuộc Giáo hội, bao gồm cả các Học viện liên kết hoặc liên kết với chúng, với khoảng 11 triệu sinh viên theo học tại các cơ sở giáo dục đại học này.
Kinh phí hoạt động của Bộ Giáo dục Công giáo
Như các cơ quan khác của Tòa Thánh, kinh phí hoạt động chính của Bộ Giáo dục Công giáo được tài trợ bởi Tòa Thánh. Đức Hồng y Chủ tịch cho biết chi phí lớn nhất là tiền lương của nhân viên, kế đến là các dịch vụ công nghệ thông tin, là điều hoàn toàn thiết yếu để đồng hành với công việc của các cơ sở giáo dục trên toàn thế giới. Bộ cũng dành chi phí cho việc xuất bản tạp chí và các tài liệu khác của Bộ, cũng như chi phí tham vấn cho công việc được giao cho một nhóm chuyên gia tư vấn. Một phần ngân sách của Bộ được dành cho việc tổ chức các sự kiện đặc biệt – hội nghị, hội thảo nghiên cứu hoặc đại hội được tổ chức cho nhiều trường hợp khác nhau – được trợ cấp một phần bởi các bên thứ ba. Trong sáu năm qua, Bộ cũng cung cấp trụ sở cho Tổ chức Tòa Thánh Gravissimum educationis do Đức Thánh Cha Phanxicô thành lập để hỗ trợ lĩnh vực nghiên cứu và các dự án mới trong lĩnh vực giáo dục. Có bốn người làm việc ở đó.
Hợp tác
Bên cạnh việc hợp tác với nhiều hiệp hội quốc tế của các học giả, trường đại học, phụ huynh và cựu sinh viên, Bộ Giáo dục còn hợp tác chặt chẽ với Phủ Quốc phụ khanh Tòa Thánh, liên hệ với các tổ chức quốc tế như UNESCO, Hội đồng Châu Âu và Liên minh Châu Âu. Các mối quan hệ thường xuyên được duy trì với các tổ chức này thông qua các Quan sát viên của Tòa thánh mà từ đó Bộ Giáo dục nhận được thông tin liên quan đến các chiến lược đã phát triển, các chủ đề nghiên cứu và các sự kiện đang được quảng bá. Trong một số trường hợp cụ thể, ngoài công việc nội bộ của các nhân viên phụ trách các hoạt động này, Bộ còn chọn các chuyên gia có năng lực để gửi đến các cuộc họp, những người đại diện cho quan điểm của Giáo hội và những người tìm hiểu về các định hướng có thể có tác động rõ ràng đến hoạt động của các tổ chức giáo dục Công giáo khi chúng được phát triển.
Hai giải pháp đối phó với ảnh hưởng của đại dịch
Cuối cùng, đề cập đến ảnh hưởng sâu sắc của đại dịch đối với kinh nghiệm học tập ở cấp độ toàn cầu, gây ảnh hưởng xấu đến mạng lưới các mối quan hệ cá nhân và làm nghèo đi các nguồn lực và nguồn hỗ trợ mà các cơ sở giáo dục dựa vào, làm gia tăng và khuếch đại nhiều trường hợp khẩn cấp đã có trước đó và tỏ lộ nhiều trường hợp khác, bao gồm cả lĩnh vực giáo dục, Đức Hồng y Versaldi nhận định rằng chúng ta đang phải đối mặt với một loại “thảm họa giáo dục” do thực tế là khoảng mười triệu trẻ em bị buộc phải nghỉ học. Điều này cộng với 250 triệu trẻ em trong độ tuổi đi học không được tham gia bất kỳ hoạt động giáo dục nào. Giáo dục dựa trên máy tính nhanh chóng được đưa ra để ứng phó với tình huống khẩn cấp này. Nhưng sự chênh lệch rõ rệt về khả năng tiếp cận công nghệ, cùng với những khiếm khuyết khác, đã làm cho sự phân chia giáo dục trở nên rõ ràng hơn ở khắp mọi nơi.
Bộ Giáo dục Công giáo đề nghị hai điều liên quan đến tình trạng này, những điều sẽ không được giải quyết nhanh chóng: một mặt, tình huống khẩn cấp cần được xử lý càng sớm càng tốt bằng các công cụ công nghệ và cập nhật của giáo viên để có thể thực hiện những nỗ lực theo hướng đồng hành với giáo dục để xóa bỏ những sự gạt ra bên lề mới xuất hiện. Mặt khác, cần nỗ lực tạo ra một mô hình văn hóa mới để thay đổi mô hình phát triển hiện tại và áp dụng các mô hình sư phạm có khả năng bảo vệ phẩm giá con người, thúc đẩy các quá trình xã hội hóa đầy đủ trong quan điểm của tình huynh đệ phổ quát, và thúc đẩy phương pháp tiếp cận tri thức xuyên ngành để đào tạo các thế hệ trẻ như những người hoạt động vì công ích.
Hồng Thủy
2021
Làm sao để được lớn lên trong Đức Tin?
Làm sao để được lớn lên trong Đức Tin?
Đức tin (faith) ,một trong ba nhân đức đối thần, là một quà tặng vô giá mà Thiên Chúa đã ban cho những ai mà Người muốn mặc khải mình cho .
Nghĩa là nếu Thiên Chúa không tự tỏ mình ra cho ai, thì không ai có thể tìm biết và tin có Người là Đấng Tạo Hóa, là Cha nhân lành đã tạo dựng và cứu chuộc con người nhờ Chúa Cứu Thế Giêsu.
Chúa Giêsu đã ca ngợi Chúa Cha thay cho chúng ta, những người được đức tin như sau:
“ Lậy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho các bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, đó là điều đẹp lòng Cha.” ( Lc 10:21)
Về phần mình, Chúa Giêsu cũng mặc khải Chúa Cha cho chúng ta như Người nói tiếp sau đây:
“ Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết người Con là ai, trừ Chúa Cha, cũng như không ai biết Chúa Cha là ai trừ người Con và kẻ người Con muốn mặc khải cho. ( cf.Lc.10: 22; Mt 11:
Quả đúng như lời Chúa Giêsu nói trên đây, trong thế giới xưa và nay, có biết bao người thông thái, có khả năng giải thích sự cấu tạo và hình thành của trái đất. đã lên được mặt trăng và đang chuẩn bị thám hiểm Sao hỏa, Sao Kim…nhưng kiến thức khoa học của họ không giúp họ khám phá được Thiên Chúa để tin có Ngài là Đấng Tạo hóa toàn năng, thượng trí.
Chỉ có chúng ta, những kể bé mọn về kiến thức, tài năng và khôn ngoan, nhưng lại được diễm phúc hơn những bậc thông thái kia vì được nhận biết Thiên Chúa và tin có Ngài là Cha nhân lành đã thương mặc khải cho chúng ta được biết Ngài nhờ quà tặng đức tin vô giá.
Hạt giống đức tin này đã được gieo vào tâm hồn chúng ta khi chúng ta được rửa tội, để được tái sinh trong sự sống mới, trở nên tạo vật mới, sau khi con người cũ đã chết vì tội của Nguyên Tổ.
Nhưng hạt giống đức tin này không thể tự nó lớn lên và sinh hoa kết trái mà không có sự cộng tác tích cực của con người vào việc nuôi dưỡng để giúp cho hạt giống đó được triển nở phong phú trong đời sống thiêng liêng của mỗi người tín hữu chúng ta.
Thật vậy, kinh nguyện phổ biến cho thấy rằng các trẻ em được rửa tội khi còn bé, sẽ lớn lên trong đức tin hay sẽ mất đức tin ấy nếu không có sự nâng đỡ tích cực của cha mẹ và thân nhân sống gần các em..Nói rõ hơn, nếu cha mẹ hay người đỡ đầu không dạy dỗ cho con em biết về Chúa trước hết ở trong gia đình, và sau đó cho các em đi học giáo lý để lãnh nhận các bí tích hòa giải và Thánh Thể, thì các em sẽ không thể tự mình biết gì về Chúa và tình yêu của Chúa dành cho con người. Chính những kiến thức sơ khởi về niềm tin có Thiên Chúa nơi trẻ em và người tân tòng sẽ dần dần tăng trưởng để thành niềm tin vững chắc khi các em lớn lên và được tiếp tục bồi dưỡng thêm nhờ thực hành những việc đạo đức như cầu nguyện, tham dự Thánh Lễ, được nghe lời Chúa và nhất là được rước Minh Thánh Chúa Kitô để nhờ đó thêm yêu mến Chúa và vững chắc tin có Chúa là Cha nhân từ, luôn yêu thương và tha thứ cho con người.
Đối với người lớn (tân tòng),thì sự cộng tác cá nhân còn cần thết hơn nữa. Khi có ý định muốn gia nhập Đạo Công Giáo qua phép rửa tội,( trừ những người muốn vào Đạo vì mưu đồ riêng tư) người tân tòng đã cảm nghiệm phần nào lời mời gọi thầm kín của Chúa nên đã dấn thân tìm hiểu để đáp lại lời mời gọi thiêng liêng đó bằng cách sẵn lòng học hỏi giáo lý để được rửa tội ,thêm sức và rước Thánh Thể lần đầu
Nhưng bước đầu của đời sống đức tin của họ phải được tiếp tục tiến bước xa hơn nữa để đi đến mức trưởng thành vững chắc với nỗ lực cá nhân và nâng đỡ của cộng đoàn đức tin, của những người đã hướng dẫn họ trong bước đầu.Nói rõ hơn,sau khi được rửa tội để gia nhập Giáo Hội , người tân tòng phải có quyết tâm sống đức tin trong Giáo Hội, là Mẹ có sứ mệnh hướng dẫn con cái bước đi theo Chúa Kitô và sống theo đường lối của Người hầu được ơn cứu độ để sống hạnh phúc muôn đời với Thiên Chúa trên Nước trời mai sau.
Trong hành trình đức tin này, người tín hữu Chúa Kitô- mới cũng như cũ- sẽ phải đương đầu với nhiều thử thách, khó khăn và nhất là đau khổ từ thể xác đến tâm hồn khiến cho niềm tin vào Thiên Chúa nhiều lần bị chao đảo khi đối diện với những khó khăn và thử thách đó.Và chỉ khi thắng vượt được những thử thách đó để trung kiên với Chúa trong tin yêu thì đức tin mới thực sự lớn lên cùng với lòng yêu mến Chúa sâu đậm.
Thật vậy, lãnh nhận đức tin qua phép rửa tội có thể được tạm ví như lãnh được bằng lái xe để được phép lái xe .Tuy nhiên, nếu không tôn trọng mọi qui luật về lưu thông trên đường phố, về tốc độ giới hạn ( speed limits) thì trước hết sẽ bị phạt vạ và giá bảo hiểm sẽ tăng theo. Nếu tiếp tục lái ẩu, bất tuân luật giao thông thì sẽ bị tạm treo bằng lái . Sau thời gian tạm treo, được lái trở lại. Nhưng nếu vẫn tiếp tục lái ẩu thì biện pháp cuối cùng sẽ là bị rút bằng lái vĩnh viễn khiến không còn được phép lái xe nữa..Ai sống ở Mỹ đều biết rõ điều này. .
Cũng tương tự như vậy,về một khía cạnh, người tân tòng –và ngay cả người đã theo Đạo từ bé, nếu sau khi gia nhập Đạo rồi mà không thật tâm thực hành những cam kết khi được rửa tội là mến Chúa trên hết mọi sự và cương quyết từ bỏ ma quỷ tức tội lỗi thì phép rửa sẽ trở nên hoàn toàn vô ích cùng với hy vọng được cứu rỗi nhờ công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô.
Nói rõ hơn, phép rửa không biến đổi tức khắc con người thành hoàn hảo ngay và nhất là giúp con người tránh được mọi tai ương như bệnh tật, nghèo đói và mọi thứ đau khổ bao lâu còn sống trên trần thế và trong thân xác có ngày phải chết này..Trái lại, phép rửa chỉ là bược đầu để tiến dần đến mức hoàn hào trong đức tin, đức cậy và đức mến. Trong tiến trình thiêng liêng đó, con người cần có ơn Chúa nâng đỡ và thiện chí cộng tác của cá nhân muốn được đổi mới, được trở nên hoàn hảo về mặt thiêng liêng.
Mặc dù ơn Chúa là cần thiết nhất, nhưng nếu không có sự cộng tác tích cực của mỗi cá nhân với ơn thánh để ngày một trở nên giống Chúa trong mọi chiều kích của Chân Thiện Mỹ thì Chúa không thể cứu ai được, vì con người còn có tự do để chọn lựa sống theo Chúa hay theo trần gian, đang ngày một lún xâu vào “văn hóa của sự chết”.
Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ xưa phải sống liên kết mật thiết với Người như cành nho gắn liền với thân cây để có đủ nhựa sống : “ ..vì Không có Thầy anh em chẳng làm gì được gì” ( Ga 15: 5)
Không có Thầy nghĩa là không có ơn Chúa giúp sức thì ta không thể lớn lên trong đức tin, không có ơn bền đỗ để chịu đựng những đau khồ, và thử thách, không có sức để chống lại mọi quyến rũ của tiền bạc, vật chất, hư danh trần thế, vui thú vô luân vô đạo và nhất là đứng vững trước những cám dỗ của ma quỉ , “ thù địch của anh em, như sư tử gầm thét rao quanh tìm mồi cắc xé.. Anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự vì biết rằng toàn thể anh em trên trần gian này đều trải qua cùng một loại thống khổ như thế.” ( 1 Pr 5:8-)
Do đó, để lớn lên trong đức tin và nhất là bền vững trong niềm tin yêu Thiên Chúa để luôn luôn sống theo đường lối của Người, chúng ta cần thiết phải năng chạy đến cùng Chúa trong tâm tình tha thiết cầu nguyện và siêng năng lãnh nhận các bí tích hòa giải và Thánh Thể là những phương tiện hữu hiệu nhất để đem chúng ta lại gần Chúa và thêm yêu mến Chúa ngày một hơn để có thể nói được như Thánh Phaolô là “ tôi sống nhưng không còn phải là tôi mà là Đức Kitô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống trong xác phàm là sống trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi.”( Gl 2 :20)
Nói khác đi, nếu không siêng năng chạy đến với Chúa và tha thiết xin Người ban ơn nâng đỡ qua các bí tích hòa giải và Thánh Thể, thì với bản tính mỏng dòn, yếu đuối của con người, chúng ta sẽ dễ chán nản trong đời sống thiêng liêng, dễ nghiêng chiều về đường tội lỗi.Từ đó, đức tin cũng sẽ bị suy yếu dần đến chỗ không còn tin tưởng gì vào Thiên Chúa vô hình nữa.
Kinh nghiệm phổ quát cũng cho thấy là khi người ta quyết tâm theo đuổi một mục tiêu nào, thí dụ một vận động viên thể thao muốn doạt danh hiệu vô địch về môn thể thao mình ham chuộng thì phải không ngừng tập luyện và tuân giữ mọi kỷ luật của môn thể thao đó.. Nếu không sẽ không thể giữ được phong độ và đạt được thành tich cao .
Cũng vậy, người tin hữu không siêng năng cầu nguyện, suy niệm lời Chúa trong Kinh Thánh và năng lãnh nhận những bí tích ban ơn thánh hóa và cứu độ như Hòa giải và Thánh Thể, cũng như không quyết tâm qui hướng đời mình về Chúa Kitô là tâm điểm thì đời sống thiêng liêng sẽ ngày một khô héo và đi dần đến chỗ nguội lạnh hẳn. Từ đó đức tin ban đầu cũng nhạt phai luôn theo thời gian. Đó là tất cả ý nghĩa của lời Chúa Giêsu đã nói trong dụ ngôn Mười Nén Bạc như sau: : “ Tôi nói cho các anh hay : phàm ai đã có, thì sẽ được cho thêm; còn ai không có thì ngay cả cái nó đang có cũng sẽ bị lấy đi.” ( Lc 19 :26)
Có sẽ được cho thêm có nghĩa là nếu năng chạy đến với Chúa trong cầu nguyện, thì càng thêm yêu mến Chúa, dễ xa tránh tội lỗi và đức tin sẽ lớn mạnh hơn. Ngược lại, nếu không tha thiết cầu nguyện tức là nói chuyện thân mật với Chúa trong tình Cha con, cũng như không quyết tâm sống đức tin bằng hành động cụ thể như xa tránh tội lỗi, làm việc bác ái, thương người và đặc biệt siêng năng việc đạo đức như tham dự Thánh lễ để nghe lời Chúa và nhất là luôn rước Mình Thánh Chúa để được bổ sức thiêng liêng, thì tâm hồn và niềm tin của con người sẽ ví như cây non không được tưới nước thì sẽ chết dần chứ không thể lớn lên được.
Như vậy, ai có đức tin vào một Thiên Chúa cực tốt cực lành, là Cha toàn năng đầy lòng thương xót mà lại chạy theo những quyến rũ của trần thế để gian tham , trộm cắp,bóc lột, oán thù , dâm đãng, giết người v.v thì đức tin đó sẽ là đức tin chết và hoàn toàn vô ích cho hy vọng được cứu rỗi để hưởng vinh phúc đời đời với Chúa trên Nước Trời.
Tóm lại, có được đức tin chỉ là khởi đầu cho một tiến trinh tăng trưởng trong tin yêu một Thiên Chúa là Cha nhân từ, tin công nghiệp của Chúa Kitô và tin có sự sống đời đời..
Nhưng xin nói lại một lần nữa là Thiên Chúa Không ép buộc ai phải tin và yêu mến Người.Chúa chỉ mời gọi và tùy con người đáp trả. Ai có thiện chí muốn nghe tiếng Chúa để sống theo đường lối của Chúa, thì Người sẽ ban ơn nâng đỡ để giúp đi sâu vào thân tình Cha-con với Người và được sống hạnh phúc, bình an với Chúa ngay trong cuộc sống ở đời này trước khi được vui hưởng hạnh phúc vĩnh cửu với Người mai sau trên Nước Trời…
Ai không đáp lời mời gọi của Chúa để sống theo ý riêng của mình và theo thế gian thì có đức tin cũng như không và mang tên Kitô hữu cũng chỉ là hữu danh vô thực mà thôi.
LM Phanxicô Xavie Ngô Tôn Huấn