Cơ sở Tân Ước về Luyện ngục: Hình ảnh một ngọn lửa thanh luyện
Cơ sở Tân Ước về Luyện ngục: Hình ảnh một ngọn lửa thanh luyện
“Quả thật, Thiên Chúa chúng ta là một ngọn lửa thiêu” (Hípri 12:29).
Trong thông điệp về hy vọng, Spe Salvi, Đức Bênêđíctô XVI đã làm một công việc tuyệt vời khi chứng minh thư 1Côrintô 3: 10 -15 ủng hộ rõ ràng học thuyết về Luyện ngục. Cũng rất thú vị khi lưu ý rằng Tiến sĩ Scott Hahn, một người Tin lành trở lại Công giáo, đã đề cập đến đoạn Kinh thánh Tân ước này như mang tính quyết định khiến ông chấp nhận giáo huấn của Giáo hội về Luyện ngục (ông nói: “Tôi phải thừa nhận rằng về mặt thần học và tâm lý học, thư 1Côrintô 3 cơ bản mang tính quyết định. Tất cả đã được sắp xếp cho tôi khi tôi làm việc này, cầu nguyện, nghiên cứu, suy ngẫm. Tôi nghĩ nó mạnh mẽ và rõ ràng.”)
Đây là bản văn 1 Côrintô 3: 10-15.
“Theo ơn Thiên Chúa đã ban cho tôi, tôi đặt nền móng như một kiến trúc sư lành nghề, còn người khác thì xây trên nền móng đó. Nhưng ai nấy phải coi chừng về cách mình xây cất. Vì không ai có thể đặt nền móng nào khác ngoài nền móng đã đặt sẵn là Đức Giêsu Kitô. Người ta có thể dùng vàng, bạc, đá quý, gỗ, cỏ, rơm mà xây trên nền đó. Nhưng công việc của mỗi người sẽ được phơi bày ra ánh sáng. Thật thế, Ngày của Chúa sẽ cho thấy công việc đó, vì Ngày ấy tỏ rạng trong lửa; chính lửa này sẽ thử nghiệm giá trị công việc của mỗi người. Công việc xây dựng của ai tồn tại trên nền, thì người ấy sẽ được lĩnh thưởng. Còn công việc của ai bị thiêu huỷ, thì người ấy sẽ phải thiệt. Tuy nhiên, bản thân người ấy sẽ được cứu, nhưng như thể băng qua lửa.”
Bản văn này có thể khó hiểu, nhưng thực ra nó không phức tạp như vậy. Hãy tưởng tượng bạn ký hợp đồng để xây dựng một ngôi nhà. Nếu bạn xây nhà bằng vật liệu chất lượng cao như vàng, bạc và đá đắt tiền, lửa sẽ không thiêu rụi nó. Nhưng nếu bạn xây nhà bằng vật liệu kém hơn như gỗ, cỏ khô hoặc rơm, thì ngôi nhà sẽ bị thiêu rụi khi bị thử trong lửa. Còn ngôi nhà tâm linh của bạn thì sao? Những công việc tốt mà bạn đã thực hiện trong suốt cuộc đời để xây dựng dinh thự tinh thần của mình – những công việc này có chịu được sự soi xét hừng hực như lửa vào ngày phán xét không? Hay chất lượng thấp và vật liệu tồi tàn đã làm hỏng vẻ ngoài của dinh thự tâm linh của bạn?
Bây giờ có hai điều có thể xảy ra với bạn nếu bạn ở trong một ngôi nhà đang cháy: bạn có thể bỏ mạng trong đám cháy hoặc thoát ra ngoài an toàn! Trong trường hợp thứ hai, khi bạn thoát ra ngoài, đám cháy chứng tỏ là có tính chữa trị hoặc thanh luyện. Công việc kém cỏi của bạn bị thiêu hủy, nhưng bạn vẫn thoát ra và sống sót. Trong bối cảnh phán xét, hình ảnh một ngọn lửa cứu độ hoặc thanh luyện như thế này xem ra rất giống Luyện ngục! Và trong đoạn Kinh thánh được đề cập lấy từ 1 Côrintô 3, Thánh Phaolô nói về một tình huống mà công việc kém cỏi bị thiêu rụi và “người ấy sẽ phải thiệt. Tuy nhiên, bản thân người ấy sẽ được cứu, nhưng như thể băng qua lửa” (1 Côrintô 3:15).
Cuốn Kinh thánh Nghiên cứu Công giáo của Ignatius giải thích 1 Côrintô 3:15 theo cách này:
“Một số Kitô hữu, là những người nỗ lực kém cỏi và bất toàn, sẽ vượt qua sự phán xét rực lửa của Thiên Chúa giống như một người vừa thoát khỏi một tòa nhà đang cháy vẫn giữ được mạng sống của mình. Khúc dạo đầu của sự cứu thoát này sẽ liên quan đến những hậu quả tinh thần đau đớn, mặc dù nghiêm trọng, nhưng sẽ giúp họ tránh bị trầm luân vĩnh viễn… Truyền thống Công giáo giải thích lời dạy của thánh Phaolô về Luyện ngục như một giai đoạn thanh luyện cuối cùng vốn dành cho những người đã được dự liệu lên thiên đàng nhưng rời khỏi cuộc sống này mà vẫn còn mang gánh nặng những tội nhẹ hoặc một món nợ chưa trả được là hình phạt tạm thời phát sinh từ những tội đã phạm trong quá khứ (những tội trọng đã được tha nhưng không ăn năn cách trọn hảo). Vì thế, băng qua lửa là một tiến trình tâm linh, nơi đó các linh hồn được thanh tẩy khỏi những ích kỷ còn sót lại và được tinh luyện trong tình yêu của Thiên Chúa: “Những người chết trong ân nghĩa Chúa, nhưng chưa được thanh luyện hoàn toàn, mặc dù chắn chắc được cứu độ đời đời, còn phải chịu thanh luyện sau khi chết, để đạt được sự thánh thiện cần thiết để vào hưởng phúc Thiên Đàng” (GLGHCG 1030). ”
Đức Bênêđíctô giải thích một cách rất hay và sâu sắc trong thông điệp Spe Salvi của ngài, về cách thư 1Côrintô chương 3 soi sáng giáo huấn của Giáo hội về Luyện ngục:
“Thánh Phaolô bắt đầu bằng cách nói rằng đời sống Kitô hữu được xây dựng trên một nền tảng chung: Chúa Giêsu Kitô. Nền tảng này sẽ bền vững mãi mãi. Nếu chúng ta đã đứng vững trên nền tảng này và xây dựng cuộc sống của mình trên đó, thì chúng ta biết rằng nền tảng đó không thể bị lấy đi khỏi chúng ta ngay cả trong cái chết. Sau đó, thánh Phaolô tiếp tục: “Người ta có thể dùng vàng, bạc, đá quý, gỗ, cỏ, rơm mà xây trên nền đó. Nhưng công việc của mỗi người sẽ được phơi bày ra ánh sáng. Thật thế, Ngày của Chúa sẽ cho thấy công việc đó, vì Ngày ấy tỏ rạng trong lửa; chính lửa này sẽ thử nghiệm giá trị công việc của mỗi người. Công việc xây dựng của ai tồn tại trên nền, thì người ấy sẽ được lĩnh thưởng. Còn công việc của ai bị thiêu huỷ, thì người ấy sẽ phải thiệt. Tuy nhiên, bản thân người ấy sẽ được cứu, nhưng như thể băng qua lửa” (1Cr 3,12-15). Trong bản văn này, rõ ràng là ở bất cứ trường hợp nào, sự cứu rỗi của chúng ta có thể có những hình thức khác nhau, rõ ràng là một số thứ đã được xây dựng có thể bị thiêu rụi, và rõ ràng là để được cứu, cá nhân chúng ta phải vượt qua “lửa” để cõi lòng trở nên cởi mở trọn vẹn đón nhận Thiên Chúa và có thể ngồi vào chỗ của chúng ta nơi bàn tiệc cưới vĩnh cửu.
- Một số nhà thần học gần đây cho rằng ngọn lửa vừa đốt cháy vừa cứu thoát là chính Chúa Kitô, Đấng Phán Xét và Đấng Cứu Độ. Cuộc gặp gỡ với Ngài là hành vi phán xét dứt khoát. Trước cái nhìn của Ngài, tất cả mọi sự giả dối đều tan biến. Cuộc gặp gỡ này với Ngài, trong khi thiêu đốt chúng ta, biến đổi và giải thoát chúng ta, cho phép chúng ta trở nên thực sự là chính mình. Tất cả những gì chúng ta xây dựng trong suốt cuộc đời của mình có thể chỉ là rơm rạ, khoe khoang khoác lác và những thứ đó phải sụp đổ. Tuy nhiên, trong nỗi đau của cuộc gặp gỡ này, khi sự dơ bẩn và bệnh tật của cuộc đời chúng ta trở nên sáng rõ cho chúng ta, thì sự cứu rỗi nằm ở đó. Ánh mắt của Ngài, sự đụng chạm vào trái tim của Ngài chữa lành chúng ta nhờ một sự biến đổi đau đớn không thể phủ nhận, giống “như đi ngang qua lửa”. Nhưng đó là một nỗi đau đem lại phúc lành, trong đó sức mạnh thánh thiện của tình yêu của Thiên Chúa truyền qua chúng ta như một ngọn lửa, giúp chúng ta trở nên hoàn toàn là chính mình và do đó trọn vẹn thuộc về Thiên Chúa. Bằng cách này, mối liên hệ giữa công lý và ân sủng cũng trở nên sáng tỏ: cung cách chúng ta sống cuộc sống của mình không phải là không quan trọng, nhưng sự dơ bẩn của chúng ta không làm chúng ta vấy bẩn mãi mãi nếu ít ra chúng ta tiếp tục vươn tới Chúa Kitô, hướng tới sự thật và hướng tới tình yêu. Thật vậy, cách sống đó đã bị thiêu rụi qua cuộc Khổ nạn của Chúa Kitô. Tại thời điểm phán xét, chúng ta trải nghiệm và chúng ta hấp thụ sức mạnh áp đảo của tình yêu thương của Ngài đối với tất cả những điều xấu xa trên thế giới và trong chính chúng ta. Nỗi đau tình yêu trở thành sự cứu rỗi và niềm vui của chúng ta. Rõ ràng là chúng ta không thể tính toán “khoảng thời gian” của việc thiêu cháy mang tính biến đổi này theo các phép đo thời gian của thế giới này. “Thời điểm” biến đổi của cuộc gặp gỡ này thoát khỏi cách tính toán thời gian trần thế — đó là thời gian của trái tim, là thời gian “vượt qua” để đi tới sự hiệp thông với Thiên Chúa trong Thân Mình Chúa Kitô. Sự phán xét của Thiên Chúa là niềm hy vọng, bời vì sự phán xét đó vừa là công lý vừa là ân sủng. Nếu sự phán xét đó chỉ đơn thuần là ân sủng, làm cho mọi sự trên trần gian không còn gì là quan trọng nữa, thì Thiên Chúa vẫn nợ chúng ta một câu trả lời cho vấn đề công lý — câu hỏi trọng yếu mà chúng ta vẫn đặt ra cho lịch sử và cho Thiên Chúa. Nếu sự phán xét đó chỉ đơn thuần là công lý, thì rốt cuộc sự phán xét đó chỉ có thể mang lại nỗi sợ hãi cho tất cả chúng ta. Sự nhập thể của Thiên Chúa trong Chúa Kitô đã liên kết rất chặt chẽ cả hai với nhau —phán xét và ân sủng — đến nỗi công lý được thiết lập vững chắc: tất cả chúng ta đều thực hiện sự cứu rỗi của mình “với sự sợ hãi và run rẩy” (Philíp 2:12). Tuy nhiên, ân sủng cho phép tất cả chúng ta hy vọng và tin cậy đến gặp Đấng phán xét mà chúng ta biết là “Đấng Bào Chữa”, hay parakletos – Đấng Bảo Trợ (1 Gioan 2:1)”
Về mặt lịch sử, khá rõ ràng rằng những Kitô hữu đầu tiên tin vào tình trạng thanh luyện sau khi chết. Ví dụ, chúng ta biết rằng các Kitô hữu sống trong hầm mộ ở Rôma đã ghi lên tường những lời cầu nguyện cho những người chết. Ngoài ra, những lời cầu nguyện cho những người chết còn có trong một số tác phẩm cổ xưa nhất của Kitô giáo. Một văn bản bằng chứng quan trọng khác trong Sách thánh là quyển 2 Macabê 12:46, trong đó nói rằng: “Đó là lý do khiến ông đến dâng lễ tế đền tạ cho những người đã chết,để họ được giải thoát khỏi tội lỗi.” Rõ ràng, chúng ta sẽ không cầu nguyện cho người chết nếu họ đã ở trên thiên đàng rồi. Mỗi thánh lễ Công giáo được cử hành trên khắp thế giới đều có những lời cầu nguyện cho người sống và người chết, và có một danh sách lạ thường các vị thánh Công giáo đã trải nghiệm những mặc khải riêng tư về luyện ngục, trong đó gần đây nhất là Thánh Padre Pio và Thánh Faustina Kowalska – vị thánh của những mặc khải về Lòng Chúa Thương Xót. Cuối cùng, không phải trong trái tim chúng ta đều có bản năng do Thiên Chúa ban tặng để cầu nguyện cho linh hồn những người chết hay sao? Trong Thư gửi cho Malcolm, Clive.Staples. Lewis đã đề cập đến bản năng cầu nguyện cho người chết này:
“Tất nhiên là tôi cầu nguyện cho những người đã mất. Hành động này rất tự phát, hầu như không thể không làm, đến độ chỉ có tình huống thần học nào thúc ép nhất chống lại việc cầu nguyện đó mới có thể ngăn cản tôi. Và tôi gần như không biết những lời cầu nguyện khác của tôi sẽ tồn tại như thế nào nếu những lời cầu nguyện dành cho những người chết bị cấm. Ở tuổi của chúng tôi, phần lớn những người chúng tôi yêu thương nhất đã chết. Tôi có thể giao tiếp với Thiên Chúa cách gì nếu những gì tôi yêu quý nhất lại không thể được nói cho Ngài nghe? Tôi tin có Luyện ngục.”
Ngoài những lý do chứng tỏ sự hợp lý của giáo huấn của Giáo hội về Luyện ngục, người Công giáo cần nhận ra sự hỗ trợ mạnh mẽ trong chương ba thư thứ nhất của thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô nói đến Luyện ngục và những ngọn lửa thanh luyện ở đó.
Tác giả: Tom Mulcahy, MA, catholicstrength.com
Chuyển ngữ: Phêrô Phạm Văn Trung.
Tài liệu tham khảo:
1.Đức Giáo Hoàng Benedict XVI, Thông điệp Spe Salvi –Niềm Hy Vọng Cứu Độ.
2.Ignatius Catholic Study Bible, trang 288-289.
3.Dr. Scott Hahn audio, “Purgatory: Holy Fire – Luyện Ngục: Ngọn Lửa Thánh”.
4.Catholicism and Fundamentalism – Công Giáo và Chủ trương chính thống cực đoan, của Karl Keating.