2020
Chúa Giêsu luôn ở với chúng ta – Một Sứ Điệp của Niềm Hy Vọng
Bài viết của Jeff Smith, Chủ biên tập, Tạp chí The Word Among Us
Anh Chị Em thân mến,
Thỉnh thoảng các bài đọc ngày Lễ Chúa Nhật xem ra có nghĩa với chúng ta. Đó là cảm nhận của tôi về bài đọc thứ hai của ngày Chúa Nhật. Nếu bạn giống như tôi, bạn thực sự không thích đau khổ. Tôi đã trải qua nhiều năm cố gắng cách này hay cách khác để ngăn cản hoặc giảm tối thiểu nỗi gian khổ. Tôi không muốn các con của tôi đau đớn, khốn khổ, cho dẫu tôi không thể ngăn cản nó. Chắc chắn tôi không muốn cho vợ tôi, Jeannie và tôi phải đối mặt với những thử thách, nhưng dù sao đi nữa những gian nan thử thách vẫn xảy đến. Tôi cũng không thích khi (chứng kiến) các bạn tôi phải chịu đau ốm bệnh tật.
Tuy nhiên, tất cả chúng ta đang phải đối diện với những cuộc chiến đấu trong cuộc sống. Cơn đại dịch hiện tại là một thí dụ. Thật đau đớn biết bao khi phải mất một người thân yêu hoặc không thể có một lễ an táng thích đáng! Hoặc thật căng thẳng biết bao nếu bạn hoặc một thành viên trong gia đình bạn bị mất việc làm – điều này mới xảy ra cách đây hai tuần đối với một trong những đứa con lớn của tôi.
Thật đúng với bài đọc thứ hai của ngày Chúa Nhật. Thánh Phêrô đã viết: “Nếu làm việc lành và phải khổ mà anh em vẫn kiên tâm chịu đựng, thì đó là ơn Thiên Chúa ban” (1 Pr 2,20). Nói cách khác, nếu bạn đang thực hiện thánh ý Chúa tốt nhất chừng nào có thể và đau khổ vẫn xảy đến với bạn, bạn đừng để mình rơi vào sợ hãi hay hoảng sợ. Hãy tin rằng bằng cách nào đó, tình huống mà bạn đang trải qua đều có ơn Chúa chở che. Hãy tin rằng Thiên Chúa đang gần gũi với bạn, ngay cả khi những gian khổ ập đến.
Ngay bây giờ nếu bạn đang phải chiến đấu, hãy biết rằng bạn đang đồng cảnh ngộ với rất nhiều người! Hãy nhớ: “Đức Kitô đã chịu đau khổ vì anh em, để lại một gương mẫu cho anh em dõi bước theo Người” (1 Pr 2,21). Đức Giêsu không muốn chịu đau khổ. Thực vậy, Đức Giêsu đã khẩn nài Chúa Cha cất đau khổ khỏi Ngài. Thế nhưng, Người vẫn tập trung vào điều gì đó lớn lao hơn: “Người đã khước từ niềm vui dành cho mình, mà cam chịu khổ hình thập giá” (Dt 12,2).
Làm sao Đức Giêsu đã làm được điều này? Người không ngừng hướng về Chúa Cha, Đấng mà Người biết hằng yêu thương và sẽ chăm sóc Người. Người hướng về ơn cứu độ mà Người sẽ chiến thắng cho chúng ta. Người hướng về lời hứa Thiên Đàng. Tất cả những điều này đã mang lại cho Đức Giêsu niềm vui. Vì thế giờ đây, ngay cả nếu chúng ta đang phải chiến đấu hoặc đang chịu đau khổ, chúng ta cũng có thể “hướng về Đức Giêsu” (Dt 12,2).
Một ngày nọ, tôi ở trong sân sau với người mẹ tám mươi tám tuổi của tôi, mẹ đang sống chung với chúng tôi. Ba tôi đã qua đời một vài năm trước đây và mẹ tôi nhớ ba tôi mỗi ngày. Đó là một ngày u ám, vì thế tôi đã nói với mẹ tôi rằng: “Chúng ta không thể nhìn thấy mặt trời hôm nay. Mẹ có nghĩ mặt trời vẫn đó sau những đám mây không?” Mẹ tôi nói: “Dĩ nhiên là có chứ, Jeffrey”. (Mẹ gọi tôi là Jeffrey). Và tôi đã nói với mẹ: “Điều đó thật đúng đối với Thiên Chúa và với ba, mẹ ạ. Chúng ta không thể nhìn thấy Thiên Chúa, nhưng Người vẫn ở gần chúng ta. Mẹ không thể chạm tới ba lúc này, nhưng ba đang ở trước nhan thánh Chúa. Vì thế, mỗi khi mẹ đến với Chúa trong cầu nguyện và Thánh Lễ, thì ba vẫn đang gần gũi với mẹ như hơn bao giờ hết”. Mẹ tôi chỉ đáp lại cách vắn gọn: “Hmm (Ừ)”.
Anh chị em thân mến, anh chị em không cô đơn một mình đâu! Vì anh chị ở trong Chúa Kitô, Thiên Chúa rất gần gũi với anh chị em. Khi anh chị em cầu nguyện, khi anh chị em xem Thánh Lễ ở nhà, anh chị em đang được các thiên thần và các thánh đồng hành. Đây không chỉ là niềm hy vọng tương lai của chúng ta. Đó cũng là thực tại hiện nay của chúng ta, ngay cả khi nếu chúng ta không thể nhìn thấy niềm hy vọng ấy thì Thiên Chúa vẫn đang ở với chúng ta!
Theo The Word Among Us [wau.org]
https://wau.org/resources/article/re_jesus_is_with_us_always/
Chuyển ngữ: Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương
2020
Sống với Chúa Giêsu
Sống trên đời ai cũng có lúc buồn, lúc vui, lúc thấy mình chới với vì sắp mất đi một điều gì đó. Những lúc ấy chỉ mong có một người bạn tốt có thể sát cánh cùng ta trên mọi bước đường. Một người bạn mà tôi đủ tin tưởng để chia sẻ những vui buồn, những lúc tôi cần lời động viên, khích lệ. Người đó biết lắng nghe, chia sẻ, cảm thông và hiểu tôi. Một người bạn như thế chắc sẽ rất khó tìm thấy, nhưng ai có được chắc chắn sẽ hạnh phúc như trong sách Huấn ca viết:“Người bạn trung thành là nơi nương tựa vững chắc, ai gặp được người bạn như thế là gặp được kho tàng” (Hc 6,14). Qua một thời gian khá dài tìm hiểu và trải nghiệm, nay tôi đã tìm được cho mình một người bạn như lòng mong ước – Người bạn của lòng tôi mang tên Giêsu.
Dẫu chưa một lần tôi thấy tận mắt người bạn ấy, hay bước đi cùng nhau trên một con đường. Ấy vậy cảm giác bạn luôn hiện hữu bên tôi trong mỗi phút giây của cuộc sống trần gian này lại rất thật.
Bạn luôn bên tôi khi tôi cảm thấy mình bơ vơ.
Bạn đến với tôi khi tôi hoang mang lo sợ đi trong đêm tối.
Bạn âm thầm lặng lẽ bên tôi trong mỗi bước đi trong cuộc sống.
Bạn làm cho tôi thấy một tình yêu nồng nàn và cho tôi một điểm tựa vững chắc.
Và bạn luôn kiên nhẫn chờ đợi khi tôi bỏ quên bạn.
Bạn Giêsu luôn là người mà tôi dễ dàng chia sẻ nhất. Vì Giêsu rất kiên nhẫn lắng nghe, luôn hiền lành, khiêm nhường và là một người luôn dang rộng cánh tay chờ đón tôi. Trong mọi biến cố, Giêsu luôn cho tôi sức mạnh vượt qua vì Giêsu luôn hằng dõi bước chân tôi. Mỗi lúc kề bên Giêsu tôi cảm nhận được sự bình an sâu lắng. Giêsu luôn mong chờ và muốn tôi hướng đến một tình yêu hoàn hảo như Bạn đã nói:“Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng mình vì bạn hữu của mình”(Ga 15,13). Còn gì hạnh phúc hơn khi một người bạn chí cốt, người sẵn sàng hy sinh tính mạng và từ bỏ hết vinh quang để yêu thương người tội lỗi như tôi. Người giúp cho hành trình ơn gọi dâng hiến của tôi được đạt đến sự trọn hảo, bạn không bỏ rơi tôi bao giờ. Chính trong những lúc thất bại, cảm giác muốn buông xuôi tất cả thì việc dành thời gian bên người bạn Giêsu làm cho mọi muộn phiền trong tôi dần tan biến.
Cuộc sống đầy lo toan tôi bị cuốn theo dòng đời bỏ quên người bạn bên cạnh tôi. Có lúc tôi dừng lại để tìm, gặp, sống và cảm nghiệm những điều ít khi tôi nghĩ tới. Một người bạn chân thành không phải lúc nào cũng cạnh bên tôi nhưng quan trọng là luôn thấu cảm và đồng hành với tôi. Cảm ơn bạn Giêsu thật nhiều vì bạn tốt bụng và đầy lòng yêu thương tôi. Qua tình bạn với Giêsu tôi biết sống vui vẻ, hòa đồng yêu thương những người bạn nơi trần gian. Nhất là bạn Giêsu đã giúp tôi nghiệm được giá trị cuộc sống của ơn gọi nên thánh trong tình yêu cao quý của đời dâng hiến. Maria Thanh Truyền
2020
Ngày Lễ mừng kính vị quan thầy của Giáo Chức và đôi điều suy nghĩ
NGÀY LỄ MỪNG KÍNH VỊ QUAN THẦY CỦA GIÁO CHỨC VÀ ĐÔI ĐIỀU SUY NGHĨ
Cùng ngày mừng Lễ kính Thánh Gioan La San cũng là ngày mà ngoài kia có phiên tòa xét xử nhóm giáo chức cùng nhau tổ chức nâng điểm cho học trò. Đáng buồn và đáng tiếc thay cũng như quặng lòng khi giáo viên ở Hòa Bình phát biểu : ” ‘Nâng điểm thi không nguy hiểm cho xã hội”.
Sau khi nhận lời phát biểu ấy, tôi chia sẻ cho vài người thân quen. Sau một vài giây phút, một bác sĩ thân quen nhắn lại với dòng tin quả là đau lòng : “Nền giáo dục VN bây giờ loạn rồi Cha ơi !”
Loạn ! Nghe sau chua cay quá ! Nói theo ngôn ngữ hiện đại mà người ta hay nói : “Toang rồi ông giáo ơi !”.
Thật thế ! Toang rồi ông giáo ơi !
Chiều hôm qua, trên con đường 3 tháng 2 thuộc quận 10 của Sài Gòn, không ai không ngạc nhiên cũng như dừng lại ngay trường quốc tế nọ để xem chuyện hài. Chuyện là trường đó cung cấp khẩu phản ăn như thế nào cho học sinh để học sinh về “méc” phụ huynh và cuối cùng là phụ huynh đến trường căng biểu ngữ với nội dung đòi buộc trường ấy coi lại khẩu phần ăn cho con cháu họ.
Và đây chỉ là bức xúc của phụ huynh về khẩu phần ăn thôi chứ chưa nói về vấn đề khác nữa.
Và, vấn đề lớn nhất của con người và bất cứ xã hội nào vẫn là giáo dục. Chỉ có giáo dục mới xây dựng con người và xã hội tốt đẹp. Nếu như nền giáo dục kiểu loạn như vị bác sĩ thân quen nói thì quả là đau lòng.
Hoàn toàn không bịa đặt, hoàn toàn không thêm bớt, tất cả những gì về giáo dục cũng đã phơi bày trên các trang mạng. Những chuyện chạy trường chạy lớp không lạ gì lắm với ngày hôm nay. Cạnh đó là chuyện mua điểm và bằng giả thì không phải bàn tới.
Một lần kia, không khỏi bàng hoàng khi nghe kể đường dây mua bằng giả đến tận nước Úc. Cha em ngồi kể vui vẻ : “Anh biết không ! Bên Úc (cha em đang mục vụ bên đó) mua bằng như thiệt luôn ! Người ta không học nhưng qua bên Úc bước lên sân khấu để nhận bằng hẳn hoi luôn đó !”
Như là câu chuyện ám ảnh trong cuộc đời về chuyện giáo dục từ Cha em. Bằng giả được mua như thật chứ không phải là giả. Người mua qua tận Úc và lên nhận bằng như những sinh viên đi học chứ không hề giả !
Thế đó ! Biết bao nhiêu vấn nạn của nền giáo dục thời hiện đại ở một xứ sở mà người ta can đảm phát biểu rằng “‘Nâng điểm thi không nguy hiểm cho xã hội”. Kèm theo đó đàng sau phiên tòa xét xử chuyện nâng điểm biết bao nhiêu chuyện bi hài.
Giáo dục ngày nay là như thế để rồi cần và cần lắm một nền giáo dục chân chính.
Mọi người đều nhớ rằng trước “ngày ấy”, dòng La San là một trong những mái trường đào tạo nên biết bao nhiêu người hữu ích cho Xã Hội và Giáo Hội. Đến ngày định mệnh ấy, La San lại phải trở về với con số không to tổ bố !
Nhiều và nhiều người vẫn luôn hãnh diện cũng như mang ơn vì mình được xuất thân cũng như lớn lên dưới mái trường La San. Bản thân tôi cũng thế ! Vẫn mang ơn các frère giúp mình để cho mình có được như ngày hôm nay. Hình ảnh của một frère Tùng, frère Quang, frère Minh Voi vẫn còn đó (dẫu frère Minh đã về nhà Cha). Những nhà giáo tuyệt vời vẫn còn in đậm trong lòng những học trò được thụ hưởng từ linh đạo La San.
Ý thức được ơn gọi, sứ mạng để rồi quý tu sĩ dòng La San nam cũng như nữ đã phải “gồng mình” để tồn tại.
Như Cha Thánh tổ phụ lập dòng, Dòng La San cũng phải trải qua nhiều năm gian khổ và thử thách. Thế nhưng rồi trong sự quan phòng của Thiên Chúa, trong ơn thánh cũng như lời chuyển cầu của Thánh Tổ Phụ, dòng La San vẫn cố gắng hết sức mình để tồn tại và phát triển.
Thật thế, muôn ngàn đời thì giáo dục vẫn là nền tảng của một xã hội. Nếu như giáo dục tốt thì sẽ sinh ra những con người tốt để cống hiến cho xã hội và ngược lại. Chính vì thế cứ sao mãi băn khoăn.
Thật ra mà nói, quan tâm lo lắng cũng chả được gì mà không quan tâm lo lắng thì thành ra con người mình vô cảm. Và rồi cũng chỉ biết cùng hiệp lời cầu xin với các sư huynh và nữ tu dòng La San để cho Hội Dòng ngày càng phát triển cũng như giúp đỡ cho thế hệ trẻ bước vào đời đúng nghĩa với con người và nhân cách là người hơn.
2020
Hậu đại dịch covid-19: Kiên nhẫn, nhân đức của đời thường
Bài viết mới của Cha Lombardi nói về sự kiên nhẫn: Chúng ta sẽ tiếp tục cần nó, sẽ là thiếu thận trọng khi nghĩ rằng tất cả chuyện này sẽ kết thúc. Đó không chỉ là đức tính cần thiết trong tình yêu thương đối với người khác: Mà còn là một chiều kích của đức tin chúng ta.
Cả trong thời gian cách ly do đại dịch và thời điểm bắt đầu lại các mối tương quan và hoạt động, một sự kiên nhẫn rất lớn đã được yêu cầu và tiếp tục được yêu cầu đối với tất cả chúng ta, có lẽ chúng ta chưa quen điều này. Sống với nhau trong một thời gian dài nơi gia đình trong không gian hạn hẹp, không có cách lẩn trốn hay sự thư giãn hoặc những cuộc gặp gỡ đa dạng đều đặn, hơn nữa cảm thấy áp lực của nỗi sợ về việc lây nhiễm và những lo lắng về tương lai, chắc chắn đưa đến thử thách cho sự cân bằng và sự vững chắc nơi các mối tương quan của chúng ta. Và điều này cũng không khác nhiều trong các cộng đoàn, ngay cả trong cộng đoàn nhà tu, mặc cho những thời gian cầu nguyện và các quy tắc vững chắc trong cách cư xử. Sự căng thẳng, bấp bênh, sự bực dọc đã dễ cảm thấy ngay cả khi không có những tác động lây nhiễm.
Trong thời kỳ này, giữa nhiều nhân đức đã trở nên đáng quý hơn bình thường, có cả nhân đức kiên nhẫn. Và tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ tiếp tục cần nó, bởi vì như chúng ta biết, sẽ rất thiếu thận trọng khi nghĩ rằng tất cả chuyện này như đã kết thúc.
Kiên nhẫn là một đức tính của đời thường. Không có nó, mối tương quan giữa các cặp vợ chồng, của gia đình và của công việc trước hay sau gì cũng ngày càng trở nên căng thẳng, bị ghi dấu bởi những va chạm hoặc xung đột, thậm chí cuối cùng có thể là không thể sống chung được. Cần phải lớn lên trong một mái trường của sự đón tiếp và chấp nhận lẫn nhau, mặc dù (điều này) tốt đẹp, nhưng có cả những khía cạnh mệt mỏi của nó. Nhưng cách suy nghĩ chung ngày nay không giúp chúng ta đảm nhận sự khó khăn này như cái giá của một điều gì đó lớn lao. Ngay cả nó thường mang đến thái độ dễ cáu gắt, chỉ trích những khuyết điểm và hạn chế của người khác, đưa đến sự cắt đứt cách dễ dàng và nhanh chóng như là giải pháp duy nhất cho các vấn đề. Nhưng điều này có đúng đắn không?
«Bài ca về đức mến» mà Thánh Phaolô nêu lên trong lá thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô (13, 1-13), không nên coi như là một bản thơ xa vời, nhưng như một «Tấm gương soi» trong đó chúng ta có thể lượng giá xem liệu đức mến của mình chỉ là một từ trống rỗng hoặc biết chuyển dịch trong những thái độ cụ thể hàng ngày. Thánh Phaolô liệt kê đến 15 thái độ này. Đầu tiên là: «Đức mến thì nhẫn nhục»; cuối cùng là: «Đức mến thì chịu đựng tất cả». Và nhiều thái độ khác trong số những liệt kê có liên quan nhiều đến «Đức mến cách nhẫn nại». Như thế, đức mến «Là nhân từ … không tức giận… không nhớ đến điều xấu nhận được?…».
Nhưng sự kiên nhẫn không chỉ là một đức tính cần thiết trong tình yêu thương hàng ngày đối với những người thân yêu của chúng ta và tất cả những người khác mà chúng ta phải chung sống. Nó còn là một chiều kích nơi niềm tin và hy vọng của chúng ta ngang qua tất cả các biến cố của cuộc sống và lịch sử. Thánh Giacôbê mời gọi chúng ta hãy nhìn người nông dân, như người biết rằng cần phải chờ đợi: «Thưa anh em, xin anh em cứ kiên nhẫn cho tới ngày Chúa quang lâm. Hãy xem nhà nông, họ kiên nhẫn chờ đợi cho đất trổ sinh hoa màu quý giá: Họ phải đợi cả mưa đầu mùa lẫn mưa cuối mùa. Anh em cũng vậy, hãy kiên nhẫn và bền tâm vững chí» (Gc 5,7-8).
Đối với các Kitô hữu tiên khởi, sự kiên nhẫn được liên kết chặt chẽ với sự kiên trì nơi đức tin trong suốt các cuộc bách hại và những khó khăn mà họ đã phải đối mặt như một cộng đoàn mong manh và nhỏ bé trong các biến cố của lịch sử. Do đó, nói về sự kiên nhẫn thì cũng luôn luôn nói về thử thách, về đau khổ mà qua đó chúng ta được mời gọi vượt qua trong hành trình của mình. Thánh Phaolô nối kết chúng ta trong một sự năng động để nắm lấy và đưa chúng ta đi xa hơn. Trong sự năng động này, sự kiên nhẫn là một quãng đường không thể tránh khỏi: «Ai gặp gian truân thì quen chịu đựng; ai quen chịu đựng, thì được kể là người trung kiên; ai được công nhận là trung kiên, thì có quyền trông cậy. Trông cậy như thế, chúng ta sẽ không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta» (Rm 5,3-5).
Thử thách của đại dịch chắc chắn là nguyên nhân của sự đau khổ bởi nhiều lý do khác nhau, nó đòi hỏi đức mến cách nhẫn nại trong mối tương quan với những người gần gũi chúng ta, nó đòi hỏi sự kiên nhẫn trong bệnh tật, đòi hỏi sự kiên nhẫn nhìn xa trông rộng nơi cách thức chống lại virút và nối lại hành trình trong sự liên đới với cộng đoàn giáo hội cũng như cộng đồng dân sự mà chúng ta là phần tử trong đó. Liệu chúng ta có biết vượt qua sự bực dọc, sự mệt mỏi và sự khép lại trong chính mình để bền tâm vững chí trong thử thách nhân đức và trong niềm hy vọng? Thư gửi tín hữu Do Thái (chương 12) mời gọi chúng ta bám chặt cái nhìn của mình vào Chúa Giêsu như một mẫu gương về sự kiên nhẫn và kiên trì trong thử thách. Và Chúa Giêsu, nơi cuối bài diễn từ về những gian truân mà các môn đệ của Người sẽ phải trải qua, trong đó Người sẽ không bỏ rơi họ, nói một lời giá trị để luôn đồng hành cùng chúng ta, ngay cả hôm nay: «Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình (Lc 21,19)»./.
Các bạn có thể đọc thêm bài đã viết trong loạt bài “Nhìn xa hơn cuộc khủng hoảng covid-19” của cha Federico Lombardi theo link sau:
Bài 1: Hậu Covid-19: Chúng ta sẽ gặp lại nhau với cái nhìn nào?
Bài 2: Hậu Covid-19: Cơ hội để xếp đặt trật tự cuộc sống chúng ta