2020
Bài giáo lý nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Trái Đất.
Bài giáo lý của Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Trái Đất
Anh chị em thân mến!
Hôm nay chúng ta kỷ niệm lần thứ 50 Ngày Trái Đất. Đó là cơ hội để canh tân bổn phận yêu thương ngôi nhà chung của chúng ta, chăm sóc nó và các thành viên yếu đuối nhất của gia đình chúng ta. Giống như đại dịch Coronavirus đang tỏ cho chúng ta thấy rằng, chỉ khi cùng nhau gánh vác trách nhiệm đối với những người mong manh nhất chúng ta mới có thể chiến thắng được những thử thách toàn cầu. Tông Huấn Laudato Sì có phụ đề là : “về việc chăm sóc ngôi nhà chung”. Hôm nay chúng ta cùng nhau suy tư một chút về trách nhiệm này, tiêu biểu cho “sự qua đi của chúng ta trên trái đất này” (LS, 160). Chúng ta cần phải gia tăng ý thức về việc chăm sóc ngôi nhà chung.
Chúng ta được tạo ra từ chất liệu của trái đất này và những thành quả của trái đất hỗ trợ cuộc sống của chúng ta. Nhưng như sách Sáng thế nhắc nhở chúng ta rằng, chúng ta không chỉ “thuộc về trần gian”: chúng ta còn mang hơi thở sự sống từ Thiên Chúa nữa (x. St 2,3-7). Vì vậy, chúng ta sống trong ngôi nhà chung như một gia đình nhân loại duy nhất và trong sự đa dạng sinh học với các thụ tạo khác của Thiên Chúa. Giống như Imago Dei, hình ảnh của Thiên Chúa, chúng ta được kêu mời chăm sóc và tôn trọng tất cả các loài thụ tạo, được kêu gọi nuôi dưỡng tình yêu và lòng trắc ẩn đối với anh chị em của mình, đặc biệt những người yếu đuối nhất, noi theo tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta, được biểu lộ nơi người Con của Ngài là Chúa Giêsu, Đấng đã làm người để chia sẻ với chúng ta hoàn cảnh này và để cứu rỗi chúng ta.
Vì lòng ích kỷ chúng ta đã đánh mất trách nhiệm bảo vệ và quản lý trái đất của chúng ta. “Chỉ cần nhìn thực tại cách thành thật để thấy ngôi nhà chung của chúng ta đang bị hủy hoại” (LS, 61). Chúng ta đã làm ô nhiễm nó, bóc lột nó, đặt nó vào tình trạng nguy hiểm của chính cuộc sống chúng ta. Vì vậy, cần phải thành lập các phong trào quốc tế và địa phương khác nhau để thức tỉnh lương tâm. Quả thực, tôi đánh giá cao những sáng kiến này, và sẽ còn cần thiết cho con cái của chúng ta xuống đường để dạy cho chúng ta biết cái gì là hiển nhiên, có nghĩa là sẽ không có tương lai cho chúng ta nếu chúng ta phá hủy môi trường đang hỗ trợ chúng ta.
Chúng ta đã thiếu sót trong việc bảo vệ trái đất, ngôi nhà-vườn của chúng ta, cũng như bảo vệ anh chị em của mình. Chúng ta đã phạm tội chống lại trái đất, chống lại tha nhân, và theo nghĩa nào đó chúng ta chống lại Đấng Tạo Hóa, người Cha nhân hậu luôn tiếp tế cho mọi người và muốn chúng ta cùng sống trong sự hiệp thông và thịnh đạt. Và trái đất đã phản ứng thế nào? Có một câu nói rất nổi tiếng của người Tây Ban Nha nói thế này: “Thiên Chúa thì luôn tha thứ; con người chúng ta có vài lần tha thứ và nhiều lần khác thì không; trái đất thì không bao giờ tha thứ”. Trái đất không bao giờ tha thứ: nếu chúng ta hủy hoại trái đất, câu trả lời sẽ rất tồi tệ.
Làm thế nào chúng ta có thể khôi phục lại được mối tương quan hài hòa với trái đất và phần còn lại của loài người? Một mối tương quan hài hòa… Nhiều lần chúng ta mất cái nhìn về sự hài hòa: hòa hợp là công trình của Chúa Thánh Thần. Ngay cả trong ngôi nhà chung, ở trái đất, cũng như trong mối tương quan của chúng ta với con người, với tha nhân, với người nghèo, làm sao chúng ta có thể khôi phục lại được sự hòa hợp này? Chúng ta cần một cách thức mới để chăm sóc ngôi nhà chung của mình. Chúng ta hãy lưu ý rằng: trái đất không phải là kho tài nguyên để khai thác. Đối với người tín hữu, thế giới tự nhiên là “Tin mừng Sáng tạo”, nó diễn tả quyền năng sáng tạo của Thiên Chúa trong việc nặn đúc ra cuộc sống nhân loại và làm cho thế giới tồn tại cùng với những gì chứa đựng trong nó để nâng đỡ nhân loại. Trình thuật Kinh thánh về tạo dựng kết thúc như sau: “Thiên Chúa thấy mọi sự Ngài đã làm nên đều rất tốt đẹp” (St 1,31). Khi chúng ta thấy những thảm kịch tự nhiên xảy ra, đó là phản ứng của trái đất đối với những bạc đãi của chúng ta. Tôi nghĩ : “Nếu bây giờ tôi hỏi Chúa, Ngài nghĩ gì về trái đất, tôi không tin rằng Ngài sẽ nói với tôi là nó rất tốt”. Chính chúng ta đã hủy hoại công trình của Thiên Chúa!
Kỷ niệm Ngày Trái Đất hôm nay, chúng ta được kêu gọi tái khám phá ý thức tôn trọng thiêng liêng đối với trái đất, bởi vì nó không chỉ là ngôi nhà của chúng ta mà còn là nhà của Thiên Chúa. Từ đó phát sinh trong chúng ta nhận thức về việc trú ngụ trên vùng đất linh thiêng.
Anh chị em thấn mến, “chúng ta hãy đánh thức tinh thần thẩm mỹ và chiêm ngắm điều Thiên Chúa đã đặt để trong chúng ta” (Tông thư về Querida Amazonia, 56). Lời tiên tri về việc chiêm ngắm là những gì chúng ta học biết được từ các dân tộc nguyên thủy, họ dạy cho chúng ta biết rằng chúng ta không thể chăm sóc trái đất nếu chúng ta không yêu mến và không tôn trọng nó. Họ có sự khôn ngoan để “sống tốt”, không theo nghĩa là trải qua cách tốt đẹp, nhưng là sống trong sự hòa hợp với trái đất. Họ gọi sự hòa hợp này là “sống tốt”.
Đồng thời chúng ta cần một sự chuyển đổi sinh thái được thể hiện qua những hành động cụ thể. Như một gia đình duy nhất và phụ thuộc lẫn nhau, chúng ta cần một kế hoạch chung để tránh các mối đe dọa chống lại ngôi nhà chung của chúng ta. “Sự phụ thuộc lẫn nhau buộc chúng ta phải nghĩ đến một thế giới duy nhất, một chương trình chung với nhau” (LS 164). Chúng ta nhận thức được tầm quan trọng của việc cộng tác như một cộng đồng quốc tế để bảo vệ ngôi nhà chung của mình. Tôi kêu gọi những ai có thẩm quyền hướng dẫn tiến trình thực hiện hai Hội nghị quốc tế quan trọng : COP15 bàn về sự Đa dạng sinh học ở Côn Minh (Trung Quốc) và COP26 về Biến đổi khí hậu ở Glasgow (Vương quốc Anh). Hai cuộc họp này rất quan trọng.
Tôi muốn khuyến khích tổ chức những hoạt động được phối hợp ở cấp quốc gia và cả địa phương. Thật tuyệt vời khi qui tụ với nhau từ mọi điều kiện xã hội để đem lại sức sống cho một phong trào bình dân “từ bên dưới”. Chính ngày Quốc tế về Trái đất mà chúng ta kỷ niệm hôm nay đã phát sinh cái đặc thù như vậy. Nhiều người trong chúng ta có thể cống hiến đóng góp nhỏ bé của riêng mình: “Đừng nghĩ rằng những cố gắng này sẽ làm thay đổi thế giới. Những hành động này gieo rắc trong xã hội một điều thiện hảo, sẽ luôn luôn mang lại nhiều hoa trái vượt lên trên điều người ta nhận ra được, bởi vì chúng gây trên trái đất này một điều thiện hảo, thường có khuynh hướng lây lan, đôi khi không nhận ra” (LS, 212).
Trong mùa Phục sinh đổi mới này, chúng ta hãy cố gắng yêu thương và trân trọng món quà tuyệt vời của trái đất, ngôi nhà của chúng ta, và chúng ta hãy chăm sóc các thành viên trong gia đình nhân loại. Như là anh chị em của chúng ta, chúng cùng nhau khấn xin Cha trên trời: sai Thánh Thần của Ngài đến và canh tân bộ mặt trái đất” (x. Tv 104,30) .
Tác giả bài viết: G. Võ Tá Hoàng chuyển ngữ
2020
ĐTC Phanxicô: Các mục tử hãy gần gũi với dân Chúa
Đức Thánh Cha nói rõ: “Quyền bính của mục tử là phục vụ, và khi quyền này không được thực hiện thì ơn gọi có vấn đề. Lúc đó mục tử trở thành các nhà quản lý các doanh nghiệp. Cơ cấu không làm nên mục tử. Tâm hồn mục tử làm nên người mục tử.
Cầu nguyện cho giáo viên và học sinh
Sáng thứ Sáu 24/4, tại Nhà nguyện Thánh Marta, Đức Thánh Cha dâng Thánh lễ cầu nguyện cho các giáo viên và học sinh. “Hôm nay, chúng ta cầu nguyện cho các giáo viên. Vì đại dịch, các giáo viên phải làm việc nhiều hơn, để truyền tải các bài học đến với các học sinh qua Internet và các phương tiện truyền thông. Và chúng ta cũng cầu nguyện cho học sinh đang chuẩn bị thi. Các học sinh phải làm các bài thi theo cách mà họ chưa quen làm. Chúng ta đồng hành với tất cả bằng lời cầu nguyện”.
Tin Mừng phụng vụ thứ Sáu tuần II Mùa Phục sinh nói về phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều. Chúa Giêsu giảng dạy dân chúng và sau đó Chúa bảo các môn đệ hãy cho dân chúng ăn.
Đức Thánh Cha lưu ý rằng Chúa Giêsu hay trắc nghiệm các môn đệ, như trong trường hợp hóa bánh và cá ra nhiều. Trong Tin Mừng, có nhiều cử chỉ của Chúa Giêsu như thế để cho các môn đệ được lớn lên và trở thành các mục tử của dân Chúa.
Chúa ưu thích ở với dân chúng
Đức Thánh Cha đặt câu hỏi: “Tại sao Chúa Giêsu lại làm như vậy? Bởi vì Chúa Giêsu ưu thích ở với dân chúng, nhưng các môn đệ thì lại không thích điều này vì các ông thích ở gần bên Chúa hơn. Cho nên các ông thất vọng vì một ngày nghỉ ngơi với Chúa bị phá hỏng do sự hiện diện của đám đông”.
Đức Thánh Cha tiếp tục: “Chúa tìm cách ở với dân chúng, tìm cách huấn luyện tâm hồn các mục tử gần gũi với dân Chúa. Mặt khác, các môn đệ cảm thấy mình thuộc về một thành phần được ưu tuyển, thuộc tầng lớp quý tộc, gần bên Chúa, và nhiều lần Chúa đã sửa dạy họ về điều này”. Đức Thánh Cha đưa ra vài ví dụ về việc Chúa dạy các ông về điều này: Khi các trẻ nhỏ đến với Chúa, các môn đệ không muốn nhưng Chúa thì lại yêu cầu để các em đến với Chúa. Rồi khi Chúa và các ông đang đi trên đường đến Giêrusalem có một người mù thành Giêricô kêu lớn tiếng xin được Chúa chữa, Chúa cũng đã dừng lại để chữa lành ông”.
Dân chúng làm mục tử mệt mỏi
Đức Thánh Cha khẳng định: “Đúng là dân Chúa làm cho các vị mục tử mệt mỏi. Khi mục tử làm nhiều điều tốt cho dân chúng thì dân chúng đến với mục tử. Một lần kia, một linh mục coi sóc một giáo xứ trong một vùng đơn sơ khiêm tốn nói với tôi là cha ấy có cám dỗ xây bít cổng lại. Linh mục đó có một nhà xứ như một căn nhà bình thường và cứ mỗi giờ lại có người tới gõ cửa nhà xứ”.
Đức Thánh Cha nhắc lại một lần nữa: “Chúa Giêsu dạy các tông đồ thái độ mục vụ gần gũi với dân Chúa và dân Chúa làm các mục tử mệt mỏi, có lẽ họ sai, nhưng mục tử phải chăm lo điều này”.
Anh em hãy cho dân chúng ăn
Tiếp tục bài giảng Đức Thánh Cha tập trung vào lệnh truyền của Chúa Giêsu với các môn đệ: “Anh em hãy cho dân chúng ăn”. Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Đây là điều các môn đệ phải thực hiện cho dân chúng, phải cho họ ăn, cho họ một con đường thoát ra khỏi những sai lầm, cho họ những giải pháp cho các vấn đề của họ. Người tông đồ sống khó nghèo là người phải trao ban những gì mình đã lãnh nhận, nhưng cũng phải phân định vì nhiều lần dân chúng lầm lẫn, như trong trường hợp này, sau khi Chúa làm phép lạ, dân chúng muốn tôn Chúa làm vua, và có lẽ một vài môn đệ nói với Chúa là hãy nhân cơ hội này nắm lấy quyền, nhưng Chúa hiểu rằng đây không phải là con đường của Ngài và Chúa lánh mặt đi lên núi một mình”.
Ngọc Yến
2020
Covid-19: Rớt nước mắt vì “yêu thương phục vụ”!
Giữa cơn đại dịch Covid-19, tôi luôn tự hỏi chính mình: “Tại sao dịch bệnh lại diễn biến phức tạp vào ngay thời khắc quan trọng, thời khắc chuẩn bị cử hành Cuộc Thương Khó của Chúa? Phải chăng là nhờ đó, vinh quang Thiên Chúa được bày tỏ qua biến cố Phục Sinh?” Nhìn lại suốt chặng đường rao giảng Tin Mừng của Đức Giê-su, hình ảnh Chúa đến với người nghèo, Chúa chữa lành bệnh tật luôn nổi lên trong tôi. Và trong chính dịch bệnh Covid-19 lần này, những hình ảnh đó đang được lặp lại qua gương yêu thương phục vụ của biết bao người.
Sinh viên phục vụ
Trong cơn dịch bệnh, tất cả mọi người đều được mời gọi để giúp đỡ, yêu thương, chia sẻ với những ai lâm cảnh hoạn nạn khó khăn. Với thực tế hiện nay, xã hội không thiếu những người vô gia cư, không nơi nương tựa. Từ trẻ em đến người già, nhiều người đang phải lang thang nơi các nẻo đường, các gầm cầu ẩm thấp. Đặc biệt hơn, có một nhu cầu khá lớn về nơi chốn để tập trung những người cần cách ly. Giữa lúc khó khăn như vậy, đâu đó đã xuất hiện hình ảnh các bạn sinh viên sẵn sàng dọn đồ về quê, nhường lại ký túc xá trong tình trạng sạch đẹp cho người khác tới cách ly. Thật là nghĩa cử yêu thương!
Một hình ảnh đơn sơ đậm chất nghĩa tình vẫn còn in đậm trong tôi. Cụ già ngồi xe lăn bên vỉa hè, lòng mong ước xin người qua đường một chút gì đó cho cuộc sống hiện tại giữa lúc khó khăn. Bất chợt, một bạn sinh viên ngành y vội vã bước đến, tay ân cần trao cho ông cụ một ổ bánh mì, một hộp sữa, rồi vội vã bước vào bệnh viện. Không chỉ yêu thương phục vụ những bệnh nhân trong bệnh viện, bạn sinh viên ấy còn trao cả bữa ăn tối của mình cho người khác. Tấm lòng cao quý đáng trân trọng biết bao!
Linh mục phục vụ
Thiên chức Linh mục gắn liền với việc dâng Lễ. Nhờ đó, Mình Máu Thánh Chúa được trao ban cho giáo dân. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, hầu hết các nhà thờ phải đóng cửa. Giáo dân lo lắng; nhưng các linh mục còn lo lắng cho giáo dân nhiều hơn. Các ngài không làm ngơ trước nhu cầu thiêng liêng của tín hữu. Vì thế, hàng loạt các sáng kiến đã được thực hiện: truyền hình trực tuyến Thánh Lễ, các giờ Chầu Thánh Thể, hay các giờ kinh…Nhờ vậy, giáo dân được tham dự đầy đủ, và rước Mình Thánh Chúa thiêng liêng một cách sốt sắng và nghiêm trang. Tình yêu thương phục vụ đã được thể hiện bằng hành động!
Không chỉ chăm lo về đời sống thiêng liêng, các linh mục còn rất thực tế khi nghĩ tới đời sống vật chất của bà con giáo dân. Các ngài kêu gọi nguồn tài trợ, cũng như trực tiếp mua khẩu trang, thuốc men…giúp đỡ bà con giáo dân. Nhờ những nghĩa cử cao đẹp yêu thương phục vụ của các linh mục, giáo dân nghiệm rõ sự đồng hành và an ủi của Chúa cũng như của Giáo Hội trong cơn dịch bệnh.
Các y bác sĩ phục vụ
Có lẽ, trong mùa dịch bệnh này, gương phục vụ của các nhân viên y tế đang phản ánh thật rõ nét dung mạo lòng xót thương của Thiên Chúa. Trong lúc mọi người lo lắng, chạy trốn, xa lánh với người xung quanh, thì các bác sĩ, y tá, nhân viên y tế lại lao mình vào cuộc chiến ấy. Họ đã hy sinh, tận tình giúp đỡ và tuyên truyền cách phòng bệnh cho mọi người. Với các bệnh nhân, các y bác sĩ không ngần ngại mà còn chăm sóc rất chu đáo. Ngoài chăm sóc theo chuyên ngành, họ còn ân cần, tận tình giúp đỡ các bệnh nhân từ đồ ăn, nước uống. Họ động viên tinh thần để các bệnh nhân an tâm điều trị.
Vì lao mình vào cuộc chiến, có những y bác sĩ – người mẹ – đã mấy tuần không về nhà, chỉ biết nói chuyện với con bằng cách viết lên những dòng tâm sự. Nguy hiểm hơn, trong cuộc chiến lần này, các y bác sĩ phải đối diện với nguy cơ lây nhiễm và sự chết cho chính mình. Dù vậy, họ vẫn không quên lời hứa y đức của mình. Sự hy sinh và lòng quảng đại của họ thật lớn biết bao!
Covid-19, dịch bênh đã làm thay đổi nhiều điều, trong đó tôi cũng không ngoại lệ. Là sinh viên ngành y, lâu nay tôi vẫn nghĩ rằng: con đường phục vụ chỉ cần cố gắng là sẽ thành công. Nhưng điều đó chưa đủ, ngoài việc cố gắng, tôi còn phải biết mở rộng trái tim mình ra để đón nhận, chia sẻ, biết yêu thương phục vụ nhiều hơn. Mùa dịch Covid-19 còn dạy cho tôi phải biết trân trọng những người yêu thương tôi, những người luôn quan tâm, giúp đỡ và đồng hành với tôi; nhất là phải biết cần đến Chúa nhiều hơn.
Lạy Chúa, con chúc tụng và cảm tạ Chúa vì biết bao hồng ân Chúa đã tuôn đổ xuống trên từng người chúng con. Giờ đây, chúng con đang được sống trong mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa. Tâm hồn chúng con hân hoan tràn ngập niềm vui, nhưng cũng vẫn còn đó những hoang mang và lo lắng khi Virus Corona đang hoành hành khắp nơi. Xin Chúa ban thêm ơn cho các linh mục, các y bác sĩ, nhân viên y tế và hết thảy mọi người để chúng con biết chung tay phục vụ nhau trong thời điểm khó khăn này. Amen. Maria Rosary
Nhóm Sinh viên Công giáo Thanh Hóa
2020
Phỏng vấn Đức TGM Đại diện Tòa Thánh tại Việt Nam về đại dịch Covid-19
Phỏng vấn Đức TGM Đại diện Tòa Thánh tại Việt Nam:
Nhân dịp lễ kính Thánh sử Máccô, bổn mạng Đức Tổng Giám mục Đại diện Tòa Thánh, Truyền thông HĐGM VN đã liên hệ với Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski để chúc mừng và phỏng vấn ngài về tình trạng đại dịch hiện nay.
1. BTT: Thưa Đức Tổng, như chúng con được biết, tháng trước Đức Tổng đã quyết định hoãn các chuyến thăm viếng mục vụ tại một vài giáo phận ở Việt Nam vì dịch bệnh. Xin Đức Tổng vui lòng cho chúng con biết lý do của quyết định này?
ĐTGM: Vì luôn cập nhật tình hình bùng phát COVID-19 tại Trung Quốc, ngay từ đầu năm (tháng 1, tháng 2), nên tôi có thể nói rằng virus corona chủng mới này rất dễ lây nhiễm. Trước hết, hãy cứ xem nó lan đến các quốc gia khác ở châu Á nhanh như thế nào, và bây giờ đến những vùng còn lại trên thế giới, chúng ta có thể khẳng định rằng du lịch là một trong những yếu tố chính góp phần gây ra đại dịch toàn cầu này.
Thứ đến, tại Singapore, nơi tôi cư trú có nhiều ca nhiễm hơn ở Việt Nam. Do đó, với trách nhiệm xã hội và để thực hiện các hướng dẫn cụ thể từ Tòa Thánh đối với Bộ ngoại giao, cũng như sau khi tham khảo ý kiến các Giám mục liên hệ, tôi đã quyết định hạn chế việc đi lại và thực hành giãn cách xã hội ở cả Singapore và Việt Nam để ngăn ngừa sự lây lan của COVID-19.
2. BTT: Tháng trước, Singapore được ca ngợi là hình mẫu trong ứng phó đối với virus corona, Giáo hội Singapore cũng đã tạm dừng các cử hành phụng vụ chung và những hoạt động khác. Xin Đức Tổng chia sẻ với chúng con về tình hình tại Singapore?
ĐTGM: Singapore đã bị ảnh hưởng do khủng hoảng SARS 2003 trước đây nên có lập trường rất thận trọng đối với cuộc chiến chống virus corona chủng mới. Theo khuynh hướng này, chúng ta có thể thấy các ca nhiễm đã khởi phát ở những nơi tụ tập đông người. Vì thế, Đức Tổng Giám mục Singapore đã quyết định tạm dừng các Thánh lễ cộng đoàn và các sinh hoạt khác từ ngày 14/02/2020. Biện pháp này được thực hiện cẩn trọng như chúng ta thấy kết quả hiện nay, không có bất cứ ca nhiễm nào từ nhà thờ Công giáo. Hơn nữa, tiếp theo việc đình chỉ này, chúng ta có thể thấy chính phủ Singapore từng bước thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt hơn như hạn chế số lượng người tụ tập, thậm chí đến mức yêu cầu tất cả cư dân ở nhà, chỉ có các dịch vụ thiết yếu hoạt động. Điều này cho thấy tầm nhìn xa và cách quản trị cẩn trọng của Giáo hội địa phương tại Singapore.
3. BTT: Là một nhà ngoại giao Tòa Thánh, Đức Tổng nhận thấy điều gì nơi Giáo hội trong thời điểm đại dịch lịch sử này? Đức Tổng có lời khuyên nào cho Việt Nam chúng con?
ĐTGM: Thật vậy, năm 2020 là năm thách đố về mọi mặt: tài chính, thể lý, tình cảm, xã hội và tinh thần. Trong giai đoạn đặc thù này khi không thể quy tụ trong các nhà thờ để cùng nhau thờ phượng Chúa, chúng ta hãy nhớ lại cách thức mà các Tông đồ đã bắt đầu sứ vụ với những nhóm nhỏ “qui tụ trong nhà” và hãy nhận ra Giáo hội đã tiến triển như thế nào từ thời Chúa [Giêsu] cho tới nay.
Liên quan đến tình hình tại Việt Nam, tôi biết rằng:
– Ngày 02/02, Đức cha Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục đã thông báo với Giáo hội Việt Nam về sự bùng phát của bệnh dịch mới này và lưu ý một số biện pháp phòng tránh lây nhiễm; tiếp theo đó, Ủy ban Phụng tự đã phổ biến bản kinh nguyện chung cho cả giáo hội cùng cầu nguyện cho dịch bệnh sớm chấm dứt.
– Ngày 25/03, Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng đã gửi thư thông báo cho giáo sĩ và giáo dân trong Tổng Giáo phận của ngài về việc tạm ngưng các buổi cử hành phụng vụ chung trong tuần và Chúa Nhật.
– Vài ngày sau đó, hầu hết các giáo phận ở Việt Nam đều có một hướng chung là tạm dừng các buổi cử hành phụng vụ cộng đồng. Tín hữu Việt Nam tham dự phụng vụ và cầu nguyện trực tuyến như lần chuỗi Mân côi, suy tôn Lòng Chúa Thương Xót, và chầu Thánh Thể.
– Ngày 31/03, Đức Tổng Giám mục Tổng giáo phận Tp. Hồ Chí Minh đã xuất hiện trên đường trong đoạn video với thông điệp kêu gọi giáo dân chung tay trợ giúp những người bên lề xã hội và những người buôn bán rong là những anh chị em bị ảnh hưởng trực tiếp trong thời gian giãn cách xã hội.
– Tất cả những biện pháp bảo vệ được chính phủ Việt Nam đưa ra, chẳng hạn như ngày 01/04, lệnh giãn cách xã hội đã chính thức bắt đầu trong cả nước, siết chặt giao thông và áp dụng lệnh ở yên trong nhà.
– Ngày 02/04, Đức Cha Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục gửi thư kêu gọi toàn thể Giáo hội Việt Nam chọn ngày 04/04 là ngày Giáo hội cử hành Thánh lễ đặc biệt trong thời gian đại dịch theo tinh thần của Sắc lệnh 156/20 của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích.
Hãy tuân thủ các qui định và Khuyến cáo này, đừng quên người nghèo giữa các bạn và hãy tham dự tích cực vào đời sống cầu nguyện của Hội Thánh!
Tôi học theo mẫu gương tuyệt vời của Đức Thánh cha Phanxicô. Như anh chị em biết, Đức Thánh cha của chúng ta đã thực hiện rất nhiều sáng kiến chống Covid-19. Ngài kêu gọi tất cả tín hữu cùng thực hiện: cầu nguyện cho đại dịch mau chấm dứt, giúp đỡ tha nhân và vững tin nơi Chúa.
Trước khi kết thúc, tôi muốn nhấn mạnh rằng đây cũng là thời điểm chúng ta cần phải lượng giá lại và “dò xét” chính bản thân. Để thấy chúng ta là môn đệ như thế nào của Chúa, hãy xem mình có thật sự yêu mến Đấng Cứu độ, Đấng Phục sinh và Thiên Chúa hằng sống của chúng ta, có trung thành tuân giữ các giới răn của Chúa không?
Chúng ta có thể chất vấn bản thân về tình yêu chân thực của ta đối với Chúa:
– Có phải tình yêu của ta dành cho Chúa bị đóng khung với thói quen xơ cứng khi tham dự Thánh lễ Chúa nhật không?
– Giữa cơn khủng hoảng toàn cầu, chúng ta có mất đức tin và thiếu trông cậy nơi Chúa không?
– Khi các nhà thờ đóng cửa, chúng ta có quên Chúa không?
Cám ơn các bạn. Xin Chúa ban phúc lành cho đất nước các bạn!
BTT: Xin chân thành cảm ơn Đức Tổng.
Truyền thông HĐGM VN thực hiện
Dung Hạnh chuyển ngữ