2023
Người tu sĩ đồng tính
Trả lời:
Chào bạn,
Trước khi đưa ra câu trả lời cho chuẩn xác, hãy cùng làm rõ câu hỏi của bạn.
Hạn từ “tu sĩ” được dùng để chỉ những người nam/nữ sống đời thánh hiến qua việc tuyên khấn công khai các lời khuyên phúc âm (gọi tắt là lời khấn) trong một hội dòng. “Người tu sĩ hiến dâng trọn vẹn thân mình như một hy lễ được dâng lên Thiên Chúa, nhờ đó tất cả cuộc sống họ trở nên một việc liên lỉ thờ phượng Thiên Chúa trong đức ái” (GL 607). Đôi khi, chúng ta cũng hay nghe nói đến từ “đan sĩ”. Thuật ngữ “đan sĩ” không xuất hiện nhiều trong Giáo Luật cho bằng từ “tu sĩ”. Thực ra, dưới một khía cạnh nào đó, các đan sĩ cũng là tu sĩ, vì họ tuyên công khai và giữ các lời khấn. Nhưng thuật ngữ “đan sĩ” được dành riêng cho các tu sĩ sống trong một đan viện. Đây là một kiểu đời tu xuất hiện rất sớm trong Giáo hội. Các linh mục triều không được gọi là “tu sĩ” vì họ không tuyên giữ công khai các lời khấn. Họ được gọi là “giáo sĩ”.
Liên quan đến xu hướng tính dục, phải phân biệt: dị tính, đồng tính (nam hoặc nữ), song tính[1], ngoài ra, còn có người chuyển giới (transgender), người đang chưa rõ về giới tính của mình và đang tìm hiểu về bản thân (questioning).
– “Dị tính” là người bị hấp dẫn tính dục bởi những người khác giới và không có cảm giác về mặt cảm xúc hay tình dục với người cùng giới.
– “Đồng tính” là người bị hấp dẫn tính dục bởi những người cùng giới tính và không có cảm giác về cảm xúc hay tính dục với những người khác giới tính. Có loại đồng tính nữ (gọi là lesbian hay les), và đồng tính nam (gọi là gay).
– “Song tính” là người bị hấp dẫn tính dục bởi cả người cùng giới lẫn khác giới (bisexual).
Câu hỏi của bạn chỉ giới hạn trong phạm vi “đồng tính”, nhưng chúng tôi ngầm hiểu là bạn đang ám chỉ đến một kiểu xu hướng tính dục không-phải-là-dị-tính, nghĩa là xu hướng mà chúng ta tạm gọi là “khác với xu hướng tính dục tự nhiên thông thường của đại đa số người trên thế giới”. Vì thế, dưới đây, khi trả lời câu hỏi của bạn, chúng tôi sẽ dùng từ “đồng tính” theo nghĩa này.
“Có sao không?” là một câu hỏi rất mơ hồ. Chúng tôi không hiểu là bạn đang nói đến điều gì: người đồng tính có được chấp nhận để trở thành tu sĩ không, hay nếu đi tu mà đồng tính thì có phạm tội gì không, hay là một tu sĩ mà đồng tính thì có ảnh hưởng nguy hại gì đến đời tu không?… Chúng ta không thấy có một ngăn trở nào quy định trong cuốn Giáo Luật 1983 nói rằng người đồng tính thì phải bị loại trừ khỏi đời sống dâng hiến (hay thậm chí là trở thành linh mục). Vì thế, nếu có tu sĩ (hay linh mục) nào phát hiện ra mình có xu hướng đồng tính, người đó không hề lỗi luật, cũng không phạm tội luân lý gì. Vấn đề đặt ra ở đây mà chúng ta cần suy xét là “khi biết một ứng viên muốn sống đời tu mà có xu hướng đồng tính, người hữu trách có nên nhận họ không?” Luật thì không cấm nhưng thường người hữu trách sẽ rất e dè với những trường hợp này. Vì sao?
Đời tu và người đồng tính
Như đã nói ở trên, đời tu có liên quan đến việc sống các lời khuyên phúc âm và đời sống cộng đoàn. Cụ thể hơn, nó đòi buộc người ta phải sống tốt đời sống khiết tịnh, triển nở bản thân trong tình trạng “độc thân vì Nước Trời”. Sống khiết tịnh vốn dĩ không phải là điều dễ dàng. Bởi thế, nếu người ta chọn sống nó chính là vì họ có một mục đích cao cả. Ta vẫn hay nghe đến những câu chuyện một anh chàng hay cô nàng nào đó nguyện suốt đời không lấy ai khác để chứng tỏ lòng chung thuỷ dành cho người mình yêu. Một tình yêu cao cả đã thôi thúc người ta đến chỗ dành trọn cuộc sống và mọi sự của mình cho một người duy nhất mà thôi, chứ nhất quyết không chia sẻ nó với ai khác, dù biết rằng mình sẽ gặp nhiều khó khăn và thử thách với chọn lựa này.
Với người sống đời dâng hiến, động cơ thúc đẩy họ đến chọn lựa sống độc thân, chính là vì tình yêu dành cho Đức Giêsu, hay cụ thể hơn, họ “sống độc thân vì Nước Trời.” Như thế, tình trạng độc thân của người tu sĩ hay lời khấn khiết tịnh của họ đồng thời cũng mang tính sứ mạng. Và để có thể sống được điều này, đòi hỏi người tu sĩ phải có một sự trưởng thành tâm cảm. Đó là một khả năng hiểu biết về chính mình, biết làm chủ cảm xúc, giới tính của mình, biết cách giao tiếp lành mạnh trong các mối tương quan, có một sự quân bình trong chính con người mình.
Thật ra, để có thể trở thành một con người thành công, có ích cho xã hội, con người nào cũng phải có được sự trưởng thành tâm cảm này. Đây chính là mục tiêu của giáo dục và huấn luyện con người. Nhưng nó trở nên cấp thiết hơn trong môi trường đời tu. Bởi lẽ, một tu sĩ nào đó dù đã lớn tuổi, nhưng lại không có một tâm cảm trưởng thành thì cũng hệt như một đứa bé mới lớn. Người đó chẳng hiểu về lý tưởng của mình, không thể làm chủ những xung động nơi bản thân mình, luôn bị cảm xúc chi phối trong các quyết định, lại không có một tương quan đúng đắn và lành mạnh với người khác. Một người như thế, rất khó có thể trở thành “người thợ” trong vườn nho của Chúa, và sống sót “giữa bầy sói dữ”.
Đòi hỏi một người tu sĩ phải ngay lập tức hoàn hảo trong tất cả mọi mặt là điều không thể, nhưng một mức độ trưởng thành về mặt tâm lý sẽ là dấu chỉ cho thấy người đó hiểu về chọn lựa của mình, dám đảm nhận quyết định của mình và sống nó một cách thích đáng để đời mình được sinh hoa kết trái và người khác cũng được hưởng lây thành quả này.
Chúng ta cùng quay trở lại vấn đề: liệu người đồng tính luyến ái có được nhận vào dòng tu hay chủng viện không? Trong phạm vi nhỏ bé của bài viết này, chúng tôi không có tham vọng triển khai một nghiên cứu đầy đủ và chi tiết về nó, nhưng chỉ xin trình bày một cách ngắn gọn những hướng dẫn của Toà Thánh liên quan đến tính hợp pháp trong việc thu nhận những người có xu hướng này.
Toà Thánh đã ban hành rất nhiều tài liệu hay những chỉ dẫn nói về vấn đề này. Trong đó có một Hướng Dẫn được Bộ Giáo Dục Công giáo ban hành vào ngày 31.8.2005, nói rõ rằng sẽ không nhận những ứng viên vào chủng viện hay vào một dòng tu, nếu người đó có khuynh hướng đồng tính, được thể hiện qua ba tiêu chí sau:
– (2) người có khuynh hướng đồng tính cách sâu sắc;
– (3) người cổ võ cho một kiểu “văn hoá đồng tính”.
Một tài liệu khác được ban hành vào 4.11.2005 cũng nhắc đến 3 ngăn trở này trong việc thu nhận một người vào một chủng viện hay dòng tu. Tài liệu nói rõ rằng mặc dù không phân biệt kỳ thị và vẫn tôn trọng những người có xu hướng đồng tính, Giáo hội không thể nhận những anh chị em này vào bậc sống tu trì và chức thánh bởi vì xu hướng ấy là một ngăn cản nghiêm trọng, khiến người đó không thể có một sự quân bình trong tâm lý và không thể có một tương quan đúng đắn và cân bằng với những người nam, cũng như người nữ khác. Một người đồng tính nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi sống trong một cộng đoàn chỉ toàn nam giới; cũng tương tự như vậy đối với người nữ. Do có sự lệch lạc trong xu hướng tính dục, môi trường dòng tu bao gồm những người cùng giới tính với mình có thể sẽ không còn là nơi giúp họ từ bỏ mọi sự và toàn tâm toàn ý phục vụ Chúa cũng như tha nhân, mà chỉ là nơi “trú thân” (vì họ không thể lập gia đình). Tệ hơn, môi trường này có thể trở thành nơi đầy những cám dỗ đối với họ.
Tài liệu không giải thích rõ “người có khuynh hướng đồng tính cách sâu sắc” nghĩa là gì, nhưng trên tinh thần của tài liệu, ta có thể suy đoán rằng đó có thể là:
(2) người đó tham gia vào những diễn đàn, tổ chức dành cho người đồng tính để tìm thoả mãn cho nhu cầu tính dục của mình;
(3) người đó có những biểu diện bên ngoài thái quá như cách ăn mặc hay sử dụng nữ trang, trang điểm…
(4) người đó có nhu cầu thường xuyên đến những tụ điểm đồng tính…
Những người trên không thể là hiện thân cách thích đáng hình ảnh Đức Kitô, vị mục tử nhân lành và là hiền phu của Giáo hội, không thể trở thành một người cha/mẹ thiêng liêng và như thế, họ không có được sự trưởng thành cần có để đảm nhận các thừa tác vụ thánh. Liên quan đến đời sống khiết tịnh, họ không thể sống sự độc thân như một của lễ, không thể ra khỏi chính mình để thiết lập những tương quan đúng đắn với người khác, cả nam lẫn nữ.
Vì vấn đề đồng tính luyến ái là một vấn đề phức tạp, Giáo hội cũng nói đến việc các nhà huấn luyện, các vị linh hướng để thận trọng, khôn ngoan trong việc lắng nghe các ứng viên, đồng thời giúp đỡ họ nhận ra ơn gọi của mình, đặc biệt đối với trường hợp thứ ba (chưa xác định rõ về giới tính của mình do có vấn đề về tâm lý). Phải suy xét cho kỹ để không vội vàng quy chụp hay loại trừ một người có thể có ơn gọi, chỉ là đang có chút rắc rối liên quan đến tính dục của mình. Để tiến tới chức thánh, Giáo hội đòi hỏi ứng viên phải vượt qua được “sự không rõ ràng này” ít là 3 năm trước khi nhận chức phó tế.
Như thế, một sự trưởng thành tâm cảm là rất cần thiết để có thể sống đời tu một cách triển nở. Không chỉ người đồng tính mà cả người dị tính nếu không có được điều này thì cũng khó sống sự dâng hiến trong đời tu, đặc biệt là trong thiên chức linh mục. Để tránh những hiểu lầm hay chỉ trích dành cho Giáo hội, chúng ta cần phải hiểu rõ vì sao Giáo hội lại có những quy định như vậy.
Thật ra, sống đời dâng hiến, cách riêng là chức thánh, là một ân huệ mà Thiên Chúa dành cho Giáo hội, trước khi trở thành tiếng gọi cá nhân. Mỗi cá nhân được mời gọi để sống đời dâng hiến hay để trở thành linh mục là để cộng tác với Giáo hội, hoạt động trong lòng Giáo hội, phục vụ cho Giáo hội. Việc Giáo hội từ chối hay nhận ai đó vào bậc sống tu trì hay giáo sĩ tuỳ thuộc vào việc Giáo hội nhận thấy người đó có thích hợp với lối sống này không và có giúp ích cho người đó cũng như cho các linh hồn không. Sự thích hợp này chính là cái mà ta vẫn đặt tên “ơn gọi”, và được thể hiện ngang qua những dấu chỉ nơi bản thân người đó. Giáo hội xác nhận rằng “không trưởng thành về tâm cảm” là một dấu chỉ cho thấy sự không phù hợp của đương sự với đời tu.
Chúa kêu gọi một người dâng hiến cho Ngài ngang qua Giáo hội. Người ta có thể khăng khăng rằng mình có ơn gọi dâng hiến, nhưng nếu không được Giáo hội xác chuẩn và công nhận thì đó cũng chỉ là suy nghĩ đơn phương của người đó mà thôi. Sự từ chối chấp nhận ai đó vào đời tu của Giáo hội dành cho ai đó cũng muốn nói lên một điều rằng: đời tu không phải là cùng đích của con người, đó cũng chỉ là một trong số các phương tiện khác. Bất cứ con người nào, dù dị tính hay đồng tính, đều có thể trở thành thánh trong một môi trường ngoài đời tu, nếu họ sống tinh thần đức ái theo Tin Mừng và hằng luôn kết hiệp với Chúa.
Việc suy xét có nhận một người vào chủng viện hay vào dòng tu hay không hệ ở người hữu trách tại nơi đương sự xin vào. Đương sự có đủ sự trưởng thành tâm cảm để hiểu và đảm nhận đời tu hay không cũng do các vị có thẩm quyền nơi đó quyết định. Đối với cả người đồng tính hay dị tính, các nhà huấn luyện có trách nhiệm giúp họ khám phá ra ơn gọi mà Chúa dành cho họ, và giúp họ bình an với ơn gọi đó, làm sao để đời tu có được nét đẹp tinh tuyền của nó là một cuộc đời dâng hiến tự nguyện cho Thiên Chúa để sống cho Thiên Chúa và phục vụ con người, chứ không phải là nơi “tìm bạn tình”, hay “trốn đời”, “che đậy bản thân”. Nếu không, nó sẽ dẫn đến những tình trạng không hay vốn đang đục khoét lý tưởng đời dâng hiến – một sáng kiến tuyệt vời mà Thánh Thần đã thổi vào trong Giáo hội.
Tham khảo:
Clark, Keith, Being Sexual and Celibate, Notre Dame: Ave Maria Press, 1986
Sperry, Len, Sexo, Sacerdocio e Iglesia, Santander, Sal Terrae, 2004
2023
Bệnh Phung trong Kinh Thánh
Bệnh Phung trong Kinh Thánh
Bệnh cùi (leprosy) được Kinh Thánh nhắc tới rất nhiều lần. Bản dịch của linh mục Nguyễn Thế Thuấn (1922-1975) gọi nó là bịnh phong (Lêvi 13:2). Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ gọi nó là phong hủi (Dân Số 5:2).
Ngày xưa, theo Paulus Huỳnh Tịnh Của (1834-1907), người Việt gọi bệnh này là cùi, hủi, phung, phung cùi, phung hủi (xem: Đại Nam Quấc Âm Tự Vị, 1895, tome I: tr. 202, 451; và 1896, tome 2: tr. 210).
Cũng ngày xưa, Tổng Đốc Đỗ Hữu Phương (1838-1914) là một nhân vật tai mắt ở Nam Kỳ thời Pháp thuộc. Tương truyền, nhân một Tết Nguyên Ðán nọ, đại gia họ Ðỗ ra câu đối, có treo giải thưởng cho ai khéo đối. Họ Đỗ thách đối như sau:
Ðất Chợ Lớn có nhà họ Ðỗ, đỗ một nhà, ngũ phước tam đa.
Vế thách đối dùng hai từ đồng âm: Đỗ (họ) và đỗ (thi đậu).
Ghét họ Đỗ quá tận tụy phục vụ thực dân Pháp cướp nước, có người gởi đến câu đối lại như sau:
Cù lao Rồng có lũ thằng phung, phun một lũ cửu trùng bát nhã.
Vế đối lại dùng hai từ đồng âm theo giọng miền Nam: phung (hủi, cùi) và phun (như trong miệng phun ra). Vì sao địa danh cù lao Rồng được nhắc tới? Cù lao này (cũng gọi cồn Tân Long) nằm trên sông Tiền thuộc Mỹ Tho; năm 1903 Toàn Quyền Đông Dương Paul Beau ra nghị định thành lập trên cù lao Rồng một trại phung cho Nam Kỳ. Năm 1940 trại phung này dời về Tuy Hòa.
Như thế, căn cứ vào những điều dẫn trên, gọi cùi, hủi, phung là theo tiếng Việt (hay Nôm); gọi phong là dựa theo chữ Hán, vì người Hoa gọi bệnh này là ma phong bệnh. Vậy, gọi phong hủi là ghép Hán (phong) với Việt (hủi).
*
Kinh Thánh nói nhiều tới bệnh phung vì bệnh này là hình ảnh minh họa cho sức hủy diệt của tội lỗi.
Cựu Ước (Lêvi chương 13) chép lời Đức Chúa Trời (Yavê) dạy cho Môsê và Aharôn cách phân biệt giữa bệnh phung với các loại bệnh khác như: mụt, lác, đốm; ung nhọt; phỏng; chốc; mày đay; sói đầu. Bất kỳ ai bị nghi ngờ mắc bệnh phung đều phải đến gặp tư tế để xem xét (Lêvi 13:2-3). Nếu bị tư tế kết luận là đã mắc bệnh phung, người bệnh buộc phải theo quy chế là: áo xống phải xé tả tơi, đầu để tóc rối che mình đến râu mép và kêu lên: ‘Nhơ, nhơ!’ Chừng nào còn mang bệnh phung thì người ấy còn nhơ uế, và phải sống riêng biệt một mình. Chỗ ở phải để bên ngoài trại của những người không mắc bệnh (Lêvi 13:45-46).
Cựu Ước (Lêvi chương 14) chép lời Đức Chúa Trời (Yavê) dạy cho Môsê và Aharôn cách tẩy uế người đã hết bệnh phung và nhà cửa bị nhơ uế vì phung hủi.
Năm 1873 bác sĩ Hansen (1841-1912, người Na Uy) có công tìm ra trực khuẩn leprae (cũng gọi vi khuẩn Hansen) là nguyên nhân gây bệnh phung, nhờ đó sau này y học có phương pháp chữa trị. Nhưng thời xưa, trước khi có được cách trị bệnh phung, người ta tin rằng Trời gieo bệnh này để trừng phạt kẻ phạm tội. Bị mọi người ghê tởm, khinh miệt, và ruồng bỏ, bệnh nhân không được quyền sống gần gũi cộng đồng. Cựu Ước (Dân Số 5:2-4) chép lời Đức Chúa Trời (Yavê) dạy cho Môsê:
“ ‘Hãy truyền cho con cái Itxraen đưa ra khỏi trại mọi kẻ phung hủi (…). Dù là đàn ông hay đàn bà, các ngươi sẽ đưa chúng ra; tận bên ngoài trại, các ngươi sẽ đưa chúng ra, để chúng đừng làm nhơ uế trại, là nơi Ta ở giữa chúng.’ Và con cái Itxraen đã làm như thế: Họ đã đưa chúng ra ngoài trại. Yavê đã phán với Môsê làm sao, thì con cái Itxraen đã làm như thế.”
Theo cổ luật Do Thái, người mắc bệnh phung phải ở cách xa người không mắc bệnh (kể cả thân thích ruột thịt) khoảng 1,8 mét; nếu có gió thổi, thì khoảng cách phải là 45 mét (x. http://www.gotquestions.org/Bible-leprosy.html). Vì vậy, người bệnh phung phải sống chung với người đồng cảnh ngộ cho tới khi chết, nếu bệnh không thuyên giảm. Đây là biện pháp thi hành ở Do Thái thời xưa để ngăn ngừa bệnh phung lây lan.
Tân Ước (Matthêu 8:2-4) chép rõ một phép mầu của Chúa như sau:
“Khi Ðức Giêsu ở trên núi xuống, đám đông lũ lượt đi theo Ngài. Và kìa, một người bị phung hủi tới gần, bái lạy Ngài và nói: ‘Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.’ Ngài giơ tay chạm vào anh ta và bảo: ‘Tôi muốn, anh sạch đi.’ Lập tức, anh ta được sạch bệnh phung hủi. Rồi Ðức Giêsu bảo anh ta: ‘Coi chừng, chớ nói với ai cả, nhưng hãy đi trình diện tư tế và dâng của lễ, như Môsê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết.’”
Đó là người bệnh phung đầu tiên được Đức Giêsu chữa lành. Anh ta lành bệnh nhờ có đức tin vào Chúa. Phép mầu Chúa ban cho anh ta cũng làm chứng cho lời Thánh tông đồ Phaolô trong Thư Gửi Tín Hữu Êphêxô (8:2):
“Quả vậy, chính do ân sủng và nhờ lòng tin mà anh em được cứu độ. Đây không phải bởi sức anh em, mà là một ân huệ của Thiên Chúa…”
Người bệnh phung ấy đã dám cãi luật Do Thái, đã không chịu giữ khoảng cách tối thiểu 1,8 mét, và chỉ có đức tin mãnh liệt vào Chúa mới khiến anh ta chủ động tới gần Chúa, quỳ xuống lạy, cầu xin ơn Chúa: “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.”
Cùng với lời cầu xin ấy đầy xác tín ấy, hành động can đảm cãi luật Do Thái của anh ta cũng làm chứng cho lời dạy này ghi trong Thư Gửi Tín Hữu Do-Thái (4:16):
“Bởi thế, ta hãy mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần.”
*
![]() |
Một phép mầu thứ hai Chúa ban cho người phung được Thánh tông đồ Luca (17:11-19) chép như sau:
“Trên đường lên Giêrusalem, Ðức Giêsu đi qua biên giới giữa hai miền Samaria và Galilê. Lúc Người vào một làng kia, thì có mười người phong hủi đón gặp Người. Họ dừng lại đằng xa và kêu lớn tiếng: ‘Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương chúng tôi!’ Thấy vậy, Ðức Giêsu bảo họ: ‘Hãy đi trình diện với các tư tế.’ Ðang khi đi thì họ đã được sạch. Một người trong bọn, thấy mặt được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. Anh ta sấp mình dưới chân Ðức Giêsu mà tạ ơn. Anh ta lại là người Samari. Ðức Giêsu mới nói: ‘Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?’ Rồi Người nói với anh ta: ‘Ðứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh.’ (Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ)
Chúa bảo họ “Hãy đi trình diện với các tư tế” là để họ được các tư tế xem xét tình trạng sạch bệnh, không còn nhơ uế nữa, như Lêvi chương 13 quy định. Mười người có đức tin ấy đã vâng theo lời Chúa mà đi gặp các tư tế, và chính lúc đang đi như vậy thì họ sạch bệnh. Có lẽ khi ấy họ đi chưa mấy xa, nên một trong nhóm mười người đó bèn quay lại gặp Chúa, quỳ xuống tạ ơn.
Thánh Luca chép sự kiện Chúa làm phép mầu ngắn gọn như thế, nhưng chúng ta hiểu rằng chín người thọ ơn Chúa mà cứ vô tâm bỏ đi, không một lời cảm ơn vắn vỏi, thì họ vẫn cứ sạch bệnh. Phép mầu không mất đi trên da thịt họ, bởi vì Chúa đã cho thì không lấy lại. Nhưng, họ chỉ mới được cứu cho phần xác. Còn người Samari, người duy nhất biết vội vàng chạy ngược lại tìm Chúa để thành tâm cúi lạy tạ ơn thì sao? Anh được Chúa bảo gì?
Câu Luca 17:19 được linh mục Nguyễn Thế Thuấn dịch: “Hãy chỗi dậy mà đi về; lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi.”
Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ dịch không mấy khác: “Ðứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh.”
Nhưng tôi lại thích câu Luca 17:19 trong bản King James hơn: “Arise, go thy way: thy faith hath made thee whole.”
Có lẽ đã noi theo bản King James nên trong truyện ngắn A Leper’s Thanksgiving, mục sư Ralph F. Wilson (Tiến Sĩ Thần Học Mỹ) viết rằng Chúa đã bảo anh chàng Samari là: “Rise and go. Your faith has made you whole.”
Khi chuyển ngữ truyện ngắn của mục sư Wilson (xem “Một Trong Mười”, nguyệt san CGvDT tháng 5-2016), tôi dịch: “Dậy mà đi đi. Đức tin của anh đã biến anh thành toàn vẹn.”
Tôi hiểu toàn vẹn (whole) là cả xác lẫn hồn. Chín người kia không toàn vẹn, vì chỉ mới được cứu chữa phần xác.
Trong bản tiếng Anh của Wilson, mục sư viết: “They [chín người bệnh khác] had received physical healing, indeed, but at Jesus’ feet, Bart had received a healing of his whole person.”
Wilson chỉ nói whole (toàn vẹn), không nói gì tới phần hồn, nhưng tôi hiểu mục sư hàm ngụ có phần hồn trong đó, bởi lẽ vế trước đã nói physical healing (chữa trị phần xác). Hiểu như vậy nên tôi dịch câu tiếng Anh dẫn trên là: “… họ [chín người bệnh khác] đã được chữa lành phần xác, nhưng quỳ dưới chân Đức Giêsu, Batôlômêô đã nhận được ơn chữa lành trọn cả thân tâm.” Nói trọn cả thân tâm thì cũng đồng nghĩa trọn cả xác lẫn hồn.
Mục sư Wilson rất thâm thúy khi kết thúc truyện ngắn lại viết câu này: “The gift of healing had sent him the message of God’s love, but thanks had brought him home.”
Tôi dịch: “Món quà cứu chữa đã gởi cho ông sứ điệp về tình yêu của Thiên Chúa, nhưng lòng biết ơn đã mang ông về lại quê nhà.”
Mặc dù home thường được hiểu là nhà, nhưng tôi chủ ý dịch là quê nhà. Bởi lẽ tôi tin rằng mục sư Wilson không hề ám chỉ ngôi nhà nào đó của Batôlômêô được dựng lên trên đất đai Samari. Tôi tin Wilson, cũng giống như những người tín hữu Cao Đài, hiểu rằng thế gian này chỉ là đất khách, là quê người, là chỗ tạm ghé để tạm trú trong vài mươi năm của một kiếp người mỏng manh dòn vỡ. Quê nhà đích thực của mỗi người chúng ta không phải ở thế gian, mà ở một nơi được các tôn giáo xưa nay gọi bằng nhiều danh từ khác nhau: Thiên Đàng, Nước Trời, Thượng Giới, Cực Lạc, Niết Bàn, Tịnh Thổ, v.v… Quê nhà đó còn được các tôn giáo hình tượng hóa là Thiên Chúa, Chúa, Trời, Thượng Đế, Ngọc Hoàng, Phật, v.v…
Những cảm nghĩ nói trên tôi không tiện diễn bày trong bản dịch Một Trong Mười. Do đó, tôi viết bài này như một tản mạn, cũng là để chia sẻ với nhau chỗ hòa điệu liên tôn. HK
2023
Nghĩ về sự tham dự phụng vụ của cộng đồng Dân Chúa
Nghĩ về sự tham dự phụng vụ của cộng đồng Dân Chúa
Việc cử hành và tham dự các lễ nghi phụng vụ vốn được Hội Thánh thường xuyên đặc biệt quan tâm, bởi công việc này xảy ra hằng giờ, hằng phút, hằng giây khắp nơi trên thế giới. Đối với Hội Thánh, “Phụng Vụ là tột đỉnh quy hướng mọi hoạt động của Hội Thánh, đồng thời là nguồn mạch tuôn trào mọi năng lực của Hội Thánh. Thực vậy, các công lao khó nhọc trong việc tông đồ đều nhằm làm cho mọi người, nhờ đức tin và Phép Rửa, trở nên con cái Thiên Chúa, cùng nhau quy tụ ngợi khen Chúa giữa lòng Hội Thánh, thông phần Hiến Tế và ăn tiệc của Chúa”.
“… Chính Phụng Vụ, nhất là lễ Tạ Ơn, như là nguồn mạch chảy tràn ân sủng vào trong chúng ta và làm cho con người được thánh hóa trong Chúa Kitô một cách hữu hiệu, đồng thời Thiên Chúa được vô cùng tôn vinh, đó là điều mà mọi công việc khác của Hội Thánh đều quy hướng về như là cứu cánh” (Xem Hiến chế Phụng Vụ Thánh, số 10). Vì thế, Hội Thánh thường xuyên chăm lo để việc cử hành và tham dự cho chu đáo, và chỉnh sửa hoặc cải tiến khi cần.
Mới đây Ủy ban Phụng Tự thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam đã cho phổ biến bản “Hướng dẫn cử hành Thánh lễ” với nội dung bao gồm nguyên tắc tổng quát, nghi thức nhập lễ, phụng vụ Lời Chúa, phụng vụ Thánh Thể và nghi thức Kết lễ. Bản hướng dẫn tuy có nhắc đến sự tham dự của dân chúng, của mọi người, nhưng chưa nhiều.
![]() |
THÁNH CÔNG ĐỒNG VATICAN II QUAN TÂM ĐẾN VIỆC CÁC TÍN HỮU THAM DỰ PHỤNG VỤ
Hiến chế Phụng Vụ Thánh (Sacrosanctum Concilium) của Thánh Công đồng đã nêu rõ sự cần thiết liên quan đến việc hướng dẫn các tín hữu tham dự các nghi lễ Phụng Vụ. Hiến Chế viết:
“Mẹ Hội Thánh tha thiết ước mong các tín hữu được hướng dẫn tham dự các việc cử hành phụng vụ cách trọn vẹn ý thức và linh động”.
“Việc tham dự ấy do chính bản tính Phụng Vụ đòi hỏi; lại nữa, nhờ phép Rửa Tội, việc tham dự Phụng Vụ trở thành quyền lợi và bổn phận của dân Kitô giáo, là dòng giống được lựa chọn, là tư tế vương giả, là dân thánh, là con dân được tuyển chọn” (1Pr 2,9 và 4-5). (số 14).
SỰ QUAN TÂM ĐẾN CÁC CÁCH THAM DỰ
Thánh Công đồng có nêu ba cách tham dự các nghi lễ Phụng Vụ, đó là trọn vẹn, ý thức và linh động.
Tham dự trọn vẹn (plenam illam) có nghĩa là tham dự đầy đủ từ đầu đến cuối. Thông thường, các nghi lễ Phụng Vụ đều có quy định thời gian và phổ biến công khai để ai muốn tham dự cũng có thể biết được để tham dự cho đúng thời gian và địa điểm. Cụ thể như việc tham dự thánh lễ Chúa nhật chẳng hạn, nhà thờ nào cũng có thông báo về thời giờ cử hành. Các tín hữu liệu thu xếp công việc riêng tư để dành thời giờ tham dự, tránh tình trạng dự lễ đi trễ về sớm khiến việc tham dự không trọn vẹn, mất một phần ơn ích.
Tham dự có ý thức (conscidam) là tham dự với sự chăm chú tập trung tâm trí vào nghi lễ đang cử hành, bởi mỗi lời đọc, mỗi cử chỉ trong nghi lễ đều có ý nghĩa và có giá trị, dù chỉ là một việc cúi đầu, khoanh tay, chắp tay, đứng, quỳ, ngồi… đều thể hiện sự tôn vinh, cung kính hoặc hòa đồng với cộng đoàn tham dự. Các việc chào Chúa, chúc chủ tế, chúc nhau đều mang ý nghĩa liên đới, chưa nói đến ý thức việc lắng nghe và suy tôn Lời Chúa, suy tôn và rước Thánh Thể Chúa vào lòng, tất cả cần có sự ý thức cao và sốt sắng.
Tham dự cách linh động (actuosam). Hội Thánh đã có quy trình tổ chức các nghi thức Phụng Vụ và bố trí để có sự tôn nghiêm nhưng linh hoạt, không thụ động nhàm chán, nên các tín hữu tham dự Phụng Vụ cũng trang bị tinh thần tham dự phấn khởi nhiệt tình. Mỗi một cử chỉ dành cho cộng đoàn cần được đón nhận và thực hiện một cách sốt sắng, tránh thụ động, chia trí hoặc cử hành bất đắc dĩ. Nhưng cũng cần tránh sự linh động thái quá không phù hợp với sự tôn nghiêm của nghi lễ đang cử hành.
NGHĨ VỀ TRANG PHỤC CỦA CÁC TÍN HỮU KHI THAM DỰ PHỤNG VỤ
Đối với Hội Thánh, phần lễ phục dùng trong các nghi lễ Phụng Vụ đã được quy định rõ ràng từ kiểu mẫu, màu sắc đến cách sử dụng, nhưng đối với các tín hữu tham dự Phụng Vụ thì vẫn để cho các nơi theo văn hóa, tập quán. Dù vậy, việc sử dụng cũng cần quan tâm đến sự trang nghiêm, xứng đáng. Cứ sự thường, tín hữu nào cũng biết lo cho mình có được trang phục chỉnh tề khi tham dự Phụng Vụ. Nhưng cũng vẫn có xảy ra các trường hợp trái chiều, như đến tham dự thánh lễ với bộ đồ thể thao hoặc trang phục “nhà nghèo”, trang phục “thiếu vải”… Tại một số nhà thờ ở Rome và các nơi có Ban Lễ tân phục vụ cho số người này bằng việc cho mượn áo khoác mặc khi tham dự thánh lễ và hoàn lại cho nhà thờ khi lễ tất.
Việc tham dự các nghi lễ Phụng Vụ cũng không phải là dịp để cá nhân hoặc nhóm nào phô trương sắc phục, xảy ra tình trạng trình diễn loạn màu sắc, làm mất vẻ trang nghiêm của việc thờ phượng đồng thời cũng gây mặc cảm đối với các tín hữu không có đồng phục!
Việc chọn kiểu mẫu, màu sắc trang phục cho các tập thể nên có sự cân nhắc để liệu sao cho xứng hợp với Phụng Vụ thánh, không làm theo sở thích hoặc bắt chước mẫu mã festival của đời thường.
DỰ LỄ VÀ LIÊN HOAN
Hằng năm, người tín hữu tham dự nhiều thánh lễ. Ngoài 11 lễ trọng, lễ dành cho giáo dân (còn gọi là lễ họ) còn có các lễ trọng khác, lễ kính, lễ nhớ theo lịch phụng vụ. Các tín hữu còn dự các thánh lễ ngoài lịch, như lễ bổn mạng, lễ kỷ niệm (nhiều ý), lễ phong chức, tựu chức; lễ khai mạc các công trình, lễ tạ ơn, lễ cầu bằng an… Đối với các lễ trọng cầu cho giáo dân thì có thể có liên hoan hoặc không, nhưng nhiều lễ ngoài lịch khác thường có liên hoan kèm theo, theo cách nói của bà con ta: “Có lễ là phải có lạc!”.
Việc tổ chức liên hoan sau lễ cũng hữu ích để tăng thêm niềm vui và có dịp tỏ tình đoàn kết. Nhưng chỉ nên tổ chức vừa phải, không nên lạm dụng gây mất thời gian và tốn kém cho cả bên tổ chức lẫn bên tham dự. Lại nữa, việc vui quá trớn, rồi “bia rượu vào lời ra”, dễ bị phát ngôn không chuẩn mực gây mất trật tự và phật lòng bà con, làm mất ý nghĩa của việc mừng lễ.
Mt Từ Linh
2023
NHỮNG ĐỨC TÍNH LÀM NGƯỜI
NHỮNG ĐỨC TÍNH LÀM NGƯỜI
![]()
Để làm tròn nhiệm vụ một thủ lãnh lúc đó, không phải dễ. Phải là người có uy, có dũng, có tài, có đức mới đủ sức lãnh đạo một dân nổi tiếng là “cứng đầu cứng cổ”. Phải làm sao vừa có khả năng giúp dân chống ngoại xâm, vừa có khả năng giúp họ luôn trung thành với giao ước, không chạy theo lối sống của các dân ngoại chung quanh. Một nhiệm vụ đầy khó khăn, thế nhưng Samuel đã làm tròn (x. 1 Sm 7,2-17). Đạo đức, can đảm, sáng suốt, thanh liêm, khiêm tốn, đó là những đức tính nổi bật nơi con người của Samuel. Chính nhờ đó, mà nền quân chủ của Ít-ra-en đã ra đời (x. 1 Sm 8,6-22). Tuy nhiên, sẽ không có được một Samuel như vậy nếu ngay từ tấm bé ông đã không biết chuyên cần rèn luyện bản thân. Sách Samuel đã làm nổi bật điểm đó một cách ý nhị khi đang kể về thời niên thiếu của Samuel, đã xen vào một đoạn nói đến đám con hư hỏng của cụ Hêli, để rồi trở lại kết luận: “Còn trẻ Samuel, cứ lớn lên và càng được đẹp lòng cả Giavê lẫn người ta” (x. 1 Sm 2,18-26).
Để sống cho ra sống, để trở thành một con người đầy khí phách và hiên ngang, trưởng thành về mọi mặt, Samuel và biết bao người đã nỗ lực. Và họ đã đạt tới được. Còn chúng ta đây, tại sao không?
I. HÃY SỐNG CHO RA NGƯỜI, NẾU BẠN MUỐN SỐNG CHO RA NGƯỜI KITÔ HỮU.
1. “Nhân bất nhân, nhân tai! Nhân tai”
Đã là người, ai cũng phải có nhân cách. Nhân cách không phải chỉ là thói ăn nết ở riêng của mỗi người, nhưng quan trọng hơn, còn là những phẩm chất và phong cách mà ai cũng phải có, để xứng đáng được gọi là người. Về điều này, cụ Phan Bội Châu đã để lại cho ta một câu đáng suy nghĩ: “Nhân bất nhân, nhân tai! Nhân tai!”, nghĩa là: “Làm người mà chẳng sống ra người, thế có phải là người được ư? Thế có phải là người được ư? Đã không ra người được, tức là cầm thú. Cái tội vô nhân cách chẳng đau đớn lắm hay sao?” (Khổng học đăng II, trang 525).
2. Học làm người:
Muốn sống cho ra người để “nhìn lên không hổ với trời, ngó xuống không thẹn với đất”, ta cần phải học làm người. Quả thực, khi sinh ra, tuy được gọi là người, nhưng ta chưa “thành nhân”. Để được gọi là “đạt nhân”, phải gồm vẹn toàn cả bốn mặt: trí thức, đạo đức, thể lực và tài nghệ. Chính vì vậy mới cần có giáo dục. Giáo là khai sáng, dạy bảo, dục là nuôi dưỡng. Một nền giáo dục đầy đủ phải gồm cả trí dục, đức dục, thể dục và huấn nghệ. Trong các mặt trên, đức dục thường bị coi nhẹ, thế nhưng nó lại là phần quan trọng, nếu không nói là nòng cốt để giúp ta nên người, bởi vì: “Giáo dục mà bỏ lãng đức dục, chỉ lo thi đua lấy bằng cấp, thì càng cất thêm nhiều trường học bao nhiêu sẽ càng phải xây thêm nhiều bót cảnh sát, toà án, trại giáo hoá, nhà tù và bệnh viện hơn bấy nhiêu” (Feurzinger).
Nếu việc trau dồi nhân cách, tập luyện các đức tính làm người, là điều thiết yếu đối với một con người bình thường, thì đối với Kitô hữu chúng ta, nó lại càng thiết yếu hơn. Công đồng Vaticanô II đã khẳng định: “Không có những đức tính ấy không thể có đời sống Kitô hữu đích thực” (TĐ4). Nếu không có đời sống Kitô hữu đích thực, chẳng những ta không ướp mặn được trần gian này, mà không khéo còn “gây thêm ô nhiễm môi sinh” vì trở thành những tấm men ôi, những ngọn đèn mờ! (x. Mt 5,13-16; 1Cr 10,31-33).
Vậy, để có thể vươn tới con người trưởng thành về mặt nhân bản, ta cần trau dồi những đức tính nào?
II. CÁC ĐỨC TÍNH NHÂN BẢN QUAN TRỌNG A. Đối với bản thân
1. CẦN: siêng năng làm việc và làm đến nơi đến chốn.
Siêng năng chính là chiếc chìa khoá đầu tiên mở ra cho ta cánh cửa tương lai. Có chăm chỉ học hành, cần mẫn làm việc, ta mới hoàn thiện được bản thân, đem lại cho mình và cho xã hội một cuộc sống xứng đáng là con người, đồng thời góp phần hoàn thành chương trình của Thiên Chúa trên đời ta và trên thế giới.
Muốn làm việc cho có kết quả, cần suy tính, cần chuẩn bị trước những gì cần. Khi đã bắt tay vào việc, cần tận tâm, tận lực, như thể “Chúa sinh ra tôi chỉ vì một việc tôi đang làm mà thôi. Làm hẳn hoi việc đó xong là đủ nên thánh!” (ĐGH Gioan 23, Nhật ký tâm hồn, số 140). Không bao giờ ỷ lại, làm biếng. Không để ngày mai việc gì có thể làm ngay hôm nay.
2. KIỆM: tiết độ, chừng mực (x. SGLC1809).
– Về tiền bạc: không bủn xỉn nhưng cũng không “vung tay quá trán”. Tập sống giản dị, không đua đòi chạy theo những nhu cầu giả tạo. Biết tiết kiệm và gìn giữ của công.
– Về sức khoẻ: ăn uống, nghỉ ngơi, giải trí điều độ. Tránh những chất kích thích. Năng tập thể dục để có “một đầu óc minh mẫn trong một thân thể cường tráng”.
– Về thời giờ: quý trọng thời giờ. Luôn đúng giờ, đúng hẹn, giờ nào việc nấy. Cần xây dựng cho mình một nếp sống có trật tự, theo một thời khoá biểu.
3. LIÊM: trong sạch, không tham lam.
Trong sạch về tiền bạc, không tham danh tham lợi, dù túng thiếu nghèo đói vẫn không gian tham. Đây là đức tính liên quan đến điều răn 7, 10 và tinh thần nghèo khó của Tin mừng.
4. CHÍNH: ngay thẳng, đứng đắn.
Tâm hồn ngay thẳng, trong sáng và đứng đắn. Đức tính này liên quan đến các điều răn 6,8,9.
Điều khó khăn nhất là sống ngay thẳng với chính mình. Muốn vậy, cần có can đảm đối diện với lương tâm của mình và tập nhận định sự việc, con người, dưới ánh sáng Tin mừng, theo cái nhìn của Đức Kitô.
Để giữ tâm hồn luôn trong sáng, nên tập sống dưới cái nhìn của Thiên Chúa, luôn nhớ đến phẩm giá cao quý của mình và làm mọi việc không vì tư lợi hay tiếng khen, nhưng vì vinh danh cho Thiên Chúa.
Về thể chất: quần áo, tóc tai luôn sạch sẽ, giản dị, gọn gàng. Chỗ ở, đồ dùng: sạch sẽ, thứ tự, ngăn nắp. Giữ vệ sinh nơi công cộng, đường phố.
5. DŨNG: dũng cảm, tự chủ, cương nghị, bền chí (SGLC 1808).
Đây là chiếc chìa khoá thứ hai giúp ta mở cánh cửa tương lai. Người có đức “dũng” là người có nghị lực, biết làm chủ chính mình trong mọi tình huống, luôn hành động theo lý trí, biết bền lòng theo đuổi mục tiêu đến cùng dẫu gặp gian nan thử thách. Muốn tập đức Dũng, cần rèn luyện ý chí. Việc gì đã cân nhắc đắn đo và quyết định, thì cương quyết làm đến cùng. Gặp khó khăn, thất bại không nản, chỉ coi là những dịp trui luyện thêm bản thân.
B. Đối với người
1. NHÂN: yêu thương hết mọi người.
Đức Nhân là “linh hồn” của mọi tương quan với người khác. Tập sống yêu thương bằng cách đối xử như người bạn tốt với mọi người quanh mình. Ta muốn người khác yêu thương và kính trọng ta thế nào, thì hãy yêu thương và kính trọng họ trước như vậy. Tuy nhiên, là người Kitô hữu, chúng ta còn phải tập yêu thương, như chính Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta (x. Ga 15,12-13).
2. NGHĨA: lòng biết ơn, gắn bó thuỷ chung.
Là người, ta cần biết đáp lại tấm lòng yêu thương của người khác đối với mình, những người ta có bổn phận phải đền ơn đáp nghĩa. Trước hết, là những người đã có công sinh thành ra ta, nuôi dưỡng và dạy dỗ ta, rồi đến những người bằng cách này hay cách khác đã làm ơn, giúp đỡ ta.
3. LỄ: lịch sự, lễ phép.
Lễ phép hay lịch sự, là những cách bày tỏ ý kính trọng đối với người quanh ta. Nó là những quy định giúp cuộc sống giữa mọi người với nhau được êm đẹp, thân ái. Nền tảng của phép lịch sự là sự công bằng, và đức bác ái. Coi thường phép lịch sự, một cách nào đó cũng là coi thường người khác, và coi thường cả chính mình.
4. TRÍ: khôn ngoan, sáng suốt (SGLC 1806).
Người có trí, là người biết:
– Thông minh khi XEM: chăm học hỏi, quan sát (hiếu học, cầu tiến), biết hệ thống hoá những gì đã học hỏi, quan sát (có trật tự).
– Sáng suốt khi XÉT: bình tâm, khách quan, thận trọng.
– Khôn ngoan khi LÀM: có óc tổ chức: tiên liệu, thực tế, làm việc có phương pháp. Có óc sáng kiến: biết cải tiến cách làm việc. Khi làm việc, gặp những việc khó khăn hoặc phức tạp, biết chia chúng ra nhiều phần nhỏ, đơn giản hơn để dễ giải quyết.
5. TÍN: giữ lời hứa, đáng tin cậy.
Uy tín là một bảo vật đắt giá, chỉ có thể mua sắm được bằng chính danh dự của mình. Uy tín là kết quả của sự thành thật, tận tâm, tinh thần trách nhiệm và lòng chung thuỷ. Để có được chữ Tín với mọi người:
– Đừng bao giờ bịa đặt, nói những điều sai sự thật.
– Không bao giờ hứa liều, hứa suông.
– Luôn cố gắng giữ lời hứa bằng mọi cách, dù có bị thiệt hại đến mấy cũng phải cố gắng giữ lời hứa (Tv 14.15,4).
III. KIÊN NHẪN TỪNG NGÀY
Ta không thể tập mọi đức tính trong một ngày, một tháng, hay một năm là xong. Nhưng phải chuyên cần tập luyện hằng ngày và tập dần dần từng đức tính một. Muốn thế, cần biết mình phải tập đức tính nào trước, đức tính nào sau, và phải tập như thế nào. Để làm điều đó, ta có thể dựa vào bảng liệt kê những tật xấu ta hay mắc phải, mà tập những đức tính ngược lại. Muốn thành công, ta cần nhớ ba điều sau:
1. Không tham lam ôm đồm, và cũng không nóng vội. Thánh Phanxicô Salê đã kiên trì suốt 20 năm trời, để tập tính hiền lành. Và ngài đã thành công.
2. Xét mình hằng ngày. Đặc biệt, trong các dịp tĩnh tâm hằng năm nên nhìn lại tổng quát. Cần có một quyển sổ để theo dõi. Có thể ghi nhật ký tâm hồn, như Đức Giáo Hoàng Gioan 23 đã làm.
3. Khiêm tốn, nhẫn nại, lạc quan và cậy trông vào Chúa. Đức Giêsu đã làm gương trước. Ba mươi năm sống trong gia đình Nadarét, Ngài cũng đã từng nỗ lực vươn lên hằng ngày như chúng ta để chúng ta có thể bắt chước được như Ngài.
Lời Chúa:
1. Chúa phán với Giôsuê rằng: “Mạnh mẽ lên, can đảm lên! Vì chính ngươi sẽ cho dân này chiếm đất ấy làm gia nghiệp, đất mà Ta đã thề với tổ tiên chúng là Ta sẽ ban cho. Tuy nhiên, ngươi phải mạnh mẽ và rất can đảm! Đừng run khiếp, đừng sợ hãi, vì Gia-vê Thiên Chúa của ngươi, sẽ ở với ngươi bất cứ nơi nào ngươi đi tới” (Gs 1,6.9b).
2. “Còn Đức Giêsu cứ tấn tới thêm về khôn ngoan, vóc dáng và ân sủng trước mặt Thiên Chúa và trước mặt người ta” (Lc 2,52).
Câu hỏi:
Hôm nay bạn quyết định cho mình điều gì? Bạn thực hiện điều đó ra sao?
|