2020
Giáo hội Ba Lan: Dạy giáo lý ở trường và giáo xứ đều cần thiết
Giáo hội Ba Lan: Dạy giáo lý ở trường và giáo xứ đều cần thiết
Nhân dịp các trường chuẩn bị cho năm học mới, trong một tài liệu được phổ biến trong những ngày gần đây, Đức cha Brand Mendyka, chủ tịch Ủy ban Giáo dục của Hội đồng Giám mục Ba Lan tuyên bố: “Dạy giáo lý ở trường học và ở giáo xứ đều cần thiết”.
Trong tài liệu, trước hết, Ủy ban Giáo dục cám ơn sự cộng tác và hỗ trợ của phụ huynh trong việc dạy giáo lý cho các em thiếu nhi từ 30 năm qua, nghĩa là sau khi chế độ cộng sản sụp đổ, việc dạy giáo lý được đưa trở lại trường học. Ủy ban nhấn mạnh rằng cha mẹ là “những người đầu tiên và là những giáo lý viên không thể thay thế cho con của họ”. Ủy ban yêu cầu trong tương lai các phụ huynh cần hỗ trợ thêm việc dạy giáo lý cho các em qua các ban của giáo phận, văn phòng giáo lý và các cơ sở giáo dục cũng như báo cáo những bất thường nếu có .
Đức cha Brand Mendyka viết: “Với việc tôn giáo trở lại trường học, như là các giáo lý viên đầu tiên, các bậc cha mẹ đã nhận được sự hỗ trợ trong sứ mệnh của họ, và điều này cho đến ngày nay vẫn được tiếp tục. Các bài học về tôn giáo phục vụ cho việc đào sâu kiến thức tôn giáo, giúp hình thành thái độ được linh hứng từ Tin Mừng, và ở một mức độ nhất định cũng chuẩn bị cho các Bí tích”.
Theo Ủy ban, quyết định đưa tôn giáo trở lại trường học, được thực hiện từ năm 1990, “hoàn toàn không phải do vai trò dạy giáo lý của giáo xứ bị suy yếu”. Có sự khác nhau giữa việc dạy giáo lý ở trường học và ở giáo xứ, cả hai bổ sung cho nhau và đều cần thiết.
Ở trường “cách tổ chức các bài học giáo lý khiến chúng trở thành một đề nghị đa dạng cho mọi người”. Ủy ban giải thích: “Thực tế, các bài học về tôn giáo, ngoài việc cho học sinh có cơ hội đặt câu hỏi và tìm câu trả lời, còn cho phép học sinh có được những thông tin cần thiết, để đức tin của các em ‘bám rễ vững chắc’. Ngoài ra, chính các em có thể loan báo Tin Mừng cho những người chưa tin và giúp họ tìm hiểu các khía cạnh tôn giáo trong lịch sử và văn hóa”. (CSR_6134_2020)
Ngọc Yến
2020
Các giám mục Đức chấp thuận thảo luận với Vatican về Huấn thị về giáo xứ
Các giám mục Đức chấp thuận thảo luận với Vatican về Huấn thị về giáo xứ
Hội đồng giám mục Đức cho biết họ sẽ chấp nhận lời mời của Vatican tham dự một cuộc họp ở Roma để thảo luận về Huấn thị mới về các giáo xứ do Bộ Giáo sĩ ban hành ngày 20 tháng 7 năm nay. Các giám mục cũng đề nghị cuộc họp sẽ có sự tham dự của các giáo dân đại diện cho “Tiến trình Công nghị” đang được tiến hành tại Đức.
Đức cha Bätzing, Chủ tịch Hội đồng giám mục Đức
Vào cuối khóa họp tại Würzburg hôm 24 tháng 8 vừa qua, hội đồng thường trực, bao gồm các giám mục giáo phận của 27 giáo phận Công giáo ở Đức, đã thông báo quyết định rằng Đức cha Georg Bätzing của Limburg “chấp nhận lời đề nghị đối thoại do Đức Hồng y Beniamino Stella, Tổng trưởng Bộ Giáo sĩ, đưa ra”.
Đề nghị có sự tham dự của giáo dân
Hơn nữa, theo hãng tin CNA tiếng Đức, Hội đồng Giám mục Đức đã thông báo rằng Đức cha Bätzing “sẽ đề nghị với Thánh Bộ rằng cuộc đối thoại được tiến hành với Đoàn Chủ tịch của ‘Con đường Công nghị’, vì các giám mục, linh mục, phó tế và giáo dân đều được ngỏ lời cách bình đẳng trong Huấn thị”.
Hôm 29 tháng 7, Đức Hồng y Stella nói rằng ngài sẽ rất vui khi được gặp các các giám mục để “loại bỏ những nghi ngờ và bối rối” được các giám mục Đức nêu lên. Ngài nói rằng cuộc gặp gỡ có thể diễn ra vào thời điểm thích hợp nếu các giám mục Đức muốn trình bày những phản đối của các ngài về Huấn thị do Bộ Giáo sĩ đưa ra.
Cũng theo hãng tin CNA tiếng Đức, có một số nhà phê bình xem Huấn thị được ban hành để đáp lại vấn đề một số giáo phận ở Đức có kế hoạch giảm mạnh con số các giáo xứ. Ví dụ như giáo phận Trier muốn giảm 800 giáo xứ xuống còn 35, hay giáo phận Freiburg có kế hoạch giảm từ 1.000 xứ xuống còn 40.
Trong cuộc phỏng vấn với báo La Stampa của Ý, Đức Hồng y Stella nói rằng “phải cẩn thận để không giảm giáo xứ xuống thành ‘chi nhánh’ của một ‘công ty’ – trong trường hợp này là giáo phận – với hậu quả là nó có thể được ‘lãnh đạo’ bởi bất kỳ ai, thậm chí có thể bởi các nhóm ‘các quan chức’ với các kỹ năng khác nhau.” Ngài nói thêm rằng Huấn thị khuyến khích các giáo xứ xem mình trước hết như là một “cộng đồng truyền giáo.” (CNA 24/08/2020)
Hồng Thủy
2020
Mừng 65 năm hồng ân thánh chức linh mục của Đức Cha Phêrô Trần Thanh Chung
MỪNG 65 NĂM HỒNG ÂN THÁNH CHỨC LINH MỤC CỦA ĐỨC CHA PHÊRÔ TRẦN THANH CHUNG
Ai nào đó hơn một lần ghé vào Tòa Giám Mục Kontum sẽ thấy đâu đó thấp thoáng hình bóng của một cụ già ở trong góc phòng nhỏ phía cuối vườn gần nhà cơm của Tòa Giám Mục. Trên tay vị cha già kính yêu ấy là tràng chuỗi Mân Côi và quyển sổ tay đã sờn nằm trong túi áo.
Đơn giản là với tuổi già sức kiệt cùng với trí óc không còn minh mẫn như xưa nên cứ có chuyện gì cần là ghi ghi chép chép.
Lần nọ, ngồi cạnh vị cha già kính yêu đó bỉ nhân nhìn vào quyển sổ tay nhỏ nhỏ con con. Trong quyển số tay đó, chằng chịt những dòng chữ ghi là ngày hôm nay dâng Lễ rồi, ngày hôm nay lần được bao nhiêu chuỗi …
Và điều đặc biệt nhất là đầu quyển sổ tay đó, người nào thấy được sẽ thấy cụ già Phêrô ghi : “Xin Mẹ cầm tay Chúa Giêsu ban phúc lành cho chúng con”.
Thương là thương như vậy đó nơi cụ già khả kính Phêrô Trần Thanh Chung. Và, đặc biệt là cụ già đáng kính ấy chính là vị giám mục ngày xưa của giáo phận Kontom sau 8 năm lãnh sứ vụ coi sóc đoàn chiên Chúa nơi giáo phận truyền giáo này đã về hưu.
Đức Cha Phêrô khả kính cất tiếng khóc chào đời ngày 10 tháng 11 năm 1926 nơi mảnh đất chịu nhiều xót xa Cồn Dầu – Đà Nẵng.
Sau thời gian tu học, Thầy phó tế Phêrô Trần Thanh Chung lãnh chức linh mục ngày 25/08/1955, tại Nhà thờ Chính tòa Kon Tum bởi Đức Cha Phaolô Seitz (Kim) trao truyền.
Điểm ghi dấu hồng phúc lớn hơn chức linh mục đó là sứ vụ Giám Mục. Ngày 26/03/1981, linh mục Phêrô được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám mục phó Giáo phận Kon Tum với quyền kế vị.
Và rồi ngày 22.11.1981, lễ tấn phong Giám mục lúc 18h00 tại nhà nguyện Chủng viện Thừa sai Kon Tum, do Đức Cha Alexis Phạm Văn Lộc chủ phong với khẩu hiệu Giám mục: “Dilexit me” (Ngài yêu tôi) ( Gl 2,20).
Sau thời gian 14 năm trong cương vị là giám mục phó, ngày 13.04.1995: Lễ Dầu sáng thứ năm Tuần Thánh tại nhà thờ Chính Tòa Kon Tum, Đức Cha Phêrô nhậm chức Giám mục Chính Tòa Kon Tum.
Với 8 năm làm Giám mục Chính tòa Kon Tum, Đức cha Phêrô trao quyền điều hành Giáo phận cho Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh 28.08.2003, ngài nghỉ hưu theo giáo luật.
95 năm cuộc đời làm người, làm con Chúa, làm linh mục và giám mục của Chúa, ngày hôm nay thứ Ba 25 tháng 8 năm 2020, Đức Cha Phêrô dừng lại để tạ ơn Chúa với 65 năm hồng ân thánh chức linh mục.
Với bản tính và con người nhỏ bé khiêm hạ, hôm nay Đức Cha mừng ngày thánh hiến cũng âm thầm và khiêm hạ. Có lẽ cũng không ngoài ý Chúa để Chúa bày tỏ vinh quang của Chúa nơi con người khiêm hạ mang tên Phêrô Trần Thanh Chung.
10 giờ sáng hôm nay : 25 tháng 8 năm 2020, ngày mà cách đây 65 năm về trước bước lên bàn Thánh trong thánh chức linh mục, cộng đoàn dân Chúa thân yêu quy tụ về Đền Thánh Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo Việt Nam của Giáo Phận Kontum để dâng lời tạ ơn Chúa.
Hiện diện và hiệp thông với Đức Cha Phêrô trong ngày kỷ niệm hồng phúc thánh hiến có đón Đức cha Aloisiô – Giám Mục Giáo Phận Kontum, cha Tổng Đại diện, quý cha Quản hạt, quý cha,) quý tu sĩ nam nữ, quý thân nhân, ân nhân và cộng đoàn dân Chúa xa gần. Vì đang sống trong những ngày giãn cách xã hội nên cộng đoàn dân Chúa cũng như quý Cha hiện diện như là những người đại diện. Nếu như không rơi vào những ngày giãn cách, có lẽ cộng đoàn sẽ đông hơn rất nhiều vì tình cảm cộng đoàn dành cho Đức Cha Phêrô rất lớn và sâu đậm.
Trước khi bước vào Thánh Lễ tạ ơn, Cha Giuse Đỗ Hiệu, Tổng Đại Diện thay mặt gia đình Giáo phận Kon tum nói lên tâm tình cảm tạ Thiên Chúa và chúc mừng Đức Cha Phêrô về Hồng Ân mà Thiên Chúa đã thương ban. Một chút quà gói ghém tình quý mến được Cha Quản Lý G B. Hồ Quang Huyên trao đến Đức Cha đáng kính.
Đức Cha Alôisiô Nguyễn Hùng Vị đã chia sẻ lời Chúa trong tâm tình tri ân Đức Cha Phêrô về đời sống gương mẫu cho các thế hệ hậu sinh cũng như những công sức mà ngài đã vun trồng trong Giáo phận suốt 65 năm qua.
Thánh lễ tạ ơn 65 năm hồng phúc linh mục của Đức Cha Phêrô khép lại trong bầu khí trang nghiêm, sốt sắng và nhẹ nhàng.
Mọi người sẽ trở về với gia đình, với công việc hằng ngày nhưng có lẽ không quên cầu nguyện cho Đức Cha kính yêu với tâm tình : “Xin Mẹ cầm tay Chúa Giêsu ban phúc lành cho chúng con”. Xin Chúa thương gìn giữ Đức Cha trong những ngày tháng còn lại khi tuổi tàn sức yếu. Những Thánh Lễ và những tràng chuỗi Mân Côi mỗi ngày Đức Cha dâng lên Chúa và Mẹ chắc chắc không quên lời cầu nguyện cho Giáo Phận nhà. Xin Chúa thương ban cho Giáo Phận Kontum ngày càng phát triển như lòng Chúa mong muốn.
2020
Con Người – Biến Cố – Thiên Chúa
Con Người – Biến Cố – Thiên Chúa
Như một điều hiển nhiên, con người luôn sống trong một hoàn cảnh nhất định với các biến cố cụ thể. Không thể có con người tách biệt ra khỏi hoàn cảnh với các biến cố. Do đó, tương quan giữa con người và Thiên Chúa luôn luôn được cụ thể hoá trong hoàn cảnh và biến cố.
- Chủ nghĩa vô thần
Chủ nghĩa vô thần loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi tương quan với con người. Như vậy, con người chỉ còn đối diện với các biến cố. Thế giới là tập hợp toàn bộ những sức mạnh hoạt động một cách chính xác và độc lập hoàn toàn theo các định luật của vật lý, sinh học, hóa học… Trong tự nhiên, tất cả đều hoạt động ngẫu nhiên theo sự tự do của các lực tác động, nghĩa là không do một ý thức hay tinh thần nào sắp xếp. Khi đó, chúng sẽ dẫn đến các kết quả tất yếu đúng theo các định luật sẵn có. Ngay cả con người cũng là tập hợp của các chuỗi phản ứng sinh-lý-hóa để tạo nên suy nghĩ, tư duy và tinh thần.
Như vậy, không có một Ý Nghĩa phổ quát nào, một Tư Tưởng nào điều khiển toàn thể, nhưng chỉ là hoạt động ngẫu nhiên và tự do. Tất cả đều vô nghĩa! Ý nghĩa duy nhất đó là những gì con người áp đặt lên các hoạt động, tư tưởng, mối quan hệ tuỳ theo suy nghĩ của con người. Người ta tạo ra những ý nghĩa nơi gia đình, nơi các tập thể, tổ chức hay giai cấp. Nhưng cuối cùng, biến cố mạnh hơn con người nên sẽ đè bẹp con người trong cái chết. Khi đó, sự vô nghĩa càng trở nên rõ ràng cụ thể hơn bao giờ hết. Các triết gia hiện sinh vô thần đã phân tích cho thấy sự vô nghĩa và phi lý tột cùng này.
- Tôn giáo
Trong tôn giáo, Thiên Chúa luôn hiện diện trong các biến cố mà con người trải qua. Người theo tôn giáo tin rằng khi họ làm những công việc theo lề luật dạy, khi cử hành các nghi thức tế tự, họ tác động lên Thiên Chúa và họ hy vọng Thiên Chúa sẽ đáp ứng lại một cách thuận lợi và tích cực qua các biến cố. Trong tất cả các biến cố cho dù thành công hay thất bại, niềm vui hay nỗi buồn, gặp gỡ hay chia ly, bệnh tật hay chữa lành, đều là hoạt động của Thiên Chúa. Các biến cố không có tính tự lập, nhưng chứa đựng sức mạnh, sự khôn ngoan, chương trình của Thiên Chúa.
Thiên Chúa ở trong biến cố giống như người thợ mộc cầm búa đóng đinh vào tường để treo bức tranh. Tất cả mọi sự đều xảy ra theo đúng ý của người thợ mộc, và tuỳ thuộc hoàn toàn vào sức mạnh, sự khéo léo, tính thẩm mĩ và ý tưởng có sẵn của ông ta. Do đó, khi có bất cứ sự dữ nào xảy ra, việc đầu tiên người tôn giáo làm là quy ngay trách nhiệm cho Thiên Chúa: Thiên Chúa ở đâu? Tại sao Chúa để cho những điều này xảy ra? Tại sao Chúa không ra tay cứu giúp? Và rất dễ hiểu, khi những vấn đề và sự hoài nghi này đạt đến một mức độ nào đó, người ta đành phủ nhận Thiên Chúa ra khỏi các biến cố, và trở nên người vô thần.
- Thiên Chúa cai quản thế giới
Từ muôn đời, Thiên Chúa đã làm chủ toàn bộ thời gian và không gian, từ tận cùng này đến tận cùng kia. Ngài biết mọi sự và mọi sự luôn là hiện tại đối với Ngài. Ngài cai quản mọi sự và điều hành mọi biến cố theo chương trình đã được thiết lập cho từng chi tiết nhỏ nhất (virus, vi khuẩn…) cho toàn bộ vũ trụ và toàn bộ lịch sử. Ngài trường tồn, vĩnh cửu, và biết rõ tất cả mọi sự. Mọi sự đều ở trong sự cai quản của Ngài theo các định luật tự nhiên. Riêng con người, vì có tự do, được Ngài thông ban những ân ban siêu vượt (được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa) để cộng tác với Thiên Chúa trong việc cai quản thế giới.
Trong điều kiện đó, con người có tự do để làm ra những sự dữ về mặt đạo đức, nghĩa là tội lỗi, vốn dĩ không nằm trong chương trình của Thiên Chúa. Điều cốt yếu trong tội lỗi đó là con người dùng tự do mà chối bỏ Thiên Chúa để sống theo những gì mình mong muốn. Câu chuyện về nguyên tội (tội đầu tiên) minh hoạ cho sự sa ngã này. Bên cạnh đó, bệnh tật, đau khổ, tật nguyền, và cái chết là sự dữ về mặt thể lý, cũng không nằm trong chương trình ban đầu của Thiên Chúa. Sự dữ về thể lý là kết quả của sự dữ về mặt đạo đức, nghĩa là hậu quả của tội lỗi.
Những sự dữ này không do Thiên Chúa tạo ra, nhưng chúng xảy ra và nằm trong chương trình của Ngài. Với quyền năng vô biên, Thiên Chúa làm cho các sự dữ này trở nên hữu ích cho con người bằng sự an bài của Ngài.
- Thiên Chúa an bài các biến cố và con người
Với tự do của mình, con người có thể trở thành người lành khi phục tùng Thiên Chúa hoặc kẻ dữ khi chống lại Thiên Chúa. Kẻ dữ dù có giàu sang, phú quý, thành công, mạnh khoẻ nhưng không tài nào thoát khỏi sự cai quản của Thiên Chúa. Có thể họ vẫn đang ung dung, nhưng những quy luật (tự nhiên và siêu nhiên) mà Thiên Chúa đã thiết lập sẽ sớm được thể hiện xứng đáng với những gì họ đã làm.
Người lành tìm kiếm Thiên Chúa trong mọi sự để nhận ra sự quan phòng với những chương trình và kế hoạch mà Thiên Chúa dành sẵn cho họ ngang qua các biến cố của đời sống. Các biến cố có vai trò như những bảng chỉ đường để họ tiến bước. Khi người lành gặp gian nan khốn khó, họ tin rằng đó là một thử thách để họ trưởng thành trong đức tin khi vâng phục. Họ tin rằng những điều tốt lành đích thực sẽ đến sau đó.
Như vậy, có một ý nghĩa tuyệt đối và hoàn hảo ngự trị trong toàn bộ thế giới này, đó là ý nghĩa mà Thiên Chúa, Đấng Khôn Ngoan và Toàn Năng, đã xác định. Chính trong sự khôn ngoan và quyền năng tuyệt đối ấy, Thiên Chúa cai quản và an bài mọi sự trong thế giới theo ý định của Ngài, bất chấp những sự dữ do những kẻ phản nghịch gây ra.
Với cái nhìn về Thiên Chúa là Đấng cai quản và an bài thế giới như thế, chúng ta thấy Thiên Chúa vừa có mặt nhiều nhất và vắng mặt nhiều nhất, được tìm kiếm nhiều nhất nhưng lại không thể hiểu được, vô cùng quan trọng nhưng xem ra lại vô ích. Đó mới chính là Thiên Chúa đích thực: Thiên Chúa khác với suy nghĩ của con người. Theo cái nhìn đó, ngôn sứ Isaia đã gọi Ngài là “Thiên Chúa Đấng ẩn mình”. Như vậy, Thiên Chúa không phải hoàn toàn vắng mặt theo học thuyết vô thần, cũng không hoàn toàn hiện diện theo những người theo tôn giáo.
Cao Viết Tuấn, CM