2020
Trừ tà bậy bạ, hậu quả khó lường. Chỉ các linh mục được cấp phép mới có năng quyền trừ quỷ
Trừ tà bậy bạ, hậu quả khó lường. Chỉ các linh mục được cấp phép mới có năng quyền trừ quỷ
Hiệp hội các nhà trừ tà quốc tế khẳng định rằng: Trừ quỷ không có phép chỉ mở đường cho quỷ nhập vào người ta
Tờ Aleteia, nghĩa là Chân lý tỏ tường, cho biết hiệp hội các nhà trừ tà quốc tế sắp công bố một cẩm nang bằng nhiều thứ tiếng để mọi người hiểu rõ hơn về việc trừ quỷ trong Giáo Hội.
Hiệp hội quốc tế các nhà trừ tà Công Giáo đã xuất bản một cuốn sách hướng dẫn về thực hành trừ tà bằng tiếng Ý vào tháng Năm vừa qua. Vì tầm quan trọng của vấn đề này, các Giám Mục trên thế giới đã yêu cầu cuốn sách được dịch ra nhiều thứ tiếng khác nhau để phổ biến rộng rãi cho công chúng.
Cụm từ “để phổ biến rộng rãi cho công chúng” không có nghĩa là hiệp hội đang khuyến khích công chúng thực hiện các nghi thức trừ quỷ. Ngược lại là đàng khác. Hiệp hội các nhà trừ tà quốc tế, gọi tắt là IAE, khẳng định rằng các nghi thức trừ tà nhất thiết phải được thực hiện bởi các linh mục được sự cho phép của đấng bản quyền địa phương.
IAE cho biết một phiên bản tiếng Anh đang được Tòa Thánh xem xét và sẽ ra mắt vào cuối năm 2020 hoặc cùng lắm là đầu năm 2021.
IAE được thành lập cách đây 20 năm bởi Cha Gabriele Amorth, một nhà trừ tà nổi tiếng ở Rôma, và các linh mục khác. Chủ tịch hiện tại của IAE, là Cha Francesco Bamonte, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tờ Avvenire, nghĩa là Tương Lai, một tờ nhật báo của Hội đồng Giám mục Ý, rằng cuốn sách nhằm cung cấp cho các linh mục thành viên của hiệp hội một cẩm nang về giáo lý và thực hành dựa trên Nghi thức Trừ tà của Giáo Hội Công Giáo. Ban đầu, nó được xuất bản trực tuyến, chỉ có thể truy cập cho các thành viên, nhưng hiệp hội đã quyết định công bố rộng rãi cho công chúng dưới dạng sách in sau khi nhiều Giám Mục và linh mục nói rằng việc công bố như thế chắc chắn mang lại nhiều điều tốt đẹp.
Cha Bamonte nói thêm rằng ấn phẩm của IAE có thể giúp làm sáng tỏ “một số điểm mù mờ và ngộ nhận chung quanh khía cạnh tế nhị này.” Trước hết, cuốn sách “nhằm chống lại các khai thác giật gân của các phương tiện truyền thông chung quanh nghi lễ trừ tà.” Thứ hai, cuốn sách tấn công vào các lạm dụng. Tại nhiều nước trên thế giới, nhiều người không Công Giáo và đôi khi cả những người Công Giáo, tự xưng mình có khả năng trừ quỷ, chế ra các nghi thức đi ngược lại đức tin, đôi khi không khác các thuật phù thủy bao nhiêu, đôi khi áp dụng các hình thức đánh đập bạo lực dẫn đến thương vong, và cũng không thiếu các trường hợp lạm dụng tình dục và tiền bạc của nạn nhân.
Cha Francesco Bamonte nhấn mạnh rằng quyền năng trừ quỷ xuất phát từ Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã ban quyền trừ quỷ cho các Tông đồ và những người kế vị các ngài. Do đó, thẩm quyền thực hiện các phép trừ quỷ hoàn toàn thuộc về các linh mục được đấng bản quyền địa phương chỉ định. Một báo cáo của tờ Crux cho biết có quá nhiều “nhà trừ quỷ lừa đảo” không thừa nhận sự thật đó, mặc dù, chính việc bác bỏ thẩm quyền chính đáng và hợp pháp của đấng bản quyền đã tự nó cho thấy hành động của các “nhà trừ quỷ” này không được thúc đẩy bởi Thiên Chúa.
IAE muốn nhấn mạnh rằng chính quyền năng của Chúa Kitô được truyền qua Giáo hội – chứ “không phải một công thức trừ tà mạnh mẽ nào đó hay ‘quyền năng’ của một cá nhân” là yếu tố quyết định kết quả của một cuộc trừ quỷ.
Mục vụ trừ quỷ không chỉ là đọc những lời cầu nguyện mà là “sự phân định và đồng hành với những tín hữu bị ma quỷ dày vò, ” hiệp hội IAE nói.
Tờ Crux cũng báo cáo thêm “Bản hướng dẫn của IAE cảnh báo rằng các linh mục và giáo dân cố ý thực hiện các phép trừ quỷ trái phép, nghĩa là không có sự cho phép của đấng bản quyền, thực sự có thể mở ra những cánh cửa để ma quỷ tiếp tục ảnh hưởng đến những người mà họ tưởng là họ đang cố gắng giúp đỡ.”
Hướng dẫn của IAE nhấn mạnh rằng một số hoạt động nhất định, bao gồm mê tín dị đoan và phù thủy, có thể trở thành dịp để ma quỷ ảnh hưởng đến con người.
Tuy nhiên, Cha Bamonte cũng lưu ý trong cuộc phỏng vấn với Avvenire rằng có “những kẻ tội lỗi ngập đầu nhưng không mắc bất kỳ căn bệnh bất thường nào từ ma quỷ, trong khi có những vị thánh thực sự lại từng là nạn nhân của những hành động độc ác phi thường.”
Vì thế, chúng ta không nên có định kiến cho rằng người bị quỷ ám là một người tội lỗi ghê lắm.
Đặng Tự Do
2020
Hành trình gặp Chúa và giúp người nghèo của sơ Stephanie Baliga ở Chicago
Hành trình gặp Chúa và giúp người nghèo của sơ Stephanie Baliga ở Chicago
Chúng tôi xin giới thiệu với quý độc giả sơ Stephanie Baliga. Sơ kể hành trình đã dẫn sơ đến công việc phục vụ cho người nghèo ngày hôm nay.
Sơ Stephanie, chúng ta bắt đầu với câu chuyện của sơ. Chúng tôi muốn nghe sơ kể sơ đã bắt đầu như thế nào và một ngày của sơ như thế nào…
Tôi người gốc Rockford, Illinois. Tôi may mắn có một tuổi thơ thần tiên trong một gia đình yêu thương. Tôi lớn lên trong đạo công giáo nhưng đó không phải là trọng tâm của tôi khi tôi còn nhỏ. Trọng tâm của tôi là chạy. Tôi bắt đầu chạy khi lên 9 và nhanh chóng tôi nhận ra mình có năng khiếu… chạy! Tôi có được 18 huy chương vô địch ở trường trung học và tôi được tuyển vào Đại học Illinois, tôi được nhận vào học. Tôi cũng là thủ khoa của năm thứ ba.
Ở Đại học Illinois, tôi rất thành công. Tôi là sinh viên năm nhất chạy nhanh hàng thứ 6 ở Mỹ, và tôi ở trong đội giỏi thứ 8 của Division 1. Mọi thứ diễn ra một cách song suốt trên bề mặt. Tuy nhiên tôi bắt đầu hiểu, đời sống của tôi không giới hạn ở việc chạy. Tôi thiếu một cái gì đó.
Và khi nào Chúa cũng làm theo cách này, Chúa thể hiện Ngài cho chúng ta một cách bí ẩn. Cuộc gặp gỡ đầu tiên và tiếng gọi của Chúa bắt đầu bằng một tai nạn. Năm thứ hai đại học, chân tôi tự nhiên bị gãy. Chỉ trong vòng 15 phút, tôi đang là người khỏe mạnh thành người đi nạng.
Còn hơn cả tai nạn, đây là lời kêu gọi tôi phải đánh giá lại đời tôi. Tôi nhận ra trước đây tôi không hạnh phúc và tôi thực sự không thấy đời tôi có ý nghĩa. Tôi bắt đầu nghĩ về những người mà tôi biết họ rất hạnh phúc. Tôi nhớ đến những người tôi gặp trong thánh lễ. Họ thực sự hạnh phúc. Vì vậy, tôi quyết định bỏ nhiều thời gian hơn với họ.
Các bạn mới này mời tôi đi tĩnh tâm. Trong tuần tĩnh tâm, tôi có một kinh nghiệm rất mạnh khi chầu Thánh Thể. Tôi hiểu Chúa Giêsu thực sự có ở đó và Ngài đang kêu gọi tôi đi theo Ngài.
Lúc đầu, tôi không biết chính xác điều này có nghĩa là gì. Cuối cùng sau khi học cầu nguyện, đi lễ nhiều hơn và đọc Kinh Thánh nhiều hơn, tôi nhận ra Chúa kêu gọi tôi làm nữ tu – một người dâng trọn đời mình cho Chúa và Giáo hội của Ngài.
Tôi vào một Dòng mới có tên là Dòng Phanxicô Thánh Thể Chicago ở Công viên West Humboldt. Chúng tôi làm việc ở một nơi có tên là Sứ mệnh Đức Mẹ Thiên thần. Sứ mệnh thật kỳ diệu. Dưới sự hướng dẫn của Linh mục Bob Lombardo và nhờ ơn Chúa, khuôn viên giáo xứ Đức Mẹ Thiên Thần trước đây là đống gạch đổ nát nay thành nơi tôn nghiêm tuyệt đẹp giữa khu phố bị cho là khu phố của bạo lực, nghèo nàn và ma túy nhất Chicago.
Chúng tôi cầu nguyện và làm việc ở Công viên West Humboldt. Hàng tháng chúng tôi nuôi khoảng 1000 gia đình và cung cấp nhu yếu phẩm cho họ. Chúng tôi có các chương trình ngoài giờ học và buổi tối chúng tôi có chương trình cho 100 thanh thiếu niên có nhiều nguy cơ. Chúng tôi cũng có nơi bình an cho người lớn tuổi nuôi dạy cháu hoặc chắt của họ. Chúng tôi cũng giúp các gia đình đến đây cùng cầu nguyện, cùng ăn chung với nhau để xây dựng một cộng đoàn bị tan vỡ vì bạo lực và nghèo đói.
Bây giờ tôi đã khấn trọn, có nghĩa là tôi dấn thân suốt đời với cuộc sống vô cùng đẹp này. Tôi tạ ơn sự giúp đỡ của nhiều người đã giúp cuộc sống và công việc của chúng tôi trở nên khả thi. Bây giờ tôi là giáo viên. Tôi dạy 2 ngày một tuần tại Trường St. Sylvester ở Quảng trường Logan.
Tôi cũng không bỏ việc chạy. Chạy đã là món quà khi tôi vào cộng đoàn. Hiện chúng tôi có một nhóm từ thiện qua Ngân hàng Mỹ-Chicago maratông (Bank of America Chicago Marathon). Năm 2019 tôi hy vọng sẽ là năm tôi hội đủ điều kiện để tham gia Olympic Trials ở cuộc thi maratông.
Nhìn chung, mọi sự tương đối suôn sẻ? Nhưng đâu là các khó khăn trên con đường?
Không, con đường không suôn sẻ, nhưng lại là con đường vô cùng đẹp. Là nữ tu, chúng tôi được kêu gọi từ bỏ mọi sự để Chúa có nhiều nơi chốn làm việc hơn và làm những điều thú vị. Hàng ngày, chúng tôi nhận ra sự quan phòng của Chúa trong cuộc sống, theo cả nghĩa đen vì chúng tôi sống nhờ thực phẩm tặng, điều này nhắc nhở chúng tôi hàng ngày cách Chúa luôn hiện diện với chúng ta. Tôi tin đây là một trong các cách mạnh nhất mà Chúa dùng để chúng tôi chia sẻ tình yêu của Ngài với mọi người. Ngài đã dùng Sứ mệnh như chứng từ để cho thấy những gì Ngài có thể làm nếu mọi người nói VÂNG với Ngài – không phải chỉ có chúng tôi là những người đã khấn trọn với Ngài – mà là tiếng VÂNG của hàng ngàn hàng vạn người đã làm cho công việc của chúng tôi thành hiện thực.
Nhưng điều này lại dẫn đến một cuộc sống không thể đoán trước, với các khúc quanh thú vị! Tôi xin đơn cử một ví dụ. Một hôm chúng tôi có hẹn đi ăn tối với một số nhà hảo tâm. Nhưng chúng tôi vừa nhận cuộc gọi có một xe tải chở đầy hàng hóa sắp đến nhà chúng tôi. Chúng tôi nghĩ một chiếc U-Haul nhỏ chở các thùng thức ăn đến. Được, chuyện nhỏ, chúng tôi đã quen làm. Chúng tôi chờ một chút và xe tải sẽ đến, chúng tôi sẽ dỡ hàng và chúng tôi sẽ đi ăn với các nhà hảo tâm. Và chiếc xe tải xuất hiện, đó là chiếc XE TẢI KHỔNG LỒ, một chiếc semi-truck chất đầy thực phẩm! Và đó là những gì chúng tôi đang cần vì tủ dự trữ thức ăn của chúng tôi sắp hết. Tôi nhớ lại, tối hôm đó chúng tôi nhận 16 pallet thực phẩm! Cuộc sống của chúng tôi được mời gọi để đón nhận những gì không ngờ trước của Chúa và Chúa luôn nhắc chúng ta nhớ, Ngài yêu thương chúng ta biết dường nào!
Sứ mệnh Đức Mẹ Thiên Thần là gì? Các sơ làm gì giỏi nhất? Điều gì làm các sơ khác các tổ chức khác?
Chúng tôi thật sự không phải là một hãng nhưng là sứ vụ truyền giáo bên cạnh những người nghèo vật chất ở phía tây thành phố Chicago. Tổ chức chúng tôi có tên Sứ mệnh Đức Mẹ Thiên Thần. Sự hiện diện của chúng tôi là để đáp ứng nhu cầu vật chất của người nghèo ở vùng tây Chicago và cũng là sự hiện diện của hy vọng và hòa bình công giáo trong khu vực bị bạo lực và nghèo đói tàn phá. Đối với các khu vực lân cận, chúng tôi được biết đến là cơ quan cung cấp thực phẩm cho người nghèo, phát quà Giáng sinh, chỉ trong vòng 6 giờ chúng tôi phát khoảng 6000 đồ chơi cho các em. Tuy nhiên, họ cũng biết ngoài vật chất, chúng tôi còn mang lại giá trị tinh thần, họ biết chúng tôi là điểm hội tụ của tinh thần đoàn kết, một nhóm không đứng về phía nào trong bạo lực, nơi trú ẩn an toàn và nơi cầu nguyện. Họ biết người dân có thể quay về với chúng tôi khi con họ bị bắn hoặc nhà của họ bị cháy rụi, hoặc con họ ở trong băng đảng. Chúng tôi không hứa có thể giải quyết được vấn đề của họ, nhưng chúng tôi ở bên cạnh họ trong nỗi đau của họ, cho họ sự hỗ trợ mà họ cần, mang lại hy vọng và chữa lành của Chúa Giêsu trong các tình huống đôi khi dường như vô vọng.
Marta An Nguyễn dịch
2020
Phỏng vấn sơ Stephanie Baliga về việc trau dồi đức hạnh trong thể thao
Phỏng vấn sơ Stephanie Baliga về việc trau dồi đức hạnh trong thể thao
Gordon Nary: Trong văn hóa của những người nổi tiếng chúng tôi, sơ ở trong danh sách các bài báo chủ yếu nói về năng lực thể thao và kỹ năng chạy nổi tiếng của sơ. Một số các phỏng vấn yêu thích của tôi đăng trên trang Công giáo Thế giới Mới: Thiêng liêng và Sức khỏe (Catholic New World: Spirituality & Health). Tất cả đã được đăng ở đó nên hôm nay tôi muốn nói đến một số chi tiết chưa được đề cập trong các bài viết trên. Tài năng chạy của sơ đã giúp sơ gây quỹ làm việc cho Sứ mệnh của Đức Mẹ Thiên thần.
Đâu là mối liên hệ giữa tâm linh và dấn thân trong lãnh vực thể thao?
Sơ Stephanie: Chạy bộ là ẩn dụ tiêu biểu cho đời sống thiêng liêng, trong đó kỷ luật và đức hạnh là các đặc tính cần thiết để thành công trong cả hai lãnh vực. Hơn nữa, chạy bộ là tập chịu đựng. Chạy maratông 23 đến 25 dặm là khá khó. Tuy nhiên sự chịu đựng này vừa chỉ tạm thời, vừa do mình quyết định và được thỏa mãn ngay khi về đến đích. Các kinh nghiệm này khó, nhưng chủ yếu chuẩn bị rất nhiều cho chúng ta khi phải đối diện với các đau khổ về thể xác trong cuộc sống. Cá nhân tôi cũng nghĩ chạy bộ giúp tôi cầu nguyện, cố gắng thể xác giúp tôi tập trung tốt hơn. Tôi là người năng động nên đôi khi ngồi yên cầu nguyện cũng là một thử thách.
Luôn có một cái gì đó anh hùng trong việc thi đấu thể thao, trong động lực và trong kiên trì tập luyện để thành công. Một số người còn cho các anh hùng thể thao, đặc biệt ở Mỹ là các vị thánh thế tục, nhất là với trẻ em, vì các em xem các nhân vật thể thao là gương mẫu của chúng. Sơ có thần tượng thể thao nào khi còn nhỏ không?
Tôi cũng có. Tôi rất ngưỡng mộ các huyền thoại chạy bộ của Mỹ như Joan Benoit Samuelson, Pre, Frank Shorter, Bill Rodgers, v.v. Tôi cũng ngưỡng mộ các vận động viên đương thời như Khalid Khannouch và các vận động viên châu Phi ít người biết đến. Ý của ông nói rất đúng về các vận động viên này, họ thực sự là các vị thánh trong tâm trí tôi. Khi tôi đã là nữ tu, tôi đã có dịp gặp Khalid K, thật giống như khi mình gặp một ngôi sao điện ảnh nổi tiếng.
Các người trẻ liên tục rời bỏ Giáo hội công giáo, một cách ẩn dụ, cả trăm bài báo của bà Mary Morrell cho họ là những người trốn Chúa, còn sơ thì ngược lại, sơ chạy đến Chúa theo đúng nghĩa đen. Theo sơ làm thế nào việc dấn thân trong lãnh vực thể thao lại đưa một số người đến gần Chúa hơn?
Dĩ nhiên từ “chạy” mang nhiều ý nghĩa. Chạy là môn thể thao của sức bền bỉ (hoặc bất kỳ môn thể thao nào cũng cần tập luyện lâu bền), như tôi đã nói ở trên, thể thao là phương tiện phát triển kỷ luật / đức tính. Thêm nữa, các người chạy họ thường có một cộng đồng rất lớn liên kết họ với nhau. Tôi đặc biệt nghĩ đến các nhóm giúp cho thanh thiếu niên gắn bó với giáo xứ, họ có thể giúp rất nhiều cho mục vụ thanh niên. Thật khó để thu hút các bạn trẻ đến nhà thờ cho một điều gì đó CHỈ dành cho nhà thờ, nhưng nếu chúng ta có thể liên kết nhóm học Kinh Thánh với một nhóm hoạt động tương tự như thế này, tôi nghĩ chúng ta có thể thu hút nhiều người tham gia hơn. Mình càng khỏe thì mình càng cầu nguyện tốt, thể chất khỏe giúp chúng ta tập trung dễ hơn, nhưng cẩn thận, chạy không thay thế Chúa vì đôi khi chúng ta (kể cả tôi) dễ rơi vào bẫy này.
Sơ có thể cho chúng tôi biết một ngày làm việc của sơ?
Chúng tôi bắt đầu ngày bằng giờ Phụng vụ Giờ kinh, Thánh lễ và chầu Mình Thánh Chúa. Ngoài ra không có ngày điển hình nào ở cộng đoàn chúng tôi. Mỗi ngày có vô số chuyện xảy ra trước nhà chúng tôi, các người hàng xóm cần giúp đỡ, các nhà hảo tâm đem đồ đạc đến giúp. Đó là tấm gương tiêu biểu cho tình yêu quan phòng của Chúa đối với người nghèo.
Sơ có đề nghị nào cho thành phố Chicago, đặc biệt để giảm tình trạng nghèo khó trong cộng đồng của sơ không?
Tôi cố gắng không quá chỉ trích mọi người đang cố gắng giúp chúng tôi. Tôi mong muốn làm sao cảnh sát tịch thu vũ khí bất hợp pháp.
Làm thế nào để các độc giả địa phương có thể làm thiện nguyện giúp đỡ sơ trong các chương trình của sơ?
Hầu hết các chương trình của chúng tôi điều hành được là nhờ các tình nguyện viên. Xin họ vào trang mạng chúng tôi để xem các bạn có thể đóng góp trong lãnh vực nào (HERE). Nếu các bạn có bất kỳ câu hỏi nào, xin gởi e-mail về chúng tôi.
Làm thế nào độc giả có thể quyên góp để giúp các công việc của sơ?
Chúng tôi sống hoàn toàn nhờ các nhà hảo tâm như ông. Quý độc giả có thể xem chi tiết ở đây (HERE).
Sơ có các buổi nói chuyện ở các giáo xứ địa phương về thần học và về các chương trình giáo dục khác nhau. Sơ thường thảo luận các chủ đề nào?
Chúng tôi có nhiều chủ đề khác nhau. Tôi đã có buổi nói chuyện về Điền kinh và Đức tin (giải thích theo các điểm tôi đã nói ở trên, cách nào thể thao giúp chúng ta trau dồi các đức tính), giáo huấn xã hội công giáo và về sứ mệnh nói chung. Sơ Alicia, một nữ tu khác trong cộng đoàn chúng tôi cũng nói về các chủ đề thần học khác nhau.
Tôi xin cám ơn sơ, các độc giả của tôi sẽ thấy kỹ năng chạy và đặc biệt là khiếu hài hước tuyệt vời của sơ, tôi hy vọng các độc giả của tôi sẽ quan tâm đến công việc của các sơ và sẽ đóng góp tích cực cho công việc của nhà dòng.
Marta An Nguyễn dịch
2020
Jean-Guilhem Xerri: Giải phóng cho những người bị Giam hãm
Jean-Guilhem Xerri: Giải phóng cho những người bị Giam hãm
Theo ông Jean-Guilhem Xerri, chủ tịch hiệp hội Giải phóng cho những người bị Giam hãm, phục vụ là yếu tố tự nhiên của sự tồn tại. Một trải nghiệm sống bên cạnh những người bị loại trừ có thể truyền cảm hứng cho chúng ta. Hiệp hội được Linh mục Patrick Giros thành lập năm 1981, Năm 2002, Đức Hồng Y Jean-Marie Lustiger (1926-2007), Tổng Giám mục giáo phận Paris bất ngờ đề nghị tôi thay thế linh mục Patrick Giros, sáng lập hiệp hội Giải phóng cho những người bị Giam hãm vừa qua đời.
Tôi lớn lên ở Perpignan và sau đó ở vùng Paris trong một gia đình sống nhiều hơn biểu lộ đức tin của mình. Cha tôi là bác sĩ làm việc ở vùng ngoại ô lao động. Vì ông nói được tiếng Ả Rập nên một số lớn người di dân ở đây đến phòng khám cha tôi. Tôi luôn thấy cha làm việc bảy ngày trên bảy, thức dậy nửa đêm khi có người gọi. Qua các lời nhắn trên điện thoại tôi ghi lại cho cha, tôi cảm nhận được lòng tôn trọng mà bệnh nhân dành cho ông. Mẹ tôi phụ trách Hội Thánh Vinh sơn Phaolô. Nhờ vậy mà năm 1979 tôi thấy một thanh niên Campuchia vào nhà ở, người đã đảo lộn cuộc sống chúng tôi. Anh là thuyền nhân đi trốn chế độ Pol Pot. Tôi, khá ‘man rợ’ thấy mình buộc phải chăm sóc anh ấy buổi chiều khi đi học về, đi cùng với anh đến các trại hè… Và dần dần, từ đứa bé nhỏ nhất nhà, tôi thành người anh lớn.
Nhanh chóng tôi nhận ra phục vụ là yếu tố tự nhiên của sự tồn tại. Nhưng phải đến năm 14 tuổi khi tôi đi khiêng cáng ở Lộ Đức, tôi mới hiểu được mối liên hệ giữa phục vụ với Tin Mừng. Tôi hình dung Nước Trời cũng không khác lắm với đền thánh này: nhiều người bị tổn thương (Chúa Kitô không đến vì người lành mạnh), tính phổ quát, tinh thần phục vụ người anh em và niềm vui khôn tả từ phục vụ. Chính khi ở bên cạnh người bệnh, tôi hiểu tầm quan trọng của việc lắng nghe, đó là điều đầu tiên và cuối cùng của lòng hiếu khách. Thứ nhất, vì mối quan hệ luôn bắt đầu bằng việc nghe một tên hoặc nghe một lời chào; cuối cùng, vì nghe một giọng nói, cho dù khi giọng nói không còn nghe được, nhắc cho người kia nhớ họ vẫn là sinh thể của hơi thở.
Kinh nghiệm này và sự gặp gỡ với các bệnh nhân ở bệnh viện, môi trường làm việc của tôi, đã đưa tôi đến hiệp hội SOS Tín hữu kitô giáo Lắng nghe. Tôi nhớ một cuộc gọi đặc biệt. Đó là quá nửa đêm, khoảng 3 giờ sáng. Người thanh niên cũng khoảng 23 tuổi, bằng tuổi tôi lúc đó. Anh nói với tôi: “Tôi làm điếm, đêm đó tôi tìm thấy một quyển sách trong thùng rác, tôi mở ra đọc. Quyển sách nói về một Thiên Chúa, vừa là Người Cha vừa là Tình yêu. Đau lòng cho tôi quá: Tôi, tôi bị cha tôi đánh đập và hiếp dâm suốt thời thơ ấu của tôi. Và tình yêu là 100 quan một lần đi khách thường, 200 quan thì ‘phục vụ’ nhiều hơn. Vì vậy, những gì quý ông kể là chuyện tào lao không đúng và tín hữu kitô quý ông là những người khốn nạn vì muốn làm cho chúng tôi tin các điều này… hoặc đó là sự thật thì quý ông còn khốn nạn hơn, vì tôi đã ở vỉa hè từ bảy năm nay và không một ai đến nói cho tôi biết có Chúa hiện hữu, Chúa của tình yêu…” Sau đó, năm 1995, tôi dấn thân làm việc trong hiệp hội Giải phóng cho những người bị Giam hãm, đây là cách tôi trả lời cho câu hỏi mà anh thanh niên điếm trẻ nói với tôi.
Chương trình của hiệp hội này là hỗ trợ người sống ngoài đường phố một cách toàn diện nhất có thể: từ thể xác đến tâm hồn; không chỉ về mặt xã hội, mà còn cả về mặt tinh thần. Thực tế của đường phố là sự sống chống lại cái chết. Trong cuộc chiến này, điều cấp bách đầu tiên là khôi phục nhân phẩm cho họ, những người thường tự cho mình như người đã chết: người vô gia cư, người làm điếm, trẻ em lang thang. Do đó, điều cần thiết là gặp họ và dành thì giờ cho họ, không phải chủ yếu mang đến cho họ các dịch vụ xã hội, nhưng đơn giản vì họ cũng giống chúng ta, là thành viên của cộng đồng nhân loại. Tôi hỏi một người vô gia cư, điều gì làm cho ông cảm thấy mình bị loại trừ, ông trả lời: “Chỉ có người được trả tiền cho công việc này mới đến gặp chúng tôi”… Chỉ khi nào sự tôn trọng bản thân được công nhận thì khi đó một động lực sống mới có thể được khởi động. Chỉ khi đó, tất cả các tiến trình trợ giúp xã hội mà các chuyên gia của hiệp hội đảm trách – y tế, nhà ở, giấy tờ… – mới tiến hành một cách có hiệu quả hơn.
Tôi tin vào Giáo hội vì ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã thấy Giáo hội hoạt động tích cực cho những người nghèo nhất. Và các cộng đồng địa phương làm điều này một cách rất bình thường. Ở các cộng đồng này, tôi luôn cảm thấy như tôi đang ở nhà tôi, thoải mái với tất cả các chuyện tế nhị ở đó. Và khi tôi là chủ tịch của hiệp hội Giải phóng cho những người bị Giam hãm, tôi muốn “những người bị giam hãm” giữ đạo gốc của họ. Hầu hết các địa điểm của chúng tôi ở trong giáo xứ và một đại diện của Tòa Tổng Giám mục Paris là thành viên chính thức trong ban quản trị chúng tôi. Không có chuyện chúng tôi chiêu dụ ai đó vào đạo. Việc chúng tôi đặt nặng các nhu cầu tinh thần là vì trước hết, phải đặt các câu hỏi cơ bản về ý nghĩa của sự sống, cái chết, sự tha thứ…, đó là các câu hỏi đặc biệt sâu đậm trong các hoàn cảnh bi thảm này. Nhưng chúng tôi không từ chối các lời xin mục vụ: tổ chức lễ rửa tội cho con của một cô gái điếm, cô thấy mình quá dơ bẩn để đi xin một mình, hoặc đi lễ trong tuần với một người vô gia cư vì họ sợ mùi khai của họ làm phiền người khác, tháp tùng các người vô gia cư đi Lộ Đức vì họ nghe Đức Mẹ làm phép lạ ở đó. Qua tất cả các sự việc này, chúng tôi là những người đầu tiên được phúc âm hóa.
Giải phóng cho những người bị Giam hãm
Hiệp hội Giải phóng cho những người bị Giam hãm được Linh mục Patrick Giros thành lập năm 1981, Hội luôn khẳng định bản sắc công giáo của mình. Tuy nhiên, nhờ sự chuyên nghiệp của 50 nhân viên và tất cả các tình nguyện viên của hiệp hội, hành động của Hội đã được các cơ quan công quyền công nhận và tài trợ phần lớn.
Trên thực tế, hợp tác với chính quyền và với Giáo hội là có một chỗ đứng lý tưởng, thậm chí còn mang tính ngôn sứ. Liên hoan Đường phố khai mạc ở sân trước Nhà thờ Đức Bà, một quảng trường công cộng ở trung tâm thành phố, và kết thúc bằng thánh lễ ở nhà thờ chính tòa là biểu tượng cho hình ảnh mà chúng tôi sống trong một xã hội thế tục được cởi mở và tôn trọng.
Các giai đoạn trong đời sống của tác giả Jean-Guilhem Xerri
1968: Sinh tại Perpignan.
1981: Người anh nuôi Campuchia vào nhà.
1985: Đi khiêng cáng ở Lộ Đức.
1990: Thành viên của tổ chức Tín hữu kitô Lắng nghe.
1995: Chủ tịch hiệp hội Giải phóng những người bị Giam hãm từ năm 2005 đến 2012.
1999: Nhà sinh học y tế trong các bệnh viện
2003: Nhà phân tâm học
2005: Chủ tịch hiệp hội Giải phóng cho những người bị Giam hãm.
2006: Xuất bản quyển sách Gặp những người hè phố (Nxb. Nouvelle Cité)
2007 Được bổ nhiệm vào Hội đồng Quốc gia về các chính sách chống loại trừ.
2009 Nhận Huân chương Bắc đẩu bội tinh.
2014: Xuất bản quyển Một tín hữu kitô dùng để làm gì?(nxb. Cerf) Giải Nhân đạo Kitô giáo
2018: Xuất bản quyển Hãy chăm sóc tâm hồn bạn. Khảo luận nhỏ về sinh thái nội tâm. (nxb. Cerf), Giải Văn học tôn giáo.
2019: Xuất bản quyển (Tái) sống lại từ nội tâm (nxb. Cerf).
Marta An Nguyễn dịch