2020
Những đặc điểm tiêu biểu của một người chồng mẫu mực
Tự bản thân người chồng phải luôn khẳng định rằng mình là ai trong gia đình và mình phải sống, cư xử và hành động như thế nào để xứng đáng là người gia trưởng, người thuyền trưởng, người lãnh đạo trong gia đình. Ông bà ta thường nói “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Đàn ông xây nhà, điều đó giúp ta liên tưởng tới hình tượng người chồng, người cha, người chủ trong gia đình. Họ có bổn phận xây dựng nền móng sao cho ngôi nhà gia đình được vững chắc, sao cho mọi thành viên sống trong đó được an toàn, êm ấm, sao cho mái nhà bằng vật chất luôn giữ được tình thương của mái ấm gia đình.
Đại văn hào Pháp Victor Hugo đã nói: “Ngôi nhà được xây bằng gỗ đá, bằng ngói, bằng cột bằng kèo. Gia đình được xây bằng những việc làm yêu thương. Nó sẽ trụ vững một ngàn năm”. Người chồng là gia trưởng chắc chắn sẽ phải là một nhân tố quan trọng trong việc vun trồng và phát triển tình yêu và hạnh phúc trong gia đình. Để đạt được điều đó, họ phải chứng tỏ mình có những phẩm chất và năng lực cần thiết mà bất kỳ người chồng nào cũng cần có nhằm đáp ứng kỳ vọng của người bạn đời mình.
Sau đây, ta có thể kể ra bảy đặc điểm tiêu biểu của một người chồng mẫu mực.
1- MẪU MỰC VỀ SỰ TRƯỞNG THÀNH TRONG TÌNH YÊU
Phần đông phụ nữ rất sợ sống với một người chồng “trẻ người non dạ”, chưa đủ trưởng thành về tâm lý và trong tình yêu. Họ sống vô tâm, vô tư, vô lo và ham chơi. Những tuýp chồng này chưa đủ độ chín để có thể dành trọn tình yêu cho gia đình, cho vợ, cho con. Họ không hiểu tình yêu một cách đúng đắn và xem hôn nhân như một cuộc chơi, một canh bạc. Thích thì ở với nhau, chán thì bỏ nhau ngay. Chính vì vậy mà tình trạng ly hôn sớm nơi những đôi vợ chồng chưa trưởng thành, thiếu trải nghiệm luôn ở mức báo động. Người ta gọi những vụ ly hôn sớm của những đôi vợ chồng này là ly hôn xanh.
Chúng ta biết rằng, khi còn quá trẻ hay chưa đủ trưởng thành, người chồng thường không có được những suy nghĩ chín chắn về tình yêu lứa đôi một cách nghiêm túc. Họ chưa từng trải nhiều nên thường không có khả năng tiên liệu về những yếu tố ảnh hưởng đến đời sống hôn nhân gia đình. Hệ quả là họ nhanh chóng nhận ra hôn nhân là một gánh nặng không thể chịu đựng được và thường quyết định ly hôn ngay khi có thể.
Một tác giả đã nhắc đến sự cần thiết của sự trưởng thành về tình cảm như sau: Người đàn ông cần có một độ chín chắn nhất định, phải trưởng thành trong cảm xúc để sẵn sàng đối mặt với sóng gió và thất vọng trong cuộc sống. Khi xảy ra vấn đề, anh ta cần biết cách xử lý khôn ngoan và an toàn thay vì sốc nổi như một đứa trẻ. Cuộc sống nhiều biến động, điều quan trọng là anh ấy có thể đối mặt với các tình huống ấy một cách kiên cường, thậm chí phải nâng đỡ được bạn đời. Khả năng này sẽ quyết định chặng đường bình yên trong hôn nhân của hai người. [1]
Một người chồng mẫu mực luôn coi tình yêu là yếu tố quan trọng hàng đầu trong đời sống hôn nhân gia đình. Và người ấy sẽ thể hiện tình yêu theo lời nhắn nhủ của thánh Phao-lô, như sau: “Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thông cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau. Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo…” (x. Cl 3,12-14).
2- MẪU MỰC VỀ KHẢ NĂNG LÃNH ĐẠO
Người ta thường liên hệ vai trò của người chồng trong gia đình với 3 hình ảnh: gia trưởng, thuyền trưởng và huynh trưởng. Tất cả những danh hiệu đều nói lên vai trò lãnh đạo chủ yếu của người chồng, người cha trong gia đình.
Người chồng đích thực là người gia trưởng, là người chịu trách nhiệm chung về mọi sinh hoạt và những liên đới trong gia đình. Người ấy sẽ thực hiện những nhiệm vụ cá biệt thích hợp liên quan vai trò lãnh đạo gia đình của mình. Những việc mà người chồng thực hiện sẽ đóng góp rất lớn vào việc xây dựng gia đình thành mái ấm tràn ngập yêu thương và hạnh phúc.
Có thể liệt kê ba nhiệm vụ chính sau đây của người gia trưởng: nhiệm vụ quản gia, nhiệm vụ quản lý và nhiệm vụ quản giáo.
Quản gia: Người ta vẫn thường hiểu người quản gia là người được thuê mướn để trông coi nhà cửa và làm các việc vặt trong nhà theo lệnh của gia chủ. Tuy nhiên trên thực tế, người chồng người cha trong gia đình cũng là một quản gia. Họ có nhiệm vụ quán xuyến các việc lớn nhỏ trong gia đình. Họ thức khuya dậy sớm. Họ lao động cật lực với đủ mọi thứ công việc mà không đòi hỏi lương bổng. Trách nhiệm của họ là tạo dựng một gia đình thành một tổ ấm trong đó mọi sinh hoạt được thực hiện một cách trôi chảy, tốt đẹp.
Tuy nhiên, phải thừa nhận điều này là cũng có nhiều vị gia trưởng không chu toàn bổn phận người chồng người cha của mình. Họ không hề quan tâm đến gia đình và những gì xảy ra ở đó. Sự hiện diện của họ trong gia đình rất mờ nhạt, bởi họ sống trong gia đình như một khách trọ. Đây là mẫu người đàn ông thuộc tuýp người “vô tâm – vô tư – vô lo – vô cảm – vô tích sự”. Thậm chí họ còn làm cho “nửa kia” có cảm giác đó không phải là bạn đời của mình nữa!
Người gia trưởng cũng còn là người quản lý của gia đình nữa. Quản lý ở đây không phải là độc đoán nắm giữ, điều hành tất cả, mà là quán xuyến mọi việc gia đình. Họ biết nắm bắt các nhu cầu của cả gia đình và của mỗi thành viên trong gia đình. Từ việc lớn đến việc nhỏ. Việc lớn có thể là xây cất sửa sang nhà cửa, mua sắm trang bị cho gia đình, việc sinh hoạt học hành của con cái vv. Việc nhỏ có thể liên quan đến cái ăn cái mặc, kế hoạch chi tiêu trong gia đình. Dù gia đình ở trong hoàn cảnh nào bất kỳ, người gia trưởng tốt sẽ luôn quan tâm, lo lắng và điều hành các việc trong gia đình sao cho suôn sẻ, trôi chảy…
Cuối cùng, chúng ta biết rằng trong gia đình, con cái không thể thiếu bóng dáng và sự hiện diện của người cha được. Bởi như người ta thường nói: “Con không cha như nhà không nóc”. Cha mẹ không chỉ sinh con, nuôi con, mà còn phải dạy dỗ, giáo dục con cái nữa. Và đây là nhiệm vụ quan trọng nhất. Việc này thì kéo dài cả đời. Vì mười năm trồng cây, nhưng mất trăm năm trồng người. Hơn ai hết, người gia trưởng quan tâm và đầu tư công sức cho việc giáo dục con cái. Không thể khoán trắng việc này cho người vợ được. Có thể gọi đây là nhiệm vụ quản giáo của gia trưởng trong gia đình.
Trước hết họ kết hợp chặt chẽ với người bạn đời trong việc định hướng mục đích và các phương pháp giáo dục. Kế đến là kiên nhẫn thực hiện việc giáo dục con cái như thế nào cho thật hiệu quả và thích hợp. Sau đó, chính họ thường xuyên quan tâm theo dõi đời sống và các sinh hoạt của con cái để đáp ứng các nhu cầu của chúng, giúp đỡ chúng phát triển mọi mặt và đạt tới sự trưởng thành cần thiết. Một điều quan trọng mà chúng ta cần lưu ý là chính bản thân người gia trưởng luôn phải là tấm gương sáng cho con cái về mọi mặt. Làm gương sáng đó chính là một phương thế giáo dục hiệu quả nhất, vì “Lời nói như gió lung lay, gương bày như tay lôi kéo”.
Người chồng mẫu mực luôn là một nhà lãnh đạo tài giỏi, có kỹ năng tốt, có lương tâm, có đạo đức và nhất là luôn là một tấm gương sáng trong gia đình.
3- MẪU MỰC VỀ TƯ CÁCH ĐẠO ĐỨC
Người phụ nữ nào cũng ước mong mình có một người chồng đạo đức, chuẩn mực và có lòng bao dung. Và họ cũng rất sợ những ông chồng nào vô đạo đức, sống buông thả, sống ích kỷ, sống vô kỷ luật…
Một tác giả đã viết như sau: Chúng ta biết rằng, trong gia đình, người chồng không có đạo đức thì không biết lo tròn bổn phận của mình, người chồng không có đạo đức thì suốt ngày lè nhè chửi mắng vợ con, vì là bợm nhậu; cuối tháng lãnh lương thì cùng bạn bè đi nhậu bia ôm, hát karaokê… Mọi việc trong nhà thì hoàn toàn một tay vợ trông coi, nhưng ông chồng lại không biết điều ấy, cứ lấy quyền làm chồng mà xử tệ với vợ con vv. Trái lại, một ông chồng có đạo đức thì biết chu toàn bổn phận của một người cha, người chồng trong gia đình, biết yêu thương vợ, biết giáo dục con cái theo tinh thần Phúc Âm, nghĩa là biết thực hành Ðức Ái ngay trong cuộc sống gia đình, biết ý thức vai trò to tát mà Thiên Chúa đã “phân quyền” cho, để tiếp tục tạo ra con người mới, sự sống mới mà không oán trách, than van. [2]
Một người chồng đạo đức thì luôn biết cư xử cách bao dung, tế nhị. Thánh Phao-lô đã khuyên nhủ đôi bạn sống bí tích và mầu nhiệm hôn nhân dựa trên mẫu mực tình yêu và mối tương quan gắn bó giữa Chúa Ki-tô và Hội thánh. Đức Ki-tô đã yêu thương Hội thánh, đã hiến mình vì Hội thánh, đã chăm sóc, nuôi dưỡng Hội thánh, đã hy sinh cứu chuộc Hội thánh thế nào thì vợ chồng cũng phải sống và đối xử với nhau như vậy.
Một cách cụ thể, thiết thực hơn, tình yêu trong hôn nhân Ki-tô hữu cũng phải phỏng theo lòng mến Ki-tô giáo, là điều mà thánh Phao-lô đã nhắc nhở trong thư 1Cor: “Lòng mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Lòng mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả…” (x. 1Cor 13, 4-7).
Thiết nghĩ, để sống trọn vẹn lòng mến như thế, một người chồng mẫu mực phải hy sinh, phải từ bỏ chính mình, phải quảng đại bao dung, phải chấp nhận cái chết-vì-yêu như Đức Ki-tô. Nhờ xây dựng trên nền tảng tình yêu ấy, cuộc hôn nhân của đôi bạn sẽ bền vững và hạnh phúc lâu dài.
Người đàn ông mẫu mực về tư cách đạo đức sẽ không bao giờ khiến bạn đời mình bị tổn thương, thất vọng, trái lại người ấy sẽ luôn là nguồn động viên an ủi và là chỗ dựa vững chắc cho người vợ thân yêu của mình.
4- MẪU MỰC VỀ LÒNG CHUNG THỦY
Vừa qua, trên trang vnexpress.vn có bài viết tựa đề “Vì sao có những cuộc hôn nhân chết yểu?”, tác giả đã đề cập đến vấn đề “Hôn nhân không chung thủy”, như sau:
Hôn nhân là sự kết hợp của hai tâm hồn đồng điệu. Thế nên, điều cấm kỵ nhất của hôn nhân chính là một trong hai phía có hành vi không chung thủy, phá vỡ sự đồng điệu đó. Trong hôn nhân, tác động của sự thiếu chung thủy là vô cùng lớn, ví dụ gây cú sốc tinh thần to lớn cho nửa kia, làm mất sự tin tưởng và nảy sinh những cảm xúc tiêu cực: căm hận, ghen tuông, nghi ngờ…, kéo theo đó là những hành xử thiếu tử tế với đối phương. Ngay cả khi ngoại tình chấm dứt, thì những vết thương nó để lại vẫn tồn tại theo thời gian, trở thành vết sẹo khó lành trong lòng nửa kia.
Kết quả một điều tra, thăm dò xã hội được thực hiện bởi chuyên trang Best Life (Mỹ) gần đây trên 441 người đã có gia đình và ngoại tình cho thấy, hơn một nửa (54,5%) đã chia tay ngay sau khi sự thật lộ ra. 30% khác cố gắng ở bên nhau nhưng cuối cùng đã chia tay, và chỉ 15,6% có thể duy trì quan hệ sau sự đổ vỡ lòng tin này”. [3]
Có thể nói, tình yêu và lòng chung thủy giữa hai vợ chồng được ví như ánh sáng và sức nóng của một ngọn nến. Ánh sáng càng rực cháy thì sức nóng càng mãnh liệt. Do đó, tình yêu trong hôn nhân là nền tảng quan trọng nhất và tình yêu ấy phải chân thực, tự do và bền vững như một sợi giây kết nối bền chặt hai người lại. Ai cũng biết tâm lý chung của đàn ông là mau chán và hay thay đổi. Đàn ông có thể yêu sở thích, bạn bè, sự nghiệp hơn gia đình, vợ con. Đàn ông có thể chia năm sẻ bảy tình cảm của mình cho một đối tượng nữ khác, theo cảm tính và ý thích riêng của mình.
Chính vì lí do đó mà khi cử hành bí tích hôn phối, hai người nam nữ đã phải công khai tuyên hứa về tình yêu và sự chung thủy của mình đối với bạn đời, lúc thịnh vượng cũng như lúc gian nan, lúc mạnh khỏe cũng như lúc đau yếu…
Một người chồng mẫu mực sẽ luôn coi trọng vấn đề chung thủy trong đời sống vợ chồng. Bởi vì lòng chung thủy chính là thước đo tình yêu của người chồng dành cho bạn đời mình.
5- MẪU MỰC VỀ TINH THẦN TRÁCH NHIỆM
Những ai thường xuyên theo dõi một số chương trình trên truyền hình HTV 7 chuyên đề về hôn nhân gia đình, như “Vợ chồng son” hay “Tâm đầu ý hợp”, đều nhận thấy rằng các bạn nữ giới rất quan tâm đến tinh thần trách nhiệm của người chồng, người cha trong gia đình. Bởi vì trên thực tế hiện nay, nhiều đấng mày râu xem ra lơ là trách nhiệm trong gia đình. Có người khoán trắng tất cả mọi việc lớn nhỏ trong gia đình cho người vợ, khiến cho người nữ mệt mỏi, suy sụp vì công việc quá tải.
Quả thực, người phụ nữ nào cũng rất sợ người chồng sống vô trách nhiệm. Bởi trong gia đình, người đàn ông là cột trụ, là lãnh đạo, là chỗ nương tựa cho mọi người liên hệ. Nếu người chồng thiếu trách nhiệm gia trưởng của mình, thì điều đó sẽ ảnh hưởng rất xấu tới hạnh phúc, hòa khí và sự tiến bộ chung của gia đình. Bởi, trong bất kỳ gia đình nào và trong hoàn cảnh nào, người chồng luôn bị ràng buộc bởi trách nhiệm của người đứng đầu gia đình. Trách nhiệm yêu thương nâng đỡ vợ, con. Trách nhiệm xây dựng mái ấm gia đình hạnh phúc. Trách nhiệm lèo lái vận mệnh gia đình. Trách nhiệm kiến tạo một gia đình đạo hạnh và gương sáng. Như một danh nhân đã nói, “Trong hôn nhân, người ta chia đôi quyền lợi và nhân đôi trách nhiệm” (Arthur Schopenhauer).
Tục ngữ VN có câu: “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Điều đó cho thấy sự phân chia trách nhiệm trong gia đình là quá rõ, vì thế người phụ nữ luôn kỳ vọng nơi chồng mình ý thức trách nhiệm cao, đồng thời ý thức đó phải được thể hiện qua những việc cụ thể hằng ngày. “Kẻ thì xay lúa, người thì bồng em”…là vậy.
Tiến sĩ Trần Mỹ Duyệt, trên trang web của UB Mục vụ Gia đình (HĐGMVN), trong bài viết “Phụ nữ muốn gì ở người chồng của mình?”, đã đưa ra 3 cái CÓ của người chồng trong đó ông nhấn mạnh chồng phải có trách nhiệm như thế nào. Tác giả viết như sau:
Trách nhiệm chính của chồng là yêu thương, bao bọc, che chở và lo lắng cho hạnh phúc của vợ. Nhiều người chồng vẫn hiểu một cách quá đơn sơ và cho rằng mình đi kiếm tiền về nuôi vợ, nuôi con là xong trách nhiệm. Ðó là hình ảnh mà tôi thường gặp trong lãnh vực nghề nghiệp. Nhiều người chồng còn tệ hơn, không những không lo được cơm áo cho vợ mà còn trở thành gánh nặng của vợ. Không chỉ vợ, mà cả con cái cũng nheo nhóc, khổ sở với thái độ và lối sống vô trách nhiệm ấy. Ðó là những người chồng bê tha rượu chè, nghiện hút, cờ bạc, và trai gái…
Một người chồng bỏ bê không lo tìm việc làm, nhưng sống bám vào đồng lương của vợ là người chồng vô trách nhiệm. Một người chồng không quan tâm đến sự an nguy của vợ con, không biết chia sẻ những trách nhiệm giáo dục con cái với vợ là người chồng, người cha vô trách nhiệm. Một người chồng không lo lắng cho vợ con, tối ngày chỉ lăng xăng chuyện ngoài đường với lý do bác ái, tông đồ, hoặc xã hội là một người chồng đặt sai trách nhiệm. [4]
Người chồng có thể nghèo, có thể thất học, có thể địa vị thua kém trong xã hội, nhưng không thể sống vô tâm, vô lo, không chu toàn trách nhiệm của mình trong gia đình. Để có một gia đình hạnh phúc, vợ chồng hòa hợp, con cái vui vẻ, điều không thể thiếu được đó là gia đình ấy có một người chồng và người cha mẫu mực về tinh thần trách nhiệm.
6- MẪU MỰC VỀ VIỆC ĂN NÓI GIAO TIẾP TRONG GIA ĐÌNH
Đa số chị em phụ nữ rất quan tâm tới vấn đề giao tiếp và ăn nói của người chồng trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Phụ nữ rất dị ứng đối với những ông chồng nào ăn nói lỗ mãng, cộc lốc, thô thiển, đối với vợ con cũng như với người ngoài. Dù ở trong hoàn nào đi chăng nữa thì người đàn ông phải biết giữ mồm giữ miệng, ăn nói sao cho tế nhị, lịch thiệp và hòa nhã.
Tác giả D. Wahrheit trong cuốn “Cẩm nang Hạnh Phúc Gia Đình Kitô” có nói đến một đức tính quan trọng của một người chồng lý tưởng, đó là lịch sự. Tác giả viết như sau:
Nhiều người đàn bà than phiền như sau: Ước gì chồng tôi cũng nói năng và cư xử lịch sự với tôi như khi giao thiệp với người ngoài; hoặc: Khi ở một mình với tôi, chồng tôi quên hết cung cách của một người có giáo dục. Quả thực, có những người đàn ông nghĩ rằng, lịch sự đồng nghĩa với xã giao và như vậy phép lịch sự chỉ có giá trị đối với người ngoài mà thôi. Thực ra như người ta vẫn nói: lịch sự là hoa quả của bác ái, mà bác ái không có luật trừ, thiết tưởng những người thân cận nhất của chúng ta cũng phải là những con người cần được đối xử một cách lịch sự hơn ai hết. Điều này lại càng đúng với người vợ. [5]
Ăn nói, giao tiếp, đối thoại giữa hai vợ chồng trong gia đình là điều hết sức quan trọng. Nhiều khi chỉ vì người chồng ăn nói vô duyên, giao tiếp vụng về hay bế tắc trong đối thoại mà phát sinh ra nhiều mâu thuẫn, có khi dẫn đến tan vỡ hạnh phúc vợ chồng.
Vậy trước hết, hãy tạo nhiều cơ hội để có thể gặp gỡ và trò chuyện với nhau. Chúng ta biết rằng, hôn nhân không phải là một “dịch vụ” sắp đặt hai bạn nam nữ cạnh nhau như hai bức tượng. Trái lại họ là những cá thể khác biệt, nhưng vì yêu nhau nên tình nguyện sống chung với nhau suốt đời. Do đó, trong suốt cuộc hôn nhân, họ chung sống trong cùng một mái nhà, sinh hoạt trong cùng một gia đình, ăn cùng mâm, ngủ cùng giường. Tất nhiên là họ sẽ có rất nhiều thời gian để tương tác với nhau.
Tuy nhiên trên thực tế, chúng ta dễ dàng chứng kiến những cuộc ly hôn, tan vỡ của nhiều đôi vợ chồng, kể cả những đôi mới kết hôn. Lý do ly hôn đơn giản chỉ là họ không thể sống chung với nhau do bất đồng, mâu thuẫn chồng chất. Cứ cái kiểu, “Ông nói gà, bà nói vịt”, hay “Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” thì sớm muộn gì cũng tan đàn xẻ nghé! Ca dao VN ta cũng có câu, “Lời nói chẳng mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Khi lời nói không còn làm vừa lòng nhau nữa thì chẳng khác gì như những nhát dao đâm vào trái tim bạn đời. Các nhà tâm lý học hôn nhân gia đình đều quả quyết rằng nghệ thuật giao tiếp ứng xử quyết định phần lớn cuộc hôn nhân hạnh phúc.
Ngoài ra, chúng ta cũng lưu ý tới phong cách nói năng, vì đó được xem là một lợi thế không tốn kém, nhưng thường có thể mang lại cho ta những kết quả tốt đẹp không ngờ. Vì khi ta chú ý lựa chọn cách nói năng hòa nhã, trước hết ta giữ được sự thanh thản, sáng suốt của chính mình. Thói quen nói năng hòa nhã là một trong những phương thức hữu hiệu để tu dưỡng tính tình. Như vậy, chúng ta vừa tránh làm thương tổn người khác mà đồng thời cũng có lợi cho chính bản thân mình. Khi vấn đề được trình bày theo cách ôn hòa, người nghe sẽ dễ chấp nhận hơn vì điều đó tỏ ra là họ đang được tôn trọng. Ngay cả khi có sự bất đồng, chắc chắn chúng ta cũng sẽ nhận được một phản ứng êm dịu hơn.
Nói năng hòa nhã cũng là cách rất tốt để ta luôn tỉnh thức trong giây phút hiện tại. Khi ta nói, ta biết mình đang muốn nói gì và nên nói ra như thế nào. Bằng cách đó, chúng ta ý thức đầy đủ về bối cảnh giao tiếp hiện tại mà không bị chi phối bởi bất cứ định kiến hay sự lơ đễnh nào. Nói năng theo cách nặng nề, thô lỗ thường là do thói quen tập nhiễm lâu ngày. Nói năng hòa nhã cũng là một thói quen ngược lại mà ta hoàn toàn có thể tạo ra được. Để có được hạnh phúc trong cuộc sống, chúng ta không thể không quan tâm đến việc “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.
Trong gia đình, chồng không nên có thái độ gắt gỏng, nạt nộ vì tính cách đó chẳng bao giờ làm đẹp lòng ai. Có điều gì lầm lỡ, những lúc vắng vẻ bảo nhau còn có lợi hơn nhiều, dễ cảm hóa hơn. Phụ nữ bao giờ cũng thích nghe những lời dịu dàng, êm tai và thích có những sự vỗ về nho nhỏ. Thân mật, nhưng đừng suồng sã, không nên có hành động lỗ mãng đối với vợ, cả trong những lúc kín đáo nhất.
Người chồng mẫu mực về ăn nói luôn tâm niệm rằng bạo lực, nạt nộ, lớn tiếng không phải là cách để cảm hóa, thuyết phục vợ mình, mà thường đó chỉ là hành vi thất nhân tâm, gia tăng sự hiểu lầm, mâu thuẫn, bất đồng và khinh ghét mà thôi.
7- MẪU MỰC VỀ CÁCH GIẢI QUYẾT MÂU THUẪN XUNG ĐỘT
Khi xảy ra mâu thuẫn, bất đồng, xung đột trong gia đình, thì người có trách nhiệm chính trong việc hòa giải chính là người chồng, người cha trong gia đình. Thay vì làm cho chuyện lớn ra hay đổ thêm dầu vào lửa, thì người cha hay chồng sẽ khôn khéo dàn xếp mọi chuyện được êm thắm. Đó là một tài khéo, một nghệ thuật của một người đàn ông có uy tín và bản lãnh. Như một danh nhân đã nói: “Bí quyết lớn nhất làm cho cuộc hôn nhân thành công là coi tất cả các tai họa là chuyện nhỏ và không bao giờ biến chuyện nhỏ thành tai họa” (Harold Nichlson).
Tác giả cuốn “Những quy tắc trong đời sống vợ chồng” đã nói về cách điều khiển và kiểm soát tình huống khi có xung đột, như sau:
Mâu thuẫn, xung đột, cãi vã là điều không thể tránh khỏi trong hôn nhân, dù ít hay nhiều. Nó không phải là vấn đề gì nghiêm trọng vì mọi cuộc hôn nhân đều phải có xung đột. Đời sống vợ chồng mà không có đôi lần cãi nhau thì cũng kém phần thú vị! Nếu cư xử khôn khéo và hợp lý, thì không những làm cho cuộc cãi vã mau kết thúc, mà còn làm cho tình cảm hai vợ chồng càng thắm thiết hơn.
Ngược lại, ta nóng nảy và không kềm chế cái tôi quá lớn trong mình, ta sẽ dễ dàng đẩy cuộc tranh cãi vào ngõ cụt và làm tổn hại đến hôn nhân. Ta nên nhớ rằng, khi xung đột thì ta đang cãi nhau cho mục đích của hôn nhân mình, chứ không phải cãi để thắng bạn đời, cãi để ăn thua nhau. Hai vợ chồng nên thỏa thuận với nhau dù mâu thuẫn có lớn đến mấy thì cũng phải giải quyết và làm lành trong thời gian sớm nhất. Nếu đã quyết định tha thứ, hãy cố gắng tha thứ hoàn toàn, vì sự căm hận chỉ làm tổn hại cả về tinh thần và thể chất cho chính ta và cho hôn nhân của ta. [6]
Đôi bạn cần nhớ một điều này là hãy tranh luận ôn hòa, tránh tối đa những xung đột trong giao tiếp. Thực ra, trong đời sống vợ chồng, không phải lúc nào mối tương quan giao tiếp cũng trơn tru, suôn sẻ cả đâu. Có những lúc vì một lý do bất đồng hay bất bình nào đó mà vợ hoặc chồng hay cả hai người đều nổi nóng. Sóng gió bắt đầu nổi lên.
Khi hai người bắt đầu đi vào cuộc tranh luận nảy lửa, tốt nhất cả hai đều nên bình tĩnh, nhường nhịn nhau. Ca dao VN có câu: “Chồng giận thì vợ bớt lời/ Cơm sôi nhỏ lửa một đời chẳng khê”. Nếu vợ hay chồng cứ khăng khăng bảo vệ ý riêng chủ quan của mình mà không chịu hòa giải, nhượng bộ thì “chiến tranh” sẽ nổ to! Khi một bên nóng nảy, bên kia cần nín nhịn, đợi cho nguôi giận, bình tĩnh trở lại rồi mới trao đổi quan điểm với nhau.
Người ta nói rằng, tranh cãi luôn là một phần của mọi cuộc hôn nhân. Tranh cãi, tranh luận là chuyện bình thường. Nhưng nếu các cặp đôi thất bại trong việc thỏa hiệp thì thường là do sự ích kỷ và hiếu thắng của bản thân. Bên nào cũng muốn phe kia thay đổi. Ai cũng cho mình là đúng, đối phương sai. Một khi ai cũng bảo vệ ý riêng mình mà không chấp nhận dung hòa thì từ tranh luận sẽ chuyển sang tranh cãi, và cuộc tranh cãi thường trở nên căng thẳng.
Trên thực tế, không cặp vợ chồng nào mà không có lúc cãi vã, xung khắc nhau. Đó là điều tất nhiên. Họ chấp nhận sống chung là vì họ yêu nhau và muốn đem lại hạnh phúc cho nhau. Lúc đó, họ phải thấu hiểu nhau và học cách nhượng bộ nhau. Nhượng bộ là hy sinh một phần cái gì đó của mình vì ích lợi chung và vì lợi ích của người khác. Trong một cuộc cãi vã bất phân thắng bại, sự nhượng bộ tốt nhất chính là im lặng. Một danh nhân đã nói, “Phân nửa những vấn đề trong hôn nhân được giải quyết bằng cách giữ im lặng”.
Vợ chồng khi cãi nhau đừng quên điều này là, dù yêu thương cách mấy cũng khó có đôi vợ chồng nào mãi mãi hòa thuận. Thế nhưng việc gì cũng nên có chừng mực, mỗi khi cãi vã xong, cả hai nên dành chút thời gian để hòa giải một cách ôn hòa. Nhiều cuộc hôn nhân sẽ tốt hơn nếu người chồng và người vợ hiểu rõ ràng rằng họ đang ở cùng một bên chứ không phải ở hai phe đối lập.
Xét cho cùng, người chồng vẫn luôn là mẫu mực đúng đắn trong bất kỳ một cuộc tranh cãi, tranh luận hay bất đồng nào. Phải giữ im lặng khi cần thiết. Phải có thái độ ôn hòa, bình tĩnh, không nóng nảy, quát tháo. Phải chừng mực và công bằng trong mọi quyết đoán. Phải nhớ một điều này là “Nền tảng của tình yêu vợ chồng, đó chính là yêu thương và kính trọng nhau”(Elijah Fenton)./.
Aug. Trần Cao Khải
________________
[1] dantri.com.vn
[2] dongcong.us
[3] vnexpress.net
[4] ubmvgiadinh.org
[5] D. WAHRHEIT – Cẩm nang Hạnh Phúc Gia Đình Kitô – Mục vụ Hôn nhân và Gia đình – Tổng hợp và biên tập : LM Minh Anh, GP. Huế
[6] Những quy tắc trong đời sống vợ chồng – Alpha Books biên soạn – NXB Lao động Xã hội năm 2018 trang 31-33
2020
Đời sống gia đình trẻ và những điều “không như là mơ”
Trai gái lấy nhau không chỉ là lấy một người, nhưng còn là mang vào trong mình cả đại gia đình hai bên nữa. Nhiều bạn trẻ mới lập gia đình sẽ không khỏi ngao ngán trước những phong tục xa lạ và có phần rườm rà của gia đình bên chồng hay vợ.
Người xưa có câu: “Trai khôn dựng vợ, gái lớn gả chồng”, và đó là điều mà hầu hết ai cũng trải qua. Đó không chỉ là biến cố lớn đối với những chàng trai, cô gái nhưng còn là sự kiện quan trọng của cả gia đình, dòng họ. Nhịp sống thời đại với những nỗi lo chật vật về cơm áo gạo tiền khiến nhiều bạn trẻ mặc dù đã đến tuổi “cập kê” nhưng “ngại, sợ” lập gia đình; cũng có nhiều đôi bạn trẻ gặp không ít khó khăn khi “về chung một nhà” mà theo các nhà tâm lý và xã hội học thì giai đoạn khó khăn nhất là 5 năm đầu sau khi cưới.
Lấy vợ gả chồng không phải là làm phép toán 1+1=2 nhưng là trở nên “một” như Chúa Giêsu dạy: “Người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt” (Mc 10,7-8; x.St 2,24). Cả hai sẽ trở nên một xương một thịt nghĩa là chỉ còn có một người, nhưng như ông Mencken nói: ”Khi một người đàn ông và một người đàn bà lấy nhau, họ chỉ còn là một người, cái khó đầu tiên là quyết định người nào.” Trong con người này vừa có vợ, vừa có chồng, mỗi người chỉ có một nửa. Vì thế chồng mới gọi vợ là “mình ơi,” và vợ cũng gọi chồng là “mình ơi.” Thi sĩ Hàn mặc Tử đã nhận ra thực tại này nên mới nói:
Người đi một nửa hồn tôi mất,
Một nửa hôn tôi bỗng dại khờ.
Lấy nhau, yêu nhau không phải là chỉ ngồi ngó nhau, nhưng là cùng nhìn về một hướng, là đồng chí hướng với nhau! Nhưng như vậy… là tình yêu hay là tình bạn “đồng chí hướng”? Nói cho cùng, tình yêu luôn đi với tình bạn, hay đúng hơn, tình yêu cũng bao hàm tình bạn, đời sống vợ chồng bao hàm cả tình yêu và tình bạn, có lẽ vì vậy người ta thường gọi người chồng hay người vợ là “bạn đời” của nhau. Khi ở trong một mái nhà, đừng ngồi cạnh nhau trên ghế sofa hay đối diện với nhau trên bàn cơm mà dán mắt vào chiếc điện thoại và để cho thứ ánh sáng trắng xanh của màn hình cảm ứng ru ngủ bạn với những mối quan hệ ảo và những lời bình luận “có cánh” trên mạng. Điều ấy chẳng khác gì vợ chồng đang xoay người lại phía nhau, và coi người “bạn đời” mình như “không tồn tại;” vợ chồng “đồng sàng dị mộng.” Trong cuốn tiểu thuyết Xứ sở tàn bạo và chốn tận cùng của thế giới, nhà văn người Nhật Haruki Murakami cũng từng viết: “Hai người có thể ngủ chung trên một chiếc giường, nhưng họ vẫn thấy cô đơn khi nhắm mắt lại.”
Lấy nhau là mang lấy những tâm tư của nhau. Lúc mới yêu, người ta thấy mọi sự thật đẹp, và dù có ngăn cách trắc trở vẫn dễ dàng vượt qua để đến với nhau. Nhưng khi đã về chung sống thì họ nhanh chóng nhận ra “cuộc đời không như là mơ,” nó như thời tiết vậy, có khi đang nắng chang chang thì mây đen đã ùa tới rồi mưa xối xả, cũng có khi không nắng cũng chẳng mưa, cứ mãi âm u và khó đoán. Vì thế, với thiện chí và khả năng của mình, mỗi người phải luôn luôn nỗ lực để xây dựng tổ ấm, nhưng một khi muốn làm gì, thì phải nghĩ đến người còn lại. Quan trọng nhất không phải là ngọt ngào lãng mạn nhưng là trung thành với lời hứa trong lễ Hôn phối: “hứa sẽ giữ lòng chung thủy với em (anh), khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi mạnh khỏe cũng như lúc đau yếu, để yêu thương và tôn trọng em (anh) mọi ngày suốt đời anh (em).” Lời cam kết được thổ lộ công khai trước mặt Hội Thánh và người bạn đời của mình không chỉ là một nghi thức để kết nối chính thức hai con người với nhau, nó còn là một dấu ấn thiêng thiêng và cũng là trách nhiệm của bản thân mỗi người đối với cuộc sống hôn nhân của cả hai.
Trai gái lấy nhau không chỉ là lấy một người, nhưng còn là mang vào trong mình cả đại gia đình hai bên nữa. Nhiều bạn trẻ mới lập gia đình sẽ không khỏi ngao ngán trước những phong tục xa lạ và có phần rườm rà của gia đình bên chồng hay vợ. Đó còn là chưa kể tới những khác biệt về vùng miền, trong tư duy giữa nhiều thế hệ (như trẻ thích hiện đại, người lớn lại thích truyền thống…). Những khác biệt ấy chỉ có thể vượt qua với một tình yêu lớn và một con tim rộng mở vì “yêu nhau yêu cả đường đi,” quan trọng hơn cả là hạnh phúc gia đình.
Có thể hai người vì yêu nhau mà đến, nhưng để sống chung với nhau, tình thôi chưa đủ, cần nhất vẫn là sự tôn trọng và tin cậy nhau. Yêu ai là đặt người đó ngang hành với mình, là quý chuộng tôn trọng người đó như chính mình. Cảm xúc của mỗi người đều khác nhau và chúng ta không thể áp đặt cảm giác của mình lên người khác. Mỗi người cần đặt mình trong vị trí của người kia để nhận ra và hiểu nhu cầu của nhau. Ngay cả khi bất ngờ khám phá những mặt tiêu cực hay “vấn đề” của nhau, cũng đừng vội kết án, vợ chồng nên bình tĩnh đối thoại và chia sẻ để hiểu nhau hơn và cùng nhau giải quyết vấn đề. Đừng vội vàng, nhưng hãy nhẫn nại và kiên trì với nhau, nếu không cãi vã và bất ổn sẽ là “bữa cơm” hàng ngày thay cho tiếng cười và hạnh phúc. Đời sống hôn nhân có thể hấp dẫn và ngọt ngào ở những ngày đầu, nhưng đời đâu chỉ là “tuần trăng mật,” sẽ có lắm lúc rất khác… nữa, sẽ có cả những nồng nàn và chênh vênh, đầy màu sắc và đủ mọi thăng trầm.
Thánh Inhã nói: “Tình yêu phải được đặt ở trong hành động hơn là trong lời nói” (Linh Thao số 230). Đời sống gia đình cần những lời nói để nuôi dưỡng tình yêu với nhau; nhưng những hành động quan tâm, nâng đỡ, sẻ chia dành cho nhau và cho gia đình nhỏ thì phải chiếm vị trí quan trọng hơn và cần thiết hơn. Thánh Inhã còn nói thêm: “tình yêu cốt ở sự trao đổi giữa hai bên” (Linh Thao số 231). Không có tình yêu nếu không có sự hỗ tương có tính thông giao.
Xin cho các bạn trẻ mới bước vào đời sống gia đình biết luôn đặt Chúa trong tình yêu của mình, xin cho tình yêu họ dành cho nhau luôn nồng thắm và bền chặt, để họ có đủ sức vượt qua những gian nan vất vả trên đoạn đầu của đời sống hôn nhân và để họ xây dựng gia đình trẻ đầy niềm vui và hạnh phúc.
Gió Biển
2020
Hiệp thông và sống chứng tá Tin mừng
Trong ngày “Hội ngộ di dân Giáo Phận Vinh” vừa qua, Đức Cha Anphongso Nguyễn Hữu Long, vị cha chung của Giáo Phận Vinh đã nhắn nhủ tất cả thành phần Dân Chúa xuất thân từ Giáo phận, đang sinh sống, học tập và làm việc ở miền Nam: “Cha tha thiết mời gọi các con dù sống ở đâu, bất cứ môi trường nào, dù là sinh viên hay là công nhân đi chăng nữa, các con hãy sống tình hiệp nhất – hiệp thông, sống chứng tá Tin Mừng bằng chính Đức tin và hành động của các con”. Lời mời gọi ấy thật đơn sơ, ngắn gọn nhưng nói lên niềm khát khao mãnh liệt của người Cha luôn yêu thương, ấp ủ và đặt hy vọng nơi đoàn chiên của mình. Ngài dặn dò“Các con đã lãnh nhận nhưng không thì hãy cho nhưng không” (Mt 10, 8b).
Thật thế, trong cuộc sống thường ngày có rất nhiều cách thế để chúng ta loan báo Tin Mừng. Trong đó, Đức Cha Anphongso đã nhấn mạnh với con cái của Ngài một phương thế thiết thực và sống động là “chúng ta hãy hành động bằng Lời Chúa và sống Bí Tích Thánh Thể mỗi ngày”. Vâng, đó là cách thế hữu hiệu nhất để nối kết chúng ta với Chúa Giêsu, với Giáo Hội. Chúng ta cần thiết lập cho mình một tương quan cá vị với Thiên Chúa. Nơi Bí tích Thánh Thể, chúng ta kín múc nguồn sức mạnh và tình yêu nhưng không của Người. Nơi đây, chúng ta được nâng đỡ, an ủi và sẻ chia mọi niềm vui, nỗi buồn. Từ đó chính chúng ta sẽ là những người dám bước ra khỏi thế giới của mình, chuyển tải thông điệp yêu thương đồng thời giới thiệu một Thiên Chúa giàu lòng nhân hậu cho những anh chị em lương dân đang sống xung quanh chúng ta.
“Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho mọi thọ tạo” (Mt 16, 15). Lời mời gọi của Chúa Giêsu năm xưa vẫn đang vang lên cấp bách trong thời đại hôm nay. Thế giới hôm nay vẫn còn rất nhiều người chưa biết Chúa, không ít những người vô thần và những vùng đất thiếu vắng niềm tin vào Chúa. Con người hôm nay thách thức Thiên Chúa bằng cái đầu duy lý và sự thông minh của mình. Đứng trước thách đố ấy, người Kitô hữu chúng ta càng phải ý thức trách nhiệm loan báo Tin Mừng, phải đào luyện sự hiểu biết sâu xa về đức tin. Mỗi người phải nỗ lực hơn nữa trong việc lắng nghe, đáp trả và thực thi Lời Chúa trong cuộc sống thường ngày. Chúng ta không thể trao ban thứ mà mình không có. Chỉ khi nào chính chúng ta có được kinh nghiệm thực sự về Thiên Chúa, chúng ta mới có thể giới thiệu Ngài cho người khác.
“Chúa Kitô, Đấng mà chúng ta đang tiếp tục sứ mạng của Người, là Vị Chứng Nhân tuyệt hảo (Kh 1,5; 3,14) và là khuôn mẫu chứng tá Kitô giáo. Mỗi người chúng ta khi sinh ra đã được Thiên Chúa trao cho một sứ mạng khác nhau. Tuy nhiên, có một sứ mạng dành chung cho tất cả đó là thực thi Lời Chúa và sống Bác ái. Có biết bao người thực thi sứ mạng ấy bằng lời giảng thuyết, qua đời sống yêu thương phục vụ, và cũng có những người cả một đời âm thầm, hy sinh, cầu nguyện nơi kín đáo để góp phần mình vào công cuộc loan báo niềm vui Tin Mừng.
Hãy để Lời Chúa soi sáng và dẫn dắt từng bước chân nhỏ bé của chúng ta trên cánh đồng truyền giáo. Nhờ thế, mỗi chúng ta mới trở nên chứng tá sống động cho tình yêu Thiên Chúa. Hãy giới thiệu Chúa cho thế giới hôm nay bằng sự hiểu biết, tình yêu thương và bằng những trải nghiệm về một Thiên Chúa sống động của chính chúng ta.
Kẻ đi tìm
2020
Loan báo Tin Mừng : Đem “Lời” Vào Đời
Loan báo Tin Mừng : Đem “Lời” Vào Đời.
Sáng nay, khi tham dự thánh lễ, cha chủ tế nhắc : “Hôm nay chúa nhật 29, Lễ Khánh Nhật Truyền Giáo, …” Tôi ngẫm nghĩ thời gian trôi đi thật nhanh, chẳng bao lâu nữa một năm Phụng vụ lại trôi qua. Sau thánh lễ, tôi tự hỏi: “Vai trò truyền giáo của mình lúc này là gì nhỉ? Đối tượng tôi truyền giáo là ai? Phải chăng, tôi cần đi chỗ này, đến chỗ kia nói về Chúa cho mọi người để họ cũng được nhận biết Chúa như tôi? … “Nếu điều đó hằng ngày tôi thực hiện được thì đó là một ân phúc !
Truyền giáo là gì ? Nếu không phải là nói về Chúa cho những người mà hằng ngày tôi gặp gỡ? Cho ai? Người tôi quen biết hay người chưa nhận biết Chúa? Bằng cách nào? Phải chăng, mỗi ngày tôi phải phát loa đi khắp mọi nơi để nói về đoạn Tin Mừng tôi nhận được trong thánh lễ?…
Câu Kinh thánh của thánh Phao-lô luôn nhắc nhở tôi: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr 9, 16). Lặng lại, tôi nghiệm ra một điều: Chính khi tôi muốn nói về Chúa cho người khác, thì hằng ngày tôi đã nhận biết bao thông điệp Tin Mừng từ chị em tôi. Một ánh mắt cảm thông, một lời nói dịu dàng động viên khích lệ, một câu an ủi, một chút sẻ chia vật chất cũng như tinh thần,… tất cả những điều ấy tuy rất nhỏ, rất thường trong cuộc sống, lại là một lời rao giảng thật sống động và hùng hồn nhất. “Những gì các ngươi làm cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta.” (Mt 25, 40)
Đôi khi trong cuộc sống, chúng ta đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội để truyền giáo. Đức cha Lambert de la Motte, Đấng Sáng lập rất kính yêu của chị em chúng ta nói trong Bức Tâm thư : “Các con không còn thuộc về mình nữa, nhưng hoàn toàn thuộc về Chúa Giêsu-Kitô, vì các con đã dâng mình trọn vẹn cho Người, để từ nay chỉ chuyên chú tìm sự hiểu biết và yêu mến Người-bằng cách suy gẫm và noi theo cuộc đời đau khổ của Người- bằng cách thực thi các nghĩa vụ của Tu hội các con và hãy trung thành với các nghĩa vụ ấy, nhờ đó các con và toàn thể Giáo hội sẽ lãnh nhận lợi ích lớn lao.” (Btt 4-6) Hằng ngày, trong cuộc sống mỗi chị em chúng ta đều được Hội dòng trao phó một sứ vụ nào đó. Chị lớn tuổi, không còn nhiều sức khỏe, sứ vụ mỗi ngày của chị là dâng lên Thiên Chúa những lời kinh nguyện thiết tha, kết hiệp với của lễ hy sinh là những bệnh tật nơi thân xác. Em nhỏ hơn thi hành sứ vụ của mình là: chăm chỉ, cần mẫn trong việc học hành hoặc chu toàn vui tươi các sứ vụ đang đảm trách. Mỗi chị em khi trung tín với sứ vụ mình được trao bằng tất cả lòng yêu mến, thì đó là một cơ hội truyền giáo mỗi ngày. Qua mọi hy sinh của từng chị em trong Hội dòng, Chúa tiếp tục dùng mỗi chị em như những trung gian hữu hình để Người tiếp nối cuộc đời lữ thứ hy sinh của mình cho đến tận thế. (x. Btt 9)
Ước mong sao mỗi chị em chúng ta xác tín một điều: Khi ta yêu Chúa thì không thể không yêu sứ mạng của Chúa. “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16, 15). Hoặc khi ấy chúng ta có thể nói : “Bản chất của Giáo hội là truyền giáo không xa lạ gì với tôi”. Qua các sứ vụ đời thường mà hằng ngày mỗi chị em vẫn thực hành sẽ trở nên chút muối ướp mặn cho đời (x. Mt 5,13). Một chút ánh sáng chiếu soi trần gian (x. Mt 5, 14). Một tình yêu chân thành, cụ thể của chị em dành cho nhau ngay trong cộng đoàn mình đang sống sẽ có sức lan tỏa hơi ấm cho những tâm hồn giá lạnh. Một chút ánh sáng dịu dàng qua nụ cười tươi tắn, hoặc sự quan tâm nho nhỏ, cũng được tỏa sáng trong các môi trường chị em hoạt động,… và khi ấy Tin Mừng của Chúa được loan truyền không còn giới hạn bằng lời nữa, mà Tin Mừng ấy đã trở nên sống động và đang ở giữa chúng ta. “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta.” (Ga 1, 14)
Nt. Maria Thùy Linh