Cuộc đời là một lời ca tạ ơn
Cuộc đời là một lời ca tạ ơn
Tạ ơn vì được làm người, tạ ơn vì được làm con Thiên Chúa, tạ ơn vì được làm nữ tu trong hội dòng hay nói cách khác được chọn gọi riêng để làm chứng nhân cho Chúa.
Chúa đã dựng nên ta từ hư không! Từ không mà có. Đó là lời tạ ơn muôn đời rồi.
Lại được làm Con Chúa khi ta lãnh nhận bí tích Rửa tội và trở thành anh chị em, chi thể của nhau trong thân thể Giáo hội, thân mình mầu nhiệm Chúa Kito, chính Ngài là Đầu: “Anh em là thân thể Đức Kitô, và mỗi người là một bộ phận” (1Cr 12, 27).
Hơn thế nữa, được chọn gọi vào công đoàn tu trì để hiến dâng thân mình từ nay thuộc chọn về Chúa và thuộc trọn về cộng đoàn để được Chúa huấn luyện, và sai đi làm chứng nhân cho Ngài ở giữa trần gian.
Tạ ơn Chúa là điều chính đáng khi Chúa đã dùng bậc sinh thành, là cha mẹ, là anh chị em trong gia đình để sinh ra dưỡng nuôi và trưởng thành.
Tạ ơn Chúa vì nhờ Giáo hội qua các trung gian là những linh mục, là những bề trên, qua các bí tích, mà ta được đón nhận nhiều ân sủng.
Tạ ơn Chúa vì được gọi vào công đoàn Tu Trì, cụ thể là công đoàn dòng Phaolô Đà Nẵng để được ở lại, đụng chạm, gặp gỡ, hiện diện, học hỏi, trao đổi, yêu thương, tha thứ qua những trung gian là bề trên, quý chị đồng hành, quý chị em và những tác nhân khác.
Tạ ơn Chúa vì Ngài đã chọn gọi để chúng ta ở lại với Chúa để qua Ngài, với Ngài và trong Ngài, chúng ta học hỏi sự hiền lành và khiêm nhường, học hỏi cái sự tiếp cận của Chúa nơi những người nghèo, nơi những người bệnh hoạn tật nguyền, nơi những người bị loại bỏ ra khỏi xã hội, nơi những người cô thế cô thân. Như vậy, ở lại với Chúa để biết cảm thông và yêu thương những mảnh đời đau khổ. Ở lại với Chúa để biết tha thứ và yêu thương ngay những kẻ không ưa mình. Ở lại với Chúa để học hỏi cách truyền giáo của Chúa là thánh thiện, là cởi mở, là quảng đại, là cho đi, là sẵn sàng ra đi dẫn thân miễn sao tin mừng của chúa được truyền giao. Ở lại với Chúa để được bổ sức và bồi dưỡng. Ở lại với Chúa để có những hành trang tốt đẹp và đúng đắn để ra đi giặt gieo tin mừng. Ở lại với Chúa để biết được rằng sống là Đức kitô và chết là một mối lợi như thánh Phaolô đã cảm nhận. Sống là Đức Kitô có nghĩa rằng là từ suy nghĩ, từ lời nói, từ hành vi cử chỉ của bản thân, thuộc chọn về chúa và thực thi như chúa. Điều này thánh Phaolô đã mời gọi: “ Dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa.” (1Cor 10, 31). “Đối với tôi, sống là Đức Kitô, chết là một mối lợi” (Pl 1,21), Sống là Đức Kitô, nghĩa rằng là yêu như Ngài, tha thứ như Ngài, quảng đại như Ngài, hi sinh như Ngài, giảng dạy như Ngài, làm chứng như Ngài, chịu đau khổ như Ngài, chịu chết như Ngài và cũng sẽ được sống lại những Ngài. Sống với Đức Kitô để kín múc tình yêu và nguồn ân sủng từ Ngài để như thành Phaolô chúng ta cũng mau mắn khẳng định rằng tình yêu Đức Kitô thúc bách tôi. Thúc bách tôi điều gì vậy? Thúc bách tôi lên đường để làm chứng nhân cho Ngài bằng cuộc sống đượm tình bác ái yêu thương. Quả thật, chứng nhân thì quan trọng hơn là thầy dạy. Một khi đã ở lại với Đức Giêsu Kitô, chúng ta không thể không ở lại với anh chị em của chúng ta nơi môi trường được sai đến để làm mục vụ. Một khi đã hiện diện với Đức Giêsu Kitô, chúng ta được mời gọi hiện diện với anh chị em đồng loại, nhất là với những người có hoàn cảnh khó khăn và đau khổ. Một khi đã gặp gỡ Đức Giêsu kitô, chúng ta không thể không được biến đổi để trở nên giống Đức Giêsu Kitô, nên đồng hình đồng dạng với Ngài trong mọi tư tưởng, lời ăn tiếng nói và con tim cũng cùng một nhịp đập với trái tim của Chúa. Như vậy, khi được sai đi, nghĩa là chúng ta đi làm chứng, đi quảng cáo, đi giới thiệu tình yêu Đức Giêsu Kitô cho muôn người, nhất là nơi những vùng miền mình được sai đến. Giới thiệu Đức Giêsu kitô không phải là nói về lý thuyết và nhồi nhét một giáo thuyết cho một ai đó, Nhưng đòi hỏi sát sao là trở nên chứng nhân đích thực qua lời ăn, tiếng nói, hành vi cử chỉ của chúng ta: là thân thiện, là gần gũi, là gặp gỡ, là đồng hành, là yêu thương, là vui vẻ dâng hiến, là dấn thân phục vụ. Nghĩa rằng là chúng ta phải là hình ảnh hữu hình của Đức Giêsu Kitô ở trần gian, là hiện thân lòng thương xót của Ngài trong môi trường sống. Được sai đi bởi Đức Giêsu ngang qua quý bề trên, các chị em được mời gọi sống thanh thoát và không được màng tới những của cải tiện nghi, nhưng một niềm phó thác cho sự quan phòng của Chúa cũng như sự giúp đỡ của anh chị em. Vì làm thợ thì đáng được trả công. (Lc 10,7). Được sai đi là để gieo rắc bình an và tình yêu, chứ không phải là sự bất an, nỗi buồn và sự chết. Gieo rắc nền văn minh tình thương, văn hóa sự sống, chứ không phải nền văn minh sự chết. Được sai đi là để thi thố cái tình yêu và lòng thương xót của Thiên chúa đối với nhân loại, cụ thể đối với con người, nhất là đối với những mảnh đời eo le, cô đơn cô thể, bệnh hoạn tật nguyền, những người nghèo về vật chất cũng như tinh thần, nghèo về Lời Chúa. Được sai đi là để chúng ta ở lại bên cạnh những anh chị em đó để cùng cảm thông khi họ buồn phiền, để vui với người vui, và khóc với người khóc. (Rm 12,15). Được sai đi là để đồng hành và dấn thân phục vụ mà không đòi hỏi lời đáp trả. Được sai đi là để bao dung, nối kết, hiệp nhất thay vì loại trừ và vô cảm. Vì “Các con đã lãnh nhận nhưng không thì hãy cho nhưng không.” (Mt 10,8), đó là điều Chúa muốn. Trở nên chứng nhân của Đức kitô đối với nhân loại, đối với con người nơi vùng miền được sai đến là điều hết sức cần thiết và tối quan trọng đối với nữ tu thuộc hội dòng Phaolô Đà Nẵng theo tinh thần của thánh Phaolô.
Mặt khác, có lẽ cũng nên nhắc lại một chút ở đây, sống với Đức Kitô là sống trung thành trong ba lời khuyên phúc âm một cách rõ ràng và quyết liệt trong khi thi hành sứ vụ nơi đời sống thường ngày. Không phải không có khó khăn khi chúng ta sống ba lời khuyên Phúc âm nơi môi trường chúng ta phục vụ. Chính vì thế, chúng ta không cậy vào sức riêng của mình, nhưng khiêm tốn này xin sức mạnh từ Chúa để Ngài gìn giữ, chở che và bảo vệ. “Khi tôi yếu chính là lúc tôi mạnh” (2Cor 12,10). Nếu không có Chúa chúng ta chẳng làm được gì. (Ga 15,15). Chỉ có Chúa mới là gia nghiệp của con! Làm gì thì làm, phục vụ thì phục vụ, ra đi thì ra đi, nhưng tất cả và trên hết vẫn là để Chúa chỉ đạo, hướng dẫn và đồng hành với chúng ta trong mọi sự. Do đó, chúng ta không kiêu căng và tự quyết, nhưng một lòng phó thác và cậy trông vào Chúa. Bởi Chúa là sức mạnh và là nguồn thánh thiện của đời ta. Amen.
Linh mục Paul Phạm Trọng Phương