Nhận ra thánh ý Chúa
21/10 Thứ Sáu trong tuần thứ Hai Mươi-Chín Mùa Quanh Năm
Ep 4:1-6; Tv 24:1-2,3-4,5-6; Lc 12:54-59
Nhận ra thánh ý Chúa
Cuộc sống đầy những chuyện chúng ta phải quyết định. Nhận ra Ý Chúa là điều không dễ, nhưng rất cần biết Ý Chúa để có thể làm đúng Tôn Ý Ngài. Chúa có buồn khi tôi bê trễ công việc? Chúng ta có những khái niệm về sự thật, nhưng làm sao chúng ta biết chắc rằng các ý tưởng đó xuất phát từ Thiên Chúa? Đôi khi rất khó phân biệt ý Chúa hay ý mình.
Cũng như người Do Thái thời Chúa Giêsu, nhiều người trong chúng ta cũng rất thích được chứng kiến các phép lạ. Mỗi khi nghe thấy ở đâu đó có hiện tượng lạ (Đức Mẹ hiện ra, Đức Mẹ làm phép lạ…) thì con người đua nhau kéo nhau đến để xem, cầu nguyện và xin ơn. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần có sự hiểu biết một cách đúng đắn. Thiên Chúa ban các phép lạ không phải để tạo sự chú ý, gây ảnh hưởng nhưng là để khơi lên niềm tin của con người vào Thiên Chúa và giúp con người biết được thánh ý của Ngài. Các bài đọc Lời Chúa hôm nay dạy chúng ta phải biết đọc ra ý nghĩa lịch sử và những biến cố xảy ra, để tìm ra đâu là ý muốn của Thiên Chúa trong các biến cố này.
Hôm nay, trong bài Tin Mừng Đức Giê-su cũng đã khen ngợi họ về sự lanh lợi, sự hiểu biết và mau lẹ ứng dụng kinh nghiệm sống của mình trong đời sống hàng ngày. Và Chúa Giêsu cũng mong muốn họ áp dụng, thích ứng những kinh nghiệm dân gian đó vào đời sống đức tin, đọc ra được những dấu chỉ của thời cuộc. Tuy nhiên, kinh nghiệm sống, giỏi thiên văn của người Do thái dường như đã và đang chôn vùi họ trong sự tự tôn, trong sự ích kỷ, trong sự thiển cận của mình. Đức Giê-su đã mời gọi họ đi xa hơn những kinh nghiệm thường ngày mà họ đang cảm nhận. Ngài gọi mời họ khám phá, đi ra khỏi sự hạn hẹp và dám tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Thế nhưng, mặc cho sự gọi mời, mặc cho chân lý vẫy gọi, người Do thái, những kinh sư, những luật sĩ, họ vẫn cứng lòng, chai dạ trước sự thật, trước đức tin.
Ngày nay, có lẽ nhiều người Ki-tô hữu chúng ta cũng đang mang tâm trạng, đi vào vết xe đổ của những người Do thái và luật sĩ xưa. Chúng ta đã lãnh nhận Bí tích Thanh Tẩy. Chúng ta là những người Ki-tô hữu chính danh. Chúng tin tin vào Chúa, chúng ta có Chúa ở trong mình. Thế nhưng chính đời sống của chúng ta lại không phản ánh, chiếu tỏa ánh sáng của Chúa cho anh chị em mình. Là người tin có Chúa, thế nhưng khi gặp những nghịch cảnh trong đời sống như ốm đau, thất bại… chúng ta dễ dàng tìm đến thầy bói toán. Là người mang trong mình dòng máu Ki-tô hữu, thế nhưng khi phải đối diện với thử thách, với chủ nghĩa trần tục, chúng ta dễ dàng chao đảo và buông xuôi…
Chúa Giêsu muốn các môn đệ và mỗi người chúng ta, trong khi dựa vào kinh nghiệm để nhận biết các hiện tượng và biến cố xảy ra trong tự nhiên thì đồng thời cũng cần biết đọc ra ý nghĩa sâu xa của các hiện tượng và biến cố đó, nhất là sự hiện diện của Thiên Chúa bởi vì khi anh em thấy những điều đó xảy ra, thì hãy biết là Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Từng phút giây của ngày sống, Chúa vẫn hiện diện với chúng ta. Ngài vẫn không ngừng chăm sóc và nuôi dưỡng chúng ta bằng Lời và bằng Bánh Hằng Sống. Bổn phận của chúng ta là phải biết tỉnh thức để nhận ra sự hiện diện của Ngài và nghe theo sự hướng dẫn của Ngài. Ngoài ra, chúng ta cũng cần biết rằng, Ngày Phán Xét là một chân lý, chứ không phải là sản phẩm của trí tưởng tượng ì Chúa Giêsu đã xác quyết với các môn đệ: “Thầy bảo thật anh em: thế hệ này sẽ chẳng qua đi, trước khi mọi điều ấy xảy ra. Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu.” (Lc 21, 32-33).
Phụng vụ Lời Chúa ngày hôm nay gọi mời chúng ta biết dùng những khôn ngoan, kinh nghiệm của thời cuộc để khám phá, đào sâu và đọc ra được những dấu chỉ của thời đại. Đứng trước trào lưu trần tục hóa, người Ki-tô hữu cảm nhận được tình yêu vĩnh cửu của Chúa dành cho trần gian. Đối diện với sự tha hóa về đạo đức, người Ki-tô xác tín rằng chỉ nơi Chúa sự thật, công lý mới trường tồn, hằng bất biến. Cuối cùng, người Ki-tô hữu luôn được gọi mời sống tâm tình tạ ơn, xác tín vào lòng Chúa xót thương. Dám tin và đọc ra những dấu chỉ, sự gọi mời mà Chúa đã và đang gửi đến cho nhân loại chúng ta. Có như thế, cuộc đời người Ki-tô hữu luôn là một bản trường ca vang xa, tán tụng hồng ân Chúa như lời thánh vịnh đã nói lên rằng: “Ví như Chúa chẳng xây nhà. Thợ nề vất vả cũng là uổng công”(Tv 126).
Thiên Chúa có quyền tuyệt đối trên các quyền lực thế gian. Ngài là Đấng cầm cân nẩy mực trên mọi quyền lực và mọi biến cố xảy ra trong vũ trụ, quá khứ, hiện tại, và tương lai. Vì vậy, con người cần vững tin nơi Thiên Chúa, nhất là những khi chịu thử thách và bị bách hại.
Thiên Chúa không muốn chúng ta thất bại. Chúng ta càng lắng nghe Chúa, chúng ta càng có thể phân biệt tiếng Chúa với tiếng của thế gian. Chúa Giêsu đã nói: “Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh” (Ga 10, 4). Ngài xác định: “Mọi kẻ đến trước tôi đều là trộm cướp; nhưng chiên đã không nghe họ” (Ga 10, 8). Chúng ta càng nhận biết Chúa Chiên Lành, chúng ta càng ít chú ý tiếng nói sai trái.