Jean-Guilhem Xerri: Giải phóng cho những người bị Giam hãm
Jean-Guilhem Xerri: Giải phóng cho những người bị Giam hãm
Theo ông Jean-Guilhem Xerri, chủ tịch hiệp hội Giải phóng cho những người bị Giam hãm, phục vụ là yếu tố tự nhiên của sự tồn tại. Một trải nghiệm sống bên cạnh những người bị loại trừ có thể truyền cảm hứng cho chúng ta. Hiệp hội được Linh mục Patrick Giros thành lập năm 1981, Năm 2002, Đức Hồng Y Jean-Marie Lustiger (1926-2007), Tổng Giám mục giáo phận Paris bất ngờ đề nghị tôi thay thế linh mục Patrick Giros, sáng lập hiệp hội Giải phóng cho những người bị Giam hãm vừa qua đời.
Tôi lớn lên ở Perpignan và sau đó ở vùng Paris trong một gia đình sống nhiều hơn biểu lộ đức tin của mình. Cha tôi là bác sĩ làm việc ở vùng ngoại ô lao động. Vì ông nói được tiếng Ả Rập nên một số lớn người di dân ở đây đến phòng khám cha tôi. Tôi luôn thấy cha làm việc bảy ngày trên bảy, thức dậy nửa đêm khi có người gọi. Qua các lời nhắn trên điện thoại tôi ghi lại cho cha, tôi cảm nhận được lòng tôn trọng mà bệnh nhân dành cho ông. Mẹ tôi phụ trách Hội Thánh Vinh sơn Phaolô. Nhờ vậy mà năm 1979 tôi thấy một thanh niên Campuchia vào nhà ở, người đã đảo lộn cuộc sống chúng tôi. Anh là thuyền nhân đi trốn chế độ Pol Pot. Tôi, khá ‘man rợ’ thấy mình buộc phải chăm sóc anh ấy buổi chiều khi đi học về, đi cùng với anh đến các trại hè… Và dần dần, từ đứa bé nhỏ nhất nhà, tôi thành người anh lớn.
Nhanh chóng tôi nhận ra phục vụ là yếu tố tự nhiên của sự tồn tại. Nhưng phải đến năm 14 tuổi khi tôi đi khiêng cáng ở Lộ Đức, tôi mới hiểu được mối liên hệ giữa phục vụ với Tin Mừng. Tôi hình dung Nước Trời cũng không khác lắm với đền thánh này: nhiều người bị tổn thương (Chúa Kitô không đến vì người lành mạnh), tính phổ quát, tinh thần phục vụ người anh em và niềm vui khôn tả từ phục vụ. Chính khi ở bên cạnh người bệnh, tôi hiểu tầm quan trọng của việc lắng nghe, đó là điều đầu tiên và cuối cùng của lòng hiếu khách. Thứ nhất, vì mối quan hệ luôn bắt đầu bằng việc nghe một tên hoặc nghe một lời chào; cuối cùng, vì nghe một giọng nói, cho dù khi giọng nói không còn nghe được, nhắc cho người kia nhớ họ vẫn là sinh thể của hơi thở.
Kinh nghiệm này và sự gặp gỡ với các bệnh nhân ở bệnh viện, môi trường làm việc của tôi, đã đưa tôi đến hiệp hội SOS Tín hữu kitô giáo Lắng nghe. Tôi nhớ một cuộc gọi đặc biệt. Đó là quá nửa đêm, khoảng 3 giờ sáng. Người thanh niên cũng khoảng 23 tuổi, bằng tuổi tôi lúc đó. Anh nói với tôi: “Tôi làm điếm, đêm đó tôi tìm thấy một quyển sách trong thùng rác, tôi mở ra đọc. Quyển sách nói về một Thiên Chúa, vừa là Người Cha vừa là Tình yêu. Đau lòng cho tôi quá: Tôi, tôi bị cha tôi đánh đập và hiếp dâm suốt thời thơ ấu của tôi. Và tình yêu là 100 quan một lần đi khách thường, 200 quan thì ‘phục vụ’ nhiều hơn. Vì vậy, những gì quý ông kể là chuyện tào lao không đúng và tín hữu kitô quý ông là những người khốn nạn vì muốn làm cho chúng tôi tin các điều này… hoặc đó là sự thật thì quý ông còn khốn nạn hơn, vì tôi đã ở vỉa hè từ bảy năm nay và không một ai đến nói cho tôi biết có Chúa hiện hữu, Chúa của tình yêu…” Sau đó, năm 1995, tôi dấn thân làm việc trong hiệp hội Giải phóng cho những người bị Giam hãm, đây là cách tôi trả lời cho câu hỏi mà anh thanh niên điếm trẻ nói với tôi.
Chương trình của hiệp hội này là hỗ trợ người sống ngoài đường phố một cách toàn diện nhất có thể: từ thể xác đến tâm hồn; không chỉ về mặt xã hội, mà còn cả về mặt tinh thần. Thực tế của đường phố là sự sống chống lại cái chết. Trong cuộc chiến này, điều cấp bách đầu tiên là khôi phục nhân phẩm cho họ, những người thường tự cho mình như người đã chết: người vô gia cư, người làm điếm, trẻ em lang thang. Do đó, điều cần thiết là gặp họ và dành thì giờ cho họ, không phải chủ yếu mang đến cho họ các dịch vụ xã hội, nhưng đơn giản vì họ cũng giống chúng ta, là thành viên của cộng đồng nhân loại. Tôi hỏi một người vô gia cư, điều gì làm cho ông cảm thấy mình bị loại trừ, ông trả lời: “Chỉ có người được trả tiền cho công việc này mới đến gặp chúng tôi”… Chỉ khi nào sự tôn trọng bản thân được công nhận thì khi đó một động lực sống mới có thể được khởi động. Chỉ khi đó, tất cả các tiến trình trợ giúp xã hội mà các chuyên gia của hiệp hội đảm trách – y tế, nhà ở, giấy tờ… – mới tiến hành một cách có hiệu quả hơn.
Tôi tin vào Giáo hội vì ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã thấy Giáo hội hoạt động tích cực cho những người nghèo nhất. Và các cộng đồng địa phương làm điều này một cách rất bình thường. Ở các cộng đồng này, tôi luôn cảm thấy như tôi đang ở nhà tôi, thoải mái với tất cả các chuyện tế nhị ở đó. Và khi tôi là chủ tịch của hiệp hội Giải phóng cho những người bị Giam hãm, tôi muốn “những người bị giam hãm” giữ đạo gốc của họ. Hầu hết các địa điểm của chúng tôi ở trong giáo xứ và một đại diện của Tòa Tổng Giám mục Paris là thành viên chính thức trong ban quản trị chúng tôi. Không có chuyện chúng tôi chiêu dụ ai đó vào đạo. Việc chúng tôi đặt nặng các nhu cầu tinh thần là vì trước hết, phải đặt các câu hỏi cơ bản về ý nghĩa của sự sống, cái chết, sự tha thứ…, đó là các câu hỏi đặc biệt sâu đậm trong các hoàn cảnh bi thảm này. Nhưng chúng tôi không từ chối các lời xin mục vụ: tổ chức lễ rửa tội cho con của một cô gái điếm, cô thấy mình quá dơ bẩn để đi xin một mình, hoặc đi lễ trong tuần với một người vô gia cư vì họ sợ mùi khai của họ làm phiền người khác, tháp tùng các người vô gia cư đi Lộ Đức vì họ nghe Đức Mẹ làm phép lạ ở đó. Qua tất cả các sự việc này, chúng tôi là những người đầu tiên được phúc âm hóa.
Giải phóng cho những người bị Giam hãm
Hiệp hội Giải phóng cho những người bị Giam hãm được Linh mục Patrick Giros thành lập năm 1981, Hội luôn khẳng định bản sắc công giáo của mình. Tuy nhiên, nhờ sự chuyên nghiệp của 50 nhân viên và tất cả các tình nguyện viên của hiệp hội, hành động của Hội đã được các cơ quan công quyền công nhận và tài trợ phần lớn.
Trên thực tế, hợp tác với chính quyền và với Giáo hội là có một chỗ đứng lý tưởng, thậm chí còn mang tính ngôn sứ. Liên hoan Đường phố khai mạc ở sân trước Nhà thờ Đức Bà, một quảng trường công cộng ở trung tâm thành phố, và kết thúc bằng thánh lễ ở nhà thờ chính tòa là biểu tượng cho hình ảnh mà chúng tôi sống trong một xã hội thế tục được cởi mở và tôn trọng.
Các giai đoạn trong đời sống của tác giả Jean-Guilhem Xerri
1968: Sinh tại Perpignan.
1981: Người anh nuôi Campuchia vào nhà.
1985: Đi khiêng cáng ở Lộ Đức.
1990: Thành viên của tổ chức Tín hữu kitô Lắng nghe.
1995: Chủ tịch hiệp hội Giải phóng những người bị Giam hãm từ năm 2005 đến 2012.
1999: Nhà sinh học y tế trong các bệnh viện
2003: Nhà phân tâm học
2005: Chủ tịch hiệp hội Giải phóng cho những người bị Giam hãm.
2006: Xuất bản quyển sách Gặp những người hè phố (Nxb. Nouvelle Cité)
2007 Được bổ nhiệm vào Hội đồng Quốc gia về các chính sách chống loại trừ.
2009 Nhận Huân chương Bắc đẩu bội tinh.
2014: Xuất bản quyển Một tín hữu kitô dùng để làm gì?(nxb. Cerf) Giải Nhân đạo Kitô giáo
2018: Xuất bản quyển Hãy chăm sóc tâm hồn bạn. Khảo luận nhỏ về sinh thái nội tâm. (nxb. Cerf), Giải Văn học tôn giáo.
2019: Xuất bản quyển (Tái) sống lại từ nội tâm (nxb. Cerf).
Marta An Nguyễn dịch