2020
Câu chuyện khó tin về phép lạ của Chân phước Charles de Foucauld
Câu chuyện khó tin về phép lạ của Chân phước Charles de Foucauld
Vào thứ Ba 26.5.2020, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã cho phép công bố 8 sắc lệnh của Thánh Bộ Phong Thánh. Trong các phép lạ được nhìn nhận nơi các sắc lệnh này, có phép lạ của Chân phước Charles de Foucauld. Dưới đây là chuyện kể về phép lạ ấy, xảy ra ở Saumur (Bỉ) vào tháng 11 năm 2016.
Vào thứ Tư 30.11.2016 – áp ngày lễ giỗ 100 năm Cha Charles de Foucauld, một đội ngũ công nhân của xí nghiệp Asselin – chuyên trùng tu các di tích và các tòa nhà lịch sử – đang làm việc trên sườn nhà nguyện của trường học Saint Louis ở Saumur. Trong số các chuyên viên ngành mộc hiện diện trong ngày hôm ấy có Charle – một thợ mộc trẻ 21 tuổi – đang lao động ở giữa vòm ngôi nhà và sườn nhà.
Vào lúc 16g30, một tai nạn dữ dội hiếm có đã xảy ra. Trong một thái độ hấp tấp, anh thợ trẻ bước chân lố qua đường an toàn và đạp lên vòm nhà nguyện. Dưới sức nặng của anh, vòm nhà nguyện bỗng sụp đổ. Charle rơi từ trên cao 15m50 xuống nằm sấp trên một băng ghế nhà thờ. Một mảnh gỗ đâm thủng từ bụng lên đến dưới tim anh. Thật là khủng khiếp! Ông Francois Asselin – chủ xí nghiệp – đã thổ lộ: “Chưa bao giờ xảy ra một tai nạn rùng rợn đến thế!”
Khi ấy người ta tưởng anh đã chết rồi, nhưng điều chưa từng nghe sắp xảy ra. Anh bạn trẻ đứng dậy với mảnh gỗ đâm thâu từ đầu này qua đầu kia. Còn kỳ lạ hơn nữa, anh bước đi khoảng 50m, gặp nhân viên của trường và báo cho họ một vấn đề vừa xảy ra. Sửng sốt khi nhìn thấy hiện tượng này, các nhân viên gọi những người cứu nạn đến bằng trực thăng. Nhưng không thể đem anh lên trực thăng được vì mảnh gỗ kỳ lạ đâm thâu qua người anh. Do đó phải đưa anh đến Angers bằng xe cứu thương. Vẫn còn 45 phút để mọi việc có thể hy vọng cứu được.
“Tôi cho rằng, không thể qua khỏi”
“Tôi được báo cho biết sự việc khoảng 1 giờ 30 phút sau tai nạn, nhưng tôi không biết gì về tình tạng của anh ấy. Tôi chỉ biết sự việc xảy ra – một cú rơi xuống khủng khiếp… Đối với tôi, anh không thể qua khỏi”, Ông Francois Asselin giải thích. Lúc ấy, ông chủ xí nghiệp của 130 nhân công này đang ở Paris. Trước nỗi lo âu hãi hùng, ông chủ xí nghiệp ấy chỉ có một suy nghĩ: phải cầu nguyện. Cùng người vợ, ông gọi điện cho Huynh đoàn Đức Mẹ Nữ Vương Vô Nhiễm mà hai ông bà rất gần gũi, cùng với giáo xứ Saumur của ông. Giáo xứ được thành lập năm 2012 mang tên Cha Charles de Foucauld…
Cha xứ Vincent Artarit kể lại: “Sự trùng hợp thật đáng ngạc nhiên. Khi ông Francois Asselin liên hệ với tôi để báo cho tôi biết tai nạn, chúng tôi đang trong những ngày chuẩn bị mừng lễ Cha Charles de Foucauld.”
Thật vậy, ngày hôm sau, thứ Năm 1.12.2016, đánh dấu 100 năm ngày qua đời của Cha Charles. Trong cả một năm, giáo dân trong giáo xứ đã đặc biệt cầu cho Cha Charles – đã được phong Chân phước vào năm 2005 – có thể được phong thánh vào một ngày nào đó. Chính trong bối cảnh ấy – vào lúc kết thúc tuần cửu nhật chuẩn bị mừng lễ bổn mạng giáo xứ – thì tai nạn xảy đến…
Mẹ của Charle báo tin vào lúc sáng sớm
Mạng lưới cầu nguyện được huy động và đã có hàng trăm người cầu xin Chân phước Charles de Foucauld cầu bàu cho anh bạn trẻ Charle. Cha Ardura – thỉnh nguyện viên án phong thánh – ghi lại trong thủ tục phong thánh: Lúc ấy tức khắc có biết bao nhiêu lời kêu xin của tập thể dâng lên Cha Charles de Foucauld.
Nhiều giờ trôi qua. Ông Francois Asselin gọi cho Bệnh viện, nhưng không nhận được tin tức nào. Ông thuật lại với giọng nói đầy xúc động: “Những đêm ấy mới ngắn làm sao…” Cuối cùng, vào sáng sớm, mẹ của Charle đã gọi cho ông. Chiến thắng rồi! Cuộc phẫu thuật để lấy mảnh gỗ ra đã thành công. Con trai bà đã được cứu sống. Không một bộ phận cơ thể quan trọng nào của Charle bị hư hại. Ông chủ của Charle vẫn chưa hết ngạc nhiên, ông nói: “Thật phi thường! Ba hôm sau, tôi đã có thể đến thăm anh và trao đổi với anh như tôi đang nói với bà đây…”
“Anh không phải xin lỗi… Anh đã được cứu sống!”
Trong phòng bệnh viện ấy, một biến cố khác đã làm cho ông chủ xí nghiệp hết sức cảm động. Ông chủ tịch của Liên đoàn các xí nghiệp lớn và trung bình (CPME) này kể lại: “Khi tôi đến gặp anh, anh lên tiếng xin lỗi tôi… Xin lỗi vì hấp tấp nên đã gây ra nhiều rắc rối… Tôi bỡ ngỡ. Tôi đã phải trả lời anh: ‘Không, anh không phải xin lỗi đâu… Anh đã được cứu sống rồi!”
Tiếp tục nói chuyện với Charle và người mẹ, ông Francois Asselin – rất xúc động vì biến cố này – đã tự mình thuật lại cho họ nghe về cuộc vận động rất lớn để cầu nguyện cho người thợ trẻ này. Và vì thế, ông cũng nói với họ về Chân phước Charles de Foucauld mà họ không biết gì về cuộc đời của ngài. Ông còn tặng cho họ hình ảnh để họ cầu nguyện với Chân phước người Pháp này.
Charle không phài là kitô hữu, nhưng chấp nhận để cho trường hợp của mình được Giáo hội cứu xét.
Hai tháng sau, Charle đã trở về làm việc. Anh không bị một di chứng nào của tai nạn. Đối với nhiều kitô hữu đã theo dõi sự việc, không còn chút nghi ngờ gì nữa: đây chính là một phép lạ, một ánh mắt của Thiên Chúa trong năm thánh này. Sau lễ hội, ông Francois Asselin quyết định khơi dậy sự kiện. Rất khó chôn giấu sự kiện này. “Tôi biết, có lẽ chúng ta đã đi qua một hành trình khác rất dài và vất vả. Nhưng nếu biến cố này thật sự có liên quan đến Cha Charles de Foucauld, thì tôi cảm thấy không có quyền để nó trôi đi. Biến cố này không thuộc về chúng ta, nó vượt quá tất cả chúng ta.”
Charle không phải là kitô hữu, nhưng không chống đối khi trường hợp của anh được Giáo hội cứu xét. Cha xứ Vincent Artarit giải thích: “Phép lạ này chỉ có thể được nhìn nhận, khi từ đầu, Charle chấp nhận cho người ta nói về anh và các nhân viên được xem xét hồ sơ y tế của anh. Charle không nói đến phép lạ, nhưng anh biết rõ rằng anh đã được cứu sống bởi một điều gì đó vượt quá trí hiểu của anh.”
Cha xứ của giáo xứ Saumur lại thấy ở đó có một dấu chỉ: “Khi ta biết đời sống của Cha Charles de Foucauld, thì thật là ngạc nhiên khi thấy phép lạ – được cho là do ngài – lại liên quan đến một người không có đức tin kitô giáo… Điều đó vang dội lại ước mong truyền giáo của ngài là đi loan báo Tin Mừng cho những người không biết Chúa”.
Đối với chúng ta, Ngài đã là thánh rồi …”
Với sự đồng ý của Charle, thủ tục phong thánh đang bắt đầu được tiến hành. Đức Giám mục ở Tamanrasset – nơi Cha Charles de Foucauld chết – đã bắt liên hệ. Ngài chuyển thông tin cho vị thỉnh nguyện viên án phong thánh. Tiếp theo, Đức Cha Delmas – Giám mục của Angers – đã mở cuộc điều tra cấp giáo phận trước khi chuyển hồ sơ về Rôma vào năm 2019. Và vì thế, vào thứ Ba 26.5.2020, ĐTC Phanxicô cho phép công bố 8 sắc lệnh của Thánh Bộ Án Phong Thánh. Trong số những phép lạ được nhìn nhận, có phép lạ của Chân phước Charles de Foucauld.
“Đối với các kitô hữu, Charle rất hạnh phúc vì phép lạ được nhìn nhận”, Cha xứ cho biết. Trong xí nghiệp Asselin, niềm vui cũng tràn ngập. Ông Francois Asselin vui mừng nói : “Tôi không biết phải nói sao với các anh, trong số 130 công nhân có bao nhiêu người tin vào Thiên Chúa, nhưng tin tức này đã làm nổi lên biết bao phấn khởi. Để mừng lễ phong thánh, chắc chắn chúng tôi sẽ tổ chức cái gì đó để có thể hiện diện ở quảng trường Thánh Phêrô. Tôi nghĩ rằng ngay bây giờ sẽ có nhiều người đáp lại lời mời này…”
Chúng ta chưa biết ngày phong thánh của Chân Phước Charles de Foucauld. Cơn khủng hoảng đại dịch chưa cho phép nghĩ đến những cuộc tập họp đông đúc ở Quảng trường Thánh Phêrô. Chúng ta còn phải chờ đợi đến bao lâu nữa? “Đối với chúng ta, Ngài đã là thánh rồi…” Cha Artarit tươi cười nói, ngài xác quyết rằng ánh sáng phi thường của Chân phước người Pháp này hẳn sẽ quy tụ hàng chục ngàn người trên toàn thế giới. “Buồn biết mấy nếu phải cử hành âm thầm kín đáo…”
Hugues Lefèvre (FC) / Lm FX Lê Văn Nhạc chuyển ngữ
2020
Chẳng Nóng Giận
Chẳng Nóng Giận
Giận là có một cảm xúc mạnh không tốt đẹp, đối với một người hay về một việc nào đó. Có những cái giận chính đáng, ví dụ như khi chúng ta thấy người lành bị ức hiếp, khi con cái bị hư hỏng vì cãi lời cha mẹ, khi sự an toàn của gia đình chúng ta bị người khác tước đoạt hay mạng sống người thân bị đe dọa. Những lúc đó chúng ta giận và muốn hành động để can thiệp, cứu vớt, hoặc sửa lại những chỗ sai trật. Đó là những cái giận chính đáng.
Tuy nhiên, khi phân tích sự giận dữ thông thường của con người, các nhà tâm lý học cho biết, chúng ta nổi giận khi người chung quanh làm những điều trái ý chúng ta hoặc điều chúng ta trông mong không xảy ra như chúng ta mong muốn. Ví dụ như ông chồng đi làm về vừa mệt vừa đói, nghĩ rằng ở nhà vợ đã chuẩn bị cơm nước sẵn sàng nhưng về nhà thấy vợ đi shopping chưa về hoặc đang nói điện thoại với bạn mà cơm chưa có, ông chồng sẽ nổi giận vì điều mình trông mong không có. Một ví dụ khác, người vợ đi bác sĩ nhờ chồng đón về nhưng đứng mãi ở điểm hẹn không thấy chồng đến vì chồng mải nói chuyện với bạn quên đi đón vợ. Điều người vợ trông mong đã không xảy ra nên người vợ nổi giận. Nóng giận là một cảm xúc tràn đến với chúng ta thường xuyên mỗi ngày, có người nóng giận luôn luôn, bất cứ chuyện gì cũng có thể nổi giận được.
Người ta cho biết, người nào xem cái tôi của mình càng lớn thì càng hay nóng giận, người nào biết mình có nhiều uy quyền cũng hay nóng giận. Điều này rất đúng, chúng ta thường thấy người trên nổi giận với người dưới, người lớn tuổi nổi giận với người nhỏ tuổi. Trong gia đình cũng vậy, người nào có nhiều uy quyền thì nóng giận nhiều. Các ông chồng hay nổi giận với vợ, cha mẹ nổi giận với con cái. Ngược lại, nếu trong gia đình người chồng hiền lành, người vợ lấn lướt chồng thì trong gia đình đó bà vợ là người hay nổi giận với chồng. Khi cha mẹ quá dễ dãi với con, chiều con quá đáng, khi không được điều theo ý muốn, con cái sẽ nổi giận với cha mẹ.
Nóng giận hay giận dữ là một cảm xúc không tốt đẹp. Lời Thánh Kinh dạy rằng người có tình yêu thật không nóng giận. Thánh Phao-lô viết: “Tình yêu thương hay nhịn nhục, tình yêu thương hay nhân từ, tình yêu thương chẳng ganh tị, chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo, chẳng làm điều trái phép, chẳng kiếm tư lợi, chẳng nóng giận” (I Cô-rinh-tô 13:4-5). Khi chúng ta đối xử với người chung quanh bằng lòng nhân từ, nhịn nhục, không kiêu ngạo, không vì lợi ích riêng thì dĩ nhiên chúng ta sẽ không hay giận. Người có tình yêu thật không nổi giận cách dễ dàng, không đụng đâu giận đó, ai làm gì, nói gì cũng giận, vì người đó có tấm lòng nhân từ, khoan dung, biết nghĩ đến người mình yêu thương.
Tính nóng giận rất nguy hiểm cho hạnh phúc gia đình, vì người hay nóng giận là người ích kỷ, chỉ nghĩ đến điều lợi cho mình chứ không biết nghĩ đến người khác, cũng không thông cảm với người khác. Hơn nữa, khi nóng giận chúng ta dễ có những lời nói hay hành động gây tổn thương cho người chung quanh mà khi nguôi giận chúng ta khó có thể lấy lại hay sửa lại những tổn thương đó.
Để gia đình có một không khí đầm ấm, yêu thương, chúng ta cần làm theo lời Chúa dạy như sau. Thánh Phao-lô khuyên: “Phải bỏ khỏi anh em những sự cay đắng, buồn giận, tức mình, kêu rêu, mắng nhiếc cùng mọi điều hung ác” (Ê-phê-sô 4:31). “Lúc trước anh em sống trong những nết xấu đó và ăn ở như vậy, nhưng bây giờ anh em nên trừ bỏ hết mọi sự đó, tức là sự thạnh nộ, buồn giận và hung ác” (Cô-lô-se 3:7,8). Trong Kinh Thánh hai chữ thường đi đôi là buồn giận và hung ác, hay nóng giận và hung ác. Chúa biết khi giận chúng ta thường có những lời nói hay hành động tàn ác để cho hả cơn giận của mình. Vì thế Lời Chúa dạy chúng ta phải loại bỏ khỏi đời sống những điều buồn giận và hung ác.
Có những ông chồng vì tính hay nóng giận vô lý mà không khí trong gia đình lúc nào cũng nặng nề, khó thở. Cũng có những bà vợ vì hay nổi giận mà chồng con lúc nào cũng e dè sợ sệt, không dám bày tỏ phản ứng cũng không dám nói lên ý kiến của mình. Điều đáng thương cho những gia đình đó là người hay nóng giận không nhìn nhận hay không nhìn thấy khuyết điểm của mình để mà sửa đổi, trái lại có người còn hãnh diện về tính nóng giận của mình. Chúng ta thường nghe những người đó nói: Tính tôi như vậy đó, không đổi được, khôn hồn thì đừng có đụng đến tôi, hoặc: Đã biết tôi hay nóng tính thì đừng có làm gì cho tôi giận. Những người nói như thế là thiếu nhân từ, ích kỷ, không biết nghĩ đến người khác, cũng không có tình yêu thật đối với người thân.
Như vậy nếu vợ chồng muốn bớt đi những lúc giận dữ, cãi vã nhau chúng ta phải làm sao? Thưa quý vị, như chúng tôi đã chia xẻ từ đầu loạt bài này, chúng ta không thể dùng sức riêng hay khôn ngoan riêng của mình để sống với nhau trong yêu thương tốt đẹp như Lời Chúa dạy, nhưng chúng ta phải nhờ vào sức của Chúa. Chúng ta cần đến với Chúa, tin nhận Ngài và dâng cuộc đời chúng ta cho Chúa làm Chủ. Khi có Chúa Cứu Thế Giê-xu ngự trị trong tâm hồn chúng ta và tình yêu của Chúa chan hòa trong cuộc đời chúng ta, chúng ta sẽ có đủ sức để sống với người chung quanh trong ngọt ngào, yêu thương như Lời Chúa dạy.
Khi giận, chúng ta thường có những phản ứng khác nhau, có người thì bày tỏ rõ ràng, nổi giận đùng đùng lên, có những lời nói không đẹp, những hành động gây tổn thương cho người chung quanh, khiến vợ con hay chồng con phải đi tránh nơi khác hoặc nơm nớp lo sợ không biết sẽ có điều gì xảy ra. Có người mỗi khi có chuyện buồn giận ai thì không nổi giận nhưng cố nén giận. Biết là mình đang giận nhưng cố giữ cảm xúc đó trong lòng, không để lộ ra ngoài. Nếu chúng ta nén giận để chờ một cơ hội thuận tiện hơn mới nói ra cái giận của mình thì là điều tốt, đó là người khôn ngoan, làm đúng theo Lời Chúa dạy là: Mau nghe, chậm nói chậm giận. Nếu mỗi khi giận vợ hay chồng mà chúng ta bày tỏ ngay cách mạnh mẽ sẽ dễ làm hay nói những điều đau lòng nhau. Nếu không nói ra, nhưng cứ ôm giữ những buồn giận đó trong lòng, để chồng chất lên hết ngày này sang ngày khác thì rất là nguy hiểm cho hạnh phúc gia đình. Những buồn giận đó sẽ trở thành đắng cay có thể đưa đến chỗ hận thù và không sao giải quyết được.
Cũng có người khi vợ hay chồng làm điều gì khiến mình buồn giận thì không nổi giận cũng không nén giận nhưng nuốt giận, tức là kể như mình không có gì buồn giận cả, không nhận là mình giận nhưng cứ tiếp tục bình thản vui vẻ như không có chuyện gì xảy ra. Người đó muốn tỏ ra mình là người cao thượng, không phiền giận ai cả. Đây là người không sống thật với chính mình. Những vợ chồng sống với nhau như thế cũng khó có hạnh phúc vì người gây ra buồn giận sẽ không biết và không sửa đổi nên điều buồn giận sẽ tiếp tục xảy ra. Trong khi đó người giận mà nuốt giận không nói ra, những phiền giận đó sẽ chất chứa trong lòng và có thể gây ra nhiều chứng bệnh nghiêm trọng khó chữa như căng thẳng thần kinh, đau bao tử, đau tim, cao máu, v.v…
Như vậy khi vợ chồng có điều phiền giận nhau chúng ta nên phản ứng như thế nào? Giận là một trong những cảm xúc quan trọng và cần thiết trong đời sống. Chúng ta không thể biết yêu thương, vui buồn mà không biết giận ghét. Điều quan trọng là chúng ta phải biết lúc nào nên giận lúc nào không nên giận và chúng ta có thể điều không nên giận điều gì, và quan trọng hơn cả, khi giận chúng ta phải xử sự như thế nào. Lời Chúa trong Thánh Kinh không cấm chúng ta giận cũng không dạy rằng giận là có tội, nhưng Lời Chúa dạy rằng chúng ta phải chậm giận, tức là đừng có hay giận và mau giận, khi giận phải kềm chế cơn giận của mình, và điều quan trọng nhất là khi giận đừng có hành động vì lúc đó chúng ta thiếu khôn ngoan sáng suốt, hành động lúc đang giận là điều vô cùng nguy hiểm, sẽ khiến chúng ta phạm tội ác và gây những thiệt hại lớn lao, không bao giờ sửa chữa được. st
2020
Tấm vé hạng sang
TẤM VÉ HẠNG SANG
Có một đôi vợ chồng già nọ sinh sống tằn tiện, tiết kiệm để nuôi 4 người con khôn lớn. Thời gian như thoi đưa, thoắt cái họ đã ở bên nhau 50 năm. Những người con thành đạt của họ bí mật bàn bạc để tặng cho bố mẹ một món quà thật ý nghĩa nhân dịp đám cưới vàng.
Vì biết hai cụ thích nắm tay nhau ngắm ánh hoàng hôn nên các con quyết định tặng cho bố mẹ một chuyến du lịch trên con tàu sang trọng nhất, để hai cụ thỏa sức đắm chìm trong cảnh đẹp hữu tình của đại dương.
Cầm vé hạng nhất bước lên con tàu sang trọng, với sức chứa lên đến hàng nghìn người, hai cụ già không khỏi xuýt xoa, ngạc nhiên. Trên tàu có đầy đủ tiện nghi, nào là bể bơi, phòng ăn sang trọng, rạp chiếu phim… chẳng thứ gì là không có, chỉ có điều giá dịch vụ vô cùng đắt đỏ.
Với hai cụ già sống cả đời tiết kiệm, dù không phải tự thanh toán cho chuyến đi song nghĩ kỹ một chút, sẽ nhận thấy họ không nỡ tiêu tiền.
Vì thế, họ chỉ ngồi trên khoang hạng nhất, quan sát và cảm nhận sự tiện nghi của một con tàu đạt tiêu chuẩn 5 sao, thưởng thức nắng và gió trên mặt biển.
Cũng may vì lo lắng có thể đồ ăn trên tàu không hợp khẩu vị nên hai cụ có đem theo một thùng mì tôm, để lỡ không ăn được đồ trong nhà hàng cao cấp thì còn có đồ ăn chống đói. Nếu muốn đổi khẩu vị có thể mua bánh mì và sữa trong siêu thị trên tàu.
Buổi tối cuối cùng của chuyến đi, cụ ông nghĩ, nếu như về nhà, hàng xóm láng giềng hỏi đồ ăn trên tàu thế nào, mình không biết trả lời làm sao cũng không hay.
Thế rồi ông bàn với bà, quyết định tối đó sẽ dùng đồ trên tàu, dù sao cũng là bữa cuối cùng, ngày mai đã là điểm cuối của hành trình rồi, cũng không sợ dễ dãi với bản thân quá!
Dưới ánh đèn lung linh và tiếng nhạc nhẹ nhàng, cặp vợ chồng già đang trong những ngày tận hưởng đám cưới vàng như tìm lại được niềm vui của những ngày mới yêu.
Thời gian dùng bữa tối đã sắp hết, trong tiếng nâng cốc, cười nói vui vẻ của mọi người, cụ ông gọi phục vụ ra thanh toán, trong khi tâm trạng vẫn chưa hết phấn khởi và hào hứng.
Nhân viên phục vụ lịch sự hỏi: “Bác có thể cho cháu xem vé tàu không ạ?”
Ông cụ có chút bực mình trước câu hỏi đó: “Tôi có trốn vé để lên tàu đâu mà ăn một bữa cơm cũng cần phải xem vé tàu?”
Rồi vừa lẩm bẩm trong miệng, ông vừa lấy vé tàu ra.
Nhân viên phục vụ nhận tấm vé rồi lấy bút ra, tích một nét bút lên rất nhiều ô trống ở mặt sau của vé tàu, đồng thời kinh ngạc hỏi: “Bác ơi, từ lúc bác lên tàu đến giờ bác chưa sử dụng dịch vụ nào ạ?”
Ông cụ càng tỏ ra tức giận hơn: “Tôi sử dụng hay không có liên quan gì đến cô không?”
Nhân viên phục vụ nhẫn nại, đưa trả tấm vé và giải thích: “Đây là vé hạng sang, tất cả mọi dịch vụ bao gồm ăn uống, hát và các hoạt động khác đều đã bao gồm trong vé rồi ạ. Mỗi lần sử dụng dịch vụ, bác chỉ cần đưa tấm vé này ra là được, chúng cháu sẽ tích ghi chú lại ở phía sau là được.”
Hai vợ chồng già nhớ những hộp mỳ họ ăn hằng ngày, lại nghĩ đến việc ngày mai chuẩn bị lên bờ, cả hai đều lặng lẽ không nói một câu.
Lời bình
Thực ra, mỗi chúng ta đều đang ở trên chuyến tàu xa hoa kia và đang sở hữu tấm vé hạng nhất trong tay. Cuộc đời chính là chuyến tàu xa hoa mà ông trời đã ban tặng cho mỗi chúng ta, còn sinh mệnh chính là tấm vé hạng nhất đó.
Khi chúng ta may mắn được thực hiện cuộc hành trình này, tuyệt đối đừng bao giờ để lãng phí tấm vé hạng nhất mà chính ta đang có, đừng bao giờ từ bỏ các khả năng, các cơ hội trải nghiệm cuộc đời.
Rất nhiều người trong cuộc đời chỉ sống một cuộc sống giống như ăn mỳ ăn liền để chống đói, không tương xứng với thứ mà họ được ban tặng, thứ mà họ đang sở hữu bởi đơn giản họ chưa bao giờ nghĩ đến việc sử dụng hoặc căn bản không biết hết giá trị của tấm vé được ban tặng.
Đời người, ngoài việc học tập, công tác, yêu đương, kết hôn và sinh con, còn có rất nhiều việc không thể bỏ lỡ, ví dụ như tranh thủ đi đây đi đó, thỉnh thoảng cùng người nhà, bạn bè ăn một bữa thật lạ, tiếp thu những kiến thức mới, trải nghiệm các phong cách sống khác nhau…
Phần lớn những người ở độ tuổi trung – cao niên đều đã từng phải trải qua một cuộc sống khó khăn, từng có những ngày ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, thế nên khi cuộc sống đã khá hơn, vẫn có người không thể bỏ được thói quen từ những ngày xưa.
Đó chính là hai cụ già sở hữu những tấm vé hạng nhất và ăn mỳ tôm chống đói trong suốt chuyến du lịch trong câu chuyện ở trên.
Chúng ta ngồi trên một con tàu sang trọng, vậy chúng ta hãy mạnh dạn tận hưởng những niềm vui mà con tàu đó mang lại cho mình, đừng xem nhẹ nhu cầu của bản thân, càng đừng nên chỉ nghĩ đến việc tiết kiệm tiền.
Tiết kiệm tiên không phải là nhiệm vụ của chúng ta.
Nhiệm vụ của chúng ta là chăm sóc tốt bản thân, bớt gây rắc rối cho con cái.
Đối xử tốt với bản thân một chút, học cách ăn uống, vui chơi thật thoải mái, như thế mới không phụ tấm vé hạng nhất không dễ gì mà có được đó!
Hãy nghĩ xem, bạn đã tận dụng thật tốt tấm vé hạng nhất của mình hay chưa? Đừng đợi đến lúc phải xuống thuyền rồi mới hối hận./.
Sưu Tầm
2020
1 biểu hiện đặc trưng của những người xuất sắc
Có nhiều yếu tố làm nên sự khác biệt giữa người xuất sắc và người bình thường. Dưới đây là một yếu tố vô cùng quan trọng không thể không đề cập tới.
Từ chuyện ăn uống mùa dịch …
Thời kỳ dịch bệnh, nhiều người vì phải ở nhà cả ngày, ít luyện tập thể dục nên tăng cân vùn vụt, thậm chí có người béo tới nỗi không nhận ra.
Nhưng cũng có rất ít người, vẫn luôn giữ được vóc dáng đẹp. Thực tế hoàn toàn không phải họ bẩm sinh không béo, mà do mỗi ngày họ đều duy trì chế độ ăn uống hợp lý, thay vì ăn uống quá nhiều.
Hàng ngày họ kiên trì tập luyện yoga, nâng tạ, tập cơ bụng, thay vì buông lỏng bản thân.
Tôi từng đọc một câu hỏi: Tại sao phải cẩn thận với những người ăn tết không bị tăng cân?
Có một bình luận nhận được nhiều sự đồng tình như sau: Không phải là họ không dễ tăng cân, mà là họ không cho phép mình tăng cân. Không phải họ hà khắc với cơ thể mà họ hà khắc với chính họ.
Có thể mỗi chúng ta đều có cảm giác, chúng ta sống ra sao không ai biết, nhưng người ta chỉ cần nhìn lướt qua cũng phát hiện ra chúng ta có tăng cân hay không.
Thực ra, năng lực kiểm soát tốt cơ thể hoàn toàn không có gì ghê gớm. Nhưng chúng ta không thể không ngưỡng mộ những người mười năm cũng như một ngày, đều kiểm soát tốt vóc dáng của mình.
Những tưởng họ đang kiểm soát vóc dáng, nhưng thực chất họ đang làm chủ cuộc đời của chính mình.
Nhiều lúc, sự khác biệt giữa chúng ta và người khác thực sự không phải là ở vài cân khối lượng cơ thể, mà là tính tự kỷ luật, tự kiểm soát và đòi hỏi bản thân, ẩn sau khối trọng lượng đó.
… đến chuyện giải trí mùa dịch
Trong giai đoạn bệnh dịch, khi rất nhiều người còn đang mải mê cày phim, lướt điện thoại, chơi game thì họ luôn không ngừng học tập và siêng năng.
Có trường hợp, một người thanh niên, mắc bệnh phải nhập viện, vẫn gạt bỏ được những ồn ào bên ngoài và tâm trạng lo lắng để tập trung nằm trên giường bệnh đọc sách.
Ai đó từng nói rằng, muốn biết một người có ý thức kỷ luật hay không, chỉ cần cho họ một chút tự do.
Một vài người, lấy cớ bệnh dịch để buông thả, lười biếng và trì hoãn, nhưng cũng có người lại coi đó là cơ hội để rèn luyện, cọ xát bản thân.
Thực tế, một người tự kỷ luật, cho dù ở trong hoàn cảnh nào cũng đều nghiêm khắc yêu cầu bản thân.
Franklin từng nói: “Tôi chưa từng gặp ai dậy sớm, siêng năng, thận trọng và trung thực mà phàn nàn về số phận. Tính cách tốt, thói quen lành mạnh, ý chí kiên cường, sẽ không bị đánh bại bởi thứ gọi là vận mệnh.”
Một người có thể bình tĩnh, học hỏi hơn bạn, có thể không chỉ hơn bạn vài điểm số, hiểu biết hơn bạn vài phần, xuất sắc hơn bạn vài thứ.
Mà tính tự kỷ luật ngấm trong máu họ sẽ dẫn dần giúp họ bỏ xa khoảng cách với những người bình thường, khiến người khác không theo kịp, thậm chí lội ngược dòng vận mệnh chính mình.
Dịch bệnh xảy ra, quy luật cuộc sống của nhiều người bị đảo lộn.
Nếu như trước đây đúng giờ thức dậy đi làm, thì sau đó phải đợi mặt trời lên cao mới buồn thức dậy. Trước đây, buổi tối đi ngủ đúng giờ, nhưng sau đó lại cày đêm tới 2, 3 giờ sáng.
Trên thực tế, đồng hồ sinh học bị xáo trộn, có tác hại cực kỳ xấu đến cơ thể, cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người. Nhưng cho dù biết sự thật đó, con người vẫn không thể kiểm soát tốt cho bản thân.
Một nhóm tác giả, vẫn duy trì việc thức dậy mỗi sáng vào lúc 5:30. 11:00 mỗi tối, bạn sẽ không còn thấy họ gửi tin nhắn. Thông thường vào giờ đó, họ sẽ tắt điện thoại, chìm vào giấc ngủ.
Thậm chí có người giỏi hơn, khoảng 2 tháng ở nhà, không ngày nào họ nằm ườn trên giường, cũng không thức đêm chơi bời một ngày nào.
Bởi vì dậy sớm hàng ngày, nên họ có thêm nhiều thời gian đọc sách, viết lách. Cũng vì ngủ sớm mỗi ngày nên họ đảm bảo được giấc ngủ và nghỉ ngơi đầy đủ, nên cho dù không ra khỏi nhà, họ vẫn duy trì được sức khỏe, tinh thần phơi phới, không ngừng nâng cao sức mạnh và vốn có của mình.
Trên mạng từng có một câu nói: “Thức đêm là do không có đủ dũng khí kết thúc ngày hôm nay, nằm ườn trên giường là do không có dũng khí bắt đầu ngày hôm nay.”
Dường như những người ngủ sớm dậy sớm, làm việc và nghỉ ngơi đều quy củ hơn, phong thái cũng tốt hơn. Trên thực tế, họ giỏi hơn bạn ở chỗ, họ có khả năng hành động hơn bạn, khả năng thực hiện hơn bạn, thậm chí họ hiểu rõ mục tiêu và kế hoạch tương lai của bản thân hơn bạn.
Lời kết
Khoảng cách giữa tự kỷ luật và không tự kỷ luật dường như rất nhỏ.
Nhìn bề ngoài:
Người có thể quản được cái miệng, sải được bước chân, có thể chỉ nhẹ hơn bạn vài cân.
Người bình tâm, học hỏi hơn bạn có thể chỉ hơn bạn vài điểm số.
Người sắp xếp hợp lý công việc và nghỉ ngơi hơn bạn, có thể chỉ có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn bạn.
Nhưng xét từ góc độ bản chất mà nói:
Người có ý thức kỷ luật hơn bạn, có nhiều cơ hội và lựa chọn hơn bạn.
Người có ý thức kỷ luật hơn bạn, luôn dễ dàng đạt được thành công hơn bạn.
Người có ý thức kỷ luật hơn bạn, sở hữu nhiều quyền lợi và tự do làm chủ cuộc sống hơn bạn.
Trên thực tế, sở dĩ chúng ta ngưỡng mộ và mong muốn trở thành người tự kỷ luật là bởi vì chúng ta hiểu, chỉ có người tự giác kỷ luật mới có thể có được nhiều hơn thứ mà họ muốn.
Nhưng nhiều lúc, chúng ta không khống chế được sự lười biếng, không kiểm soát được sự trì hoãn của bản thân, không chế ngự được bản tính ham chơi của mình.
Thực ra, rèn luyện ý thức kỷ luật rất dễ dàng, chỉ cần bạn muốn có vóc dáng đẹp, bạn muốn có được thành tích tốt, và bạn muốn biến mình trở thành hình mẫu mình yêu thích. Một khi mục tiêu rõ ràng, mọi thứ đều trở nên dễ như trở bàn tay.
Nhưng để thực sự tự giác lại là việc rất khó khăn. Bởi để đạt được mục tiêu, bạn chỉ có thể lặp lại một cách khô khan, nỗ lực khổ hạnh như những vị tăng nhân, mười năm cũng như một ngày đều kiên trì, có như vậy bạn mới thực hiện được mong ước rèn luyện, kiến tạo bản thân.
Có thể tự kỷ luật và không tự kỷ luật, không có quá nhiều sự khác biệt trong một, hai ngày, hay một, hai năm nhưng ngày này qua tháng khác, khoảng cách giữa người với người sẽ chẳng khác nào giữa trời và đất.
Những người tự giác kỷ luật, không nhất định xuất sắc nhưng những người xuất sắc, chắc chắc đều có ý thức tự giác, kỷ luật tốt. Và những người không có tính kỷ luật tự giác, ắt hẳn không phải là người xuất sắc. st