2020
Lãnh đạo Phật giáo đóng góp cho Quỹ khẩn cấp Covid-19 do ĐTC thành lập
Đó là nhà sư Phật giáo Ashin Nyanissara, còn được biết đến với tên Sitagu Sayadaw, một trong những nhân vật tôn giáo quan trọng có ảnh hưởng ở Myanmar.
Hòa thượng Ashin Nyanissara đã trao số tiền này cho Đức cha Marco Tin Win, Tổng Giám mục Mandalay. Cùng với số tiền, vị lãnh đạo Phật giáo còn trao tặng gạo và các loại thực thẩm khác cho nhu cầu của Tổng Giáo phận trong trường hợp khẩn cấp. Phần đóng góp này bổ sung vào 754 ngàn đô la đã được Đức Thánh Cha đóng góp ban đầu cho Quỹ. Đức Thánh Cha kêu gọi các thực thể Giáo hội và các cá nhân có thể và muốn giúp đỡ, đóng góp cho Quỹ này thông qua các Hội Giáo hoàng truyền giáo của mỗi quốc gia.
Hòa thượng Ashin Nyanissara giải thích với cử chỉ này muốn trở thành một dấu hiệu của lòng trắc ẩn chung cho tất cả các tôn giáo. “Chúng ta phải cùng nhau chống lại Covid-19 và thực hiện các hoạt động bác ái qua tình liên đới”. Đức Tổng Giám mục Tin Win, người có mối liên hệ tình bạn với nhà lãnh đạo tôn giáo Phật giáo bày tỏ: “Tôi xúc động trước hành động này của vị lãnh đạo Phật giáo, một nghĩa cử thiện chí và liên đới với những người đang cần được giúp đỡ. Đóng góp này là một thông điệp về sự hòa hợp liên tôn giáo đối với cả đất nước”.
Hòa thượng Ashin Nyanissara cũng có mối tương quan thân thiết với Đức Hồng y Charles Bo, Tổng Giám mục Yangon, chủ tịch Liên Hội đồng Giám mục Á Châu. Cả hai đều tích cực tham gia thúc đẩy đối thoại liên tôn ở đất nước với đa số Phật giáo. Hòa thượng đã gặp Đức Thánh Cha Phanxicô trong chuyến tông du đến Myanmar và năm 2011 được Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức XVI tiếp kiến.
Việc quyên góp của Hòa thượng cho quỹ đặc biệt của Đức Thánh Cha cho trường hợp khẩn cấp Covid-19 đã diễn ra vào giữa năm mới của Phật giáo, Lễ hội té nước, lễ kỷ niệm đã bị chính phủ hủy bỏ do tình trạng khẩn cấp Covid-19. Tính đến ngày 17 tháng 4, tại quốc gia này có 85 trường hợp nhiễm virus, trong đó có hai ca tử vong.
2020
Bộ các Giáo hội Công giáo Đông phương thành lập quỹ khẩn cấp ứng phó với đại dịch
Đáp lại lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô đừng bỏ rơi những người đau khổ, đặc biệt là những người nghèo khổ nhất, đang đối mặt với cuộc khủng hoảng toàn cầu do đại dịch, Bộ các Giáo hội Công giáo Đông phương, phối hợp với các cơ quan trợ giúp Công giáo tại Thánh Địa, đã thành lập quỹ khẩn cấp để ứng phó với những thách đố của đại dịch Covid-19.
Hôm 18/04, Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết sáng kiến được đưa ra vào chiều trước ngày lễ Lòng Chúa Thương xót và cũng là ngày nhiều Kitô hữu của các Giáo hội Đông phương theo lịch Giuliano đang cử hành Tuần Thánh, tưởng nhớ cuộc thương khó, sự chết và phục sinh của Chúa Giêsu.
Quỹ khẩn cấp này được thành lập với sự cộng tác tích cực của các cơ quan Công giáo quốc tế và địa phương như Hiệp hội phúc lợi Công giáo vùng Cận đông và Hội Giáo hoàng truyền giáo cho Palestine, và với sự liên lạc thường xuyên của các cơ quan của Hiệp hội các tổ chức trợ giúp các Giáo hội Đông phương.
Bộ Công giáo Đông phương nói rằng họ có thể hỗ trợ một số nỗ lực cứu trợ, trích từ số tiền thu được từ cuộc lạc quyên giúp Đất Thánh. Cuộc lạc quyên năm nay được dự kiến vào thứ Sáu Tuần Thánh 10/04, nhưng đã bị hoãn đến ngày 13/09, vì đại dịch. Đây là cuộc lạc quyên để bảo đảm các khoản trợ cấp cho đời sống của các Giáo hội ở Đông phương.
Trợ giúp máy thở cho Syria và Thánh Địa
Theo đề nghị của các Tòa Sứ Thần, Bộ các Giáo hội Công giáo Đông phương đã nhân danh Đức Thánh Cha gửi đến cho Syria 10 máy trợ thở và gửi đến Thánh Địa 3 máy trợ thở cho bệnh viện thánh Giuse ở Giêrusalem, chi phí mua các bộ xét nghiệm cho Gaza và một khoản đóng góp cho công việc của bệnh viện Thánh Gia ở Bêlem. Các đề nghị từ các quốc gia khác đang được xem xét.
Bất chấp tình hình kinh tế bất ổn, Bộ các Giáo hội Công giáo Đông phương đảm bảo viện trợ hàng năm cho các trường học và các trường đại học Công giáo, cũng như hỗ trợ cho những người di tản ở Syria và Iraq và những người tị nạn ở Li-băng và Giordan. (REI 18/04/2020)
Hồng Thủy – Vatican
2020
Ngày Quốc tế giới trẻ tại Lisbon sẽ được dời đến tháng 08/2023
Ngày Quốc tế Giới trẻ tại Lisbon vào tháng 08/2023
Thông cáo của Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết “do tình hình y tế hiện nay và hậu quả của nó đối với phong trào và các cuộc gặp gỡ của những người trẻ và các gia đình”, Đại hội các gia đình Công giáo thế giới tại Roma sẽ dời đến tháng 06/2022 và Ngày Quốc tế Giới trẻ tại Lisbon, Bồ Đào Nha, sẽ được dời đến tháng 08/2023.
Hôm 20/04, Đức Hồng y Kevin Farrell, Tổng trưởng Bộ giáo dân, gia đình và sự sống, nói với hãng tin Công giáo Hoa Kỳ rằng bây giờ là lúc văn phòng của ngài sẽ ký hợp đồng với các khách sạn và hãng máy bay nếu Đại hội về gia đình vẫn được tổ chức vào năm 2021, nhưng không ai biết điều gì sẽ xảy ra. Vì vậy sẽ là khôn ngoan thận trọng khi dời đại hội lại một năm.
Thánh Bộ của Đức Hồng y Farrell cũng không muốn tổ chức hai cuộc gặp gỡ lớn trong cùng mùa hè, vì vậy đó là một lý do Ngày Quốc tế Giới trẻ được hoãn lại. Còn một lý do khác nữa là mặc dù người ta đang nói đến việc “trở lại bình thường” và các lãnh đạo chính quyền đang lên các kế hoạch gỡ bỏ lệnh phong tỏa và mở cửa lại các doanh nghiệp, nhưng Đức Hồng y không nghĩ rằng việc đi lại sẽ sớm được mở rộng lại.
Ngày trao Thánh giá Giới trẻ vào tháng 11
Bộ giáo dân, gia đình và sự sống đã hủy tất cả các cuộc họp quốc tế cho đến tháng 01/2021, dù Bộ đang sắp xếp để một số ít bạn trẻ từ Panama, nơi tổ chức Ngày Quốc tế Giới trẻ năm 2019, trao Thánh giá ngày Quốc tế Giới trẻ cho một ít người trẻ từ Lisbon, vào ngày lễ Chúa Kitô Vua năm nay, 22/11. Sự kiện này được dự định vào Chúa Nhật Lễ Lá ngày 05/04 vừa qua, nhưng phải bị hoãn lại do lệnh phong tỏa và cấm đi lại để ngăn chặn sự lây lan virus corona.
Đức Hồng y cho biết, nếu các đại diện của Panama và Bồ Đào nha không thể đến Roma vào tháng 11, thì những người Panama và Bồ Đào Nha đang sống ở Roma sẽ tham gia sự kiện trao Thánh giá này. (Crux 20/04/2020)
2020
Một linh mục bị bắt ở Kenya vì tội phát tán coronavirus
Kenya 17 tháng 4 năm 2020 / 13:00 ( CNA ).- Một linh mục Công Giáo là một trong hai người ở Kenya đã bị buộc tội “vô ý lây lan bệnh truyền nhiễm” sau khi nhà chức trách cáo buộc vị linh mục đã không tuân thủ các quy định kiểm dịch sau khi ông đi từ Ý đến.
Cha Richard Onyango Oduor đã bác bỏ các cáo buộc vào thứ Năm ngày 16 tháng Tư và hiện đang được tại ngoại. Ngài sẽ phải ra trình tòa vào ngày 2 tháng 5, sau khi dành thêm 14 ngày nữa để cách ly.
Theo tin từ Kenya, thì Cha Oduor là một người thường trú tại Rome và đã bay sang Kenya để chủ sự tang lễ cho một người thân. Trong lễ mai táng, ngài đã phân phát Bí tích Thánh Thể và tương tác với nhiều người. Đã có 60 người có sự tiếp xúc với Cha Oduor và họ đã trình diện tại bệnh viện, nhưng không rõ bao nhiêu người trong số họ đã bị lây nhiễm COVID-19.
Cha Oduor đã thử nghiệm dương tính với virus, đã nhập viện khoảng hai tuần trước và đã hồi phục. Ngay sau khi xuất viện, ngài đã bị bắt vào ngày 9 tháng 4.
Cha Oduor được biết đã đi du lịch khắp Kenya từ ngày 11 đến 20 tháng 3 trong khi không biết rằng mình bị nhiễm coronavirus. Trong giai đoạn này, Cha Oduor đi xe buýt và máy bay, và cử hành nhiều Thánh lễ.
Các quan chức Kenya đã xác định và cách ly hơn 130 người đã tiếp xúc với Cha Oduor trước khi ngài được chẩn đoán nhiễm coronavirus. Trong số này có các linh mục tại một giáo xứ ở Nairobi, là nơi Cha Oduor tạm dừng chân trước khi về quê để lo việc chôn cất.
Đức Tổng Giám Mục Anthony Muheria, giám mục cuả Tổng giáo phận Nyeri và là quản trị tông đồ cuả Giáo phận Kitui, đã từ chối bình luận về vụ việc với báo chí, nói rằng việc này là thuộc thẩm quyền của chính quyền dân sự.
Kenya đã cấm các cuộc tụ họp công cộng, giảm số người được phép tham dự một đám tang, đưa ra lệnh giới nghiêm và tăng các hạn chế đối với những người có việc phải ra vào các khu vực có lây nhiễm cao.
Tại Kenya, có 234 người được chẩn đoán mắc COVID-19 và 11 người chết.
Cha Oduor đã bị bắt cùng ngày với ông Gideon Saburi, phó quân trưởng cuả Kilifi, một quận ở Kenya, với tội danh lan truyền coronavirus. Ông Saburi bị cáo buộc đã xuất hiện trước công chúng trong khi bị nhiễm virut trong khoảng thời gian từ ngày 6 đến 22 tháng 3. Ông ta cũng đã không nhận tội và được thả vào ngày 16 tháng 4 sau khi đóng tiền thế chân.
Trần Mạnh Trác