2020
10 bài học tìm lại yêu thương
10 bài học tìm lại yêu thương
Lần thứ 3 đến Việt Nam, TS Menis Yousry đã “tiết lộ” bí mật để có một mối quan hệ tốt đẹp nằm ở 10 nguyên lý: Hạnh phúc, sự nguyên bản, kỳ vọng, sự an toàn, sự chấp nhận, không kiểm soát, tôn trọng, sự tri ân, trách nhiệm, sự cân bằng…
Nhận ra và bỏ đi các suy nghĩ, kinh nghiệm xưa cũ trói buộc mình, học được cách cảm thông với quá khứ của mình, cảm thông với bản thân và với mọi người xunh quanh… Đó là những điều mà TS Menis mong muốn ở mỗi người.
Dưới đây là cuộc trò chuyện của TS Menis trong buổi gặp gỡ do Essence Việt Nam tổ chức, nhân dịp ông sang Việt Nam tháng 1 vừa qua.
Hãy tin rằng thế giới này có thể hạnh phúc mà không có bạn
Nhiều khi sự tiếp xúc và va chạm trong cuộc sống khiến tôi cảm thấy căng thẳng và bế tắc, cảm thấy không đủ tình yêu dành cho người xung quanh để tạo nên mối quan hệ tốt đẹp.
Nhưng tôi vẫn mong mình mở rộng trái tim để đón nhận tình yêu thương, và có thể sử dụng tình yêu thương của chính mình để mang đến những điều tốt đẹp hơn cho mọi người. Có cách nào đó để tôi thực hiện được điều này không, thưa ông?
– Nếu bạn nhận ra rằng thế giới này có thể hạnh phúc được mà không có bạn, thì bạn sẽ được tự do.
Bạn không phải chịu trách nhiệm cho hạnh phúc hay sự đau khổ của người khác. Bạn chỉ có trách nhiệm cho chính hạnh phúc của mình, và chỉ cho bản thân mình mà thôi.
Cũng như những phụ huynh cũng không phải chịu trách nhiệm cho hạnh phúc của con mình. Nếu hiểu được điều này, mình sẽ hạnh phúc.
Chúng ta đang cố gắng làm người khác hạnh phúc, bởi vì chúng ta sợ lỡ mà họ giận mình hay họ không ưa mình.
Đừng có lo cảm nhận của của người khác như thế nào. Lúc nào chúng ta cũng có lựa chọn về cảm xúc của mình. Ai cũng đang đưa ra lựa chọn của mình về cảm xúc. Tôi hy vọng bạn có thể hiểu được điều này.
Lại là một câu hỏi khác về tình yêu thương: Tôi không thể thể hiện được tình yêu thương đối với gia đình, người thân, dù tôi rất muốn. Vậy tôi phải làm thế nào để thay đổi?
– Hành vi của bạn là do bạn học từ người khác.
Nếu được nuôi nấng bởi một người không biết cách thể hiện tình yêu thương, thì bạn sẽ học cách không thể hiện tình yêu thương.
Nếu như muốn thay đổi bất cứ một hành vi nào, hãy quan sát chính mình: Tại sao mình lại làm những điều mình không thích? Và hãy quan sát điều đó với tình yêu thương.
Và khi đang làm điều bạn không muốn đó, hãy quan sát chính bạn đang làm điều đó với tình yêu thương.
Tất cả các bài học chỉ đến từ một thứ, và một thứ duy nhất mà thôi: Đó chính là tự quan sát bản thân.
Và khí bạn ý thức, quan sát bản thân mình, bạn có thể có ý thức về sự lựa chọn. Bởi khi bạn không ý thức được việc mình đang làm, bạn sẽ không chọn lựa được.
Tức giận là sự lựa chọn, hạnh phúc cũng là lựa chọn
Sự khác biệt về tính cách, giá trị sống có ý nghĩa thế nào đối với hai con người trong việc lập ra một gia đình, thưa ông? Hay là, hai con người với tính cách, giá trị sống, nền văn hóa khác nhau vẫn có thể lấy nhau và sống hạnh phúc?
– Không có hai người nào trên thế giới này có giá trị giống nhau cả, giống như vân tay của các bạn vậy.
Một mối quan hệ tốt đẹp khi bạn có thể khiến hai giá trị khác biệt cùng chung sống với nhau.
Nhưng thường chúng ta không làm được như thế bởi chính chúng ta cũng không biết giá trị của mình, không biết giá trị sống của đối tác, và cũng không trao đổi với nhau về giá trị sống của bản thân.
Tiến sỹ Menis Yousry (sinh ra tại Ai Cập, đã chuyển tới London, Anh từ năm 1974) được coi là một trong những người có uy tín nhất trong lĩnh vực phát triển bản thân, tâm lý trị liệu cho cuộc sống gia đình và các mối quan hệ.
Ông dành thời gian hơn 20 năm qua để phát triển và hoàn thiện các khóa học phát triển tính cách với phương pháp độc đáo của mình. |
Công việc của các bạn là phải suy nghĩ xem giá trị cao nhất và kém quan trọng nhất của bạn là gì. Giá trị là niềm tin, định kiến của bản thân mỗi người. Mình cần phải tôn trọng giá trị, niềm tin của đối tác, bởi vì họ không thể làm gì khác, và mình cũng tương tự như họ.
Nếu bạn rất thông minh, bạn có thể khiến hai giá trị mâu thuẫn sống hài hòa với nhau. Và đây chính là nghệ thuật của sự thương thuyết. Khi bạn muốn thương thuyết, bạn phải làm từ sớm, trước khi bạn đi theo một hướng nào đó.
Nhưng hầu như mọi người đều chờ đến lúc sự đổ vỡ đã diễn ra mới thương thuyết. Khi đó đã quá muộn, trừ khi bạn là người rất mạnh mẽ để chấp nhận tình huống đó.
Chúng ta phải cải thiện chính mình.
Tuy nhiên, cũng sẽ có một vài giá trị mình không thể nào chấp nhận được, không phù hợp với mình. Vì vậy, bạn cần phải thành thật với bản thân.
Có những người than thở rằng ở gần chồng họ luôn cảm thấy tức giận, nhưng xa thì nhớ. Họ biết những gì anh ta nói đều đúng, nhưng không thể vào tai. Vậy phải làm thế nào để thay đổi tình trạng này?
– Rất thú vị. Tôi khẳng định bạn đó đã có sự kết nối với chồng.
Một trong những lý do khiến người ta nhớ nhau là mối quan hệ đã có sẵn, và mình không thể nào chia cắt nhau được, bởi vì người đó cho mình sự an toàn.
Chúng ta tức giận với người mà chúng ta có cảm giác an toàn, bởi đó là tình yêu được ẩn sâu.
Nhưng nếu bạn đó cứ tiếp tục như thế này, và nếu anh ấy không kiên nhẫn đủ, anh ấy sẽ hủy hoại mối quan hệ này.
Nếu bạn đang tức giận một điều gì đó không liên quan đến người đang đứng trước mặt bạn, và người ta nghĩ rằng họ không làm gì khiến bạn tức giận, tôi phải nói với bạn điều này: Tức giận là sự lựa chọn. Hạnh phúc cũng là sự lựa chọn. Và bạn có lựa chọn ở trong từng khoảnh khắc bạn sống trên thế gian này.
Nhưng hầu hết chúng ta đang mang những vấn đề chưa được giải quyết trong mình.
Trong trường hợp này, để tôi đoán, có thể điều khiến bạn mang nỗi tức giận liên quan đến sự tôn trọng. Nghĩa là sự tôn trọng đàn ông.
Tôn trọng ư?
– Tôn trọng người yêu thương mình là việc rất khó làm, đặc biệt từ phía phụ nữ. Bởi vì, thường đàn ông hay đối xử tệ bạc với phụ nữ. Nó là tâm lý chung của chúng ta – tâm lý cộng dồn từ rất nhiều thế hệ trước đó.
Định kiến đàn ông phải mạnh mẽ hơn phụ nữ. Nhưng “không may” là bây giờ phụ nữ lại mạnh mẽ hơn nhiều rồi.
Bên cạnh đó, đàn ông và phụ nữ yêu theo cách khác nhau. Đàn ông yêu bằng cách bảo vệ, phụ nữ yêu bằng cách kết nối.
Người đàn ông không được tôn trọng không thể nào yêu thương được. Trong khi đó, người phụ nữ không yêu thương được không thể nào tôn trọng được.
Các bạn không nhất thiết phải tin tất cả những gì tôi nói, nhưng công việc của người đàn ông là phục vụ gia đình họ. Và công việc của người phụ nữ là cho phép anh ấy được phục vụ cô ấy.
Đã đến thời điểm chúng ta thay đổi tất cả mọi thứ, bằng cách tôn trọng lẫn nhau.
Hãy buông tay con ra
Khi con tôi tập một môn thể thao nguy hiểm, tôi đã thương lượng cháu phải giữ được an toàn. Nhưng tôi thấy sự an toàn của chính tôi bị đe dọa, bởi mỗi khi đi tập về, cháu lại bảo mẹ ơi con đau chân, con toét chân… Nhiều khi biết con đi tập tôi không thể làm được gì nữa. Điều này đe dọa cuộc sống của tôi, sự kỳ vọng của tôi đối với con, bởi đó là hạnh phúc của tôi.
Tôi phải cân bằng lại như thế nào, khi đây là đam mê của con?
– Đây là điều chúng ta làm: Đó là bạn chẳng làm gì được.
Là những người làm cha mẹ, chúng ta yêu thương, dẫn dắt, định hướng cho các con. Khi các con còn nhỏ, mình có thể kiểm soát được. Nhưng khi chúng lớn hơn một chút, mình sẽ không thể kiểm soát. Bây giờ, mình chỉ có thể yêu thương, dẫn dắt, hỗ trợ con, và buông bỏ.
Có thể bạn nói rằng bạn biết phải buông bỏ, nhưng không làm dược.
Đây là bài học rất lớn cho tất cả những người làm cha mẹ. Sẽ rất khó chấp nhận cho tất cả chúng ta khi không thể kiểm soát được việc con sẽ trở thành người như thế nào, làm cái gì.
Chúng ta nghĩ con là của mình, nhưng con có ước mơ khác so với mình nghĩ. Một vài trong số chúng ta không thực hiện được ước mơ của mình sẽ cố gắng khiến con mình thực hiện.
Và tôi đoán con trai của bạn muốn đi theo hướng ngược với mong muốn của bạn, bởi nó muốn tìm ra nơi chốn riêng của nó trên thế giới này, cho chính nó.
Bố mẹ, hay con cái, đều không thuộc về sở hữu của chúng ta. Họ thuộc về cuộc sống này nói chung, chứ không về bất cứ một ai.
Bài học khó nhất của chúng ta là: Hãy chỉ sống với ước mơ của chính mình mà thôi. st
2020
Yêu thương và những góc tăm tối trong mỗi con người
Nhiều người cho rằng khi viết về cái ác cũng như cái xấu, khó có ai vượt qua được Dostoyevsky…
Fyodor Dostoyevsky mãi là “tượng đài lớn” trường tồn cùng nền văn học hiện đại. Hơn một thế kỷ, người ta vẫn say sưa đọc những tác phẩm của ông và đau đáu nghĩ về chính mình. Ngẫm ngợi về thân phận con người trong guồng quay của cuộc sống hiện đại, khi bị thế lực vô hình của đồng tiền bủa vây. Lúc đó, ta chợt nhận ra rằng: nếu đã lăn lộn với cuộc đời, mà vẫn giữ được tấm lòng lương thiện, đến phút cuối cùng ấy mới là điều khiến người ta ngưỡng mộ.
Năm 1849, tòa án của Nga đã tuyên bố tử hình văn hào nổi tiếng này. Ông may mắn thoát chết vì được Sa Hoàng ân xá vào phút chót. Trong suốt gần 20 năm sau đó, Fyodor Dostoyevsky trải qua muôn vàn cơ cực: phải lao động khổ sai tại biên giới gần Mông Cổ, cha và vợ đều qua đời do bạo bệnh, phải trốn chạy khỏi nước Nga vì bị nghi ngờ tham gia vào các âm mưu phản động.
.
Tập truyện ngắn Những đêm trắng.
.
Những biến động ấy trở thành “điểm đứt gãy” trong cuộc đời Fyodor Dostoyevsky. Từ đây, ông suy ngẫm nhiều hơn về cuộc sống và bản chất của con người. Tập truyện ngắn Những đêm trắng là tác phẩm đánh dấu “bước ngoặt” trong sáng tác của đại văn hào, dường như ông trầm tư và ngẫm ngợi nhiều hơn.
Nỗi buồn của kẻ mải miết đi tìm tình yêu
Với truyện ngắn Những đêm trắng, văn hào người Nga đưa người đọc đến đô thành Saint Petersburg hoa lệ. Ở nơi đó có một chàng viên chức nghèo luôn mơ mộng về những điều lãng mạn. Chàng buồn cho những ngôi nhà cũ bị người ta phá bỏ, hay ngang nhiên khoác lên mình nó một màu sơn mới kệch cỡm. Chàng cứ ở yên trong thế giới của chính mình, để gặm nhấm nỗi cô đơn.
Đến một ngày, chàng đi dạo trên phố và vô tình gặp nàng Nastenka với gương mặt hiền lành pha nét buồn phảng phất. Vẻ rụt rè của chàng trai nhút nhát khiến cô gái vừa buồn cười, vừa thương hại.
Trong tình yêu cần phải có sự cảm thông và thấu hiểu, nó sẽ trở thành chất keo gắn bó hai con người xa lạ. Tranh: Chez le pere Lathuille của họa sĩ Edouard Manet.
.
Nastenka đã đưa chàng viên chức bước ra khỏi “vỏ ốc” của sự cô độc. Hai người bước vào thế giới của nhau và bắt đầu lắng nghe đối phương. Cô gái trẻ kể cho người bạn mới quen về tuổi thơ nổi loạn của mình. Khi ấy, cô luôn tìm cách thoát khỏi tầm kiểm soát của người bà tội nghiệp. Khó khăn ập đến khiến hai bà cháu phải cho thuê căn phòng còn trống trong nhà để trang trải. Những người khách trọ cứ thế đến rồi đi. Nhưng không phải sự ra đi nào cũng là mãi mãi.
Có chàng trai trẻ đã gieo vào lòng Nastenka tình yêu đầu đời. Nàng nhớ về anh ta, sau đó bật khóc. Và rồi, cô gái với vẻ ngoài dịu dàng ấy lại gieo vào tim anh viên chức nghèo những yêu thương. Chàng cứ ngỡ nàng cũng yêu mình. Khi kẻ khờ ấy, đang lâng lâng trong hạnh phúc, thì “người tình trong mộng” của Nastenka trở về. Nàng đến bên tình yêu mà mình đã ngóng đợi bao lâu nay, còn chàng viên chức lại trở về với “ốc đảo” của riêng mình.
Liều thuốc độc đến từ cuộc hôn nhân không tình yêu
Truyện ngắn Cô gái nhu mì bắt đầu bằng một vụ tự sát. Đêm hôm đó, là những thời khắc cuối cùng ông chủ tiệm cầm đồ được ở bên cạnh người vợ trẻ của mình. Nàng đang nằm trong quan tài, ngày mai người ta sẽ đưa nàng đi. Những hồi ức của thuở ban đầu, chợt sống lại trong lòng người đàn ông đang đau khổ. Vợ của ông chủ tiệm cầm đồ vốn là một cô gái tỉnh lẻ, vì hoàn cảnh xô đẩy nên lưu lạc đến Saint Petersburg. Khi ấy, nàng chỉ mới 16 tuổi, phải sống nhờ vào sự cưu mang của những người dì độc địa.
Họ bắt nàng làm việc như kẻ ở, nhưng lại luôn coi đứa cháu gái là thứ “ăn bám”. Kết hôn với ông chủ tiệm cầm đồ là cứu cánh duy nhất, để cô gái đáng thương thoát khỏi cuộc sống khốn khổ. Lúc đó, chồng tương lai của nàng đã bước vào tuổi bốn mươi. Ông ta xem cô vợ trẻ của mình như một thứ đồ trang sức, làm hào nhoáng thêm cho cuộc đời sung túc của người đàn ông thành thị.
.
Đại văn hào Nga Fyodor Dostoyevsky (1821-1881)
Cuộc hôn nhân đó giống như một sự ban ơn, một sự cứu rỗi đối với cô gái tội nghiệp. Thoát khỏi cảnh sống bức bối ở nhà các dì, nàng lại phải chịu sự ngột ngạt khi sống cùng người chồng độc đoán. Mỗi tháng, nàng chỉ được đi xem kịch có một lần, muốn làm điều gì cũng phải lựa ý chồng. Với ông chủ tiệm cầm đồ, chỉ cần lo cho vợ một cuộc sống sung túc thì đã là quá đủ. Khi biết mình không thể sống cùng các dì, nàng kết hôn như một cách chạy trốn. Để rồi, nàng tìm đến cái chết để chạy trốn cuộc hôn nhân không hạnh phúc.
Suốt mấy chục năm cầm bút Fyodor Dostoyevsky luôn trăn trở và mong mỏi thấu hiểu con người. Điều đó được thể hiện rõ nét qua hàng loạt các tác phẩm của đại văn hào như: Tội ác và trừng phạt, Anh em nhà Karamazov, Lũ người quỷ ám hay Chàng ngốc. Nhiều người cho rằng: khi viết về cái ác cũng như cái xấu, khó có ai vượt qua được Dostoyevsky. Ông viết về những mặt trái trong tâm hồn con người để tiếc thương cho những số phận bị cướp đi quyền được sống một cuộc đời bình yên và hiền lành.
Tập truyện Những đêm trắng chính là “cuộc đối thoại” giữa tình yêu và những mặt trái bên trong con người. Yêu thương là một quá trình tranh đấu, ở đó con người vượt qua sự ích kỷ của bản thân để học cách thấu hiểu và yêu thương người khác. Những kẻ cô đơn luôn mong mỏi tìm được tình yêu. Nhưng thật đáng tiếc, những thứ na ná tình yêu lại kéo họ xuống hố sâu tuyệt vọng. Thụy Oanh
2020
Tình yêu thương và sự tôn trọng
2020
Linh đạo tử đạo cho đời sống linh mục hôm nay
Nếu cá nhân được đề nghị chọn một mẫu gương cho đời sống linh mục của thế kỷ XXI thì tôi sẽ chọn thánh Gioan Maria Vianney (1786 – 1859)[1], cha sở họ Ars. Có ba lý do cho việc chọn lựa này: Thứ nhất, ngài là mục tử nên giống Chúa Kitô Mục Tử nhân lành[2]; Thứ hai, ngài đã hòa hợp cuộc sống thừa tác viên của chính mình với sự thánh thiện của thừa tác vụ mà ngài đã lãnh nhận[3]; Thứ ba, con đường nên thánh của ngài là thi hành mục vụ tại họ Ars với tấm lòng tận tụy hy sinh của người mục tử[4]. Nói theo Đức Thánh Cha (ĐTC) Bênêđictô XVI trong Thư tuyên bố cử hành Năm linh mục thì việc chọn thánh Gioan Maria Vianney là gương mẫu cho hàng linh mục là dịp: “[…] Để mọi linh mục dấn thân canh tân chiều sâu nội tâm để trở thành chứng từ mạnh mẽ và sắc bén hơn cho Tin Mừng trong lòng thế giới hôm nay…”[5]
Thật vậy, tuy thời gian gần đây một số linh mục để lại nhiều vụ tai tiếng[6] làm cho Hội Thánh phải chịu đau khổ và thế giới lên án[7], nhưng đó không phải là dấu hiệu của sự phân rã mà là lời kêu gọi canh tân và trở về với những gốc rễ đích thực của sứ vụ linh mục[8]. Vì thế, để có được những suy tư liên quan đến lời mời gọi canh tân và trở về của hàng linh mục, thiết nghĩ chúng ta cùng tái khám phá một trong những ý nghĩa của đời sống linh mục đó là sự hy sinh và sự chết đi (Linh đạo Tử Đạo) qua gợi ý của Tông huấn Pastores Dabo Vobis[9]. Trong phạm vi bài viết, chúng ta sẽ tìm hiểu từ PDV đến ba yếu tố then chốt của linh đạo tử đạo cho đời sống linh mục hôm nay: (I) Nền tảng Thánh Kinh; (II) Con đường mục vụ dẫn đến sự hy sinh và chết đi; (III) Sự hoà hợp từ sứ vụ của Chúa Kitô đến sứ vụ của linh mục: một đề nghị thiết thực cho cuộc tử đạo mỗi ngày của người linh mục.
Con đường nên thánh của linh mục gắn liền với những tác vụ mà linh mục đã lãnh nhận, nghĩa là khi người linh mục được thánh hiến cho Thiên Chúa nhờ việc lãnh nhận Bí tích Truyền Chức Thánh thì linh mục không chỉ được mời gọi hướng đến sự hoàn thiện[10] mà còn trở nên khí cụ của Chúa Kitô trong việc phục vụ toàn thể Dân Chúa[11]. Do đó, nếu đời sống thiêng liêng của linh mục được xét như là nguồn mạch và cùng đích của việc thực thi các tác vụ thì việc canh tân đời sống của linh mục cũng gắn liền với canh tân chính những tác vụ mà linh mục đã lãnh nhận. Hơn nữa, việc canh tân này chỉ thiết thực khi chúng ta xác định lại yếu tố nền tảng cho đời sống linh mục dựa trên Thánh Kinh. Vậy PDV đã trình bày thế nào về nền tảng Thánh Kinh cho đời sống linh mục?
- Nền tảng Thánh Kinh
Tựa đề của văn kiện PDV được rút từ sách ngôn sứ Giêrêmia: “Ta sẽ cho các ngươi những mục tử đẹp lòng Ta”[12]. Qua lời tựa này, PDV đã xác định thuật ngữ “mục tử” là sợi chỉ xuyên suốt dùng để nói về các linh mục. Vì thế, hình ảnh người mục tử là bắt nguồn từ Lời Thiên Chúa hứa ban để coi sóc Dân Chúa.
Hơn nữa, về điểm này được PDV[13] làm sáng tỏ qua hai bản văn của Tân Ước: với Tin Mừng Gioan, Đức Giêsu nói về chính Ngài là “Mục Tử nhân lành”[14]; với thư Hípri nói về Đức Giêsu là “Mục Tử cao cả của đoàn chiên”[15]. Như vậy, từ nền tảng Thánh Kinh PDV muốn trình bày cho việc đào tạo linh mục và đời sống linh mục nhận biết rằng sứ vụ mà linh mục lãnh nhận là sẽ trở nên mục tử chăm lo mục vụ cho “đoàn chiên” của Chúa như lòng Chúa mong ước. Đồng thời, đời sống linh mục được mời gọi trở nên giống Chúa Kitô Mục Tử nhân lành[16]. Vì Chúa Kitô là cội nguồn duy nhất và bất khả thay thế[17], nhờ đó chúng ta mới thấu hiểu thực tại đời sống linh mục trong ý nghĩa sự hy sinh và chết đi mỗi ngày.
- Con đường mục vụ dẫn đến sự hy sinh và chết đi
Trong nguyên ngữ Hy Lạp từ “martyr” có nghĩa là người làm chứng. Các Kitô hữu khi đối diện những cuộc bách hại đức tin thì với cái chết của họ, chúng ta có thể thấy đó không phải là cái chết làm chứng cho sự anh hùng cá nhân hay cho một lý thuyết nào đó, nhưng họ làm chứng vì niềm tin vào Chúa Kitô. Có thể nói, họ dùng cái chết để diễn tả tương quan mật thiết với Chúa Kitô, một cuộc tử đạo quy hướng về Chúa Kitô và để nên giống Người[18].
Đối với đời sống linh mục hôm nay cũng vậy, tài liệu PDV nhấn mạnh qua Bí tích Truyền Chức Thánh thì người linh mục trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô là Đầu và là Mục Tử[19]. Khi dùng thuật ngữ “đầu” và “mục tử” dường như PDV muốn gắn kết ý nghĩa của hai từ này với nhau, nghĩa là PDV vừa làm nổi bật vai trò thủ lãnh Dân Chúa của Chúa Kitô Đầu – Mục Tử, vừa nói về linh mục là hình ảnh của Chúa Kitô[20]. Ngoài ra, PDV còn dùng thuật ngữ “hôn phu” đi kèm với từ “đầu” hoặc với “mục tử” hoặc cả ba thuật ngữ đi với nhau[21]. Tuy có chung ý nghĩa, nhưng từ “hôn phu” còn diễn tả sự trao hiến chính mình, yêu thương, nuôi dưỡng, chăm sóc Hội Thánh, cụ thể PDV trình bày như sau:
“Sự trao hiến mà Đức Kitô tự mình dành cho Giáo Hội, hoa trái của tình yêu Ngài, mang ý nghĩa độc đáo của sự trao hiến giữa vợ và chồng… Đức Giêsu là Phu Quân đích thực trao tặng rượu cứu độ cho Giáo Hội (x. Ga 2.11).” [22]
Như thế, người linh mục trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô là Đầu và là Mục Tử, nghĩa là linh mục hành động nhân danh và trong ngôi vị của Chúa Giêsu Kitô[23] qua con đường mục vụ mà linh mục đã lãnh nhận. Vậy đâu là ý nghĩa của sự hy sinh và sự chết đi của con đường mục vụ này? Thiết nghĩ đó là sự thống nhất nội tại của chính hữu thể con người linh mục và hoạt động mục vụ nơi người linh mục.
Thật vậy, PDV đưa ra gợi ý thiết thực cho đời sống của linh mục là cắm rễ sâu đời mình vào Chúa Kitô, nghĩa là giữa Chúa Giêsu Kitô và linh mục là mối liên kết hữu thể[24] qua việc linh mục được thánh hiến mang tính bí tích bởi Chúa Thánh Thần, để nhờ đó linh mục nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô[25]. Trong đó, linh mục mang tâm tư và hành động như Chúa Kitô, Đấng là Mục Tử đã hiến mạng sống mình cho đoàn chiên[26]. Vì thế, linh mục được mời gọi mặc lấy đức ái mục tử của Chúa Kitô bằng việc trao hiến hoàn toàn chính mình cho Hội Thánh, nó biểu lộ tình yêu của Chúa Kitô dành cho chiên của Người[27].
III. Sự hòa hợp từ sứ vụ của Đức Kitô đến sứ vụ của linh mục: một đề nghị thiết thực cho cuộc tử đạo mỗi ngày của người linh mục
Trong truyền thống Hội Thánh[28], khi nói về Chúa Kitô Thượng tế duy nhất thì vẫn dùng cách nói về sứ vụ của Người bao gồm ba chức năng: tư tế, ngôn sứ, vương đế. Đây là hình ảnh bắt nguồn từ giới lãnh đạo trong Cựu Ước, họ được Thiên Chúa chọn để dẫn dắt Israel qua việc phụng tự (tư tế), qua Lời Thiên Chúa (ngôn sứ), qua việc cai quản (vua). Vì thế, Hội Thánh cũng sớm dùng những hình ảnh này để nói về sứ vụ của Chúa Kitô Mục Tử nhân lành và sứ vụ chức thánh của mình.
Cũng vậy, PDV đã sử dụng mẫu thức truyền thống này để nói về sứ vụ của linh mục. Theo đó, PDV trình bày sứ vụ mục tử bao gồm[29]: (i) Thừa tác vụ Lời Chúa; (ii) Thừa tác vụ Bí tích; (iii) Lãnh đạo cộng đoàn. Vậy các sứ vụ này đã hoà hợp với sứ vụ của Chúa Kitô như thế nào?
(i) Thừa tác -vụ Lời Chúa:
PDV số 26 trình bày sứ vụ thứ nhất của linh mục như sau:
“Trước hết linh mục là thừa tác viên Lời Chúa. Linh mục được hiến thánh và sai đi để loan báo Tin Mừng Nước Trời cho mọi người.”
Với tác vụ Lời Chúa, linh mục được mời gọi thống nhất trong sứ vụ này: một đàng là người mang sứ điệp đến cho người khác, đàng khác chính linh mục cũng phải đón nhận sứ điệp ấy. Bởi PDV nhắc linh mục nhớ rằng, bản thân linh mục không phải là “chủ nhân” của Lời nhưng là “thừa tác viên”. Do đó, linh mục khi thi hành tác vụ Lời Chúa thì không rao giảng Lời của mình nhưng là tôi tớ nói Lời của Chúa Kitô và của Hội Thánh[30]. Nói cách khác, để là người phục vụ Lời thì đời sống linh mục phải trở nên thân thuộc với Lời[31], trở nên môn đệ đích thực của Chúa Kitô qua việc “đến” và “ở lại” trong Lời Chúa[32].
(ii)Thừa tác -vụ Bí tích:
Khi linh mục thi hành thừa tác vụ Bí tích là lúc linh mục nên giống Chúa Giêsu Kitô, đặc biệt là cử hành Bí tích Thánh Thể. Bởi PDV xác định một khi linh mục tiến dâng hy lễ cứu độ duy nhất nơi bàn tiệc vượt qua thì linh mục được thúc đẩy dấn thân phục vụ Dân Chúa để nuôi dưỡng họ bằng Lời và các Bí tích, đồng thời sẽ là chứng nhân đích thực cho đức tin và đức ái, sẵn sàng hiến dâng mạng sống như Chúa Kitô đã hiến mạng sống cho đoàn chiên và cho Thiên Chúa[33]. Trong PDV số 23 đã khẳng định:
“Chính từ Bí tích Thánh Thể mà linh mục nhận được ơn và trách nhiệm mặc cho toàn thể cuộc sống mình một ý nghĩa ‘hy tế’.”
Như thế, thừa tác vụ Bí tích một mặt được Hội Thánh đồng hóa với chức năng tư tế của Chúa Kitô, mặt khác đó cũng là phương thế để linh mục mỗi khi cử hành Bí tích thì nên giống Chúa Kitô nhập thể[34], dấn thân phục vụ và hy sinh tính mạng để cứu độ đoàn chiên[35].
(iii) Lãnh đạo cộng đoàn:
PDV trình bày sứ vụ thứ ba của linh mục liên quan đến vai trò lãnh đạo cộng đoàn. Tuy tài liệu dùng thuật ngữ truyền thống “munus regendi” (quyền cai quản)[36], nhưng vai trò này được PDV định hướng và mô tả là “đức ái mục tử”[37]. Vậy sứ vụ này được linh mục thi hành thế nào trong cộng đoàn?
Trước hết, qua Bí tích Truyền Chức Thánh, linh mục được nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô là Đầu và là Mục Tử, nhờ đó linh mục được thông dự vào “quyền năng thiêng liêng” mà Chúa Kitô dùng để dẫn dắt Hội Thánh[38]. Vì thế, linh mục là mục tử trong tư cách thủ lãnh không phải để thống trị nhưng là tôi tớ cúi mình phục vụ đoàn chiên, là dám trao hiến trọn vẹn đời mình cho đoàn chiên, kể cả mạng sống của chính mình để đoàn chiên được sống[39]. Ngoài ra, linh mục còn là mục tử có trái tim và lòng dạ của người mẹ[40]. Bởi vì, linh mục không chỉ ở trong và thuộc về cộng đoàn mà linh mục còn phải đối diện với cộng đoàn[41], nhờ thế linh mục sẽ có khả năng yêu thương, khả năng chịu đựng những “đau đớn do việc sinh con” cho đến khi “Đức Kitô được thành hình” trong các tín hữu[42].
Tiếp đến, PDV số 26 đưa ra gợi ý để linh mục sống đức ái mục tử:
“Đây là một thừa tác vụ đòi linh mục phải có một đời sống thiêng liêng sâu đậm, giàu những phẩm cách và nhân đức dành riêng cho người ‘chủ tọa’ và ‘chỉ đạo’ một cộng đoàn… Đó là lòng trung thành, tính nhất quán, sự khôn ngoan, khả năng tiếp nhận mọi người, thái độ hoà nhã. lòng vô vị lợi tự bản thân, tính kiên nhẫn.”
Do đó, linh mục nên giống Chúa Kitô trong sứ vụ lãnh đạo cộng đoàn là phải mang tâm tư và trái tim mục tử như Chúa Kitô[43], một thái độ đượm đức ái mục tử[44].
KẾT LUẬN
Có thể nói, văn kiện PDV là một khảo luận về mầu nhiệm căn tính linh mục, đồng thời PDV vẫn tiếp tục soi sáng cho đời sống linh mục hôm nay trong việc canh tân và trở về với cội nguồn đích thực của người linh mục là trở nên giống Chúa Kitô Mục Tử Nhân Lành[45]. Nói cho cùng, linh mục được chọn và gọi là để bước đi theo Chúa Kitô, vì Người là dung nhan lòng thương xót của Thiên Chúa Cha. Đó chính là mầu nhiệm đức tin Kitô giáo mà chúng ta được mời gọi mỗi ngày phải tuyên xưng[46].
Thật vậy, hình ảnh Chúa Kitô Mục Tử Nhân Lành và giàu lòng thương xót có thể được tóm gọn và trở nên khuôn đúc cho cuộc đời người linh mục hôm nay như sau: Chúa Giêsu Kitô là Con Một Thiên Chúa, Người đã nhập thể trong thân phận phàm nhân, Người sống như chúng ta, Người còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết trên cây thập giá vì chúng ta[47]. Cả cuộc đời của Người là bài ca tình yêu của Mục Tử đã hiến mạng sống vì đoàn chiên[48]. Hơn nữa, Người đã yêu mến tất cả đoàn chiên bằng một trái tim nhân loại đến nỗi trái tim cực thánh của Người đã bị đâm thâu vì tội lỗi và để cứu độ đoàn chiên[49]. Nói như CĐ Vaticanô II: “Khi nhập thể, Con Thiên Chúa một cách nào đó đã nên một với mọi người”[50], để rồi Người làm mọi sự là cho chúng ta, Người không sống cho bản thân nhưng là cho chúng ta[51].
Như vậy, người linh mục hôm nay được mời gọi đi vào sự hiệp thông các mầu nhiệm của Chúa Giêsu Kitô[52], đó là một dấu chỉ tình yêu ở mãi nơi cuộc đời linh mục và cũng là để uốn lòng người linh mục nên giống trái tim mục tử của Chúa Kitô [53]. Có thế, người linh mục sẽ được nâng đỡ trên đường lữ hành của hôm nay và ngày mai [54], đồng thời linh mục được tình yêu Chúa Kitô thúc bách mang yêu thương và sống chứng nhân giữa đời [55]. Thiết nghĩ, đó chính là ý nghĩa của linh đạo tử đạo mỗi ngày trong đời sống linh mục.
Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 109 (tháng 11 & 12 năm 2018)
__________
[1] Xem (x). NGUYỄN NGỌC VINH, SDB, Người chạnh lòng thương, nxb. Tôn Giáo, 2016, tr.191-199.
[2] x. BÊNÊĐICTÔ XVI, Thư tuyên bố cử hành Năm linh mục (16.06.2009), Lm. Luy Nguyễn Anh Tuấn chuyển dịch, https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/thu-cua-duc-thanh-cha-benedicto-xvi-tuyen-bo-cu-hanh-nam-danh-cho-cac-linh-muc-17934, truy cập 06/2020
[3] ĐTC Bênêđictô XVI đã có sáng kiến công bố Năm linh mục 2009 – 2010 nhân dịp kỷ niệm 150 năm qua đời của thánh Gioan Maria Vianney, ngài không chỉ là bổn mạng các cha sở mà còn là bổn mạng của các linh mục. x. Như vẫn trích (nvt.).
[4] x. Kinh Sách các bài đọc, Tập 4, Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ, phần Lời nguyện ngày lễ thánh Gioan Maria Vianney, nxb. Tp.HCM, 1999, tr.514.
[5] x. BÊNÊĐICTÔ XVI, Thư tuyên bố cử hành Năm linh mục.
[6] x. RONALD D. WITHERUP, PSS, Gold Tested in Fire – A New Pentecost for the Catholic Priesthood (Vàng được thử lửa – Một lễ Hiện Xuống mới cho hàng Linh mục Công giáo), Lm. Giuse Lê Công Đức, PSS và Nhóm Anh Việt 2014 Đại Chủng Viện Huế dịch, nxb. Tôn Giáo, 2015, tr.5.
[7] x. BÊNÊĐICTÔ XVI, Thư tuyên bố cử hành Năm linh mục.
[8] x. RONALD D. WITHERUP, PSS, Gold Tested in Fire., sách đã dẫn (sđd.), tr.7.
[9] GIOAN PHAOLÔ II, Tông huấn Pastores Dabo Vobis (25.03.1992), Bản dịch của Lm. Phaolô Đậu Văn Hồng, nxb. Hồng Đức, 2015. Viết tắt: PDV.
[10] Đức Giêsu mời gọi các môn đệ: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.” (Mt 5,48 GKPV). Để thuận tiện việc theo dõi, các trích đoạn Kinh Thánh ( bản dịch tiếng Việt ) trong bài viết được người viết trích từ: Kinh Thánh (Ấn bản 2011), Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ (GKPV), nxb. Tôn Giáo, 2011.
[11] x. Công Đồng (CĐ) VATICANÔ II, Sắc lệnh về tác vụ và đời sống linh mục Presbyterorum Ordinis (07.12.1965), Bản dịch của Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, nxb. Tôn Giáo, 2012, số 12. Viết tắt: PO.
[12] Gr 3,15 GKPV.
[13] x. PDV 1.
[14] Ga 10,11 GKPV.
[15] Hr 13,20 GKPV.
[16] Dung mạo đích thực của Linh mục được PDV khẳng định: “Chắc hẳn luôn luôn có ‘một diện mạo cốt yếu, không thay đổi, của người linh mục: thực vậy, không kém gì linh mục hôm nay, linh mục ngày mai sẽ phải nên giống Chúa Kitô’” (PDV 5).
[17] x. PDV 12.
[18] x. NGUYỄN TRỌNG SƠN, Lịch sử linh đạo, Đại Chủng Viện Thánh Giuse Sài Gòn, 2009, tr.56-59.
[19] x. PDV 15 – 18.20 – 23.
[20] x. NGUYỄN TRỌNG SƠN, Linh mục giáo phận nên giống Chúa Giêsu Kitô mục tử, Đại Chủng Viện Thánh Giuse Sài Gòn, 2013, tr.36.
[21] x. PDV 3.16.22 – 23.25.29.
[22] PDV 22.
[23] x. NGUYỄN TRỌNG SƠN, Linh mục giáo phận…, sđd., tr.38.
[24] x. PDV 11.13.16.
[25] x. PDV 15.16.
[26] x. PDV 21.
[27] x. PDV 23.
[28] x. RONALD D. WITHERUP, PSS, Gold Tested in Fires đd., tr.27.
[29] x. PDV 26.
[30] x. PDV 26
[31] x. NGUYỄN TRỌNG SƠN, Linh mục giáo phận…, sđd., tr.72.
[32] x. Ga 1,39.
[33] x. PDV 15.
[34] x. Dt 10,4 – 7 (x. NGUYỄN TRỌNG SƠN, Linh mục giáo phận., sđd., tr.73.)
[35] x. PDV 26.
[36] x. PDV 26.
[37] x. PDV 21 – 23.
[38] x. PDV 21.
[39] x. PDV 21 – 23. Riêng ở số 23, PDV nhấn mạnh: “Cốt lõi của đức ái mục tử là trao hiến chính mình, trao hiến hoàn toàn cho Giáo Hội, theo hình ảnh sự trao hiến của Đức Kitô và thông phần với Ngài.”
[40] x. PDV 22.
[41] x. PDV 16.22.
[42] x. Gl 4,19 (x. PDV 22).
[43] x. Pl 2,5.
[44] x. PDV 21 – 23.26.
[45] x. RONALD D. WITHERUP, PSS, Gold Tested in Fires đd., tr.41.
[46] x. FRANCIS, Bull Of Indiction Of The Extraordinary Jubilee Of Mercy “Misericordiae Vultus” (11.04.2015). “Jesus Christ is the face of the Father’s mercy. These words might well sum up the mystery of the Christian faith.” (no. 1).
[47] x. Ga 1,14; Pl 2,5-8; 1Tm 3,16.
[48] x. Gl 2,20.
[49] x. Sách Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo (11.10.1992), Bản dịch của Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, nxb. Tôn Giáo, 2010, số 478. Viết tắt: GLCG.
[50] CĐ VATICANÔ II, Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes (07.12.1965), Bản dịch của Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, nxb. Tôn Giáo, 2012, số 22.
[51] x. GLCG, 519.
[52] x. GLCG, 521.
[53] x. PO 12; PDV 21.23.27.
[54] x. GLCG, 1418-1419.
[55] x. 2Cr 5,14.
__________
TÀI LIỆU THAM KHẢO
I/ THÁNH KINH
- Kinh Thánh (Ấn bản 2011), Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ (GKPV), nxb. Tôn Giáo, 2011.
II/ HUẤN QUYỀN
- CĐ VATICANÔ II, Bản dịch của Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, nxb. Tôn Giáo, 2012.
- Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes (07.12.1965).
- Sắc lệnh về tác vụ và đời sống linh mục Presbyterorum Ordinis (07.12.1965).
- BÊNÊĐICTÔ XVI, Thư tuyên bố cử hành Năm linh mục (16.06.2009), Lm. Luy Nguyễn Anh Tuấn chuyển dịch, https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/thu-cua-duc-thanh-cha-benedicto-xvi-tuyen-bo-cu-hanh-nam-danh-cho-cac-linh-muc-17934, truy cập 06/2020
- FRANCIS, Bull Of Indiction Of The Extraordinary Jubilee Of Mercy “Misericordiae Vultus” (11.04.2015).
- GIOAN PHAOLÔ II, Tông huấn Pastores Dabo Vobis (25.03.1992), Bản dịch của Lm. Phaolô Đậu Văn Hồng, nxb. Hồng Đức, 2015.
- Sách Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo (11.10.1992), Bản dịch của Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, nxb. Tôn Giáo, 2010.
Lm. Tôma Aquinô Nguyễn Đức Khôi
III/ CÁC TÀI LIỆU NGHIÊN CỨU
- Kinh Sách các bài đọc, Tập 4, Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ, nxb. Tp.HCM, 1999.
- NGUYỄN NGỌC VINH, SDB, Người chạnh lòng thương, nxb. Tôn Giáo, 2016.
- NGUYỄN TRỌNG SƠN, Lịch sử linh đạo, Đại Chủng Viện Thánh Giuse Sài Gòn, 2009.
- NGUYỄN TRỌNG SƠN, Linh mục giáo phận nên giống Chúa Giêsu Kitô mục tử, ĐCV Thánh Giuse Sài Gòn, 2013.
- RONALD D. WITHERUP, PSS, Gold Tested in Fire – A New Pentecost for the Catholic Priesthood (Vàng được thử lửa – Một lễ Hiện Xuống mới cho hàng Linh mục Công giáo), Lm. Giuse Lê Công Đức, PSS và Nhóm Anh Việt 2014 Đại Chủng Viện Huế dịch, nxb. Tôn Giáo, 2015.