2020
Covid-19: Cần lắm thay một sự liên đới!
Covid-19 quả là nguy hiểm và thật đáng sợ! Nó khiến bao người lo lắng và bất an. Người ta có thể nhìn dịch bệnh lần này dưới nhiều góc cạnh khác nhau, thậm chí có người còn thắc mắc xem liệu đó có phải là án phạt mà Thiên Chúa dành cho con người hay không. Nhờ ánh sáng của Chúa Phục Sinh, tôi thấy rõ hơn tầm quan trọng của tình liên đới trong cơn dịch bệnh; nhất là trong một xã hội mà người ta đang bị cám dỗ chạy theo xu hướng phớt lờ người khác.
Tình liên đới với anh chị em
Dịch bệnh Covid-19 khiến tôi cũng như bao người phải hạn chế gặp nhau trong thời gian này. Tôi phải học Online, sống ở nhà, không được đến những nơi mà mình mong muốn, không được gặp gỡ những người mình yêu quý. Do vậy, cảm giác nhớ nhau và muốn được gặp gỡ bạn bè, người thân của mình là có thật. Gặp gỡ nhau, cùng nhau đi chơi, đi ăn, trò chuyện… là những kinh nghiệm đáng trân quý và cũng là những kỷ niệm đáng ghi nhớ của mỗi người. Vậy mà, giờ đây ta phải sống trong cảnh “cách ly”. Tuy vậy, “cách ly” lại là việc làm thể hiện tình liên đới với anh chị em trong giai đoạn khó khăn này. Bởi lẽ, cách ly không chỉ để bảo vệ chính mình khỏi bị lây bệnh, nhưng còn để tránh nguy cơ lây lan cho cộng đồng nữa. Nếu tôi sống ích kỷ, thích tự do làm những điều mình thích và không nghĩ tới người khác, thì có khi tôi lại mang đến những nguy hại cho chính người thân của tôi. Cần lắm thay một sự liên đới, một thái độ biết nghĩ cho anh chị em đồng loại và cho cộng đồng!
Nếu không thể trực tiếp gặp gỡ, người ta vẫn có thể liên đới bằng nhiều hình thức khác nhau. Qua mạng xã hội, qua điện thoại…ta có thể thăm hỏi, động viên và chia sẻ thông tin cuộc sống cho nhau. Hơn hết, trong nhãn quan Đức Tin, và trong sự liên đới thiêng liêng, ta cầu nguyện cho chính mình và cho anh chị em đồng loại. Hóa ra, liên đới giữa con người với nhau thực sự rất quan trọng và nó luôn tồn tại trong cuộc sống thường ngày. Tình cảm luôn được hiện hữu trong cuộc sống. Nó làm con người nối kết với nhau nhiều hơn; nhất là trong hoàn cảnh khó khăn của Covid-19 hiện nay.
Tình liên đới với toàn xã hội
Dịch bệnh Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp và không loại trừ bất cứ quốc gia nào. Từ châu Á tới châu Âu, từ Châu Phi tới Nam Mỹ…, đâu đâu người ta cũng thấy Covid-19 xuất hiện. Thực tại này khiến nhiều quốc gia phải đóng cửa biên giới trong sự thông cảm của các nước khác. Người ta chứng kiến nhiều nghĩa cử cao đẹp giữa các quốc gia với nhau: tặng khẩu trang, tài trợ dụng cụ y khoa, gửi các chuyên gia y tế tới trợ giúp…Tất cả đều muốn chung tay vượt qua dịch bệnh Covid-19. Đúng là một sự liên đới mang tính toàn xã hội!
Cũng trong lúc khó khăn, người ta cần đến những cách đối xử khoan nhượng và nhân ái. Các lệnh trừng phạt cần được nới lỏng, những hận thù và rào cản cần được xóa bỏ, các khoản nợ mong được giảm bớt… Trong thông điệp Phục Sinh Urbi et Orbi 2020, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tha thiết: “Cầu xin đây là thời điểm cuối cùng kết thúc cuộc chiến kéo dài gây đổ máu kinh hoàng tại Syria, cuộc xung đột ở Yemen và sự thù địch ở Iraq và ở Li Băng. Cầu xin cho đây là lúc người Israel và Palestine tiếp tục đối thoại để tìm ra những giải pháp ổn định và lâu dài cho phép cả hai được sống trong hòa bình.” Cần lắm thay một sự liên đới!
Chúa là nguồn mạch liên đới
Nhờ ánh sáng của Chúa Phục Sinh, tôi nghiệm thấy rằng dù trong hoàn cảnh nào, Chúa vẫn luôn đồng hành và bảo vệ tôi, chứ Ngài không bỏ mặc tôi. Trong cơn đại dịch, tôi cảm thấy những mất mát, những hụt hẫng không hề nhỏ; nhưng tôi cũng có cơ hội nhìn lại những mối tương quan của mình. Mỗi hành động tôi làm đều mang một ý nghĩa nhất định, và tôi phải làm những điều mà tôi đã lãng quên trong tình liên đới với anh em, với Thiên Chúa.
Dù những thông tin về dịch bệnh có phức tạp, nhưng tôi tin rằng, nhờ việc cầu nguyện và phó thác nơi Chúa, con người sẽ vượt qua cơn đại dịch này. Có Chúa đồng hành, tình liên đới giữa con người ngày càng được mật thiết hơn.
Lạy Chúa, trong cơn đại dịch lần này, mỗi người chúng con ý thức được tầm quan trọng của Chúa trong cuộc sống của chúng con. Chúng con nhận ra rằng, thời gian qua chúng con đã lãng quên quá nhiều thứ. Chúng con đã lãng quên anh chị em mình và lãng quên Chúa, để chạy theo những thú vui của cuộc sống. Tình liên đới của chúng con với tha nhân cũng giảm dần. Nguyện cầu Chúa Giêsu Ki-tô Phục Sinh tha thứ và giúp mỗi người chúng con nhận ra đâu là điều đúng, điều sai; giúp chúng con sửa đổi chính bản thân mình để chúng con sống tốt hơn mỗi ngày. Amen. Maria Thảo Trần
2020
ĐTC Phanxicô: Tìm lại ý nghĩa thánh thiêng của việc chăm sóc Trái Đất
Đức Thánh Cha kêu gọi bảo vệ chăm sóc ngôi nhà chung của nhân loại; loại bỏ các hành động hủy hoại bóc lột Trái Đất. Như một gia đình duy nhất trên Trái Đất, Đức Thánh Cha cũng mời gọi quan tâm đến những người yếu đuối nghèo khổ nhất, và cộng tác với nhau trong việc bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta. Kính mời quý vị nghe bài giáo lý của Đức Thánh Cha.
Ngày 22/04 năm nay kỷ niệm lần thứ 50 Ngày Thế giới về Trái đất được thành lập. Ngày này được phong trào môi trường Mạng lưới Ngày Trái đất thành lập lần đầu vào năm 1970, nhằm cổ vũ sự dân chủ trong vấn đề về môi trường. Do đó, trong buổi tiếp kiến chung trực tuyến từ Dinh Tông Tòa vào sáng thứ Tư 22/04, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dành bài giáo lý để nói về đề tài này.
Bài giáo lý của Đức Thánh Cha
Hôm nay chúng ta cử hành lần thứ 50 Ngày Thế giới về Trái đất. Đây là cơ hội để canh tân sự dấn thân của chúng ta trong việc yêu quý ngôi nhà chung của chúng ta và chăm sóc nó và các thành viên yếu đuối nhất của gia đình chúng ta. Như đại dịch bi thảm virus corona cho chúng ta thấy, chỉ khi cùng nhau chăm sóc những người mỏng manh yếu đuối nhất chúng ta mới có thể chiến thắng các thách đố toàn cầu. Phụ đề của Thông điệp Laudato si’ là “về việc chăm sóc ngôi nhà chung”. Hôm nay chúng ta cùng nhau suy tư về trách nhiệm này, nét đặc trưng của hành trình của chúng ta trên trái đất” (LS, 160). Chúng ta phải gia tăng ý thức về việc chăm sóc ngôi nhà chung.
Chăm sóc Trái Đất và các thụ tạo như Thiên Chúa đã làm
Chúng ta được tạo thành từ chất liệu của trái đất này, và các hoa quả của trái đất hỗ trợ cuộc sống của chúng ta. Nhưng, như sách Sáng Thế nhắc chúng ta, chúng ta không đơn thuần thuộc trái đất này: chúng ta cũng mang trong mình hơi thở sự sống đến từ Thiên Chúa (x. St 2,4-7). Vì thế chúng ta sống trong ngôi nhà chung như một gia đình nhân loại duy nhất và trong sự khác biệt sinh học với các thụ tạo khác của Thiên Chúa. Như là hình ảnh của Thiên Chúa, chúng ta được mời gọi chăm sóc và tôn trọng tất cả thụ tạo và nuôi dưỡng tình yêu và lòng cảm thông đối với các anh chị em của chúng ta, đặc biệt là với những người yếu đuối nhất, noi theo tình yêu thương Thiên Chúa dành cho chúng ta, tình yêu được biểu hiện nơi Chúa Giêsu Con của Người, Đấng đã nhập thể làm người để chia sẻ thân phận của chúng ta và để cứu độ chúng ta.
Chúng ta sẽ không có tương lai nếu chúng ta hủy diệt môi trường
Do tính ích kỷ cá nhân, chúng ta trở nên kém trách nhiệm trong việc chăm sóc và cai quản trái đất. “Chỉ cần chân thành nhìn thực tại để thấy có một sự suy thoái trầm trọng trong ngôi nhà chung của chúng ta” (LS, 61). Chúng ta đã làm nó bị ô nhiễm và cướp phá nó, gây nguy hiểm cho cuộc sống của chính chúng ta. Vì thế, các phong trào quốc tế và địa phương đã được thành lập để đánh thức lương tâm. Tôi chân thành đánh giá cao những sáng kiến này, và vẫn cần con cái chúng ta xuống đường để dạy chúng ta điều hiển nhiên, đó là, chúng ta sẽ không có tương lai nếu chúng ta hủy diệt môi trường hỗ trợ chúng ta.
Trái Đất không tha thứ: nếu chúng ta đã hủy hoại Trái Đất thì hậu quả sẽ rất tồi tệ
Chúng ta đã thất bại trong việc bảo vệ trái đất, ngôi nhà-ngôi vườn của chúng ta, trong việc bảo vệ anh em của chúng ta. Chúng ta đã phạm tội chống lại trái đất, chống lại người lân cận và cuối cùng, chống lại Đấng Tạo Hóa, người Cha tốt lành ban phát cho mọi người và muốn chúng ta sống với nhau trong sự hiệp thông và thịnh vượng. Trái Đất đã phản ứng thế nào? Có câu nói tiếng Tây Ban Nha rất rõ về vấn đề này. Đó là: “Thiên Chúa luôn tha thứ; con người chúng ta cũng đôi khi tha thứ đôi khi không; Trái đất thì không bao giờ tha thứ.” Trái Đất không tha thứ: nếu chúng ta đã hủy hoại Trái Đất thì hậu quả sẽ rất tồi tệ.
Tương quan hài hòa với Trái Đất
Làm thế nào chúng ta có thể khôi phục một mối tương quan hài hòa với trái đất và với phần còn lại của nhân loại? Một tương quan hài hòa… Nhiều lần chúng ta đã đánh mất cái nhìn hài hòa, điều Chúa Thánh Thần tạo nên. Ngay cả trong ngôi nhà chung, trên Trái Đất, ngay cả trong các mối liên hệ của chúng ta với con người, với người lân cận, với người nghèo nhất, với Trái Đất… Làm thế nào để chúng ta có thể khôi phục sự hài hòa này? Chúng ta cần có một cách nhìn mới về ngôi nhà chung của chúng ta. Chúng ta phải hiểu rằng Trái Đất không phải là một kho tài nguyên để khai thác bóc lột. Đối với chúng ta những người có đức tin, thế giới tự nhiên là “Tin mừng về sự Sáng tạo”, thể hiện sức mạnh sáng tạo của Thiên Chúa trong việc tạo hình cuộc sống con người và làm cho thế giới tồn tại cùng với những gì chứa đựng trong nó để hỗ trợ nhân loại. Trình thuật Kinh thánh về sự sáng tạo kết thúc như thế này: “Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp.” (St 1,31). Khi chúng ta nhìn thấy những thảm kịch tự nhiên, những phản ứng của Trái Đất trước sự ngược đãi của chúng ta, tôi nghĩ: “Nếu bây giờ tôi hỏi Chúa xem Người nghĩ gì về nó, tôi không nghĩ Người nói với tôi rằng đó là một điều rất tốt.” Chính chúng ta đã hủy hoại công trình của Chúa.
Hôm nay, khi kỷ niệm Ngày Thế giới về Trái đất chúng ta được kêu gọi tái khám phá ý nghĩa của sự tôn trọng thánh thiêng đối với trái đất, bởi vì đó không chỉ là nhà của chúng ta, mà còn là nhà của Thiên Chúa. Từ đó, trong lòng chúng ta phát sinh nhận thức về việc ở trên một trái đất thánh thiêng!
Sống hài hòa với Trái Đất
Anh chị em thân mến, “chúng ta hãy đánh thức ý thức thẩm mỹ và chiêm niệm mà Thiên Chúa đã đặt nơi chúng ta” (Tông huấn Querida Amazonia, 56). Lời ngôn sứ về sự chiêm niệm là điều chúng ta học được đặc biệt từ các dân tộc nguyên thủy, những người dạy chúng ta rằng chúng ta không thể chăm sóc trái đất nếu chúng ta không yêu thương và không tôn trọng nó. Họ có sự khôn ngoan “để sống tốt”, nghĩa là sống hài hòa với Trái Đất. Họ gọi sự hài hòa này là “sống tốt”.
Hoán cải sinh thái
Đồng thời, chúng ta cần một sự hoán cải sinh thái được thể hiện bằng các hành động cụ thể. Là một gia đình duy nhất và phụ thuộc lẫn nhau, chúng ta cần một kế hoạch chung để tránh các mối đe dọa đối với ngôi nhà chung của chúng ta. “Sự phụ thuộc lẫn nhau bắt buộc chúng ta phải nghĩ về một thế giới duy nhất, về một dự án chung” (LS, 164). Chúng ta nhận thức được tầm quan trọng của việc cộng tác như một cộng đồng quốc tế để bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta. Tôi kêu gọi những người có thẩm quyền hướng dẫn tiến trình chuẩn bị cho hai hội nghị quốc tế quan trọng: COP15 về sự Đa dạng sinh học ở Côn Minh (Trung Quốc) và COP26 về Biến đổi khí hậu ở Glasgow (Vương quốc Anh).
Các hoạt động được phối hợp ở cấp quốc gia và địa phương
Tôi muốn khuyến khích tổ chức các hoạt động được phối hợp ở cấp quốc gia và địa phương. Thật tốt khi gặp gỡ nhau từ tất cả các hoàn cảnh xã hội và thành lập một phong trào bình dân “đi từ hạ tầng lên”. Ngày Thế giới về Trái đất mà chúng ta kỷ niệm ngày hôm nay, được nảy sinh như thế. Mỗi người trong chúng ta có thể đóng góp phần nhỏ bé của chính mình: “Chúng ta không được nghĩ rằng những nỗ lực này sẽ không thay đổi thế giới. Những hành động như vậy lan truyền một điều tốt đẹp trong xã hội, là điều luôn sinh ra những kết quả vượt quá những gì chúng ta có thể xác định được, bởi vì nó tạo ra trong lòng đất này một điều thiện luôn có xu hướng lan rộng, đôi khi vô hình” (LS, 212).
Trong mùa Phục Sinh đổi mới này, chúng ta hãy dấn thân yêu thương và trân trọng món quà tuyệt vời của Trái Đất, ngôi nhà chung của chúng ta và chăm sóc tất cả các thành viên trong gia đình nhân loại. Là anh chị em, chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện với Cha trên trời của mình: “Xin ban Thần khí của Cha và canh tân mặt trái đất” (x. Tv 104,30).
Nguồn: vaticannews.va/vi Hồng Thủy – Vatican
2020
Dịch corona và Kỳ nghỉ Sa-bát của Mẹ Thiên Nhiên
2020
Cách ly: 85% phụ huynh Pháp cho biết đã trải qua thời gian tốt trong gia đình
Một nghiên cứu gần đây về cuộc sống của người Pháp trong tình trạng cách ly, dù căng thẳng và tâm trạng ảm đạm, có một khía cạnh tích cực: chất lượng thời gian dành cho gia đình.
Thời gian tốt đẹp với gia đình
Đây là kết quả được ghi nhận với 85% phụ huynh được phỏng vấn trong khuôn khổ cuộc khảo sát do Viện Odoxa-CGI thực hiện cho báo France Info và France Bleu, được công bố vào ngày 7 tháng Tư vừa qua. Mặc dù có mối lo ngại liên quan đến đại dịch và hậu quả tài chính của việc bị cách ly, hay những khó khăn khi phải làm việc từ xa, bao quanh bởi trẻ em và trường học ở nhà, đại đa số phụ huynh tuyên bố rằng việc cách ly có thể giúp họ có “thời gian tốt cùng gia đình”.
Chưa bao giờ người Pháp dành nhiều thời gian cho gia đình đến thế! Trên thực tế, kể từ khi bắt đầu cách ly, đại đa số các gia đình đã được đoàn tụ dưới cùng một mái nhà suốt cả ngày lẫn đêm. Chỉ 29% dân số làm việc vẫn đến nơi làm việc hàng ngày. Mặc dù có những khó khăn, căng thẳng do quá đông đúc và nhiều nguồn lo lắng khác nhau, “85% người Pháp đang nuôi con cái, trải qua thời gian tốt trong gia đình”, nghiên cứu nhấn mạnh.
Đó là con số khích lệ cho bạn: cách ly không chỉ là sống trong lo lắng và u ám nhưng là thời gian dành cho gia đình, cho thể thao, trò chơi, thảo luận và đi bộ, ngay cả khi những điều này bị hạn chế. Tuy nhiên, 32% nói rằng họ thấy con cái lo lắng, đặc biệt là khi họ sống trong diện tích nhỏ hoặc ở vùng ngoại ô khó khăn. Về giáo dục từ xa, 68% phụ huynh thấy rằng công việc học hành có chất lượng tốt, nhưng phần khác (53%) nhận thấy sự thiếu tập trung của trẻ em.
Nghiên cứu không nghiêng về 15% những người mà cuộc sống gia đình đã trở thành địa ngục. Nhiều dịch vụ lắng nghe đã được tạo ra để giúp họ. Hội đồng Giám mục Pháp đã thiết lập một số điện thoại miễn phí để lắng nghe những lo lắng của người Công giáo bị cách ly 0806 700 772. Một nhà phân tâm học ở Lyon cũng tạo ra nền tảng ứng dụng “Je craque” cung cấp hỗ trợ miễn phí và ẩn danh dành riêng cho các bậc phụ huynh quá căng thẳng và mệt mỏi.
Mathilde de Robien
Đình Chẩn dịch từ fr.aleteia.org