2021
13 câu Kinh thánh có thể giúp ích cho đời sống hôn nhân của bạn
13 câu Kinh thánh có thể giúp ích cho đời sống hôn nhân của bạn
Ngay cả khi bạn không phải là Kitô hữu, nó cũng sẽ giúp bạn vượt qua những khủng hoảng hôn nhân.
Đọc lại Kinh thánh trong cuộc hôn nhân của bạn là một cách tuyệt vời để nhắc nhở bản thân về tầm quan trọng của những lời hứa mà bạn đã hứa để tiếp tục gắn bó với đức tin của mình và với người phối ngẫu mỗi ngày.
Dưới đây là một số đoạn Kinh thánh sẽ giúp bạn trong đời sống hôn nhân, ngay cả trong những lúc vui – buồn của cuộc sống.
Để ghi nhớ sức mạnh của hôn nhân
- “Một mình dễ bị tấn công, có hai người, ắt sẽ đương đầu nổi; dây chập ba đâu dễ gì đứt?” (Gv 4,12).
- “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ. Thiên Chúa ban phúc lành cho họ, và Thiên Chúa phán với họ: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất”” (St 1, 27-28).
- “Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mc 10,9).
- “Cùng với người vợ yêu thương, bạn hãy hưởng trọn cuộc đời, hết mọi ngày trong kiếp sống phù du đã được ban cho bạn dưới ánh mặt trời, vì đó là phần bạn đáng được hưởng trong cuộc đời, giữa bao nhiêu công việc khó nhọc bạn làm dưới ánh mặt trời, trong những ngày của kiếp sống phù du. (Gv 9,9).
Để nhắc nhở bạn về sức mạnh của sự kiên nhẫn và tha thứ
- “Trước hết, anh em hãy hết tình yêu thương nhau, vì lòng yêu thương che phủ muôn vàn tội lỗi. Hãy tiếp đón nhau mà không lẩm bẩm kêu ca” (1 Pr 4,8-9).
- “Vậy, tôi là người đang bị tù vì Chúa, tôi khuyên nhủ anh em hãy sống cho xứng với ơn kêu gọi mà Thiên Chúa đã ban cho anh em. Anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại; hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau. Anh em hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hòa gắn bó với nhau” (Eph 4, 1-3).
- “Đừng bao giờ chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn, hay la lối thóa mạ, và hãy loại trừ mọi hành vi gian ác. Trái lại, phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Ki-tô” (Eph 4,31-32).
Cố gắng hết sức mình trong cuộc chiến chống lại những cám dỗ
- “Không một thử thách nào đã xảy ra cho anh em mà lại vượt quá sức loài người. Thiên Chúa là Đấng trung tín: Người sẽ không để anh em bị thử thách quá sức; nhưng khi để anh em bị thử thách, Người sẽ cho kết thúc tốt đẹp, để anh em có sức chịu đựng” (1Cor 10,13).
- “Ai nấy phải tôn trọng hôn nhân, chớ làm cho loan phòng ra ô uế, vì Thiên Chúa sẽ xét xử các kẻ gian dâm và ngoại tình” (Dt 13,4).
Tin cậy Chúa trong những lúc khó khăn
- “Hãy hết lòng tin tưởng vào ĐỨC CHÚA, chớ hề cậy dựa vào hiểu biết của con. Hãy nhận biết Người trong mọi đường đi nước bước, Người sẽ san bằng đường nẻo con đi” (Cn 3,5-6).
- Mạnh bạo lên, can đảm lên! Đó chẳng phải là lệnh Ta đã truyền cho ngươi sao? Đừng run khiếp, đừng sợ hãi, vì ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, sẽ ở với ngươi bất cứ nơi nào ngươi đi tới” (Gs 1,9).
- “Chúng ta biết rằng: Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người, tức là cho những kẻ được Người kêu gọi theo như ý Người định” (Rm 8,28).
- “Vì chính Ta biết các kế hoạch Ta định làm cho các ngươi – sấm ngôn của Ðức Chúa -, kế hoạch thịnh vượng, chứ không phải tai ương, để các ngươi có một tương lai và một niềm hy vọng” (Gr 29,11).
Tác giả bài viết: G. Võ Tá Hoàng chuyển ngữ
2021
Một số sai lầm lớn khiến cho hôn nhân của nhiều người không bên vững
Một số sai lầm lớn khiến cho hôn nhân của nhiều người không bên vững
Ngày nay, không ít bạn trẻ, sau một thời gian ngắn kết hôn đã than thở rằng họ đã mắc phải sai lầm quá lớn khi nhắm mắt bước chân vào đời sống hôn nhân bởi họ đã vỡ mộng hoàn toàn đối người bạn đời, với cuộc sống chung đầy khó khăn vất vả, với những mối quan hệ phức tạp giữa gia đình bên vợ bên chồng, giữa họ hàng nhà trai nhà gái v.v.
Thực vậy có người đã nói, “Người ta mơ mộng khi yêu nhau và thức tỉnh khi lấy nhau” (Poppée). Người ta thức tỉnh vì khi kết hôn mới nhận ra rằng họ đã mắc quá nhiều sai lầm nghiêm trọng khiến cho cuộc sống lứa đôi thật nặng nề và không hạnh phúc lâu dài như mong đợi.
Thực vậy, xưa nay một số người từng trải kinh nghiệm trong đời sống hôn nhân gia đình cũng đã không ngại khẳng định rằng: “Chỉ khi nào bạn đi được nửa đường hôn nhân, bạn mới nhận thấy thực ra hôn nhân (marriage) chỉ là ảo ảnh (mirage)”. Thật là bi quan! Hôn nhân chỉ còn là ảo ảnh vì nó không thực sự như mong đợi. Đó chỉ là một thực tế ảo trong đó tình yêu và hạnh phúc là những khái niệm mơ hồ do người ta tự suy diễn. Có người đã ví von thế này, “Tình yêu trông xa lấp lánh như hạt kim cương, nhưng lại gần đó chỉ là giọt lệ”. Tình yêu đôi lứa xem ra chỉ đẹp trong mơ mà thôi!…
Trong bài viết “Những lý do đổ vỡ trong hôn nhân và nỗi đau của người ở lại” trên trang giadinhnazareth.org ngày 31-1-2019, tác giả đã chia sẻ nội dung như sau:[1]
“Tác giả Thụy Sỹ Stephan Schimitz đã khắc họa góc khuất trong hôn nhân mà con người phải đối mặt. Cuộc sống đâu chỉ có vui vẻ, chúng ta còn chịu nhiều áp lực khó nói thành lời.
-Ở quá lâu trong cô đơn, ta dễ cảm thấy bế tắc, tuyệt vọng: Đôi lúc, ta cần một nơi để nương tựa, thoát khỏi sự tù túng, buồn chán thường ngày.
-Bước vào đời sống hôn nhân, có quá nhiều thứ xảy ra mà bạn không lường trước được: Khi lập gia đình rồi, ta mới biết kết hôn chính là ‘đào hố tự chôn mình’.
-Sau khi kết hôn, người ta lại mong mỏi tự do, một sự giải thoát: Áp lực gia đình, cuộc sống rồi gánh nặng cơm áo gạo tiền khiến tình yêu không được như thuở ban đầu. Nhiều người không biết nên lựa chọn giữa tự do hay tiếp tục cuộc sống hôn nhân?
-Suy cho cùng, hôn nhân là bản hợp đồng mà vợ chồng thỏa thuận với nhau để xây dựng cuộc sống: Đôi khi, nó cũng như sợi dây trói buộc khiến họ trở nên đè nén. Tiền bạc không mua được hạnh phúc, nhưng chính là thử thách lớn nhất cho tình yêu, có thể vượt qua nó hay không không phải ai cũng làm được.
-Gia đình chỉ trở nên hoàn hảo khi có đủ cha mẹ, con cái: Đừng cố tìm lý do giải thích khi bạn cố tình từ bỏ gia đình để theo đuổi hạnh phúc khác. Có thể bạn mở rộng vòng tay, giúp một người hạnh phúc. Nhưng đổi lại, có hơn hai người phải đau khổ, trong đó có người từng cùng bạn đầu ấp tay gối, và những đứa con từng chứng kiến cha mẹ chúng vui vẻ bên nhau.
-Tình yêu không thể xây dựng bằng sự dối trá: Nếu cảm thấy hết tình, hãy chấm dứt với đối tượng cũ để bắt đầu cuộc sống mới. ‘Tôi sợ người yêu buồn nên không dám nói lời chia tay’, câu nói ích kỷ, ngụy biện khiến mọi thứ trở nên phức tạp và hỗn loạn. Đôi khi, buông bỏ là cách giải thoát.
-Khi một người cố tình dứt bỏ, họ cảm thấy mọi thứ thật bình thường. Nhưng nỗi đau người ở lại, đó là vết thương lòng khó chữa lành: Tình yêu, trong tâm trí của mỗi người là thứ gì đó thiêng liêng, hạnh phúc. Khi một người cố tình dứt bỏ, họ cảm thấy mọi thứ thật bình thường. Nhưng nỗi đau người ở lại, đó là vết thương lòng khó chữa lành.” (Hết trích)
Nhân đọc bài trên, chúng tôi xin mạn phép bàn tới chủ đề nói về Những sai lầm trong hôn nhân, qua đó sẽ bàn sâu hơn đến 7 sai lầm nghiêm trọng khác mà nếu đôi bạn nào mắc phải thì phải hết sức cảnh giác kẻo sẽ dễ dàng rơi vào tình trạng vỡ mộng và từ đó có thể dẫn đến những hệ lụy đau đớn khó lường trước được. Khi liệt kê những sai lầm phổ biến và đáng lưu ý này, chúng tôi hy vọng các bạn trẻ đang chuẩn bị xa hoặc gần cho cuộc hôn nhân của mình, sẽ suy nghĩ và cân nhắc kỹ hơn, kẻo sau này hối hận thì không kịp nữa.
Xin giới thiệu Bảy sai lầm, đó là:
1- Sai lầm trong cách hiểu về tình yêu
Để tiến đến hôn nhân với nhau, tất nhiên đôi bạn phải gặp nhau, có cảm tình với nhau rồi tới giai đoạn tỏ tình để nói lên hai chữ “yêu nhau”. Có thể đối với họ, yêu nhau là gặp nhau, là trông thấy nhau, là hẹn hò với nhau, là ngồi cạnh nhau để tâm sự…và quả thực lúc đó tình yêu là cảm xúc cháy bừng khó tả! Điều này là hết sức bình thường trong tiến trình đi đến hôn nhân. Tuy nhiên, nếu chúng ta chỉ đơn giản hóa tình yêu như một cảm xúc nam-nữ phát sinh do thu hút giới tính thì tình yêu đó sẽ khó bền, bởi vì cảm xúc có thể phai nhạt, sự gắn bó do giới tính có thể biến đổi theo thời gian và hoàn cảnh. Do đó, đến một lúc nào đó, đôi bạn cảm thấy ngỡ ngàng vì hôn nhân không còn tình yêu nữa, trái lại chỉ còn chán ngán và hờn dỗi mà thôi.
Hiểu chưa đúng về tình yêu, đó là một sai lầm khá lớn của phần đông chúng ta. Vậy, hôn nhân cần hội tụ những yếu tố tình yêu nào hầu có thể giúp cho đôi bạn đi đúng hướng và đạt được một cuộc hôn nhân bền vững và hạnh phúc? Chúng ta có thể tóm tắt một số đặc điểm cụ thể sau:
– Tình yêu không đơn giản là cảm xúc hay cảm giác: ĐTC Phan-xi-cô trước đây đã từng nói: “Chúng ta đừng tầm thường hóa tình yêu, bởi vì tình yêu không chỉ đơn giản là một cảm xúc hay cảm giác, mặc dù nó có thể bắt đầu theo cách đó. Tình yêu không phải là có tất cả mọi thứ và ngay lập tức, nó không đáp ứng luận lý sử dụng và vứt bỏ. Tình yêu là sự chung thủy, là món quà và trách nhiệm.” Ngày 01-12 vừa qua, ĐTC Phan-xi-cô trong bài giảng giáo lý về đề tài “Thánh Giuse, người công chính, gương mẫu cho các đôi vợ chồng”, đã có một đoạn chia sẻ như sau:
“Cuộc sống của chúng ta thường không giống như những gì chúng ta tưởng tượng. Đặc biệt là trong các mối quan hệ yêu đương tình cảm, khó có thể chuyển từ logic của ‘khi bắt đầu yêu’ sang logic của ‘một tình yêu trưởng thành’. Giai đoạn đầu tiên luôn được đánh dấu bởi một sự say mê nào đó khiến chúng ta sống chìm đắm trong những tưởng tượng thường không dựa trên thực tế và các sự kiện. Nhưng chính xác là khi tình trạng mới bắt đầu yêu và những mong đợi về nó dường như kết thúc, thì đó là nơi tình yêu thực sự bắt đầu.
“Trên thực tế, yêu không phải là nghĩ rằng người kia, hay cuộc sống, tương ứng với sự tưởng tượng của chúng ta. Đúng hơn nó có nghĩa là hoàn toàn tự do lựa chọn để chịu trách nhiệm về cuộc sống như khi nó xảy đến với chúng ta. Đây là lý do tại sao thánh Giuse dạy cho chúng ta một bài học quan trọng. Ngài chọn Mẹ Maria với ‘đôi mắt mở to’. Sự liều lĩnh của thánh Giuse dạy chúng ta một bài học: đón nhận sự sống như nó là. Thánh Giuse làm như lời thiên thần Chúa truyền: ‘Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà…’ (Mt 1,24-25). Cũng trong bài giáo lý này, ĐTC đã đặc biệt nhấn mạnh: “Các cặp đôi Kitô giáo đã đính hôn được kêu gọi để làm chứng cho một tình yêu như thế; một tình yêu có can đảm để chuyển từ logic của ngày mới yêu sang logic của tình yêu trưởng thành. Đây là một sự lựa chọn khắt khe mà thay vì giam cầm cuộc sống, nó có thể củng cố tình yêu để tình yêu bền vững khi đối mặt với thử thách của thời gian” (Nguồn: vaticannews.va ngày 01-12-2021).
– Tình yêu phải tự do và trưởng thành: Tình yêu là những tình cảm xuất phát từ con tim và được hướng dẫn bởi lý trí con người, do đó nó phải trong sáng và chân thực. Người ta có thể thích một bông hoa vì nó thơm nó đẹp rồi bỏ đi, nhưng đối với người yêu thì ta sẽ dành cho người ấy một lòng yêu mến tự thâm sâu, chân thành và bền vững. Bởi vì, “Khi yêu nhau, chúng ta cần nhau, muốn có nhau, muốn là một nửa của nhau, muốn sống trọn kiếp với nhau”. Hãy nhớ lại lời tuyên hứa khi cử hành Bí tích Hôn phối: “Anh/ Em là … nhận anh/ em … làm vợ của anh/ em, và hứa giữ lòng chung thủy với em, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi mạnh khỏe cũng như lúc đau yếu, để yêu thương và tôn trọng em mọi ngày suốt đời anh”. Quả thực, một tình yêu chân chính, tự nguyện, có trách nhiệm bao giờ cũng bao hàm đặc tính của sự yêu thương, tôn trọng và chung thủy.
– Tình yêu phải cho đi và dâng hiến: Tình yêu trong hôn nhân nếu chỉ nhắm mục đích chiếm hữu, chiếm đoạt, hưởng thụ thì ta sẽ hoàn toàn thất vọng, bởi vẻ đẹp và nhu cầu của yêu thương chính là cho đi, dâng hiến, ban tặng. Tình yêu trong hôn nhân là vị tha, cho nên khi yêu người ta không giữ lại cái gì cho riêng mình trái lại tự nguyện dâng hiến tất cả. Thực vậy, “Dâng hiến sẽ không còn nặng tính toán ích kỉ. Dâng hiến không còn hệ lụy ở việc ‘trao thân cho nhau’ mới là dâng hiến đúng nghĩa. Dâng hiến phải bắt đầu từ trong tình yêu thực sự, đó là một tình yêu tất cả vì hạnh phúc của người mình yêu. Tình yêu đó khi hiến dâng là trao ban tất cả mà không cần nhận lại, là gìn giữ cho nhau và hướng đến một tương lai chung thủy hạnh phúc. Dâng hiến đúng nghĩa cũng mang trong nó đau thương của Thập Giá, đó là sự hi sinh những đòi hỏi của xác thịt nặng nề, sự kiềm chế những ước muốn dung tục và chiến đấu với những cạm bẫy quyến rũ của Satan…”[2]
2- Sai lầm trong nhận thức về hôn nhân
Một sai lầm đặc biệt khác nữa mà đa số các bạn thường mắc phải, đó là không nhận thức đúng và đủ về hôn nhân. Họ cứ nghĩ yêu nhau là đủ, lấy nhau là xong, làm đám cưới hoàng tráng là đạt mọi ước muốn… Thật ra, đó không phải là mục đích nền tảng chính yếu của hôn nhân. Nhiều danh nhân trải qua kinh nghiệm quý báu về hôn nhân đã đưa ra một số nhận định sâu sắc về hôn nhân mà ta thử bàn đến sau đây.
Trước hết đôi bạn phải xác định một điều này là hôn nhân là một biến cố quan trọng nhất trong đời mình. Nó tùy thuộc vào sự chọn lựa tự do, nghiêm túc và trách nhiệm của họ. Đó không phải là một trò chơi hay hay một canh bạc nhưng là một công trình mà cả hai người phải chung tay kiến tạo suốt đời (André Maurois). Tục ngữ VN có câu: “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Hôn nhân là hôn ước trong đó hai người cùng thỏa thuận chia sẻ trách nhiệm với nhau, và đảm nhận bổn phận cùng nhau xây dựng mái ấm gia đình. Có người đã nói, “Trong hôn nhân, gặp nhau là bước đầu, sống chung là bước kế tiếp, làm việc chung với nhau mới làm nên một gia đình êm ấm” (James Thurber).
Sự hợp tác song phương giữa đôi bạn trong cuộc sống lứa đôi là yếu tố cực kỳ quan trọng nhờ đó hạnh phúc gia đình được đảm bảo chắc chắn. Thêm vào đó, trong cuộc sống lứa đôi, hai bạn phải có lý tưởng minh bạch và cùng chung chí hướng. Một văn hào Pháp đã nói, “Yêu nhau không là ngồi đó nhìn nhau, mà cùng nhau hướng về một lý tưởng” (Antoine de St Exupéry). Vợ chồng phải theo đuổi và cùng nhau xây dựng một mục tiêu chung cho cuộc sống hôn nhân và cho gia đình mình. Hạnh phúc sẽ không đến từ sự mơ mộng rủi may nhưng là đến từ sự trưởng thành và ý thức đúng đắn của hai vợ chồng.
Như vậy, sở dĩ nhiều bạn thất bại trong đời sống hôn nhân gia đình, đó là vì họ quá chủ quan với nhận định quá hời hợt, nông cạn về mục đích ý nghĩa của hôn nhân. Họ đã vô tình đơn giản hóa hai chữ hôn nhân như là một sự may rủi, như một cuộc mạo hiểm không định hướng, hay như một chiếm hữu ích kỷ tầm thường. Kết cục của cuộc hôn nhân vội vàng, chủ quan đó đã sớm giết chết cuộc tình mà họ nghĩ rằng mình sẽ giữ được lâu dài mãi.
3- Sai lầm trong việc chọn người bạn đời
Nếu phải định nghĩa một cách nghiêm túc thì hôn nhân chính là một sự chọn lựa sáng suốt và dứt khoát với trách nhiệm lâu dài và nặng nề, là sự dấn thân triệt để trên con đường mà đôi bạn cam kết đồng hành với nhau suốt cả đời. Chính vì thế mà chúng ta phải cân nhắc, suy nghĩ, bàn hỏi, tham khảo thật nhiều trước khi quyết định kết hôn. Việc chọn lựa một bạn đời để cùng song hành cả đời là một điều cực kỳ hệ trọng. Như người ta thường nói, trong cuộc đời có năm sự lựa chọn quan trọng, đó là “Chọn bạn mà chơi, chọn thầy để học, chọn lẽ để sống, chọn việc để làm và chọn người để kết hôn”. Có lẽ trong 5 sự chọn lựa này, việc chọn lựa bạn đời là quan trọng và khó khăn nhất.
Nhiều bạn trẻ sau một thời gian kết hôn buồn bã phàn nàn rằng họ đã chọn sai người bạn đời. Đối với họ, cuộc sống hôn nhân lúc này không còn đẹp như mơ nữa mà đơn giản chỉ là “thảm họa”. Nhiều bạn quyết định thà ở độc thân còn hơn cưới nhầm một người làm chồng hay làm vợ.
Sự sai lầm trong chọn lựa bắt nguồn từ việc nghĩ sai, hiểu sai, đánh giá sai về người bạn đời. Có người chỉ vì ngoại hình mà quyết định lấy cho bằng được người bạn tình. Trên thực tế, nhiều cặp vợ chồng sống với nhau chỉ vài ba năm là quyết định ly hôn. Tại sao vậy? Bởi có những bạn trẻ khi yêu nhau họ không thoát khỏi những ảo tưởng và sai lầm về hôn nhân, về người bạn đời mà họ sắp kết hôn. Có người vì ham mê chút ngoại hình mà chấp nhận ăn đời ở kiếp với người mà họ nghĩ rằng sẽ là bạn đời đích thực của mình. Như có câu: “Đừng tham da trắng tóc dài, / Đến khi nhỡ bữa chẳng mài mà ăn” hay “Biết bao đàn ông chỉ vì yêu một má lúm đồng tiền mà dại dột cưới nguyên cả một cô gái” (S. Leacock). Rồi có những người lấy nhau chỉ vì tiền tài, vì danh vọng, vì tiếng tăm, vì sĩ diện, vì muốn xuất ngoại…vì đủ mọi thứ lý do, chứ không phải vì hai người yêu nhau thực tình. Tình yêu chính đáng phải xuất phát từ con tim và trở về con tim. Và tình yêu đẹp nhất, bền vững nhất là tình yêu của những trái tim tự do. Hãy sáng suốt chọn lựa một nửa của mình bằng một tình yêu sáng suốt, tự do và trưởng thành.
4- Sai lầm liên quan đời sống chung vợ chồng
Một trong những sai lầm nghiêm trọng khác mà các bạn thường mắc phải đó là không hiểu tường tận sự phức tạp và khó khăn trong cuộc sống hôn nhân. Nhiều người nuôi ảo tưởng rằng cứ yêu nhau, cứ lấy nhau, rồi sống với nhau, tự khắc mọi sự sẽ trở nên tốt đẹp. Một mái tranh với hai quả tim vàng là viễn ảnh đem lại cho họ hạnh phúc lâu dài. Trong hôn nhân không thể nhắm mắt liều mạng được.[3]
Một khi đụng chạm với thực tế trong đời sống vợ chồng, người ta sẽ vỡ mộng. Ca dao tục ngữ VN có câu: “Gái có chồng như gông đeo cổ / Trai có vợ như rợ buộc chân”. Lại có người đã than thở thế này, “Hôn nhân là lấy nhau, sống với nhau và sau đó là cãi nhau”. Người khác thì nhận định: “Đám cưới nào cũng hạnh phúc cả, chỉ có cuộc sống chung sau đó là có nhiều rắc rối” (Raymond Hull). Cuộc sống chung vợ chồng không phải lúc nào cũng xuôi chèo mát mái cả đâu. Những khó khăn, thử thách, xung đột sẽ ùa đến. Nào là sự nhàm chán thường ngày, nào là những bất đồng lớn nhỏ, nào là những trục trặc trong đời sống tình dục, nào là tính cố chấp, nào là sự thiếu tin tưởng và tôn trọng nhau vv…
Mặt khác, ai cũng biết rằng trong một cuộc hôn nhân bình thường thì quyền lợi của hai vợ chồng phải chịu thiệt đi mỗi người một nửa, trong khi nghĩa vụ của họ cần phải nhân đôi lên. Vì khi lập gia đình, đôi bạn nam nữ không còn sống cho mình và chết cho mình nữa, trái lại họ phải sẵn sàng chu toàn nhiều bổn phận nặng nề trong gia đình, phải hy sinh vì người khác, cho người khác. Vậy mà trong nhiều trường hợp, họ sống vô trách nhiệm. Người chồng quên rằng mình là gia trưởng. Người vợ quên rằng mình là nội tướng. Họ dành thời gian, công sức, tiền bạc cho những mục đích riêng tư cá nhân hơn là cho gia đình. Một khi hai người không còn quan tâm đến gia đình, đến bổn phận vợ chồng nữa thì hậu quả sẽ là nghèo túng, thiếu thốn, mâu thuẫn, bất đồng và ly tán. Lúc đó cả hai đều vỡ mộng.
Vậy để cuộc sống vợ chồng của chúng ta thực sự êm ấm, hạnh phúc thì ta nên nhớ điều này là hôn nhân là bổn phận, là trách nhiệm, là hy sinh, là gian khổ. Như có người đã từng nói: “Hôn nhân không phải là luống hồng mà là bãi chiến trường”. Những người sống quá ảo tưởng mà không biết thích ứng với thực tế đời sống chung vợ chồng chắc chắn sẽ là người thất bại trong hôn nhân. Một thống kê cho biết tỉ lệ ly hôn hiện nay ở Việt Nam chiếm khoảng 31%-40%, trong đó tuổi thọ hôn nhân bình quân của thế hệ 8x đưa nhau ra tòa dao động trong khoảng… 30 tháng. Ba mươi tháng đã ly hôn, nghĩa là chưa đầy ba năm cưới nhau người ta đã quyết định chia tay. Họ chia tay hẳn là có nhiều lý do, nhưng trên hết vẫn là do họ chưa được trang bị đủ hành trang để vào đời, để “đi gánh vác”, để làm vợ làm chồng, để xây dựng mái ấm gia đình. Một danh nhân đã nói, “Hãy cầu nguyện một lần trước khi ra trận, hai lần trước khi ra khơi, nhưng ba lần trước khi kết hôn”.
5- Sai lầm trong cách ứng xử vợ chồng
Có 3 sai lầm trong cách ứng xử vợ chồng mà rất nhiều người mắc phải, khiến cho cuộc hôn nhân không bao giờ hạnh phúc và khó có thể bền vững lâu dài. Đó là thiếu tôn trọng nhau, không quan tâm đến nhau và không hợp tác với nhau.
– Sai lầm trong việc thiếu tôn trọng nhau: Người xưa thường nói “Phu phụ tương kính như tân”, nghĩa là vợ chồng phải kính trọng nhau như người khách quý. Việc này đối với đa số các cặp xem ra rất khó thực hiện. Trong thời gian đầu thì “Anh Anh/ Em Em” nhưng vài năm sau thì “Tôi anh/ Tôi cô”, rồi lâu hơn nữa thì không còn từ gì để nói nữa…Lúc đó thì “Nhiều cuộc hôn nhân thay vì cộng hai người lại với nhau, thì lại trừ người này khỏi người kia” (Ian Fleming). Khi không còn “tương kính như tân” nữa thì hai người sẽ là “đối thủ” của nhau, thay vì là bạn đời, bạn tình, bạn đường của nhau…Một danh nhân đã nói: “Nền tảng của tình yêu vợ chồng là yêu kính trân trọng nhau” (Elijah Fenton). Chính sự tôn trọng nhau một cách nghiêm túc mới chứng tỏ tình yêu đôi bạn dành cho nhau là chính xác và trung thực.
– Sai lầm trong việc không quan tâm nhau:
Khi mới quen nhau và yêu nhau, người ta dành bỏ nhiều thời gian, công sức để có thể gặp nhau, gần nhau, tặng quà nhau và trò chuyện với nhau hết sức sức thân thương, ngọt ngào. Nhưng một khi đã lấy nhau rồi, có người chỉ một thời gian ngắn thôi đã rơi vào tình trạng xơ cứng, lạnh lùng, nhiều lúc vô tâm, vô cảm nữa. Nếu tình trạng này kéo dài thì cuộc hôn nhân sẽ có nguy cơ đổ vỡ.
Vậy đôi bạn hãy thường xuyên quan tâm đến nhau, vì đó là mệnh lệnh của tình yêu và là quy tắc vàng của đời sống hôn nhân hạnh phúc. Khi yêu, người ta có thể làm tất cả vì nhau và cho nhau. Việc quan tâm đến nhau phải được coi là một trong những “hạng mục ưu tiên” hàng đầu để giữ cho cuộc hôn nhân bền vững, hạnh phúc.
Quan tâm từ việc nhỏ đến việc lớn. Mỗi người coi nhau như đối tượng chăm sóc thường xuyên. Không phải chỉ có kiểu lãng mạn “nâng khăn sửa túi” lúc ban đầu, mà suốt cả cuộc hành trình đời sống lứa đôi, hai bạn phải chăm sóc, nâng đỡ, hỗ trợ nhau cách tận tình và chu đáo. Nhiều khi chỉ một việc nhỏ thôi cũng đủ hâm nóng tình yêu, vốn rất mong manh, nhờ đó hai bạn vững vàng yên tâm đi tới đích. Có một ý kiến thế này: “Sẽ bớt đi những vụ li dị nếu quý bà tân thời ngày nay chăm lo cho chồng con hơn là chăm sóc các món hàng hạ giá ở siêu thị”. Trên thực tế, có nhiều bà vợ than phiền rằng họ rất buồn tủi và cô đơn vì hầu như ông chồng chẳng tỏ ra quan tâm gì tới họ. Sau một ngày làm việc bên ngoài về nhà, chồng chỉ kịp ăn uống vội vàng rồi chui vào phòng xem TV hoặc chơi game. Nếu sự việc cứ tái diễn lâu dài như thế này, thì chắc chắn cuộc hôn nhân sẽ sớm rơi vào tình trạng tan vỡ…
– Sai lầm trong việc bất hợp tác với nhau:
Dân gian có câu “Vợ chồng như đũa có đôi”, có nghĩa đôi bạn là một nửa của nhau, một cặp với nhau và họ cam kết đồng hành với nhau trọn đời. Vậy thì không có lý gì mà họ lại sao nhãng, lơ là việc hợp tác với nhau trong mọi công việc trong gia đình. Đây là một sai lầm lớn mà nhiều bạn mắc phải.
Chúng ta nên nhớ rằng đôi bạn nào biết chia sẻ, gánh vác trách nhiệm chung với nhau trong gia đình thì sẽ biến gia đình ấy luôn là một tổ ấm lý tưởng. Thực tế cho thấy, nhiều bạn trẻ sau một thời gian ngắn kết hôn tỏ ra khá thất vọng vì vợ hay chồng không biết chia sẻ trách nhiệm chung gia đình. Người ta lấy lý do bận công việc làm ăn, bận giao tiếp ngoài xã hội nên không còn sức lực, thời gian lo việc nhà nữa. Thông thường thì người vợ phải gánh hết những nhiệm vụ trong gia đình, với danh nghĩa là “nội tướng”. Điều đó xét ra thiệt thòi cho nữ giới. Ông bà ta thường nói, “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Điều đó không có nghĩa là trong gia đình có một sự phân công một cách cứng ngắc, cố định, mà đây chỉ hiểu là ai cũng có nhiệm vụ xây dựng, gánh vác việc chung trong gia đình, theo kiểu “Kẻ thì xay lúa, người thì bồng em”. Vợ chồng vì thế hãy tạo điều kiện để có thể làm việc với nhau để chu toàn trách nhiệm chung.
Có người đã nói: “Trong hôn nhân, gặp nhau là bước đầu, sống chung với nhau là bước kế tiếp, làm việc chung với nhau mới làm nên một gia đình êm ấm” (James Thurber). Trong gia đình dường như lúc nào cũng có nhiều vấn đề phải giải quyết và đối phó, nếu hai bạn cùng hiệp lực, đồng tâm nhất trí nắm tay nhau thực hiện thì việc gì cũng xong. “Thuận vợ thuận chồng, tát bể Đông cũng cạn”. Sự thành công của hôn nhân không do tài năng của một người mà chính là do sự đồng tâm hiệp ý của cả hai người.
6- Sai lầm trong cách giải quyết những xung đột trong đời sống
Chúng ta biết rằng, vợ chồng nào mà chẳng có lúc bất đồng, mâu thuẫn, cãi cọ nhau. Phải coi đó là chuyện bình thường, vì ông bà ta đã nói “Cái chén cái bát còn xô xát nhau, huống chi con người…”. Tuy nhiên, để duy trì được hòa khí lâu dài thì đôi bạn phải tránh triệt để một số sai lầm sau.
1- Không cố kéo phần thắng về mình:
Khi xảy ra xung đột giữa hai người, nếu ai cũng muốn là kẻ chiến thắng thì sẽ chẳng giải quyết được gì. Các chuyên gia đã nói rằng, “Bạn đang cãi nhau cho mục đích hôn nhân của mình, chứ không phải cãi để thắng bạn đời, cãi để ăn thua nhau”. Do đó, trong nhiều trường hợp, chúng ta phải chấp nhận điều này là có một số vấn đề lớn/ nhỏ mà ta sẽ không bao giờ đi đến thống nhất hay giải quyết được. Nhưng nếu ta yêu nhau thực tình thì chuyện gì cũng sẽ giải quyết được. Như ông bà ta nói, “Yêu nhau trăm sự chẳng nề/ Một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng”. Cách giải quyết xung đột, mâu thuẫn thông thường nhất là thấu hiểu nhau, thỏa hiệp với nhau và nhượng bộ nhau.
2- Không biết nhường nhịn và lắng nghe nhau:
Ca dao tục ngữ VN có câu: “Chồng giận thì vợ bớt lời/ Cơm sôi nhỏ lửa một đời chẳng khê”. Không có giải pháp nào đơn giản mà lại hiệu quả hơn là sự nhịn nhục trong lúc nóng giận, xung đột. Chính vì vậy mà ông bà ta đã đúc kết thành một kinh nghiệm quý báu, đó là “Một sự nhịn chín sự lành”. Khi người này biết nhường nhịn người kia thì chắc chắn sự lành sẽ tới. Tục ngữ VN có câu: “Thương nhau chín bỏ làm mười”. Nhường nhịn nhau không phải là sự thất thế, thua thiệt nhưng đó là dấu chỉ của một tình yêu chín chắn, trưởng thành.
Ngày nay người ta cũng nói nhiều đến nghệ thuật nhượng bộ trong đời sống vợ chồng, coi đó như là một giải pháp rất hiệu quả nhằm giải quyết các mâu thuẫn, xung đột giữa hai vợ chồng. Nhượng bộ không phải là thái độ yếu thế, buông xuôi tiêu cực, không dám đương đầu với bất kỳ khó khăn hay rắc rối nào. Nhưng đó là thái độ và phản ứng có chọn lựa, có cân nhắc, có suy nghĩ. Ngạn ngữ Anh có câu: “Nhượng bộ không phải là hạ mình; nhận lỗi không phải là nhục nhã”.
Trong lúc hai vợ chồng bất đồng, người nào biết cách nhượng bộ, người đó là người chiến thắng. Sự nhượng bộ sẽ đem lại hòa khí trong gia đình và nhất là có sức mạnh thuyết phục phía-bên-kia cũng nhượng bộ như mình. Đúng như câu nói xưa, “một sự nhịn chín sự lành”, nghĩa là nếu biết nhịn nhục, ta sẽ dễ dàng làm lành với nhau và cuộc chiến sẽ mau chóng kết thúc… Tác giả André de Mission đã viết: “Tìm hiểu nhau ba tuần, yêu nhau ba tháng, cãi nhau ba năm và nhường nhịn nhau suốt quãng đời còn lại”. Trong đời sống gia đình, ai mà chẳng mong ước hòa khí. Nếu cả hai bạn đều có thiện chí muốn nhượng bộ để làm hòa với nhau, thì chắc chắn gia đình sẽ êm ấm. Văn hào Alfred Musset đã nói: “Trong tình yêu, niềm khoái lạc nhất là lúc làm lành với nhau sau khi cãi vã”.
3- Không kéo dài cơn giận dỗi:
Cũng trong bài giảng giáo lý về đề tài “Thánh Giuse, người công chính, gương mẫu cho các đôi vợ chồng” ngày 01-12 vừa qua, ĐTC Phan-xi-cô đã có một đoạn chia sẻ cho các đôi vợ chồng là hãy làm hoà với nhau trước khi đi ngủ. Theo ĐTC, tình yêu của một cặp đôi phát triển trong cuộc sống và trưởng thành mỗi ngày. Tình yêu thời hứa hôn hơi lãng mạn, nhưng rồi nó bắt đầu trưởng thành mỗi ngày, với công việc, với con cái chào đời. Đôi khi sự lãng mạn mất đi một chút, nhưng tình yêu trưởng thành. Việc cãi nhau giữa vợ chồng là cơm bánh hàng ngày, đôi khi chén dĩa cũng bay. Nhưng làm thế nào để điều này không tổn hại đến cuộc sống hôn nhân? Ngài nhắn nhủ: đừng bao giờ kết thúc một ngày mà không làm hoà. Bởi vì chiến tranh lạnh của ngày hôm sau rất là nguy hiểm. Đừng để ngày hôm sau bắt đầu trong chiến tranh. Vì thế hãy làm hoà trước khi đi ngủ. Điều này sẽ giúp các bạn trong đời sống hôn nhân. (Nguồn: vaticannews.va ngày 1-12-2021).
Thực vậy, nếu mối bất hòa giận dỗi cứ kéo dài âm ỉ từ ngày ngày qua ngày kia, thì một ngày kia nó sẽ trở thành cuộc chiến tranh lạnh căng thẳng, rồi từ đó nếu ta không kịp thời dập tắt, nó sẽ trở bùng nổ to lớn nghiêm trọng xảy ra những vụ bạo lực trong gia đình, khiến cả hai chẳng còn muốn sống với nhau nữa. Lúc này, sự chia tay dường như đã được dự báo trước.
7- Sai lầm do đồng hóa tình yêu với tình dục
Rất nhiều bạn cho rằng trong hôn nhân tình yêu và tình dục là một. Lý do hai bạn nam nữ đến với nhau, lúc đầu là do họ có tình cảm với nhau. Dần sau đó là yêu thích, quyến luyến, nhớ nhung nhau. Sau nữa là xu hướng đam mê, kích thích tình dục do bản năng khác biệt giới tính thúc đẩy, lôi kéo người nam đến với người nữ. Lúc này người ta thiên về tình yêu nhục dục. Một tác giả đã nhận định: “Tình yêu không phải chỉ là một cảm xúc rạo rực của thân xác; Cũng không phải là một lối yêu nhẹ dạ, hời hợt, lãng mạn hay chỉ chơi qua đường; Tình yêu không phải chỉ ở thỏa mãn của đam mê, si tình, bất chấp đạo nghĩa; Tình yêu không phải chỉ là tình dục, hưởng thụ như một dụng cụ… Con người đã lạm dụng tính dục – nhân danh tình yêu ngay cả khi không yêu thương chút nào”.[4]
Ta cần phân biệt tình yêu khác với tình dục. Trong hôn nhân, tuy tình dục giữ một vai trò cực kỳ quan trọng nhưng không phải là tất cả. Tình dục khẳng định tình yêu và tăng cường gia vị cho tình yêu nhưng nếu không yêu nhau chân thực thì đó chỉ là cách trả món nợ đồng sàng mà thôi. Hạnh phúc đích thực sẽ đến từ trái tim và khối óc hơn là từ những cảm xúc nhất thời. Sự hòa hợp về thể xác luôn đòi hỏi cả sự hòa hợp về tâm hồn, như thế mới làm nên bản nhạc cuộc đời được. Sinh hoạt tình dục trong đời sống vợ chồng đến một lúc nào đó sẽ già nua và xuống cấp theo thời gian, nhưng tình yêu thì mãi xanh tươi. Cuộc sống hạnh phúc của các đôi vợ chồng già sẽ không còn tùy thuộc vào những sinh hoạt tình dục như hồi trai trẻ nhưng thông qua một thứ ngôn ngữ kỳ diệu của trái tim, đó là tình yêu.
Ta từng biết rằng, tình dục đóng vai trò rất quan trọng trong tình yêu vợ chồng, và mặc dù tình dục khác tình yêu nhưng không tách biệt khỏi tình yêu được. Tuy nhiên cũng không được lẫn lộn coi tình dục là tình yêu để chỉ thỏa mãn tình dục mà dẹp bỏ tình yêu. Tình dục mà không có tình yêu thì chỉ là thứ nhu cầu của bản năng thú vật, trái lại tình yêu vợ chồng mà không có tình dục cũng không phải là tình yêu đúng nghĩa.[5]
Thực tế cho thấy một cuộc hôn nhân quá coi trọng chuyện tình dục sẽ dễ dàng rơi vào tình trạng ngoại tình hay nói môm na là “Ông ăn chả, bà ăn nem”. Khi chuyện tình dục giữa hai người có “vấn đề”, nghĩa là xảy ra khủng hoảng tình dục vợ chồng, chẳng hạn sự mất hòa điệu tình dục, sự nhàm chán chuyện chăn gối, sự lạnh nhạt do nhiều nguyên nhân, khiến cho hai vợ chồng xa cách, chán nản và có thể nghi ngờ lòng chung thủy của nhau, lúc đó sẽ dễ dàng xảy ra chuyện ngoại tình. Bên cạnh đó sẽ xảy ra những xung đột, cãi vã, bất hòa giữa hai vợ chồng và nếu những mối bất hòa này không được giải quyết kịp thời thỏa đáng thì sẽ dẫn đến đổ vỡ, ly hôn.
Giáo lý Hội thánh CG đã dạy rằng: “Nhờ khả năng tính dục, người nam và người nữ hiến thân cho nhau qua những hành vi dành riêng cho vợ chồng. Tính dục không chỉ là hành vi sinh lý, nhưng liên can đến những điều thâm sâu nhất của nhân vị. Tính dục chỉ thực sự xứng đáng với con người, khi nó là thành phần không thể thiếu của tình yêu giữa người nam và người nữ đã cam kết hiến thân cho nhau trọn vẹn suốt đời” (Số 2361).
Đức thánh GH Gio-an Phao-lô II trong Tông huấn những bổn phận gia đình Ki-tô hữu (FC) cũng đã chỉ rõ: “Tính dục mà nhờ đó người nam và người nữ hiến mình cho nhau bằng những hành vi riêng biệt và chỉ dành cho đôi bạn, tính dục ấy không phải là một điều thuần túy sinh lý, nhưng có liên hệ đến nhân vị trong mức thâm sâu nhất mà nhân vị ấy có được. Tính dục ấy chỉ được thực hiện một cách nhân bản đích thực, nếu nó là một thành phần làm nên tình yêu, trong đó người nam và người nữ hiến thân trọn vẹn cho nhau cho đến chết… ” (số 11) ./.
Aug. Trần Cao Khải
[2] Peter Thái Hùng, “Hiến dâng đúng nghĩa Ki-tô giáo”, nguồn: giaophanlangson.org
[5] LM An-tôn Nguyễn Mạnh Đồng – Chuẩn bị vào đời sống hôn nhân và gia đình – Gp Cần Thơ 2003 trang 52
2021
Chuẩn bị cho Tứ Chung bằng bốn khoảnh khắc hằng ngày
Chuẩn bị cho Tứ Chung bằng bốn khoảnh khắc hằng ngày
Suy ngẫm về thiên đàng, hoả ngục, cái chết và phán xét không chỉ dành riêng cho tháng 11 hay vào giờ chết.
Chính trong tháng 11, tháng mà chúng ta dành riêng để cầu nguyện cho những người đã khuất và nhớ về những điều Tứ Chung của con người: thiên đàng, hoả ngục, cái chết và phán xét.
Trên thực tế, Tứ Chung là những điều vô cùng quan trọng đến mức Giáo Hội Công Giáo đã đưa ra nhiều dịp để giúp chúng ta ghi nhớ những điều đó vào cuộc sống của mình. Đây là bốn cách mà Giáo Hội đưa những điều Tứ Chung vào cuộc sống hàng ngày của chúng ta.
Đầu tiên, Thánh lễ là một chuyến viếng thăm thiên đàng.
Thánh Grêgôriô Cả nói: “Các tầng trời mở ra và vô số thiên thần đến tham dự vào Hy Tế Thánh Lễ.”
Giáo Hội không chỉ nói rằng Thánh lễ là một “sự cảm nếm trước” thiên đàng; nhưng Thánh lễ còn là nơi mà thiên đàng xuống để gặp gỡ chúng ta.
Tất cả đều hiện diện ở đó. Trước hết, chúng ta quy tụ lại chung quanh Chúa Kitô, “nhân vật hoạt động chính của bí tích Thánh Thể”, chúng ta cũng quy tụ lại cùng với Giáo Hội – “những chi thể của Đức Kitô còn ở trần gian, mà cả những vị đang hưởng vinh quang trên trời.” (Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 1348 và 1370) Ngoài ra, “Đức Maria luôn hiện diện cùng Giáo Hội và với tư cách là Mẹ của Giáo Hội, trong mỗi dịp cử hành Bí tích Thánh Thể của chúng ta,” như Thánh Gioan Phaolô II nói.
Thánh lễ như Thiên đàng trên Trần gian (The Mass as Heaven on Earth) là tiểu đề cho quyển Bữa tối của Con Chiên (The Lamb’s Supper) của thần học gia Scott Hahn. Trong đó, ông viết rằng: “Khi chúng ta bắt đầu thấy rằng thiên đàng đang chờ đợi chúng ta trong Thánh lễ, thì chúng ta đã bắt đầu mang nhà của mình lên thiên đàng, và chúng ta cũng đã bắt đầu mang thiên đàng về nhà với chúng ta.”
Thứ hai, Kinh Mân Côi nhiều lần cảnh báo về hỏa ngục.
Trong Kinh Mân Côi, chúng ta lặp đi lặp lại những điều Tứ Chung, xin Mẹ Maria “cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi này và trong giờ lâm tử” và đặt mình trước sự hiện diện của “Cha chúng con ở trên trời”, là Đấng phán xét mà chúng ta hy vọng Người sẽ “tha nợ chúng con,” và “cứu chúng con cho khỏi sự dữ.”
Đó chính là sự dữ cuối cùng của hoả ngục mà chúng ta cần được cứu thoát.
Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo dạy: “Theo gương Đức Kitô, luôn khuyến cáo các tín hữu về một thực tại đáng buồn và bi thảm là sự chết muôn đời, còn được gọi là ‘hỏa ngục’” (số 1056). Sách Giáo Lý còn cho biết thêm: “Sự tự do của chúng ta có khả năng thực hiện những lựa chọn vĩnh viễn, không thể hồi lại được.” (số 1861)
C.S. Lewis đã cảnh báo, “Con đường an toàn nhất đến địa ngục là một con đường dần dần – một con dốc thoai thoải, dưới chân êm ái, không có khúc cua đột ngột, không có cột mốc, không có biển chỉ dẫn.”
Đức Mẹ Fatima đã đồng ý về điều đó và đã đặt biển chỉ dẫn cho chúng ta trong kinh Mân Côi, khi dạy ba trẻ chăn chiên thêm lời nguyện này sau mỗi chục kinh Mân Côi: “Lạy Chúa Giêsu, xin tha tội cho chúng con, xin cứu chúng con khỏi sa hỏa ngục, xin đem các linh hồn lên thiên dàng, nhất là những linh hồn cần nhờ Chúa thương xót hơn.”
Thứ ba: Phán xét và Kiểm tâm.
Mỗi người chúng ta sẽ bị phán xét vào một ngày nào đó khi “Đức Kitô vinh hiển, khi ngự đến vào lúc cùng tận thời gian để phán xét kẻ sống và kẻ chết, sẽ làm tỏ lộ những điều kín nhiệm trong các tâm hồn và sẽ trả lại cho mỗi người tùy theo các công việc của họ và tùy theo việc họ đã đón nhận hoặc từ chối ân sủng,” như Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo dạy (số 682).
Thông lệ lâu đời của người Công giáo là chuẩn bị cho thời điểm đó hàng đêm qua việc Kiểm tâm (Examination of Conscience) – kiểm điểm đời sống và nêu đích danh những tội lỗi mà chúng ta đã phạm – và kiểm tâm là việc cần thiết cho Bí tích Giải Tội.
Khi nó được thực hiện đúng cách, “Việc kiểm tâm không bao giờ khiến bạn tuyệt vọng, nhưng hãy luôn hy vọng,” như Đức Tổng Giám Mục Fulton Sheen nói.
Có nhiều điểm quy chiếu có thể giúp thực hiện được việc kiểm tâm này: Bảy Mối Tội Đầu, những mô tả của Thánh Phaolô về tình yêu, Mười Điều Răn, Tám Mối Phúc của Chúa Giêsu và mối tương quan với Thiên Chúa, tha nhân và chính mình.
Cuối cùng: Kinh Tối là một lời nhắc nhở về cái chết (memento mori).
Thánh Bênêđictô đã viết trong Tu Luật của mình rằng: “Hãy giữ cho cái chết trước mắt bạn hằng ngày,” và phong trào đan tu của ngài đã giúp định hình các Giờ Kinh Phụng Vụ sao cho việc này trở thành một cuộc đời thu nhỏ mỗi ngày.
Vào giờ Kinh Tối, người Công giáo cầu nguyện bằng những lời của Simêôn từ Phúc Âm theo Thánh Luca. Simêôn đã được báo trước cho biết rằng ông sẽ không chết trước khi nhìn thấy Đấng Mêsia. Khi nhìn thấy Hài Nhi Giêsu, ông đã cầu nguyện rằng: “Giờ đây, xin để tôi tớ của Ngài được an bình ra đi,” vì “chính mắt con được thấy ơn cứu độChúa đã dành sẵn cho muôn dân.” (x. Lc 2,29-32)
Bằng việc nhớ lại những lời của ông mỗi đêm trước khi bước vào trạng thái bất tỉnh của giấc ngủ, chúng ta thực hành thái độ mà chúng ta nên có trước trạng thái bất tỉnh sau cùng nơi cái chết.
Sau đó, điều cuối cùng chúng ta cầu nguyện mỗi đêm là kinh “Salve Regina” (“Lạy Nữ Vương”), để cầu xin lòng thương xót của Nữ Vương thiêng đàng. Như Thánh Tôma Aquinô đã nói, “Giống như các thủy thủ được một ngôi sao hướng dẫn để về đến bến, thì những Kitô hữu cũng được Đức Mẹ hướng dẫn để về bến thiên đàng.”
Tác giả: Tom Hoopes
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên
2021
7 Quan niệm sai lầm về đức khiết tịnh
7 Quan niệm sai lầm về đức khiết tịnh
Đó không phải là danh sách những điều cấm đoán, mà là con đường dẫn đến niềm vui của tình yêu đích thực.
Alex Deschênes đã khám phá ra thần học về thân xác của thánh Gioan Phaolô II khi ông mới 20 tuổi, và điều này đã tạo ra một cuộc cách mạng trong cuộc đời ông. Đến lượt mình, ông đã biến những suy ngẫm của vị Giáo hoàng thánh thiện quá cố này thành của riêng mình, và chia sẻ tầm nhìn của mình về thân xác và tính dục bằng một ngôn ngữ dễ tiếp cận.
Đặc biệt, ông mô tả đức khiết tịnh không phải là tổng hợp những điều cấm đoán, mà là một con đường – một con đường cam go phải được thừa nhận – dẫn đến niềm vui của tình yêu đích thực.
Thánh Gioan Phaolô II đã viết, “Đức khiết tịnh là một nhân đức khó, và việc đạt được nhân đức này đòi hỏi thời gian; người ta phải chờ đợi hoa trái của nó và niềm vui yêu thương mà nó sẽ mang lại. Nhưng đó là con đường không thể sai lầm dẫn đến niềm vui.”
Để làm sáng tỏ quan niệm trên về đức khiết tịnh, Alex Deschênes đã xóa bỏ một số quan niệm sai lầm:
Quan niệm sai lầm # 1
Khiết tịnh không có nghĩa là “không quan hệ tình dục”. Khiết tịnh có nghĩa là “nói lên sự thật với thân xác của bạn trong mọi hoàn cảnh.”
Như thánh Gioan Phaolô II đã nói, khiết tịnh “là sự trong sáng của tình yêu.” Đó là một cách yêu thương đích thực, là trở nên người làm chủ thân xác của chính mình và không bị chi phối bởi những ham muốn.
Quan niệm sai lầm # 2
Khiết tịnh không có nghĩa là bị “cản trở”. Nó có nghĩa là từ chối biến người kia thành đối tượng cho niềm vui thú của riêng bạn.
Nếu trong một mối quan hệ, một người tha thiết muốn giữ đức khiết tịnh còn người kia thì không, thì người sau được mời gọi hãy yêu thương người trước như chính bản thân người đó, cùng với đức tin, giá trị và sự lựa chọn của người đó và hãy tôn trọng cuộc hành trình của người đó. Alex Deschêne nói rằng đây chính là “bằng chứng về việc tình yêu bộc lộ những gì là tốt đẹp nhất nơi một con người”.
Thánh Gioan Phaolô II đã cảnh báo: “Đừng sợ khi tình yêu đòi hỏi sự hy sinh.”
Quan niệm sai lầm # 3
Khiết tịnh không chỉ giới hạn đối với các mối quan hệ trước hôn nhân. Các cặp vợ chồng cũng được mời gọi sống khiết tịnh trong hôn nhân, bằng trao ban cả con người mình một cách chân thành và trọn vẹn.
Quan niệm sai lầm # 4
Khiết tịnh không có nghĩa là không còn cảm thấy ước muốn. “Một người không còn ước muốn dưới bất kỳ hình thức nào thì không phải là đức hạnh… người đó đã chết!”
Ước muốn là một ơn ban từ Thiên Chúa. Thiên Chúa đặt để ước muốn nơi tâm hồn chúng ta. Người không muốn dập tắt ước muốn của chúng ta, Người muốn “thổi bùng” chúng lên, để chúng mạnh mẽ hơn nhưng cũng để chúng được thanh tẩy bằng lửa.
Quan niệm sai lầm # 5
Mục đích của khiết tịnh không phải là tước đoạt điều gì đó từ chúng ta, nhưng là để dẫn dắt chúng ta hướng đến việc trao ban. Trong một mối quan hệ yêu đương, việc có những ước muốn mạnh mẽ để được gần gũi về thân xác là điều bình thường và việc lựa chọn để chờ đợi là một thử thách thật sự. Tuy nhiên, đó cũng là “một cách để ấp ủ một kho tàng”, một kho tàng sẽ hoàn toàn trở đẹp đẽ hơn nếu nó được mong muốn và chờ đợi.
Alex Deschêne so sánh điều này với việc leo núi; bạn có thể tận hưởng phong cảnh khác nhau tùy thuộc vào việc bạn đã đi bộ hay đi lên bằng cáp treo. Nếu không tốn chút công sức nào, thì “chúng ta sẽ chỉ nhìn thấy phong cảnh và chúng ta đi xuống” mà không thực sự nhận thức được món quà đang được trao ban cho chúng ta.
Quan niệm sai lầm # 6
Khiết tịnh không phải là lời nói “không”. Khiết tịnh chủ yếu là lời nói “có” (đối với phẩm giá của người kia) mà từ đó nó kéo theo một số lời nói “không”. “Khiết tịnh có nghĩa là chọn lấy toàn bộ con người trong khi phải hy sinh mọi thứ khác.”
Quan niệm sai lầm # 7
Khiết tịnh không phải là khinh thường thân xác và tính dục. Nó bao gồm việc “tích hợp những ước muốn của bạn để biến chúng thành một động lực của tình yêu: một tình yêu tự do, vô điều kiện, có kết quả và trọn vẹn”.
Tác giả: Mathilde De Robien
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên