Yêu thương và những góc tăm tối trong mỗi con người
Nhiều người cho rằng khi viết về cái ác cũng như cái xấu, khó có ai vượt qua được Dostoyevsky…
Fyodor Dostoyevsky mãi là “tượng đài lớn” trường tồn cùng nền văn học hiện đại. Hơn một thế kỷ, người ta vẫn say sưa đọc những tác phẩm của ông và đau đáu nghĩ về chính mình. Ngẫm ngợi về thân phận con người trong guồng quay của cuộc sống hiện đại, khi bị thế lực vô hình của đồng tiền bủa vây. Lúc đó, ta chợt nhận ra rằng: nếu đã lăn lộn với cuộc đời, mà vẫn giữ được tấm lòng lương thiện, đến phút cuối cùng ấy mới là điều khiến người ta ngưỡng mộ.
Năm 1849, tòa án của Nga đã tuyên bố tử hình văn hào nổi tiếng này. Ông may mắn thoát chết vì được Sa Hoàng ân xá vào phút chót. Trong suốt gần 20 năm sau đó, Fyodor Dostoyevsky trải qua muôn vàn cơ cực: phải lao động khổ sai tại biên giới gần Mông Cổ, cha và vợ đều qua đời do bạo bệnh, phải trốn chạy khỏi nước Nga vì bị nghi ngờ tham gia vào các âm mưu phản động.
.
Tập truyện ngắn Những đêm trắng.
.
Những biến động ấy trở thành “điểm đứt gãy” trong cuộc đời Fyodor Dostoyevsky. Từ đây, ông suy ngẫm nhiều hơn về cuộc sống và bản chất của con người. Tập truyện ngắn Những đêm trắng là tác phẩm đánh dấu “bước ngoặt” trong sáng tác của đại văn hào, dường như ông trầm tư và ngẫm ngợi nhiều hơn.
Nỗi buồn của kẻ mải miết đi tìm tình yêu
Với truyện ngắn Những đêm trắng, văn hào người Nga đưa người đọc đến đô thành Saint Petersburg hoa lệ. Ở nơi đó có một chàng viên chức nghèo luôn mơ mộng về những điều lãng mạn. Chàng buồn cho những ngôi nhà cũ bị người ta phá bỏ, hay ngang nhiên khoác lên mình nó một màu sơn mới kệch cỡm. Chàng cứ ở yên trong thế giới của chính mình, để gặm nhấm nỗi cô đơn.
Đến một ngày, chàng đi dạo trên phố và vô tình gặp nàng Nastenka với gương mặt hiền lành pha nét buồn phảng phất. Vẻ rụt rè của chàng trai nhút nhát khiến cô gái vừa buồn cười, vừa thương hại.
Trong tình yêu cần phải có sự cảm thông và thấu hiểu, nó sẽ trở thành chất keo gắn bó hai con người xa lạ. Tranh: Chez le pere Lathuille của họa sĩ Edouard Manet.
.
Nastenka đã đưa chàng viên chức bước ra khỏi “vỏ ốc” của sự cô độc. Hai người bước vào thế giới của nhau và bắt đầu lắng nghe đối phương. Cô gái trẻ kể cho người bạn mới quen về tuổi thơ nổi loạn của mình. Khi ấy, cô luôn tìm cách thoát khỏi tầm kiểm soát của người bà tội nghiệp. Khó khăn ập đến khiến hai bà cháu phải cho thuê căn phòng còn trống trong nhà để trang trải. Những người khách trọ cứ thế đến rồi đi. Nhưng không phải sự ra đi nào cũng là mãi mãi.
Có chàng trai trẻ đã gieo vào lòng Nastenka tình yêu đầu đời. Nàng nhớ về anh ta, sau đó bật khóc. Và rồi, cô gái với vẻ ngoài dịu dàng ấy lại gieo vào tim anh viên chức nghèo những yêu thương. Chàng cứ ngỡ nàng cũng yêu mình. Khi kẻ khờ ấy, đang lâng lâng trong hạnh phúc, thì “người tình trong mộng” của Nastenka trở về. Nàng đến bên tình yêu mà mình đã ngóng đợi bao lâu nay, còn chàng viên chức lại trở về với “ốc đảo” của riêng mình.
Liều thuốc độc đến từ cuộc hôn nhân không tình yêu
Truyện ngắn Cô gái nhu mì bắt đầu bằng một vụ tự sát. Đêm hôm đó, là những thời khắc cuối cùng ông chủ tiệm cầm đồ được ở bên cạnh người vợ trẻ của mình. Nàng đang nằm trong quan tài, ngày mai người ta sẽ đưa nàng đi. Những hồi ức của thuở ban đầu, chợt sống lại trong lòng người đàn ông đang đau khổ. Vợ của ông chủ tiệm cầm đồ vốn là một cô gái tỉnh lẻ, vì hoàn cảnh xô đẩy nên lưu lạc đến Saint Petersburg. Khi ấy, nàng chỉ mới 16 tuổi, phải sống nhờ vào sự cưu mang của những người dì độc địa.
Họ bắt nàng làm việc như kẻ ở, nhưng lại luôn coi đứa cháu gái là thứ “ăn bám”. Kết hôn với ông chủ tiệm cầm đồ là cứu cánh duy nhất, để cô gái đáng thương thoát khỏi cuộc sống khốn khổ. Lúc đó, chồng tương lai của nàng đã bước vào tuổi bốn mươi. Ông ta xem cô vợ trẻ của mình như một thứ đồ trang sức, làm hào nhoáng thêm cho cuộc đời sung túc của người đàn ông thành thị.
.
Đại văn hào Nga Fyodor Dostoyevsky (1821-1881)
Cuộc hôn nhân đó giống như một sự ban ơn, một sự cứu rỗi đối với cô gái tội nghiệp. Thoát khỏi cảnh sống bức bối ở nhà các dì, nàng lại phải chịu sự ngột ngạt khi sống cùng người chồng độc đoán. Mỗi tháng, nàng chỉ được đi xem kịch có một lần, muốn làm điều gì cũng phải lựa ý chồng. Với ông chủ tiệm cầm đồ, chỉ cần lo cho vợ một cuộc sống sung túc thì đã là quá đủ. Khi biết mình không thể sống cùng các dì, nàng kết hôn như một cách chạy trốn. Để rồi, nàng tìm đến cái chết để chạy trốn cuộc hôn nhân không hạnh phúc.
Suốt mấy chục năm cầm bút Fyodor Dostoyevsky luôn trăn trở và mong mỏi thấu hiểu con người. Điều đó được thể hiện rõ nét qua hàng loạt các tác phẩm của đại văn hào như: Tội ác và trừng phạt, Anh em nhà Karamazov, Lũ người quỷ ám hay Chàng ngốc. Nhiều người cho rằng: khi viết về cái ác cũng như cái xấu, khó có ai vượt qua được Dostoyevsky. Ông viết về những mặt trái trong tâm hồn con người để tiếc thương cho những số phận bị cướp đi quyền được sống một cuộc đời bình yên và hiền lành.
Tập truyện Những đêm trắng chính là “cuộc đối thoại” giữa tình yêu và những mặt trái bên trong con người. Yêu thương là một quá trình tranh đấu, ở đó con người vượt qua sự ích kỷ của bản thân để học cách thấu hiểu và yêu thương người khác. Những kẻ cô đơn luôn mong mỏi tìm được tình yêu. Nhưng thật đáng tiếc, những thứ na ná tình yêu lại kéo họ xuống hố sâu tuyệt vọng. Thụy Oanh