2020
Vợ chồng cãi vã suốt ngày bỗng hòa hợp hạnh phúc …
Hôn nhân là những cuộc cãi vã không hồi kết…
Hôm nay là kỷ niệm ngày cưới của Ria và Manoj và cô đang đợi chồng đi làm về để ăn mừng.
Sau vài năm hôn nhân, mọi thứ giữa họ đã bắt đầu thay đổi. Từ một cặp đôi yêu nhau nồng nàn, chỉ nhìn thấy nhau cũng cảm thấy hạnh phúc, giờ đây, họ đã trở nên xa cách ít nhiều. Không có mâu thuẫn gì to tát, nhưng những tranh cãi lặt vặt trong cuộc sống cũng đủ làm cho tình cảm của họ nguội dần đi.
Cả hai dần thấy đối phương là một sự phiền phức đối với mình.
Manoj vẫn chăm sóc vợ, nhưng nhiều khi là do thói quen, chứ không phải do cảm xúc yêu thương anh dành cho một cô gái dịu dàng và biết cảm thông của ngày xưa. Còn Ria cũng không tìm lại được một người đàn ông sẵn sàng bao dung cho những lỗi lầm của cô như trước khi họ làm đám cưới.
Chính vì thế, chỉ vì một chuyện nhỏ nhặt, họ cũng có thể cãi nhau cả ngày.
Thế nhưng, dù sao hôm nay cũng là kỷ niệm ngày cưới, cả hai đều không muốn gây hấn, và họ dự định sẽ vẫn tổ chức lễ kỷ niệm như mọi năm.
Cả 2 đã lên kế hoạch cho lễ kỷ niệm ngày cưới thật ấm cúng. (Ảnh minh họa)
Khi tiếng chuông cửa vang lên, Ria vội vàng chạy ra mở cửa. Manoj đứng đó với một nụ cười rạng rỡ và một bó hoa dành cho vợ. Ria tươi cười nhận lấy bó hoa rồi bảo chồng, rồi cô bảo, hôm nay, cô muốn được làm hòa với anh, rồi họ sẽ cùng nhau uống sâm-panh, thắp nến, mở những bản nhạc mà ngày xưa họ đều yêu thích…
Manoj cũng vui vẻ đáp lại, anh ôm cô rồi dịu dàng bảo rằng anh rất vui vì cả hai đã có thể hòa hợp trở lại như thế.
Cuộc điện thoại bất ngờ
Đột nhiên, điện thoại trong phòng ngủ bỗng đổ chuông.
Ria chạy vội vào nghe, rồi thấy lạnh hết cả sống lưng khi đầu dây bên kia có người giới thiệu: “Xin chào, chúng tôi gọi tới từ sở cảnh sát. Đây có phải là số điện thoại nhà anh Manoj Kumar không?”.
Ria cảm giác như tim mình bị hẫng 1 nhịp, nhưng rồi vẫn cố gắng bình tĩnh trả lời: “Vâng, đúng như vậy. Các anh gọi đến đây có việc gì không?’.
“Rất tiếc, thưa cô, chúng tôi gọi tới đây để thông báo với cô một sự việc đáng buồn. Ở đây đã xảy ra một vụ tai nạn, và chúng tôi tìm được số điện thoại này ở trong ví của nạn nhân. Người đàn ông này không may đã qua đời rồi. Cô có thể đến đây nhận dạng thi thể được không?”, những lời lẽ rành rọt của người cảnh sát như bóp nát trái tim của Ria.
Vào ngay lúc này đây với Ria, mọi lý do dẫn đến những cuộc cãi vã với chồng trước đây lại trở nên vô nghĩa hơn bao giờ hết. (Ảnh minh họa)
Ria gào lên trong điện thoại: “Không thể nào, chồng tôi đang ở nhà với tôi mà”.
“Xin lỗi cô, nhưng vụ tai nạn đã xảy ra vào chiều nay, khi anh ấy đi làm trở về và xuống xe buýt”, câu khẳng định của người cảnh sát khiến Ria dường như mất đi hy vọng cuối cùng.
Có lẽ nào những bộ phim cô từng xem, kể về những linh hồn của người đã ra đi nhưng vẫn còn vương vấn cõi trần nên còn lảng vảng đâu đó là dựa trên chuyện có thật ư?
Có phải Manoj của cô đã ra đi, nhưng vì hôm nay là kỷ niệm ngày cưới của họ nên anh vẫn quay trở về gặp cô lần cuối không? Có lẽ nào đó là lý do hôm nay anh ôm cô chặt hơn mọi ngày, còn nở nụ cười ngọt ngào với cô, bảo cô rằng anh rất vui vì cả hai đã có thể hòa hợp trở lại như thế? Trái tim cô như chùng xuống.
Cô chạy ào ra khỏi phòng ngủ, chạy ra phòng khách, rồi phòng bếp nhưng vẫn không thấy Manoj đâu. Nước mắt cô nhòa đi.
Cô tự lẩm bẩm với mình như một người điên: “Đúng thế rồi. Anh ấy đã rời bỏ mình mãi mãi. Giá mình có một cơ hội để làm hòa với anh ấy, mình sẽ không bao giờ cãi vã với anh ấy nữa. Thế nhưng, cơ hội đó đã mãi mãi mất đi rồi. Mình đã vĩnh viễn mất đi cơ hội đó rồi “.
Lẩm bẩm xong, Ria suy sụp phủ phục xuống nền nhà, khóc như một đứa trẻ.
Đột nhiên, cửa phòng tắm bật mở. Manoj đột ngột từ bên trong bước ra, vừa lau người vừa kể với vợ: “Em à, anh quên chưa kể cho em chuyện này. Hôm nay, sau khi mua hoa tặng em, trên đường trở về nhà anh đã bị móc mất ví trên xe buýt đấy”.
Lời bàn: Cuộc sống có thể sẽ không cho bạn một cơ hội thứ 2 như cặp vợ chồng trong câu chuyện nói trên.
Chính vì thế, đừng bao giờ lãng phí bất kỳ khoảnh khắc nào trong cuộc sống khi bạn còn có cơ hội để làm một điều gì đó có ý nghĩa. Hãy trân trọng các mối quan hệ của bạn, hãy trân trọng những người mà bạn đã gặp, nhất là người đầu ấp tay gối với bạn.
Hãy bỏ qua những mâu thuẫn nhỏ nhặt trong cuộc sống, sống một cuộc đời rực rỡ và tuyệt vời nhất có thể, để bạn không còn gì phải hối tiếc, và cũng bởi vì, hơn ai hết, bạn là người xứng đáng có được điều đó.
Tác giả bài viết: Theo Moral Stories
2020
Năm kỷ niệm đặc biệt Laudato Si’
Năm kỷ niệm đặc biệt LAUDATO SI’.
Như mọi người đã biết, vào năm 2015, trước hiểm họa ô nhiễm môi sinh toàn cầu, Đức Thánh Cha PHANXICO đã ban hành một thông điệp có nhan đề “Laudato Si’ Mi’ Signore” ( Chúc tụng Chúa, Lạy Thiên Chúa của con), chính là lời ca mở đầu của Bài Ca Vạn Vật mà Thánh Phanxico Assisi, vị Thánh say mê vẻ đẹp của thiên nhiên, vũ trụ do bàn tay tuyệt tác của Chúa đã tạo dựng. chính là lời ca mở đầu của Bài Ca Vạn Vật mà thánh Phanxicô Assisi, vị thánh say mê vẻ đẹp của thiên nhiên, vũ trụ do bàn tay tuyệt tác Chúa đã tạo dựng.
Đức Phanxicô rất yêu mến vị thánh bảo vệ thiên nhiên này, đã chọn tên ngài làm Tông hiệu Giáo hoàng và đã viết Thông điệp Laudato Si’ để cảnh báo thế giới về tệ nạn xâm hại môi trường và khai thác cạn kiệt trái đất khi người ta tận dụng phát minh khoa học để chạy đua theo lợi nhuận mà quên đi vấn đề tái tạo và nạn ô nhiễm môi trường, giết hại sinh vật và cả nhân loại chúng ta và con cháu chúng ta. Cảm ơn Đức Thánh Cha đã có cái nhìn “tiên tri” khi gửi đến mọi nước, mọi dân Thông điệp này : Laudato Si’ ban hành tại Roma ngày 24/05/2015, lễ Hiện xuống – Năm thứ ba triều đại Giáo hoàng của ngài.
Trong số các sáng kiến nhân dịp kỷ niệm 5 năm Đức Thánh Cha Phanxicô ban hành Thông điệp Laudato Si’ về bảo vệ và chăm sóc trái đất, ngôi nhà chung của chúng ta, tòa Thánh đã có sáng kiến thiết lập “Năm Kỷ niệm đặc biệt Laudato Si’”, từ ngày 24/05/2020-24/05/2021.
“Năm Kỷ niệm đặc biệt Laudato Si” là một sáng kiến của Bộ Phục vụ và Phát triển con người toàn diện, bao gồm một loạt các sự kiện, bắt đầu bằng một ngày cầu nguyện toàn cầu và kết thúc bằng việc khởi động các kế hoạch hành động bền vững trong nhiều năm.
Thông cáo của Bộ Phục vụ và Phát triển con người toàn diện nói rằng khi thế giới tiếp tục đối phó với đại dịch virus corona, sứ điệp của Thông điệp Laudato Si’ ngày nay vẫn có tính ngôn sứ, giống như vào năm 2015. Thông cáo viết: “Thông điệp thực sự có thể cung cấp la bàn đạo đức và tinh thần cho hành trình kiến tạo một thế giới thân thiện, huynh đệ, hòa bình và bền vững hơn.” “Quả thật, Covid-19 đã cho thấy rõ rằng tất cả chúng ta kết nối và phụ thuộc lẫn nhau sâu sắc như thế nào. Khi chúng ta bắt đầu hình dung một thế giới hậu Covid, trước hết, chúng ta cần một cách tiếp cận toàn diện vì mọi thứ liên quan chặt chẽ với nhau và các vấn đề ngày nay đòi hỏi một tầm nhìn có khả năng xem xét mọi khía cạnh của cuộc khủng hoảng toàn cầu.”
Năm đặc biệt Laudato Si’ bắt đầu từ ngày 24/05, với một ngày cầu nguyện cho trái đất và cho nhân loại. Một kinh nguyện được soạn đặc biệt cho dịp này; mọi người được khuyến khích đọc nó vào lúc giữa trưa ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Bản kinh như sau :
Lạy Cha khoan nhân,
Đấng tạo thành trời đất và tất cả những thứ trong đó.
Xin hãy rộng mở tâm trí và đánh động quả tim của chúng con,
để chúng con có thể trở thành một phần trong công trình Sáng tạo, món quà của Cha.
Xin hãy hiện diện cùng với những người túng thiếu nhất trong những thời điểm khó khăn này,
đặc biệt là những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất.
Xin hãy giúp chúng con thể hiện sự liên đới sáng tạo
khi chúng con đối mặt với hậu quả của đại dịch toàn cầu.
Xin hãy làm cho chúng con trở nên can đảm trong việc nắm lấy
những thay đổi cần thiết hầu mưu cầu thiện ích chung.
Giờ đây, hơn bao giờ hết, chớ gì tất cả chúng con có thể cảm nhận được
sự kết nối và phụ thuộc lẫn nhau.
Xin hãy làm cho chúng con có thể tiếp tục việc lắng nghe
và đáp lại tiếng kêu gào của Trái đất và tiếng kêu khóc của người nghèo.
Chớ gì những đau khổ hiện tại của họ trở thành nỗi đau sinh nở
của một thế giới giàu tình huynh đệ và bền vững hơn.
Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con, dưới ánh nhìn yêu thương của Đức trinh Nữ Maria, Mẹ Phù hộ các Giáo hữu. Amen.
Bên cạnh đó còn có các buổi hội thảo trên web về vấn đề chăm sóc môi trường, giáo dục và kinh tế. Bộ Phục vụ và Phát triển con người toàn diện cũng mô tả chi tiết về “chương trình bảy năm hướng tới nền sinh thái toàn diện” cho các gia đình, giáo phận, trường học, đại học, bệnh viện, doanh nghiệp, trang trại và các dòng tu. Mục đích của chương trình này là đáp lại cách cụ thể tiếng kêu của trái đất và người nghèo, để thúc đẩy kinh tế và nhận thức sinh thái, và áp dụng lối sống đơn giản hơn. (CNA 19/05/2020).
Hiện nay trái đất đã bị tổn thương. Chúng ta có thể làm gì để chữa lành? Câu hỏi xem ra không chỉ dành cho các nhà khoa học, hay các nguyên thủ quốc gia; nhưng còn cho mỗi chúng ta. Chúng ta cũng phải tự cứu vãn lấy chính mình bằng cách tiết kiệm điện nước, giảm thiểu dùng túi nilon và chai nhựa, hoặc tái sử dụng chúng. Bên cạnh đó là phân loại rác thải, ủ phân hữu cơ, trồng cây xanh, dùng phương tiện công cộng hay đi xe đạp, dùng sản phẩm địa phương… Những việc tưởng nhỏ nhưng từng hành vi ý thức được cộng lại sẽ tạo nên một trào lưu làm thay đổi thói quen không tốt và góp phần xây dựng môi trường xanh – sạch và môi trường trong lành.
Vẫn còn kịp nếu chúng ta cùng nhau cam kết, ngừng phá huỷ môi trường thiên nhiên, tôn trọng quyền sống của thiên nhiên. Hãy đáp lại lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô, thông qua thông điệp Laudato Si’ (2015).
Anh chị em chúng ta hãy chung tay bảo vệ môi trường sinh thái toàn diện và cùng nhau chăm sóc ngôi nhà chung của nhân loại, là Mẹ Đất của chúng ta.. . Chúng ta cùng nhau có những hành động thiết thực, cụ thể theo Thư của Đức Cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng, Giám mục Giáo phận Phan Thiết, đã kêu gọi mọi người hiệp thông trong lời cầu nguyện cho việc bảo vệ môi trường. Ngài đề nghị những việc làm cụ thể như : Giữ gìn sạch sẽ khu phố, nhà thờ; bỏ rác và phân loại rác; trồng cỏ, cây xanh, vườn hoa; tiết kiệm nước . . .Thực hiện những điều đó chính là mỗi người thiết thực hiệp thông với “ Năm đặc biệt kỷ niệm Thông điệp Laudato Si’ “ vậy.
Fx Đỗ Công Minh .
2020
Hỏi đáp Thư Chung 2019
HỎI ĐÁP THƯ CHUNG 2019
HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM
Câu 1: Hội đồng Giám Mục Việt Nam họp đại hội thứ XIV khi nào, tại đâu, mục đích gì ?
Đáp : Chúng tôi, các Giám mục thuộc 27 Giáo phận, tham dự Đại hội XIV tại Trung tâm Mục vụ Giáo phận Hải Phòng, xin gửi lời chào thân ái trong Chúa Kitô đến toàn thể Dân Chúa, đặc biệt các bạn trẻ. Đại hội là cơ hội để chúng tôi nhìn lại những hoạt động của các Giáo phận và các Ủy ban trực thuộc Hội đồng Giám mục, chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm và bàn thảo với nhau những kế hoạch mục vụ để có thể phục vụ Dân Chúa cách tốt đẹp hơn. Cũng vì thế, vào lúc kết thúc Đại hội, chúng tôi muốn gửi đến anh chị em một vài suy tư và định hướng mục vụ cho Giáo hội Việt Nam trong những năm tới.
Câu 2 : Hội đồng Giám Mục có nhìn lại nhiệm kì 3 năm vừa qua ?
Đáp :Trong ba năm qua, chúng ta đã thực hiện chương trình “Mục vụ gia đình”. Cảm ơn anh chị em đã đồng lòng hưởng ứng lời mời gọi của Hội đồng Giám mục bằng những nỗ lực hành động cụ thể. Tạ ơn Chúa vì chương trình mục vụ đã đem lại nhiều hoa trái cho các gia đình, nhất là các gia đình trẻ gặp khó khăn, cũng như giúp cho người trẻ chuẩn bị bước vào đời sống hôn nhân gia đình.
Câu 3 : Giáo Hội có cái nhìn thế nào về các Kitô hữu trẻ ?
Đáp : Các Kitô hữu trẻ luôn là mối quan tâm đặc biệt của toàn thể Giáo hội. Để thể hiện mối quan tâm này, Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XV họp tại Rôma vào tháng 10 năm 2018 đã bàn về chủ đề “Giới trẻ, đức tin và việc phân định ơn gọi”. Từ những kinh nghiệm, suy tư và đề nghị trong Thượng Hội đồng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành tông huấn “Chúa Kitô đang sống” (Christus vivit),
Câu 3 : Qua Tông huấn “Chúa Kitô đang sống”, Hội đồng Giám Mục có chọn lựa điều gì cho 3 năm tới, với Giáo hội Việt Nam?
Đáp :Trong Tông huấn ngài khắc họa dung nhan sống động, tươi trẻ và gần gũi của Chúa Kitô Phục sinh đang sống giữa chúng ta. Người là bạn của người trẻ và mong ước kết thân với họ để giúp họ sống tuổi trẻ cách sung mãn, lớn lên trong sự thánh thiện, dấn thân phục vụ xã hội và Giáo hội. Cùng chung những thao thức ấy, chúng tôi quyết định chọn chủ đề Mục vụ Giới trẻ cho Giáo hội Việt Nam trong ba năm tới (2020 – 2022).
– 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.
– 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình.
– 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.
Câu 4 : Tin mừng soi sáng điều gì cho việc chọn chủ đề cho 3 năm tới ?
Đáp :Trình thuật Đức Giêsu hiện ra và đồng hành với hai môn đệ trên đường Emmaus là trình thuật truyền cảm hứng cho Thượng Hội đồng Giám mục thế giới về người trẻ. Đấng Phục sinh đã đồng hành, lắng nghe, đặt câu hỏi và giải thích cho hai môn đệ đang buồn sầu thất vọng, giúp họ hiểu chương trình cứu độ của Thiên Chúa đối với nhân loại. Đó không chỉ là câu chuyện của 2.000 năm trước, nhưng còn là cuộc gặp gỡ của ngày hôm nay và mãi mãi về sau.
Câu 5 : Hành trình Emmaus, đồng hành với giới trẻ gồm những bước đi nào?
Đáp : Hành trình Emmaus đã trở thành khuôn mẫu của mục vụ giới trẻ; theo đó, đồng hành với giới trẻ cần được thực hiện theo ba bước: (1) lắng nghe cuộc sống của người trẻ; (2) cùng với người trẻ phân định thánh ý Chúa dưới ánh sáng của sứ điệp Tin Mừng; (3) giúp người trẻ hành động để sống tuổi trẻ cách phong phú.
A- Lắng nghe: Thuận lợi và thách đố đối với người trẻ tại Việt Nam hôm nay
Câu 6 : Thực trạng gia đình và thời đại toàn cầu hóa ảnh hưởng gì đến giới trẻ Công giáo Việt Nam hôm nay ?
Đáp : Tại Việt Nam, gia đình vẫn là “trường học đầu tiên”, nơi đó các Kitô hữu trẻ đón nhận những bài học căn bản cho đời sống làm người và làm con cái Chúa. Ngoài ra, sống trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay, giới trẻ có nhiều cơ hội học hành, làm việc, sinh hoạt cộng đồng, du lịch, mở rộng giao lưu gặp gỡ, có những hoạt động phong phú trong lãnh vực văn hóa, thể thao.
Câu 7 : Người trẻ hiện nay đang gặp phải những thách thức nào ?
Đáp : Người trẻ cũng phải đối diện với những thách thức của thời đại mới. Hiện tượng di dân vừa đem lại những hiệu quả tích cực vừa gây nhiều hệ lụy tiêu cực trong đời sống gia đình và xã hội. Thế giới kỹ thuật số vừa là một phương thế rất hữu hiệu cho việc truyền thông và thiết lập các mối tương quan, nhưng cũng là nguyên nhân gây nên nhiều tác hại cho bản thân người trẻ.
Câu 8 : Chủ nghĩa cá nhân đã ảnh hưởng thế nào đến người trẻ ?
Đáp : Ảnh hưởng của chủ nghĩa cá nhân và trào lưu hưởng thụ đã làm cho nhiều người trẻ lạc hướng và rơi vào lối sống buông thả, sống ảo, sống vội, sống dửng dưng vô cảm và vô trách nhiệm. Một số khác lại lún sâu vào những cám dỗ của thời đại như nghiện ngập, buôn bán ma túy, hôn nhân thử, đồng tính, phá thai. Bạo lực ngày càng gia tăng với mức độ nguy hiểm nghiêm trọng.
B- Phân định: Ơn gọi và sứ mệnh của người trẻ
Câu 9: Noi theo Đức Kitô, Giáo hội muốn nói gì với người trẻ hôm nay ?
Đáp : Trong bối cảnh( những thách thức ) trên, không ít người trẻ băn khoăn đi tìm ý nghĩa và hướng đi đích thực cho đời sống. Cũng như Chúa Kitô đã công bố Tin Mừng cho những người trẻ Emmaus, ngày nay Giáo hội cũng muốn gửi đến các bạn trẻ sứ điệp cao cả của Tin Mừng: Thiên Chúa là Cha luôn yêu thương các bạn, Chúa Kitô đã cứu độ các bạn, ngày hôm nay Người vẫn đang sống, vẫn đồng hành với các bạn như một người Bạn thân thiết.
Câu 10 : Giáo hội nhận định tuổi trẻ ngày hôm nay thế nào ?
Đáp : Tuổi trẻ là ân sủng và quà tặng mà các bạn cần đón nhận với lòng biết ơn và sống sung mãn chứ không lãng phí, hãy phát huy các khả năng Chúa ban để trở nên một người trưởng thành toàn diện.
Hơn thế nữa, “tuổi trẻ còn là một phúc lành cho Giáo Hội và thế giới” (Tông huấn Chúa Kitô đang sống, số 134). Thật vậy, người trẻ không chỉ là đối tượng phục vụ của Giáo hội, mà còn là chủ thể phản ảnh Đức Giêsu Kitô giữa lòng nhân thế; không chỉ là tương lai mà còn là hiện tại của thế giới, họ đã và đang góp phần làm phong phú thế giới (x. Tông huấn Chúa Kitô đang sống, số 64).
Câu 11 : Tuổi trẻ có đáp ứng những lời mời của Giáo hội và thế giới ?
Đáp :Người trẻ làm phong phú Giáo hội và thế giới bằng nhiều cách, trước hết bằng việc nên thánh: “Hương thơm thánh thiện tỏa ra từ đời sống lành thánh của biết bao người trẻ có thể băng bó các vết thương của Giáo hội và của thế giới, và đưa chúng ta trở lại với tình yêu viên mãn mà chúng ta đã được kêu gọi từ thuở đời đời” (Tông huấn Chúa Kitô đang sống, số 50).
Câu 12 : Các bạn trẻ hôm nay có những hướng sống tích cực nào ?
Đáp : Các bạn trẻ cũng thể hiện sự thánh thiện qua việc sống đức ái trong gia đình và trong xã hội. Nhiều người trẻ tham gia tích cực vào các hoạt động giáo xứ hoặc dấn thân vào các hoạt động bác ái xã hội. Các phong trào vì môi trường ngày càng phổ biến mà thành phần đông đảo là người trẻ. Tất cả làm nên sức sống trẻ trung của Giáo hội, đồng thời là sự dấn thân cụ thể để Phúc âm hóa xã hội và thế giới, mở rộng Triều đại của Thiên Chúa (x. Tông huấn Chúa Kitô đang sống, số 168).
C- Hành động: Đồng hành để giúp người trẻ thăng tiến và dấn thân
Câu 13 : Thư chung đưa ra lời mời gọi nào với Dân Chúa và giới trẻ ?
Đáp :Theo hướng đi trên, chúng tôi mời gọi tất cả các thành phần Dân Chúa đồng hành với giới trẻ và đổi mới mục vụ giới trẻ. Những người tham gia mục vụ giới trẻ, đặc biệt các linh mục, cần đổi mới cách nhìn và cách tiếp cận người trẻ. Đức Thánh Cha Phanxicô nhận xét: “Người trẻ cảm thấy có một khoảng cách vời vợi giữa những gì họ được học và thế giới họ đang sống. Những gì họ được dạy về các giá trị tôn giáo và luân lý không hề chuẩn bị cho họ khả năng chống đỡ trước một thế giới chế nhạo các giá trị ấy, họ cũng không học được cách cầu nguyện và thực hành đức tin khả dĩ đứng vững giữa nhịp sống vội vã của xã hội” (Tông huấn Chúa Kitô đang sống, số 221).
Câu 14 : Theo hướng dẫn của Đức Thánh Cha, Giáo hội cần có thái độ nào?
Đáp : Thay vì áp đặt lên người trẻ một chương trình có sẵn, cần phải đồng hành và lắng nghe các bạn trẻ, giúp họ khám phá những khả năng và các đặc sủng Chúa Thánh Thần đã ban, và tạo điều kiện thích hợp để người trẻ phát huy những khả năng đó. Mục vụ giới trẻ phải mang tính “hiệp hành”, nghĩa là có khả năng liên kết mọi thành phần dân Chúa trong một “hành trình chung” (Tông huấn Chúa Kitô đang sống, số 206). Nếu biết quan tâm đúng mức và hướng dẫn đúng cách, Giáo hội sẽ có những người trẻ vui tươi, can đảm, nhiệt tâm dấn thân cống hiến cho công cuộc Phúc âm hóa.
Câu 15 : Các Đức Giám Mục có đề ra chương trình mục vụ cho 3 năm tới ?
Đáp : Chúng tôi đề nghị Chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm (2020 – 2022) với các chủ đề sau:
– 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.
– 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình.
– 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.
Câu 16: Các Đức Giám Mục có những chỉ dẫn nào về việc thực hiện chương trình này?
Đáp : Để thực hiện chương trình mục vụ trên, chúng tôi đề nghị 3 việc phải làm, đó là : Học hỏi, Cử hành, Sống.
Câu 17 : Việc Học hỏi được tiến hành ra sao ?
– Đáp : -Tạo điều kiện cho người trẻ tiếp cận những tài liệu hữu ích của Giáo Hội như Youcat (Giáo lý cho người trẻ), Docat (Giáo huấn xã hội cho người trẻ), và Tông huấn “Chúa Kitô đang sống”; đồng thời, nên chú trọng hơn đến việc giúp phân định thiêng liêng cũng như tư vấn tâm lý cho người trẻ.
– Các Ủy ban trực thuộc Hội đồng Giám mục sẽ đồng hành với các Giáo phận và Giáo xứ trong việc soạn bản hướng dẫn học hỏi cho chương trình ba năm.
Câu 18 : Còn việc Cử hành sẽ được thực hiện thế nào ?
Đáp : – Giáo phận tổ chức Ngày Giới trẻ vào Chúa nhật Lễ Lá hằng năm hoặc một ngày khác phù hợp.
– Kết thúc 3 năm mục vụ, sẽ tổ chức Đại hội Giới trẻ toàn quốc.
Câu 19 : Quan trọng hơn cả là việc Sống, cần phải làm gì ?
Đáp : – Tạo điều kiện cơ sở vật chất và không gian phù hợp cho hoạt động giới trẻ như văn phòng mục vụ, phòng sinh hoạt, sân chơi thể thao, ca nhạc,…
– Trước tình trạng ngày càng đông các bạn trẻ rời làng quê đi học và làm việc ở các đô thị lớn, cần có sự phối hợp giữa giáo xứ nơi đi và nơi đến, bằng cách cấp chứng chỉ của nơi đi và hướng dẫn cho người trẻ gia nhập cộng đoàn địa phương nơi đến.
Câu 20 : Trong tình hình xã hội cụ thể hiện nay, tại các Giáo phận cần đáp ứng ra sao ?
Đáp : Các Giáo phận có những người trẻ đến học tập và làm việc tại các trường Đại học, Cao đẳng, các công ty, xí nghiệp, cần bổ nhiệm các linh mục đặc trách đồng hành để giúp các bạn trẻ có khả năng hội nhập, sống và làm chứng cho Tin Mừng trong môi trường mới.
Câu 21: Mạng xã hội có góp phần trong mục vụ giới trẻ ?
Đáp : Ứng dụng mạng xã hội vào công tác mục vụ giới trẻ. Nếu sử dụng tốt, mạng xã hội là phương tiện rất hữu ích để củng cố đức tin và kinh nghiệm thiêng liêng, cung cấp thông tin về mục vụ xã hội, trau dồi kiến thức và kỹ năng cần thiết để sống hiệp thông và loan báo Tin Mừng.
Câu 22 : Xin cho biết chi tiết hơn về nội dung của chủ đề năm 2020 ?
Đáp : Trong Thư Chung này, chúng tôi muốn trình bày chi tiết hơn về chủ đề năm 2020: “Đồng hành với người trẻ trong tiến trình hướng tới sự trưởng thành toàn diện”. Trong Tông huấn “Chúa Kitô đang sống” (số 26-27), Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các bạn trẻ chiêm ngắm tuổi trẻ của Đức Giêsu để lớn lên và trưởng thành cách toàn diện theo gương của Người: “Trong thời gian sống tại Nadarét, Đức Giêsu vâng lời cha mẹ, ‘lớn lên, thêm khôn ngoan và đầy ân sủng trước mặt Thiên Chúa và người ta’ (Lc 2, 52). Đức Giêsu đang ở trong thời gian chuẩn bị, và trong giai đoạn này, Người đi sâu vào mối tương quan với Chúa Cha và với tha nhân. Người không chỉ lớn lên về mặt thể lý, mà còn về tâm linh nữa. Trong những năm tuổi trẻ, Người đã ‘tự rèn luyện’, chuẩn bị sẵn sàng để thực hiện kế hoạch của Chúa Cha. Người đã hướng tuổi niên thiếu và tuổi trẻ của mình theo sứ mạng cao cả ấy”.
Câu 23 : Hội đồng Giám mục có đề nghị gì trong mục vụ giới trẻ ?
Đáp : Dựa vào hướng dẫn trên, chúng tôi đề nghị các mục tử, những người làm công tác mục vụ giới trẻ, đặc biệt là cha mẹ, hãy đồng hành để giúp các thanh thiếu niên lớn lên và trưởng thành về thể lý, tâm lý, tâm linh, và phân định ơn gọi về các phương diện : Thể lý, Tâm lý, Tâm linh, Văn hóa, Phân định ơn gọi.
Câu 24 : Phương diện Thể lý cần quan tâm những mảng nào?
Đáp : Thể lý : Giúp người trẻ rèn luyện thân thể khỏe mạnh, giữ kỷ luật đối với chính bản thân, phòng ngừa các đam mê nguy hại như rượu, bia, ma túy, cờ bạc, nghiện game.
Câu 25 : Còn về phương diện Tâm lý thì sao?
Đáp : Tâm lý : Giúp người trẻ tập luyện các đức tính nhân bản, đặc biệt tính trung thực, ý thức công bằng, lương tâm ngay thẳng, tinh thần trách nhiệm; tạo điều kiện để người trẻ có nhiều cơ hội sinh hoạt cộng đồng, nhờ đó hướng mở tới tha nhân, tập sống chung và làm việc chung với tinh thần liên đới, quảng đại, vị tha; mở các lớp kỹ năng sống về nhận diện giá trị bản thân, trưởng thành tâm lý và tính dục, phát triển tương quan hài hòa với mọi người.
Câu 25 : Phương diện Tâm linh, điều không thể thiếu ?
Đáp : Tâm linh : Giúp các bạn trẻ gặp gỡ và củng cố tình bạn với Chúa Kitô, Đấng đang sống, nhờ cầu nguyện với Lời Chúa, tôn thờ Thánh Thể, tham dự phụng vụ cách tích cực. Để thực hiện mục tiêu này, các mục tử và giáo lý viên cần canh tân việc dạy giáo lý cho giới trẻ bằng cách tổ chức các buổi tọa đàm, thảo luận theo chuyên đề, nhất là những vấn đề thiết thân với giới trẻ.
Câu 26 : Cũng cần phải quan tâm đến lãnh vực Văn hóa ?
Đáp : Văn hóa: không thể tách rời việc đào tạo tâm linh ra khỏi đào tạo về văn hóa. Đào tạo văn hóa đích thực là phát triển sự khôn ngoan, tức là tri thức nhân văn và phát triển nhân bản, chứ không chỉ tìm lợi ích vật chất và hiệu quả cụ thể tức thời (x. Tông huấn Chúa Kitô đang sống, số 223).
Câu 27 : Phân định ơn gọi, một vấn đề mới ?
Đáp : Phân định ơn gọi: người trẻ cũng cần được đồng hành và hướng dẫn trong việc phân định tiếng gọi của Thiên Chúa, kêu mời họ bước vào đời sống tu trì hoặc đời sống hôn nhân, để họ có thể đáp lại tiếng gọi của Chúa với tất cả tự do, ý thức đức tin và quảng đại dấn thân.
Lời Ngỏ của Hội đồng Giám Mục Việt Nam
gửi riêng các bạn trẻ Công giáo tại Việt Nam
Các con rất thân mến,
Khi chiêm ngắm hai người trẻ trong hành trình Emmaus, Đức Thánh Cha Phanxicô viết như sau: “Chúa Giêsu cùng đi với hai môn đệ… Người bước vào trong đêm tối của họ. Khi lắng nghe Người, họ cảm thấy lòng ấm lên và trí sáng ra; khi Người bẻ bánh, mắt họ mở ra. Chính họ chọn đi trở lại ngay lập tức con đường vừa đi, để về với cộng đoàn và chia sẻ kinh nghiệm gặp gỡ Đấng Phục Sinh” (Tông huấn Chúa Kitô đang sống, số 237).
Như hai người trẻ trên đường Emmaus, các con hãy đến với Chúa Giêsu, tâm sự với Người trong cầu nguyện, lắng nghe lời Người trong Sách Thánh, đón nhận sức sống của Người trong Thánh Thể, nhờ đó biết nhìn cuộc đời với cặp mắt mới và nhận ra Chúa luôn đồng hành với các con.
Như hai người trẻ trên đường Emmaus, các con hãy đến với cộng đoàn Giáo hội ở nơi các con đang sinh sống, học hành, làm việc. Đức tin Kitô giáo luôn mang chiều kích cộng đoàn. Các con không sống đức tin một mình nhưng với cộng đoàn và trong cộng đoàn. Hãy tích cực tham gia các sinh hoạt của giáo xứ, hội đoàn, hoặc cộng đoàn Kitô hữu nhỏ; nhờ đó các con cảm nhận được sự nâng đỡ trong những lúc khó khăn, đồng thời học mở lòng ra trước nhu cầu của tha nhân.
Như hai người trẻ trên đường Emmaus, các con hãy mạnh dạn kể lại cho các bạn trẻ khác về kinh nghiệm đức tin của mình, kể bằng lời và bằng chính cuộc sống tốt lành của các con. Hơn ai hết, chính các con phải là tông đồ cho người trẻ, những người cùng trang lứa, sống trong cùng một thời đại và môi trường với các con. Được như thế, các con sẽ trở thành những sứ giả loan báo Tin Mừng của Chúa Kitô Phục Sinh cho mọi người, đồng thời góp phần dựng xây quê hương và dân tộc Việt Nam thịnh vượng, công bằng và hạnh phúc.
Vào thời điểm sứ thần Gabriel truyền tin cho Đức Maria, Mẹ cũng là một người trẻ. Mẹ đã lắng nghe, suy đi nghĩ lại trong lòng, và quảng đại đáp lại tiếng Chúa kêu gọi. Và một khi đã thưa ‘Xin vâng’, Mẹ dấn bước với tất cả tình yêu trung tín, kể cả trong những lúc khó khăn và thử thách nhất. Mẹ thực sự là mẫu gương và hơn nữa, là Ngôi Sao Hy Vọng, dẫn bước chúng ta vượt qua mọi gian nan thử thách để bước đi trên con đường của Tin Mừng. Chúng ta cùng hướng về Đức Maria với tâm tình cậy trông và yêu mến. Nguyện xin Mẹ luôn đồng hành và chúc phúc cho chúng ta.
Làm tại Trung tâm Mục vụ Giáo phận Hải Phòng
Ngày 4 tháng 10 năm 2019
Thư chung được chuyển dạng Hỏi Đáp để tiện việc học hỏi, tìm hiểu cho các đoàn thể, hội nhóm nhưng vẫn tôn trọng nguyên bản của HĐGMVN.
Fx Đỗ Công Minh .
Email : [email protected]