Chúa Giêsu luôn ở với chúng ta – Một Sứ Điệp của Niềm Hy Vọng
Bài viết của Jeff Smith, Chủ biên tập, Tạp chí The Word Among Us
Anh Chị Em thân mến,
Thỉnh thoảng các bài đọc ngày Lễ Chúa Nhật xem ra có nghĩa với chúng ta. Đó là cảm nhận của tôi về bài đọc thứ hai của ngày Chúa Nhật. Nếu bạn giống như tôi, bạn thực sự không thích đau khổ. Tôi đã trải qua nhiều năm cố gắng cách này hay cách khác để ngăn cản hoặc giảm tối thiểu nỗi gian khổ. Tôi không muốn các con của tôi đau đớn, khốn khổ, cho dẫu tôi không thể ngăn cản nó. Chắc chắn tôi không muốn cho vợ tôi, Jeannie và tôi phải đối mặt với những thử thách, nhưng dù sao đi nữa những gian nan thử thách vẫn xảy đến. Tôi cũng không thích khi (chứng kiến) các bạn tôi phải chịu đau ốm bệnh tật.
Tuy nhiên, tất cả chúng ta đang phải đối diện với những cuộc chiến đấu trong cuộc sống. Cơn đại dịch hiện tại là một thí dụ. Thật đau đớn biết bao khi phải mất một người thân yêu hoặc không thể có một lễ an táng thích đáng! Hoặc thật căng thẳng biết bao nếu bạn hoặc một thành viên trong gia đình bạn bị mất việc làm – điều này mới xảy ra cách đây hai tuần đối với một trong những đứa con lớn của tôi.
Thật đúng với bài đọc thứ hai của ngày Chúa Nhật. Thánh Phêrô đã viết: “Nếu làm việc lành và phải khổ mà anh em vẫn kiên tâm chịu đựng, thì đó là ơn Thiên Chúa ban” (1 Pr 2,20). Nói cách khác, nếu bạn đang thực hiện thánh ý Chúa tốt nhất chừng nào có thể và đau khổ vẫn xảy đến với bạn, bạn đừng để mình rơi vào sợ hãi hay hoảng sợ. Hãy tin rằng bằng cách nào đó, tình huống mà bạn đang trải qua đều có ơn Chúa chở che. Hãy tin rằng Thiên Chúa đang gần gũi với bạn, ngay cả khi những gian khổ ập đến.
Ngay bây giờ nếu bạn đang phải chiến đấu, hãy biết rằng bạn đang đồng cảnh ngộ với rất nhiều người! Hãy nhớ: “Đức Kitô đã chịu đau khổ vì anh em, để lại một gương mẫu cho anh em dõi bước theo Người” (1 Pr 2,21). Đức Giêsu không muốn chịu đau khổ. Thực vậy, Đức Giêsu đã khẩn nài Chúa Cha cất đau khổ khỏi Ngài. Thế nhưng, Người vẫn tập trung vào điều gì đó lớn lao hơn: “Người đã khước từ niềm vui dành cho mình, mà cam chịu khổ hình thập giá” (Dt 12,2).
Làm sao Đức Giêsu đã làm được điều này? Người không ngừng hướng về Chúa Cha, Đấng mà Người biết hằng yêu thương và sẽ chăm sóc Người. Người hướng về ơn cứu độ mà Người sẽ chiến thắng cho chúng ta. Người hướng về lời hứa Thiên Đàng. Tất cả những điều này đã mang lại cho Đức Giêsu niềm vui. Vì thế giờ đây, ngay cả nếu chúng ta đang phải chiến đấu hoặc đang chịu đau khổ, chúng ta cũng có thể “hướng về Đức Giêsu” (Dt 12,2).
Một ngày nọ, tôi ở trong sân sau với người mẹ tám mươi tám tuổi của tôi, mẹ đang sống chung với chúng tôi. Ba tôi đã qua đời một vài năm trước đây và mẹ tôi nhớ ba tôi mỗi ngày. Đó là một ngày u ám, vì thế tôi đã nói với mẹ tôi rằng: “Chúng ta không thể nhìn thấy mặt trời hôm nay. Mẹ có nghĩ mặt trời vẫn đó sau những đám mây không?” Mẹ tôi nói: “Dĩ nhiên là có chứ, Jeffrey”. (Mẹ gọi tôi là Jeffrey). Và tôi đã nói với mẹ: “Điều đó thật đúng đối với Thiên Chúa và với ba, mẹ ạ. Chúng ta không thể nhìn thấy Thiên Chúa, nhưng Người vẫn ở gần chúng ta. Mẹ không thể chạm tới ba lúc này, nhưng ba đang ở trước nhan thánh Chúa. Vì thế, mỗi khi mẹ đến với Chúa trong cầu nguyện và Thánh Lễ, thì ba vẫn đang gần gũi với mẹ như hơn bao giờ hết”. Mẹ tôi chỉ đáp lại cách vắn gọn: “Hmm (Ừ)”.
Anh chị em thân mến, anh chị em không cô đơn một mình đâu! Vì anh chị ở trong Chúa Kitô, Thiên Chúa rất gần gũi với anh chị em. Khi anh chị em cầu nguyện, khi anh chị em xem Thánh Lễ ở nhà, anh chị em đang được các thiên thần và các thánh đồng hành. Đây không chỉ là niềm hy vọng tương lai của chúng ta. Đó cũng là thực tại hiện nay của chúng ta, ngay cả khi nếu chúng ta không thể nhìn thấy niềm hy vọng ấy thì Thiên Chúa vẫn đang ở với chúng ta!
Theo The Word Among Us [wau.org]
https://wau.org/resources/article/re_jesus_is_with_us_always/
Chuyển ngữ: Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương