2020
Xin cứu chúng con cho khỏi sự dữ
Xin cứu chúng con cho khỏi sự dữ
Gần đây, một nhóm người tự xưng là “Nhóm trừ quỷ Bảo Lộc” do một giáo dân đứng đầu đã tổ chức những cuộc trừ quỷ tại nhà riêng lôi kéo được rất nhiều người. Đây là nhóm tự phát và không đúng với giáo lý đức tin cũng như giáo luật của Giáo Hội nên Tòa giám mục Đà Lạt đã ra thông báo ngày 6.6.2020 khẳng định nhóm này “hoàn toàn bất hợp pháp theo giáo luật”. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng ta tìm hiểu về thực hành trừ quỷ hay trừ tà dưới nhãn quan và theo quy định của Giáo Hội.
Trừ quỷ trong Tân Ước
Trừ quỷ là hành động đuổi hay trục xuất ma quỷ hay thần dữ ra khỏi người, nơi chốn hay đồ vật được cho là bị quỷ ám hay bị quỷ quấy phá, hoặc có thể trở thành nạn nhân hay dụng cụ cho sự ma mảnh, ảo quyệt của quỷ.
Từ exorkizo (εξορκίζω: “thề, truyền lệnh, trừ quỷ”) được sử dụng trong bản dịch Bảy Mươi (Stk 24,3 = thề; I V 22,16 = thề), và trong Mt 26,63, “Ta bắt ngươi tuyên thệ nhân danh Thiên Chúa hằng sống …” Danh từ exorkistes (ἐξορκιστής)trong Cv 19,13, được áp dụng cho những người Do Thái đi đây đi đó tuyên thệ để trừ quỷ. Và như vậy, trừ quỷ bằng cách tuyên thệ là ý nghĩa đầu tiên của việc trừ quỷ. Lời tuyên thệ này nhân danh Thiên Chúa hay Đức Giêsu, và như vậy đó là một hành vi hay nghi thức tôn giáo.
Tin Mừng Marcô phác họa Đức Giêsu như là một người trừ quỷ rất nhiều lần. Thật vậy, chúng ta không biết có nhân vật nào vào thời cổ mà việc trừ quỷ lại quan trọng đến thế. Matthêô và Luca gợi ý rằng việc trừ quỷ có ý nghĩa để hiểu được Đức Giêsu (Mt 12,28-29 // Lc 11,20-21). Tuy nhiên, một trong những điều khó hiểu của Tin Mừng Gioan là không đề cập gì đến việc trừ quỷ, có lẽ vì chúng được cho là quá bình thường để bày tỏ vinh quang Ngài trước các … phép lạ là hiện tượng quyền năng hơn (Ga 2,11).
Quyền năng của Đức Giêsu trên ma quỷ là một trong những dấu hiệu Thiên Sai (Mt 12,23.28; Lc 11,20). Ngài trừ quỷ bằng ngón tay hay thần khí của Thiên Chúa chứ không phải là đồng bọn của ma quỷ như các đối thủ cáo buộc (Mt 12,24.27; Mc 3,22; Lc 11,15.19); Ngài không chỉ sử dụng quyền năng được ủy thác mà còn quyền năng cá nhân, trực tiếp và ra lệnh cho ma quỷ (Mc 9,24; cf. 1,25 etc.): “Người nói một lời là trừ được các thần dữ và Người chữa lành mọi kẻ ốm đau” (Mt 8,16). Đôi khi Ngài trừ quỷ từ xa như trường hợp con gái của người phụ nữ Canaan (Mt 15,22 tt.; Mc 7,25). Đôi khi, thần dữ bị trục xuất được phép nói ra sự nhìn nhận nó về Đức Giêsu như là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Mc 1,24) và phàn nàn rằng Ngài đến để gây khó dễ cho chúng “trước thời gian”, nghĩa là trước khi chúng bị xử phạt (Mt 8,29 tt; Lc 8,28 tt.). Trong Luca 13,32, Đức Giêsu phân biệt giữa trừ quỷ và chữa lành bệnh tật.
Khi còn tại thế, Đức Kitô cũng ban cho các Tông đồ và môn đệ quyền trừ quỷ nhân danh Ngài (Mt 10,1 và 8; Mc 6,7; Lc 9,1; 10,17), và cũng hứa với những người tin một quyền lực như thế (Mc 16,17). Nhưng hiệu quả của quyền năng được ủy thác này là có điều kiện, như chúng ta thấy chính các tông đồ cũng không phải lúc nào cũng thành công khi trừ quỷ: vài loại quỷ chỉ có thể trừ bằng cách cầu nguyện và ăn chay (Mt 17,15.20; Mc 9,27-28; Lc 9,40). Nói cách khác, sự thành công của thực hành trừ quỷ của các Kitô hữu, nhân danh Đức Kitô, phải chịu những điều kiện chung dựa trên hiệu quả của lời cầu nguyện và quyền năng đoàn sủng. Thánh Phaolô (Cv 16,18; 19,12), và hẳn nhiên các tông đồ và những môn đệ khác đều thường xuyên sử dụng quyền trừ quỷ. Và Giáo Hội vẫn tiếp tục sử dụng cho đến ngày nay.
Trừ quỷ trong Giáo Hội sơ thời
Dựa vào các tác giả sơ thời, ta biết rằng vào thế kỷ đầu tiên thì không chỉ hàng giáo sĩ mà cả giáo dân cũng có thể trừ quỷ nhờ quyền năng Thiên Chúa, và sự thành công của họ được các nhà hộ giáo cho rằng đó là lý chứng mạnh mẽ cho tính thần thiêng của Kitô giáo (Justin Martyr, First Apology 6; Dialogue with Trypho 30 và 85; Minutius Felix, Octavius 27; Origen, Against Celsus I.25; VII.4; VII.67; Tertullian, Apology 22, 23; etc.). Ở những thế kỷ đầu tiên này, không có phương tiện ma thuật hay mê tín nào được sử dụng, các chứng nhân nói rằng hình thức trừ quỷ chỉ là một lời tuyên thệ truyền cho ma quỷ nhân danh Thiên Chúa, và đặc biệt là Đức Kitô chịu đóng đinh.
Nhưng đôi khi vài hành động có tính biểu tượng được thêm vào lời, chẳng hạn như thổi hơi (insufflatio), hay đặt tay trên chủ thể hay làm dấu thánh giá. Thánh Justinô nói “quỷ bay đi khi các Kitô hữu chạm tay vào hay thổi hơi” (Second Apology 6), chừng như gặp phải ngọn lửa đốt như Thánh Cyrilô thành Giêrusalem nói thêm vào (Catechetical Lectures 20.3). Ôrigen nói đến việc đặt tay, và Thánh Ambrôsiô (Paulinus, Vit. Ambr., n. 28, 43, P.L, XIV, 36, 42), Thánh Êphraem Syrus (Gregory of Nyssa, De Vit. Ephr., P.G., XLVI, 848) và những người khác đã dùng nghi lễ này khi trừ quỷ. Dấu thánh giá, cách đơn giản và ngắn gọn nhất để tuyên xưng đức tin của một người vào Đấng chịu đóng đinh và cầu khẩn quyền năng của Ngài, đã được các giáo phụ tán dương về hiệu quả của nó chống lại các thứ quấy nhiễu của ma quỷ (Lactantius, Divine Institutes IV.27; Athanasius, On the Incarnation of the Word 47; Basil, In Isai., XI, 249, P.G., XXX, 557, Cyril of Jerusalem, Catechetical Lectures 13.3; Gregory Nazianzen, Carm. Adv. iram, v, 415 sq.; P.G., XXXVII, 842). Các giáo phụ còn khuyên rằng lời truyền và lời nguyện đi kèm nên được diễn dạt bằng những lời trong Kinh Thánh (Cyril of Jerusalem, Procatechesis 9; Athanasius, Ad Marcell., n. 33, P.G., XXVII, 45). Nghi thức trừ quỷ hiện nay của Nghi thức Rôma hoàn toàn phù hợp với giáo huấn của các giáo phụ và là bằng chứng cho thấy có liên tục của Giáo Hội Công Giáo trong vấn đề này.
Hai hình thức trừ quỷ
Có hai loại trừ quỷ (hay hai hình thức). Hình thức đơn giản và hình thức trọng thể. Hình thức đơn giản được tìm thấy ở hai nơi: trước hết là nghi thức dành cho những ai chuẩn bị chịu phép rửa tội, Nghi thức Dẫn nhập Kitô giáo dành cho người lớn (RCIA) và Nghi thức rửa tội cho trẻ em, cả hai được gọi là hình thức trừ quỷ đơn giản; thứ đến là trong phần phụ lục (appendix) Trừ quỷ và những lời cầu liên quan (Exorcisms and Related Supplications) của sách nghi thức gồm có một số lời cầu nguyện mà giáo dân có thể sử dụng.
Loại thứ hai là nghi thức trọng thể chỉ có thể được giám mục hay linh mục được bản quyền địa phương cho phép rõ ràng thì mới có thể thi hành được. Hình thức này nhằm “nhằm trục xuất ác thần satan và giải thoát khỏi ảnh hưởng của nó, nhờ quyền thiêng liêng Chúa Giêsu đã ủy thác cho Hội Thánh”. Ta có thể đọc lại số 1673 của sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo nói về nghi thức trừ quỷ: “Trong nghi thức Trừ Tà, nhân danh Chúa Kitô, Hội Thánh công khai và có thẩm quyền cầu xin để một người hay một sự vật được Thiên Chúa bảo vệ khỏi quyền lực của ác thần Satan và giải thoát khỏi ách thống trị của nó. Chúa Giêsu đã từng trục xuất thần dữ (x. Mc 1,25 tt); chính Người ban cho Hội Thánh quyền và nhiệm vụ trừ tà (x. Mc 3, 15;6,7.13;16,17). Nghi thức cử hành bí tích Thánh Tẩy có công thức Trừ Tà đơn giản. Nghi Thức Trừ Tà trọng thể phải do một linh mục cử hành với phép của giám mục. Linh mục trừ tà phải thận trọng và giữ nghiêm ngặt các qui định của Hội Thánh. Nghi thức Trừ Tà nhằm trục xuất ác thần Satan và giải thoát khỏi ảnh hưởng của nó, nhờ quyền thiêng liêng Chúa Giê-su đã ủy thác cho Hội Thánh. Mục đích này khác 619 hẳn với các việc chữa bệnh, nhất là các bệnh tâm thần: chữa bệnh là công việc của y khoa. Do đó, trước khi cử hành nghi thức Trừ Tà, phải điều tra cẩn thận để chắc chắn đây là trường hợp quỷ ám chứ không phải một dạng bệnh lý (x. CIC 1172)”
Cuốn Nghi thức trừ tà hiện nay là bản duyệt lại của bản năm 1614. Đây là cuốn nghi thức bằng tiếng Latinh (De Exorcismis et Supplicationibus Quibusdam) gởi đến các Hội đồng giám mục quốc gia để dịch sang tiếng địa phương. Những bản dịch này phải chính xác và trung thành với bản gốc Latinh và được Thánh bộ phụng tự công nhận, theo giáo luật.
Trong khi từ “trừ tà” nói đến việc trục xuất ma quỷ, thì nó không chỉ áp dụng cho những người (hay những vật dụng, nơi chốn) bị quỷ ám rõ ràng. Hãy nhớ lại khi rửa tội cho trẻ em, linh mục hay phó tế đọc một lời nguyện trừ quỷ trên đứa bé và xức dầu trước khi rửa tội:
“Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Ngài đã sai Con một của Ngài đến thế gian để xua tan quyền lực Satan, thần dữ, và sau khi giải thoát con người khỏi chốn tối tăm, Ngài đưa con người vào ánh sáng huy hoàng của vương quốc Ngài: chúng con khiêm tốn cầu xin Ngài giải thoát (các) em này khỏi Tội Nguyên Tổ, xin làm cho (các) em trở nên một đền thờ để vinh danh Ngài, và xin sai Thánh Thần Chúa đến ngự trong (các) em. Nhờ Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng con.”
Lời nguyện này không có nghĩa là mọi đứa bé đều bị quỷ ám nhưng lời nguyện trừ quỷ này chỉ muốn nói rằng cho đến khi chịu phép rửa thì đứa bé vẫn ở trong tình trạng tội nguyên tổ. Và lời nguyện này được các giáo sĩ thi hành phép rửa tội đọc. Theo Giáo Luật, điều 861 §1, thì thừa tác viên thông thường của bí tích rửa tội là giám mục, linh mục hay phó tế: “Thừa tác viên thông thường của bí tích Rửa Tội là Giám Mục, Linh Mục và phó tế, miễn là vẫn giữ nguyên những quy định của điều 530,1o (LG 26 ; LG 29 ; PO 5)”. Ta có thể thấy đây là vết tích của một thực hành cổ xưa mà trong đó người trừ quỷ có thể đuổi quỷ ra khỏi người chưa chịu phép rửa tội.
Trừ quỷ trong bí tích Rửa tội
Sơ thời, thực hành trừ quỷ cho các tân tòng được đưa vào Giáo hội như là sự chuẩn bị cho bí tích Rửa tội. Điều này không có nghĩa là họ bị xem như có quỷ ám nhưng là hệ quả của tội nguyên tổ (và tội của chính mình khi họ là người trưởng thành), ít nhiều họ chịu ảnh hưởng của quyền năng thần dữ, và vì thế ân sủng của bí tích Rửa tội sắp giải thoát họ khỏi sự thống trị này.
Thực hành trừ quỷ này là mào đầu có tính biểu tượng cho một trong những hiệu quả của bí tích tái sinh; và vì nó được dùng trong trường hợp trẻ em không có tội mình làm, nên Thánh Augustinô nói nó hàm ý về tội nguyên tổ, chống lại lạc thuyết Pêlagiô (Ep. cxciv, n. 46. P.L., XXXIII, 890; C. Jul. III, 8; P.L., XXXIV, 705,). Thánh Cyrilô thành Giêrusalem (Procatechesis 14) mô tả chi tiết thực hành trừ quỷ trong bí tích rửa tội, trong đó việc xức dầu trừ quỷ là một phần của thực hành trừ quỷ ở phương Đông. Chứng từ sơ thời duy nhất của phương Tây đề cập đến việc xức dầu như là một phần của nghi thức trừ quỷ trong bí tích rửa tội là cuốn Arabic Canons của Hippolytus (n. 19, 29). Exsufflatio, thở ra, ứng viên thở ma quỷ ra, đôi khi là một phần của nghi thức, trong khi Insufflatio, hoặc hít vào Thần khí, do thừa tác viên hay những phụ tá, tượng trưng cho sự tràn đầy ân sủng thánh hóa của bí tích. Những nghi thức cổ xưa này được Giáo Hội giữ lại cho đến ngày nay trong nghi thức rửa tội trọng thể.
Người trừ quỷ theo Giáo luật
Sơ thời, các tác giả như Thánh Gioan Kim Khẩu và Tertullianô nói rằng bất kỳ ai vì mình đã chịu phép rửa tội thì cũng có thể trừ quỷ. Nhưng đây không phải một nghi thức mà chỉ là một sự nhân danh, nhân danh Đức Giêsu. Vài thế kỷ đầu tiên đã có tình trạng như vậy. Cho đến Công đồng Carthage IV [398], lần đầu tiên ta thấy có chức trừ quỷ. Đây vẫn là một trong các chức nhỏ trong nhiều thế kỷ mãi cho đến năm 1972 thì Đức Phaolô VI xét duyệt lại và thu gọn các chức nhỏ.
Ngày nay, người Công giáo đã quen thuộc với ý nghĩ rằng các đại chủng sinh, hay các thầy, là những người đang học để trở thành linh mục, và sẽ chịu chức phó tế trước khi thụ phong linh mục. Tuy nhiên, trước đây không lâu lắm, tất cả các đại chủng sinh đều được chịu chức “trừ quỷ” (exorcist). Chỉ vài thập niên cách đây, Giáo hội phong 4 chức nhỏ (minor orders) cho tất cả các đại chủng sinh: giữ cửa, trừ quỷ, đọc sách và giúp lễ. Nguyên thủy, tên gọi của 4 chức nhỏ này nói lên vai trò của sứ vụ được đảm nhiệm trong hoạt động phụng vụ. Chẳng hạn như thầy giúp lễ là những người đốt nến và cầm nến trong các đám rước. Có vẻ như vào một thời điểm nào đó trong lịch sử sơ thời của Giáo Hội thì những người trừ quỷ không phải là linh mục, song được ban cho vai trò trừ quỷ để có thẩm quyền trừ quỷ khỏi những dự tòng (catechumen), những thành viên của cộng đoàn Giáo Hội chưa được rửa tội.
Vào năm 1972, Đức thánh cha Phaolô VI đã đơn giản hóa tiến trình chịu chức linh mục và loại bỏ các chức nhỏ. Trong tự sắc Ministeria quaedam, Đức thánh cha đã công bố rằng từ nay từ “các chức nhỏ” sẽ được thay thế bằng “các sứ vụ” (ministries). Và 4 chức nhỏ trước đây giờ chỉ còn 2 được xem như là những “sứ vụ”: đọc sách và giúp lễ.
Thế nhưng một thể loại trừ quỷ khác liên quan đến người, nơi chốn và vật thực sự bị quỷ ám, thì đây là một vấn đề khác, một chủ đề cho những điều khoản Giáo Luật khác. Theo Giáo Luật thì người trừ quỷ phải là một linh mục, nhưng điều 1172 §2 nói: “Đấng Bản Quyền địa phương chỉ ban phép trừ tà cho một Linh Mục đạo đức, sáng suốt, khôn ngoan và có đời sống vẹn toàn (CIS 1151).” Vì thế, không phải mọi linh mục bất kỳ, chỉ vì đã lãnh nhận chức linh mục, mà đương nhiên được phép trừ quỷ. Điều 1172 §1: “Không ai có thể trừ tà cách hợp pháp cho những người bị quỷ ám, trừ khi có phép đặc biệt và minh nhiên của Đấng Bản Quyền địa phương”. Một linh mục có thể được giám mục chỉ định làm người trừ quỷ trên cơ bản ổn định hay cho một dịp đặc biệt (ad actum). Dù sao thì người trừ quỷ cũng phải theo hướng dẫn chặt chẽ của giám mục.
Trừ quỷ trọng thể (solemn exorcism) là một hành vi công khai của Giáo Hội. Vì thế, nó không được thi hành bởi một cá nhân linh mục mà không có phép của giám mục giáo phận (c. 1172.1). Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo (1673) cũng hoàn toàn ăn khớp với Giáo luật về điều này. Và theo ĐHY Jorge Arturo Medina Estevez, bộ trưởng Thánh bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, những dấu hiệu bị quỷ ám gồm: nói những lời bằng những thứ tiếng lạ hoặc hiểu được chúng (trong điều kiện của người bị ám là người không rành các ngôn ngữ đó, như tiếng Aram chẳng hạn); nói ra những điều giấu kín hay ở cách xa đó; có sức mạnh khác thường so với điều kiện của một người kết hợp với sự xúc phạm nặng nề Thiên Chúa, Đức Maria, các thánh, thánh giá và những ảnh tượng thánh.
Trước hết, hành vi trừ tà trọng thể phải được thi hành với thẩm quyền, nghĩa là với sự chuẩn nhận của giáo quyền địa phương, cụ thể là giám mục giáo phận. Thứ đến, trước khi bắt đầu trừ tà, thật quan trọng khi phải xác quyết rằng đây là trường hợp quỷ ám đặc biệt mà Giáo Hội đang đối mặt. Có nhiều người đang điều trị y khoa nào đó, gồm cả bệnh tâm thần, có thể có những triệu chứng bên ngoài giống như bị quỷ ám. Trong cuộc họp báo ngày 26 tháng Giêng 1999, ĐHY Jorge Arturo Medina Estevez, bộ trưởng Thánh bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, đã nhấn mạnh rằng có rất ít người thực sự bị quỷ ám, chỉ có 1 trên 5.000 trường hợp được tường trình là bị quỷ ám thật sự. Vì thế, người trừ quỷ phải phân biệt giữa người bị quỷ ám thật sự và những người bị tâm bệnh. Vì thế, công việc xác minh rất quan trọng để tránh trường hợp bệnh nhân cần được điều trị bởi những nhà chuyên môn y khoa thì lại được người trừ quỷ xử lý! Chính vì công việc xác minh quan trọng như thế nên Giáo luật, điều 1172 §2 mới nói rằng đấng bản quyền chỉ ban phép trừ tà cho “một linh mục đạo đức, sáng suốt, khôn ngoan và có đời sống vẹn toàn”.
Giáo dân có được trừ quỷ?
Sách Công vụ 19,13-20 kể lại câu chuyện: “Ông Xikêua nọ, thượng tế Do Thái, có bảy con trai thường làm như vậy. Nhưng tà thần đáp: “Đức Giêsu, tao biết; ông Phaolô, tao cũng tường; còn bay, bay là ai? ” Rồi người bị tà thần ám xông vào họ, đè cả bọn xuống đánh túi bụi, khiến họ phải bỏ nhà ấy mà chạy trốn, trần truồng và đầy thương tích. Mọi người ở Êphêsô, Do Thái cũng như Hy Lạp, đều biết chuyện ấy; ai cũng sợ hãi, và thiên hạ tán dương danh Chúa Giêsu”. Trong trường hợp này, những người trừ quỷ là những người không có chuyên môn.
Giáo dân có được phép trừ quỷ không? Chúng ta có câu trả lời từ ĐHY Ratzinger, Bộ trưởng Thánh bộ Giáo lý đức tin. Nhân có một số nhóm cầu nguyện nhằm mục đích thoát khỏi ảnh hưởng của ma quỷ, họ tổ chức những cuộc hội họp do giáo dân hướng dẫn, ngay cả khi có linh mục hiện diện. Trong thư gởi các đấng bản quyền về các nguyên tắc trừ tà, ngày 29 tháng Chín 1985, ĐHY Ratzinger đã nhắc lại các điều khoản Giáo Luật trên về trừ tà và nói tiếp: “Từ những quy định này, giáo dân không được phép sử dụng công thức trừ tà chống lại Satan và các thiên thần sa ngã, trích đoạn từ công thức của ĐTC Lêô XIII, hay dùng toàn bản văn của nghi thức trừ tà này. Các giám mục nên cảnh báo giáo dân về điều đó, nếu cần thiết. Cuối cùng, cũng vì các lý do đó, đòi hỏi các giám mục phải cảnh giác – dù trong trường hợp không liên quan đến việc thực sự bị quỷ ám –những ai không được ban năng quyền thì không thể hướng dẫn các cuộc hội họp có đọc lời cầu mà trong đó ma quỷ bị chất vấn trực tiếp và căn tính của chúng được tìm biết”[1]
Nghi thức trừ quỷ trọng thể (Major Exorcism) chỉ được thi hành bởi một linh mục có thẩm quyền hay giám mục (sacerdos). Giáo dân có thể hiện diện trong nghi thức, hỗ trợ công việc cho linh mục trừ quỷ bằng lời kinh của họ được đọc các riêng tư hay được chỉ dẫn trong nghi thức. Tuy nhiên, bản văn De Exorcismis et Supplicationibus Quibusdam lưu ý rằng giáo dân không được đọc bất kỳ lời nguyện nào dành cho linh mục (bản dịch Anh ngữ Exorcisms and Related Supplications, số 35), không chỉ vì các lời nguyện chỉ dành cho những người được phong chức để hành động nhân danh Đức Kitô là Đầu (in persona Christi capitis), nhưng để bảo vệ giáo dân khỏi nhưng tổn hại tinh thần có thể. Khi người bị ám là nữ giới thì ít nhất nên có một người nữ khác hiện diện vì sự đứng đắn và thận trọng. Người trừ quỷ không bao giờ ở một mình với người bị ám, dù là khi tư vấn hay là trong khi cử hành nghi thức.
Trừ quỷ là lời cầu nguyện rơi vào thể loại á bí tích, nghĩa là một trong số các dấu hiệu thánh do Giáo hội thiết lập để “thánh hóa một số hoàn cảnh trong cuộc sống ” (Toát yếu Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 351), vì thế khác với bảy bí tích của Giáo Hội do chính Đức Kitô thiết lập. Bí tích Thống hối tha thứ tội lỗi và giao hòa chúng ta với Giáo Hội, bí tích Rửa tội ban ân sủng để chiến đấu với ma quỷ và với lên trong nhân đức. Như là một á bí tích, trừ quỷ chuẩn bị cho một người đón nhận ân sủng. Vì trừ quỷ là á bí tích, như là một lời cầu chúc, nên những người được lãnh nhận phép “trừ quỷ trọng thể” là những người được quy định bởi Giáo luật, điều 1170: “Các phép lành phải được ban trước hết cho những người Công giáo, nhưng cũng có thể được ban cho các dự tòng, và cho cả những người không Công giáo nữa, trừ khi Giáo Hội ngăn cản điều đó”. Vì thế, những người sau đây được lãnh nhận phép đặc biệt này nếu được cho là cần thiết: 1) Những người Công giáo; 2) Các dự tòng; 3) Những Kitô hữu không Công giáo xin lãnh nhận; và 4) Các tín hữu không Kitô giáo có ý ngay lành muốn thoát khỏi ảnh hưởng của ma quỷ. Những trường hợp liên quan đến người không Công giáo, nên báo cho giám mục biết (cf. ERS, số 18).
Cuốn nghi thức trừ tà De Exorcismis et Supplicationibus Quibusdam có 2 chương và hai phụ lục. Phụ lục thứ 2 là Những kinh nguyện có thể được giáo dân sử dụng cách riêng tư trong cuộc chiến chống lại quyền lực của bóng tối (Prayers which may be used privately by the faithful in the struggle against the powers of darkness). Đây là những lời kinh giúp giáo dân chiến đấu chống lại cám dỗ của tội lỗi hay những cuộc tấn công thiêng liêng, có thể đọc riêng tư.
Kết luận
Ma quỷ là có thật và chúng đang hoạt động dưới mọi phiên bản của sự dữ trên thế giới và ngay trong con người chúng ta. Trong bài giảng ngày 12.10.2018 tại nguyện đường Santa Marta, chú giải đoạn Tin mừng Luca 11,15-26, Đức Phanxicô đã nói: “Khi ma quỷ chiếm hữu tâm hồn của một người, nó lấy đó làm nhà và không muốn rời xa, cố gắng làm hư hỏng con người ấy thậm chí tàn phá về thể lý. Cuộc chiến đấu giữa thiện và ác trong con người chúng ta là cuộc chiến đấu thật sự giữa Thiên Chúa và con rắn xưa, giữa Đức Giêsu và ma quỷ. Mục đích và ơn gọi của ma quỷ là “phá hủy công trình của Thiên Chúa”. Khi ma quỷ không thể phá hủy “diện đối diện” vì có Thiên Chúa là sức mạnh lớn hơn bảo vệ con người, thì nó vốn xảo quyệt và “khôn hơn cáo” luôn tìm cách tái chiếm hữu con người ấy”. Chính vì thế, ĐHY Medina Estevez đã khẳng định tính chính đáng và cần thiết của công việc trừ quỷ hay trừ tà trong Giáo Hội: “Trừ tà dựa trên niềm tin của Giáo hội cho rằng Satan và những thần dữ khác hiện hữu và hoạt động của chúng nhắm đánh lạc hướng con người khỏi con đường cứu rỗi. Giáo lý Công giáo dạy chúng ta rằng ma quỷ là những thiên thần sa ngã vì tội lỗi, rằng chúng là những hữu thể thiêng liêng có trí khôn ngoan và sức mạnh, nhưng tôi nhấn mạnh rằng ảnh hưởng xấu của ma quỷ và những người theo chúng thường được thực hiện qua việc lừa đảo và gây nhầm lẫn. Như Đức Giêsu là Sự thật (cf. Ga 8,44) thì ma quỷ là kẻ dối trá thượng thừa. Nó lừa phỉnh con người khi làm cho con người tin rằng hạnh phúc nằm ở tiền bạc, quyền lực và ham muốn xác thịt. Nó dụ dỗ con người nghĩ rằng mình không cần Thiên Chúa, rằng ân sủng và ơn cứu rỗi là điều không cần thiết. Nó còn lừa phỉnh con người khi giảm nhẹ ý thức về tội lỗi hay thậm chí loại bỏ nó bằng cách thay thế lề luật của Thiên Chúa như là tiêu chuẩn luân lý với các thói quen hay quy ước của đa số”.
Trong khi nhiệm vụ trừ quỷ là đặc quyền của Giáo Hội được trao phó cho những giám mục và những linh mục được ủy nhiệm rõ ràng theo giáo luật, mọi người đều có nhiệm vụ tự giải thoát mình khỏi tội lỗi là những “kênh” mà ma quỷ có thể thâm nhập và tàn phá tâm hồn, nhất là tội kiêu ngạo. Cha Juan José Gallego, Dòng Đaminh, linh mục trừ quỷ của Tổng giáo phận Barcelona đã nói với nhật báo El Mundo rằng theo kinh nghiệm của mình thì “kiêu ngạo” là tội mà ma quỷ thích nhất, thường thì do hoang tưởng bệnh hoạn về tài năng của mình mà ra. Điều này cũng không gì khó hiểu vì đây là tội mang “thương hiệu” của ma quỷ: chính kiêu ngạo đã biến thiên thần thành ma quỷ nên nó cũng hãnh diện thừa ở vị trí thứ nhất trong “bảy mối tội đầu”: Thứ nhứt khiêm nhường chớ kiêu ngạo. Vì thế, hãy tự bảo vệ mình trước sự lừa phỉnh gây hoang tưởng của ma quỷ trước khi cậy nhờ đến người trừ quỷ chuyên môn!
(Tài liệu tổng hợp)
Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính
2020
Được lắng nghe, được hòa hợp, được hòa giải với chính mình đều có cùng một căng thẳng
Được lắng nghe, được hòa hợp, được hòa giải với chính mình đều có cùng một căng thẳng
Trích sách 41 Bài tập vệ sinh thiêng liêng, tác giả Damien Le Guay, (41 exercices d’hygiène spirituelle, nxb. Salvator)
Để thức dậy, để mở rộng, để trương lên, bạn phải đi đường vòng, quay lưng lại với chính mình. Vắng mặt, nhắm mắt để tìm lại tốt hơn trọn giai điệu thiêng liêng này, một giai điệu đến từ lòng thấu cảm, đánh thức hàng tỷ nang bào của sự vắng mặt hiện diện trong mỗi chúng ta. Chúng ta ở trọng tâm của “động lực” được thi sĩ Baudelaire nêu bật lên ở đây.
Khi tôi vắng mặt, tôi còn có mặt nhiều hơn.
Khi giai điệu cơ bản của Chúa vang lên trong tôi, tôi thức dậy. Tôi có bị đánh thức bởi sự hiện diện của Ngài hay bởi sự vắng mặt của Ngài?
Thánh Âugutinô nói: “Khi chúng ta nghĩ Ngài vắng mặt, chúng ta thấy Ngài, khi Ngài hiện diện, chúng ta không thấy Ngài ”.
Khi tôi lắng nghe Ngài trong tôi, và do đó tôi để Ngài hiện diện với tôi, qua Ngài, tôi biết lắng nghe tôi, để hòa hợp với chính mình hơn. Tại sao? Vậy đâu là “phép mầu” này?
Được lắng nghe, được hòa hợp, được hòa giải với chính mình đều có cùng một căng thẳng, cùng một cử chỉ.
Trong cả hai trường hợp, vấn đề là tìm ra thỏa thuận phù hợp. Trong cả hai trường hợp, tai phải ngóng về phía Đấng đang lắng nghe. Luôn luôn, trái tim đi tìm sự thỏa thuận thân tình đúng đắn nhất. Trong cả hai trường hợp, thỏa thuận chính đáng này là thỏa thuận tôn trọng các bên để giải quyết chia rẽ, một dạng thù địch tiềm ẩn, một sự rút lui của phía này phía kia trước biên giới đóng kín.
Ai nói hợp âm là nói hợp âm âm nhạc, nói thỏa thuận giữa những người chống nhau, nhưng sau khi giải thích lành mạnh có được sự đồng ý hợp lý. Trong cả hai trường hợp, sự hiện diện bổ sung này chỉ có được sau khi đi đường vòng, làm dừng lại thời gian và kéo dài các con đường của thỏa thuận đình chiến. Cần phải đấu tranh để chống lại xu hướng tự nhiên của trái tim chỉ muốn ở trong cái tức thì, trong sự hiện diện. Bước đi bên cạnh điều thiết yếu này không phải là chuyện tự nhiên. Tuy nhiên, đó là bước đi duy nhất để sự hiện diện với chính mình được hiện diện hơn, một hiện diện còn hơn cả hiện diện. Tự bản thân đó là một nghĩa vụ thiêng liêng: để làm sống động hiện tại, có cần phải hiện diện với chính mình hơn, và do đó phải vắng mặt khỏi sự chuyên chế của hiện tại.
Nhà thơ Philippe Jaccottet mời chúng ta nhìn thấy sự rõ ràng thông qua tất cả các giao thoa trong chính mình, thậm chí ông còn nói: “Sự gắn bó với bản thân làm tăng thêm sự mờ mịt của cuộc sống”. Tất cả các chuyện khác đều tuôn ra từ thái độ ban đầu này, từ đòi hỏi tách rời này.
Bài tập nho nhỏ về vệ sinh thiêng liêng
Cái gì quá có mặt thì thường là quá nhiều. Cái gì quá xa, khuất tầm mắt và trái tim thì cũng thường quá nhiều. Chúng ta phải ở giữa hai thái cực này. Một sự hiện diện gần như vắng mặt. Một sự vắng mặt như gần đây. Hương vị của vắng mặt trong hiện diện. Một hương vị của sự hiện diện trong những gì dường như trống rỗng.
Làm thế nào để giữ đúng khoảng cách? Làm thế nào để quý hiện tại? Làm thế nào để nếm hương vị vắng mặt khi nó còn lưu lại dấu vết của sự hiện diện?
Tôi vắng mặt để hiện diện hơn với chính mình
Khi tôi quá ở đó, mọi nơi hiện diện trong tôi, tôi không còn biết tôi là ai. Đó là nghịch lý của sự tồn tại. Vì thế, tôi phải hít thở sự trống rỗng. Đời sống thiêng liêng là một cách để hít thở sự trống rỗng, không khí, để tôi trương phồng ra với sự hiện diện. Làm thế nào tôi có thể thường xuyên “làm trống” như câu nói này? Làm trống là cho sự hiện diện của tôi trong tôi được quan trọng hơn.
Tách mình ra để làm rõ bản thân hơn
Bám dính vào mình thì cũng như đồ ăn bám vào đáy nồi. Bằng vũ lực, không có gì có thể làm được, chúng ta không thể làm gì với thức ăn của sự sống, mọi thứ đều có vị như lửa. Làm thế nào để học cách tách khỏi chính mình? Cách tìm sự lưu động nội tâm?
Chúa hiện diện khi Ngài vắng mặt
Luôn có những người tin vào sự hiện diện nguyên khối của Thiên Chúa khi Ngài hòa vào với tất cả hay với Bản thể. Thánh Âugutinô đã nói, chính khi chúng ta thấy Ngài vắng mặt thì chúng ta mới thấy Ngài. Sự vắng mặt cho thấy một sự hiện diện – dù là một sự hiện diện đã biến mất. Các vết tích của sự hiện diện biến mất vẫn còn sống động, sống động hơn chính cả sự hiện diện đó. Làm thế nào để nhận ra các dấu vết này? Làm thế nào để nhạy cảm với nó?
Marta An Nguyễn dịch
2020
Để ngày 20 -11 đẹp mãi
Nhớ ngày còn bé, mấy đứa con nít trường làng đi chiếc xe đạp rách, cầm trên tay bông hoa đơn sơ tới thập thò trước cổng nhà cô giáo, tặng cô bông hoa và được cô ra vườn hái cho quả ổi, trái khế, ngồi ăn ngon lành. Có những năm vì không biết đường đến nhà Thầy, vừa đi vừa hỏi thăm đến nơi đã là giờ trưa: Tặng thầy một bông hoa, ăn mất của nhà Thầy một bữa cơm, thế nhưng cả Thầy lẫn trò đều không thấy bị thiệt thòi trái lại còn hồ hởi và vui tươi.
Ngày nay, cái đơn sơ, gần gũi ngày nào đã bớt đi. Ngày 20 -11 thời nay, khác nhiều lắm: Thầy khác và trò cũng khác. Ý nghĩa thì còn nguyên vẹn, nhưng người đi tặng và người được tặng nhiều khi kèm vào đó một ý nghĩa vắng dần vẻ nguyên tuyền. Vẫn đến nhà Thầy, nhưng một phần để biết ơn, nhưng phần khác là để được “quan tâm cách đặc biệt”. Gia đình càng có điều kiện lại càng không cần đi theo tập thể. Đi riêng để “dễ bề ăn nói”…
Qua sông nhớ bến là truyền thống tốt đẹp của người dân Việt. Thế nhưng, phải chăng cuộc sống cơm áo gạo tiền đã làm tâm hồn một số thầy cô nhuốm mầu lợi ích hay vì lòng tham làm mờ đi nhân phẩm nhà giáo nơi một số người???
Ý nghĩa của ngày 20 -11 rất thiêng liêng, xin đừng để ngày hôm nay nhuốm màu “lợi danh”. Xin đừng biến ngày này trở thành dịp cho học trò giàu thể hiện “chút tấm lòng” bằng “bó hoa đồng tiền” lấp lánh. Xin đừng khiến ngày hôm nay trở nên nỗi “thẹn thùng” của người học trò nghèo khi trong tay chỉ có đóa hoa đồng nội khiêm tốn.
…
Có người nói rằng, nhà giáo dục là người “âm thầm như hạnh phúc và lặng lẽ như tình yêu”. Và quả thật đã có một vị Thầy vĩ đại như thế. Vị Thầy này đã chấp nhận lấy tình gian nan là niềm vui Phục sinh,lấy tình khổ giá là bình minh núi sọ và nhận tình chịu nạn là sự yêu thương vô vàn. Vị Thầy ấy mang tên Giêsu. Bài giảng đầu tiên Thầy dạy là chỉ cho các học trò biết “Dấu hiệu của các con là tình yêu” mà tình yêu thì thinh lặng- tình yêu thì im vắng. Thầy cũng đã chứng minh cho học trò thấy được tình yêu đó khi chính Thầy sẵn sàng chịu đóng đinh trên cây Thập tự vì tình yêu nhân loại.
Ước mong các nhà giáo dục học nơi vị thầy Chí Thánh. Để hành trang thầy cô truyền lại cho hậu sinh không chỉ là kiến thức nhưng là chứng từ sống động về tình yêu và lòng nhân ái.
Hoa cát
2020
Về nguồn yêu thương
Về nguồn yêu thương
VỀ NGUỒN YÊU THƯƠNG
St 1, 24-30
Dẫn nhập:
Tục ngữ Ca dao Việt Nam có rất nhiều câu nói đầy ý nghĩa về sự biết ơn và lòng hiếu thảo đối với ông bà tổ tiên: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây. Ăn gạo nhớ kẻ đâm xay giần sàng; Uống nước nhớ nguồn. Làm con thảo hiếu … ; Ta về ta tắm … hơn; Cáo chết ba năm quay đầu về núi…”
Cội nguồn yêu thương là một điều vô cùng cao quý, thiêng liêng… Nó canh cánh trong cõi lòng mỗi con người. Ai ai cũng đều mong ước biết rõ, biết kỹ, biết sâu về nguồn cội của mình. Trong thực tế Quý Soeurs thấy có rất nhiều bộ phim trình chiếu về nội dung con người vất vả bỏ ra biết bao sức lực trí tuệ và có khi cả đời họ chỉ muốn đi tìm về nguồn cội của mình. Rồi trong xã hội ngày nay, có biết bao người đi du học cuối cùng họ vẫn trở về quê hương của mình để phục vụ con người và dân tộc. Họ sẵn sàng đánh đổi một tương lai tươi sáng, một địa vị cao trọng, một cuộc sống sang giàu để trở về phục vụ “nơi chôn nhau cắt rốn”. Hoặc trở về trong tuổi già để được ôn lại những kỷ niệm của một thời đã gắn bó: “Quê hương là chùm khế ngọt cho con trèo hái mỗi ngày …” là như thế! Hoặc khi ta sống xa quê dù ở trong nước hay ngoài nước: Lúc gặp ai lần đầu qua một vài câu chào hỏi xã giao chúng ta sẽ hỏi ngay: Anh quê ở đâu? Chị ở vùng nào? Em từ đâu đến? Có thể cho biết họ tên được không? Nếu gặp đúng người cùng quê cùng xứ thì ôi thôi vui biết chừng nào! Chúng ta là đồng hương, đồng khói. Rồi kết bạn, kết tình duyên với nhau …
Thưa Quý Soeurs, có khi nào chúng ta dừng lại để nghĩ nguồn cội của mình chưa? Tôi tin chắc là có nhiều lần. Vì những mẹ, những ngoại, những Nữ tu ngồi đây qua biết bao lần tĩnh tâm, linh thao, tĩnh huấn, chúng ta đã có nhiều dịp để suy niệm về nguồn cội yêu thương của mình. Vậy hôm nay trong ngày tĩnh tâm tháng 11 năm 2020, chúng ta cùng nhau trở “về nguồn yêu thương” để sống những điều cao quý và linh thiêng nhất với Thiên Chúa, với đấng Tổ phụ và với Tổ tiên ông bà…
- Thiên Chúa, Nguồn Cội Yêu Thương Của Mọi Cội Nguồn
Kính Thánh và Lịch sử Cứu độ giúp cho chúng ta hiểu và nhận biết rằng: Thiên Chúa chính là nguồn cội yêu thương tuyệt đỉnh của con người. Trong những trang đầu của sách Sáng thế về sự sáng tạo muôn loài muôn vật đã được tác thành bởi Thiên Chúa. Và đỉnh cao tình yêu của Thiên Chúa về sự sáng tạo là con người, vì con người là hình ảnh của Thiên Chúa (x. St 2, 4b-7).
Ngoài ra, chính Thiên Chúa cũng đã mặc khải chân lý này khi hiện ra với ông Môsê trong bụi gai đang bốc cháy, được Thánh Kinh tường thuật trong sách Xuất Hành như sau: Thiên Chúa phán với ông Môsê: “Ta là Đấng Hiện Hữu” (Xh 3,14). Đấng Hiện Hữu nghĩa là Đấng luôn có, Đấng luôn hiện diện với chúng ta trong quá khứ, hiện tại và tương lại: Ngài đã hiện hữu thế nào trong quá khứ thì cũng sẽ hiện hữu như vậy trong tương lai, giống như đang hiện hữu trong hiện tại. Bất cứ vật gì tốt đều do Thiên Chúa sáng tạo. Mọi vật có thể hiện hữu được là nhờ đã tiếp nhận được sự hiện hữu từ chính Đấng Hiện Hữu là Thiên Chúa, nguôn gốc của mọi nguồn gốc yêu thương.
Trong Tân Ước và ngay chính Ngôi Hai Thiên Chúa là Đức Kitô đều mặc khải cho chúng ta biết rõ: Thiên Chúa chính là nguồn cội yêu thương của mọi cội nguồn tình yêu. Thiên Chúa chính là nguồn cội của mọi nguồn cội nơi trần gian. Tin Mừng theo Thánh Gioan khẳng định “Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có người, thì chẳng có gì được tạo thành” (x. Ga 1,2-3).
Tình yêu Thiên Chúa vượt trên sự hiểu biết và sự sâu rộng của con người: “Sự giàu có, khôn ngoan và thông suốt của Thiên Chúa sâu thẳm dường nào! Quyết định của Người, ai dò cho thấu! Đường lối của Người, ai theo dõi được! Thật vậy, ai đã biết tư tưởng của Chúa? Ai đã làm cố vấn cho Người? Ai đã cho Người trước, để Người phải trả lại sau? Vì muôn vật đều do Người mà có, nhờ Người mà tồn tại và quy hướng về Người. Xin tôn vinh Thiên Chúa đến muôn đời!” (x. Rm 11, 33-36)
Chính vì vậy, Ngài là nguồn cội yêu thương của nhân loại. Ngài sáng tạo muôn loài muôn vật cho con người sử dụng. “Thiên Chúa là nguồn gốc mọi gia tộc trên trời dưới đất. Tôi nguyện xin Chúa Cha, thể theo sự phong phú của Người là Đấng vinh hiển, ban cho anh em được củng cố mạnh mẽ nhờ Thần Khí của Người, để con người nội tâm nơi anh em được vững vàng. Xin cho anh em, nhờ lòng tin, được Đức Kitô ngự trong tâm hồn; xin cho anh em được bén rễ sâu và xây dựng vững chắc trên đức ái, để cùng toàn thể dân thánh, anh em đủ sức thấu hiểu mọi kích thước dài rộng cao sâu, và nhận biết tình thương của Đức Kitô, là tình thương vượt quá sự hiểu biết. Như vậy anh em sẽ được đầy tràn tất cả sự viên mãn của Thiên Chúa” (Eph 3, 15 -19).
Ngài ban tặng cho con người có tự do, cho con người làm chủ muôn loài muôn vật. Nhưng rồi chính trong tự do con người đã phạm tội chống lại Thiên Chúa. Nhưng vì Ngài là nguồn cội yêu thương, nên đã không bỏ mặc con Người trong kiếp trầm luân tỗi lỗi. Thiên Chúa đã ban chính Con Mình trở thành hy lễ trên Thánh Giá để đem hạnh phúc cho nhân loại, đem ơn Cứu độ cho muôn người. Mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của sự sống mới cho nhân loại.
- Đấng Sáng Lập, Nguồn Yêu Thương Của Dòng MTG
Là những tu sĩ, chúng ta đang bước theo Đức Kitô trong đời sống thánh hiến. Chúng ta có một danh xưng rõ ràng: (Cha Đường Dòng Ngôi Lời do St. Arnold Janssen sáng lập. Quý Soeurs đây có một tên gọi: Dòng MTG, do Đức Cha Lambert sáng lập). Để có một danh xưng, một tên gọi, một chỗ đứng trong lòng Giáo Hội và xã hội như hiện nay, chắc chắn Quý Soeurs hiểu rõ rằng, đã có biết bao mồ hôi, công sức, nước mắt, trí tuệ và cả máu nữa của các vị tiền bối đã nằm xuống để Hội Dòng MTG có một gia sản thiêng liêng quý báu như hôm nay.
Bài hát: “Công Ơn Đấng Sáng Lập Của Quý Soeurs” đã diễn tả lời như sau: “Cha đã trao dâng suốt một đời, Cha đã hy sinh trót một đời, Khai sinh ra con trong tình yêu Thánh Giá. Dòng MTG mãi mãi là hoa trái của Cha, Dòng MTG mãi mãi là con của lòng Cha”. Lời bài hát phần nào đã lột tả được tình yêu của đấng Tổ phụ dành cho Chị Em MTG.
Đức Cha Pierre Lambert, Ngài được sinh ra trong gia đình quý tộc giàu có. Ngài được hấp thụ một nền giáo dục chu đáo của một đứa trẻ thuộc gia đình tử tế, dưới sự hướng dẫn tỉ mỉ của người cha và sự dạy dỗ của một giáo sĩ (Trích Lịch sử Dòng MTG trang 62). Ngài có lòng đạo đức trổi vượt vì vậy năm 1633, lúc lên 9 tuổi Ngài đã được Chúa ban cho ơn soi sáng đặc biệt về một hạng người có đời sống hoàn thiện nhất mang tên những người yêu mến Thánh Giá. Ngài có một tương lai rạng ngời với nghề luật sư khi tuổi đời còn rất trẻ, mới 22 tuổi. Dù rằng có một điểm xuất phát “ngậm thìa vàng”. Nhưng Đức cha Lambert đã bỏ tất cả để lên đường đến vùng đất xa xôi là Đàng Trong và 5 tỉnh của Trung Hoa để Loan Báo Tin Mừng. Trong khi thi hành sứ mạng LBTM, Đức cha đã phải chịu biết bao là thập giá của gian khổ, hiểu lầm, chống đối, bệnh tật. Dù phải chiến đấu nội tâm trong chính bản thân, cùng với biết bao khó nhọc bên ngoài bủa vây Ngài vẫn trung thành với Thiên Chúa với Giáo Hội cho đến hơi thở cuối cùng. Chính vì luôn canh cánh bên mình cho mọi người yêu mến nguồn cội là chính Thiên Chúa Ba Ngôi. Đặc biệt là Đức Kitô chịu đóng đinh, dưới sự soi sáng hướng dẫn của Thánh Thần Ngài nhận lời khấn của hai nữ tu tiên khởi Ane và Paula tại phố Hiến vào ngày 19 tháng 02 năm 1670 và trao cho hai Chị bản luật do chính Ngài soạn thảo (Lịch sử dòng MTG Tr. 142). Sau đó Ngài còn soạn thảo bức tâm thư, bức luân thư và trao cho các chị.
Đến đây cho chúng ta cùng nhau khẳng định rằng Đức Cha Lambert đã nói rõ linh đạo, mục đích, sứ mạng, châm ngôn của những người sống linh đạo MTG. Ngài là người đã chỉ ra con đường nên thánh cho Quý Soeurs bước theo trong đời dâng hiến, bước đi trong linh đạo MTG. Tôi tin rằng, động lực để Đức Cha Lambert thi hành chính là tình yêu. Và Ngài là nguồn yêu thương của Dòng MTG. Tôi thiết nghĩ nếu Quý Soeurs đang gặp khó khăn gì các Soeurs hãy trở về với nguồn cội yêu thương này, để nhận ra căn tính của mình là một nữ tu MTG theo Chúa.
Tôi không dám qua mặt Quý Soeurs đây, nhưng chỉ xin Quý Soeurs dừng lại đôi chút nhìn đến chính lịch sử của Hội Dòng MTG Thủ Đức, để có nhân sự, có cơ sở, có sứ mạng, có một bề dày đời sống thiêng liêng như hôm nay, là có biết bao công sức, tình thương của Quý Đức cha, quý Cha, quý Bề trên, quý Ân nhân, Thân nhân dành cho Hội Dòng. Sau hiệp định Geneve ngày 20. 07. 1945, đặc biệt ngày 09.08.1954 các chị di cư vào Miền Nam trải qua biết bao thăng trầm, gian khổ, tu chui… đến năm 1959 các chị được cha GB. Đào Duy Du, rồi đến cha Phêrô Nguyễn Thượng Hiền, Đức Tổng Phaolô Nguyễn Văn Bình, Các Mẹ Bề trên như: Chị Nhường, Chị Phượng. Quý Chị Tổng: Chị Dâng, Chị Khấn, chị Vân Nga, Chị Hiệp…). Các Ngài là những người lèo lái con thuyền Hội Dòng và giữ gìn nguồn cội yêu thương để hôm nay chúng ta được sống, được hoạt động trong nguồn cội yêu thương này. “Về nguồn yêu thương” chúng ta hãy tạ ơn Thiên Chúa và tri ân các Ngài cùng gìn giữ và phát huy gia sản thiêng liêng của Hội Dòng. Quý Soeurs có nghĩ như vậy và hãnh diện về nguồn cội yêu thương của mình không?
- Ông Bà Tổ Tiên, Nguồn Yêu Thương Ta Tìm Về
Khởi đi từ 10 điều răn Thiên Chúa trao cho dân Israel khi ký kết Giao ước tại Núi Sinai, được ghi trong sách Xuất Hành, sau khi dân đã cam kết nhận và tôn thờ Thiên Chúa là Chúa độc nhất, thì bổn phận kế tiếp là: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên đất mà Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi” (x. Xh 20,12). Lệnh truyền ấy đã được Môsê nhắc lại với dân khi họ sắp vào đất hứa: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, như Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã truyền cho ngươi, để được sống lâu, và để được hạnh phúc trên đất mà Ðức Chúa, Thiên Chúa ngươi, ban cho ngươi” (Đnl 5,16).
Tổ tiên là nơi mình phát xuất ra và là nơi mình luôn nghĩ về. Nơi đó có ông bà, cha mẹ và anh chị em. Nơi đó là gia đình ruột thịt của mình. Gia đình là nơi đầu tiên giúp ta làm người và làm con Chúa, vì gia đình là “Hội thánh tại gia”. Ông bà cha mẹ là những nhà giáo dục đầu tiên để cho mỗi người chúng ta chấp cánh bay vào cuộc đời. Vì thế, mỗi người luôn phải hướng về mà cầu nguyện cho các ngài còn sống hoặc đã qua đời.
Lòng hiếu thảo với các ngài là nên tảng thứ nhất và quan trọng nhất trong những tương quan giữa con người với con người (x. Is 49,15; 63,16 …). “Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy hiếu kính cha mẹ. Ðó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: Ðể ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này” (Ep 6,1-3).
Lòng hiếu thảo với các ngài được khởi đi từ việc thấu hiểu và thấu cảm những hy sinh vất và khổ đau của ông bà cha mẹ: “Công cha như núi thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ kính cha, cho trọn đạo hiếu mới là đạo con”. Sách Huấn ca cũng dạy: “Hãy hết lòng tôn trọng cha con và đừng quên những cơn đau đớn của mẹ. Hãy nhớ rằng nhờ cha mẹ, con mới sinh ra. Làm sao con báo đến được điều cha mẹ cho con” (Hc 7,27-28). Ông bà cha mẹ là những người đại diện cho Chúa để giúp ta nên thánh: “Hỡi những người con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là đẹp lòng Chúa” (Cl 3,20).
Lòng hiếu thảo với các ngài được biểu lộ qua sự lắng nghe lời chỉ bảo trong sự kính trọng: “Hỡi con hãy giữ lấy lời huấn dụ của cha, và đừng ruồng rẫy giáo huấn của mẹ … Chúng sẽ hướng dẫn con khi con đi, canh giữ con khi con nằm, và khi con thức dậy, chúng chuyện trò với con” (Cn 6,20-22). “con ngoan mến chuộng lời cha quở mắng, kẻ nhạo báng chẳng nghe lời khiển trách” (Cn 13,1).
Lòng hiếu thảo với các ngài được coi là một hành vi nhân linh có giá trị kiện toàn bản thân ta nên công chính thánh thiện mỗi ngày hơn. “…Vì của dâng cho cha sẽ không rơi vào quên lãng. Của biếu cho mẹ sẽ đền bù tội lỗi, và xây dựng đức công chính của ngươi …” (Hc 3, 14-15).
Lòng hiếu thảo với các ngài là một bổn phận đòi buộc của đức tin: “Ai không biết lo lắng đến người thân và nhất là gia quyến mình, thì nó đã chối bỏ đức tin và còn tệ hơn là người không tin” (1Tm 5,8).
Đối với Chúa Giêsu, Ngài nhắc nhở cho các Pharisiêu, các Kinh sư và mọi thế hệ chúng ta rằng:“Người hãy thờ cha kính mẹ, và kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị sử tự”(Mt 15,4). Ngay trong điều răn thứ tư của thập giới cũng viết:“Thảo kính cha mẹ”. Như thế, Thiên Chúa dạy con người phải hiếu thảo với mẹ cha không chỉ dừng lại ở của cải vật chất nhưng phải hiếu thảo bằng cả tấm lòng yêu thương, tôn kính, mến yêu đến nỗi ai nguyền rủa cha mẹ tức là đụng đến nhân phẩm, đúng đến quyền làm người của cha mẹ, thì phải bị xử tử. (x. Mt 15, 1-6).
CĐ. Vatican II dạy: “Con cái sẽ đáp lại công ơn cha mẹ với lòng biết ơn, tâm tình hiếu thảo và tin cậy, sẽ theo đạo làm con mà phụng dưỡng cha mẹ trong nghịch cảnh cũng như trong tuổi già cô quạnh” (MV, số 48). Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo nêu lên vai trò của cha mẹ và bổn phận đáp trả của chúng ta: “Thiên Chúa muốn rằng sau Ngài, chúng ta phải tôn kính cha mẹ vì đã sinh thành dưỡng dục và dạy cho chúng ta biết Thiên Chúa” (GLHTCG, số 2197).
Thay lời kết:
“Về Nguồn Yêu Thương”, nghĩa là chúng ta đang đi xa, đi lệch hướng, .. và chúng ta cần trở về nguồn yêu thương với Thiên Chúa, với Tổ phụ và với Ông bà Tổ tiên.
Về nguồn yêu thương với Thiên Chúa, giúp chúng ta nhận thấy bổn phận làm con là phải luôn tôn thờ Chúa cho phải đạo: từ trong tư tưởng lời nói và hạnh động. Đừng bao giờ đi ngược lại với lòng mến Thiên Chúa, nghĩa là yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự (x. Mc 12, 29-30). Tại sao? kinh nghiệm thiêng liêng, với các biến cố trong cuộc đời dù ít hay nhiều Quý Soeurs cảm nhận được và nói lên điều này. Nếu ai đó chưa cảm nghiệm được hoặc không cảm nghiệm ra thì có lẽ đời sống thiêng liêng quá nghèo nàn. Vì, trở về với Thiên Chúa, chính là trở về với cội nguồn tình yêu vĩnh cửu, trở về với chân thiện mỹ và trở về với Đấng Cứu độ.
Về nguồn yêu thương với Tổ phụ lập Dòng, giúp chúng ta nhận ra một người Cha rất mực thánh thiện và hết lòng yêu thương đàn con thiêng liêng của ngài. Các Nữ tu MTG là những người con được sinh ra bằng Bí tích rửa tội, được lớn lên trong ơn nghĩa Chúa Thánh Thần, được biến đổi bởi Lời Chúa và được sống trong linh đạo và đặc sủng của Hội Dòng để trở nên môn đệ theo Chúa Kitô chịu đóng đinh. Đây chính là gia sản quý báu, mỗi chúng ta phải ghi lòng tạc dạ với sự biết ơn cao cả này.
Về nguồn yêu thương với Ông bà Tổ tiên, giúp chúng ta nhận ra: con người có nòi giống, có tổ tiên, có ông bà cha mẹ. Chúng ta được sinh ra và lớn lên trong vòng tay yêu thương của các đấng. Dù các ngài sống hay đã qua đời chúng ta luôn có bổn phận tỏ lòng biết ơn, hiếu thảo và phụng dưỡng các ngài. Các Sơ Bà, Sơ chị là hình ảnh của các đấng bậc tổ tiên. Như vậy, chúng ta đã có thái độ nào khi cư xử để tỏ ra lòng hiếu thảo với các ngài?
Gợi ý suy niệm:
- Tin Mừng mặc khải cho ta biết: Thiên Chúa là nguồi cội yêu thương và cùng đích của muôn vật muôn loài. Vậy Quý Soeurs làm chứng về điều này ra sao qua sứ mạng Quý Soeurs đang thi hành?
- Được học hỏi, tìm hiểu về Đấng Sáng lập, về Hội Dòng, được trở về nguồn cội yêu thương, trong tâm tình của người con MTG, Quý Soeurs có thấy hạnh phúc, hãnh diện và muốn gìn giữ phát huy gia sản thiêng liêng của Đấng Sáng Lập và của Hội Dòng?
- Quý Soeurs có cảm nhận gì về lòng hiếu thảo đối với ông bà cha mẹ dưới ánh sáng Lời Chúa?
Lm. Phêrô Nguyễn Trọng Đường, SVD