Bông hồng cài áo
Tháng mười một sang, nó loay hoay đặt bút định viết về một linh hồn đáng kính nào đó đã đi qua cuộc đời mình. Bỗng bài hát “Bông hồng cài áo” từ nhà bên da diết làm nó khựng lại trong giây lát. “Một bông hồng cho em, một bông hồng cho anh, một bông hồng cho những ai, cho những ai đang còn Mẹ…” Không hiểu sao sau khi nghe xong bài hát đó, nó lại muốn viết về mẹ, người mẹ già nua của nó nơi quê nhà yêu dấu.
Đã lâu lắm rồi, từ khi còn bé, nó và anh kế có cái thói hay “chòng chọe” nhau. Rồi khi lớn, ai cũng mải miết, bận bịu với bạn bè, học hành, công việc… Anh kế và út cứ thế trưởng thành cạnh nhau nhưng cũng dần xa nhau theo năm tháng. Có lẽ mẹ đã xót xa biết mấy khi thấy tình thân giữa những đứa con mình dần lỏng lẻo. Mỗi dịp trở về, ngắm mẹ thật kỹ, nó thấy cái dáng hao gầy ấy đã đi qua biết bao những nỗi lo, nỗi buồn của cuộc sống. “Ngày xưa, trong bữa cơm nó còn gắp thức ăn cho tôi, giờ nó bận đến nỗi cắm đầu ăn thật nhanh, không nói năng, không còn biết quan tâm sự gì nữa…”. Đó là lời của mẹ nói với bố giữa bữa cơm chiều hiu quạnh trong căn nhà quạnh hiu mà út đã vô tình nghe được trong dịp về thăm quê năm ấy.
Có lẽ, anh và cả nó không bao giờ hiểu hết niềm vui lớn nhất của mẹ là gì? Ấy là lúc anh không còn là cậu tướng lầm lì, ương bướng nữa, là khi em cũng bớt thói hay “chòng chọe” rỗi hờn với người khác… và phải chăng hạnh phúc của mẹ được đo bằng sự trưởng thành chững chạc nơi những đứa con mình?
Trong chập choạng ký ức, út còn nhớ những giờ kinh tối của gia đình, luôn luôn là bố và anh đọc một bè, còn mẹ và út một bè. Nó thường khoái trí lẩn vào chiếc chăn ấm khúc khích khi thấy anh bị cốc đầu vì ngủ gật. Út còn nhớ những bữa cơm gia đình, mấy anh em đang tuổi ăn, tuổi lớn đâu để ý những điều nhỏ nhặt mà bố mẹ dành cho mình. Phải rất lâu sau đó nó mới hiểu rằng tại sao khi ấy mẹ lại thích ăn cơm chan canh, mẹ lại thích ăn đầu cá, những con cá rô đồng gầy tong bắt từ con mương mùa nước cạn. Phải rất lâu sau khi không còn là đứa trẻ, nó mới tự đặt câu hỏi rằng: Liệu mẹ có nói thật không nhỉ? Chỉ khi lớn rồi, đứa út mới biết hồi ấy mẹ nói dối. Lời nói dối vô hại chỉ vì thương lũ con nheo nhóc. Trong cái khó, cái khổ mà vẫn đầm ấm biết bao.
Đứa út biết rằng anh nó cũng rất thương yêu mẹ, có khi còn hơn nó gấp bội ấy chứ! Út biết rằng anh bận bịu công việc, từ ngày bố mất, anh phải lo cho gia đình, đủ thứ áp lực vây quanh, những suy nghĩ, lời khuyên và hành động của mẹ có vẻ “lỗi thời”, lạc hậu làm anh khó chịu. Nhưng anh không biết rằng đôi khi những sự “khó chịu” ấy, chút nóng giận vô tâm ấy, vô tình chúng sẽ gây tổn thương cho mẹ và những người thân yêu của mình.
Dẫu biết rằng tấm lòng người mẹ bao la lắm và những vết thương, những lỗi lầm mà những đứa con khiến mẹ bận lòng lo âu, nhưng rồi theo thời gian nó cũng sẽ lành. Có còn chăng là những vết sẹo, đôi khi quá khứ trở mình lại khiến lòng mẹ nhói buốt… Vậy, hà cớ gì những đứa con không học cách tránh làm người khác tổn thương từ bài học ấy? Mẹ dạy những đứa con bằng thứ ngôn ngữ không lời, một thứ ngôn ngữ không bao giờ là thất thường, không bao giờ thay đổi, mà nó liên lỉ và kéo dài cho hết đến cuộc đời.
Ngoài bố ra, giờ mẹ là nhất trong gia đình út, nhất nhiều thứ: Nhất cũ kỹ. Nhất lạc hậu. Nhất tiết kiệm chắt chiu. Nhất gánh vác chịu đựng, rồi cô đơn nhất và cũng vững vàng nhất… Ngày tiễn bố về với Chúa, mẹ không gục ngã, không gào khóc thảm thiết. Mẹ lặng lẽ giữ chặt câu kinh trên môi. Mẹ thầm thì như thể bố sẽ nghe mà được an ủi phần nào. Thứ Sáu Tuần Thánh ấy, bố không còn chờ mẹ về ăn cơm sau giờ viếng Đàng Thánh Giá như mỗi Mùa Chay xưa. Mẹ về với ngôi nhà tối và căn bếp nguội lạnh và nghĩ về Mùa Phục Sinh. Mẹ khóc. “Rồi ai cũng một mình”, Những ngày nghỉ ít ỏi được trở về dưới mái gia đình, út thấy bóng dáng Mẹ héo hắt lắm rồi, đôi mắt mẹ hay nhìn bất định xa xăm. Không ai đong đoán được lòng mẹ.
Đều dặn 5 giờ sáng mỗi ngày, mẹ dậy, ngồi trên chiếc giường chỗ bố nằm, trước bàn thờ, không còn ai đáp nửa kinh Kính Mừng, mẹ vẫn trung thành ôm trọn và gửi gắm tất cả thao thức của mẹ nơi những lời kinh. Trước đó, cuộc đời ấy đã ôm trọn nhiều thứ rồi. Út chợt nhận ra, bông hồng đỏ trong bài hát kia, nó không còn được cài nữa. Nhưng nó vẫn may mắn còn mẹ. Chỉ biết thương, trân trọng “bông hồng màu hồng” ấy. (Theo truyền thống Lễ Vu Lan, bông hồng màu đỏ tượng trưng cho những ai may mắn còn cha mẹ trên đời, bông hồng màu hồng cho những người còn mẹ mất cha và bông hồng trắng cho những người không còn cha và mẹ trên đời.)
Nếu có ai đó hỏi út: Em có yêu mẹ không? Út chắc chắn câu trả lời là: Có. Nhưng nếu có ai đó lại hỏi: Tình yêu ấy như thế nào? Có lẽ nó sẽ lúng túng không biết phải diễn đạt nó ra sao. Dù biết nói lời yêu thương là quan trọng nhưng út hiểu điều ấy sẽ khó khắn với người tính khí trầm trầm như nó. Thánh Giacôbê viết: “Đức tin không hành động là đức tin chết”, với tình thương nó cũng nghĩ như thế: Yêu thương không việc làm là yêu thương hão huyền.
Quả thực, mẹ chưa khi nào là thần tượng trong mắt đứa út. Nhưng tự sâu thẳm mẹ vẫn là người phụ nữ nó ngưỡng mộ nhất! Đơn giản bởi tình thương và hành động của mẹ chẳng bao giờ là hão huyền. Ngẫm lại cuộc đời mẹ, nó nghiệm ra rằng: Sự “vĩ đại” không hề phụ thuộc vào những điều “đao to búa lớn” mà người ấy làm được. Nhưng sự phi thường nằm ngay trong những điều nhỏ bé, những hy sinh không tên trong một trái tim rất đẹp, luôn bao la và bao dung – đó chỉ có thể là TRÁI TIM NGƯỜI MẸ.
Một ngày tháng 11/2020
Sr. Anna Bích Hạt