Đời sống gia đình trẻ và những điều “không như là mơ”
Trai gái lấy nhau không chỉ là lấy một người, nhưng còn là mang vào trong mình cả đại gia đình hai bên nữa. Nhiều bạn trẻ mới lập gia đình sẽ không khỏi ngao ngán trước những phong tục xa lạ và có phần rườm rà của gia đình bên chồng hay vợ.
Người xưa có câu: “Trai khôn dựng vợ, gái lớn gả chồng”, và đó là điều mà hầu hết ai cũng trải qua. Đó không chỉ là biến cố lớn đối với những chàng trai, cô gái nhưng còn là sự kiện quan trọng của cả gia đình, dòng họ. Nhịp sống thời đại với những nỗi lo chật vật về cơm áo gạo tiền khiến nhiều bạn trẻ mặc dù đã đến tuổi “cập kê” nhưng “ngại, sợ” lập gia đình; cũng có nhiều đôi bạn trẻ gặp không ít khó khăn khi “về chung một nhà” mà theo các nhà tâm lý và xã hội học thì giai đoạn khó khăn nhất là 5 năm đầu sau khi cưới.
Lấy vợ gả chồng không phải là làm phép toán 1+1=2 nhưng là trở nên “một” như Chúa Giêsu dạy: “Người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt” (Mc 10,7-8; x.St 2,24). Cả hai sẽ trở nên một xương một thịt nghĩa là chỉ còn có một người, nhưng như ông Mencken nói: ”Khi một người đàn ông và một người đàn bà lấy nhau, họ chỉ còn là một người, cái khó đầu tiên là quyết định người nào.” Trong con người này vừa có vợ, vừa có chồng, mỗi người chỉ có một nửa. Vì thế chồng mới gọi vợ là “mình ơi,” và vợ cũng gọi chồng là “mình ơi.” Thi sĩ Hàn mặc Tử đã nhận ra thực tại này nên mới nói:
Người đi một nửa hồn tôi mất,
Một nửa hôn tôi bỗng dại khờ.
Lấy nhau, yêu nhau không phải là chỉ ngồi ngó nhau, nhưng là cùng nhìn về một hướng, là đồng chí hướng với nhau! Nhưng như vậy… là tình yêu hay là tình bạn “đồng chí hướng”? Nói cho cùng, tình yêu luôn đi với tình bạn, hay đúng hơn, tình yêu cũng bao hàm tình bạn, đời sống vợ chồng bao hàm cả tình yêu và tình bạn, có lẽ vì vậy người ta thường gọi người chồng hay người vợ là “bạn đời” của nhau. Khi ở trong một mái nhà, đừng ngồi cạnh nhau trên ghế sofa hay đối diện với nhau trên bàn cơm mà dán mắt vào chiếc điện thoại và để cho thứ ánh sáng trắng xanh của màn hình cảm ứng ru ngủ bạn với những mối quan hệ ảo và những lời bình luận “có cánh” trên mạng. Điều ấy chẳng khác gì vợ chồng đang xoay người lại phía nhau, và coi người “bạn đời” mình như “không tồn tại;” vợ chồng “đồng sàng dị mộng.” Trong cuốn tiểu thuyết Xứ sở tàn bạo và chốn tận cùng của thế giới, nhà văn người Nhật Haruki Murakami cũng từng viết: “Hai người có thể ngủ chung trên một chiếc giường, nhưng họ vẫn thấy cô đơn khi nhắm mắt lại.”
Lấy nhau là mang lấy những tâm tư của nhau. Lúc mới yêu, người ta thấy mọi sự thật đẹp, và dù có ngăn cách trắc trở vẫn dễ dàng vượt qua để đến với nhau. Nhưng khi đã về chung sống thì họ nhanh chóng nhận ra “cuộc đời không như là mơ,” nó như thời tiết vậy, có khi đang nắng chang chang thì mây đen đã ùa tới rồi mưa xối xả, cũng có khi không nắng cũng chẳng mưa, cứ mãi âm u và khó đoán. Vì thế, với thiện chí và khả năng của mình, mỗi người phải luôn luôn nỗ lực để xây dựng tổ ấm, nhưng một khi muốn làm gì, thì phải nghĩ đến người còn lại. Quan trọng nhất không phải là ngọt ngào lãng mạn nhưng là trung thành với lời hứa trong lễ Hôn phối: “hứa sẽ giữ lòng chung thủy với em (anh), khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi mạnh khỏe cũng như lúc đau yếu, để yêu thương và tôn trọng em (anh) mọi ngày suốt đời anh (em).” Lời cam kết được thổ lộ công khai trước mặt Hội Thánh và người bạn đời của mình không chỉ là một nghi thức để kết nối chính thức hai con người với nhau, nó còn là một dấu ấn thiêng thiêng và cũng là trách nhiệm của bản thân mỗi người đối với cuộc sống hôn nhân của cả hai.
Trai gái lấy nhau không chỉ là lấy một người, nhưng còn là mang vào trong mình cả đại gia đình hai bên nữa. Nhiều bạn trẻ mới lập gia đình sẽ không khỏi ngao ngán trước những phong tục xa lạ và có phần rườm rà của gia đình bên chồng hay vợ. Đó còn là chưa kể tới những khác biệt về vùng miền, trong tư duy giữa nhiều thế hệ (như trẻ thích hiện đại, người lớn lại thích truyền thống…). Những khác biệt ấy chỉ có thể vượt qua với một tình yêu lớn và một con tim rộng mở vì “yêu nhau yêu cả đường đi,” quan trọng hơn cả là hạnh phúc gia đình.
Có thể hai người vì yêu nhau mà đến, nhưng để sống chung với nhau, tình thôi chưa đủ, cần nhất vẫn là sự tôn trọng và tin cậy nhau. Yêu ai là đặt người đó ngang hành với mình, là quý chuộng tôn trọng người đó như chính mình. Cảm xúc của mỗi người đều khác nhau và chúng ta không thể áp đặt cảm giác của mình lên người khác. Mỗi người cần đặt mình trong vị trí của người kia để nhận ra và hiểu nhu cầu của nhau. Ngay cả khi bất ngờ khám phá những mặt tiêu cực hay “vấn đề” của nhau, cũng đừng vội kết án, vợ chồng nên bình tĩnh đối thoại và chia sẻ để hiểu nhau hơn và cùng nhau giải quyết vấn đề. Đừng vội vàng, nhưng hãy nhẫn nại và kiên trì với nhau, nếu không cãi vã và bất ổn sẽ là “bữa cơm” hàng ngày thay cho tiếng cười và hạnh phúc. Đời sống hôn nhân có thể hấp dẫn và ngọt ngào ở những ngày đầu, nhưng đời đâu chỉ là “tuần trăng mật,” sẽ có lắm lúc rất khác… nữa, sẽ có cả những nồng nàn và chênh vênh, đầy màu sắc và đủ mọi thăng trầm.
Thánh Inhã nói: “Tình yêu phải được đặt ở trong hành động hơn là trong lời nói” (Linh Thao số 230). Đời sống gia đình cần những lời nói để nuôi dưỡng tình yêu với nhau; nhưng những hành động quan tâm, nâng đỡ, sẻ chia dành cho nhau và cho gia đình nhỏ thì phải chiếm vị trí quan trọng hơn và cần thiết hơn. Thánh Inhã còn nói thêm: “tình yêu cốt ở sự trao đổi giữa hai bên” (Linh Thao số 231). Không có tình yêu nếu không có sự hỗ tương có tính thông giao.
Xin cho các bạn trẻ mới bước vào đời sống gia đình biết luôn đặt Chúa trong tình yêu của mình, xin cho tình yêu họ dành cho nhau luôn nồng thắm và bền chặt, để họ có đủ sức vượt qua những gian nan vất vả trên đoạn đầu của đời sống hôn nhân và để họ xây dựng gia đình trẻ đầy niềm vui và hạnh phúc.
Gió Biển