Đức Thánh Cha suy nghĩ về kế hoạch hậu đại dịch
Lời đầu tiên của Chúa Phục sinh? HÃY VUI LÊN!
Trong khi các chính phủ ở mọi cấp độ suy nghĩ về cách để quay trở lại “sự bình thường” sau đại dịch coronavirus, Đức Thánh Cha Phanxico đang chuẩn bị cho sự phục sinh sau cách ly.
Ngài đưa ra những suy tư về chủ đề trong một bài phản ánh xuất hiện ngày 17 tháng Tư năm 2020 trên website tạp chí tiếng Tây Ban nha xuất bản định kỳ Vida Nueva. Trong phản ánh, Đức Thánh Cha đưa ra những so sánh giữa kinh nghiệm của con người ngày nay trong đại dịch và sự phục sinh của Chúa Giêsu.
“Hãy vui lên” là lời đầu tiên của Chúa Phục sinh, Đức Thánh Cha nhấn mạnh theo tường thuật trong bài phân tích suy tư của Vatican News. Ngài nhắc lại rằng đó là lời Chúa Giêsu dùng để chào “Maria Mácđala và bà Maria khác sau khi họ tìm thấy ngôi mộ trống … Người là Đấng Sống lại và muốn nâng những người phụ nữ này lên sự sống mới, và cùng với họ là tất cả nhân loại.”
Đức Thánh Cha nói, lời mời gọi các môn đệ đi làng Emmau hãy vui lên cũng đã được gợi lên, theo bản tin của Vatican News. Ngài nói rằng kinh nghiệm của chúng ta hôm nay cũng rất giống với kinh nghiệm của các môn đệ tiên khởi. Cũng như các ngài, chúng ta “sống trong không khí đau thương và bất định …” và đặt câu hỏi “Ai sẽ lăn tảng đá ra khỏi cửa mộ giùm ta đây?” (Mc 16:3). Ngài mô tả rằng tấm bia mộ giống như là một thứ “đe dọa chôn tất cả mọi hy vọng” và liệt kê những hậu quả mà rất nhiều người đang trải qua: người già bị buộc phải ở trong cảnh cách ly hoàn toàn, các gia đình không còn khả năng dọn thức ăn trên bàn, những người ở tuyến đầu “đã kiệt sức và quá sức chịu đựng.” Ngài nói nó là một “sức nặng dường như có lời nói sau cùng.”
Đức Thánh Cha Phanxico nói chính các người phụ nữ không cho phép những biến cố của cuộc Thương khó của Đức Kitô làm họ tê liệt. Trong phản ánh, ngài lấy đoạn khởi đầu bài giảng đêm Vọng Phục sinh của ngài. “Vì yêu mến Thầy, và với đặc điểm nữ tính tiêu biểu, không thể thay thế và được chúc phúc, họ có thể đối mặt với cuộc sống theo đúng bản chất của nó.” Trong khi các Tông đồ ban đầu bỏ chạy, chối bỏ Người, rồi trốn vì sợ, thì những người phụ nữ tìm được cách để vượt qua mọi sự cản trở trên con đường của họ. Họ làm điều đó đơn giản vì “ở cùng và đồng hành.”
So sánh giữa sự phục sinh và đại dịch cũng xuất hiện trong bài giảng Lễ tại Nhà nguyện Thánh Marta trong Vatican ngày 13 tháng Tư của Đức Thánh Cha.
“Thiên Chúa luôn bắt đầu với những người phụ nữ, luôn luôn,” Đức Thánh Cha Phanxico khẳng định ngày 13. “Họ mở ra những con đường. Họ không nghi ngờ: họ biết; họ đã nhìn thấy Người; họ đã chạm vào Người. Họ cũng đã nhìn thấy ngôi mộ trống.
“Sự thật là các môn đệ đã không thể tin điều đó và nói: ‘Nhưng những bà này, có lẽ hơi giàu óc tưởng tượng’ … Tôi không biết nữa; họ có những nghi ngờ của họ. Tuy nhiên, các bà chắc chắn, và cuối cùng họ giữ vững con đường này cho đến hôm nay: Chúa Giêsu đã sống lại; Người đang sống giữa chúng ta (x. Mt 28:9-10).”
Trong bài giảng đó Đức Thánh Cha tiếp tục đưa ra một so sánh giữa quyết định của những người phụ nữ khi đứng trước ngôi mộ trống và những quyết định xuất hiện trong trận đại dịch coronavirus. Những người phụ nữ công bố sự thật. Những người khác — những lính gác — nhận tiền và giữ im lặng.
“Ngày nay cũng vậy, đứng trước sự kết thúc của đại dịch — chúng ta hy vọng điều này sớm xảy ra –, cũng có cùng lựa chọn: hoặc chúng ta dành tất cả cho sự sống, cho sự phục sinh của các dân tộc, hoặc nó sẽ dành cho thần tiền: để quay trở lại với ngôi mộ của sự đói khát, của tình trạng nô lệ, của chiến tranh, của những nhà máy sản xuất vũ trang, của những đứa trẻ không được đến trường … ngôi mộ nằm ở đó.”
Trong bài suy tư ngày 17, Đức Thánh Cha ca ngợi những nỗ lực của nhiều người chăm sóc cho các bệnh nhân trong suốt đại dịch.
Đức Thánh Cha nói hôm nay nhiều người “đang mang đến thuốc thơm” và “đem dầu thơm là sự đồng trách nhiệm.” Họ đang thi hành thừa tác vụ cho Chúa trong những người anh chị em của mình. Có những người làm việc này bằng cách không trở thành mối nguy hiểm cho người khác, những người khác thì dấn thân vào nguy hiểm. “Các bác sĩ, y tá, những người nhân viên siêu thị, những người lau dọn, người chăm sóc phụ y tế, những người chuyên chở hàng hóa, nhân viên trật tự xã hội, các thiện nguyện viên, linh mục, nữ tu, ông bà, các nhà giáo, và nhiều người khác” đã hỏi cùng câu hỏi của những người phụ nữ: Ai sẽ lăn tảng đá ra khỏi cửa mộ giùm ta đây?” Tuy nhiên, Đức Thánh Cha công nhận rằng câu hỏi này không ngăn cản được họ “làm những gì họ cảm thấy có thể và có trách nhiệm phải làm.”
Trích dẫn Đại dịch toàn cầu và tình huynh đệ phổ quát: lưu ý về tình trạng khẩn cấp Covid-19, của Hàn Lâm viện Giáo hoàng về Sự sống, Đức Thánh Cha Phanxico nhấn mạnh rằng đại dịch này cần phải được điều trị bằng “những kháng thể của tình đoàn kết.” Ngài nhấn mạnh, “Mỗi hành động của cá nhân không phải là một hành động chỉ của riêng mình.” “Dù thế nào đi nữa” thì tất cả các hành động của chúng ta đều ảnh hưởng đến người khác. Mỗi người là một “vai chính” của lịch sử và có thể phản ứng đối với những sự dữ đang ảnh hưởng đến hàng triệu người trên toàn thế giới. “Không thể chấp nhận được việc chúng ta ta viết lên lịch sự hiện tại và tương lai bằng cách quay lưng lại với sự đau khổ của quá nhiều người,” ngài nói.
Trong một phỏng vấn đầu tuần này, Đức Hồng y Phêrô Turkson, Tổng trưởng Bộ Thúc đẩy sự Phát triển Con người Toàn diện, nêu lên những cố gắng mà Bộ đang thực hiện để đối phó với đại dịch và những chuẩn bị để đối phó với hậu quả của nó.
“Chúng tôi đã thành lập năm nhóm làm việc hiện đã hoạt động. Chúng tôi đã có hai cuộc họp làm việc với Đức Thánh Cha,” Đức Hồng y Turkson giải thích. “Chúng tôi đã thiết lập một trung tâm điều hành, để phối hợp những sáng kiến đưa ra hoạt động trong cuộc khủng hoảng và những sáng kiến liên quan đến việc chuẩn bị cho ngày mai. Chúng tôi cần hành động cụ thể ngay bây giờ, và chúng tôi đang làm điều đó.
“Chúng tôi cần phải nhìn vượt xa hơn hôm nay, để vẽ lên lối đi cho hành trình khó khăn đang chờ đợi chúng ta. Nếu chúng ta không suy nghĩ về ngày mai, chúng ta sẽ thấy mình tiếp tục bị động. Hành động hôm nay và suy nghĩ về ngày mai không phải là những sự hoán đổi … Nhóm chúng tôi đã bắt đầu hợp tác với Phủ Quốc vụ khanh, Bộ Truyền thông, Caritas Quốc tế, Bộ Rao giảng Phúc âm cho các Dân tộc và Nhà thuốc Vatican. Chúng tôi đã thiết lập một phương thức cộng tác mới giữa nhóm chúng tôi và nhiều Bộ và Phòng khác nhau của Tòa Thánh: một phương thức kết hợp sức mạnh. Một sự cộng tác nhanh chóng mang chứng tá cho tính hiệp nhất và khả năng phản ứng của Giáo hội.”
[Nguồn: zenit]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 19/4/2020]