2023
Sứ điệp của ĐGH Phanxicô cho Ngày Thế giới Truyền giáo 2023
Với ngày Chúa Nhật Thế Giới Truyền Giáo năm nay, tôi đã chọn một chủ đề được gợi hứng từ câu chuyện các môn đệ trên đường Emmaus, trong Tin Mừng theo thánh Luca (x. 24:13-35): “Lòng bừng cháy, chân bước nhanh”. Hai môn đệ đã hoang mang và mất tinh thần, nhưng cuộc gặp gỡ của họ với Chúa Kitô trong lời nói và trong việc bẻ bánh đã khơi dậy trong họ niềm khao khát nhiệt thành lên đường trở lại Giêrusalem và loan báo rằng Chúa đã sống lại thật rồi. Trong trình thuật Tin Mừng, chúng ta nhận thấy sự thay đổi này nơi các môn đệ qua một vài hình ảnh bộc lộ nhiều điều: lòng các ông bừng cháy khi nghe Chúa Giêsu giải thích Kinh Thánh, mắt các ông mở ra khi nhận ra Người và cuối cùng, chân các ông rảo bước lên đường. Bằng cách suy niệm về ba hình ảnh phản ánh hành trình của tất cả các môn đệ truyền giáo này, chúng ta có thể đổi mới lòng nhiệt thành rao giảng Tin Mừng trong thế giới ngày nay.
1. Tâm hồn chúng ta bừng cháy “khi Người giải thích Kinh Thánh cho chúng ta”. Trong hoạt động truyền giáo, lời Chúa soi sáng và biến đổi các tâm hồn.
Trên đường từ Giêrusalem về Emmaus, tâm hồn của hai môn đệ đã xuống tinh thần, thể hiện qua khuôn mặt chán nản của họ, vì cái chết của Chúa Giêsu, Đấng mà họ đã tin tưởng (x. câu 17). Trước sự thất bại của Thầy mình chịu đóng đinh, niềm hy vọng của họ rằng Thầy là Đấng Mêsia đã sụp đổ (x. câu 21).
Sau đó, “khi họ đang nói chuyện và bàn luận với nhau, thì chính Đức Giêsu lại gần và cùng đi với họ” (c. 15). Như khi Người kêu gọi các môn đệ lần đầu tiên, thì giờ đây, giữa sự hoang mang của họ, Chúa đã chủ động; Người đến gần họ và đi bên cạnh họ. Cũng vậy, với lòng thương xót bao la, Người không bao giờ mệt mỏi ở với chúng ta, bất chấp mọi thất bại, nghi ngờ, yếu đuối, và cả sự thất vọng, bi quan khiến chúng ta trở nên “khờ dại và chậm chạp” (c. 25), khiến chúng ta trở nên yếu đức tin.
Giống như ngày hôm ấy, hôm nay Chúa Phục Sinh vẫn gần gũi với các môn đệ truyền giáo của Người và đồng hành với họ, nhất là khi họ cảm thấy mất phương hướng, chán nản, sợ hãi trước mầu nhiệm sự dữ bủa vây và tìm cách chế ngự họ. Vì vậy, “chúng ta đừng để mình bị cướp mất hy vọng!” (Evangelii Gaudium, 86). Chúa lớn hơn tất cả những vấn đề của chúng ta, nhất là nếu chúng ta đối diện với chúng trong sứ vụ loan báo Tin Mừng cho thế giới. Vì cuối cùng, sứ vụ này là của Người và chúng ta chẳng là gì khác hơn là những người cộng tác khiêm tốn của Người, những “đầy tớ vô dụng” (x. Lc 17:10).
Tôi mong muốn bày tỏ sự gần gũi của tôi trong Chúa Kitô với tất cả các nhà truyền giáo nam nữ trên thế giới, đặc biệt là với những người đang chịu đựng bất kỳ loại khó khăn nào. Các bạn thân mến, Chúa Phục Sinh luôn ở cùng các bạn. Người nhìn thấy lòng quảng đại của các bạn và những hy sinh mà các bạn đang thực hiện cho sứ mạng rao giảng Tin Mừng ở những vùng đất xa xôi. Không phải ngày nào trong cuộc sống của chúng ta cũng thanh thản và trong sáng, nhưng chúng ta đừng bao giờ quên lời Chúa Giêsu nói với các bạn hữu của Người trước Cuộc Khổ nạn của Người: “Trong thế gian, các con sẽ gặp những gian truân, nhưng hãy can đảm lên: Thầy đã thắng thế gian!” (Ga 16:33).
Sau khi lắng nghe hai môn đệ trên đường Emmaus, Chúa Giêsu phục sinh “giải thích cho họ những gì đã chép về Người trong cả Sách Thánh, bắt đầu từ Môsê và tất cả các ngôn sứ” (Lc 24:27). Lòng các môn đệ rung động, sau này họ tâm sự với nhau: “Lòng chúng ta há chẳng bừng lên khi dọc đường Người nói chuyện với chúng ta và giải thích Kinh Thánh sao?” (câu 32). Chính Chúa Giêsu là Lời hằng sống, Đấng duy nhất có thể làm cho trái tim chúng ta bừng cháy trong chúng ta, khi Người soi sáng và biến đổi tâm hồn chúng ta.
Bằng cách này, chúng ta có thể hiểu rõ hơn câu châm ngôn của Thánh Giêrônimô rằng “không biết Kinh thánh là không biết Đức Kitô” (Chú giải về Isaia, Lời mở đầu). “Nếu không có Chúa soi sáng, chúng ta không thể hiểu Kinh Thánh một cách sâu sắc; tuy nhiên điều ngược lại cũng đúng: không có Kinh thánh, các biến cố trong sứ mệnh của Chúa Giêsu và của Hội Thánh của Người trên thế giới vẫn không thể giải mã được” (Aperuit Illis, 1). Theo đó, kiến thức về Kinh thánh rất quan trọng đối với đời sống Kitô hữu, và thậm chí còn quan trọng hơn đối với việc rao giảng Chúa Kitô và Tin Mừng của Người. Nếu không, bạn đang truyền lại điều gì cho người khác nếu không phải là ý tưởng và dự án của riêng bạn? Một trái tim lạnh lùng không bao giờ có thể khiến những trái tim khác bừng cháy!
Vậy chúng ta hãy luôn sẵn sàng để mình được Chúa Phục Sinh đồng hành khi Người giải thích cho chúng ta ý nghĩa của Sách Thánh. Xin Người làm cho trái tim chúng ta bừng cháy trong chúng ta; xin Người soi sáng và biến đổi chúng ta, để chúng ta loan truyền mầu nhiệm cứu độ của Người cho thế giới bằng quyền năng và sự khôn ngoan đến từ Thần Khí của Người.
2. Mắt chúng ta “mở ra và nhận ra Người” khi bẻ bánh. Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch và tột đỉnh của sứ mạng.
Việc trái tim các môn đệ trên đường Emmaus cháy bỏng vì lời Chúa đã thúc đẩy họ yêu cầu Người lữ hành bí ẩn ở lại với họ khi trời sắp tối. Khi họ quây quần quanh bàn, mắt họ mở ra và họ nhận ra Người khi Người bẻ bánh. Yếu tố quyết định mở mắt cho các môn đệ là chuỗi hành động Chúa Giêsu thực hiện: Người cầm lấy bánh, chúc tụng, bẻ ra và trao cho các ông. Đó là những cử chỉ thông thường của người chủ gia đình Do Thái, nhưng, được Chúa Giêsu Kitô thực hiện với ân sủng của Chúa Thánh Thần, điều đó lập lại cho hai người bạn đồng bàn của Người dấu chỉ hóa bánh ra nhiều và nhất là dấu chỉ Bí tích Thánh Thể, bí tích hy tế thập giá. Tuy nhiên, ngay lúc họ nhận ra Chúa Giêsu trong việc bẻ bánh, thì “Người biến mất khỏi mắt họ” (Lc 24:31). Ở đây chúng ta có thể nhận ra một thực tại thiết yếu của đức tin chúng ta: Đức Kitô, Đấng bẻ bánh, giờ đây trở thành tấm bánh được bẻ ra, chia sẻ cho các môn đệ và được họ ăn. Người ta không còn nhìn thấy Người nữa, vì giờ đây Người đã đi vào tâm hồn các môn đệ, khiến họ càng cháy bỏng hơn, và điều này thôi thúc họ lên đường ngay để chia sẻ với mọi người kinh nghiệm độc nhất vô nhị của họ về việc gặp gỡ Chúa Phục Sinh. Như vậy, Chúa Kitô phục sinh vừa là Đấng bẻ bánh, vừa là chính tấm bánh được bẻ ra cho chúng ta. Theo đó, mọi môn đệ truyền giáo đều được kêu gọi trở nên, giống như Chúa Giêsu và trong Người, nhờ hoạt động của Chúa Thánh Thần, trở thành người bẻ bánh và là tấm bánh được bẻ ra cho thế giới.
Ở đây, nên nhớ rằng việc bẻ bánh vật chất của chúng ta để chia sẻ với những người đói khát nhân danh Chúa Kitô cũng đã là một công việc truyền giáo của Kitô giáo rồi. Hơn thế nữa, việc bẻ bánh Thánh Thể, là chính Chúa Kitô, là một công việc truyền giáo tuyệt hảo, vì Thánh Thể là nguồn mạch và tột đỉnh của đời sống và sứ vụ của Hội Thánh.
Như Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã chỉ ra: “Chúng ta không thể giữ cho riêng mình tình yêu mà chúng ta cử hành trong Bí tích [Thánh Thể]. Tự bản chất của nó, tình yêu này đòi phải được thông truyền cho tất cả mọi người. Điều thế giới cần là tình yêu Thiên Chúa, gặp gỡ Đức Kitô và tin vào Người. Vì lý do này, Thánh Thể không chỉ là nguồn mạch và đỉnh cao của đời sống Giáo hội; nó cũng là nguồn gốc và tột đỉnh sứ vụ của Giáo Hội: ‘Một Giáo Hội Thánh Thể đích thực là một Giáo Hội truyền giáo’” (Sacramentum Caritatis, 84).
Để sinh hoa trái, chúng ta phải luôn kết hiệp với Chúa Giêsu (x. Ga 15,4-9). Sự hiệp nhất này đạt được qua lời cầu nguyện hằng ngày, đặc biệt trong giờ chầu Thánh Thể, khi chúng ta giữ thinh lặng trước sự hiện diện của Chúa, Đấng ở lại với chúng ta trong Bí Tích Thánh Thể. Bằng cách yêu thương vun trồng mối hiệp thông này với Chúa Kitô, người môn đệ truyền giáo có thể trở thành một nhà thần bí trong hành động. Ước gì tâm hồn chúng ta luôn khao khát được bầu bạn với Chúa Giêsu, vang vọng lời khẩn cầu tha thiết của hai môn đệ Emmaus, nhất là vào những lúc chiều tối: “Lạy Chúa, xin ở lại với chúng con!” (x. Lc 24:29).
3. Đôi chân ta lên đường, hân hoan kể cho người khác biết về Chúa Kitô Phục Sinh. Tuổi trẻ vĩnh hằng của Hội Thánh luôn tiến về phía trước.
Sau khi được mở mắt và nhận ra Chúa Giêsu “khi bẻ bánh”, các môn đệ “hối hả lên đường và trở về Giêrusalem” (x. Lc 24:33). Việc vội vã lên đường để chia sẻ với người khác niềm vui gặp gỡ Chúa chứng tỏ rằng “niềm vui của Tin Mừng lấp đầy trái tim và toàn bộ cuộc sống của những ai gặp gỡ Chúa Giêsu. Ai để cho mình được Ngài cứu thì được giải thoát khỏi tội lỗi, khỏi buồn rầu, khỏi trống rỗng nội tâm, khỏi cô lập. Với Chúa Giêsu Kitô, niềm vui luôn được sinh ra và tái sinh” (Evangelii Gaudium, 1). Người ta không thể thực sự gặp gỡ Chúa Giêsu phục sinh mà không bừng cháy lòng nhiệt tình để nói cho mọi người về Người. Do đó, nguồn lực chính và chủ yếu của việc truyền giáo là những người đã biết Chúa Kitô phục sinh trong Kinh thánh và trong Bí tích Thánh Thể, những người mang ngọn lửa của Người trong trái tim và mang ánh sáng của Người. Họ có thể làm chứng cho sự sống không bao giờ chết, ngay cả trong những tình huống khó khăn nhất và những thời khắc đen tối nhất.
Hình ảnh “đôi chân bước đi” một lần nữa nhắc nhở chúng ta về giá trị trường tồn của sứ mệnh truyền giáo (missio ad gentes), sứ mệnh được Chúa Phục sinh trao phó cho Giáo hội để rao giảng Tin Mừng cho mọi người và mọi dân tộc, cho đến tận cùng trái đất. Ngày nay hơn bao giờ hết, gia đình nhân loại của chúng ta, bị tổn thương bởi biết bao hoàn cảnh bất công, biết bao chia rẽ và chiến tranh, đang cần đến Tin Mừng bình an và ơn cứu độ trong Chúa Kitô. Nhân cơ hội này, tôi xin nhắc lại rằng “mọi người đều có quyền đón nhận Tin Mừng. Các Kitô hữu có bổn phận loan báo Tin Mừng mà không loại trừ bất cứ ai, không phải như một người áp đặt một nghĩa vụ mới, nhưng như một người chia sẻ niềm vui, báo hiệu một chân trời tươi đẹp, cống hiến một bữa tiệc đáng mong đợi” (Evangelii Gaudium, 14). Hoán cải truyền giáo vẫn là mục tiêu chính mà chúng ta phải đặt ra cho mình với tư cách cá nhân và cộng đồng, bởi vì “việc tiếp cận truyền giáo là khuôn mẫu cho mọi hoạt động của Giáo hội” (ibid., 15).
Như thánh Tông đồ Phaolô xác nhận, tình yêu của Chúa Kitô lôi cuốn và thúc đẩy chúng ta (x. 2 Cr 5,14). Tình yêu này có hai mặt: tình yêu của Chúa Kitô dành cho chúng ta, tình yêu kêu gọi, thôi thúc và khơi dậy tình yêu của chúng ta đối với Người. Một tình yêu làm cho Giáo Hội, trong việc không ngừng khởi đầu lại, luôn trẻ trung. Vì tất cả các thành viên của Giáo Hội đều được ủy thác sứ vụ loan báo Tin Mừng của Chúa Kitô, với niềm xác tín rằng “Ngài đã chết thay cho mọi người, để những ai đang sống, không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho Ðấng đã chết và sống lại vì mình” (c. 15). Tất cả chúng ta đều có thể đóng góp cho phong trào truyền giáo này: bằng những lời cầu nguyện và hoạt động của chúng ta, bằng những của lễ vật chất và dâng những đau khổ của chúng ta, và bằng chứng tá cá nhân của chúng ta. Các Hội Giáo hoàng Truyền giáo là phương tiện ưu tiên để thúc đẩy sự hợp tác truyền giáo này trên cả bình diện tinh thần và vật chất. Vì lý do này, số tiền quyên góp được vào ngày Chúa nhật Thế giới Truyền giáo được dành cho Hội Giáo hoàng Truyền bá Đức tin.
Tính cấp bách của hoạt động truyền giáo của Giáo hội đương nhiên đòi hỏi sự hợp tác truyền giáo ngày càng chặt chẽ hơn về phía tất cả các thành viên của Giáo hội và ở mọi cấp độ. Đây là một mục tiêu thiết yếu của hành trình Hiệp Hành mà Giáo hội đã thực hiện, được hướng dẫn bởi các từ khóa: hiệp thông, tham gia, truyền giáo. Cuộc hành trình này chắc chắn không phải là việc Giáo hội qui hướng vào bản thân mình; nó cũng không phải là một cuộc trưng cầu dân ý về những gì chúng ta phải tin và thực hành, cũng không phải là vấn đề sở thích của con người. Đúng hơn, đó là một tiến trình lên đường và giống như các môn đệ Emmaus, lắng nghe Chúa phục sinh. Vì Người luôn đến giữa chúng ta để giải thích ý nghĩa Kinh Thánh và bẻ bánh cho chúng ta, để nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần, chúng ta có thể thi hành sứ mệnh của Người trên thế giới.
Cũng như hai môn đệ Emmaus đã thuật lại cho những người khác những gì đã xảy ra dọc đường (x. Lc 24:35), cũng vậy, lời loan báo của chúng ta sẽ là một lời hân hoan kể về Chúa Kitô, cuộc đời, cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Người, và những điều kỳ diệu mà tình yêu thương của Người đã hoàn thành trong cuộc sống của chúng ta.
Vì vậy, chúng ta hãy lên đường một lần nữa, hãy để mình được soi sáng bởi cuộc gặp gỡ với Chúa phục sinh và được Thần Khí của Người thúc đẩy. Chúng ta hãy lên đường một lần nữa với trái tim rực cháy, với đôi mắt mở to và đôi chân của chúng ta chuyển động. Chúng ta hãy lên đường để làm cho những trái tim khác bừng cháy Lời Chúa, mở mắt cho những người khác nhìn thấy Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể, và mời gọi mọi người cùng nhau bước đi trên con đường bình an và cứu độ mà, trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã ban cho toàn thể loài người.
Lạy Đức Mẹ Soi Đường, Mẹ của các môn đệ truyền giáo của Đức Kitô và là Nữ Vương Truyền Giáo, xin cầu cho chúng con!
Rôma, Đền Thánh Gioan Lateranô, ngày 6 tháng 1 năm 2023, Lễ Chúa Hiển Linh.
PHANXICÔ
Chuyển ngữ:
Đaminh Ngô Quang Tuyên
Micae Nguyễn Khắc Minh
2023
Giáo hội hiệp hành không phải là một kim tự tháp mà là ngôi nhà cho “những ơn gọi đồng phẩm giá”
Cuộc họp Thượng Hội đồng (VATICAN MEDIA Divisione Foto)
Giáo hội hiệp hành không phải là một kim tự tháp mà là ngôi nhà cho “những ơn gọi đồng phẩm giá”
Trong phiên họp khoáng đại lần thứ 12 của Đại hội Thượng Hội Đồng vào ngày 18/10, cha Dario Vitali, điều phối viên của các chuyên gia thần học và cũng là giáo sư cơ hữu tại Đại học Giáo hoàng Gregoriana, đưa ra một suy tư thần học về chủ đề: “Sự tham gia, Trách nhiệm và Thẩm quyền: Những tiến trình, cơ cấu và tổ chức nào trong một Giáo hội hiệp hành truyền giáo?”
Theo Cha Vitali, “Giáo hội là một bí tích trong Chúa Kitô, nghĩa là dấu chỉ và khí cụ của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất giữa loài người” (LG 1). Sự tham gia đầu tiên được Công đồng Vatican II nhấn mạnh thực ra không phải là sự tham gia của các cá nhân, mà là của toàn thể Giáo hội, Dân Chúa trên hành trình hướng tới việc hiện thực hóa Nước Chúa. Chưa bao giờ như ngày hôm nay, nhân loại lại cần đến chứng từ mạnh mẽ và thuyết phục của một Giáo hội vốn là dấu chỉ và khí cụ hòa bình giữa các quốc gia. “Một Giáo hội hiệp hành là một Giáo hội ‘sánh bước’ cùng con người, tham gia vào những khó khăn của lịch sử, nuôi dưỡng giấc mơ rằng việc tái khám phá phẩm giá bất khả xâm phạm của các dân tộc và chức năng phục vụ của chính quyền cũng có thể giúp xã hội dân sự xây dựng chính mình trong công lý và tình huynh đệ, tạo ra một thế giới tươi đẹp hơn và xứng đáng hơn cho các thế hệ mai sau.
Một Giáo hội hướng ra bên ngoài, một “bí tích cứu độ phổ quát” cho thế giới (LG 48), luôn được kêu gọi trở thành và nghĩ về chính mình trong nội tâm như “bí tích của sự hiệp nhất cứu độ” (LG 9). Lumen Gentium số 7 có nói rằng “trong việc xây dựng thân thể của Chúa Kitô có sự đa dạng về các thành viên và chức năng”.
Chương II của Lumen Gentium mô tả Giáo hội là Dân Thiên Chúa, “dòng dõi được tuyển chọn, chức tư tế vương giả, dân thánh, dân được Thiên Chúa thu nhận” (LG 9), điều này tiêu biểu cho “cuộc cách mạng Copernic” về giáo hội học mang tính cộng đồng, phá vỡ kim tự tháp giáo hội được xây dựng qua nhiều thế kỷ: đi trước cả các chức năng là phẩm giá của người đã được rửa tội; đi trước cả những khác biệt vốn thiết lập các thứ bậc là sự bình đẳng của con cái Thiên Chúa. Danh hiệu lớn nhất của Giáo hội không phải là giáo hoàng, giám mục, linh mục, hay tu sĩ, mà là con cái Thiên Chúa. Tất cả mọi người đều là những người con trong Chúa Con, được hiệp nhất bởi Chúa Thánh Thần. Khẳng định phẩm giá bình đẳng của mọi người không có nghĩa là phủ nhận những khác biệt: Giáo hội là thân thể của Chúa Kitô, sống động và xinh đẹp vì có nhiều hồng ân, đặc sủng, thừa tác vụ và ơn gọi khác nhau.
Chức linh mục cộng đồng và chức linh mục thừa tác hoặc phẩm trật là những hình thức tham gia riêng biệt vào chức tư tế của Chúa Kitô (x. LG 10 ). Đặt chức linh mục chung trước chức linh mục thừa tác có nghĩa là phá vỡ mối quan hệ bất đối xứng về quyền bính-vâng phục đã cấu trúc nên Giáo hội kim tự tháp. Sau đó, việc khẳng định hai hình thức tham gia vào chức tư tế của Chúa Kitô được quy định cho nhau có nghĩa là nhìn nhận sự đa dạng bổ sung cho nhau chứ không hề thu gọn lẫn nhau. Các thừa tác viên thụ phong nên phục vụ dân thánh của Thiên Chúa, dân thánh cuối cùng trở thành chủ thể tích cực của đời sống giáo hội.
Nhưng nói Giáo hội là Dân Chúa không giải quyết được toàn bộ vấn đề, cũng không đảm bảo một cuộc cải cách Giáo hội mà không hề đau đớn. Giáo Hội xét như Dân Chúa một mặt giải thích sự nhấn mạnh vào nền giáo hội học hiệp thông, chủ yếu tập trung vào khía cạnh hiệp thông phẩm trật, điều mà theo thời gian đã tạo ra một “sự tập quyền” thực sự của Giáo hội. Giáo Hội xét như Dân Chúa làm dấy lên nỗi lo sợ rằng tính hiệp hành, được hiểu là “cuộc hành trình cùng nhau” của Dân Chúa, sẽ tạo thành một sự thay thế cho nguyên tắc hiệp thông. Trên thực tế, tính hiệp hành không gì khác hơn là sự hiệp thông của Giáo hội với tư cách là Dân Thánh của Thiên Chúa trên hành trình của họ.
Giáo hội hiệp hành bao gồm mọi chiều kích hiệp thông: hiệp thông Ba Ngôi, hiệp thông các tín hữu, hiệp thông giữa các giáo hội, hiệp thông các thánh. Phục vụ Giáo hội này là các Mục tử, trong một sự hiệp thông có tính phẩm trật được quy định bởi nguyên lý hiệp nhất là Giám mục Rôma. Các giám mục “không đơn độc, không ở trên Giáo hội; nhưng ở bên trong Giáo hội với tư cách là những người đã được rửa tội giữa những người đã được rửa tội và thuộc về Giám mục đoàn với tư cách là Giám mục giữa các Giám mục, đồng thời được kêu gọi – với tư cách là Người kế vị Thánh Phêrô Tông đồ – lãnh đạo Giáo hội Roma – Giáo hội chủ trì trong tình yêu mến tất cả các Giáo hội”.
Mối quan hệ chặt chẽ tồn tại giữa Dân Chúa, Giám mục đoàn và Giám mục Rôma, mỗi người với chức năng của mình, thiết lập Giáo hội hiệp hành là “Giáo hội lắng nghe”. Các tín hữu, Giám mục đoàn, Giám mục Rôma: người này lắng nghe người kia; và tất cả đều lắng nghe Chúa Thánh Thần, “Thần Khí sự thật” (Ga 14:17), để biết Ngài “nói gì với các Giáo Hội” (Kh 2:7)”.
Mong muốn bảo đảm các chức năng tương ứng của các chủ thể này đã dẫn tới việc biến Thượng Hội đồng từ một sự kiện thành một tiến trình. Sự lựa chọn này không phủ quyết nhưng hội nhập: Đức Thánh Cha có ý trao cho các giám mục khả năng tham gia một cách rõ ràng hơn và hiệu quả hơn vào mối quan tâm đối với Giáo hội hoàn vũ. Làm thế nào “Thượng hội đồng Giám mục, đại diện của hàng giám mục Công giáo, trở thành một biểu hiện của tính hợp đoàn giám mục trong một Giáo hội hoàn toàn có tính hiệp hành?” (Đức Phanxicô, Bài phát biểu tại Thượng hội đồng lần thứ 50). Điều này chỉ có thể thực hiện được bằng cách nhìn nhận tất cả các chủ thể trong đó thân thể Giáo hội được thể hiện rõ ràng. Trong diễn ngôn hiệp hành, Dân Chúa, Giám mục đoàn và Giám mục Rôma thực thi các chức năng Giáo hội cụ thể của họ, tạo nên tính hiệp hành, tính hợp đoàn và tính ưu việt trong sự hiệp nhất năng động.
Mỗi Giám mục, với tư cách là nguyên lý hữu hình và nền tảng của sự hiệp nhất cho thành phần Dân Chúa được ủy thác cho mình (x. LG 23), chịu trách nhiệm khởi xướng tiến trình hiệp hành trong Giáo hội của mình. Chính vì được Đức Giám mục triệu tập, nên việc tham khảo ý kiến trong các giáo hội cụ thể là một cuộc tham vấn thực sự đối với Dân Chúa, chủ thể của cảm thức đức tin. Vì không thể có sự tham khảo ý kiến của Dân Chúa trong các Giáo hội cụ thể nếu Mục tử của họ không khởi xướng. Ngay từ đầu, các giám mục đã thực sự tham gia vào tiến trình thượng hội đồng, đóng một vai trò không thể thiếu. Do đó, rõ ràng là không có mâu thuẫn giữa các chiều kích hiệp hành và phẩm trật của Giáo hội: cái này bảo đảm cho cái kia và ngược lại, với Giáo hội là một “bí tích hiệp nhất”, một dân tộc được tập hợp và có trật tự dưới sự hướng dẫn của các giám mục” (SC 26).
Tiến trình Thượng Hội đồng này là một dịp đặc biệt để thực hành cả tính hiệp hành và tính hợp đoàn, vì nó đảm bảo việc thực hành hiệu quả cảm thức đức tin của Dân Chúa cũng như khả năng phân định của các Mục tử. Như vậy, chúng ta có thể kết luận bằng cách tái khẳng định rằng Thượng Hội đồng là “nơi” và “không gian” đặc quyền để thực hành tính hiệp hành, vốn không nhấn mạnh vai trò đơn phương của Dân Chúa hay các Mục tử, mà là vai trò của mọi chủ thể – Dân của Thiên Chúa, Giám mục đoàn, Giám mục Roma – thể hiện tính hiệp hành, tính hợp đoàn và tính ưu việt trong sự hiệp nhất năng động. Với những đặc điểm độc đáo này, tiến trình Thượng Hội đồng có thể được hiểu là cách thực thi tinh tế nhất về tính hiệp hành trong Giáo hội Công giáo.
Như vậy, trên phương diện thần học, cần suy nghĩ lại về Giáo hội theo chìa khóa hiệp hành, để toàn bộ Giáo hội và mọi thứ trong Giáo hội – cuộc sống, các tiến trình, các tổ chức – được suy tư lại theo chiều kích hiệp hành. Trên phương diện thể chế, cần bảo đảm cho Giáo hội “không gian” để thực hành tính hiệp hành. Cha Vitali cho rằng cần bảo vệ Thượng hội đồng như một cơ quan phục vụ một Giáo hội hiệp hành theo thể chế. Nếu không có Thượng Hội đồng, việc thực hành tính hiệp hành cuối cùng sẽ tan chảy thành hàng ngàn dòng suối, tạo ra một vũng lầy thực sự, làm chậm lại, nếu không muốn nói là ngăn cản, việc “cùng bước” của Dân Chúa. Người ta có thể suy ngẫm về hình thức thể chế của Thượng Hội đồng, nhưng không nên nghi ngờ gì rằng thể chế này đảm bảo cho Giáo hội thực thi tính hiệp hành một cách thực sự, như tiến trình thượng hội đồng hiện tại đã chứng minh rõ ràng.
Cuối cùng, cha Vitali cho rằng: Việc thực thi tính hiệp hành một cách chân chính sẽ cho phép có những cân nhắc chu đáo – với sự kiên nhẫn và thận trọng – về các cải cách thể chế cần thiết, các tiến trình đưa ra quyết định có sự tham gia của mọi người, và việc thực thi quyền bính thực sự phù hợp để “làm phát triển” một Dân Chúa trưởng thành và có sự tham gia.
Vatican News
Nguồn: Vaticannews.va
2023
Sơ lược lịch sử Lịch Phụng vụ Công giáo
Lịch Phụng vụ Công giáo, còn được gọi là Năm Phụng vụ Kitô giáo (hoặc đơn giản là Lịch Công giáo) là yếu tố trung tâm của thực hành Công giáo. Lịch Phụng vụ, tự nó là một hệ thống phức tạp nhằm tưởng niệm và cử hành các biến cố quan trọng trong cuộc đời của Chúa Giêsu Kitô, Đức Mẹ Maria và các Thánh, cũng như những thời điểm quan trọng trong lịch sử Giáo hội – nghĩa là, về cơ bản, nó là bộ sưu tập các kỷ niệm liên tục diễn ra, bao gồm lịch sử của chính Kitô giáo, điều cần được giữ gìn và truyền lại cho các thế hệ tín hữu tương lai.
Vì nguồn gốc và sự phát triển của lịch này rõ ràng bắt nguồn từ dòng lịch sử vẫn đang diễn ra của Kitô giáo, nên qua nhiều thế kỷ nó đã có nhiều biến đổi, và do đó, việc thêm các bổ sung vào lịch này được thực hiện một cách tự nhiên và thường xuyên.
Những phát triển ban đầu và việc áp dụng các ngày lễ quan trọng
Nguồn gốc của lịch phụng vụ Công giáo có thể bắt nguồn từ những ngày đầu của chính Kitô giáo. Thực ra, từ thuở đầu, Giáo hội đã cử hành Bí tích Thánh Thể và các thực hành phụng vụ khác mà không nhất thiết phải tuân theo bộ lịch nào. Nhưng khi đức tin lan rộng khắp Đế quốc Rôma, nhu cầu tổ chức và chuẩn hóa việc thờ phượng của cộng đồng Kitô giáo ngày càng phát triển đã trở nên rõ ràng hơn. Đến thế kỷ thứ 4, nền tảng cho lịch phụng vụ đã được đâm chồi – ít là trên khắp lục địa Kitô giáo.
Một trong những bước quan trọng nhất trong sự phát triển của Lịch Phụng vụ Công giáo là việc áp dụng các ngày lễ quan trọng. Trước nhất là những ngày lễ tập trung vào sự Phục Sinh của Chúa Giêsu (tức là Chúa Nhật Phục Sinh) và tưởng nhớ các vị tử đạo. Theo thời gian, các ngày lễ khác đã được thêm vào để kỷ niệm các biến cố như Lễ Giáng sinh của Chúa Kitô (Giáng sinh) và Lễ Truyền tin (25 tháng 3) theo cấu trúc hiện có của lịch Rôma mà Giáo hội đã áp dụng.
Lịch Phụng vụ Công giáo ngày nay
Lịch Phụng vụ Công giáo hiện đại đã được tổ chức theo các mùa phụng vụ khác nhau. Vì Năm Phụng vụ bắt đầu vào Chúa Nhật thứ nhất của Mùa Vọng, nên các mùa (theo thứ tự) là Mùa Vọng, Giáng Sinh, Mùa Thường Niên, Mùa Chay, Tam Nhật Thánh, Lễ Phục Sinh, Lễ Hiện Xuống và Mùa Thường Niên, kết thúc bằng lễ Chúa Kitô Vua. Như vậy, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy, lịch phụng vụ khởi đi từ sự mong đợi Chúa giáng sinh cho đến khi Ngài được nhận biết là Vua vũ trụ – ngày lễ này do Giáo hoàng Piô XI thiết lập vào năm 1925.
Chúng ta có thể thấy, mỗi Mùa Phụng vụ đều có đặc điểm và trọng tâm riêng biệt, phản ánh cuộc đời và những giáo huấn của Chúa Giêsu Kitô. Tuy nhiên, các ngày lễ vẫn tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong lịch, tôn vinh các vị thánh, các cuộc hiện ra của Đức Mẹ và các sự kiện quan trọng trong lịch sử Giáo hội.
Do đó, nguồn gốc và sự phát triển của Lịch Phụng vụ Công giáo là một minh chứng sống động cho tính năng động của Giáo hội Công giáo. Từ buổi đầu trong những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo cho đến những cuộc cải cách phụng vụ vĩ đại của thế kỷ 20, lịch phụng vụ vừa thích nghi và vừa đáp ứng nhu cầu của các tín hữu. Khi thiết lập đời sống phụng vụ cho cộng đoàn các tín hữu, lịch phụng vụ vẫn là nền tảng của đức tin Công giáo, cung cấp một khuôn khổ có cấu trúc và thiêng liêng để thờ phượng, suy tư, hiệp thông với Thiên Chúa và với người khác.
G. Võ Tá Hoàng chuyển ngữ
2023
Thượng Hội đồng: Bài suy niệm của Đức Thánh Cha trong buổi cầu nguyện cho người di cư và tị nạn
BUỔI CẦU NGUYỆN CHO NGƯỜI DI CƯ VÀ TỊ NẠN
BÀI SUY NIỆM CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
Tại Tượng đài Người Di cư, Quảng trường Thánh Phêrô
Thứ Năm, ngày 19.10.2023
Giống như ngày xưa, hiện nay vẫn có những người nhìn thấy cảnh tượng này và băng qua bên kia đường tiếp tục bước đi; chắc chắn họ sẽ tìm ra lý do nào đó để biện minh cho mình, nhưng thực ra đó là vì ích kỷ, thờ ơ và sợ hãi. Đây là sự thật. Trái lại, Tin Mừng nói gì về người Samari này? Tin Mừng nói rằng ông nhìn thấy người bị thương và chạnh lòng thương (c. 33). Đây là chìa khoá. Lòng thương cảm là dấu ấn của Thiên Chúa trong tâm hồn chúng ta. Phong cách của Thiên Chúa là gần gũi, trắc ẩn, và dịu dàng: đó là phong cách của Thiên Chúa, và lòng thương cảm là dấu ấn của Thiên Chúa trong tâm hồn chúng ta. Đây là chìa khoá. Đây là bước ngoặt. Bởi vì từ giờ phút đó, người đàn ông bị thương bắt đầu hồi phục, nhờ người xa lạ đó đã cư xử với mình như một người anh em. Và như vậy, kết quả không chỉ đơn thuần là một hành động giúp đỡ tốt đẹp; mà kết quả còn là tình huynh đệ.
Người Samari nhân hậu không chỉ giúp đỡ người lữ khách bất hạnh bên lề đường. Ông còn đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa đến một quán trọ và chăm sóc người ấy. Ở đây, chúng ta có thể tìm thấy ý nghĩa của bốn động từ tóm tắt việc phục vụ của chúng ta đối với người di cư: chào đón, bảo vệ, thăng tiến, và hội nhập. Những người di cư phải được chào đón, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập. Điều này liên quan đến trách nhiệm lâu dài; thực ra, Người Samari nhân hậu cũng đã quan tâm đến việc quay trở lại. Đây là lý do tại sao điều quan trọng là chúng ta phải chuẩn bị đầy đủ cho những thách thức của tình trạng di cư ngày nay, hiểu rõ những khía cạnh quan trọng cũng như những cơ hội mà việc di cư mang lại, nhằm hướng tới sự phát triển của những xã hội dung nạp hơn, đẹp đẽ hơn, và hòa bình hơn.
Chào đón, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập: đây là công việc chúng ta phải thực hiện.
Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban ân sủng giúp chúng ta gần gũi với tất cả những người di cư và tị nạn gõ đến cửa nhà chúng ta, bởi vì ngày nay “bất cứ ai nếu không là kẻ cướp hoặc không là người bỏ đi qua, thì cũng sẽ là người bị thương hoặc là người vác người bị thương lên vai”. (Thông điệp Fratelli Tutti, 70).
Dòng Đa Minh Thánh Tâm