Sơ lược lịch sử Lịch Phụng vụ Công giáo
Lịch Phụng vụ Công giáo, còn được gọi là Năm Phụng vụ Kitô giáo (hoặc đơn giản là Lịch Công giáo) là yếu tố trung tâm của thực hành Công giáo. Lịch Phụng vụ, tự nó là một hệ thống phức tạp nhằm tưởng niệm và cử hành các biến cố quan trọng trong cuộc đời của Chúa Giêsu Kitô, Đức Mẹ Maria và các Thánh, cũng như những thời điểm quan trọng trong lịch sử Giáo hội – nghĩa là, về cơ bản, nó là bộ sưu tập các kỷ niệm liên tục diễn ra, bao gồm lịch sử của chính Kitô giáo, điều cần được giữ gìn và truyền lại cho các thế hệ tín hữu tương lai.
Vì nguồn gốc và sự phát triển của lịch này rõ ràng bắt nguồn từ dòng lịch sử vẫn đang diễn ra của Kitô giáo, nên qua nhiều thế kỷ nó đã có nhiều biến đổi, và do đó, việc thêm các bổ sung vào lịch này được thực hiện một cách tự nhiên và thường xuyên.
Những phát triển ban đầu và việc áp dụng các ngày lễ quan trọng
Nguồn gốc của lịch phụng vụ Công giáo có thể bắt nguồn từ những ngày đầu của chính Kitô giáo. Thực ra, từ thuở đầu, Giáo hội đã cử hành Bí tích Thánh Thể và các thực hành phụng vụ khác mà không nhất thiết phải tuân theo bộ lịch nào. Nhưng khi đức tin lan rộng khắp Đế quốc Rôma, nhu cầu tổ chức và chuẩn hóa việc thờ phượng của cộng đồng Kitô giáo ngày càng phát triển đã trở nên rõ ràng hơn. Đến thế kỷ thứ 4, nền tảng cho lịch phụng vụ đã được đâm chồi – ít là trên khắp lục địa Kitô giáo.
Một trong những bước quan trọng nhất trong sự phát triển của Lịch Phụng vụ Công giáo là việc áp dụng các ngày lễ quan trọng. Trước nhất là những ngày lễ tập trung vào sự Phục Sinh của Chúa Giêsu (tức là Chúa Nhật Phục Sinh) và tưởng nhớ các vị tử đạo. Theo thời gian, các ngày lễ khác đã được thêm vào để kỷ niệm các biến cố như Lễ Giáng sinh của Chúa Kitô (Giáng sinh) và Lễ Truyền tin (25 tháng 3) theo cấu trúc hiện có của lịch Rôma mà Giáo hội đã áp dụng.
Lịch Phụng vụ Công giáo ngày nay
Lịch Phụng vụ Công giáo hiện đại đã được tổ chức theo các mùa phụng vụ khác nhau. Vì Năm Phụng vụ bắt đầu vào Chúa Nhật thứ nhất của Mùa Vọng, nên các mùa (theo thứ tự) là Mùa Vọng, Giáng Sinh, Mùa Thường Niên, Mùa Chay, Tam Nhật Thánh, Lễ Phục Sinh, Lễ Hiện Xuống và Mùa Thường Niên, kết thúc bằng lễ Chúa Kitô Vua. Như vậy, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy, lịch phụng vụ khởi đi từ sự mong đợi Chúa giáng sinh cho đến khi Ngài được nhận biết là Vua vũ trụ – ngày lễ này do Giáo hoàng Piô XI thiết lập vào năm 1925.
Chúng ta có thể thấy, mỗi Mùa Phụng vụ đều có đặc điểm và trọng tâm riêng biệt, phản ánh cuộc đời và những giáo huấn của Chúa Giêsu Kitô. Tuy nhiên, các ngày lễ vẫn tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong lịch, tôn vinh các vị thánh, các cuộc hiện ra của Đức Mẹ và các sự kiện quan trọng trong lịch sử Giáo hội.
Do đó, nguồn gốc và sự phát triển của Lịch Phụng vụ Công giáo là một minh chứng sống động cho tính năng động của Giáo hội Công giáo. Từ buổi đầu trong những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo cho đến những cuộc cải cách phụng vụ vĩ đại của thế kỷ 20, lịch phụng vụ vừa thích nghi và vừa đáp ứng nhu cầu của các tín hữu. Khi thiết lập đời sống phụng vụ cho cộng đoàn các tín hữu, lịch phụng vụ vẫn là nền tảng của đức tin Công giáo, cung cấp một khuôn khổ có cấu trúc và thiêng liêng để thờ phượng, suy tư, hiệp thông với Thiên Chúa và với người khác.
G. Võ Tá Hoàng chuyển ngữ