2020
Bông hồng cài áo
Tháng mười một sang, nó loay hoay đặt bút định viết về một linh hồn đáng kính nào đó đã đi qua cuộc đời mình. Bỗng bài hát “Bông hồng cài áo” từ nhà bên da diết làm nó khựng lại trong giây lát. “Một bông hồng cho em, một bông hồng cho anh, một bông hồng cho những ai, cho những ai đang còn Mẹ…” Không hiểu sao sau khi nghe xong bài hát đó, nó lại muốn viết về mẹ, người mẹ già nua của nó nơi quê nhà yêu dấu.
Đã lâu lắm rồi, từ khi còn bé, nó và anh kế có cái thói hay “chòng chọe” nhau. Rồi khi lớn, ai cũng mải miết, bận bịu với bạn bè, học hành, công việc… Anh kế và út cứ thế trưởng thành cạnh nhau nhưng cũng dần xa nhau theo năm tháng. Có lẽ mẹ đã xót xa biết mấy khi thấy tình thân giữa những đứa con mình dần lỏng lẻo. Mỗi dịp trở về, ngắm mẹ thật kỹ, nó thấy cái dáng hao gầy ấy đã đi qua biết bao những nỗi lo, nỗi buồn của cuộc sống. “Ngày xưa, trong bữa cơm nó còn gắp thức ăn cho tôi, giờ nó bận đến nỗi cắm đầu ăn thật nhanh, không nói năng, không còn biết quan tâm sự gì nữa…”. Đó là lời của mẹ nói với bố giữa bữa cơm chiều hiu quạnh trong căn nhà quạnh hiu mà út đã vô tình nghe được trong dịp về thăm quê năm ấy.
Có lẽ, anh và cả nó không bao giờ hiểu hết niềm vui lớn nhất của mẹ là gì? Ấy là lúc anh không còn là cậu tướng lầm lì, ương bướng nữa, là khi em cũng bớt thói hay “chòng chọe” rỗi hờn với người khác… và phải chăng hạnh phúc của mẹ được đo bằng sự trưởng thành chững chạc nơi những đứa con mình?
Trong chập choạng ký ức, út còn nhớ những giờ kinh tối của gia đình, luôn luôn là bố và anh đọc một bè, còn mẹ và út một bè. Nó thường khoái trí lẩn vào chiếc chăn ấm khúc khích khi thấy anh bị cốc đầu vì ngủ gật. Út còn nhớ những bữa cơm gia đình, mấy anh em đang tuổi ăn, tuổi lớn đâu để ý những điều nhỏ nhặt mà bố mẹ dành cho mình. Phải rất lâu sau đó nó mới hiểu rằng tại sao khi ấy mẹ lại thích ăn cơm chan canh, mẹ lại thích ăn đầu cá, những con cá rô đồng gầy tong bắt từ con mương mùa nước cạn. Phải rất lâu sau khi không còn là đứa trẻ, nó mới tự đặt câu hỏi rằng: Liệu mẹ có nói thật không nhỉ? Chỉ khi lớn rồi, đứa út mới biết hồi ấy mẹ nói dối. Lời nói dối vô hại chỉ vì thương lũ con nheo nhóc. Trong cái khó, cái khổ mà vẫn đầm ấm biết bao.
Đứa út biết rằng anh nó cũng rất thương yêu mẹ, có khi còn hơn nó gấp bội ấy chứ! Út biết rằng anh bận bịu công việc, từ ngày bố mất, anh phải lo cho gia đình, đủ thứ áp lực vây quanh, những suy nghĩ, lời khuyên và hành động của mẹ có vẻ “lỗi thời”, lạc hậu làm anh khó chịu. Nhưng anh không biết rằng đôi khi những sự “khó chịu” ấy, chút nóng giận vô tâm ấy, vô tình chúng sẽ gây tổn thương cho mẹ và những người thân yêu của mình.
Dẫu biết rằng tấm lòng người mẹ bao la lắm và những vết thương, những lỗi lầm mà những đứa con khiến mẹ bận lòng lo âu, nhưng rồi theo thời gian nó cũng sẽ lành. Có còn chăng là những vết sẹo, đôi khi quá khứ trở mình lại khiến lòng mẹ nhói buốt… Vậy, hà cớ gì những đứa con không học cách tránh làm người khác tổn thương từ bài học ấy? Mẹ dạy những đứa con bằng thứ ngôn ngữ không lời, một thứ ngôn ngữ không bao giờ là thất thường, không bao giờ thay đổi, mà nó liên lỉ và kéo dài cho hết đến cuộc đời.
Ngoài bố ra, giờ mẹ là nhất trong gia đình út, nhất nhiều thứ: Nhất cũ kỹ. Nhất lạc hậu. Nhất tiết kiệm chắt chiu. Nhất gánh vác chịu đựng, rồi cô đơn nhất và cũng vững vàng nhất… Ngày tiễn bố về với Chúa, mẹ không gục ngã, không gào khóc thảm thiết. Mẹ lặng lẽ giữ chặt câu kinh trên môi. Mẹ thầm thì như thể bố sẽ nghe mà được an ủi phần nào. Thứ Sáu Tuần Thánh ấy, bố không còn chờ mẹ về ăn cơm sau giờ viếng Đàng Thánh Giá như mỗi Mùa Chay xưa. Mẹ về với ngôi nhà tối và căn bếp nguội lạnh và nghĩ về Mùa Phục Sinh. Mẹ khóc. “Rồi ai cũng một mình”, Những ngày nghỉ ít ỏi được trở về dưới mái gia đình, út thấy bóng dáng Mẹ héo hắt lắm rồi, đôi mắt mẹ hay nhìn bất định xa xăm. Không ai đong đoán được lòng mẹ.
Đều dặn 5 giờ sáng mỗi ngày, mẹ dậy, ngồi trên chiếc giường chỗ bố nằm, trước bàn thờ, không còn ai đáp nửa kinh Kính Mừng, mẹ vẫn trung thành ôm trọn và gửi gắm tất cả thao thức của mẹ nơi những lời kinh. Trước đó, cuộc đời ấy đã ôm trọn nhiều thứ rồi. Út chợt nhận ra, bông hồng đỏ trong bài hát kia, nó không còn được cài nữa. Nhưng nó vẫn may mắn còn mẹ. Chỉ biết thương, trân trọng “bông hồng màu hồng” ấy. (Theo truyền thống Lễ Vu Lan, bông hồng màu đỏ tượng trưng cho những ai may mắn còn cha mẹ trên đời, bông hồng màu hồng cho những người còn mẹ mất cha và bông hồng trắng cho những người không còn cha và mẹ trên đời.)
Nếu có ai đó hỏi út: Em có yêu mẹ không? Út chắc chắn câu trả lời là: Có. Nhưng nếu có ai đó lại hỏi: Tình yêu ấy như thế nào? Có lẽ nó sẽ lúng túng không biết phải diễn đạt nó ra sao. Dù biết nói lời yêu thương là quan trọng nhưng út hiểu điều ấy sẽ khó khắn với người tính khí trầm trầm như nó. Thánh Giacôbê viết: “Đức tin không hành động là đức tin chết”, với tình thương nó cũng nghĩ như thế: Yêu thương không việc làm là yêu thương hão huyền.
Quả thực, mẹ chưa khi nào là thần tượng trong mắt đứa út. Nhưng tự sâu thẳm mẹ vẫn là người phụ nữ nó ngưỡng mộ nhất! Đơn giản bởi tình thương và hành động của mẹ chẳng bao giờ là hão huyền. Ngẫm lại cuộc đời mẹ, nó nghiệm ra rằng: Sự “vĩ đại” không hề phụ thuộc vào những điều “đao to búa lớn” mà người ấy làm được. Nhưng sự phi thường nằm ngay trong những điều nhỏ bé, những hy sinh không tên trong một trái tim rất đẹp, luôn bao la và bao dung – đó chỉ có thể là TRÁI TIM NGƯỜI MẸ.
Một ngày tháng 11/2020
Sr. Anna Bích Hạt
2020
Chiều sâu và độ chắc
Kính thưa Anh Chị em,
Xem ra Chúa Giêsu biết rõ mức độ lòng tin thất thường của con người vào Thiên Chúa, Ngài tỏ vẻ hồ nghi, “Khi Con Người đến, liệu sẽ còn gặp được lòng tin trên mặt đất nữa chăng?”. Hôm nay, thật bất ngờ, Ngài cũng hỏi chúng ta như thế. Câu trả lời của chúng ta sẽ tuỳ thuộc vào việc chúng ta có niềm tin trong trái tim mình hay không; có lẽ chúng ta sẽ thưa “Có”, nhưng đó không chỉ là ‘có hay không’ nhưng hy vọng đó là một khẳng định “Có” vốn liên tục phát triển về ‘chiều sâu và độ chắc’ của nó nhờ vào việc cầu nguyện.
Lòng tin là gì? Lòng tin là sự đáp trả của mỗi người đối với Thiên Chúa đang nói trong họ. Để có thể tin, trước hết phải lắng nghe; mỗi người phải để Chúa Giêsu bày tỏ chính mầu nhiệm Thiên Chúa trong sâu thẳm lương tâm lòng mình. Khi Thiên Chúa bày tỏ, chúng ta tin vào Lời Người, tin vào chính Ngôi Vị của một Thiên Chúa đang nói; chính hành động tin này sẽ biến đổi trái tim chúng ta và hình thành ở đó một đức tin có ‘chiều sâu và độ chắc’ ở mức độ triệt để. ‘Độ chắc’ đó, là điều Thiên Chúa đang tìm kiếm trong cuộc sống chúng ta, đó cũng là câu trả lời Chúa Giêsu chờ đợi.
Vậy thì điều gì sẽ nuôi dưỡng lòng tin này? Thưa, đó là cầu nguyện, cầu nguyện bày tỏ nỗi khát khao được lớn lên trong đức tin, lớn lên trong lòng mến và nhất là lớn lên trong sự hiểu biết Thiên Chúa, Đấng chúng ta tuyệt đối tin tưởng và tuỳ thuộc. Thế nhưng, Thiên Chúa đó là ai? Vì chúng ta chỉ tuỳ thuộc vào người chúng ta tin, và chỉ tin vào người chứng minh được tình yêu và khả năng bang trợ của họ. Đấng chúng ta tin là một Thiên Chúa quyền năng, tốt lành, yêu thương; một Thiên Chúa đang quan tâm đến mỗi người. Với chúng ta, Thiên Chúa là một quan toà, nhưng còn hơn thế; trước hết, Người là một người Cha nhân từ, một vị cứu tinh, một người tình tận tâm, vô điều kiện. Là một người Cha xót thương, Thiên Chúa muốn sự phụ thuộc của chúng ta vào Người có ‘chiều sâu và độ chắc’ trong Chúa Giêsu, nhờ Chúa Giêsu, qua việc cầu nguyện mỗi ngày.
Vậy mà đôi lúc, chúng ta trải qua những khoảnh khắc mệt mỏi và chán nản vì lời cầu nguyện của chúng ta dường như không hiệu quả. Đừng sợ! Chúa Giêsu bảo đảm với chúng ta rằng, Thiên Chúa tốt lành hơn quan toà kia nhiều lần, Người sẽ nhanh chóng trả lời cho con cái Người, mặc dù điều này không nhất thiết là Thiên Chúa phải đáp ứng ‘khi nào và thế nào’ như chúng ta muốn. Vì lẽ, cầu nguyện không phải là cây đũa thần nhưng cầu nguyện sẽ giúp chúng ta giữ vững đức tin, một đức tin đủ ‘chiều sâu và độ chắc’ vào Đấng chúng ta tin và phó mình cho Người cả khi chúng ta không hiểu ý Người muốn gì. Vì thế, cầu nguyện đòi hỏi những nỗ lực từ phía chúng ta, đó là một hành động yêu thương, hiến dâng và là sự chờ đợi của linh hồn.
Một phụ nữ, đang đối mặt với những thử thách hết sức cam go, đến gặp mục sư Hinson ngay khi ông kết thúc bài giảng. Cô nói, “Tôi rất sợ mình có thể sa ngã”; Hinson trả lời, “Tại sao lại không? Cô có thể làm điều đó”. Người phụ nữ phản đối, “Không, không! Tôi sẽ rơi xuống đâu?”; mục sư nói, “Cô sẽ rơi vào vòng tay vĩnh cửu của Thiên Chúa”. Sau đó, ông nói, “Thánh Kinh viết, ‘Chúa sẽ phù trì che chở; dưới cánh Người, bạn có chỗ ẩn thân’”.
Anh Chị em,
“Kết hợp với Thiên Chúa, đó là chương trình sống của tôi”, Carlo Acutis đã nói như thế. Nếu chúng ta làm được và có được một ‘chương trình sống’ cụ thể như vị chân phước trẻ của thời đại, chúng ta đã thật sự để cho Thiên Chúa đi vào cuộc sống của mình. Đó chính là lúc trái tim chúng ta có một niềm tin đủ ‘chiều sâu và độ chắc’, lúc mà Thiên Chúa đã hoàn toàn điều khiển chính con người của mình. Và như thế, không cần đợi ngày Chúa quang lâm hay ngày từ giã cuộc đời, chúng ta sẽ nói “Có” với Chúa ngay hôm nay, đáp lại điều Chúa muốn ngay hôm nay, đó là nên thánh; đó là sống trong ân sủng, tin yêu, phó thác và ngày càng thiết thân với Chúa hơn trong cầu nguyện.
“Lạy Chúa, con khao khát được lớn lên trong đức tin, trong tình yêu và sự hiểu biết của con về Chúa. Chớ gì, đức tin của con luôn sống động, đủ ‘chiều sâu và độ chắc’; và ước mong của con, là Chúa sẽ tìm thấy đức tin đó như một quà tặng quý giá con dâng cho Ngài”, Amen.
Lm. Minh Anh
2020
Học cái gì cũng có khó, có dễ
HỌC CÁI GÌ CŨNG CÓ KHÓ, CÓ DỄ
Các em học sinh thi lớp 12 thân mến. Khi tờ Báo Dân Chúa này được phân phối đến tay độc giả, thì có lẽ các em đã vào mùa Thi cuối năm nay rồi. Trước hết Thày giáo Trường Dòng chúc các em được tràn đầy sức khoẻ, cùng được các ơn phù trợ của Chúa Thánh Thần, hiệp cùng với lời bàu cử của Đức Trinh Nữ Maria là Mẹ của Thiên Chúa và là mẹ của chúng ta.
CHỮ HỌC CÓ KHÁC XƯA VÀ NAY KHÔNG
Chữ Học từ ngàn xưa vẫn thế, nó nói lên cho tất cả chúng ta biết rằng: Muốn hiểu và biết về một điều gì đó ngoại trừ bản năng tự nhiên, thì ai ai cũng phải học. Học từ khi mới chào đời cho đến khi chết. Hay nói khác đi là học từ lúc vào đời cho đến khi ra khỏi đời sống thế gian này. Quãng đường dài như thế, thì có mấy ai không có lúc chán nản. Nhất là học mà chẳng thông, hay thi hoài mà không đỗ Ông Tú, ông Nghè.
Người ta đi học, vì muốn biết về cái mình chưa biết, tuy nhiên có nhiều điều biết mà không rõ hay chưa hiểu biết toàn diện thì phải học lại.
Thí dụ như câu chuyện của 5 người mù đi tìm hiểu về con voi. Chính vì mù mà họ không nhìn thấy, họ chỉ nhận biết bằng cách dùng tay rờ vào con voi để đoán. Người thứ nhất dùng tay rờ vào cái vòi voi, sau một lúc, anh ta quả quyết rằng con voi giống như con trăn; Anh thứ hai rờ đúng cái tai, anh ta cả quyết rằng: con voi giống như cái quạt mo; Anh thứ ba thì rờ đúng vào cái chân, nên anh quả quyết là con voi giống như cái cột nhà; Anh thứ tư rờ vào đúng cái đuôi, nên anh cho rằng con voi nó giống như cây chổi quét nhà; Anh thứ năm sau khi nghe các anh kia tranh cãi, thì nghĩ ngợi quá sức về các điều mà bốn anh kia đã đoán. Anh ta bèn đi đến từ chỗ anh thứ nhất cho đến anh thứ tư để rờ vào con voi, rồi anh đi vòng qua con voi, để đến chỗ anh thứ nhất. Cuối cùng thì anh ta kết luận được hình ảnh của môt con voi một cách rõ ràng nhất.
Ngày xưa khi ngành y khoa chưa được phát triển nhiều. Các vị bác sĩ đều dựa theo kiểu của anh mù thứ năm, để tìm ra các chứng bệnh của người bệnh. Các phương pháp ấy bao gồm phương pháp chẩn bệnh:
Vấn chẩn là nói chuyện với bệnh nhân để tìm ra về tiểu sử bệnh lý của bệnh nhân, thí dụ như: nguyên nhân của việc đến xin khám bệnh hôm nay, tiểu sử của các nguyên nhân khác có liên quan đến bệnh lý này, tiền sử về gia đình, về sức khoẻ, sự lo lắng…
Thị chẩn. Đó là khám nghiệm bằng mắt đề tìm ra bệnh lý, thí dụ như nhìn, quan sát những điều bất thường trên khuôn mặt, sự sai lệch cân đối của thân thể như cách ngồi, dáng đi, cử điệu và nụ cười, những mụn nhọt hay hạch nổi sưng…
Thính chẩn. Đó là nghe tiếng thở của phổi, sự xuất hiện của các tiếng reo, kêu khác thường; Nghe nhịp đập của tim và tìm ra những nhịp đập thất thường như nhanh hay chập hay có thêm nhịp đập; Nghe tiếng của ruột chuyển động xem có đều hay quá chậm, hoặc quá nhanh…
Ấn chẩn. Đó là dùng tay để tìm ra vùng đau, thí dụ như ấn vào những chỗ bệnh nhân khai là đau, để tìm ra chỗ đau nhất. là Đồng thời hỏi bệnh nhân đau bao nhiêu, đau từ khi nào, đau giống như thế nào…
Đả chẩn. Đó là phương pháp gõ vào ác chỗ có thần kinh phản xạ khi bi kích thích, thí dụ như đầu gối để xem xét tình trạng có bị chấn thương thần kinh là tê liệt chi thể như chân tay.
Ngày nay các bác sĩ còn nhờ đến các kết quả của: những thử nghiệm máu, X-quang, Scan, những máy đo huyết áp, nhịp tim, độ thử Oxy bão hoà trong máu, hoặc kết quả của máy đo những quảng thời gian ngừng thở trong giấc ngủ ban đêm, để có thể kết luận cho sự chẩn đoán bệnh và giải thích cho bệnh nhân hiểu rõ bệnh tình của mình.
Sau đó các bác sĩ mới đưa ra những cách thức trị liệu, thí dụ như trường hợp bị phản ứng do thức ăn, do thuốc uống: kiêng hay tránh dùng những thức ăn, những thuốc uống mà người bệnh nhân đã dùng.
Bác sĩ sẽ giải thích về việc trị liệu cho bệnh nhân được biết, chẳng hạn như: bệnh nhân cần lấy máu thử nghiệm, chụp quang tuyến hoặc cần phải được giới thiệu đến các bác sĩ về chuyên khoa hay là phải nhập viện, sau khi bác sĩ ấy đã hội chẩn những ý kiến của các bác sĩ khác mà bệnh nhân đã đến gặp.
Trong giai đoạn giải thích và giáo dục này, vị bác sĩ cần phải hiểu rõ về bệnh lý và nguyên nhân của bệnh, hầu khi nói chuyện có thể tránh cho bệnh nhân hiểu lầm, và nhất là giúp cho bệnh nhân biết cách trị liệu, thời gian trị liệu là bao lâu, để họ biết mà đề phòng, hầu ngăn ngừa căn bệnh tái phát về sau, hoặc để cho họ biết tìm gặp bác sĩ sớm mà trị bệnh, hoặc giải thích cho họ hiểu về cách chữa trị như uống thuốc đúng giờ, đúng cách, thường xuyên tái khám, để tránh tình trang tự bỏ thuốc hoặc hết thuốc, hay uống thuốc đã hết hạn…
Tôi ví việc học của các em cũng khó như vậy, vì tất cả mọi việc đều có ít nhất là ba phần:
Phần thứ nhất là học để biết rõ cái mình muốn biết, chứ không phải chỉ biết như người mù, họ chỉ biết có một phần mà dám tuyên bố là mình đã biết và vội vàng tuyên bố rằng: “Học thì dễ ẹc”.
Phần thứ hai của việc học là biết để thực hành. Hành những cái mình biết và có thể truyền đạt hay dạy lại cho nhiều người khác cùng biết. Có như thế mới được goi là học thông suốt mọi vấn đề của cái mình chưa biết.
Phần thứ ba của việc học, mà tôi muốn nói: Học để khám phá ra cái mới mà mình chưa biết. Hay để phát minh ra những phương thế mới, để giúp cho sự học hỏi của các em ngày càng tiến bộ hơn.
Học để biết thì chưa đủ giỏi, nhưng học làm sao để các em đạt được mục đích mà các đã đề xướng ra, trước khi các em bắt đầu vào năm học.
Điều này thật quá khó để mà thực hiện phải không? Các em khôn ngoan, thì có mấy ai dám cho rằng việc học là dễ đâu. Bởi vậy, cần phải có những sự trợ giúp, những giải thưởng để làm cho các em vì nó mà dám hy sinh thì giờ để mà học.
NHỮNG MẨU CHUYỆN VỀ KINH NGHIỆM SỐNG CỦA CHA MẸ
Đây là điều, mà tôi đã suy nghĩ về việc học của con cái trong gia đình. Để chứng minh cho việc làm của tôi là đúng, và đã giúp con cái của chúng tôi thành công trong việc học. Tôi đã bắt đầu bằng những mẩu chuyện khuyên các con của tôi như sau:
Hãy nghe câu chuyện của ba, mà suy nghĩ nhé! Gia đình ta đoàn tụ quá trễ, vào năm 1990. Phải mất 7 năm kể từ khi ba đã bỏ nhà để đi vượt biển, mặc dù ba đến Úc từ đầu năm 1984, nhưng ba đâu có thì giờ để mà học. Ba suốt ngày phải lo tìm kế sinh nhai và tìm cách đi hái dâu, hái nho, hái bông cải, bẻ củ cà- rốt, rồi sau này ba đi làm hãng in, hãng ủi quần áo, làm thợ đi sơn nhà và cho mãi đến năm 1989 ba mới ghi danh đi học trở lại. Làm việc ở nông trại thì phải thức dậy từ 4 giờ sáng để đánh răng, rửa mặt và nấu 2 gói mì mà ăn cho chắc bụng. Lúc đồng hồ báo 4 giờ 30, là ba đóng cửa phòng để ra đứng đầu đường, chờ xe đến chở đi xuống nông trại cách chỗ ba ở khoảng 68 cây số. Đến nơi thì trời vừa mới tờ mờ sáng, đoàn người đã chạy ùa ra chỗ những giồng dâu. Ba phải quỳ, bò lết trên những giồng trồng dâu, để tranh nhau hái trái lớn với những người khác.
Họ thuê lúc đó cứ hai đồng rưỡi một kệ (15 chén dâu).
Cực riết rồi thì ba cũng quen, vì nắng không thể làm cho da của ba đen hơn được nữa, và mưa cũng chẳng có thể làm cho ba ướt hơn được nữa. Tất cả ba làm là vì mong đem được các con sang Nước Úc, để mà các con học thành tài. Những tháng Mùa Đông ba đi bẻ củ Cà-rốt, gọi là bẻ vì những củ Cà rốt đã được người chủ dùng máy cày xới chúng lên khỏi mặt đất từ chiều tối hôm trước rồi. Ba chỉ cần đi lượm chúng lên và bẻ phần lá trên đầu củ, chất chúng vào giỏ, mang ra thùng gỗ đổ vào cho đầy thùng, nó có sức chứa 1 khối (vuông và cao đều là 1 mét). Họ trả cho được 7 đồng một thùng khối ấy. Ngày nào nhanh tay, lẹ chân lắm thì được 7 khối.
Ba không muốn các con, phải cực khổ giống ba như vậy nữa. Ba mong ước sau này các con sẽ sung sướng hơn ba mẹ, vậy các con hãy cố gắng mà học hành cho đến nơi, đến chốn nhé. Cứ mỗi ngày, trong bữa ăn tôi lại kể cho chúng nghe một câu chuyện của đời mình.
Ấy thế mà nay, sau 29 năm, những đứa con thành đạt, đã trở lại thăm viếng chúng tôi mỗi tuần, và chúng lại kể cho chúng tôi nghe về những mẩu chuyện của tôi mà chúng đã khắc ghi trong lòng, để nhờ vào đó mà chúng đã thành công. Chúng thường nói với tôi rằng: “Tạ ơn Chúa, vì Chúa đã ban cho chúng con quá nhiều; Cảm ơn ba mẹ đã cho con những mẩu chuyện kinh nghiệm về cuộc sống, và nó đã giúp chúng con thành công”.
Giải thưởng của việc học hành là gì.
Giải thưởng của việc học hành là: sự thành công trong cuộc sống làm người cho chính em học sinh ấy.
Giải thưởng không chỉ là lời hứa cam kết, nhưng còn là những món qùa có giá trị to lớn đối với những con trẻ vào thời buổi lúc ấy. Hồi ấy, sau khi tôi ghi danh đi học ngành Nursing, được 1 năm thì gia đình tôi được đoàn tụ. Tôi ước mong con cái của tôi sau này sẽ học hành khá hơn tôi, nên tôi tìm cách cho chúng nó chịu khó mà học bằng cách treo giải thưởng.
Chẳng hạn hồi ấy, tôi treo giải thưởng cho đứa con nào thi được điểm cao, và vào được Y khoa là mười ngàn đồng, vào được Nha khoa thì thưởng 8 ngàn, còn vào được Dược khoa thì thưởng 7 ngàn.
Tiền lúc ấy, có giá trị lắm, lương cả năm của tôi trừ thuế rồi còn lại là 25 ngàn. Tôi cũng dám hứa với lũ con khờ dại ấy, tôi tưởng nói vậy thôi chứ dễ gì mà chúng đạt được. Thế mà sau này, tôi cũng đã phải chi mất 50 ngàn tiền thưởng cho hai đứa, và 7 ngàn cho một đứa khác.
Gần đây, có người bạn còn bảo tôi rằng thưởng như thế là ít, vì cháu của người bạn ấy mới đậu vào trường Mac Roberson, để sang năm học lớp 9, thì bố của nó đã thưởng 30 ngàn rồi. Nói như thế, thì tiền thưởng quả thật là hiệu nghiệm cho con trẻ ham học và cố gắng học.
LÀM THẾ NÀO ĐỂ CÁC EM ĐẠT ĐƯỢC GIẢI THƯỞNG
Chuyện học đã khó, thế mà các em phải học như thế nào để đậu vào được các ngành nghề, có danh vọng cao trong xã hội của Người Úc, thì còn khó khăn biết chừng nào kể cho xiết.
Cứ mỗi tuần, chúng phải xét mình xem chúng đã học tiến bộ được tới đâu, để có thể đạt được số điểm mà ngành nghề ấy đòi hỏi. Chúng phải tự phỏng đoán về kết quả của việc học, để tìm ra phương cách học cho mỗi ngày một tốt hơn. Chúng phải ép mình vào trong khuôn khổ kỷ luật giống như của một Dòng khổ tu, để tập trung vào việc học. Thí dụ như có thể làm việc trong phòng cả ngày để làm xong bài trước thời hạn ấn định. Học theo một chương trình mà chúng đã soạn hồi đầu tuần, hay vào buổi tối ngày hôm trước, và nhất quyết phải chu toàn bổn phận hàng ngày. Chúng phải luôn luôn tự thách đố mình, tự kiểm điểm và tìm cách giải quyết vấn đề sao cho thích ứng với điều kiện và thời gian mà chúng có.
TẬP GIỮ TÍNH THÀNH
Tập giữ kỷ luật cho quen, rồi sẽ thành tính, thành thói quen. Xin kể cho các em nghe một câu chuyện: “Con mèo của ông Trạng Quỳnh”:
Thời đấy, nhà vua có nuôi một con mèo tam thể, to béo và trông rất đẹp. Thế nhưng, một ngày nọ bỗng nhiên con mèo bị biến mất. Vua ra lệnh cho mọi người phải đi tìm bằng được con mèo ấy.
Một thời gian lâu sau đó, quan quân vào trình tấu với Đức Vua rằng: Bẩm tâu Đức Vua, chúng tôi thấy nhà của Trạng Quỳnh có một con mèo giống y hệt con mèo của Ngài, chỉ khác một điều là con mèo này hơi ốm hơn so với con mèo của Vua mà thôi”.
Nhà vua bèn cho gọi Trạng Quỳnh mang con mèo ấy trình diện Đức Vua. Thoạt nhìn thì nhà Vua phải sửng sốt, vì con mèo của Trạng Quỳnh giống y hệt con mèo của nhà Vua. Ông ta nổi giận vì nghi là Trạng Quỳnh ăn cắp, và ra lệnh đánh đòn.
Ông Trạng Quỳnh bèn tâu lên Vua rằng: “Muôn tâu bệ hạ, con mèo của nhà vua thì được ăn các thức ăn ngon miệng, còn con mèo của hạ thần thì chỉ thích có xương cá mà thôi. Để biết thật giả thế nào, thì xin bệ hạ cho lính mang ra đây 2 đĩa đựng thức ăn. Một đĩa thức ăn ngon đầy thịt, cá như nhà vua đã thường cho nó ăn, và một đĩa khác chỉ có xương cá mà thôi. Nếu như con mèo này chạy đến ăn ở đĩa có thức ăn ngon, thì hạ thần xin chịu tội”.
Nghe nói xong, nhà Vua hài lòng, gật đầu đồng ý và kêu nhà bếp dọn lên 2 điã thức ăn y như ông Trạng Quỳnh đã xin.
Con mèo nhìn thấy đĩa thức ăn đầy thịt, cá, thì mắt nó đã sáng rực lên và liền chạy đến một cách nhanh chóng.
Lúc ấy nhà vua đã bấm bụng là mình đã thắng trăm phần trăm, và định bụng ra phán quyết. Nhưng con mèo đã thè lưỡi liếm mép, mắt nhìn về phía Trạng Quỳnh và từ từ đi đến cái đĩa đựng toàn xương cá, và nó ăn hết đĩa xương cá ấy. Thế là nhà vua đành chịu thua và để cho ông Trạng Quỳnh ôm con mèo về nhà, ra khỏi cổng thành, ông ta vừa đi vừa nói với con mèo rằng: “Tập giữ tính thành, tập giữ tính thành”.
Các em học sinh thân mến, con mèo kể trên chính là con mèo của nhà vua, nhưng ông Trạng Quỳnh đã huấn luyện nó một cách tài tình, để nó bỏ ăn thịt, cá, mà chỉ còn ăn xương cá mà thôi.
Thoạt đầu khi ông mới bắt trộm con mèo của Đức Vua về nhà, ông đã bỏ đói nó ba ngày. Đến ngày thứ tư, thì ông dọn cho nó 2 điã thức ăn: một có thịt, cá, một chỉ có xương cá.
Hễ mỗi lần con mèo rón rén đến gần cái đĩa có thịt và cá, thì ông vụt cho nó một roi. Và cuối cùng, nó đành tiến về cái đĩa chỉ có xương cá để ăn. Ăn riết rồi nó quen, nó quấn quít bên chân ông cả ngày, và chờ đợi đến bữa ăn thì ông ăn cá và cho nó cái xương cá. Câu chuyện tập giữ tính thành là thế đó.
Ích lợi của Kỷ luật và sự Vâng lời trong việc học
Các em học sinh thân mến. Học là việc cần phải có kỷ luật và chính điều này sẽ biến đổi các em từ việc không thể làm được sang việc phải làm được. Thành công, hay vượt qua một sự khó đều tuỳ thuộc vào ý chí và bản thân của các em. Hơn thế nữa, sự thành công này còn đòi hỏi một điều kiện nữa là “Vâng lời”.
Con mèo kia đã vâng lời ông Trạng Quỳnh vì bị đánh đòn, còn các em thì sao?
Có lẽ các em vâng lời học hành vì sợ không được thưởng, hay các em sợ không báo đáp được công ơn của mẹ cha?
Tôi tin ở thời buổi này các sẽ không phải như thế, vì các em vâng lời cha mẹ học hành vì tin tưởng sự hiểu biết của mẹ cha hơn mình, và là do nó có lợi ích cho các em trong tương lai, hay vì danh dự bản thân đối với bạn bè, nhà trường, và gia đình.
Học theo ý của ai?
Có em cho rằng mình học theo ý của mẹ cha, có em cho rằng học theo ý của các em.
Nhưng thật ra các em học theo ý của người huấn luyện các em, thí dụ như: Thày cô, cha mẹ, bạn bè.
Các em làm sao có thể tự quyết định về ngành nghề, khi các em chưa hiểu biết về nó, Có em cho rằng học theo ý của bạn bè khuyên, thế nhưng với cái nhìn và hiểu biết nông cạn của bạn bè đã làm uổng phí và làm dự định của các em bị sai lệch.
Cha mẹ là người đã sinh ra các em, đã tiếp xúc, dạy dỗ và hướng nghiệp các em từ nhỏ cho đến bây giờ, thì hẳn là các ngài đã biết nhiều về ý nguyện, khả năng của các em. Chẳng có ai làm cha mẹ mà muốn cho con mình phải thua sút bạn bè, chẳng có ai lại muốn con mình bị thất bại trên đường học vấn, chỉ trừ khi không có đủ điều kiện sinh sống mà thôi.
Các em với tuổi đời còn ít, cho nên đã bị giới hạn tầm nhìn, thì làm sao các em dám mơ những ước mộng cao xa. Người ta đã nói câu: “Ếch ngồi đáy giếng” là thế đó.
Con Ếch nhìn bầu trời qua miệng giếng, nó thấy mặt trời thật nhỏ quá, và nó kêu lên rằng; “nhỏ quá, nhỏ quá”. Cho đến một ngày kia bỗng có mưa to, gió lớn và nước ngập tới miệng giếng. Con ếch nhảy ra khỏi miệng giếng, nó nhìn thấy bầu trời thật bao la, vô tận, và nói bèn kêu lên thật to rằng: “To quá, to quá”. Nhưng đã muộn, con ếch đã bị cơn lũ cuốn trôi vào giòng nước mênh mông, phiêu bạt giang hồ, và một ngày nào đó, nó đã chết trương thây bên một bờ ruộng, mặc cho ruồi bu, kiến bám đầy chung quanh mình.
Hãy ngoan ngoãn học theo lời khuyên của mẹ cha và thày cô, vì các em chỉ biết một mà không biết mười.
Khả năng, tài năng của con người là do Chúa ban
Khả năng mà Thiên Chúa ban cho loài người thì nhiều vô số kể, không có ai là người vô dụng cả. Có người giỏi thứ này mà kém về môn nọ, Có người được ơn nói tiên tri, có người được ơn làm phép lạ. Hay nói khác đi có em giỏi môn Toán mà lại dở về viết văn, hoặc có người giỏi cả Toán lẫn Văn chương…
Nhưng có một điều mà các em hay lầm lỗi, đó là các em tự giới hạn sự hiểu biết của mình trong việc học. Thí dụ như các em chỉ lo học một sinh ngữ tiếng Anh mà không lo trau dồi tiếng Việt. Các em có biết không, khả năng về sinh ngữ thì một em bé tử 3 tuổi có thể nói, viết, đọc, nghe, và hiểu được ít nhất là 5 thứ tiếng một cách thông thạo, chứ không phải chỉ, có một tiếng mẹ đẻ mà thôi.
Cho nên, các em đừng tự giới hạn sự hiểu biết của mình về việc học, để rồi mà đóng nó vào một cái khung hạn hẹp. Các em thử nhìn lại chương trình học của các em mà so sánh, chẳng phải nhà trường đã dạy các em về 6 bộ môn đó hay sao, thế mà vẫn có nhiều em đã được điểm cao cho cả 6 môn học ấy. Các em hãy tự tin vào chính mình, nếu như các em muốn kiêu hãnh làm con cháu dân tộc Việt cho thế giới noi gương.
Xin kể cho các em về câu chuyện của con chim ưng, để các em đừng bao giờ đánh thấp giá trị của mình mà nản chí:
Một này nọ, có một con gà mái sinh sống ở vùng núi cao. Khi đến thời đẻ trứng, nó bèn đi tìm một hốc đá, để làm tổ và đẻ trứng. Sau thời gian đẻ trứng, nó đã khám phá ra, trong số trứng ấy có một quả trứng to lớn khác thường hơn các quả trứng khác, vì không biết con chim ưng mái nào đó đã lầm tổ. Nhưng nó vẫn vui vẻ, nằm phủ đôi cánh để ấp cho tất cả mọi quả trứng, vì nó nghĩ trằng Trời cho nó mà. Rồi ngày trứng nở đã đến, tất cả những chú gà con đều mổ vỏ và lần lượt chui ra. Gà mẹ không quan tâm về màu sắc của các con, và nó thương các con của nó thật đồng đều.
Hàng ngày nó dắt các con của nó đi tìm thức ăn, nó dùng đôi bàn chân của nó, để bới từng con giun cho lũ con của nó ăn. Cho đến một ngày, lũ con của nó khôn lớn, đủ lông, đủ cánh. Con chim ưng kia to lớn nhanh hơn nhiều so với các chú gà con kia, nhưng nó chỉ làm những công việc của gà mẹ đã dạy nó mà thôi, vì nó tưởng mình là thân phận con gà.
Thế rồi có một ngày, gà mẹ dắt các con của nó đi kiếm thức ăn gần bờ vực thẳm, chẳng may nó bị trượt chân té xuống vực thẳm. Nó vội kêu lên cầu cứu, nhưng gà mẹ hình như không nghe thấy vì có thể là tiếng kêu khác giọng của giống gà. Trong khi gà mẹ con đang ngơ ngác, thì kìa từ dưới vực thẳm, một con chim ưng bay vút lên trời cao và đáp xuống gần lũ gà con. Mẹ gà hoảng sợ, bèn giang rộng đôi cánh để bảo vệ đàn con. Lạ thay! con chim ưng ấy cũng xếp cánh chui vào núp đưới bóng của gà mẹ. Con chim ưng kia từ trước đến giờ, nó đã tưởng mình là chú gà con, cho đến khi nó bị rớt xuống vực thẳm, nó sợ hãi dang đôi cánh ra để vỗ cánh như gà mẹ thường làm, nào ngờ nhờ thế mà nó bay được và thoát khỏi vực thẳm.
Các em thân mến. Tôi khuyên các em đừng tự giới hạn sự hiểu biết của mình ở cột mốc nào đó trong cuộc đời mình. Hãy chăm chỉ, kiên nhẫn bước đi và tiến lên tong việc học hành. Tôi khuyên các em hãy tin tưởng và phó thác đời sống của các em cho Chúa. Cũng như các em hãy học hết khả năng của các em, và xin Chúa sử dụng tài năng của các em vào việc mưu ích cho xã hội, cho Giáo hội. Tôi tin chắc các em sẽ thành công trên đường học vấn, cũng như trên đườg đời trong tương lai.
Cầu chúc cho các em, đạt được mọi sự như ý các em cầu xin trong kỳ thi năm nay.
Lạy Chúa! Xin cho tất cả các em học sinh biết quý trọng thời gian của Chúa ban, để cố gắng học hành, để sau này các em giúp đời và mang bình an đến cho nhân loại qua Tin Mừng của Chúa. Chúng con xin vì, Đức Giêsu Ki-Tô là Chúa của chúng con. Amen.
Thày giáo Trường Dòng.
2020