Ơn biết cầu xin
(Bài viết của Patricia Mitchell, Biên tập nội dung của Tạp chí The Word Among Us)
Phòng để thức ăn của tôi đã đầy. Rất nhiều đồ ăn. Nhiều đến nỗi tôi lấy làm thẹn, vì thức ăn đó chỉ phục vụ cho ba người đang ăn ở đây trong những ngày này – chồng tôi, tôi và người mẹ 91 tuổi của tôi, người ăn rất ít.
Khi tin tức về coronavirus được đăng tải, tôi đã cố gắng không tích trữ hay hoảng sợ. Nhưng sau đó tôi cứ tự hỏi, nếu hết thức ăn và tôi không thể đến cửa hàng thì sao đây? Hoặc điều gì sẽ xảy ra nếu các nguồn cung ứng bắt đầu cạn kiệt? Vì thế mà ở nhà chúng tôi phải tích trữ thực phẩm để đủ dùng cho một tháng trở lên.
Điều này khiến tôi có suy nghĩ là: thật chính đáng khi tôi không thể dự trữ ân sủng. Vì giả sử nếu chuyện hết lương thực xảy ra với tôi, tôi sẽ muốn có một phòng đựng thức ăn đầy đủ, sẵn sàng và chờ đợi phục vụ tôi bất cứ lúc nào tôi cần. Nhưng ân sủng thì giống như manna trong sa mạc: tôi cần một nguồn cung cấp mới mỗi ngày. Và điều đó thúc bách tôi phải đến với Chúa mỗi buổi sáng và xin Người ban cho tôi “của ăn” mới – điều mà chính Chúa muốn ban cho tôi. Chúa muốn tôi trông cậy vào Người, chứ không phải vào tôi. Người cũng muốn tôi tin tưởng rằng Người sẽ ban mọi ân sủng mà tôi cần để tôi trở nên môn đệ của Người và đi theo Người.
Sau khi Chúa Giêsu chết trên thập giá, một người lính đã đâm thủng cạnh sườn Người và máu cùng nước đã chảy ra từ đó. Theo các Giáo phụ của Giáo Hội, nước đó là biểu tượng cho Bí tích Rửa Tội. Tôi thường tưởng tượng ân sủng của Thiên Chúa như một dòng nước không bao giờ cạn chảy ra từ cạnh sườn của Chúa Giêsu. Chúng ta được ngụp lặn vào trong sự sống thánh thiêng và nước ân sủng này khi chúng ta lãnh phép Rửa Tội. Nhưng đó không phải là điều gì đó xảy ra một lần duy nhất. Mỗi ngày khi chúng ta đến trước Chúa trong cầu nguyện, chúng ta lại có cơ hội đứng dưới chân thập giá của Chúa và được đổ tràn đầy ân sủng của Người.
Bây giờ, tôi đặc biệt cần ân sủng đó. Đã hơn một tháng kể từ khi chúng tôi phải ở nhà vì giãn cách xã hội. Lúc đầu, tôi nghĩ đến tất cả những điều tích cực có thể làm trong vài tuần ở nhà. Chẳng hạn như cuộc sống của tôi sẽ chậm lại, tôi sẽ không phải chạy từ đây đến đó, và tôi sẽ có thời gian để làm những việc tôi đã trì hoãn nhiều năm. Nhưng như một đồng nghiệp của tôi gần đây đã nói: Cái hào hứng sẽ mất dần dần. Tôi nhớ các con và các cháu của tôi. Tôi nhớ các bạn hữu và các đồng nghiệp của tôi. Tôi đặc biệt nhớ Bí tích Thánh Thể.
Nhưng việc không được lãnh nhận Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể đã làm cho tôi nhận ra mình đã có biết bao ân sủng. Qua phép Rửa Tội, tôi là người dự phần vào cuộc sống thánh thiêng của Thiên Chúa (x. 2 Pr 1,4). Chúa Kitô sống trong tôi! Không chỉ thế, mà mỗi ngày, nhờ phép Rửa Tội, tôi có thể đi đến tận nguồn ân sủng của Thiên Chúa, và đôi tay sẵn sàng mở ra để lãnh nhận tất cả những gì Chúa dành cho tôi ngày hôm đó.
Phục Sinh là thời gian trong năm khi chúng ta làm mới lại những lời thề hứa khi lãnh Bí tích Rửa Tội. Còn mùa nào tốt hơn trong năm để suy gẫm về ân sủng của Bí tích Rửa Tội và tất cả những gì mà Bí tích ấy có ý nghĩa đối với chúng ta? Các bài viết trong số báo về Phục Sinh của chúng tôi năm nay nhằm tìm hiểu về bí tích nền tảng này. Chúng tôi hy vọng và cầu nguyện mong cho các bài viết có thể giúp bạn đánh giá cao quà tặng rất tuyệt vời mà tất cả chúng ta đã được ban tặng – một quà tặng không ngừng được trao ban mỗi ngày trong cuộc sống của chúng ta.
Theo The Word Among Us [wau.org
Chuyển ngữ: Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương