2020
Khoảng 200 linh mục Ý và Tây Ban Nha qua đời vì virus corona
Cho đến nay, có khoảng 200 linh mục Ý và Tây Ban Nha qua đời vì virus corona.
Trong số ra ngày 20/4/2020, báo Avvenire (Tương Lai) của Hội đồng Giám mục Ý cho biết tính đến Chúa nhật 19/4 vừa qua, có ít nhất 111 linh mục giáo phận tại Ý qua đời vì virus corona, không kể các linh mục dòng và các nữ tu. Số các linh mục vừa nói, có 7 vị qua đời trong Tuần thánh đến Chúa nhật thứ hai sau Phục sinh.
Phần lớn các linh mục qua đời là những vị trên 70 tuổi. Đặc biệt có linh mục Enrico Bernuzzi, 46 tuổi, thuộc giáo phận Tortona, đặc trách về mục vụ ơn gọi và chủng viện, qua đời hôm thứ Hai, 13/4 sau lễ Phục sinh. Đây là linh mục trẻ nhất qua đời vì virus corona tại Ý. Linh mục cao niên nhất qua đời tại nước này, là cha Luigi Angeloni, 96 tuổi, thuộc giáo phận Camarino, qua đời cùng ngày.
Tại Ý, cho đến nay cũng có 140 bác sĩ qua đời trong khi thi hành phận sự. Trên toàn quốc, tính đến ngày 20/4, có 24.114 người qua đời vì đại dịch, trên tổng số hơn 181.000 người bị lây nhiễm.
Tại Tây Ban Nha, trong cuộc họp báo, hôm thứ hai 20/4 vừa qua, Đức cha Tổng thư ký Hội đồng Giám mục Tây Ban Nha, Luis Argüello, cho biết có ít nhất 70 linh mục giáo phận qua đời vì virus corona trong khi thi hành phận sự, không kể các linh mục cao niên qua đời tại các nhà dưỡng lão và các linh mục thuộc các dòng tu.
Giáo phận tại Tây Ban nha có nhiều linh mục bị lây nhiễm virus nhất là tổng giáo phận thủ đô Madrid, với 100 vị, trong số này có 28 vị qua đời.
Vì thế, tổng số các linh mục qua đời vì đại dịch tại hai nước có thể lên tới ít là 200 vị. (Avvenire 20-4-2020, Vanguardia 21-4-2020) Trần Đức Anh, OP
2020
ĐTC Phanxicô: Tiền, tính hư danh và nói xấu làm chia rẽ cộng đoàn
Chúng ta không thể có được Chúa Thánh Thần theo ý chúng ta, chúng ta chỉ có thể để cho Thánh Thần biến đổi chúng ta. Sự ngoan ngùy của chúng ta mở ra cánh cửa cho Thánh Thần và chính Người biến đổi và tái sinh chúng ta. Chúa Thánh Thần là Vị Thầy của sự hài hòa. Tiền, tính hư danh và nói xấu làm chia rẽ cộng đoàn, phá hủy sự hài hòa trong các cộng đoàn.
Sáng thứ Ba, tại Nhà nguyện Thánh Marta, Đức Thánh Cha dâng thánh lễ với ý chỉ khác những ngày qua, nghĩa là Đức Thánh Cha không chỉ rõ cầu nguyện cho ai trong thời điểm đại dịch, nhưng xin mọi người cầu nguyện cho khả năng lắng nghe của mỗi người được phát triển trong bầu khí thinh lặng xung quanh, điều mà ai cũng cảm nhận được trong thời điểm đặc biệt này. Đức Thánh Cha nói: “Trong thời gian này, chúng ta cảm thấy môi trường xung quanh chúng ta thật sự thinh lặng. Đây là một chút mới mẻ trong những thói quen hằng ngày của chúng ta. Thinh lặng này dạy chúng ta lắng nghe và làm cho chúng ta phát triển khả năng lắng nghe. Chúng ta dâng Thánh lễ với ý chỉ cầu nguyện cho điều này”.
Trong bài giảng, Đức Thánh Cha tiếp tục nhấn mạnh vai trò của Chúa Thánh Thần trong đời sống Giáo hội cũng như trong các cộng đoàn: Giáo xứ, hội đoàn, dòng tu, gia đình. Đức Thánh Cha nói: “Chúng ta không thể có được Chúa Thánh Thần theo ý chúng ta, chúng ta chỉ có thể để cho Thánh Thần biến đổi chúng ta. Sự ngoan ngùy của chúng ta mở ra cánh cửa cho Thánh Thần và chính Người biến đổi và tái sinh chúng ta. Chúa Thánh Thần là Vị Thầy của sự hài hòa, Đấng có khả năng và phải làm điều này trong tâm hồn người tín hữu. Chúa Thánh Thần phải thay đổi nhiều điều trong chúng ta, làm cho chúng trở nên hài hòa bởi vì Thánh Thần là sự hòa hợp”.
Đức Thánh Cha cảnh báo nguy cơ sự hài hòa này có thể bị phá hủy trong các cộng đoàn vì những điều chủ yếu sau:
Thứ nhất là tiền bạc: “Lòng quyến luyến với tiền bạc gây chia rẽ cộng đoàn, chia rẽ Giáo hội. Thánh Giacôbê đưa ra một thực tế trong một cuộc hội họp của công đoàn: Người giàu bước vào, tay đeo nhẫn vàng, áo quần lộng lẫy, được kính cẩn mời ngồi chỗ danh dự. Cùng lúc đó một người nghèo khó, ăn mặc tồi tàn bước vào, thì lại nghe nói “Đứng đó !” hoặc: “Ngồi dưới bệ chân tôi đây!” (Gc 2). Vì điều này tinh thần nghèo khó là mẹ của cộng đoàn. Nghèo khó là bức tường gìn giữ cộng đoàn, trong khi đó vì lợi ích cá nhân tiền gây chia rẽ. Trong các gia đình cũng vậy, nhiều gia đình vì gia tài đã dẫn đến kết cục là sự chia rẽ”.
Điều thứ hai gây chia rẽ cộng đoàn đó là tính hư danh, phù phiếm: “Đó là việc muốn cảm thấy mình hơn người khác. Tính hư danh thể hiện trong việc làm cho mọi người chú ý đến mình, trong những thói quen hàng ngày, trong trang phục, trong các cử hành Bí tích. Tính hư danh gây chia rẽ bởi vì nó làm cho anh chị em trở thành những con công”.
Điều cuối cùng gây chia rẽ cộng đoàn đó là nói xấu nhau: “Đây không phải là lần đầu tiên tôi nói đến điều này, nhưng đây là thực tế. Ma quỷ làm cho chúng ta cảm thấy nhu cầu nói xấu người khác. Đó là một hòn đá để loại trừ người khác”.
Đức Thánh Cha kết thúc bài giảng với lời mời gọi: “Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho mình có được sự ngoan ngùy đối với Thánh Thần để Ngài biến đổi chúng ta và biến đổi cộng đoàn chúng ta, để chúng ta luôn tiến bước trong sự hài hòa mà Chúa Giêsu muốn cho cộng đoàn Kitô hữu”.
Ngọc Yến
2020
Các cuộc hành hương đền thánh Đức Mẹ Xà Sơn ở Thượng Hải bị hủy
Đền thánh Xà Sơn là đền thánh Đức Mẹ quốc gia của Trung Quốc và được dâng kính Đức Mẹ phù hộ các Kitô hữu. Vào dịp lễ Đức Mẹ Xà Sơn, ngày 24/05, hàng trăm ngàn tín hữu Công giáo từ nhiều tỉnh của Trung Quốc và cả ở hải ngoại hành hương đến đền thánh kính viếng Đức Mẹ.
Thông cáo của giáo phận Thượng Hải viết: “Để hợp tác với chính quyền địa phương trong việc ngăn chặn đại dịch, cần tránh những cuộc hội họp đông người có thể khiến cho virus lây lan trở lại, đặc biệt là các trường hợp đến từ nước ngoài. Để đảm bảo sức khỏe và sự an toàn của các tín hữu, sau những cuộc họp nhiều giờ, giáo phận đã quyết định đình chỉ các cuộc hành hương sẽ diễn ra vào tháng 5”.
Giáo phận cũng nói rõ: không chỉ các cuộc hành hương và hoạt động tôn giáo đông người bị hủy, mà cả các nhóm hành hương cũng như các cá nhân cũng không được thực hiện.
Một tín hữu ở Thượng Hải nói với hãng tin Á châu: “Đây là lần đầu tiên đền thánh phải đóng cửa vì những lý do chính đáng. Còn những năm khác có những lần đóng cửa và giới hạn vì lý do chính trị.”
Ngày Thế giới cầu nguyện cho Giáo hội Trung Quốc
Trong thư gửi các tín hữu Trung Quốc vào năm 2007, Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức đã thiết lập ngày 24/05 là Ngày Thế giới cầu nguyện cho Giáo hội Trung Quốc để xin Đức Mẹ Xà Sơn ban sức mạnh cho các tín hữu trong các cuộc bách hại, ban sự hiệp nhất cho các cộng đoàn Công giáo, ban sự dấn thân vì thiện ích của xã hội Trung Quốc.
Từ năm 2008 trở đi, Văn phòng tôn giáo vụ của Thượng Hải và Hội Công giáo yêu nước đã gây nhiều trở ngại cho các cuộc hành hương của các tín hữu đến đền thánh Xà Sơn, nơi các tín hữu Công giáo “hầm trú” cũng như chính thức đến hành hương trong sự hiệp nhất của đức tin và lòng sùng kính Đức Mẹ
2020
Linh mục Canada tình nguyện ở tù để tiếp tục chăm sóc mục vụ cho tù nhân
Khi hệ thống nhà tù liên bang của Canada cấm các cuộc viếng thăm để ngăn ngừa việc lây nhiễm virus corona, một linh mục Canada đã tình nguyện vào tù ở để tiếp tục chăm sóc mục vụ cho các tù nhân, chứ không để họ đơn độc, không được chăm sóc về phần thiêng liêng.
Đức cha Gary Gordon của Victoria, bang Bristish Columbia chia sẻ: “Linh mục đó đến nhà tù và ở lại đó suốt 24/7. Khi một giám mục nghe điều đó từ một linh mục, thì sẽ nói ngay: ‘ok, đây mới là đúng ý nghĩa của ơn gọi này. Đây là ơn gọi – hãy hết mình vì nó’. Nó thật sự rất đẹp.”
Khi việc lây nhiễm Covid-19 bắt đầu xuất hiện trong các nhà tù, việc chăm sóc thiêng liêng cho các tù nhân đã bị giảm bớt trong bối cảnh những lo lắng ngày càng tăng về những nguy hiểm mà các tù nhân và nhân viên nhà tù phải đối mặt.
Đức cha Gordon, đại diện Hội đồng Giám mục Công giáo Canada về mục vụ nhà tù, cho biết linh mục tình nguyện ở tù với các tù nhân là người từ lâu đã hết sức dấn thân sâu trong hoạt động mục vụ nhà tù. Vì lý do riêng tư, tên hoặc địa điểm của linh mục sẽ không được tiết lộ.
Là người liên lạc chính thức của Hội đồng giám mục Canada với cơ quan của chính phủ liên bang Canada chịu trách nhiệm về các nhà tù và phục hồi các tù nhân, Đức cha Gordon hy vọng thuyết phục các viên chức liên bang không cấm hoàn toàn các cuộc thăm viếng của các tuyên úy nhà tù. Đức cha Gordon nói: “Nếu ai đó bệnh nặng thì linh mục nên được cho phép đến xức dầu và ban ‘của ăn đàng’ cho họ.”
Tình hình ở các nhà tù có thể rất nguy hiểm và sự lây nhiễm ở những nơi này cũng giống như tại các nhà hưu dưỡng hay trên các con tàu du lịch. Nếu một người bị nhiễm thì nhiều người sẽ bị lây nhiễm. Ngay cả khi nhiều nhà tù trả tự do sớm cho các tù nhân sắp mãn hạn tù để giảm số lượng tù nhân, thì nhiều người còn ở trong tù và cần được an ủi bởi những người thi hành sứ vụ mục vụ.
Hồng Thủy – Vatican