2020
Số người lớn được rửa tội tại Bỉ gia tăng đều đặn
2020
ĐTC Phanxicô bất ngờ điện thoại cho giám mục ở một tỉnh của Mozambique đang bị chiến binh Hồi giáo chiếm đóng
ĐTC Phanxicô bất ngờ điện thoại cho giám mục ở một tỉnh của Mozambique đang bị chiến binh Hồi giáo chiếm đóng
Sáng thứ Tư 19/08 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô bất ngờ gọi điện thoại cho Đức cha Luiz Fernando Lisboa, giám mục giáo phận Pemba, ở tỉnh Cabo Delgado, vì tình hình khó khăn của nước Mozambique.
Đức cha Luiz Fernando Lisboa
Đức cha Fernando Lisboa cho Vatican News biết là ngài nhận được cuộc điện thoại bất ngờ của Đức Thánh Cha vào lúc 11:29 sáng thứ Tư.
Đức cha Fernando Lisboa là người kiên trì lên tiếng nói, thu hút sự chú ý đến tình hình nhân đạo ngày càng tồi tệ ở tỉnh Cabo Delgado, miền bắc của Mozambique.
Kể từ năm 2010, Cabo Delgado đã chứng kiến việc phát hiện ra trữ lượng khí đốt đáng kể ngoài khơi vùng biển. Khu vực này hiện là nơi có khí tự nhiên lỏng lớn nhất châu Phi, thu hút đầu tư khổng lồ cho việc khai thác. Một cuộc nổi dậy ngày càng tăng và liên tục hiện đang đe dọa các khoản đầu tư.
Đức Thánh Cha quan tâm theo dõi các diễn biến trong vùng
Đức giám mục của giáo phận Pemba cho biết cuộc điện thoại của Đức Thánh Cha mang lại sự an tâm và an ủi. Đức Thánh Cha bày tỏ sự gần gũi của ngài với Đức cha và người dân miền Cabo Delgado. Đức Thánh Cha quan tâm theo dõi các diễn biến trong vùng và cầu nguyện cho họ và nói rằng nếu có điều gì ngài có thể làm thì đừng ngần ngại yêu cầu ngài.
Đức cha Fernando Lisboa đã bày tỏ sự cảm kích sâu sắc về cuộc gọi của Đức Thánh Cha và biết ơn ngài đã cầu nguyện cho tỉnh Cabo Delgado hôm Chúa Nhật Phục Sinh. Đức cha nói với Đức Thánh Cha rằng việc ngài đề cập đến cuộc khủng hoảng nhân đạo ở tỉnh Cabo Delgado khiến những người khác cũng chú ý đến hoàn cảnh nơi đây. Họ bắt đầu thấy nhiều hội đoàn, một số tổ chức nhân đạo, cá nhân – cả địa phương và bên ngoài bắt đầu tiếp cận để giúp đỡ.
Chiến binh thánh chiến chiếm giữ thị trấn cảng Mocimboa da Praia
Đức cha đã thông tin cho Đức Thánh Cha về hoàn cảnh của thị trấn cảng Mocimboa da Praia đã bị chiếm giữ bởi các chiến binh thánh chiến được cho là có liên quan đến Nhà nước Hồi giáo (I.S.). Theo báo cáo, các lực lượng chính phủ đã rời khỏi thị trấn chiến lược sau khi các chiến binh thánh chiến tấn công nó vào tuần trước.
Với việc thị trấn Mocimboa da Praia nằm trong tay quân nổi dậy Hồi giáo, trong hơn một tuần nay, Đức cha Fernando Lisboa và Giáo phận Pemba không có tin tức gì về hai nữ tu.
Cuối cùng, Đức Thánh Cha khuyến khích Đức cha và người dân tiến bước, giữ vững đức tin. Ngài chúc lành cho người dân tỉnh Cabo Delgado và toàn dân Mozambique. (CSR_6072_2020)
Hồng Thủy
2020
Đức Hồng y Konrad Krajewski – gương mặt thương xót của Giáo hội
Đức Hồng y Konrad Krajewski – gương mặt thương xót của Giáo hội
Đức Hồng y Konrad Krajewski đang là Chánh Sở Từ thiện của Đức Thánh Cha. Ngài đã mang một diện mạo mới cho hoạt động này của Đức Thánh Cha, với những dấn thân giúp đỡ bênh vực người di dân, giúp đỡ người vô gia cư nghèo khổ, thăm viếng những cộng đoàn gặp khó khăn. Qua sự dấn thân của Đức Hồng y Krajewski, gương mặt thương xót của Giáo hội càng nổi bật hơn.
ĐHY Konrad Krajewski với người nghèo ở Roma
Người ta kể lại rằng một ngày nọ, có một vị giám đốc của một trong những công ty sản xuất giày lớn nhất của Ý đến gặp một giám mục ở Vatican và nói rằng ông muốn tặng cho quỹ giúp đỡ người nghèo của Đức Giáo hoàng một triệu euro. Nhưng vị giám đốc này đã vô cùng ngạc nhiên khi vị tổng giám mục đã từ chối nhận món quà của ông; ngược lại, ngài đề nghị với vị doanh nhân hãy tìm xem trong số 4.000 nhân viên trong các công xưởng của ông, những ai đang phải chật vật trả tiền thuê nhà hay không thể đóng tiền ăn trưa cho con cái ở trường, và hãy chia sẻ số tiền một triệu euro đó cho những người này.
Một tháng sau, vị doanh nhân này gọi lại cho Đức tổng giám mục và nói rằng mặc dù ông không thể tìm thấy thông tin này về các nhân viên của mình, nhưng ông suy nghĩ về việc Đức tổng giám mục đã nói về những bàn chân bị cong queo và bệnh tật của những người vô gia cư và họ rất khó để tìm được những đôi giày vừa vặn. Đáp lại, Đức tổng giám mục gợi ý cho ông thiết kế một loạt giày cho người nghèo có chiều rộng ở vòm bàn chân. Doanh nhân này đã đồng ý và một nhóm tình nguyện viên đã phân phát 10.000 đôi giày được sản xuất theo yêu cầu cho những người vô gia cư ở Roma.
Vị tổng giám mục đó hiện nay chính là Đức Hồng y Konrad Krajewski, Chánh Sở Từ thiện của Đức Thánh Cha, hay cũng được gọi là giám đốc hoạt động bác ái của Đức Thánh Cha, và là một trong những nhân vật hấp dẫn nhất ở Vatican hiện nay. Ngài đã kể giai thoại trên trong một cuộc họp ở Łódź, nhưng không bao giờ tiết lộ danh tính của doanh nhân đó.
Sở Từ thiện của Đức Thánh Cha
Sở Từ thiện của Đức Thánh Cha là một văn phòng rất lâu đời, có từ thời Trung cổ, có nhiệm vụ điều phối các hoạt động bác ái của Đức Giáo hoàng. Tuy nhiên, cho đến thời Đức tổng giám mục Krajewski, rất ít người trong lịch sử Giáo hội thậm chí biết rằng có tồn tại một công việc như thế. Trong thời gian Đức Hồng y Krajewski đứng đầu văn phòng bác ái của Đức Giáo hoàng, ngài đã tạo nên một kỷ lục về việc giúp đỡ những người khốn khó với sự quyết tâm và sáng tạo. Từ việc lắp đặt nhà tắm cho người vô gia cư tại Vatican đến giúp đỡ những người tị nạn, ngài đã biến văn phòng bác ái của Đức Thánh Cha từ một vai trò mờ mịt thành một cơ quan ngôn luận ủng hộ người nghèo của Roma và thế giới.
“Robin Hood của Đức Giáo hoàng”
Phương pháp của Đức Hồng y Krajewski nổi tiếng là hết sức độc đáo. Vào tháng 5 năm ngoái, ngài đã trèo xuống một miệng cống trong một tòa nhà dân cư ở Roma và gỡ con dấu niêm phong của một nhà cung cấp năng lượng, để cung cấp lại điện và nước nóng cho tòa nhà này. Những tiện ích này đã bị cắt trong 5 ngày vì 450 người sống trong tòa nhà, bao gồm một trăm trẻ em – người di cư và người thuộc sắc tộc Rom vô gia cư sống ở đó từ năm 2013 – nợ 300.000 euro tiền điện chưa thanh toán.
Lý do khiến Đức Hồng y Krajewski hành động như thế là vì tình cảnh khốn khó của những người nghèo sắc tộc Rom đã khiến ngài xúc động sâu xa đến nỗi luật pháp trở thành điều quan trọng thứ yếu đối với ngài. Báo La Repubblica, tờ báo cánh tả lớn nhất của Ý, vốn không thiện cảm với Giáo hội Công giáo, đã đưa sự kiện này lên trang bìa và gọi Đức Hồng y Krajewski là “Robin Hood của Đức Giáo hoàng”.
Việc phá luật để tạo điều kiện sống nhân đạo hơn cho hàng trăm người vô gia cư và di cư hình ảnh minh họa về Đức Hồng Y Krajewski, người ngày càng xuất hiện trên các tiêu đề quốc tế kể từ khi được bổ nhiệm làm giám đốc các hoạt động bác ái của Đức Thánh Cha kể từ năm 2013.
Câu chuyện về một linh mục mua thức ăn cho người vô gia cư
Đức Hồng y Konrad Krajewski sinh năm 1963, trong một gia đình thuộc tầng lớp lao động ở Łódź, Ba Lan. Năm 1982, ngài gia nhập chủng viện và thụ phong linh mục năm 1988. Sau đó ngài làm cha xứ tại tổng giáo phận Łódź. Năm 1990, ngài theo học phụng vụ và thần học ở Rôma, đồng thời cộng tác với Văn phòng Nghi lễ Phụng vụ của Đức Thánh Cha. Năm 1995 ngài trở về Ba Lan, giữ chức Chưởng nghi của tổng giáo phận và dạy phụng vụ tại chủng viện và học viện của các dòng. Năm 1988, ngài trở lại Roma và làm việc tại Văn phòng Nghi lễ Phụng vụ của Đức Thánh Cha. Năm 1999, Đức Gioan-Phaolô II đã bổ nhiệm ngài vào ban nghi lễ phụng vụ của Đức Thánh Cha.
Mặc dù vào thời điểm này, nhiệm vụ chính thức của Đức ông Krajewski phải là giúp đỡ người nghèo, nhưng ngay sau khi đến Vatican vào năm 1998, câu chuyện về một linh mục mua thức ăn cho người vô gia cư cắm trại gần Quảng trường thánh Phê-rô bắt đầu lan truyền khắp thành phố Roma.
Trở thành cánh tay phải của Đức Thánh Cha trong việc giúp đỡ người nghèo
Năm tháng sau khi được bầu chọn làm Giáo hoàng, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã bổ nhiệm cha Krajewski làm Chánh Sở Từ thiện của Đức Giáo hoàng và tấn phong ngài làm tổng giám mục. Ngày 28 tháng 6 năm 2018, Đức Thánh Cha tiếp tục thăng Đức tổng giám mục Krajewski làm Hồng y.
Năm 2014, Đức tổng Krajewski đã lắp đặt nhà tắm cho người vô gia cư tại quảng trường thánh Phê-rô. Ý tưởng này đến với ngài khi một người đàn ông vô gia cư đã sống trên đường phố Roma trong nhiều năm nói với ngài hôm đó là sinh nhật lần thứ 50 của ông. Khi Đức tổng giám mục Krajewski muốn mời ông đi ăn tối, người đàn ông trả lời rằng không có nhà hàng nào cho anh ta vào vì mùi hôi trên người của ông.
Năm ngoái, Đức Thánh Cha Phanxicô đã yêu cầu Đức Hồng y Krajewski biến tòa nhà Palazzo Migliore bên cạnh hàng cột của quảng trường thánh Phê-rô thành “Dinh thự cho người nghèo”, nơi ít nhất 50 người vô gia cư có thể ngủ và nơi các tình nguyện viên có thể phục vụ bữa ăn nóng cho người nghèo. Trong khi đó, tại Bangui, Cộng hòa Trung Phi, Đức Hồng y đã tham dự lễ khánh thành một bệnh viện dành cho trẻ em chết đói được thành lập theo sáng kiến của Đức Thánh Cha.
Rao giảng Tin Mừng đặc biệt qua những cử chỉ hơn là lời nói
Krzysztof Tadej, một nhà báo Ba Lan và là biên tập viên của cuốn sách Zapach Boga – Hương thơm của Chúa, sưu tập các bài giảng và diễn văn của Đức Hồng y Krajewski, cuốn sách trở thành bestseller ở Ba Lan, đã nói rằng “mặc dù Đức Hồng y Krajewski có những bài giảng hay, nhưng ngài rao giảng Tin Mừng cho người khác đặc biệt qua những cử chỉ của ngài hơn là lời nói. Sức mạnh của ngài đến từ các sách Tin Mừng và chính Thiên Chúa, và việc giúp đỡ người khác xuất phát từ cách suy nghĩ theo các sách Tin Mừng”.
Cả ở Ý và ở Ba Lan, quê hương của Đức Hồng y Krajewski, các chính trị gia tự xưng là người bảo vệ các giá trị Công giáo đã thẳng thừng từ chối nhận người tị nạn từ Trung Đông và Châu Phi. Hồng y Krajewski, giống như Đức Thánh Cha Phanxicô, là người ủng hộ họ. Ngài nói trong một khóa tĩnh tâm dành cho các linh mục của tổng giáo phận Łódź cách đây hai năm trước: “Ở Ba Lan, chúng ta bị chia rẽ về chủ đề của những người thậm chí không tồn tại ở đây: người tị nạn.”
Kể từ khi cuộc khủng hoảng tị nạn bắt đầu, Đức Hồng y đã đến thăm đảo Lampedusa, hòn đảo ở Địa Trung Hải, nằm giữa Sicily và châu Phi, là điểm đến của nhiều người tị nạn, để hỗ trợ những người chạy trốn các cuộc bách hại, và chôn cất những người chết đuối một cách đàng hoàng. Đầu năm nay, ngài đã đến đảo Lesbos ở Hy Lạp để đưa ba mươi ba người tị nạn đến Roma, nơi họ sẽ được Vatican và Cộng đồng thánh Egidio chăm sóc.
Trong thời đại dịch virus corona
Trong thời gian đại dịch virus corona, hình ảnh vị Hồng y chăm lo việc bác ái của Đức Thánh Cha lại càng nổi bật hơn với lòng trắc ẩn, quan tâm cho người nghèo, cho những người dễ bị tổn thương. Qua ngài, cánh tay bác ái của Đức Thánh Cha vươn tới rất nhiều người. Đức Hồng y mời gọi các linh mục tu sĩ tham gia phân phát các bữa ăn cho những người vô gia cư sống xung quang quảng trường thánh Phê-rô, tại nhà ga trung tâm ở Roma, tại các cơ sở bác ái. Chính Đức Hồng y là người xắn tay áo, khiêng những thùng thực phẩm nhận được, đích thân lái xe hàng trăm cây số, đến thăm và giúp đỡ các nhà dòng đang bị cách ly vì có hàng chục tu sĩ nhiễm virus. Đức Hồng y thay mặt cho Đức Thánh Cha, phân phát các máy thở, các dụng cụ y tế cho các bệnh viện, các nước. vv. Thời gian cách ly vì đại dịch thì Đức Hồng y lại cần tiếp xúc nhiều hơn để tổ chức các công việc, để gặp gỡ an ủi người nghèo, người đau khổ.
Xây dựng một Giáo hội có lòng thương xót
Ngày 28 tháng 6 năm 2018, khi Đức Thánh Cha thăng Đức tổng giám mục Krajewski làm Hồng y, tờ báo Rzeczpospolita của Ba Lan đã đăng một bài báo có tựa đề: “Đức Hồng y Konrad Krajewski: có thể là vị Giáo hoàng thứ hai người Ba Lan không?” Bài báo phân tích những đặc điểm có thể làm Đức Hồng y trở thành một vị Giáo hoàng hấp dẫn như kinh nghiệm làm việc tại giáo triều Roma, hình ảnh của một giám chức đi ra gần gũi với dân chúng chứ không phải là một vị lãnh đạo bàn giấy; kinh nghiệm mục vụ rộng rãi của ngài giúp ngài hiểu được thế giới nghèo đang chiếm 2/3 số tín hữu Công giáo, vv.
Cũng có những ý kiến ngược lại, cho là ngài còn quá trẻ, hoặc là chỉ mới khoảng 20 năm sau triều đại của thánh Giáo hoàng Gioan Phao-lô II, một vị Giáo hoàng Ba Lan, thì lúc này các Hồng y chưa nghĩ đến việc bầu cho một Giáo hoàng gốc Ba Lan thứ hai, vv. Tuy nhiên, đó chỉ là những dự đoán, còn điều quan trọng đối với Đức Hồng y Krajewski và chắc chắn là đối với Giáo hội, ngài đã lưu lại dấu ấn khó phai cho văn phòng bác ái của Đức Thánh Cha, khi biến nó từ một vai trò vô danh trở thành nguồn bác ái ở Roma và cho thế giới. Đó là một hình ảnh của Giáo hội có lòng thương xót như Cha trên trời là Đấng thương xót.
Hồng Thủy
2020
Cha sở thuộc giáo phận Detroit được giải oan và được bồi thường 125 ngàn đô la
Cha sở thuộc giáo phận Detroit được giải oan và được bồi thường 125 ngàn đô la
Một thắng lợi tuy không lớn lắm nhưng cũng đủ làm hàng giáo phẩm và giáo dân Công Giáo thuộc địa phận Detroit tiểu bang Michigan thở phào nhẹ nhõm. Đặc biệt là nạn nhân của cáo buộc lạm dụng tình dục này, cha Eduard Perrone, đã có cơ hội được giải oan và phục hồi sứ vụ của mình là chánh xứ tại cộng đoàn Công Giáo Đức Mẹ Lên Trời tại địa phận nói trên, một nhiệm vụ mà ngài đã gánh vác suốt 25 năm không một tì vết cho đến ngày bị hàm oan.
Theo chính lời kể của cha Perrone với tờ Detroit Free Press, ngài đã bị một nữ cảnh sát quận hạt Macomb cáo buộc ngài tội lạm dụng tình dục một cậu bé giúp lễ, căn cứ vào những lời cậu bé này nói lại với cô ta vào năm 2019. Cha Perrone đã tức khắc bị bề trên thuộc tổng giáo phận chấm dứt mục vụ của ngài trong khi chờ đợi cuộc điều tra của nhà chức trách.
Cuộc điều tra đã kéo dài cả hơn 13 tháng. Cha Perrone một mực kêu oan. Biện lý John Schapka nói ngài không làm gì sai trái, còn cậu bé giúp lễ kia sau đó lại thay đổi lời khai và nói rằng chuyện lạm dụng không hề xảy ra, cậu ta bị mua chuộc và đe dọa.
Cha Perrone đã đâm đơn kiện cảnh sát LePage. Biện lý cuộc sau nhiều ngày thương thuyết đã đồng ý trả cho cha Perrone một số tiền bồi thường là 125 ngàn đô la để ngài rút lại vụ kiện.
Cha Perrone đồng ý, vì theo ngài, tiền bạc không là vấn đề, ngài chỉ mong ước được lấy lại tiếng tốt và được trở lại sứ vụ chăn chiên của mình ở cộng đoàn Đức Mẹ Lên Trời.
Theo tuyên bố của phát ngôn viên tổng giáo phận là ông Ned McGrath, việc phục hồi công tác mục vụ cho cha Perrone trong tư cách một linh mục hiện đang chờ quyết định từ Vatican.
Việc cha Perrone thắng kiện diễn ra chỉ hai ngày sau Lễ Đức Mẹ Lên Trời, không chỉ mang một ý nghĩa thiêng liêng với cá nhân cha, mà nó còn là một nhắc nhở cho mọi người trong cộng đoàn rằng Đức Mẹ luôn đoái đến những người con trung thành và luôn dốc lòng cậy trông phó thác vào tình thương của Chúa và Mẹ.
Đặng Tự Do