2020
Tôn vinh Chúa Ba Ngôi trong cuộc sống Ki-tô hữu
Trong trình thuật việc Đức Giê-su chịu phép rửa tại sông Gio-đan, thánh Mác-cô đã tóm tắt mấy dòng sau đây: “Hối ấy, Đức Giê-su từ Na-gia-rét miền Ga-li-lê đến, và được ông Gio-an làm phép rửa dưới sông Gio-đan. Vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí tựa chim bồ câu ngự xuống trên mình. Lại có tiếng từ trời phán rằng: ‘Con là con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con’” (Mc 1, 9-11).
Một bức tranh chấm phá nhẹ nhàng, nhưng rất sinh động, rất ý nghĩa, đầy ấn tượng về sự hiện diện của Cha và Thánh Thần trong giờ phút linh thiêng, giới thiệu và chuẩn nhận nguồn gốc, vai trò, sứ mệnh của Con, Đức Giê-su Na-da-rét, Ngôi Hai Thiên Chúa làm người. Đây cũng là một cách nhìn thần học rất sâu sắc của thánh sử về một biến cố đặc biệt, về một mầu nhiệm quan trọng trong cuộc đời của Đức Giê-su.
Thực ra, không phải chỉ có lúc xảy ra phép rửa ở sông Gio-đan chúng ta mới nghe nói về Ngôi Cha, về Ngôi Thánh Thần, mà qua Tin Mừng, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra việc Đức Giê-su luôn sống, hoạt động, suy nghĩ và cầu nguyện với Cha.
Thánh Lu-ca đã tường thuật ngắn về việc Đức Giê-su lúc mười hai tuổi, ngồi giữa các bậc thầy Do thái ở Đền Thờ Giê-ru-sa-lem, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi. Khi cha mẹ Ngài là ông Giu-se và bà Ma-ri-a tìm thấy Ngài trong Đền Thờ, lên tiếng hỏi về việc lạc mất con, Ngài đã trả lời: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (x. Lc 2, 41-50).
Câu nói trên của Đức Giê-su vừa là một trả lời vấn nạn của cha mẹ, vừa là một khẳng định về mạc khải mối quan hệ đặc biệt giữa Ngài và Cha của Ngài. Thực vậy, trong cuộc đời tại thế của mình, Đức Giê-su đã chứng tỏ Ngài luôn hiện diện với Cha, luôn thực hiện chương trình cứu độ mà Cha đã trao cho Ngài. Đức Giê-su đã từng nói: “Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc” (Ga 5, 17).
Quả vậy, Đức Giê-su Na-da-rét tràn đầy kinh nghiệm sống với Cha và kinh nghiệm hiệp thông trong Thánh Thần. Những kinh nghiệm ấy Ngài muốn chia sẻ với chúng ta. Thánh Gio-an đã quả quyết: “Không ai đã thấy Thiên Chúa bao giờ; nhưng Con Một là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1, 18).
- Đức Giê-su chia sẻ kinh nghiệm về Chúa Cha
Trong đời sống tại thế của mình, Đức Giê-su không bao giờ tỏ ra là người sống đơn độc, ngay cả khi bị thử thách nhất, lúc cái chết gần kề, Ngài cũng cảm thấy Cha đang có mặt để nghe Ngài than thở: “Cha ơi, nếu Cha muốn, xin tha cho con khỏi uống chén này. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Lc 22, 42).
Quả thực, trong bất kỳ hoàn cảnh nào và với tâm trạng nào, Đức Giê-su luôn luôn hiện diện với Cha để sống tâm tình của một người con đích thực.
- Ngài luôn vâng lời và trung tín: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người” (Ga 4, 34).
- Ngài quan tâm lo lắng chu toàn bổn phận: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (Lc 2, 49).
- Ngài được Cha tin tưởng và yêu mến: “Quả vậy, Đấng được Thiên Chúa sai đi thì nói những lời của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa ban Thần Khí cho Người vô ngần vô hạn. Chúa Cha yêu thương Người Con và đã giao mọi sự trong tay Người” (Ga 3, 34-35).
- Ngài tuyệt đối trung thành đường lối của Cha: “Đạo lý tôi dạy không phải là của tôi, nhưng là của Đấng đã sai tôi” (Ga 7, 16).
- Ngài hoàn toàn hy sinh vì sứ vụ: “Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy. Đó là mệnh lệnh của Cha mà tôi đã nhận được” (Ga 10, 18).
- Ngài phản ánh cách tuyệt vời dung mạo của Cha: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14, 9).
- Ngài coi trọng tuyệt đối việc thực thi ý Cha: “Phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi” (Mt 12, 50).
- Ngài tín thác tuyệt đối nơi Cha: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23, 46).
Riêng thánh Phao-lô đã tóm tắt cách sâu đậm sứ mệnh thiên sai của Đức Giê-su như sau:
“Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2, 6-8).
Kinh nghiệm của Đức Giê-su đã củng cố niềm tin của chúng ta vì sau này, qua Hội thánh Chúa Ki-tô, chúng ta được thừa kế ân huệ làm nghĩa tử thần linh của Chúa Cha trong và nhờ Chúa Ki-tô. Chúng ta cũng được quyền gọi Thiên Chúa là Cha như Đức Giê-su Ki-tô đã gọi.
- Đức Giê-su chia sẻ kinh nghiệm về Thánh Thần
Linh mục Amédée Brunot trong cuốn “Bàn tiệc Khôn ngoan” đã viết như sau: “Thần Khí đã đạt đến mức hoàn hảo trong nhân vị của Đức Giê-su Nadarét, con người mang Thần Khí một cách tiêu biểu. Được thụ thai trong lòng trinh nữ Ma-ri-a do Thần Khí, được Thần Khí đưa ra mắt hôm chịu thanh tẩy ở sông Gio-đan, được Thần Khí hướng dẫn suốt cuộc đời, được Thần Khí mạc khải qua cái chết”.[1]
Thực vậy, Thánh Thần hiện diện với Ngôi-Con-nhập-thể như một sức mạnh nội tại và nguồn lực thâm sâu, thường xuyên và mạnh mẽ. Suốt cuộc đời thực thi sứ vụ thiên sai của mình, Đức Giê-su luôn được nâng đỡ, hướng dẫn, hỗ trợ bởi Thánh Thần, Đấng mà Ngài đã lãnh nhận lúc chịu phép rửa:
“Thần Khí Chúa ngự trên tôi,
Vì Chúa đã xức dầu tôn phong tôi,
Để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn” (Lc 4, 18).
Vì được Thiên Chúa ban Thần Khí vô ngần vô hạn (x. Ga 3, 34), nên Đức Giê-su sung mãn kinh nghiệm sống trong và với Thánh Thần. Ngài cũng muốn chia sẻ cho chúng ta kinh nghiệm hiệp thông với Thánh Thần. Hiệp thông để có sức mạnh hoàn thành sứ mệnh cứu chuộc và hoàn tất cuộc Vượt Qua đầy gian khổ.
- Sức mạnh chống chọi cám dỗ thử thách: “Bấy giờ Đức Giê-su được Thần Khí dẫn vào hoang địa, để chịu quỷ cám dỗ…” (x. Mt 4, 1-11).
- Sức mạnh để chu toàn sứ vụ: “Nếu tôi dựa vào Thần Khí của Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là triều đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông” (Mt 12, 28).
- Sức mạnh để tái sinh, đổi mới toàn diện: “Không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí” (Ga 3, 5).
- Sức mạnh để bước vào sự thờ phượng Thiên Chúa một cách mới mẻ, chính đáng và chân thật: “Nhưng giờ đã đến – và chính là lúc này đây – giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế” (Ga 4, 23).
- Sức mạnh để vượt thắng mọi sóng gió nguy nan: “Chính Thầy đây, đừng sợ!” (Ga 6, 20).
- Sức mạnh để yêu mến và tuân giữ các lệnh truyền của Thiên Chúa: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha của Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy… Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (x. Ga 14, 22-26).
- Sức mạnh để làm chứng cho sự thật: “Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy. Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng, vì anh em ở với Thầy ngay từ đầu” (Ga 15, 26-27).
- Tôn vinh Chúa Ba Ngôi trong đời sống Ki-tô hữu
Đức Giê-su chẳng những chia sẻ cho ta kinh nghiệm về Ngôi Cha và Thánh Thần, mà Ngài còn ban ơn giúp ta sống trọn vẹn tình nghĩa con thảo với Cha trong Thánh Thần. Chúng ta đang sống thời kỳ hậu-Phục-sinh, nên có đủ ơn huệ dồi dào và điều kiện cần thiết để hiệp thông cách sâu xa với Thiên Chúa Ba Ngôi.
Linh mục Amédée Brunot cũng đã khẳng định: “Ba Ngôi thần linh muốn sống bên trong mỗi một chúng ta. Thiên đàng của Ba Ngôi chẳng phải là nơi thần thoại nào, nhưng chính là tâm hồn của ta…”[2]
Bản thân và cuộc sống Ki-tô hữu chúng ta, vì đã mặc lấy Đức Ki-tô nên trở thành đền thờ của Thiên Chúa và cũng là của lễ toàn thiêu làm đẹp lòng Thiên Chúa nhất. Chúng ta đã được ơn tái sinh, ơn gia nhập cộng đoàn cứu độ, ơn được làm con cái Thiên Chúa, ơn làm anh em nghĩa thiết với Đức Ki-tô. Với những ơn ấy, chúng ta không ngừng cảm tạ và tôn vinh Thiên Chúa bằng cách tích cực sống đạo.
Đó là điều mà chính Chúa Giê-su đã truyền dạy: “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian… Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (x. Mt 5, 14-16).
“Những công việc tốt đẹp” không gì khác hơn là những hoa trái của một đời sống đạo chân chính và tích cực.
Đó là thi hành trọn vẹn, mọi nơi mọi lúc, thánh ý Thiên Chúa theo ơn gọi của mình.
Đó là nêu gương sáng chứng nhân Ki-tô hữu giữa trần gian.
Đó là thực thi bác ái Ki-tô giáo một cách hoàn hảo và sâu đậm.
Đó là theo gương Chúa Ki-tô và các tông đồ hiến tế đời mình theo lời mời gọi của Tin Mừng
Đó là để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn, vững bước đi theo đường lối của Chúa chỉ dẫn, xứng đáng với tư cách là con cái Thiên Chúa.
Đó là biết đồng cảm với những thao thức của Chúa và Hội thánh, biến những điều đó thành mối quan tâm của chính mình.
Tóm lại, sự tôn vinh Chúa Ba Ngôi sẽ là hoàn hảo và tuyệt vời, khi chúng ta sống đầy ắp tâm tình của Đức Giê-su Ki-tô, khi chúng ta cảm nhận trong tin yêu tình yêu bao la của Cha và khi chúng ta hiệp thông sâu xa trong Thánh Thần./.
[1] A. Brunot, diễn giải Lời Chúa CN lễ Hiện Xuống năm A q. I, Editions Salvator, Mulhouse 1980, trang 99
[2] A. Brunot, Sđd trang 104
Aug. Trần Cao Khải
2020
Đời tu – một nỗ lực tìm kiếm cái đẹp
Cuộc sống là những chuỗi ngày dài tìm kiếm, nhưng tìm gì đó mới là điều quan trọng. Con người thời nay có xu hướng tìm những thứ vật chất bên ngoài: tiền tài, danh vọng, địa vị… đến nỗi một số người bất chấp tất cả để được sống cuộc sống mà họ gọi tên là “Hạnh phúc”. Bên cạnh đó lại có những người đi ngược với quy luật cuộc sống, cũng một khát khao, một hoài bão nhưng họ mang theo chúng vào cuộc sống gọi là “Đời tu” và nơi ấy họ từ bỏ tất cả để tìm được thứ mà mình muốn. Vậy họ tìm gì? Như Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II có nói: “ Đời tu là một nỗ lực tìm kiếm cái đẹp” (trích Tông huấn đời sống Thánh hiến). Câu nói ấy gợi lên trong tâm trí một Thỉnh sinh tu Dòng như tôi những suy nghĩ về “ cái đẹp” trong đời tu, đồng thời cũng là lời cảnh tỉnh cho những ai đang tìm kiếm thứ gì khác ngoài “cái đẹp” mà đời tu mang lại.
Theo cách nói của người Việt Nam: Tu sĩ là những người dâng mình cho Thiên Chúa. “Tu là sửa”. Nếu gọi Nha sĩ là chuyên vể răng, Nhạc sĩ chuyên về nhạc thì hiểu nôm na “Tu sĩ” là những người chấp nhận tu bổ, sữa chữa bản thân theo lời mời gọi của Chúa Giêsu: “Anh em hãy hoán cải, sửa đổi và nên hoàn thiện” ( Mt 5,48).
Xưa kia, Chúa gọi mời gọi các tín hữu tiên khởi sống với nhau “ một lòng một trí” ( Cr 2, 42 – 47) thì ngày nay Chúa cũng thôi thúc chúng ta: “ Hãy theo Thầy” (Ga 21,19) bằng cách tự hiến chính bản thân, quảng đại dâng mình cho Ngài vào một cuộc sống bị coi là “ngược đời” nhưng ẩn chứa biết bao “Cái đẹp” mà Chúa mời gọi ta “Hãy đến mà xem” ( Ga 1, 39).
Khác với những vẻ đẹp tự nhiên, “Cái đẹp” mà đời tu mang lại chính là một “Tâm hồn đẹp” mà người khác không thể nhìn nhận và đánh giá, vì nó thuộc về nội tâm của chính chủ thể đang đi trên hành trình của mình. Nhưng cũng không dễ để khám phá “Cái đẹp” tiềm ẩn ấy, nó đòi ta phải có một khao khát mãnh liệt cùng sự can đảm, dám nỗ lực tìm kiếm, chấp nhận con người thật của mình để tìm đến những giá trị cao cả, thiêng liêng liêng hơn qua việc nhạy bén để nhận ra thánh ý Chúa trong từng giây phút.
Một tâm hồn đẹp là một tâm hồn luôn hướng về Thiên Chúa, nghĩa là luôn quy về sự thiện. Khi hướng về sự thiện mọi suy nghĩ, lời nói, hành động của ta sẽ trở nên bác ái và yêu thương hơn với hết mọi người. Nhờ vậy, đời tu không chỉ giúp ta hình thành một con người đạo đức, thánh thiện, đời tu còn mang ơn phúc đến cho những ai cần đến ơn Chúa, cũng như phần rỗi các linh hồn cho cha mẹ, gia đình của ta.
Một khi sự nỗ lực tìm kiếm được Chúa trả công, tâm hồn của ta sẽ tràn ngập niềm vui và bình an dù trước mắt là một tá những gian nan thử thách.
Đối với tôi, trước khi đi tu việc san sẻ đồ của mình cho anh em trong gia đình là một việc không dễ, nhưng nay, khi bước vào đời tu, tôi có thể mau mắn và sẵn sàng gom những thứ mình có làm của chung cho một cộng đoàn toàn người xa lạ. Tôi hạnh phúc và bình an khi được cho đi, chính vì khám phá ra một thực tế “ Chúa Giêsu xây đắp nên tâm hồn ta, bản chất là đẹp và tuyệt vời hơn những gì ta nghĩ, nó rộng, quảng đại và bao dung hơn tôi tưởng. Điều đó trở nên hấp lực khiến tôi ngày càng muốn lún sâu, chinh phục và khám phá con đường dâng hiến của mình, con đường Chúa đã mời gọi tôi …
Vậy tại sao có những người “cảm” và tìm được “cái đẹp” trong tâm hồn của mình nhưng lại có những người chẳng tìm được gì ngoài một tâm hồn sáo rỗng? Phải chăng họ đang tìm một thứ gì khác ngoài “ Cái đẹp” mà Chúa Giê su muốn nơi họ?
Có rất nhiều bạn trẻ đi tu vì những lí do rất dễ thương và trong sáng: Được Lời Chúa tác động, được người quen giới thiệu, thích thú với bộ áo dòng, hay đơn giản tò mò đời tu như thế nào như tôi, nhưng chắc hẳn tất cả đã nằm trong kế hoạch gọi mời “ chung sống” của Chúa.
Bên cạnh đó, có những người đặt chân vào dòng vì muốn trốn tránh những bon chen của thế gian, sợ rằng mình không thể bon chen giữa cuộc sống ấy và họ tìm đến đời tu như “ một nơi ẩn nấp”. Lại có những người nghĩ rằng đời tu mới có thể đưa tài năng của họ đến cho nhiều người biết và chỉ đi tu, tài năng của họ mới được khai phá triệt để. Đó phải chăng là tìm đến đời tu như một “bàn đạp danh vọng” để tìm kếm “cái tôi” của bản thân? Lại có người tìm đến đời tu như một “nhà trọ cao cấp” với đầy đủ tiện nghi để học tập và làm việc như ý họ muốn.
Kết quả là gì? Dù có thể sống lâu năm trong đời tu đi chăng nữa đời sống của họ chẳng thể nào thăng tiến, cuộc sống cứ “tà tà” và không có gì ngoài những thứ phù vân mà họ đang tìm kiếm. Nhưng điều ấy có thể thay đổi, nếu họ nhận ra một khoảng trống trong tâm hồn mình.
Đời tu tiềm ẩn biết bao “Cái đẹp” song “Cái đẹp” ấy chỉ dành cho những ai thực sự nỗ lực tìm kiếm.
Chính vì vậy Chúa Giê su đã nói: “ Người được gọi thì nhiều mà kẻ được chọn thì ít”. Một cuộc sống dù bình đến mấy mà thiếu vắng Chúa thì cũng là thứ “ bình an ảo”. Bình an thực sự sẽ đến với những ai đang từ bỏ và nỗ lực mỗi ngày để biến đổi mình theo ý Chúa muốn. Đó là “ bình an” mà chẳng ai lấy mất được.
Đáp lại lời mời gọi: “Đến mà xem” ( Ga 1,39) tôi đã có mặt và ở lại với Ngài nơi Hội dòng tôi thuộc về. Để luôn giữ được ngọn lửa ấy, tôi luôn dành thời gian định kỳ để củng cố đời tu của mình hầu không bị lệch ra khỏi con đường ân sủng của Chúa, qua đó mỗi ngày tích thêm nhiều năng lượng tích cực để phục vụ Chúa và tha nhân.
Nếu bạn cũng giống tôi, khao khát khám phá “Cái đẹp”, thì chỉ có một chọn lựa duy nhất là dấn bước vào đời tu, bạn sẽ dần khai phá được những nét đẹp tiềm ẩn nơi bản thân là hình ảnh Chúa tao dựng. Muốn thế bạn hãy “ Đến” và “ Ở lại” trong Chúa và trong cộng đoàn.
2020
Tình bạn của Thiên Chúa đối với Chúng ta
Trong cuộc sống hằng ngày, ai trong chúng ta cũng mong muốn có được những người bạn chân thành, gần gũi để chia sẻ ủi an, nâng đỡ và khuyến khích cùng giúp nhau thăng tiến. Thế nhưng kinh nghiệm thực tế lại cho thấy thật khó để có được một tình bạn tâm giao tri kỷ. Chính vì vậy mà Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã nhắc nhớ chúng ta rằng: “ Con tìm bạn để an ủi, nâng đỡ con khỏi cô đơn, sao con không tìm người bạn không bao giờ phản bội con và có thể ở với con liên lỉ bất cứ nơi nào.”[1]. Vì thân phận giữa con người với nhau đều mang nhiều giới hạn khiếm khuyết nên khi tìm kiếm những điều trường tồn vĩnh cửu, ngay cả niềm mong ước một tình bạn viên mãn, thì chúng ta chỉ có thể đạt được cùng đích trong Thiên Chúa và qua Đức Giêsu Kitô.
1. Thiên Chúa muốn làm bạn với con người.
Ngay từ buổi tạo dựng vũ trụ, Thiên Chúa cũng muốn có những người bạn là con người chúng ta, vì thế Ngài đã dựng nên hai người bạn là ông Ađam và bà Eva. Trình thuật của sách Sáng thế cho chúng ta thấy: Mỗi ngày Thiên Chúa đều đến thăm Ađam và Eva để chuyện trò với họ trong thân tình yêu thương và ban mọi thứ sinh vật để họ được vui hưởng hạnh phúc cùng Ngài nơi vườn địa đàng. Thế nhưng tình bạn này đã bị cắt đứt khi khi nguyên tổ Adam và Eva phạm tội bất trung với Thiên Chúa. Tuy nhiên, theo dòng lịch sử cứu độ đã minh chứng cho chúng ta thấy tình bạn của Thiên Chúa dành cho con người không dừng lại tại đây.
Chúng ta cũng hãy chiêm ngắm một tình bạn khác mà Thiên Chúa dành cho con người đó là tình bạn sâu đậm về niềm tin giữa Thiên Chúa và Abram. Câu chuyện được khởi đi từ một xứ sở xa xôi đó là thành Ua, Thiên Chúa đã gọi Abram đi đến miền đất mà Ngài sẽ chỉ, Thiên Chúa hứa rằng từ nơi ông sẽ trở thành một dân lớn, Ngài sẽ luôn chúc phúc và làm cho tên tuổi của ông được lẫy lừng. Chính nơi ông sẽ là một mối phúc lành cho nhiều gia tộc trên mặt đất[2]. Abram tin vào lời hứa của Thiên Chúa mặc dầu vẫn còn đó trong giây phút hiện tại những nghịch lý: lớn tuổi mà vẫn chưa có con, tâm thức xa vời giữa một miền đất mà Thiên Chúa sẽ chỉ…Nhờ niềm tin của Abram, Thiên Chúa đã lập giao ước và đổi tên cho ông từ Abram sang Apraham nghĩa là cha của vô số dân tộc[3]. Lịch sử Do Thái qua nền Kinh Thánh Cựu ước đã chứng thực cho chúng ta biết lời Thiên Chúa hứa với Apraham đã được thực hiện. Như vậy, cũng từ kinh nghiệm của Abraham đã cho chúng ta thấy đức tin chính là yếu tố cơ bản làm cho chúng ta trở nên bạn hữu của Thiên Chúa.
Thiên Chúa muốn là bạn với con người và thực sự Thiên Chúa luôn là một người bạn tốt. Qua hai hình ảnh sống động về tình bạn của Thiên Chúa trong Cựu ước đối với Adam Eva, đối với Abraham và ngang qua dòng lịch sử cứu độ đã minh chứng về tình bạn của Thiên Chúa dành cho con người luôn đong đầy sự tha thứ, niềm tin và lòng thương xót.
2. Đức Giêsu, Người Bạn tâm giao và tràn đầy yêu thương.
Đức Giêsu là Ngôi Hai Thiên Chúa đã hóa thân làm người để chia sẻ cuộc sống với con người. Và không chỉ là sẻ chia nhưng Ngài đã sống tình bạn với con người một cách rất tuyệt vời. Điều này chúng ta thấy rõ trong mối tương quan với các môn đệ là những người bạn mà Ngài đã chọn lựa qua sự cầu nguyện tha thiết với Chúa Cha.
Đối với Đức Giêsu, các môn đệ đã được Ngài chọn gọi đều là những người bạn rất thân tình. Ngài không chọn bạn theo ý thích riêng hay do những lợi lộc riêng tư của bản thân. Mỗi người bạn đến trong cuộc đời của Đức Giêsu đều được Ngài trân trọng như một quà tặng cao quý được trao từ tay Thiên Chúa là Cha[4]. Đức Giêsu còn gọi các môn đệ là bạn hữu vì tất cả những gì Ngài được Chúa Cha tỏ hiện thì Ngài đều cho các môn đệ biết[5]. Khi đồng hành với các môn đệ trên bước đường rao giảng Tin Mừng, Đức Giêsu đã từng ngày đón nhận sự yếu đuối nơi các bạn của Ngài trong thân phận con người mặc dù Ngài biết họ luôn mang trong mình những khả thể đổi thay và bất trung tín. Kề cận là vậy, gần gũi là vậy nhưng những nỗi niềm sâu kín trong tâm hồn của Đức Giêsu ngay cả khi đã được bộc bạch với các môn đệ thì tâm trí của các môn đệ cũng không thể hiểu nổi. Vừa mới chung bàn vui vẻ với nhau trong bữa tiệc ly thì sau đó những người bạn của Đức Giêsu lại bỏ rơi Ngài trong vườn cây dầu, vừa mới thề thốt sống chết với Đức Giêsu nhưng khi Đức Giêsu bước vào cuộc khổ nạn thì bạn của Ngài bỏ chạy tan tác mỗi người một ngả. Với kinh nghiệm của chúng ta, lúc tình bạn tan vỡ cũng là lúc để lại trong tâm hồn nhiều nỗi đau mất mát. Hậu quả của những nỗi đau này có thể khiến chúng ta trở nên khép kín và nghi ngờ nhiều người. Nhưng với Đức Giêsu thì khác, chúng ta nhìn thấy từ nơi Ngài là sự kiên nhẫn và lòng vị tha đến lạ lùng. Bất chấp những phản bội và bất trung bất tín, Ngài luôn cho các bạn của mình cơ hội để làm lại. Tin Mừng Phục Sinh đã trình bày về việc quy tụ các môn đệ của Đức Giêsu qua những lần Ngài hiện ra, Ngài chữa lành vết thương trong tâm hồn họ, Ngài cùng đồng hành và dạy dỗ để xây dựng niềm tin nơi các môn đệ ngày càng vững mạnh hơn. Trước khi rời xa các môn đệ để về trời, Đức Giêsu còn trao cho các môn đệ một người bạn cao quý để ở cùng các ông luôn mãi đó là Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần còn được gọi là Đấng Bảo Trợ, Ngài soi sáng tâm hồn mỗi con người để họ luôn nhận biết tình yêu và thực thi thánh ý của Thiên Chúa trong cuộc sống.
3. Hãy là người bạn thân thiết của Đức Giêsu trong cuộc sống.
Khi nhìn về tình bạn tuyệt vời của Đức Giêsu, chúng ta có thể chạnh lòng vì tình bạn của chúng ta đối với Ngài không được tốt như tình bạn của Ngài đối với mỗi người chúng ta. Hãy xem lại đâu là nguyên nhân khiến chúng ta xa rời tình bạn thân hữu đối với Thiên Chúa. Có thể vì chúng ta có quá nhiều những người bạn khác như: tiền bạc, danh vọng, những đam mê xấu và cả tội lỗi. Chúng ta dễ lầm tưởng đây là những người bạn sẽ nâng đỡ rất nhiều và làm cho cuộc sống được bảo đảm hơn. Hãy xin ơn Chúa giúp chúng ta nhìn lại, nếu những tình bạn đó không giúp cho tâm hồn được lớn lên thì đó chỉ là những gánh nặng mỗi ngày mỗi chồng chất đè nặng xuống tâm hồn.
Thánh Gioan Tông Đồ đã xác tín: “Chúng ta yêu mến Thiên Chúa vì Thiên Chúa yêu thương chúng ta trước”[6]. Chính vì yêu thương và để cứu độ chúng ta nên Thiên Chúa đã sai Con của Ngài là Đức Giêsu đến trần gian để đồng hành, nâng đỡ và ban hạnh phúc cho chúng ta. Ngay cả khi chúng ta vấp ngã trong tương quan với Ngài vì tội lỗi thì tình yêu luôn đi bước trước của Đức Giêsu luôn mời gọi chúng ta làm lại cuộc đời mới, tâm hồn mới trong Đức Giêsu để mãi được nối kết trong tình bạn thân thiết với Ngài.
Thiên Chúa dựng nên mỗi người chúng ta trong cuộc đời này để được sống hạnh phúc[7] và để chúng ta được hạnh phúc thì Thiên Chúa đã tỏ hiện một tình bạn thân thiết ngang qua lịch sử cứu độ. Ngài còn kéo dài tình bạn ấy luôn mãi khi cho chúng ta những cảm nghiệm tuyệt vời về tình bạn trong Đức Giêsu, Con yêu dấu của Ngài dành cho chúng ta. Vì tình bạn, Đức Giêsu đã hy sinh chính mạng sống mình để cho chúng ta được sống. Và ngày hôm nay Đức Giêsu cũng mời gọi mỗi người một khi đã cảm nghiệm sự bình an và niềm tin trong tình bạn với Ngài thì cũng hãy mạnh dạn đem những hoa trái tuyệt vời ấy để chia sẻ cho những người chúng ta gặp gỡ bằng cuộc sống chan hòa mến thương.
Sr. Anna Ngô Thị Thanh Trang (HVTVK)
[1] ĐỨC CỐ HỒNG Y PHANXICÔ XAVIÊ NGUYỄN VĂN THUẬN, Đường Hy Vọng số 130
[2] St 12,1
[3] St 17,5
[4] Ga17,11
[5] Ga 15,15
[6] 1Ga 4,19
[7] GLHTCG số 30
2020
Hơn thế nữa ….!
Bạn” – Với con từ này mang đến cảm giác thật ấm áp. Những người đi qua cuộc đời con đã để lại cho con một khái niệm về “bạn” rất ý nghĩa. Cũng như bao người, con đã từng có bạn thời thơ ấu, bạn học, bạn tâm giao và thậm chí là bạn đường… bạn nào cũng khiến cho cuộc đời con có thêm những gam màu thú vị.
Trong Giáo hội cũng đã có rất nhiều đôi bạn cùng nhau trở thành những vị thánh hiền đức. Trong đó, con nhớ đến Thánh Basiliô Cả và Thánh Grêgôriô Nazianzênô. Họ đã gắn bó với nhau từ thuở còn thơ ấu, cùng đi với nhau suốt thời niên thiếu, đồng hành với nhau trên bước đường tu trì và khi kết thúc hành trình dương thế, họ lại ở với nhau trên thiên quốc. Hai vị thánh này nhắc cho con về một tình bạn đẹp mà con đã và đang có. Vùng đất Trúc Lâm đã chứng kiến sự lớn lên của bộ ba chúng con. Ba người bạn cùng gắn bó với nhau suốt tuổi thơ. Trưởng thành tưởng rằng đường ai nấy đi, sự nghiệp ai người ấy xây dựng, gia đình ai người ấy vun đắp. Thế mà, ba chị em con lại vẫn đi với nhau trên con đường dâng hiến, cùng nhau tìm kiếm gia nghiệp là chính Chúa, với nhau xây dựng gia đình thiêng liêng tại Hội dòng Đa Minh Tam Hiệp. Những kỉ niệm, những mơ ước mà chúng con đã có, giờ chúng con lại tiếp tục cùng nhau hoàn thành.
Tình bạn mà con đang có thật đẹp nhưng con thấy tình bạn đó không thể sánh bằng tình bạn với Chúa Giê-su. Nhà văn Jess C. Scott từng nói: “Và con đã lựa chọn một gia đình thật hoàn hảo khi con có Chúa Giê-su là bạn. Chúa và con xây dựng gia đình trên nền móng là tình yêu. Tình yêu của Chúa thật khác với mọi thứ tình cảm trên đời. Con chỉ là người bạn bình thường với đầy những tính khí thất thường, thế mà “bạn” Giê-su vẫn kiên trì và vẫn dành những tình cảm tốt đẹp nhất cho con.
Những người bạn của con có thể làm vơi những nỗi buồn con gặp phải, nhưng hơn thế nữa bạn Giê-su lại có thể biến nỗi buồn của con thành nụ cười tươi mới.
Những người bạn của con có thể đồng cảm với những khó khăn mà con đương đầu, nhưng hơn thế nữa: Bạn Giê-su lại có thể tìm phương án tốt đẹp nhất để giải quyết cho con.
Những người bạn của con sẵn sàng cùng con đến những nơi tuyệt vời, nhưng hơn thế nữa: bạn Giê-su lại có thể nắm tay con dẫn qua những vùng tăm tối đau khổ của cuộc đời.
Những người bạn của con quan tâm lo lắng mỗi khi con đau ốm, bệnh tật nhưng hơn thế nữa: bạn Giê-su lại có thể cho con một bờ vai để dựa vào mỗi khi con yếu lòng và nạp thêm năng lượng tinh thần mỗi khi con kiệt sức.
Khi đứng trước những khó khăn, những người bạn của con sẽ nói: “Cố lên!” nhưng hơn thế nữa: bạn Giê-su lại thì thầm: “Chính Thầy đây, đừng sợ!” (Mt 14,27)
Người bạn Giê-su luôn âm thầm ở bên cuộc đời con, quan tâm và yêu thương con với một tình cảm chân thành. Đặc biệt, những gì có thể đem lại lợi ích cho con, bạn Giê-su luôn làm hơn thế nữa một chút, chỉ mong để con thấy rằng: tin tưởng vào người bạn Giê-su là một điều không bao giờ sai lầm. Người bạn mà con lựa chọn là Chúa, gia đình mà con lựa chọn cũng là Chúa; và con tin rằng không còn điều gì tuyệt vời và hoàn hảo hơn khi có được gia đình này. Con biết rằng để sống với một người hoàn hảo là Chúa thì chính bản thân con cũng phải hoàn thiện hơn. Đây không phải là chuyện dễ, nhưng có Chúa và với Chúa con tin rằng:
“Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống.
Trước Thánh Nhan ôi vui sướng tràn trề,
ở bên Ngài hoan lạc chẳng hề vơi” (Tv 16, 11).
Cêcilia Thanh Thi