2020
Thánh Lễ trực tuyến và những con số …
THÁNH LỄ TRỰC TUYẾN VÀ NHỮNG CON SỐ …
Đồng hồ điểm 8 giờ sáng Thứ Sáu, ngày 24 tháng 4 năm 2020
Hai Lúa tui làm cuộc khảo sát nho nhỏ về Thánh lễ trực tuyến tại một số Giáo Phận.
Ta xét ở khía cạnh trực tuyến. Thánh Lễ dâng có ý nghĩa khi cộng đoàn tham dự trực tuyến chứ không phải đợi lúc rảnh mở xem. Thánh lễ không phải là video clip hay vở diễn.
Sáng nay Cần Thơ cũng như Long Xuyên tìm cung không thấy. Một số Giáo Phận khác thì Lễ dâng buổi chiều hay tối một chút. Còn lại một số Giáo Phận có phát trực tuyến được ghi nhận rất thực tế trên màn hình do youtube cung cấp chứ không hề chỉnh sửa.
Kontum : 212 người xem
Huế : 445
Hà Nội : 443Than
Phú Cường : 1537
Xuân Lộc : 889
Mỹ Tho : 252
Sài Gòn : 3960
Vĩnh Long : 236
Tổng cộng xem trực tuyến và sau 2 tiếng đồng hồ (đang viết bài ) là :7974 người tham dự.
Có lẽ cũng chẳng rảnh rỗi để làm chuyện mà nhiều người cho là rùi bu kiến đậu này. Chắc chắn là Hai Lúa tui không thuộc dạng rảnh rỗi sinh nông nổi như người ta dành cho những ai nào đó rảnh. Thế nhưng rồi vẫn còn đó những thao thức, những trăn trở trong cuộc sống về Thánh Lễ.
Sau khi lệnh ngăn không đến dự Thánh Lễ tập trung nữa thì ta thấy bao nhiêu và bao nhiêu tâm tình gọi là nuối tiếc. Kế đến đó là Giáo Phận, Giáo Xứ bắt đầu lên “lập trình” cho Thánh Lễ trực tuyến. Cũng may mà có những chỉ thị của các Giáo Phận là chỉ có nơi nào được phép trực tuyến thì trực tuyến, còn lại thì không chứ không thì có thể nói như là “chợ Thánh lễ”.
Điều mà Hai Lúa tui đây trăn trở từ lâu lâu lắm rồi và đến giờ này cũng còn trăn trở.
Ở cái xóm đạo mà ngày đầu đời linh mục được gửi đến xem ra rất xôm tụ. Họ được rửa tội và con số báo cáo là 650 tín hữu. Gần khu đó chắc chắn là không có Thánh Đường để dự lễ gọi là thay nhà thờ đó. Con số dự Lễ Chúa Nhật mà vị hữu trách chia sẻ là cả sáng và chiều tổng số chưa được 150 ??? Vậy thì 500 tín hữu kia dự Lễ ở nơi nào.
Và, nhiều giáo xứ khác cũng vậy. Giáo dân được tính sổ rất đông nhưng đến dự Lễ xem ra con số rất khiêm tốn.
Đứng trước tình hình đại dịch và đời sống đức tin của người Kitô hữu, phải chăng là trăn trở của các vị chủ chăn. Rồi đây ở một tương lai gần hay xa không biết, để kéo dân đến Nhà Thờ để dự lễ tập trung không phải là chuyện đơn giản. Đơn giản là họ vịn cớ cho chuyện này chuyện kia để coi như chuyện đến Nhà Thờ là chuyện thêm thắt.
Như thống kê trên, sau 2 tiếng đồ hồ tạm gọi là hết Lễ trực tuyến nhưng tổng số người tham dự là bao nhiêu. Đành rằng ai cũng có công có việc nhưng rồi tổng số người dự phải chăng là con số đau lòng và nhức nhối. Dĩ nhiên có người nói là ngày thường nhưng xem ra cũng cần xem lại vì nếu gọi là bận rộn thì ai ai cũng bận. Dự Lễ online người ta không mất thời gian di chuyển, chỉ mở máy lên là có thể tham dự nhưng xem ra con số báo cáo cũng đáng suy nghĩ.
Hai Lúa tui đây hoàn toàn không có ý định soi mói, xét nét nhưng bỏ chút thời gian ra để làm cuôc khảo sát. Qua cuộc khảo sát, ta lại được suy nghĩ về đời sống đức tin.
Mãi mãi Thánh Lễ vẫn là đỉnh cao của Phụng Vụ, của đời sống Kitô hữu thế nhưng rồi cảm thấy có điều gì đó ngại ngại và lo lắng. Thực tế cho thấy nếu như có sự kiện nào đó giật gân thì có lẽ vài ngàn, vài chục ngàn theo dõi ngay. Tiếc thay tiệc Lời Chúa và Thánh Thể thì lèo tèo con số thật khiêm tốn.
Ta đang sống trong thời dịch bệnh nên cần và cần lắm lời cầu nguyện, hiệp thông cùng nhau nghe Lời Chúa, sống Lời Chúa và ít là kết hiệp với Chúa cách thiêng liêng khi dự Lễ trực tuyến. Phải cầu nguyện hơn nữa bởi cuộc sống của ta đang vây bủa bởi biết bao nhiêu khó khăn.
Lại thêm lời nguyện cầu bởi cuộc đời này vẫn còn nhiều trăn trở, nhất là chuyện trở trăn về việc tham dự Thánh Lễ của người tín hữu.
2020
Cử chỉ tuyệt vời của ĐTC trong ngày lễ bổn mạng
Trong khi nhiều lời chúc mừng trên khắp thế giới được gửi đến Đức Thánh Cha Phanxicô nhân ngày lễ thánh Giorgio tử đạo, bổn mạng của ngài, thì trong dịp này, Đức Thánh Cha tặng các máy trợ thở cho Romania, Tây Ban Nha và Ý, các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi virus corona.
Thánh Giorgio tử đạo năm 303 vì không chịu chối bỏ đức tin trong thời kỳ bách hại Kitô giáo theo lệnh của hoàng đế Diocleziano của đế quốc Roma. Truyền thống nhắc đến thánh Giorgio trong giai thoại kể rằng ngài được Thánh giá bảo vệ, nên đã giết chết con rồng ăn thịt người: đây là biểu tượng của đức tin chiến thắng sự dữ.
Món quà tặng ngày sinh nhật
Trong ngày mừng thánh bổn mạng, Đức Thánh Cha đã trao tặng các máy trợ thở và các vật dụng y tế như khẩu trang, mắt kiếng bảo hộ, các bộ áo quần bảo hộ cho các y bác sĩ làm việc trong phòng chăm sóc đặc biệt. Các máy thở được Đức Thánh Cha tặng cho bệnh viện thành phố Suceava ở Romania, ổ dịch của nước này, nơi đang chờ 5 máy thở đời mới nhất; 2 máy được tặng cho bệnh viện tỉnh Lecce, nước Ý; và 3 máy cho bệnh viện ở Madrid, thủ đô Tây Ban Nha.
Cái ôm dành cho thế giới
Đức Hồng y Konrad Krajewski, Chánh Sở Từ thiện của Đức Thánh Cha, nói rằng: đó là “một dấu hiệu tuyệt vời vào ngày đặc biệt này khi Đức Thánh Cha không nhận được một món quà nhưng tặng nó cho người khác.” Đức Hồng y gọi đây là “cái ôm của Đức Thánh Cha dành cho toàn thế giới trong tình cảnh khó khăn.” Hồng Thủy – Vatican
2020
Rất nhiều nữ tu Ý qua đời vì virus corona
Theo báo Avvenire của Hội đồng giám mục Ý, Covid-19 không chỉ tấn công các linh mục và các nam tu sĩ, nhưng cả các nữ tu ở Ý cũng đang bị ảnh hưởng nặng nề. 5 nữ tu y tá dòng Đức Mẹ Sầu Bi ở Como và 7 nữ tu Đaminh chân phước Imelda ở Bologna là những trường hợp mới nhất trong một loạt những người tử vong do nhiễm virus tại các cơ sở đã trở thành ổ dịch.
Thật khó xác định con số các nữ tu nạn nhân của virus corona, nhưng xét trên một số yếu tố thì nhiều nữ tu dễ bị virus tấn công do cao tuổi, đã có bệnh trước, đời sống cộng đồng trong các nhà hưu dưỡng do chính hội dòng điều hành hoặc họ ở bên ngoài, nơi sự lây nhiễm lan tràn.
Tử vong hàng loạt
Từ khi đại dịch bùng phát, các trường hợp nữ tu tử vong vì Covid-19 gây kinh hoàng nhất là 13 chị dòng Palazzolo ở Bergamo, 8 chị dòng truyền giáo thánh Comboni ở Bergamo, 7 chị dòng các nữ Công nhân của Thánh gia Nazareth ở Bresciano, 6 chị dòng Orione ở Tortona, 6 chị dòng thánh Dorotea ở Piacentino, 5 chị dòng Khôn ngoan ở Sanremo, …
Trong cùng một cộng đoàn
Con số nhiều nữ tu trong cùng một cộng đoàn qua đời cũng thật sự gây lo ngại, như trường hợp 5 nữ tu y tá dòng Đức Mẹ Sầu Bi ở Como, một dòng được thành lập hơn 150 năm và điều hành bệnh viện Valduce. 6 chị khác cũng bị nhiễm virus khi đang dấn thân trên tuyến đầu chống dịch bệnh; 2 chị đang trong phòng chăm sóc đặc biệt.
7 nữ tu Đaminh của chân phước Imelda ở Bologna cũng là các nạn nhân của virus trong cùng một nhà hưu dưỡng của dòng. Sơ bề trên giám tỉnh tỉnh dòng Ý và Albani chia sẻ rằng sự lây nhiễm gần như chắc chắn đến từ bên ngoài, có thể do một người nào đó đến thăm cộng đoàn. Sơ cho biết: “Chúng tôi bắt đầu có một số nữ tu bị sốt và không khỏe vào cuối tháng 3, và ngay lập tức chúng tôi đã thông báo cho Sở Y tế và họ đã can thiệp và thực hiện xét nghiệm: khoảng 15 nữ tu dương tính với Covid-19. Sau đó, vào ngày 06/04, 7 người trong số họ phải nhập viện và đã qua đời.” 10 nữ tu khác ở nhà hưu dưỡng này cũng bị dương tính nhưng đã khá hơn và đang cách ly trong phòng của các chị. 30 nữ tu còn lại của cộng đoàn hưu dưỡng cũng đang tự cách ly trong các phòng. (Avvenire 22/04/2020)
Hồng Thủy – Vatican
2020
Đức Thánh Cha suy nghĩ về kế hoạch hậu đại dịch
Lời đầu tiên của Chúa Phục sinh? HÃY VUI LÊN!
Trong khi các chính phủ ở mọi cấp độ suy nghĩ về cách để quay trở lại “sự bình thường” sau đại dịch coronavirus, Đức Thánh Cha Phanxico đang chuẩn bị cho sự phục sinh sau cách ly.
Ngài đưa ra những suy tư về chủ đề trong một bài phản ánh xuất hiện ngày 17 tháng Tư năm 2020 trên website tạp chí tiếng Tây Ban nha xuất bản định kỳ Vida Nueva. Trong phản ánh, Đức Thánh Cha đưa ra những so sánh giữa kinh nghiệm của con người ngày nay trong đại dịch và sự phục sinh của Chúa Giêsu.
“Hãy vui lên” là lời đầu tiên của Chúa Phục sinh, Đức Thánh Cha nhấn mạnh theo tường thuật trong bài phân tích suy tư của Vatican News. Ngài nhắc lại rằng đó là lời Chúa Giêsu dùng để chào “Maria Mácđala và bà Maria khác sau khi họ tìm thấy ngôi mộ trống … Người là Đấng Sống lại và muốn nâng những người phụ nữ này lên sự sống mới, và cùng với họ là tất cả nhân loại.”
Đức Thánh Cha nói, lời mời gọi các môn đệ đi làng Emmau hãy vui lên cũng đã được gợi lên, theo bản tin của Vatican News. Ngài nói rằng kinh nghiệm của chúng ta hôm nay cũng rất giống với kinh nghiệm của các môn đệ tiên khởi. Cũng như các ngài, chúng ta “sống trong không khí đau thương và bất định …” và đặt câu hỏi “Ai sẽ lăn tảng đá ra khỏi cửa mộ giùm ta đây?” (Mc 16:3). Ngài mô tả rằng tấm bia mộ giống như là một thứ “đe dọa chôn tất cả mọi hy vọng” và liệt kê những hậu quả mà rất nhiều người đang trải qua: người già bị buộc phải ở trong cảnh cách ly hoàn toàn, các gia đình không còn khả năng dọn thức ăn trên bàn, những người ở tuyến đầu “đã kiệt sức và quá sức chịu đựng.” Ngài nói nó là một “sức nặng dường như có lời nói sau cùng.”
Đức Thánh Cha Phanxico nói chính các người phụ nữ không cho phép những biến cố của cuộc Thương khó của Đức Kitô làm họ tê liệt. Trong phản ánh, ngài lấy đoạn khởi đầu bài giảng đêm Vọng Phục sinh của ngài. “Vì yêu mến Thầy, và với đặc điểm nữ tính tiêu biểu, không thể thay thế và được chúc phúc, họ có thể đối mặt với cuộc sống theo đúng bản chất của nó.” Trong khi các Tông đồ ban đầu bỏ chạy, chối bỏ Người, rồi trốn vì sợ, thì những người phụ nữ tìm được cách để vượt qua mọi sự cản trở trên con đường của họ. Họ làm điều đó đơn giản vì “ở cùng và đồng hành.”
So sánh giữa sự phục sinh và đại dịch cũng xuất hiện trong bài giảng Lễ tại Nhà nguyện Thánh Marta trong Vatican ngày 13 tháng Tư của Đức Thánh Cha.
“Thiên Chúa luôn bắt đầu với những người phụ nữ, luôn luôn,” Đức Thánh Cha Phanxico khẳng định ngày 13. “Họ mở ra những con đường. Họ không nghi ngờ: họ biết; họ đã nhìn thấy Người; họ đã chạm vào Người. Họ cũng đã nhìn thấy ngôi mộ trống.
“Sự thật là các môn đệ đã không thể tin điều đó và nói: ‘Nhưng những bà này, có lẽ hơi giàu óc tưởng tượng’ … Tôi không biết nữa; họ có những nghi ngờ của họ. Tuy nhiên, các bà chắc chắn, và cuối cùng họ giữ vững con đường này cho đến hôm nay: Chúa Giêsu đã sống lại; Người đang sống giữa chúng ta (x. Mt 28:9-10).”
Trong bài giảng đó Đức Thánh Cha tiếp tục đưa ra một so sánh giữa quyết định của những người phụ nữ khi đứng trước ngôi mộ trống và những quyết định xuất hiện trong trận đại dịch coronavirus. Những người phụ nữ công bố sự thật. Những người khác — những lính gác — nhận tiền và giữ im lặng.
“Ngày nay cũng vậy, đứng trước sự kết thúc của đại dịch — chúng ta hy vọng điều này sớm xảy ra –, cũng có cùng lựa chọn: hoặc chúng ta dành tất cả cho sự sống, cho sự phục sinh của các dân tộc, hoặc nó sẽ dành cho thần tiền: để quay trở lại với ngôi mộ của sự đói khát, của tình trạng nô lệ, của chiến tranh, của những nhà máy sản xuất vũ trang, của những đứa trẻ không được đến trường … ngôi mộ nằm ở đó.”
Trong bài suy tư ngày 17, Đức Thánh Cha ca ngợi những nỗ lực của nhiều người chăm sóc cho các bệnh nhân trong suốt đại dịch.
Đức Thánh Cha nói hôm nay nhiều người “đang mang đến thuốc thơm” và “đem dầu thơm là sự đồng trách nhiệm.” Họ đang thi hành thừa tác vụ cho Chúa trong những người anh chị em của mình. Có những người làm việc này bằng cách không trở thành mối nguy hiểm cho người khác, những người khác thì dấn thân vào nguy hiểm. “Các bác sĩ, y tá, những người nhân viên siêu thị, những người lau dọn, người chăm sóc phụ y tế, những người chuyên chở hàng hóa, nhân viên trật tự xã hội, các thiện nguyện viên, linh mục, nữ tu, ông bà, các nhà giáo, và nhiều người khác” đã hỏi cùng câu hỏi của những người phụ nữ: Ai sẽ lăn tảng đá ra khỏi cửa mộ giùm ta đây?” Tuy nhiên, Đức Thánh Cha công nhận rằng câu hỏi này không ngăn cản được họ “làm những gì họ cảm thấy có thể và có trách nhiệm phải làm.”
Trích dẫn Đại dịch toàn cầu và tình huynh đệ phổ quát: lưu ý về tình trạng khẩn cấp Covid-19, của Hàn Lâm viện Giáo hoàng về Sự sống, Đức Thánh Cha Phanxico nhấn mạnh rằng đại dịch này cần phải được điều trị bằng “những kháng thể của tình đoàn kết.” Ngài nhấn mạnh, “Mỗi hành động của cá nhân không phải là một hành động chỉ của riêng mình.” “Dù thế nào đi nữa” thì tất cả các hành động của chúng ta đều ảnh hưởng đến người khác. Mỗi người là một “vai chính” của lịch sử và có thể phản ứng đối với những sự dữ đang ảnh hưởng đến hàng triệu người trên toàn thế giới. “Không thể chấp nhận được việc chúng ta ta viết lên lịch sự hiện tại và tương lai bằng cách quay lưng lại với sự đau khổ của quá nhiều người,” ngài nói.
Trong một phỏng vấn đầu tuần này, Đức Hồng y Phêrô Turkson, Tổng trưởng Bộ Thúc đẩy sự Phát triển Con người Toàn diện, nêu lên những cố gắng mà Bộ đang thực hiện để đối phó với đại dịch và những chuẩn bị để đối phó với hậu quả của nó.
“Chúng tôi đã thành lập năm nhóm làm việc hiện đã hoạt động. Chúng tôi đã có hai cuộc họp làm việc với Đức Thánh Cha,” Đức Hồng y Turkson giải thích. “Chúng tôi đã thiết lập một trung tâm điều hành, để phối hợp những sáng kiến đưa ra hoạt động trong cuộc khủng hoảng và những sáng kiến liên quan đến việc chuẩn bị cho ngày mai. Chúng tôi cần hành động cụ thể ngay bây giờ, và chúng tôi đang làm điều đó.
“Chúng tôi cần phải nhìn vượt xa hơn hôm nay, để vẽ lên lối đi cho hành trình khó khăn đang chờ đợi chúng ta. Nếu chúng ta không suy nghĩ về ngày mai, chúng ta sẽ thấy mình tiếp tục bị động. Hành động hôm nay và suy nghĩ về ngày mai không phải là những sự hoán đổi … Nhóm chúng tôi đã bắt đầu hợp tác với Phủ Quốc vụ khanh, Bộ Truyền thông, Caritas Quốc tế, Bộ Rao giảng Phúc âm cho các Dân tộc và Nhà thuốc Vatican. Chúng tôi đã thiết lập một phương thức cộng tác mới giữa nhóm chúng tôi và nhiều Bộ và Phòng khác nhau của Tòa Thánh: một phương thức kết hợp sức mạnh. Một sự cộng tác nhanh chóng mang chứng tá cho tính hiệp nhất và khả năng phản ứng của Giáo hội.”
[Nguồn: zenit]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 19/4/2020]