2021
Chút tâm tình trước cái chết của người đau khổ
Chút tâm tình trước cái chết của người đau khổ
Thăm viếng mục vụ tại vùng miền sơn cước hết sức cần thiết đối với những ai đang thi hành sứ vụ loan báo Tin mừng cho dầu đường sá xa xôi hay cách trở. Vì bà con giáo dân ở rải rác khắp mọi vùng trong cả 3 huyện, nên khi có chuyện vui hay chuyện buồn, chúng tôi, những người đang làm mục vụ nơi đây không thể không hiện diện với họ, không thể không thăm viếng và gặp gỡ họ. Vui với người vui, khóc với người khóc (Rm 12,15) là vậy.
Chính vì thế, sáng nay, vào lúc 6h30, ngày 27/7/2021, với gần 20km, tôi cũng lên đường để đến với hoàn cảnh éo le, nghèo khổ, có bà mẹ Maria Lang Thị Quý, 85 tuổi qua đời. Bà là người có thể được coi là cô thể cô thân tuy có 5 đứa con. Cách đây 7 năm, sau khi lên nhận sứ vụ tại vùng miền đặc biệt này, tôi đã tìm ra bà và từ đó, chúng tôi đã thường xuyên thăm viếng, chu cấp thức ăn và tiền hàng tháng cho bà qua sự giúp đỡ của ân nhân. Thân thể tiều tuỵ và teo tóp của bà nói lên sự đơn chiếc và quá khổ đau cũng như đói khát. Dường như cái thập tử nhất sinh đang kề cận bà. Chúa nhật 17 thường niên 25/7, tôi đến thăm bà và lo của ăn đàng cho bà. Sáng hôm qua, bà được chăm sóc, tắm giặt và cắt tóc qua bàn tay của quý nữ tu. Buổi chiều tối hôm qua 26/7/2021, vào lúc 17h, bà đã an nghỉ cách âm thầm mà không có một đứa con nào bên cạnh. Tội nghiệp bà dù vẫn có con ở kề bên nhưng không được chăm sóc đàng hoàng và được yêu thương trìu mến, chưa nói đến những đứa con phải lấy chồng xa. Bà đã về bên Chúa. Với sự im lặng phó thác và lòng tin tuyệt đối vào Chúa, chúng ta tin rằng linh hồn bà Maria sẽ sớm Chúa thưởng về thiên đàng cùng Ngài.
Hôm nay, đến với đại gia đình tang quyến, tôi bắt gặp nhiều đứa con từ phương xa đang ngồi khóc bên linh cửu của người mẹ. Họ khóc vì không được gặp mẹ trước khi mẹ nhắm mắt lìa đời. Họ khóc vì phần nào đó vì sự lơ đãng, vô tâm và thiếu sót của đứa con đối với mẹ mình. Họ khóc vì mất đi khúc ruột, là người mẹ. Họ khóc vì hối hận vì đã không quan tâm đủ cho mẹ. Họ khóc vì sự bạc bẽo của đứa con. Liệu chăng tiếng khóc lúc này đây có làm mẹ thức dậy không? Liệu chăng tiếng khóc đó có làm cho mẹ vui hơn không? Liệu chăng tiếng khóc đó có xoá hết được những vô tâm, vô cảm của chính mình trước người mẹ khổ đau? Có lẽ mẹ cần hơn sự gần gũi, sẻ chia, quan tâm và cho mẹ ăn đôi miếng khi mẹ còn sống. Có lẽ mẹ thèm miếng khi đói, mong muốn cốc nước khi khát hơn là tiếng khóc bây giờ. Có lẽ mẹ cần hơn bao giờ hết là khi đang còn sống có con bên cạnh, có sự an ủi vỗ về khi ốm khi đau. Lúc này đây có lẽ bà mong anh chị em hiệp nhất, yêu thương và liên đới với nhau hơn. Từ nay, có lẽ bà mong muốn con cái cháu chắt sống hoà thuận, cố gắng sống tốt từng ngày hơn.
Hỡi ai còn cha còn mẹ, hãy yêu thương và quan tâm các ngài. Hãy trao yêu thương bằng cử chỉ hành động khi các ngài đang còn sống hơn là để các ngài cô đơn, buồn sầu và chết dần chết mòn. Đừng để khi các ngài tạ thế rồi, chúng ta mới sắm chiếc quan tài thật đắt tiền, sắm hoa thật nhiều, viết các bức trướng đầy dẫy, cũng như khóc than và la ó thật thảm thiết trước mọi người. Có lẽ khi sống cần hơn khi chết. Khi sống mà không hề chăm sóc, không màng tới, không quan tâm chưa muốn nói là hắt hủi, chửi rủa, đánh đập các ngài, thì khi chết mà khóc thật to, lo thật hoàng tráng các vật dụng hậu sự, xem ra người ta không ngần ngại nói rằng “đồ giả tạo”, “đồ bất hiếu”.
Tôi đang đối xử với cha mẹ của tôi như thế nào? Tôi có thường xuyên gọi điện thoại, thường xuyên thăm viếng, thường xuyên hỏi thăm, thường xuyên tiếp cận gần gũi các ngài không? Tôi có hay la ó, nạt nỗ, khinh bỉ, miệt thị hoặc đánh đập cha mẹ của tôi không? Tôi có sống tử tế, có vâng lời các ngài? Tôi có làm cho bố mẹ buồn không? Tôi có dính vào các tệ nạn xã hội và nhũng việc làm xấu để nước mắt của các ngài đã khô ráo vì tôi? Tôi đang là ai đối cha mẹ tôi: là người con gần gũi hay người xa lạ? Quả thật, đôi khi chúng ta quá dễ dàng, nhẹ nhàng và quảng đại với người lạ cũng như người ngoài, còn cha mẹ và người thân, tôi đã la mắng, khinh thường, bỏ qua, keo kiệt, bon chen và giết chết! Cha mẹ đang cần tôi khi ngài đang còn sống chứ không chỉ là đã nhắm mắt xuôi tay đâu nhé!
Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương
2021
Cuộc đời là một lời ca tạ ơn
Cuộc đời là một lời ca tạ ơn
Tạ ơn vì được làm người, tạ ơn vì được làm con Thiên Chúa, tạ ơn vì được làm nữ tu trong hội dòng hay nói cách khác được chọn gọi riêng để làm chứng nhân cho Chúa.
Chúa đã dựng nên ta từ hư không! Từ không mà có. Đó là lời tạ ơn muôn đời rồi.
Lại được làm Con Chúa khi ta lãnh nhận bí tích Rửa tội và trở thành anh chị em, chi thể của nhau trong thân thể Giáo hội, thân mình mầu nhiệm Chúa Kito, chính Ngài là Đầu: “Anh em là thân thể Đức Kitô, và mỗi người là một bộ phận” (1Cr 12, 27).
Hơn thế nữa, được chọn gọi vào công đoàn tu trì để hiến dâng thân mình từ nay thuộc chọn về Chúa và thuộc trọn về cộng đoàn để được Chúa huấn luyện, và sai đi làm chứng nhân cho Ngài ở giữa trần gian.
Tạ ơn Chúa là điều chính đáng khi Chúa đã dùng bậc sinh thành, là cha mẹ, là anh chị em trong gia đình để sinh ra dưỡng nuôi và trưởng thành.
Tạ ơn Chúa vì nhờ Giáo hội qua các trung gian là những linh mục, là những bề trên, qua các bí tích, mà ta được đón nhận nhiều ân sủng.
Tạ ơn Chúa vì được gọi vào công đoàn Tu Trì, cụ thể là công đoàn dòng Phaolô Đà Nẵng để được ở lại, đụng chạm, gặp gỡ, hiện diện, học hỏi, trao đổi, yêu thương, tha thứ qua những trung gian là bề trên, quý chị đồng hành, quý chị em và những tác nhân khác.
Tạ ơn Chúa vì Ngài đã chọn gọi để chúng ta ở lại với Chúa để qua Ngài, với Ngài và trong Ngài, chúng ta học hỏi sự hiền lành và khiêm nhường, học hỏi cái sự tiếp cận của Chúa nơi những người nghèo, nơi những người bệnh hoạn tật nguyền, nơi những người bị loại bỏ ra khỏi xã hội, nơi những người cô thế cô thân. Như vậy, ở lại với Chúa để biết cảm thông và yêu thương những mảnh đời đau khổ. Ở lại với Chúa để biết tha thứ và yêu thương ngay những kẻ không ưa mình. Ở lại với Chúa để học hỏi cách truyền giáo của Chúa là thánh thiện, là cởi mở, là quảng đại, là cho đi, là sẵn sàng ra đi dẫn thân miễn sao tin mừng của chúa được truyền giao. Ở lại với Chúa để được bổ sức và bồi dưỡng. Ở lại với Chúa để có những hành trang tốt đẹp và đúng đắn để ra đi giặt gieo tin mừng. Ở lại với Chúa để biết được rằng sống là Đức kitô và chết là một mối lợi như thánh Phaolô đã cảm nhận. Sống là Đức Kitô có nghĩa rằng là từ suy nghĩ, từ lời nói, từ hành vi cử chỉ của bản thân, thuộc chọn về chúa và thực thi như chúa. Điều này thánh Phaolô đã mời gọi: “ Dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa.” (1Cor 10, 31). “Đối với tôi, sống là Đức Kitô, chết là một mối lợi” (Pl 1,21), Sống là Đức Kitô, nghĩa rằng là yêu như Ngài, tha thứ như Ngài, quảng đại như Ngài, hi sinh như Ngài, giảng dạy như Ngài, làm chứng như Ngài, chịu đau khổ như Ngài, chịu chết như Ngài và cũng sẽ được sống lại những Ngài. Sống với Đức Kitô để kín múc tình yêu và nguồn ân sủng từ Ngài để như thành Phaolô chúng ta cũng mau mắn khẳng định rằng tình yêu Đức Kitô thúc bách tôi. Thúc bách tôi điều gì vậy? Thúc bách tôi lên đường để làm chứng nhân cho Ngài bằng cuộc sống đượm tình bác ái yêu thương. Quả thật, chứng nhân thì quan trọng hơn là thầy dạy. Một khi đã ở lại với Đức Giêsu Kitô, chúng ta không thể không ở lại với anh chị em của chúng ta nơi môi trường được sai đến để làm mục vụ. Một khi đã hiện diện với Đức Giêsu Kitô, chúng ta được mời gọi hiện diện với anh chị em đồng loại, nhất là với những người có hoàn cảnh khó khăn và đau khổ. Một khi đã gặp gỡ Đức Giêsu kitô, chúng ta không thể không được biến đổi để trở nên giống Đức Giêsu Kitô, nên đồng hình đồng dạng với Ngài trong mọi tư tưởng, lời ăn tiếng nói và con tim cũng cùng một nhịp đập với trái tim của Chúa. Như vậy, khi được sai đi, nghĩa là chúng ta đi làm chứng, đi quảng cáo, đi giới thiệu tình yêu Đức Giêsu Kitô cho muôn người, nhất là nơi những vùng miền mình được sai đến. Giới thiệu Đức Giêsu kitô không phải là nói về lý thuyết và nhồi nhét một giáo thuyết cho một ai đó, Nhưng đòi hỏi sát sao là trở nên chứng nhân đích thực qua lời ăn, tiếng nói, hành vi cử chỉ của chúng ta: là thân thiện, là gần gũi, là gặp gỡ, là đồng hành, là yêu thương, là vui vẻ dâng hiến, là dấn thân phục vụ. Nghĩa rằng là chúng ta phải là hình ảnh hữu hình của Đức Giêsu Kitô ở trần gian, là hiện thân lòng thương xót của Ngài trong môi trường sống. Được sai đi bởi Đức Giêsu ngang qua quý bề trên, các chị em được mời gọi sống thanh thoát và không được màng tới những của cải tiện nghi, nhưng một niềm phó thác cho sự quan phòng của Chúa cũng như sự giúp đỡ của anh chị em. Vì làm thợ thì đáng được trả công. (Lc 10,7). Được sai đi là để gieo rắc bình an và tình yêu, chứ không phải là sự bất an, nỗi buồn và sự chết. Gieo rắc nền văn minh tình thương, văn hóa sự sống, chứ không phải nền văn minh sự chết. Được sai đi là để thi thố cái tình yêu và lòng thương xót của Thiên chúa đối với nhân loại, cụ thể đối với con người, nhất là đối với những mảnh đời eo le, cô đơn cô thể, bệnh hoạn tật nguyền, những người nghèo về vật chất cũng như tinh thần, nghèo về Lời Chúa. Được sai đi là để chúng ta ở lại bên cạnh những anh chị em đó để cùng cảm thông khi họ buồn phiền, để vui với người vui, và khóc với người khóc. (Rm 12,15). Được sai đi là để đồng hành và dấn thân phục vụ mà không đòi hỏi lời đáp trả. Được sai đi là để bao dung, nối kết, hiệp nhất thay vì loại trừ và vô cảm. Vì “Các con đã lãnh nhận nhưng không thì hãy cho nhưng không.” (Mt 10,8), đó là điều Chúa muốn. Trở nên chứng nhân của Đức kitô đối với nhân loại, đối với con người nơi vùng miền được sai đến là điều hết sức cần thiết và tối quan trọng đối với nữ tu thuộc hội dòng Phaolô Đà Nẵng theo tinh thần của thánh Phaolô.
Mặt khác, có lẽ cũng nên nhắc lại một chút ở đây, sống với Đức Kitô là sống trung thành trong ba lời khuyên phúc âm một cách rõ ràng và quyết liệt trong khi thi hành sứ vụ nơi đời sống thường ngày. Không phải không có khó khăn khi chúng ta sống ba lời khuyên Phúc âm nơi môi trường chúng ta phục vụ. Chính vì thế, chúng ta không cậy vào sức riêng của mình, nhưng khiêm tốn này xin sức mạnh từ Chúa để Ngài gìn giữ, chở che và bảo vệ. “Khi tôi yếu chính là lúc tôi mạnh” (2Cor 12,10). Nếu không có Chúa chúng ta chẳng làm được gì. (Ga 15,15). Chỉ có Chúa mới là gia nghiệp của con! Làm gì thì làm, phục vụ thì phục vụ, ra đi thì ra đi, nhưng tất cả và trên hết vẫn là để Chúa chỉ đạo, hướng dẫn và đồng hành với chúng ta trong mọi sự. Do đó, chúng ta không kiêu căng và tự quyết, nhưng một lòng phó thác và cậy trông vào Chúa. Bởi Chúa là sức mạnh và là nguồn thánh thiện của đời ta. Amen.
Linh mục Paul Phạm Trọng Phương
2021
Thử bàn về một số mặt tích cực của Covid đối với Kitô hữu
Thử bàn về một số mặt tích cực của Covid đối với Kitô hữu
Bây giờ nói đến Covid-19, ai cũng rùng mình khiếp sợ. Không phải chỉ ở các nước nghèo đói, lạc hậu người ta mới sợ Covid, mà ngay cả các nước tiên tiến, giàu có, mọi người cũng rất hoang mang sợ hãi. Từ gần hai năm nay, Covid-19 đã trở thành đại dịch cho toàn nhân loại, đó là một thảm họa kinh hoàng đã đẩy toàn thế giới loài người rơi vào một cơn khủng hoảng chưa từng thấy. Xem ra bức tranh về Covid trên toàn cầu ngày càng đen tối và bi đát.
Ngày 15-7-2021 vừa qua, trên tờ VnExpress có bài viết tựa đề “Khi nào đại dịch Covid-19 chấm dứt?”, theo đó tác giả cho rằng cuộc chiến với kẻ thù vô hình Covid-19 có thể sẽ kéo dài, khi nhiều chuyên gia cảnh báo nCoV sẽ tiếp tục tồn tại bất chấp tiêm chủng.[1] Bài báo dẫn lời của tiến sĩ Vinod RMT Balasubramaniam, nhà virus học phân tử kiêm giảng viên cấp cao tại Trường Khoa học Y tế và Sức khỏe Jeffrey Cheah thuộc Đại học Monash, Malaysia nói rằng, “Với hàng triệu ca nhiễm trên toàn cầu, trong đó có nhiều ca nhiễm tăng mạnh ở những người tiêm vaccine, Covid-19 có thể sẽ là bệnh đặc hữu, cùng tồn tại với con người và tiếp tục lây lan bất chấp tiêm chủng. Theo tôi, nó sẽ trở thành một căn bệnh theo mùa như cúm.”
Bài báo trên cũng nhắc lại là, Covid-19 bắt đầu bùng phát ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc (TQ) vào cuối năm 2019. Tới đầu tháng 3-2021, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố Covid-19 là đại dịch và kêu gọi các quốc gia quyết liệt đối phó. Hơn một năm qua, Covid-19 đã lan tới hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến hơn hơn 187 triệu ca nhiễm và hơn 4 triệu ca tử vong. Mặc dù đến nay, ở nhiều khu vực, số ca Covid-19 đã giảm mạnh so với lúc đỉnh điểm nhờ các biện pháp kiểm soát và tiêm vaccine, nhưng cuộc chiến chống lại kẻ thù vô hình của thế giới trong hơn một năm qua chưa thực sự thắng lợi. Nhiều chuyên gia y tế và chính phủ các nước tin rằng miễn dịch cộng đồng là con đường giúp thế giới thoát đại dịch.
Trong khi đó, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus mới đây đã đưa ra nhận định rằng: “Chúng ta đang ở giai đoạn đầu của làn sóng Covid-19 thứ ba”. Số người chết vì Covid-19 tăng trở lại, thế giới đang ở giai đoạn “rất nguy hiểm”. Số ca nhiễm và tử vong toàn cầu tăng trở lại do sự xuất hiện của biến chủng SARS-CoV-2 làm tiêu tan hy vọng trở lại cuộc sống bình thường của nhiều quốc gia.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 14-7-2021 đã cho biết, trong tuần qua, số ca tử vong vì Covid-19 toàn cầu đã tăng trở lại sau 9 tuần giảm. Cụ thể, thế giới ghi nhận thêm hơn 55.000 ca tử vong trong tuần qua, tăng 3% so với tuần trước đó. Số ca nhiễm cũng tăng 10% lên gần 3 triệu ca, trong đó nhiều nhất ở Brazil, Ấn Độ, Indonesia và Anh.[2]
Riêng tại VN, tình hình dịch cúm Covid-19 xem ra ngày càng diễn biến phức tạp và nguy cơ bùng phát cao. Theo tin từ tờ Tuổi Trẻ Online ngày 15-7-2021, Thủ tướng sẽ ban hành chỉ thị mới về chống dịch COVID-19 tiếp theo việc Bộ Y tế vừa trình Thủ tướng ban hành chỉ thị mới về phòng, chống dịch COVID-19 khi dịch bùng phát trên diện rộng, phức tạp, với sự xuất hiện của biến chủng Delta có khả năng lây lan rộng theo chùm, qua không khí.[3]
Theo tờ trình của Bộ Y tế, đến nay cả nước đã trải qua 4 giai đoạn bùng phát dịch COVID-19, tổng số ca nhiễm bệnh ghi nhận khoảng 30.000 ca, đã có 9.878 người khỏi bệnh và 125 người chết vì dịch. Điều đáng nói, trong 3 giai đoạn trước cả nước chỉ có hơn 1.700 ca nhiễm bệnh, riêng giai đoạn 4 bùng phát từ ngày 27-4-2021 đến nay có khoảng 27.000 người dương tính với COVID-19.
Bộ Y tế đánh giá đợt dịch thứ 4 bùng phát có quy mô lớn, nhiều nguồn lây, nhiều chủng, ổ dịch, đặc biệt sự xuất hiện biến chủng Delta lây lan rất nhanh, nguy hiểm, làm tăng ca bệnh nặng. Trong giai đoạn 4 dịch đã xâm nhập vào cơ sở y tế, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ sở tôn giáo tập trung đông người và lây nhiễm trong cộng đồng ở các đô thị đông dân cư.
Nguyên nhân theo Bộ Y tế xác định do chủng virus Delta có khả năng lây lan nhanh, lây nhiễm theo chùm, qua không khí. Thời gian qua, Thủ tướng đã ban hành 3 chỉ thị chống dịch số 15, 16, 19, nhưng theo Bộ Y tế, với diễn biến phức tạp của dịch bệnh hiện nay, một số giải pháp chống dịch cần điều chỉnh, bổ sung, thay đổi cho phù hợp.
Trên đây là một vài nét về tình hình đại dịch Covid-19 hiện nay trên thế giới và tại VN. Các chuyên gia không thể dự đoán được tương lai của nhân loại sẽ như thế nào trước sự hoành hành khủng khiếp của đại dịch. Chúng ta, các Ki-tô hữu chắc chắn cũng sẽ không khỏi hoang mang trước cơn đại dịch khủng khiếp này. Mọi sinh hoạt tôn giáo bị ngưng trệ. Mọi gặp gỡ, quy tụ đều không được phép. Thánh đường im tiếng chuông và thiếu vắng mọi lễ nghi tôn giáo. Cộng đoàn mất kết nối. Mục tử và giáo dân xa cách nhau…
Tuy nhiên, với cái nhìn của đức tin, chúng ta hoàn toàn không thất vọng và rơi vào tâm trạng bi quan. Covid dù “hung dữ” đến mấy đi nữa thì nó cũng có mặt tích cực. Nó giúp ta sống tỉnh thức hơn, sống tín thác mạnh mẽ vào Chúa hơn, biết sống châm ngôn “buông bỏ từng ngày”, cố gắng thực hành đời sống đức tin cách triệt để và tạo nhiều cơ hội thực thi lòng mến Ki-tô giáo tốt đẹp.
- COVID GIÚP SỐNG TỈNH THỨC
Có thể nói, “Tỉnh thức” là đặc điểm sống của người Ki-tô hữu. Lời Chúa kêu gọi hãy luôn tỉnh thức và siêng năng cầu nguyện luôn thúc giục chúng ta sống tỉnh táo và khôn ngoan, biết nhận ra ý nghĩa các biến cố xảy ra trong đời sống thường ngày của ta. Đặc biệt trong khi xảy ra đại dịch Covid, chúng ta phải sống tỉnh thức hơn lúc nào hết bởi vì bất kỳ ở đâu, bất kỳ thời khắc nào, mỗi người trong chúng ta đều cũng có thể “chạm” đến con vi-rút corona cực kỳ nguy hiểm, từ đó sinh bệnh và nguy cơ mất mạng!
Chúng ta tỉnh thức để nhận ra rằng con người bất lực, yếu đuối, mong manh so với loài vi-rút quá nhỏ bé nhưng có sức mạnh hủy hoại kinh khủng. Khi mới xảy ra trận dịch Covid ở TP Vũ Hán, người ta đã chứng kiến cảnh tượng các nạn nhân nhiễm bệnh và chết tơi tả khắp nơi khắp chốn trong thành phố, đến nỗi một nhà báo đã mô tả cảnh tượng ở đó giống như ngày tận thế vậy.
Quả thực, như trang Vietnamnet ngày 11-4-2020 vừa qua đã có bài viết như sau:
“Dường như cái gì con người cũng làm được. Chúa tể của muôn loài mà. Nhưng, đến loài virus thì dường như loài người khốn đốn.
“Nước Mỹ hùng mạnh với tầu vũ trụ lên mặt trăng, tầu ngầm vượt đại dương, tên lửa vượt châu lục, quốc gia giàu nhất thế giới nhưng cũng bị virus Covid làm cho thất điên bát đảo. Nước Ý xinh đẹp bên bờ Địa Trung Hải thì hơn 18. 000 người chết. Phi thuyền, tầu ngầm, tên lửa hạt nhân,… dường như không địch nổi những con virus vô hình và biến đổi chủng loại khôn lường. Các nền kinh tế thị trường hùng mạnh cũng bị khủng hoảng. Giá dầu lao dốc. Hơn 10 triệu ngườ lao động ở Mỹ đệ đơn xin trợ cấp thất nghiệp. Các tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới đang điên đảo bởi những con Covid vô hình.
“Virus Covid 19 không từ một ai, từ công dân hạng bét đến thượng lưu quý tộc. Thái tử Charles con trai cả Nữ hoàng Elizabeth II, người kế vị ngai vàng nước Anh cũng dương tính virus corona. Phó tổng thống Iran và hàng hoạt quan chức cao cấp của đất nước tấm thảm bay cũng nhiễm Covid từ đầu tháng 3-2020. Mới nhất, Covid đã kịp làm cho ông Matt Hancock – Bộ trưởng Y tế Anh và ngài Boris Johnson – Thủ tướng Anh dương tính virus corona phải tự cách ly. Loài người bị những virus vô hình quật cho tơi bời, chẳng biết về sau có ngạo nghễ coi mình là Chúa tể của muôn loài với cái nghĩa quyền sinh quyền sát không?”[4]
Trong khi đó, LM Phêrô Nguyễn Văn Hương trong bài viết tựa “Đại dịch Covid 19, dấu chỉ thời đại” trên trang web của ĐCV thánh Phan-xi-cô Xa-viê GP Vinh cũng đã chia sẻ những suy tư sau: [5] “ ‘Một trận cuồng phong nổi lên’ (Mc 4,37). Thật dễ dàng để chúng ta nhận ra hình ảnh của cả nhân loại hiện nay trong trình thuật Tin Mừng này. Cơn cuồng phong đại dịch covid 19 nổi lên và bùng phát khắp toàn cầu: nỗi sợ hãi, lo lắng, bệnh tật, chết chóc, đói kém ập đến như muốn nhấn chìm con thuyền nhân loại. Đây là “đêm tối tâm hồn” mà mọi người đang trải qua. Tất cả chúng ta đều ở trên con thuyền ấy. Tất cả đều cảm thấy mong manh, mất phương hướng và kêu lên: “Lạy Chúa, chúng con chết mất” (Mc 4,38). (…)
“Nhân loại hôm nay đang gặp giông bão, nhưng xem ra Chúa như đang ngủ. Sao Chúa im lặng? Giờ đây, khi chúng ta đang ở giữa vùng biển động, chúng ta khẩn cầu Chúa: ‘Lạy Chúa, xin hãy thức dậy!’
“Nhưng theo tôi, đại dịch covid 19 như dấu chỉ thời đại nhắc nhở nhân loại và mỗi người chúng ta cần ‘phải thức dậy’:
“Nó nhắc nhở chúng ta nhận ra sự yếu đuối dễ tổn thương của mình, nhận ra mình không phải là những người sáng tạo, là bất tử, nhưng là các thụ tạo nghèo hèn biết bao khi đối mặt với sức mạnh của thiên nhiên; chúng ta hiện hữu là do có Đấng ban sự sống cho chúng ta. Và đây cũng là thời gian thích hợp để chúng ta hết lòng trở về với Thiên Chúa.
“Nó nhắc nhở chúng ta nắm lấy thời điểm thử thách này như một thời khắc chọn lựa và phân định: chọn lựa điều gì là đáng kể và điều gì là chóng qua, tách điều cần thiết ra khỏi điều không cần để điều chỉnh lại hành trình cuộc sống của chúng ta hướng về Chúa và hướng về tha nhân.
“Nó nhắc nhở chúng ta biết liên đới, kết nối với nhau vì một cái gì đó ảnh hưởng đến một người thì nó cũng có sự ảnh hưởng đến mọi người. Phải thay đổi từ những điều rất nhỏ bé dường như vô hại, như hắt hơi, khạc nhổ, cách lấy đồ ăn trên bàn ăn, tiếp xúc, nói nhỏ lại v.v… Đồng thời trong thời gian này, chúng ta có cơ hội tái khám phá giá trị của gia đình, tình bạn, các mối liên hệ mà chúng ta thường bỏ qua, sự liên đới, lòng quảng đại, chia sẻ, gần gũi cụ thể trong những điều nhỏ bé. Chúng ta cần tha nhân, cần xã hội.
“Nó nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta bị bệnh vì ngôi nhà chung của chúng ta đang bị bệnh. Chúng ta cần phải bảo vệ ngôi nhà chung này bằng thay đổi thói quen và thái độ sống đối với môi trường.”
- COVID GIÚP SỐNG TÍN THÁC
Hơn lúc nào hết, hiện nay dịch cúm Covid đe dọa mạng sống từng người, gây lo lắng hoang mang cho từng nhà, từng cộng đoàn. Đức tin mời gọi chúng ta hướng về Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, chính Người sẽ nâng đỡ chúng ta trong lúc khó khăn khăn này. Hãy sống tín thác vào Chúa.
“Mạnh bạo lên, can đảm lên! Đó chẳng phải là lệnh Ta đã truyền cho ngươi sao? Đừng run khiếp, đừng sợ hãi, vì Thiên Chúa, Thiên Chúa của ngươi, sẽ ở với ngươi bất cứ nơi nào ngươi đi tới.” (Gs 1, 9)
“Hãy cậy trông vào Chúa, mạnh bạo lên, can đảm lên nào! Hãy cậy trông vào Chúa.” (Tv 27, 14)
“Anh em đừng lo lắng gì cả. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện. Và bình an của Thiên Chúa, bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Chúa Kitô Giêsu.” (Pl 4, 6-7)
“Mọi âu lo, hãy trút cả cho Người, vì Người chăm sóc anh em.” (1Pr 5,7)
“Nếu như Thiên Chúa để anh em phải chịu nhiều đau khổ, thì đó là dấu Người đã có những chương trình lớn lao dành cho anh em, và chắc chắn Người muốn biến đổi anh em thành một vị thánh.” (Thánh Inhaxiô Loyola)
“Bản chất của đau khổ chẳng có giá trị gì. Nhưng ân huệ lớn nhất chúng ta có thể hưởng được là khả năng chia sẻ cuộc khổ nạn của Đức Kitô.” (Thánh nữ Têrêsa Calcutta)
- COVID GIÚP SỐNG BUÔNG BỎ
Hằng ngày, thông tin trong và ngoài nước đều cho chúng ta biết con số người nhiễm Covid và số nạn nhân tử vong vì Covid gia tăng liên tục. Những điều xảy ra đó giúp chúng ta nhận ra rằng “Đời là vô thường” và rằng chúng ta không còn lý do gì để tích trữ cho mình những thứ hư nát đời này. Mỗi ngày qua đi là mỗi ngày chúng ta tập buông bỏ những bám víu vật chất mau qua.
Ngày nay người ta nói nhiều đến hai chữ “Buông bỏ” như là phương thế giúp ta sống an nhiên tự tại. Buông bỏ để thoát khỏi vòng kiềm tỏa của “Tham, sân, si”, để thoát khỏi những những ràng buộc của vật chất hư vô, của cái “Tôi” nặng nề ích kỷ, của cuộc sống quá ư là đa đoan phức tạp…
Sự dứt khoát buông bỏ của chúng ta lúc này chắc chắn là một chọn lựa khôn ngoan và thích hợp nhất. Thực vậy, “Đối với chúng ta, những người còn đang sống, chúng ta nhận ra rằng thế giới vật chất này là vô thường, bản thân mình chỉ là thụ tạo yếu đuối mỏng manh. Nhờ đó chúng ta biết khiêm tốn hơn, biết từ bỏ những gì là phù du, biết sám hối và định hướng lại cuộc đời để hướng tới sự sống vĩnh cửu, sự sống dồi dào, sự sống đích thực.”[6]
“Đừng để bất cứ điều gì làm bạn xao động và sợ hãi. Mọi sự đều đang qua đi. Thiên Chúa không bao giờ thay đổi. Sự nhẫn nại chịu đựng đem lại tất cả. Ai có Thiên Chúa thì không thiếu thốn gì, một mình Thiên Chúa đã đủ.” (Thánh nữ Têrêsa Avila)
- COVID GIÚP SỐNG ĐẠO TRIỆT ĐỂ
Không phải đợi đến khi xảy ra đại dịch Covid chúng ta mới sống đạo. Sống đạo là sống đức tin và thực hành đức mến xuyên suốt đời sống của Ki-tô hữu. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại khi mà đại dịch Covid-19 vẫn còn tồn tại với nguy cơ diễn biến phức tạp, để phòng chống dịch hiệu quả, chúng ta phải chấp nhận mọi sinh hoạt tôn giáo bị ngưng trệ và thay đổi. Quả thực, đây là lúc chúng ta phải sống đạo một cách triệt để.
Sống đạo triệt để nghĩa là chúng ta ra khỏi làn ranh của những thói quen giữ đạo bình thường như trước. Nhà thờ đóng cửa không thánh lễ, không nghi thức phụng vụ, không bí tích, không kinh kệ, không quy tụ cầu nguyện, không giáo lý, không sinh hoạt mục vụ đoàn thể vv. Tuy nhiên, không phải vì những cái “không” này mà ta bỏ Chúa, quên Chúa, hay lơ là đức tin. Dù hoàn cảnh như thế nào chăng nữa, chúng ta vẫn có thể tập trung vào Chúa Ki-tô, để kết hợp với Ngài, lắng nghe Ngài và thực hành những điều Ngài dạy. Nhiều người đã dành thời gian trong ngày để theo dõi thánh lễ on-line, đọc và suy niệm Lời Chúa, rước lễ thiêng liêng, lần chuỗi Mân Côi, cầu nguyện riêng và chung trong gia đình…
Sống đạo triệt để cũng có nghĩa là chúng ta nhận ra rằng chọn Chúa thì quan trọng hơn là chọn những việc của Chúa (Đức cố HY Phx. Nguyễn Văn Thuận).
Khi chúng ta chọn Chúa, thì Chúa sẽ ra tay làm chủ vận mệnh, con người và cuộc sống của ta. Chúng ta sẽ không còn phải quan tâm tới thành công, thất bại hay kết quả sẽ như thế nào nữa. Khi chọn Chúa, chúng ta sẽ được liên kết mật thiết với Chúa, như cành liên kết với cây, nhờ đó cành có sự sống và sự sống sẽ sinh nhiều hoa trái theo ý muốn của Chúa. Bởi xét cho cùng, không có Chúa, chúng ta không làm được gì. “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15, 5).
- COVID LÀ CƠ HỘI GIÚP THỰC THI LÒNG MẾN THIẾT THỰC
Đối với Ki-tô chúng ta, dịch bệnh Covid là dịp thúc đẩy ta thực thi bác ái huynh đệ cách thiết thực. Covid đã giúp người ta đến gần nhau hơn, các quốc gia với nhau, các cộng đồng với nhau, các nhóm với nhau, các tôn giáo với nhau, các khu xóm với nhau.
ĐTC Phan-xi-cô đã có lần nhấn mạnh rằng hãy đối phó với đại dịch bằng tình yêu không giới hạn và vì công ích.[7] Ngài nhấn mạnh: Câu trả lời của Kitô giáo đối với đại dịch và những khủng hoảng kinh tế xã hội, hậu quả của đại dịch, được dựa trên tình yêu, trên hết là tình yêu của Thiên Chúa, Đấng luôn đi trước chúng ta (x. 1Ga 4,19). Người yêu thương chúng ta trước, Người luôn đi bước trước trong tình yêu và trong các giải pháp. Người yêu chúng ta cách vô điều kiện, và khi chúng ta đón nhận tình yêu này của Thiên Chúa, thì chúng ta cũng có thể đáp lại theo cách tương tự.
Tại VN, người Ki-tô lúc nào cũng sẵn sàng để thể hiện tình bác ái đối với những người anh em gặp khó khăn vì dịch bệnh. Từ những nhóm nhỏ tại các giáo xứ, các hội-đoàn-nhóm đến các cộng đoàn lớn như giáo phận, dòng tu, tổ chức bác ái Caritas, tất cả đều đồng lòng chung sức, góp công góp của ra tay cứu trợ khẩn cấp những hoàn cảnh cần giúp đỡ, “một miếng khi đói bằng một gói khi no” hay “lá lành đùm lá rách”.
Được biết, ngày 2-6-2021, Đức cha Chủ tịch HĐGMVN đã gửi thư kêu gọi tinh thần liên đới và tương thân để phòng chống đại dịch. Trong thư có đoạn viết như sau:[8]
“Trước hết, hãy xem trận đại dịch này như một cơ hội để yêu thương. Theo lời Chúa dạy, Kitô hữu phải nhìn nhận tất cả nạn nhân Covid-19 là “người lân cận” (Lc 10,28-29), sẵn lòng “vui với người vui, khóc với người khóc” (Rm 12,15) dù họ là ai. Tứ hải giai huynh đệ. Tất cả mọi người đều là đồng bào, là thành viên của đại gia đình dân tộc và nhân loại. Người Công giáo không được phép loại trừ, kỳ thị, “điểm mặt” hoặc kết án bất kỳ ai đã hoặc chưa bị lây nhiễm.
“Hãy vận dụng hết trí sáng tạo để hỗ trợ các trung tâm nghiên cứu y học, cộng tác với các bộ phận chức năng, thông cảm và tiếp sức cho các y bác sỹ và bệnh viện, tạo điều kiện vật chất và tinh thần thuận lợi cho mọi người và khu vực cách ly, giúp đỡ gia đình bệnh nhân đang điều trị, tử vong và những người đang lâm cơn túng quẫn kinh tế.
“Một miếng khi đói bằng một gói khi no; Lá lành đùm lá rách; Nhiễu điều phủ lấy giá gương! Hơn bao giờ hết, bao nhiêu người khó khăn đang trông chờ anh chị em thực thi giáo huấn của Chúa: “Ai đón tiếp anh em mình là đón tiếp chính Ta…Ai cho một trong những kẻ bé mọn này uống, dù chỉ một bát nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Ta, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu” (Mt 10, 40-42).”
Đặc biệt, ngày 9-7-2021 vừa qua, ĐTGM Giuse Nguyễn Chí Linh, chủ tịch HĐGMVN cũng có thư gửi đồng bào Công Giáo VN, với nội dung khẩn thiết kêu gọi các tín hữu quan tâm hỗ trợ bà con TP Saigon đang gặp khó khăn bởi đại dịch Covid đợt thứ 4 này. Trong lá thư kêu gọi, có đoạn như sau:
“Hơn bao giờ hết, tôi kêu gọi đồng bào trong nước hãy hướng nhìn về thành phố đáng yêu này, nơi đã từng là trung tâm tình thương trước khi trở thành ổ dịch. Tôi kêu gọi bà con hải ngoại hãy nhớ đến khung trời kỷ niệm đã một thời vang vọng câu hát “Sài Gòn đẹp lắm Sài Gòn ơi”. Tôi kêu gọi tín hữu Công giáo, mọi thành phần Dân Chúa, các giáo phận, dòng tu, giáo xứ, tổ chức từ thiện, Bác ái – Caritas, đoàn thể, ngành giới, nhóm thân hữu hãy coi đây là cơ hội thực thi bác ái theo Lời Chúa dạy. Tôi kêu gọi các tổ chức truyền thông và cộng đồng mạng hãy mau mắn chuyển tải thông tin này đến mọi địa chỉ quen biết. Hãy khẩn cấp ra tay. Hãy làm tất cả những gì có thể làm được để ứng cứu đồng bào ruột thịt của chúng ta đang vật lộn với thực tế đầy nông nỗi. Chúng ta hãy im lặng để nghe lại lời vàng ngọc này của Chúa Giêsu: “Các con đã lãnh nhận nhưng không thì hãy cho đi nhưng không” (Mt 10,8b)
“Một cách cụ thể, mỗi giáo phận hoặc mỗi cụm cộng đoàn, đặc biệt là các cấp Caritas, hãy khẩn trương lập một đường dây nóng, một địa chỉ để tập trung phẩm vật và tiền cứu trợ trong khu vực. Các nhu yếu phẩm Saigon đang cần là rau quả, nông phẩm, lương khô, thiết bị phòng chống dịch (khẩu trang, nước kháng khuẩn, máy thở, bình ôxy, bộ xét nghiệm nhanh). Ngoài lương thực, đồng bào thành phố cũng cần hổ trợ tài chánh cho người nghèo, vô gia cư, vỉa hè, khám chữa bệnh v.v…”[9]
Chúng ta biết rằng hiện nay, sau lời kêu gọi của Đức cha Chủ tịch HĐGMVN, các giáo phận đã rất nhanh chóng đáp ứng ngay và hàng ngày các hàng cứu trợ đã và đang ùn ùn chuyển đến Saigon để kịp tới tay những bà con cần giúp đỡ. Quả thực Covid đã trở thành cơ hội quý báu giúp chúng ta thực thi bác ái Ki-tô giáo một cách thiết thực cụ thể nhất ./.
Aug. Trần Cao Khải
2021
Những rào cản trong sứ vụ loan báo Tin mừng
Những rào cản trong sứ vụ loan báo Tin mừng
Đã có rất nhiều bài viết của nhiều tác giả về cách thức loan báo Tin mừng, làm sao để loan báo Tin mừng, những mặt tốt, mặt thuận lợi của việc loan báo Tin mừng,…nhưng hôm nay, bản thân người viết muốn thử cùng mọi người nói lên đâu là những rào cản, những mặt trái của việc loan báo Tin mừng?
Cá nhân không có ý chỉ trích hay lên án một ai cả nhưng với cái nhìn chủ quan qua kinh nghiệm bản thân sau thời gian làm việc truyền giáo tại vùng miền sơn cước của Giáo phận, cũng như đã được chứng kiến trực tiếp hoặc nghe và nhìn thấy rõ ràng tại một số giáo xứ để rút những mặt trái, những ‘bức tường’ làm ngăn cản công việc loan báo Tin mừng tại Giáo phận nhà nói riêng cũng như một số nơi khác.
Như chúng ta đã biết, Đức Giê-su trước khi về trời, Ngài đã mời gọi mọi người: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.” (Mc 16,15). Như vậy, trách nhiệm loan báo Tin mừng là trách nhiệm chung của mỗi chúng ta. Đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội rồi, tất cả mọi người đón nhận sứ vụ loan báo Tin mừng trong môi trường sống của mình, mà không được ngưng nghỉ hay từ chối. Như vậy, theo Công Đồng Vatican II: “Giáo Hội tự bản chất có sứ vụ truyền giáo” (x. AG,2). Từ nay, ai thuộc về Giáo hội qua bí tích Thanh Tẩy, người đó có bổn phận phải lên đường làm chứng nhân cho Chúa nơi môi trường sống trong bậc sống của mình. Ý thức được vai trò quan trọng đó, nhiều người đã không ngần ngại lên đường loan báo Tin mừng. Họ đã hăng say, nhiệt huyết, thậm chí dùng cả tính mạng để miễn sao Tin mừng được rao giảng.
Tuy nhiên, bên cạnh nhiều người với nhiều cách thức qua cách sống của bản thân để thu hút được nhiều người nhận biết Đức Giê-su và tin theo Ngài, thì cũng không thiếu nhiều người vì lối sống ích kỷ hoặc chưa dám dấn thân ra đi loan báo Tin mừng. Không những vậy, qua lối sống của mình, họ còn trở nên ‘vật cản hay bức tường” ngăn cách người khác đến gặp gỡ Chúa. Như vậy, đâu là những ‘mặt trái hay bức tường’làm ngưng trễ hay không muốn nói là ngăn chặn việc loan báo Tin mừng của chúng ta ngày hôm nay?
- Rào cản từ những người giáo dân?
Quả thật, nhiều người lương dân đã nhận xét thế này: ‘chúng tôi có thể tin Chúa Giê-su, thích đạo công giáo, tin ông cha, thích ông linh mục lắm nhưng chúng tôi chẳng ưa gì các ông bà giáo dân chút nào.’ Được hỏi vì sao vậy, họ trả lời: chúng tôi thấy giáo dân cũng buôn gian bán lẫn, cũng trộm cắp, cũng đập vợ đánh con, cũng cướp chồng/ vợ của người khác, cũng lươn lẹo, cũng tham lam, ích kỷ, cũng rượu chè – cờ bạc tối ngày,…như vậy, họ đâu có khác gì chúng tôi đâu. Qua lối sống đó, người lương dân không ngần ngại dùng từ ‘giáo gian thay vì giáo dân’. Họ đối diện với lối sống tiêu cực của người công giáo như thế thì làm sao họ có thể dễ dàng đón nhận một Tin mừng yêu thương và tốt đẹp được? Cũng vì thế, mà rất nhiều gia đình công giáo ở bên cạnh rất nhiều nhà lương dân nhưng chưa bao giờ cảm hoá được họ hoặc không thể giới thiệu Tin mừng Giê-su cho họ. Cả mấy chục năm trời sống chung giữa lương với giáo, nhưng xem ra chúng ta vẫn không thể loan báo Tin mừng cho họ được, là vì cách sống đạo ngoài đời của chúng ta chưa thực sự tốt không muốn nói là rất phản cảm. Chúng ta phải thú nhận rằng chúng ta mới sống đạo nhà thờ thôi, mà chưa thực hành đạo được bao nhiêu ở ngoài đời sống xã hội. Chúng ta đã tự chia cắt đời sống nhà thờ với đời sống xã hội. Trong nhà thờ, mọi người đọc kinh rất to, cầu nguyện xem ra rất sốt sắng, tham dự thánh lễ đều đặn nhưng khi ra khỏi nhà thờ, chúng ta lại sống như người chưa bao giờ biết Mười Điều răn, Tám Mối Phúc Thật và Cải Tội Bảy mối,…Đúng như thánh Giacobe Tông đồ đã khẳng định: “Đức tin không việc làm là đức tin chết.” (Gc 2, 26). Quả thật, chúng ta nói tin vào Chúa, chúng ta nói yêu Chúa nhưng chúng ta lại không thực hành Lời Chúa nơi môi trường sống của chúng ta thì đời sống đạo của chúng ta sẽ khô héo không muốn nói là giả tạo. Lối sống như thế làm sao chúng ta có thể trở nên chứng nhân loan báo Tin mừng cho thời đại hôm nay được? Vì thời đại hôm nay cần chứng nhân hơn là thầy dạy. Chứng nhân mà tầm bậy thì trở thành chứng gian, chứng mù, chứng xấu.
- Rào cản từ những Tu sĩ – Linh mục?
2.1. Rào cản từ Tu sĩ?
Ngoài ra, có thể nói ngay rằng việc loan báo Tin mừng còn được giao trách nhiệm cho một số người được tuyển chọn như là hàng giáo phẩm, tu sĩ nam nữ. Đây là những thành phần ưu tú được kêu gọi để làm công việc chuyên môn hơn trong sứ vụ loan báo Tin mừng. Thế nhưng, biết bao hội Dòng được thành lập có thể nói đa số đang lo việc kiếm sống như làm kinh tế qua việc mở các trường dạy trẻ, buôn bán đồ thánh, bán thuốc đủ loại,…dẫn đến ít có thời gian nhiều cho việc loan báo Tin mừng. Vì thế, rất nhiều hội dòng được mọc lên chung quanh các làng, các gia đình lương dân nhưng họ vẫn không biết về Đạo công giáo, biết về Đức Giê-su. Các tu sĩ không muốn đi ra và gặp gỡ người khác thì làm sao họ có thể biết về Tu sĩ, đạo của Tu sĩ và Chúa của Tu sĩ. Hơn nữa, nhiều khi chúng ta còn tạo khoảng cách và phân biệt lương với giáo nữa. Đôi khi còn có những tu sĩ sống kênh kiệu, tự cao tự đại, gây gương mù gương xấu ngang qua lối sống bê tha, rượu chè hoặc chơi trội, thể hiện, vì thế, sứ vụ loan báo Tin mừng dẫn đến chậm trễ không muốn nói là không phát triển nổi. Như vậy, làm sao chúng ta có thể trách người giáo dân bên ngoài được, trong khi chúng ta là những người được chọn gọi, được huấn luyện nhưng chưa chịu ra đi loan báo Tin mừng, chưa sống chứng tá bằng cuộc sống của mình.
2.2. Rào cản từ các Linh mục?
Đối với các linh mục quản xứ hay các cha tu dòng, vai trò loan báo Tin mừng nơi ngài hết sức cần thiết và vô cùng quan trọng. Vì ngài là người Thiên Chúa tuyển chọn để làm trung gian giữa Thiên Chúa và loài người. Ngài có trách nhiệm phải giảng dạy, cử hành các bí tích và thăm viếng hết thảy mọi người nơi vùng miền được sai đến. Ngài là người đầu tàu trong mọi hoạt động của cộng đoàn giáo xứ. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều vị, nhiều đấng đã quan niệm rằng hoàn thành thánh lễ và cử hành các bí tích là đã truyền giáo rồi. Các ngài đang đóng khung trong công việc mục vụ bảo tồn mà chưa thực sự mở ra và đi đến với vùng ngoại biên. Hơn nữa, có nhiều vị đã chạy theo thế tục, chạy theo lối sống đua đòi, mua sắm hàng hiệu, chạy theo ‘mốt’ thời trang, thích thể hiện chính mình,…Về xây dựng, nhiều vị đã sẵn sàng đập đi những ngôi nhà phòng, nhà thờ đang còn đẹp/ đang còn sử dụng tốt để xây lại những ngôi nhà mới theo ý của mình. Khi xây dựng thì không thể không cần đến bà con giáo dân. Nếu ngài đến với những giáo xứ có kinh tế thì tốt cho ngài, nhưng nếu gặp lấy giáo xứ nghèo thì bà con đóng tiền cũng kiệt quệ. Do đó, nhiều giáo dân đã phàn nàn, kêu ca khi phải đóng tiền liên tục. Có người đã thốt lên là sẽ ‘bỏ đạo’, bỏ lễ, bỏ nhà thờ vì đỡ tốn tiền cho nhiều khoản. Như vậy, phải chăng đây là một trong những ‘rào cản hay bức tường’ làm nên sự ngưng trệ của công cuộc loan báo Tin mừng?
Mặt khác, nhiều đấng bậc đã có lối hành xử chưa được tốt qua việc giảng dạy. Thay vì giảng Lời Chúa, có một số vị đã dùng toà giảng để ‘mạt sát, nạt nộ, chửi mắng, la rầy’ bà con giáo dân, thậm chí có những cá nhân bị ‘chửi’ đích danh để dân thấy mà thương. Tạo nên bầu khí nặng nề và thiếu yêu thương trong cộng đoàn giáo xứ, dẫn đến nhiều giáo dân đã bỏ lễ, bỏ xưng tội rước lễ, bỏ đạo luôn. Ngay cả người lương dân cũng thấy khó chịu khi nghe linh mục ‘chửi’ bà con giáo dân. Đây là rào cản, là mặt trái của việc loan báo Tin mừng.
Vả lại, nhiều người đã không thể tiếp xúc với linh mục, vì ngài quá khó tiếp cận, khó gần, không thân thiện, không cởi mở. Ai muốn gặp ngài đôi khi phải chờ đợi cả tiếng đồng hồ. Ai muốn gặp ngài thì phải bấm chuông, sau đó bắt đầu ngồi chờ. Vào xin lễ thay vì hỏi thăm sức khoẻ, tình hình gia đình hoặc đối thoại với giáo dân, thì nhiều vị đã mau chóng vào phòng ngay sau khi nhận bổng lễ. Phải chăng đây cũng là mặt trái của việc loan báo Tin mừng?
Bên cạnh đó, nhiều vị tại một số giáo xứ đã ra quy định phạt tiền đối với giáo dân khi không tham gia đi làm công việc xây dựng trong giáo xứ. Ai chưa nộp hoặc không nộp cũng sẽ bị công bố tên ra trước cộng đoàn. Ai chưa hoàn thành chương trình giáo lý phổ thông mà trình hôn nhân, thì phải đóng lệ phí cho thầy trưởng ban giáo lý từ 2 triệu trở lên, mới được cung cấp tờ giấy chứng nhận. Còn các lớp hôn nhân, trước khi lễ cưới, một số vị quy định rằng mỗi đôi phải đóng lệ phí từ 2 triệu đến 5 triệu. Số tiền này xung vào quỹ của giáo xứ hay làm việc gì đó? Nhiều người đã rất bực mình và khó chịu khi bị thu tiền như vậy. Họ đã không muốn đến nhà thờ và với Giáo hội nữa. Phải chăng đây cũng là mặt trái của việc loan báo Tin mừng?
‘Rào cản và bức tường’ của sứ vụ loan báo Tin mừng khi nhiều vị đã quy định tiền xin lễ phải bỏ phong bì ít nhất là 500k, nếu không thì không dâng lễ. Như vậy, nhiều người nghèo sẽ không bao giờ họ xin lễ được vì họ không có tiền. Phản cảm quá đi! Làm sao loan báo Tin mừng được đây!
Quả thật, có thể nói ngay rằng linh mục là người truyền giáo trước tiên. Ngài được tuyển chọn vì công việc này, là loan báo tình yêu kỳ diệu của Thiên Chúa cho nhân loại. Ngài là phương tiện Chúa dùng để ban phát các bí tích nhằm giúp các linh hồn đón nhận và được hưởng ơn cứu độ. Là người loan báo Tin mừng trước tiên, nên các linh mục có bổn phận phải thổi lửa nhiệt huyết, nhiệt thành cho bà con giáo dân ngang qua cách sống của các ngài. Linh mục phải là hình ảnh phản chiếu tình yêu thương của Đức Giê-su đối vói nhân loại lầm than. Linh mục không thể trách giáo dân không biết truyền giáo, không chịu đi loan báo Tin mừng, nhưng hãy tự trách mình trước tiên. Tiên trách kỷ hậu trách nhân là vậy. Linh mục không chịu ra khỏi phòng ốc được trang bị đầy đủ tiện nghi thì làm sao việc loan báo Tin mừng được thực hiện. Linh mục ‘tục tĩu, độc đoán, độc tài’ làm sao tạo được chiếc cầu nối kết với mọi người, làm sao công tác rao giảng Tin mừng được nhiều người đón nhận. Linh mục ‘keo’, thì cũng khó để giáo xứ có thể phát triển và khó để thu hút các linh hồn. Linh mục không cầu nguyện, khô khan, không thánh thiện, nhưng lại hay nhậu nhẹt, thuốc lá phì phèo, đồ áo xộc xạch, làm sao bà con giáo dân sống đạo tốt được, đừng hỏi tại sao việc loan báo Tin mừng lại dừng tại chỗ chưa muốn nói là mất mát rất nhiều?
Chính vì thế, để công việc loan báo Tin mừng ngày càng phát triển và để nhiều người tin theo Chúa, thì cung cách cư xử hiền lành cũng như đời sống tốt lành nơi mỗi người phải luôn luôn tồn tại và thực hành liên lỉ trong mọi hoàn cảnh ở khắp mọi nơi. Chúa Giê-su cũng đã nhắc nhở: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người,. còn tất cả những thứ kia Người sẽ thêm cho.” (Mt 6, 33). Tin tưởng vào điều đó, mỗi người được mời gọi sống thánh thiện qua việc siêng năng tham dự thánh lễ và các việc đạo đức khác. Qua đó, mỗi người sẽ ý thức hơn trong lời ăn, tiếng nói và cung cách hành động của bản thân nhằm tạo nên chiếc cầu hy vọng và nối kết tất cả mọi người, nhất là những ai chưa nhận biết Chúa. Ngoài ra, mỗi người có thể ra đi và dấn thân đến với người nghèo để giúp đỡ và cho họ ăn cũng như chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền trong đời sống thể lý và tâm hồn. Thật vậy, với lối sống đúng đắn như Thầy Giê-su thì chắc chắn rằng nhiều người sẽ được thu phục và mau mắn đón nhận được ơn cứu độ của Thiên Chúa. Với lối sống giống như Chúa Giê-su, thì việc loan báo Tin mừng của chúng ta sẽ mau chóng được tiếp nhận bởi nhiều người, nhất là những ai chưa thật sự biết về Giê-su, biết về đạo công giáo. Thật vậy, tôi đang sống lối sống như thế nào để loan báo Tin Mừng cho con người hôm nay? Tôi có thực sự trở nên chiếc cầu nối kết ngang qua cách thực hành đức tin của tôi không? Hay tôi đang trở nên ‘vật cản, bức tường’ ngăn cách nhiều người nhận biết về Tin mừng và Chúa Giê-su? Nếu vậy, tôi phải thay đổi cách sống như thế nào để giúp nhiều người trở về với Chúa? Mọi người hãy tự trả lời để thay vì trở nên vật cản, bức tường ngăn cách, hãy trở nên khí cụ, phương tiện bình an của Chúa đến cho nhân loại.
Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương