2020
Trừ tà bậy bạ, hậu quả khó lường. Chỉ các linh mục được cấp phép mới có năng quyền trừ quỷ
Trừ tà bậy bạ, hậu quả khó lường. Chỉ các linh mục được cấp phép mới có năng quyền trừ quỷ
Hiệp hội các nhà trừ tà quốc tế khẳng định rằng: Trừ quỷ không có phép chỉ mở đường cho quỷ nhập vào người ta
Tờ Aleteia, nghĩa là Chân lý tỏ tường, cho biết hiệp hội các nhà trừ tà quốc tế sắp công bố một cẩm nang bằng nhiều thứ tiếng để mọi người hiểu rõ hơn về việc trừ quỷ trong Giáo Hội.
Hiệp hội quốc tế các nhà trừ tà Công Giáo đã xuất bản một cuốn sách hướng dẫn về thực hành trừ tà bằng tiếng Ý vào tháng Năm vừa qua. Vì tầm quan trọng của vấn đề này, các Giám Mục trên thế giới đã yêu cầu cuốn sách được dịch ra nhiều thứ tiếng khác nhau để phổ biến rộng rãi cho công chúng.
Cụm từ “để phổ biến rộng rãi cho công chúng” không có nghĩa là hiệp hội đang khuyến khích công chúng thực hiện các nghi thức trừ quỷ. Ngược lại là đàng khác. Hiệp hội các nhà trừ tà quốc tế, gọi tắt là IAE, khẳng định rằng các nghi thức trừ tà nhất thiết phải được thực hiện bởi các linh mục được sự cho phép của đấng bản quyền địa phương.
IAE cho biết một phiên bản tiếng Anh đang được Tòa Thánh xem xét và sẽ ra mắt vào cuối năm 2020 hoặc cùng lắm là đầu năm 2021.
IAE được thành lập cách đây 20 năm bởi Cha Gabriele Amorth, một nhà trừ tà nổi tiếng ở Rôma, và các linh mục khác. Chủ tịch hiện tại của IAE, là Cha Francesco Bamonte, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tờ Avvenire, nghĩa là Tương Lai, một tờ nhật báo của Hội đồng Giám mục Ý, rằng cuốn sách nhằm cung cấp cho các linh mục thành viên của hiệp hội một cẩm nang về giáo lý và thực hành dựa trên Nghi thức Trừ tà của Giáo Hội Công Giáo. Ban đầu, nó được xuất bản trực tuyến, chỉ có thể truy cập cho các thành viên, nhưng hiệp hội đã quyết định công bố rộng rãi cho công chúng dưới dạng sách in sau khi nhiều Giám Mục và linh mục nói rằng việc công bố như thế chắc chắn mang lại nhiều điều tốt đẹp.
Cha Bamonte nói thêm rằng ấn phẩm của IAE có thể giúp làm sáng tỏ “một số điểm mù mờ và ngộ nhận chung quanh khía cạnh tế nhị này.” Trước hết, cuốn sách “nhằm chống lại các khai thác giật gân của các phương tiện truyền thông chung quanh nghi lễ trừ tà.” Thứ hai, cuốn sách tấn công vào các lạm dụng. Tại nhiều nước trên thế giới, nhiều người không Công Giáo và đôi khi cả những người Công Giáo, tự xưng mình có khả năng trừ quỷ, chế ra các nghi thức đi ngược lại đức tin, đôi khi không khác các thuật phù thủy bao nhiêu, đôi khi áp dụng các hình thức đánh đập bạo lực dẫn đến thương vong, và cũng không thiếu các trường hợp lạm dụng tình dục và tiền bạc của nạn nhân.
Cha Francesco Bamonte nhấn mạnh rằng quyền năng trừ quỷ xuất phát từ Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã ban quyền trừ quỷ cho các Tông đồ và những người kế vị các ngài. Do đó, thẩm quyền thực hiện các phép trừ quỷ hoàn toàn thuộc về các linh mục được đấng bản quyền địa phương chỉ định. Một báo cáo của tờ Crux cho biết có quá nhiều “nhà trừ quỷ lừa đảo” không thừa nhận sự thật đó, mặc dù, chính việc bác bỏ thẩm quyền chính đáng và hợp pháp của đấng bản quyền đã tự nó cho thấy hành động của các “nhà trừ quỷ” này không được thúc đẩy bởi Thiên Chúa.
IAE muốn nhấn mạnh rằng chính quyền năng của Chúa Kitô được truyền qua Giáo hội – chứ “không phải một công thức trừ tà mạnh mẽ nào đó hay ‘quyền năng’ của một cá nhân” là yếu tố quyết định kết quả của một cuộc trừ quỷ.
Mục vụ trừ quỷ không chỉ là đọc những lời cầu nguyện mà là “sự phân định và đồng hành với những tín hữu bị ma quỷ dày vò, ” hiệp hội IAE nói.
Tờ Crux cũng báo cáo thêm “Bản hướng dẫn của IAE cảnh báo rằng các linh mục và giáo dân cố ý thực hiện các phép trừ quỷ trái phép, nghĩa là không có sự cho phép của đấng bản quyền, thực sự có thể mở ra những cánh cửa để ma quỷ tiếp tục ảnh hưởng đến những người mà họ tưởng là họ đang cố gắng giúp đỡ.”
Hướng dẫn của IAE nhấn mạnh rằng một số hoạt động nhất định, bao gồm mê tín dị đoan và phù thủy, có thể trở thành dịp để ma quỷ ảnh hưởng đến con người.
Tuy nhiên, Cha Bamonte cũng lưu ý trong cuộc phỏng vấn với Avvenire rằng có “những kẻ tội lỗi ngập đầu nhưng không mắc bất kỳ căn bệnh bất thường nào từ ma quỷ, trong khi có những vị thánh thực sự lại từng là nạn nhân của những hành động độc ác phi thường.”
Vì thế, chúng ta không nên có định kiến cho rằng người bị quỷ ám là một người tội lỗi ghê lắm.
Đặng Tự Do
2020
Nhà thờ chính tòa Cincinnati được nâng lên thành Tiểu Vương Cung Thánh Đường
Nhà thờ chính tòa Cincinnati được nâng lên thành Tiểu Vương Cung Thánh Đường
Tổng giáo phận Cincinnati vừa thông báo rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã trao tước hiệu Tiểu Vương Cung Thánh Đường cho Nhà thờ St. Peter in Chains, nghĩa là Thánh Phêrô bị xiềng xích. Nhà thờ chính tòa này sẽ kỷ niệm 175 năm thành lập vào mùa thu năm nay.
St. Peter in Chains là nhà thờ lâu đời nhất được xây dựng như một nhà thờ chính tòa mà ngày nay vẫn còn được sử dụng ở Hoa Kỳ.
“Đối với tất cả chúng ta, những người đang sống và thờ phượng trong tổng giáo phận này, đây là một phước lành và vinh dự lớn lao đã được ban cho nhà thờ chính tòa của chúng ta, ” Đức Tổng Giám Mục Dennis Schnurr của Cincinnati, đã đưa ra nhận định trên khi thông báo về việc chỉ định này trong một thánh lễ hôm thứ Bảy.
“Hôm nay khi mừng Lễ Đức Mẹ Lên Trời, chúng ta hãy cầu nguyện cho nhà thờ chính tòa của Tổng giáo phận Cincinnati, các giáo sĩ và tín hữu của Mẹ, cùng với tất cả người dân của thành phố vĩ đại này, có thể được hưởng các ơn phúc từ phước lành này và tạ ơn vì tất cả những gì Chúa đã mang lại cho chúng ta.”
Danh hiệu Tiểu Vương Cung Thánh Đường, tiếng Anh là Minor Basilica, là một vinh dự được Đức Giáo Hoàng ban tặng để ghi nhận một nhà thờ có “tầm quan trọng đặc biệt đối với đời sống phụng vụ và mục vụ, ” và biểu thị một “mối liên hệ đặc biệt” với Rôma và Đức Giáo Hoàng. Việc xét duyệt tuân theo theo các tiêu chuẩn nghiêm nhặt được quy định trong Tài liệu Domus Ecclesiae của Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích được ban hành năm 1989.
Tại Hoa Kỳ, hiện có 89 Tiểu Vương Cung Thánh Đường. Khoảng 1, 700 nhà thờ trên thế giới được chỉ định là Tiểu Vương Cung Thánh Đường. Giáo Hội Hoàn Vũ có bốn Đại Vương Cung Thánh Đường, tất cả đều nằm ở Rôma.
Nhà thờ St. Peter in Chains được xây dựng vào ngày 2 tháng 11 năm 1845. Đây là công trình kiến trúc cao nhất thành phố này trong nhiều năm. Bên trong được trưng bày một bức tranh khảm lớn cho thấy những cảnh trong cuộc đời của Thánh Phêrô. Theo tổng giáo phận, những ảnh tượng trong ngôi nhà thờ này chịu ảnh hưởng nghệ thuật của các phong cách Art Deco, Hy Lạp cổ đại, Chính Thống Giáo Đông phương và Công Giáo La Mã thời sơ khai. Tòa nhà đã trải qua một cuộc đại trùng tu vào những năm 1950.
Trước đại dịch coronavirus, St. Peter in Chains đã tổ chức hơn 1, 000 thánh lễ mỗi năm và là một địa điểm hành hương nổi tiếng.
Nhà thờ chính tòa Cincinati đã nộp đơn lên Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích vào năm 2018. Các điều kiện để có được danh hiệu này bao gồm địa vị của nhà thờ là “một trung tâm phụng vụ và mục vụ tích cực; nổi tiếng trong toàn giáo phận; vá có giá trị lịch sử hoặc tầm quan trọng cũng như có giá trị nghệ thuật.”
Tổng giáo phận thông báo rằng một Thánh lễ Tạ ơn sẽ được tổ chức vào ngày 7 tháng 11 tại nhà thờ chính tòa nhân kỷ niệm 175 năm ngày cung hiến.
Thống đốc Ohio Mike DeWine và Thị trưởng Cincinnati John Cranley đã gửi lời chúc mừng đến cộng đồng Công Giáo nhân dịp này.
“Giáo Hội Công Giáo và số lượng lớn người Công Giáo trong khu vực của chúng ta đã giúp làm cho khu vực Greater Cincinnati trở thành nơi tuyệt vời để sinh sống, làm việc, vui chơi và cầu nguyện, ” Thị trưởng Cranley, người đã tham dự Thánh lễ cho biết khi thông báo được đưa ra.
“Từ việc bắt đầu xây dựng các bệnh viện lớn chăm sóc người bệnh, giúp đỡ người đói và người nghèo, đến việc giáo dục các thế hệ người Công Giáo vươn lên thoát nghèo và đạt đến đỉnh cao của vai trò lãnh đạo công dân và kinh doanh, Giáo Hội Công Giáo đã mang lại cuộc sống, minh chứng cho niềm tin cốt lõi của mình, và Vương Cung Thánh Đường này đã trở thành hiện thân tuyệt đẹp – một loại Tượng Nữ thần Tự do – cho những công trình tốt đẹp này và là lời nhắc nhở mãi mãi cho những người Cincinnati Công Giáo rằng họ có một ngôi nhà tinh thần đáng tự hào.”
Đặng Tự Do
2020
Thêm một giám mục được bổ nhiêm ở Chiết Giang
Thêm một giám mục được bổ nhiêm ở Chiết Giang
Các quan chức của Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc (CCPA) và Hội đồng Giám mục Giáo Hội Công Giáo Trung Quốc (BCCCC) đã chủ toạ một buổi lễ bổ nhiệm Giám mục Jin Yangke (Kim dương khoa) của Giáo phận Ningbo (Ninh ba) ở tỉnh Zhejiang (Chiết Giang, ) miền đông Trung Quốc vào ngày 18 tháng 8.
Như vậy thì kể từ khi có thỏa thuận giữa Vatican và Trung hoa thì Giám mục Kim dương khoa là vị giám mục thứ sáu được bổ nhiệm.
“Buổi lễ được kiểm soát rất nghiêm ngặt, chỉ có linh mục, nữ tu, quan chức và người thân của giám mục được vào bên trong”, một người Công Giáo đứng đợi bên ngoài nhà thờ cho biết.
Tất cả khoảng 150 người được phép đi vào tham dự buổi lễ, gồm có 30 linh mục và 30 nữ tu.
Giám mục (quốc doanh) Joseph Ma Yinglin (Mã anh lâm) của Kunming (Côn Minh, ) với tư cách là chủ tịch BCCCC và phó chủ tịch CCPA, là người chủ toạ buổi lễ.
Việc bổ nhiệm giám mục 62 tuổi Kim dương khoa là kết quả của các cuộc đàm phán kể từ khi hiệp ước giữa Vatican và Trung Quốc được ký kết vào tháng 9/2018.
Giám mục Kim dương khoa nguyên là một linh mục quốc doanh, nhưng được cố giám mục cuả Ninh Ba lúc đó là Đức Giám Mục Mathew Hu Xiande (Hồ tiên đức, do Vatican bổ nhiệm) bí mật tấn phong ông làm Giám Mục Phụ Tá vào năm 2012.
Giám mục Hồ tiên đức lúc đó đã tổ chức lễ tấn phong một cách bí mật vì ngài không muốn buổi lễ tấn phong bị “ô nhiễm” bởi sự hiện diện của bất kỳ giám mục quốc doanh “bất hợp pháp” nào, theo một nguồn tin ần danh trong hàng giáo phẩm nói với UCA News.
Khi Đức cha Hồ tiên đức qua đời vào năm 2017, giám mục Kim dương khoa đã tiếp quản giáo phận mặc dù ngài không được tấn phong công khai hoặc có lệnh bổ nhiệm công khai.
Nguồn tin trên cho biết, việc sắp đặt mới này đã được nhà nước Trung Quốc và Vatican đồng chấp thuận.
Theo các quan sát viên thì từ khi có thoả thuận Vatican-Trung quốc, đã có những bổ nhiệm công khai cho ít nhất là ba loại giám mục khác nhau, giống như một mớ bòng bong như sau.
Nhóm thứ nhật là các giám mục ngầm được bổ nhiệm làm giám mục của một giáo phận quốc doanh sau khi được chính quyền phê duyệt.
Nhóm thứ hai bao gồm các linh mục ngầm đã đi theo phe quốc doanh, nhưng sau đó được phong chức với sự chấp thuận của Vatican.
Nhóm thứ ba là các linh mục quốc doanh, nhưng được phong chức giám mục bí mật với sự ủy nhiệm của Vatican.
Trường hợp của Giám mục Kim dương khoa là một ví dụ của loại thứ ba. Ngài đã là một linh mục và giám mục của một nhà thờ quốc doanh, đứng đầu một giáo phận mà không có phong chức hay bổ nhiệm công khai nào.
Buổi lễ bổ nhiệm này xác nhận chức vụ của ngài một cách công khai.
Theo các quan sát viên thì cả ba nhóm giám mục nói trên đều có một điểm chung là “Họ đều được bí mật bổ nhiệm và phong chức với sự ủy nhiệm của Vatican trước khi có thỏa thuận.”
Tại buổi lễ, thư bổ nhiệm đã được linh mục Yang Yu (Dương du, ) phó tổng thư ký của BCCCC và CCPA đọc.
Giám mục Kim dương khoa đã long trọng tuyên thệ sẽ lãnh đạo giáo phận tuân thủ hiến pháp của Trung Quốc, duy trì sự đoàn kết của quê hương và hòa hợp xã hội, cũng như tình yêu đất nước và Giáo hội.
Ngài cũng tuyên thệ sẽ kiên định quyền tự trị của Giáo hội, tuân theo sự chỉ đạo của Công Giáo Trung Quốc ở Trung Quốc, và đóng góp vào việc hiện thực hóa “giấc mơ Trung Quốc là sự trẻ trung hóa vĩ đại của dân tộc Trung Quốc.”
Sinh năm 1958, Giám mục Kim dương khoa tốt nghiệp Đại chủng viện Sheshan (Xà sơn) ở Thượng Hải và đã phục vụ Giáo phận Ninh Ba kể từ khi được thụ phong linh mục vào năm 1990.
Ngài được bổ nhiệm làm phó giám đốc Ủy ban các vấn đề Giáo hội của tỉnh Chiết Giang vào năm 2014 và là giám đốc CCPA của Ninh Ba ba năm sau đó.
Trần Mạnh Trác
2020
Một chàng trai Ý sáng tác bài hát trong thời đại dịch tặng ĐTC
Một chàng trai Ý sáng tác bài hát trong thời đại dịch tặng ĐTC
Theo nhật báo L’Eco di Bergamo ngày 18 tháng 8 năm 2020, trong thời gian xảy ra đại dịch, Nicolas Tonoli, một chàng trai sống ở tỉnh Bergamo, miền bắc nước Ý, đã cùng với nhà chỉ huy dàn hợp xướng Roberto Bacchini sáng tác một bài hát dành tặng Đức Thánh Cha Phanxicô. Nicolas đã gửi bản nhạc cho Đức Thánh Cha và hy vọng một ngày nào đó sẽ hát trước mặt ngài.
Nicolas Tonoli là người đam mê nhạc thánh ca và là thành viên của dàn hợp xướng Castel Rozzone. Nicolas chia sẻ về việc sáng tác bài hát: “Tất cả bắt đầu trong thời gian cách ly. Cùng với Roberto Bacchini (một nhạc công organ, nhà soạn nhạc và nhạc trưởng), chúng tôi nghĩ sẽ rất tuyệt khi soạn một bài thánh ca cho Đức Giáo hoàng”. Chưa đầy hai tuần, hai nhạc sĩ đã cho ra đời dự án. Nicolas viết lời, trong khi nhạc sĩ Roberto Bacchini soạn nhạc.
Lan truyền niềm hy vọng cho mọi người
Chính việc suy tư về những lời của Đức Thánh Cha Phanxicô “Hãy can đảm để được hạnh phúc”, chàng trai 19 tuổi đã tìm thấy nguồn cảm hứng. Nicolas giải thích: “Câu nói này khiến tôi xúc động đến nỗi trong thời khắc đau buồn khi đại dịch xảy ra, tôi ước rằng nó có thể vang vọng đến tai của nhiều người trẻ tuổi, để động viên họ, và cả người cao tuổi, để họ hiểu rằng có một ai đó có thể trợ giúp họ. Bài thánh ca dành tặng Đức Thánh Cha muốn truyền niềm hy vọng cho mọi người, muốn trở thành một món quà đổi mới.”
Hãy lan tỏa tình yêu cuộc sống của mình cho tất cả mọi người
Sau khi tác phẩm được sáng tác, Nicolas đã gửi cho Đức Thánh Cha bản nhạc. Nhân dịp này, Nicolas kể lại thời gian khó khăn đã trải qua ở Bergamo trong trận đại dịch. Thành phố miền Lombardia này đã bị ảnh hưởng nặng nề trong thời kỳ đỉnh điểm của sự lây lan virus corona, từ tháng 3 đến tháng 5 năm 2020. Vào đầu tháng 8, sau nhiều tuần dài chờ đợi, cuối cùng Nicolas cũng nhận được trả lời từ Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh, với lời cầu nguyện và khuyến khích của Đức Thánh Cha, hãy lan tỏa tình yêu cuộc sống của mình với tất cả mọi người.
Mong ước được trình diễn cho Đức Thánh Cha
Một số giáo xứ ở Bergamo, Cremona, Milan và thậm chí cả Roma đã xin bản nhạc. Dưới sự chỉ đạo của nhạc trưởng Roberto Bacchini, bản thu âm chính thức của tác phẩm dự kiến ra mắt vào ngày 2 tháng 9 năm 2020. Khoảng 60 ca sĩ từ các dàn hợp xướng khác nhau sẽ biểu diễn. Về phần mình, Nicolas Tonoli ước mơ được trình diễn với người kế vị thánh Phê-rô tại đền thờ Caravaggio, một trung tâm Đức Mẹ ở Lombardia. (L’Eco di Bergamo 18/08/2020)
Hồng Thủy