2022
Đâu là điểm khác biệt giữa đạo Công Giáo và Tin Lành trong lĩnh vực am hiểu Kinh Thánh?
Đâu là điểm khác biệt giữa đạo Công Giáo và Tin Lành trong lĩnh vực am hiểu Kinh Thánh?
Hỏi: Hiện nay có rất nhiều bạn trẻ đạo Công Giáo chưa hoặc rất ít đọc Kinh Thánh nên sự hiểu biết về Kinh Thánh vô cùng hạn chế. So sánh với đạo Tin Lành thì họ học Kinh Thánh rất thuộc và cũng tìm hiểu rất sâu về Kinh Thánh. Vậy đâu là điểm khác biệt giữa đạo Công Giáo và Tin Lành trong lĩnh vực am hiểu Kinh Thánh?
Đáp:
Trước hết, xin lưu ý về nhận định của bạn. Thiết nghĩ, vì chưa có bằng chứng xác thực nên chúng ta cũng đừng vội khẳng định rằng “Hiện nay có rất nhiều bạn trẻ đạo Công Giáo chưa hoặc rất ít đọc Kinh Thánh nên sự hiểu biết về Kinh Thánh vô cùng hạn chế. So sánh với đạo Tin Lành thì họ học Kinh Thánh rất thuộc và cũng tìm hiểu rất sâu về Kinh Thánh.” Có thể nơi môi trường bạn sinh sống có những bạn trẻ như thế, nhưng biết đâu nơi khác, nhiều bạn trẻ Công giáo vẫn miệt mài đọc và học hỏi Kinh Thánh thì sao?
Giờ đây, xin trả lời cho phần hỏi chính của bạn về “điểm khác biệt giữa đạo Công Giáo và Tin Lành trong lĩnh vực am hiểu Kinh Thánh.” Có thể ý bạn hỏi liên quan đến hai điểm: khác biệt về kiến thức Kinh Thánh, và những khác nhau về Kinh Thánh nói chung giữa Công giáo và Tin lành. Vậy xin tạm trả lời bạn như thế này:
– Xét về kiến thức thì tôi chưa thấy có thống kê nào so sánh kiến thức Kinh Thánh giữa Công giáo và Tin lành. Nếu như nhận định trên của bạn là đúng thì chắc người Tin lành có kiến thức nhiều hơn Công giáo chăng? Tuy nhiên, thiết nghĩ trong thời đại ngày nay, chúng ta nên quan tâm đến việc cùng nhau hiểu biết Kinh Thánh, giúp nhau gia tăng kiến thức thì sẽ tốt hơn. Và thực tế, các nhà chuyên môn Kinh Thánh của Công giáo và Tin lành đã chia sẻ và giúp nhau rất nhiều về kiến thức Kinh Thánh.
– Về nội dung và việc nghiên cứu Kinh Thánh, chúng ta có thể nêu hai khác biệt căn bản sau đây:
- Thứ nhất là về Quy điển: Quy điển Cựu ước của Tin lành nhận 39 cuốn. Còn Công giáo là 46 cuốn. Vậy, Công giáo nhiều hơn 7 cuốn, đó là: Tobia, Giuđitha, 1 và 2 Macabê, Khôn ngoan (của Salômôn), Huấn ca (Ecclesiasticus) và Barúc (kể cả Thư của tiên tri Giêrêmia). Và chính xác hơn có thể kể đến một phần của các sách Esther và Daniel (x. Raymond E. Brown, 101 Questions & Answers On The Bible, (New York: Paulist Press, 1990), Q. 5).
- Thứ hai là về việc giải thích Kinh Thánh: Công đồng Vaticanô II, qua Hiến Chế Tín Lý Về Mạc Khải Thiên Chúa – Dei Verbum, xác nhận: “Nhiệm vụ chính thức giải thích Lời Chúa đã được ghi chép hay lưu truyền, đã được ủy thác riêng cho Huấn Quyền sống động của Giáo Hội, một quyền hạn được thi hành nhân danh Chúa Giêsu Kitô” (số 10); và Công đồng kết luận: “những gì liên hệ đến việc giải thích Thánh Kinh, cuối cùng đều phải lệ thuộc vào phán quyết của Giáo Hội, vì Thiên Chúa đã truyền lệnh và trao cho Giáo Hội nhiệm vụ gìn giữ và giải thích Lời Ngài” (số 12). Như vậy, có thể nói gọn, đối với Công giáo, việc giải thích và hiểu Lời Chúa phải được đặt trong truyền thống đức tin sống động của Giáo Hội và “phải lệ thuộc vào phán quyết của Giáo Hội.” Nói cách khác, đối với nhà chú giải Công giáo, khi ông đưa ra những giải thích của mình về Thánh Kinh, thì những giải thích này không nên vượt ra khỏi truyền thống đức tin và phải được sự chấp nhận của Huấn quyền Giáo Hội.
Hỏi: Kinh Thánh bản tiếng Việt được dịch ra từ ngôn ngữ của nước nào? Nếu được dịch ra từ tiếng Anh hoặc một thứ tiếng khác với tiếng Do Thái thì liệu có bị sai lệch chút nào so với bản gốc không? Và nếu không có sai lệch với bản gốc thì do đâu mà giữ được nguyên ý nghĩa như vậy?
Đáp:
– Kinh Thánh bản tiếng Việt được dịch ra từ ngôn ngữ của nước nào là do người dịch hay nhóm dịch chọn lựa. Nếu bạn muốn biết rõ thì có thể dựa trên những thông tin được ghi trong bản dịch.
– Xin lưu ý với bạn về từ ngữ “bản gốc.” Thật ra, hiện nay không còn bản gốc mà chỉ có những bản sao chép lại. Và trong những bản sao chép này, chúng ta có ngôn ngữ gốclà tiếng Do thái hoặc Hy lạp. Còn việc chuyển dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác thì chắc chắn phải có sai lệch, hay đúng hơn phải nói là bản dịch thường không thể diễn tả hết được trọn vẹn ý nghĩa so với bản ngôn ngữ gốc. Điều này cũng không khó hiểu. Chẳng hạn, Việt Nam chúng ta có ngôn ngữ, văn hóa, tập tục… khác rất nhiều so với người Do thái, nên việc chuyển dịch từ ngôn ngữ Do thái sang ngôn ngữ Việt chắc hẳn phải có nhiều sai lệch, thiếu sót. Tuy nhiên, để khắc phục tình trạng này, các bản dịch thường được chú thích hay giải nghĩa thêm bởi các dịch giả để người đọc có thể hiểu rõ hơn. Theo đó, kiến thức chuyên môn của người dịch cũng là yếu tố quan trọng quyết định sự chính xác của bản dịch.
Lm. Phêrô Bùi Sĩ Thanh
2022
Cơ sở Tân Ước về Luyện ngục: Hình ảnh một ngọn lửa thanh luyện
Cơ sở Tân Ước về Luyện ngục: Hình ảnh một ngọn lửa thanh luyện
“Quả thật, Thiên Chúa chúng ta là một ngọn lửa thiêu” (Hípri 12:29).
Trong thông điệp về hy vọng, Spe Salvi, Đức Bênêđíctô XVI đã làm một công việc tuyệt vời khi chứng minh thư 1Côrintô 3: 10 -15 ủng hộ rõ ràng học thuyết về Luyện ngục. Cũng rất thú vị khi lưu ý rằng Tiến sĩ Scott Hahn, một người Tin lành trở lại Công giáo, đã đề cập đến đoạn Kinh thánh Tân ước này như mang tính quyết định khiến ông chấp nhận giáo huấn của Giáo hội về Luyện ngục (ông nói: “Tôi phải thừa nhận rằng về mặt thần học và tâm lý học, thư 1Côrintô 3 cơ bản mang tính quyết định. Tất cả đã được sắp xếp cho tôi khi tôi làm việc này, cầu nguyện, nghiên cứu, suy ngẫm. Tôi nghĩ nó mạnh mẽ và rõ ràng.”)
Đây là bản văn 1 Côrintô 3: 10-15.
“Theo ơn Thiên Chúa đã ban cho tôi, tôi đặt nền móng như một kiến trúc sư lành nghề, còn người khác thì xây trên nền móng đó. Nhưng ai nấy phải coi chừng về cách mình xây cất. Vì không ai có thể đặt nền móng nào khác ngoài nền móng đã đặt sẵn là Đức Giêsu Kitô. Người ta có thể dùng vàng, bạc, đá quý, gỗ, cỏ, rơm mà xây trên nền đó. Nhưng công việc của mỗi người sẽ được phơi bày ra ánh sáng. Thật thế, Ngày của Chúa sẽ cho thấy công việc đó, vì Ngày ấy tỏ rạng trong lửa; chính lửa này sẽ thử nghiệm giá trị công việc của mỗi người. Công việc xây dựng của ai tồn tại trên nền, thì người ấy sẽ được lĩnh thưởng. Còn công việc của ai bị thiêu huỷ, thì người ấy sẽ phải thiệt. Tuy nhiên, bản thân người ấy sẽ được cứu, nhưng như thể băng qua lửa.”
Bản văn này có thể khó hiểu, nhưng thực ra nó không phức tạp như vậy. Hãy tưởng tượng bạn ký hợp đồng để xây dựng một ngôi nhà. Nếu bạn xây nhà bằng vật liệu chất lượng cao như vàng, bạc và đá đắt tiền, lửa sẽ không thiêu rụi nó. Nhưng nếu bạn xây nhà bằng vật liệu kém hơn như gỗ, cỏ khô hoặc rơm, thì ngôi nhà sẽ bị thiêu rụi khi bị thử trong lửa. Còn ngôi nhà tâm linh của bạn thì sao? Những công việc tốt mà bạn đã thực hiện trong suốt cuộc đời để xây dựng dinh thự tinh thần của mình – những công việc này có chịu được sự soi xét hừng hực như lửa vào ngày phán xét không? Hay chất lượng thấp và vật liệu tồi tàn đã làm hỏng vẻ ngoài của dinh thự tâm linh của bạn?
Bây giờ có hai điều có thể xảy ra với bạn nếu bạn ở trong một ngôi nhà đang cháy: bạn có thể bỏ mạng trong đám cháy hoặc thoát ra ngoài an toàn! Trong trường hợp thứ hai, khi bạn thoát ra ngoài, đám cháy chứng tỏ là có tính chữa trị hoặc thanh luyện. Công việc kém cỏi của bạn bị thiêu hủy, nhưng bạn vẫn thoát ra và sống sót. Trong bối cảnh phán xét, hình ảnh một ngọn lửa cứu độ hoặc thanh luyện như thế này xem ra rất giống Luyện ngục! Và trong đoạn Kinh thánh được đề cập lấy từ 1 Côrintô 3, Thánh Phaolô nói về một tình huống mà công việc kém cỏi bị thiêu rụi và “người ấy sẽ phải thiệt. Tuy nhiên, bản thân người ấy sẽ được cứu, nhưng như thể băng qua lửa” (1 Côrintô 3:15).
Cuốn Kinh thánh Nghiên cứu Công giáo của Ignatius giải thích 1 Côrintô 3:15 theo cách này:
“Một số Kitô hữu, là những người nỗ lực kém cỏi và bất toàn, sẽ vượt qua sự phán xét rực lửa của Thiên Chúa giống như một người vừa thoát khỏi một tòa nhà đang cháy vẫn giữ được mạng sống của mình. Khúc dạo đầu của sự cứu thoát này sẽ liên quan đến những hậu quả tinh thần đau đớn, mặc dù nghiêm trọng, nhưng sẽ giúp họ tránh bị trầm luân vĩnh viễn… Truyền thống Công giáo giải thích lời dạy của thánh Phaolô về Luyện ngục như một giai đoạn thanh luyện cuối cùng vốn dành cho những người đã được dự liệu lên thiên đàng nhưng rời khỏi cuộc sống này mà vẫn còn mang gánh nặng những tội nhẹ hoặc một món nợ chưa trả được là hình phạt tạm thời phát sinh từ những tội đã phạm trong quá khứ (những tội trọng đã được tha nhưng không ăn năn cách trọn hảo). Vì thế, băng qua lửa là một tiến trình tâm linh, nơi đó các linh hồn được thanh tẩy khỏi những ích kỷ còn sót lại và được tinh luyện trong tình yêu của Thiên Chúa: “Những người chết trong ân nghĩa Chúa, nhưng chưa được thanh luyện hoàn toàn, mặc dù chắn chắc được cứu độ đời đời, còn phải chịu thanh luyện sau khi chết, để đạt được sự thánh thiện cần thiết để vào hưởng phúc Thiên Đàng” (GLGHCG 1030). ”
Đức Bênêđíctô giải thích một cách rất hay và sâu sắc trong thông điệp Spe Salvi của ngài, về cách thư 1Côrintô chương 3 soi sáng giáo huấn của Giáo hội về Luyện ngục:
“Thánh Phaolô bắt đầu bằng cách nói rằng đời sống Kitô hữu được xây dựng trên một nền tảng chung: Chúa Giêsu Kitô. Nền tảng này sẽ bền vững mãi mãi. Nếu chúng ta đã đứng vững trên nền tảng này và xây dựng cuộc sống của mình trên đó, thì chúng ta biết rằng nền tảng đó không thể bị lấy đi khỏi chúng ta ngay cả trong cái chết. Sau đó, thánh Phaolô tiếp tục: “Người ta có thể dùng vàng, bạc, đá quý, gỗ, cỏ, rơm mà xây trên nền đó. Nhưng công việc của mỗi người sẽ được phơi bày ra ánh sáng. Thật thế, Ngày của Chúa sẽ cho thấy công việc đó, vì Ngày ấy tỏ rạng trong lửa; chính lửa này sẽ thử nghiệm giá trị công việc của mỗi người. Công việc xây dựng của ai tồn tại trên nền, thì người ấy sẽ được lĩnh thưởng. Còn công việc của ai bị thiêu huỷ, thì người ấy sẽ phải thiệt. Tuy nhiên, bản thân người ấy sẽ được cứu, nhưng như thể băng qua lửa” (1Cr 3,12-15). Trong bản văn này, rõ ràng là ở bất cứ trường hợp nào, sự cứu rỗi của chúng ta có thể có những hình thức khác nhau, rõ ràng là một số thứ đã được xây dựng có thể bị thiêu rụi, và rõ ràng là để được cứu, cá nhân chúng ta phải vượt qua “lửa” để cõi lòng trở nên cởi mở trọn vẹn đón nhận Thiên Chúa và có thể ngồi vào chỗ của chúng ta nơi bàn tiệc cưới vĩnh cửu.
- Một số nhà thần học gần đây cho rằng ngọn lửa vừa đốt cháy vừa cứu thoát là chính Chúa Kitô, Đấng Phán Xét và Đấng Cứu Độ. Cuộc gặp gỡ với Ngài là hành vi phán xét dứt khoát. Trước cái nhìn của Ngài, tất cả mọi sự giả dối đều tan biến. Cuộc gặp gỡ này với Ngài, trong khi thiêu đốt chúng ta, biến đổi và giải thoát chúng ta, cho phép chúng ta trở nên thực sự là chính mình. Tất cả những gì chúng ta xây dựng trong suốt cuộc đời của mình có thể chỉ là rơm rạ, khoe khoang khoác lác và những thứ đó phải sụp đổ. Tuy nhiên, trong nỗi đau của cuộc gặp gỡ này, khi sự dơ bẩn và bệnh tật của cuộc đời chúng ta trở nên sáng rõ cho chúng ta, thì sự cứu rỗi nằm ở đó. Ánh mắt của Ngài, sự đụng chạm vào trái tim của Ngài chữa lành chúng ta nhờ một sự biến đổi đau đớn không thể phủ nhận, giống “như đi ngang qua lửa”. Nhưng đó là một nỗi đau đem lại phúc lành, trong đó sức mạnh thánh thiện của tình yêu của Thiên Chúa truyền qua chúng ta như một ngọn lửa, giúp chúng ta trở nên hoàn toàn là chính mình và do đó trọn vẹn thuộc về Thiên Chúa. Bằng cách này, mối liên hệ giữa công lý và ân sủng cũng trở nên sáng tỏ: cung cách chúng ta sống cuộc sống của mình không phải là không quan trọng, nhưng sự dơ bẩn của chúng ta không làm chúng ta vấy bẩn mãi mãi nếu ít ra chúng ta tiếp tục vươn tới Chúa Kitô, hướng tới sự thật và hướng tới tình yêu. Thật vậy, cách sống đó đã bị thiêu rụi qua cuộc Khổ nạn của Chúa Kitô. Tại thời điểm phán xét, chúng ta trải nghiệm và chúng ta hấp thụ sức mạnh áp đảo của tình yêu thương của Ngài đối với tất cả những điều xấu xa trên thế giới và trong chính chúng ta. Nỗi đau tình yêu trở thành sự cứu rỗi và niềm vui của chúng ta. Rõ ràng là chúng ta không thể tính toán “khoảng thời gian” của việc thiêu cháy mang tính biến đổi này theo các phép đo thời gian của thế giới này. “Thời điểm” biến đổi của cuộc gặp gỡ này thoát khỏi cách tính toán thời gian trần thế — đó là thời gian của trái tim, là thời gian “vượt qua” để đi tới sự hiệp thông với Thiên Chúa trong Thân Mình Chúa Kitô. Sự phán xét của Thiên Chúa là niềm hy vọng, bời vì sự phán xét đó vừa là công lý vừa là ân sủng. Nếu sự phán xét đó chỉ đơn thuần là ân sủng, làm cho mọi sự trên trần gian không còn gì là quan trọng nữa, thì Thiên Chúa vẫn nợ chúng ta một câu trả lời cho vấn đề công lý — câu hỏi trọng yếu mà chúng ta vẫn đặt ra cho lịch sử và cho Thiên Chúa. Nếu sự phán xét đó chỉ đơn thuần là công lý, thì rốt cuộc sự phán xét đó chỉ có thể mang lại nỗi sợ hãi cho tất cả chúng ta. Sự nhập thể của Thiên Chúa trong Chúa Kitô đã liên kết rất chặt chẽ cả hai với nhau —phán xét và ân sủng — đến nỗi công lý được thiết lập vững chắc: tất cả chúng ta đều thực hiện sự cứu rỗi của mình “với sự sợ hãi và run rẩy” (Philíp 2:12). Tuy nhiên, ân sủng cho phép tất cả chúng ta hy vọng và tin cậy đến gặp Đấng phán xét mà chúng ta biết là “Đấng Bào Chữa”, hay parakletos – Đấng Bảo Trợ (1 Gioan 2:1)”
Về mặt lịch sử, khá rõ ràng rằng những Kitô hữu đầu tiên tin vào tình trạng thanh luyện sau khi chết. Ví dụ, chúng ta biết rằng các Kitô hữu sống trong hầm mộ ở Rôma đã ghi lên tường những lời cầu nguyện cho những người chết. Ngoài ra, những lời cầu nguyện cho những người chết còn có trong một số tác phẩm cổ xưa nhất của Kitô giáo. Một văn bản bằng chứng quan trọng khác trong Sách thánh là quyển 2 Macabê 12:46, trong đó nói rằng: “Đó là lý do khiến ông đến dâng lễ tế đền tạ cho những người đã chết,để họ được giải thoát khỏi tội lỗi.” Rõ ràng, chúng ta sẽ không cầu nguyện cho người chết nếu họ đã ở trên thiên đàng rồi. Mỗi thánh lễ Công giáo được cử hành trên khắp thế giới đều có những lời cầu nguyện cho người sống và người chết, và có một danh sách lạ thường các vị thánh Công giáo đã trải nghiệm những mặc khải riêng tư về luyện ngục, trong đó gần đây nhất là Thánh Padre Pio và Thánh Faustina Kowalska – vị thánh của những mặc khải về Lòng Chúa Thương Xót. Cuối cùng, không phải trong trái tim chúng ta đều có bản năng do Thiên Chúa ban tặng để cầu nguyện cho linh hồn những người chết hay sao? Trong Thư gửi cho Malcolm, Clive.Staples. Lewis đã đề cập đến bản năng cầu nguyện cho người chết này:
“Tất nhiên là tôi cầu nguyện cho những người đã mất. Hành động này rất tự phát, hầu như không thể không làm, đến độ chỉ có tình huống thần học nào thúc ép nhất chống lại việc cầu nguyện đó mới có thể ngăn cản tôi. Và tôi gần như không biết những lời cầu nguyện khác của tôi sẽ tồn tại như thế nào nếu những lời cầu nguyện dành cho những người chết bị cấm. Ở tuổi của chúng tôi, phần lớn những người chúng tôi yêu thương nhất đã chết. Tôi có thể giao tiếp với Thiên Chúa cách gì nếu những gì tôi yêu quý nhất lại không thể được nói cho Ngài nghe? Tôi tin có Luyện ngục.”
Ngoài những lý do chứng tỏ sự hợp lý của giáo huấn của Giáo hội về Luyện ngục, người Công giáo cần nhận ra sự hỗ trợ mạnh mẽ trong chương ba thư thứ nhất của thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô nói đến Luyện ngục và những ngọn lửa thanh luyện ở đó.
Tác giả: Tom Mulcahy, MA, catholicstrength.com
Chuyển ngữ: Phêrô Phạm Văn Trung.
Tài liệu tham khảo:
1.Đức Giáo Hoàng Benedict XVI, Thông điệp Spe Salvi –Niềm Hy Vọng Cứu Độ.
2.Ignatius Catholic Study Bible, trang 288-289.
3.Dr. Scott Hahn audio, “Purgatory: Holy Fire – Luyện Ngục: Ngọn Lửa Thánh”.
4.Catholicism and Fundamentalism – Công Giáo và Chủ trương chính thống cực đoan, của Karl Keating.
2022
Các phương thế giúp đỡ các linh hồn nơi luyện ngục
Các phương thế giúp đỡ các linh hồn nơi luyện ngục
Bà Maria Simma chào đời ngày 21-2-1915 tại Sonntag thuộc Grosswalsertal (Vorarlberg) bên nước Áo. Bà là tín hữu Công Giáo thật đạo đức có lòng yêu thương cách riêng Các Đẳng Linh Hồn nơi Lửa Luyện Tội.
Do đó Các Đẳng Linh Hồn được THIÊN CHÚA cho phép hiện về xin bà cầu nguyện, đền bù tội lỗi thay cho các ngài để các ngài được sớm hưởng Nhan Thánh Chúa. Sau đây là chứng từ của bà về các phương thế hữu hiệu nhất để giúp đỡ các Đẳng Linh Hồn nơi Lửa Luyện Hình.
1/ Thánh Lễ. Thánh Lễ là hy tế tối cao không gì có thể thay thế được.
2/ Các đau khổ đền bù. Mỗi một đau đớn thể xác hoặc tinh thần vui lòng chấp nhận đều có thể dâng cho Các Đẳng Linh Hồn.
3/ Kinh Mân Côi. Sau Thánh Lễ, kinh Mân Côi là phương thế hữu hiệu nhất để giúp Các Đẳng Linh Hồn nơi Lửa Luyện Tội. Mỗi ngày có số đông Các Đẳng Linh Hồn được giải thoát khỏi Lửa Luyện Hình nhờ Kinh Mân Côi, nếu không chắc hẳn các ngài còn phải chịu đau khổ lâu năm dài đăng đẳng trong Luyện Ngục.
4/ Đàng Thánh Giá. Đi Đàng Thánh Giá cũng giúp ích rất nhiều, làm giảm bớt hình khổ cho các Đẳng Linh Hồn.
5/ Các Ân Xá. Các Đẳng Linh Hồn cho biết là Các Ân Xá có một giá trị lớn lao. Các Ân Xá là của bồi thường thích đáng được Đức Chúa GIÊSU KITÔ dâng lên THIÊN CHÚA là CHA Người. Kẻ nào lúc còn sống lãnh nhiều Ân Xá cho người quá cố thì cũng sẽ nhận được – hơn những người khác – ơn toàn xá trong giờ lâm tử, là ơn được ban cho mỗi tín hữu vào giờ lâm chung ”in articulo mortis”.
Thật bất nhân nếu chúng ta không biết lợi dụng kho tàng ơn thánh của Hội Thánh để giúp ích cho Cắc Đẳng Linh Hồn nơi Lửa Luyện Ngục. Cứ tưởng tượng rằng chúng ta đang đứng trước một ngọn núi đầy đồng tiền bằng vàng và chúng ta có thể tự do lấy bao nhiêu tùy ý để giúp những người nghèo không thể lấy được, mà chúng ta lại nhẫn tâm không chịu lấy để giúp đỡ người khác, thì hẳn chúng ta ác độc biết biết là chừng nào! Tại rất nhiều nơi người ta thấy việc sử dụng các Kinh hưởng ân xá giảm bớt rất nhiều. Cần phải khuyến khích các tín hữu Công Giáo ở khắp mọi nơi trở lại với việc đạo đức lãnh các Ân Xá và nhường lại cho Các Đẳng Linh Hồn.
6/ Làm việc bố thí và các việc lành phúc đức, đặc biệt là việc dâng cúng tiền của cho công cuộc truyền giáo cũng giúp ích rất nhiều cho Các Đẳng Linh Hồn.
7/ Thắp nến cũng giúp ích cho Các Đẳng Linh Hồn. Lý do là cử chỉ ưu ái này làm giảm nhẹ đau khổ tinh thần của Các Đẳng Linh Hồn. Lý do khác là khi thắp sáng các cây nến đã được làm phép sẽ đẩy lui bóng tối mà Các Đẳng Linh Hồn đang chìm ngập trong Luyện Ngục.
Một hôm có một bé trai 11 tuổi ở Kaiser hiện về xin bà Maria Simma cầu nguyện cho cậu. Cậu bị giam trong Lửa Luyện Ngục bởi vì khi còn sống, vào ngày Lễ Các Đẳng Linh Hồn 2-11, cậu nghịch ngợm thổi tắt các cây nến được thắp sáng trên các ngôi mộ nơi nghĩa trang. Rồi cậu cũng ăn cắp nến để chơi đùa.
Các cây nến được làm phép có một giá trị rất lớn đối với Các Đẳng Linh Hồn. Vào một Ngày Lễ Nến 2-2 bà Maria Simma phải thắp sáng hai cây nến để cầu cho một Linh Hồn, cùng lúc bà phải chịu các đau khổ để đền bù thay cho Linh Hồn này.
8/ Rảy Nước Thánh có công hiệu làm giảm bớt các đau khổ Các Đẳng Linh Hồn đang phải chịu. Một hôm bà Maria Simma rảy nước thánh cho Các Đẳng Linh Hồn. Bà liền nghe một tiếng nói: ”Xin rảy thêm nữa!”
Tất cả các phương thế không giúp ích cho Các Đẳng Linh Hồn cùng một phương cách như nhau. Nếu khi còn sống, người nào không quý chuộng việc tham dự Thánh Lễ, thì trong Lửa Luyện Ngục cũng không được hưởng bao nhiêu các ơn ích do Thánh Lễ mang lại. Nếu một người khi còn sống có lòng ác độc thì cũng không được giúp đỡ lúc bị giam trong Lửa Luyện Hình. Người nào phạm tội phỉ báng người khác thì phải đền bù cách nghiêm khắc các tội lỗi của họ. Nhưng kẻ nào có lòng tốt khi còn sống thì sẽ nhận được rất nhiều trợ giúp lúc bị giam trong Lửa Luyện Hình.
Một linh hồn lúc còn sống đã sao nhãng việc tham dự Thánh Lễ đã xin cử hành 8 Thánh Lễ để được giải thoát khỏi Lửa Luyện Ngục. Lý do là khi còn sống Linh Hồn này đã xin cử hành 8 Thánh Lễ cho một Linh Hồn khác nơi Lửa Luyện Hình.
… ”Lạy THIÊN CHÚA, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xóa tội con đã phạm. Xin rửa con sạch hết lỗi lầm, tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy. Vâng, con biết tội mình đã phạm, lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm. Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa, dám làm điều dữ trái mắt Ngài. Như vậy, Ngài thật công bình khi tuyên án, liêm chính khi xét xử. Ngài thấy cho: lúc chào đời con đã vương lầm lỗi, đã mang tội khi mẹ mới hoài thai. Nhưng Ngài yêu thích tâm hồn chân thật, dạy con thấu triệt lẽ khôn ngoan. Xin dùng cành hương thảo rảy nước thanh tẩy con, con sẽ được tinh tuyền; xin rửa con cho sạch, con sẽ trắng hơn tuyết. Xin cho con được nghe tiếng reo mừng hoan hỷ, để xương cốt bị Ngài nghiền nát được nhảy múa tưng bừng. Xin ngoảnh mặt đừng nhìn bao tội lỗi và xóa bỏ hết mọi lỗi lầm. Lạy THIÊN CHÚA, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần cho con nên chung thủy. Xin đừng nỡ đuổi con không cho gần Nhan Thánh, đừng cất khỏi lòng con thần khí thánh của Ngài. Xin ban lại cho con niềm vui vì được Ngài cứu độ, và lấy tinh thần quảng đại đỡ nâng con” (Thánh Vịnh 51(50) 3-14).
(”Le anime del Purgatorio mi hanno detto”, Maria Simma, Edizioni Villadiseriane, Ottava edizione, trang 40-42)
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
2022
Sử dụng thuốc Viagra có phù hợp đạo đức Công Giáo không?
Giải đáp: Đạo đức của việc sử dụng bất kỳ loại thuốc nào phụ thuộc vào đối tượng, ý định, và hoàn cảnh.
Giả sử rằng, thuốc Viagra chỉ có một mục đích là tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động trong hôn nhân, để những cặp hôn phối có thể thực hiện chức năng sinh sản, duy trì nòi giống hợp luật.
Nếu người nào không lập gia đình, hoặc không vì mục đích duy trì nòi giống thì về mặt đạo đức, cấm họ dùng thuốc Viagra. Nếu kết hôn khi đã vượt quá độ tuổi sinh sản, không thể duy trì nòi giống, thì việc sử dụng thuốc Viagra có thể xét là phù hợp đạo đức nếu nó giúp giữ cho tình yêu và tình cảm giữa đôi hôn phối được sung mãn.
Nhưng, chúng ta phải từ chối sử dụng thuốc này nếu quan hệ tình dục chỉ vì khoái lạc. Các hoạt động trong hôn nhân luôn cần phải được hiểu từ quan điểm đó là món quà tự hiến chứ không phải là món quà tự nhận.
*Viagra là một loại thuốc hỗ trợ nam giới quan hệ tình dục. Phần giải đáp trên của Linh mục Francis J. Hoffman, JCD (Fr. Rocky) – Giám đốc điều hành của Relevant Radio. Cha được Đức Chân Phước Gioan Phaolô II truyền chức linh mục thuộc hội Opus Dei vào năm 1992, cha có bằng tiến sĩ Giáo Luật của Đại Học Giáo Hoàng Thánh Giá, bằng Thạc sỹ Quản trị Kinh Doanh (MBA) của Đại học Notre Dame, và bằng Cử nhân Lịch sử của Đại học Northwestern. Các câu trả lời của cha xuất hiện trong nhiều tờ báo và tạp chí Công giáo trên khắp Hoa Kỳ.
(Catholic News Agency)