2023
Thần học của Đức Bênêđictô XVI qua 12 lời trích dẫn đơn giản
Thần học của Đức Bênêđictô XVI qua 12 lời trích dẫn đơn giản
Our Sunday Visitor Staff
WHĐ – Trong lời nói đầu của Tuyển tập một số bài viết của Đức Bênêđictô XVI xuất bản năm 2018, Đức Thánh Cha Phanxicô viết rằng, các tác phẩm của vị tiền nhiệm của ngài “có thể giúp tất cả chúng ta không chỉ hiểu được hiện tại và tìm ra định hướng vững chắc cho tương lai của chúng ta, mà còn có thể là nguồn cảm hứng thực sự cho hành động mang tính công ích, bằng việc đặt gia đình, tình đoàn kết và sự bình đẳng vào trung tâm của nhận thức và hoạch định, thực sự hướng tới tương lai với tầm nhìn xa”.
Trong suốt quá trình phục vụ Giáo hội – với tư cách là một linh mục trẻ, sau đó là Giám mục, Tổng Giám mục, Hồng y, và cuối cùng là Giáo hoàng – Sự khôn ngoan của Đức Bênêđictô đã tỏa sáng rực rỡ, đưa con người Chúa Giêsu Kitô lên vị trí hàng đầu trong các giáo huấn của Giáo hội.
Dưới đây là 12 lời trích phác hoạ những nét thần học của Đức Cố Giáo hoàng.
- Mỗi chúng ta đều được yêu thương
Chúng ta không phải là sản phẩm ngẫu nhiên và vô nghĩa của quá trình tiến hóa. Mỗi chúng ta là kết quả của ý định của Thiên Chúa. Mỗi chúng ta đều được mong muốn; mỗi chúng ta đều được yêu thương, và mỗi chúng ta đều quan trọng. — Bài giảng thánh lễ khai mạc thừa tác vụ Phêrô, quảng trường thánh Phêrô, 25. 4. 2005
- Kitô hữu
Trở thành Kitô hữu không phải là kết quả của một lựa chọn đạo đức hay một ý tưởng cao cả, nhưng là sự gặp gỡ với một biến cố với một Con Người, Đấng đem lại cho đời sống chúng ta một chân trời mới và từ đó một định hướng dứt khoát. —Thông điệp Deus Caritas Est, ngày 25 tháng 12 năm 2005
- Ngườitrẻ
Này các bạn trẻ, một lần nữa cha hỏi các con, về hôm nay thì thế nào? Các con đang tìm kiếm điều gì? Thiên Chúa đang thì thầm với các con điều gì? Niềm hy vọng không bao giờ thất vọng là chính Chúa Giêsu Kitô. — Gặp gỡ giới trẻ và chủng sinh, Chủng viện Thánh Giuse, Yonkers, New York, Hoa Kỳ ngày 19. 4. 2008
- Thiên đàng
Sự thanh thản, hy vọng và bình an của chúng ta thực sự dựa trên điều này: trong Thiên Chúa, trong tư tưởng, và trong tình yêu của Ngài, không phải chỉ có một ‘cái bóng’ của chúng ta tồn tại, mà trái lại, chúng ta được gìn giữ và đưa vào cõi vĩnh hằng với toàn thể con người chúng ta ở trong Thiên Chúa, và trong tình yêu sáng tạo của Ngài. Chính Tình Yêu của Ngài đã chiến thắng sự chết, và ban cho chúng ta sự vĩnh cửu, và chính tình yêu này mà chúng ta gọi là ‘Thiên Đàng’: Thiên Chúa cao cả đến nỗi Ngài cũng dành chỗ cho chúng ta”. — Bài giảng Thánh lễ trọng kính Đức Trinh Nữ Maria Hồn Xác Lên Trời, Giáo xứ Thánh Thomas of Villanova, Castel Gandolfo, ngày 15. 8. 2010.
- Hy vọng
Chúng ta cần những hy vọng lớn, nhỏ để giúp chúng ta tiến bước từng ngày. Nhưng như thế là chưa đủ nếu không có niềm hy vọng lớn lao, vốn phải vượt trên mọi thứ khác. Niềm hy vọng lớn lao này chỉ có thể là Thiên Chúa, Đấng bao trùm toàn bộ thực tại và là Đấng có thể ban cho chúng ta những gì chúng ta không thể tự mình đạt được. — Thông điệp Spe Salvi, ngày 30. 11. 2007
- Maumắn đối vớinhững việc của Thiên Chúa
Có lẽ chẳng mấy khi chúng ta mau mắn thi hành những việc của Thiên Chúa. Ngài không nổi bật trong số những điều đòi hỏi sự mau mắn. Chúng ta nghĩ và nói rằng, những việc của Thiên Chúa có thể chờ đợi. Tuy nhiên, Thiên Chúa là điều quan trọng nhất, và thực sự, là điều hết sức quan trọng. — Bài giảng Thánh lễ Nửa Đêm, Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô, ngày 24. 12. 2012.
- Đứctin
Tin không gì khác hơn là, trong bóng tối của thế giới, chạm vào bàn tay của Thiên Chúa và rồi, trong thinh lặng, lắng nghe Lời Chúa, và chiêm ngắm Tình Yêu. — Diễn từ kết thúc kỳ tĩnh tâm Mùa Chay hàng năm được tổ chức cho Giáo triều Rôma, Nhà nguyện Redemptoris Mater, ngày 23. 02. 2013.
- Sự thật
Như Thánh Augustinô đã dạy, sự thật – tự nó là quà tặng, giống như bác ái – cao cả hơn chúng ta là. Cũng vậy, sự thật về chính chúng ta, về lương tâm cá nhân của chúng ta, trước hết được ban cho chúng ta. Trong mọi tiến trình nhận thức, sự thật không phải là thứ chúng ta tạo ra, mà sự thật luôn được tìm kiếm, hoặc đúng hơn, được đón nhận. — Thông điệp Caritas in Veritate, ngày 29. 6. 2009
- Thánh giá
Vũ khí mới mà Chúa Giêsu đặt vào tay chúng ta là Thánh giá – một dấu chỉ của sự hòa giải, và tha thứ; một dấu chỉ của tình yêu mạnh hơn sự chết. Mỗi khi làm Dấu Thánh Giá, chúng ta cần nhớ là: đừng đối đầu với bất công bằng bất công khác, hoặc bạo lực bằng bạo lực khác; nhưng hãy nhớ rằng chúng ta chỉ có thể chiến thắng điều ác bằng điều thiện chứ không bao giờ bằng việc lấy ác báo ác. — Bài giảng Chúa nhật Lễ Lá, Quảng trường Thánh Phêrô, ngày 09. 4. 2006
- Chức linh mục
Chức linh mục không chỉ đơn thuần là ‘Chức vụ’ nhưng là Bí tích: Thiên Chúa dùng chúng ta là những người đàn ông hèn kém, để qua chúng ta, Thiên Chúa hiện diện với mọi người nam nữ và hành động vì họ. Sự táo bạo này của Thiên Chúa, Đấng phó mình cho nhân loại – Đấng, biết rõ sự yếu đuối của chúng ta, nhưng vẫn cho là chúng ta có khả năng hành động và hiện diện thay cho Ngài – sự táo bạo này của Thiên Chúa là sự cao cả đích thực ẩn chứa trong từ ‘chức linh mục’. — Bài giảng bế mạc Năm Linh mục, Lễ trọng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, Quảng trường Thánh Phêrô, ngày 11. 6. 2010
- Tìm kiếmhạnh phúc
Càng noi gương Chúa Giêsu và càng kết hợp với Người, chúng ta càng đi vào mầu nhiệm của sự thánh thiện thần linh của Người. Chúng ta khám phá ra rằng Người yêu thương chúng ta vô bờ bến, và do đó, thúc đẩy chúng ta yêu thương anh chị em mình. Yêu thương luôn đòi hỏi hành động từ bỏ chính mình, “đánh mất chính mình”, và chính điều này làm cho chúng ta hạnh phúc. — Bài giảng Lễ Các Thánh, Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô, ngày 01. 11. 2006
- Thiên Chúa là tình yêu
Thiên Chúa không phải là một thế lực thống trị, một thế lực xa vời; trái lại, Thiên Chúa là tình yêu và Ngài yêu tôi – và như vậy, cuộc sống cần được Ngài hướng dẫn bằng sức mạnh gọi là tình yêu. — Lời chứng cuối cùng (Last Testament), 2016
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
2023
Báo cáo của Fides: số người Công giáo đang gia tăng ở tất cả các Châu lục, ngoại trừ Châu âu
Trước Ngày Thế giới Truyền giáo lần thứ 97 vào Chúa nhật 22 /10/2023, cơ quan Fides công bố tuyển tập thống kê truyền thống của mình nhằm đưa ra một cái nhìn tổng quan về Giáo hội trên thế giới. Châu Phi và Châu Mỹ ghi nhận mức tăng lớn nhất về số người Công giáo, tiếp theo là Châu Á và Châu Đại Dương. Fides tính toán, Lục địa già mất đi các tín hữu của mình, ít hơn 244.000 người. Tuy nhiên, mạng lưới giáo dục, xã hội và y tế luôn ổn định.
Các số liệu từ cơ quan thông tin của Các Hội Giáo hoàng Truyền giáo (OPM), được lấy từ niên bạn mới nhất của Giáo hội (31/12/2021), xem xét các phạm trù khác nhau của cơ cấu Giáo hội: các cơ cấu mục vụ, các hoạt động trong lĩnh vực y tế và giáo dục.
Chúng khởi đi từ dân số thế giới tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2021, ở mức 7,785 tỷ người. Fides thống kê có 1.375.852.000 tỷ người Công giáo, tăng tổng cộng hơn 16 triệu so với năm trước. Sự gia tăng liên quan đến tất cả các châu lục, ngoại trừ Châu Âu (-244.000). Như trước đây, mức tăng lớn hơn ở Châu Phi (+8.312.000 triệu) và Châu Mỹ (+6.629.000 triệu), tiếp theo là Châu Á (+1.488.000 triệu) và Châu Đại Dương (+55 000).
5.340 giám mục trên thế giới
Giáo hội hoàn vũ có ít hơn 23 giám mục so với năm trước với tổng số 5.340 trên toàn thế giới. Xu hướng tương tự cũng được thấy ở các linh mục giảm một chút ở hầu hết mọi nơi. Có 407.000 linh mục trên khắp thế giới. Châu Âu mất hơn 3.500, châu Mỹ gần một nghìn. Trái lại, ơn gọi linh mục đang gia tăng ở Châu Phi, tăng hơn 1.500 linh mục và ở Châu Á tăng thêm 700 linh mục.
Cụ thể, số Giám mục giáo phận tăng ở Châu Phi (+9) và Châu Âu (+1), mặc dù giảm ở Châu Mỹ (-6), Châu Á (-2) và Châu Đại Dương (-3). Các Giám mục dòng đang chứng kiến số lượng của họ giảm ở tất cả các châu lục: Châu Phi (-2), Châu Mỹ (-16), Châu Á (-2), Châu Âu (-3), ngoại trừ Châu Đại Dương, nơi tăng thêm một vị.
Châu Âu mất 3.632 linh mục
Tổng số linh mục trên thế giới giảm xuống, đạt 407.872 (-2.347). Một lần nữa, chúng ta thấy sự sụt giảm đáng kể ở Châu Âu (-3.632), cộng với Châu Mỹ (-963). Mức tăng được ghi nhận ở Châu Phi (+1.518), Châu Á (+719) và Châu Đại Dương (+11).
Số lượng linh mục giáo phận giảm tổng cộng 911 đơn vị, đạt con số 279.610, và lại giảm trong năm nay ở Châu Âu (-2.237) và ở Châu Mỹ (-230). Sự gia tăng được ghi nhận ở Châu Đại Dương (+21), Châu Á (+561) và Châu Phi (+974).
Số tu sĩ cũng giảm đáng kể ở Châu Mỹ, Châu Âu và Châu Đại Dương, nhưng lại gia tăng ở Châu Phi và Châu Á. Với mức độ năng động đặc biệt suy giảm trong số các nữ tu, -10.500 trên tổng số 600.000.
Điều tích cực là số lượng phó tế vĩnh viễn trên thế giới tiếp tục tăng trong năm nay + 541, tăng trên tất cả các châu lục.
Gần 50.000 tu sĩ trên thế giới
Số tu sĩ không phải linh mục giảm 795, đạt tổng số 49.774, mức giảm được ghi nhận ở Châu Mỹ (-311), Châu Âu (-599) và Châu Đại Dương (-115). Nó tăng ở Châu Phi (+205) và Châu Á (+25). Xu hướng giảm tổng thể về số lượng nữ tu đã được xác nhận, có ít hơn 10.588 nhưng tổng cộng có 608.958. Một lần nữa, mức tăng lại ở Châu Phi (+2.275) và Châu Á (+366), mức giảm ở Châu Âu (-7.804), Châu Mỹ (-5.185) và Châu Đại Dương (-240).
Một mạng lưới giáo dục, xã hội và y tế Công giáo dày đặc
Mạng lưới giáo dục và y tế Công giáo có vẻ ổn định và tăng nhẹ ở cấp độ tổng thể. 7 triệu học sinh được học tại các trường mẫu giáo Công giáo, 34 triệu học sinh tiểu học, 2 triệu học sinh trung học và gần 4 triệu sinh viên. Trung thành với mục vụ y tế và hoạt động bác ái của mình, Giáo hội có 5.400 bệnh viện và 14.000 trạm y tế, chủ yếu ở Châu Phi và Châu Mỹ; nhưng còn có 9.703 trại trẻ mồ côi, phần lớn ở châu Á (3.230); 10.567 trường mầm non; 10.604 trung tâm tư vấn hôn nhân, chủ yếu ở Châu Âu (5.390) và Châu Mỹ (2.609).
Tý Linh (theo Delphine Allaire, Vatican News)
2023
“Đối với người Do Thái chúng tôi, Thiên Chúa đã “Nhập Thể” trong Kinh Thánh”
Vài ngày trước vụ thảm sát xảy ra ở Israel, giáo sĩ Rivon Krygier đã dành cho nhật báo La Croix cuộc phỏng vấn này. Giáo sĩ nói với chúng ta, những dòng sau đây, không có mối liên hệ trực tiếp đến các sự kiện hiện tại, tuy nhiên vẫn giữ được ý nghĩa tâm linh của chúng, ngay cả vì những sự kiện bi thảm.
La Croix : Ngài đọc Thánh Kinh như thế nào ?
Rivon Krygier : Chúng ta hãy làm rõ ngay từ đầu rằng Thánh Kinh Do Thái không giống với Thánh Kinh Kitô giáo. Ngay cả một số sách của Cựu Ước cũng không được đưa vào quy điển Do Thái, chẳng hạn như hai cuốn sách Maccabê. Tuy nhiên, chúng vẫn là đối tượng của lễ hội Hanukkah kỷ niệm lễ cung hiến Đền thờ. Thánh Kinh Do Thái chứa Kinh Torah – mà người Kitô hữu gọi là Ngũ Kinh -, các sách Ngôn sứ và các Tác phẩm thánh. Và, như bạn biết, không có Tân Ước.
Cách đọc Thánh Kinh của chúng tôi không bao giờ là cách đọc đơn giản, theo nghĩa đen, mà chủ yếu là vấn đề giải thích, đặt vào viễn cảnh. Nó hệ tại tìm kiếm trong văn bản bất cứ điều gì không minh nhiên nhưng ngụ ý, hoặc bất cứ điều gì được kết nối với các phần hoặc yếu tố khác của toàn bộ Thánh Kinh, trong một mạng lưới, để tạo nên một nhận xét có tính cộng hưởng.
La Croix : Ngài đọc một mình hay trong cộng đoàn ?
Rivon Krygier : Theo truyền thống Do Thái, chúng tôi không bao giờ đọc Thánh Kinh một mình. Ngay cả khi tôi nghiên cứu văn bản một mình, tôi cũng nghiên cứu thông qua những nhà chú giải tập trung xung quanh nó. Đó là một cuộc đối thoại tuyệt vời giữa bản văn đang nói và tất cả những ai, từ Mạc Khải, đã đọc những câu này và giải thích chúng.
Việc đọc công khai là rất phổ biến. Nó cũng được tìm thấy trong các sách Tin Mừng. Chúa Giêsu đến Hội đường vào sáng thứ Bảy, đưa ra lời chú giải. Khi chúng ta đưa Kinh Torah ra khỏi tủ thánh, đó là một kiểu lặp lại Mạc Khải. Kinh Torah ẩn dật đột nhiên trở nên hữu hình, dễ tiếp cận. Chúng tôi chuyền nó trong đám rước, chúng tôi đặt nó lên bàn, chúng tôi mở Sefer, cuộn sách. Toàn thể cộng đồng nghe thấy tiếng nói, lời Chúa nói với mình. Sau đó, một người có trình độ học vấn không nhất thiết là giáo sĩ được mời đến để đưa ra lời giải thích từ truyền thống. Đó là một bài tập tâm linh và trí tuệ.
La Croix : Đâu là tính đặc thù của kinh nghiệm này ?
Rivon Krygier : Nó gây bối rối vì những chú giải khác nhau không giải thích được văn bản. Chúng làm cho nó phức tạp hơn. Chúng tạo thành một kho lưu trữ khổng lồ có sẵn cho phép có nhiều góc nhìn về văn bản, với các quan điểm khác nhau, đôi khi trái ngược nhau. Một yếu tố quan trọng của Do Thái giáo là chúng tôi không nhất thiết phải giải quyết mâu thuẫn. Ngược lại, chúng tôi muốn tiếp cận văn bản với nhiều quan điểm như vậy để không giảm thiểu nó vào một chiều kích duy nhất.
Do đó, nhà chú giải sẽ kín múc từ bản văn và từ những chú giải những yếu tố sẽ soi sáng cho mình về cuộc sống ngày nay, về những vấn đề luân lý, tâm linh, vốn có thể vượt xa vấn đề về ý nghĩa nguyên thủy của bản văn. Việc tìm kiếm sự mạch lạc và cộng hưởng, tính liên tục giữa văn bản và thời đại đương đại của chúng ta, là một thách thức thường xuyên.
La Croix : Chẳng hạn, ngài lập nên mối liên hệ nào giữa văn bản Thánh Kinh và cuộc sống đương đại?
Rivon Krygier : Chúng tôi vừa bắt đầu chu kỳ đọc sách Sáng Thế Ký. Trong những chương đầu tiên có tranh chấp giữa Cain và Abel, mà chúng ta không biết lý do của nó. Chắc chắn, chúng ta có thể nghĩ rằng Cain ghen tị với Abel vì Chúa chấp nhận lễ vật của em trai ông chứ không phải lễ vật của ông. Nhưng không có gì được nói rõ ràng. Tại một thời điểm, văn bản nói: “Cain đã nói với Abel…” và như có khoảng trống. Ngay sau đó, văn bản nói thêm rằng Cain đã giết Abel. Khoảng trống này trong văn bản mở ra một lĩnh vực giải thích tuyệt vời. Do đó, nhà chú giải giáo sĩ cổ đại, Midrash, đã cố gắng nhét lời vào miệng Cain.
Ông đã nói gì với Abel? Điều gì gây ra vụ giết người mang tính biểu tượng đầu tiên trong lịch sử? Một số giáo sĩ Do Thái nói rằng họ tranh giành cùng một người phụ nữ, những người khác nói rằng họ tranh giành đất đai. Một trong những vấn đề là họ đang tranh cãi về việc xây dựng ngôi đền thờ ở đâu – trên đất của Cain hay trên đất của Abel? Khoảng trống để lại gợi ý rằng những lời trao đổi là cuộc đối thoại của những người điếc.
La Croix : Người Do Thái xem Kinh Torah như thế nào: đó có phải là tiếng nói, lời của Thiên Chúa không?
Rivon Krygier : Theo quan điểm truyền thống, văn bản được mạc khải. Một câu rất hay trong Thánh Kinh (được đọc bằng tiếng Do Thái) nói rằng tại Sinai “dân chúng đã nhìn thấy những tiếng nói”. Đó là một hình thái văn phong ám chỉ kinh nghiệm siêu nhiên về Mạc Khải: Lời Chúa được diễn tả và cô đọng bằng những chữ có hình dạng. Ngày nay, chúng tôi vẫn nhìn thấy những tiếng nói vì khi nhìn vào những từ ngữ trong văn bản, chúng vang vọng trong trái tim và tâm hồn chúng tôi.
Tuy nhiên, một bản văn Thánh Kinh không bao giờ nói một mình. Ngay cả khi tôi cho rằng chính Thiên Chúa đã nói, đã đọc cho viết từng chữ, thì sẽ luôn có một người, một nhóm đọc và hiểu nó từ lăng kính của họ. Chính văn bản không nói lên tất cả mọi thứ. Cách phát âm (bằng tiếng Do Thái) sẽ quyết định ngữ pháp, cấu trúc, từ ngữ. Tuy nhiên, chúng tôi luôn có thể đọc lại văn bản bằng cách phát âm các từ một cách khác. Văn bản vẫn năng động. Vì thế, chính Lời Thiên Chúa, được trung gian bởi sự tiếp nhận của Môisê, các ngôn sứ và tín hữu, sẽ kéo dài đến vô tận.
La Croix : Việc tiếp tục cuộc đối thoại này với văn bản có phải là cách làm cho Kinh Torah tồn tại không?
Rivon Krygier : Tất nhiên rồi. Tồn tại, theo quan điểm từ nguyên, đó là “ra khỏi chính mình”. Từ lúc bản văn vang vọng trong cuộc sống của chúng tôi, tù lúc nó chất vấn chúng tôi, thì lúc đó Thiên Chúa sẽ lên tiếng. Người không còn là một sự trừu tượng nữa. Một cách nào đó, chúng tôi có thể nói rằng “Thiên Chúa đã trở thành Kinh Torah”, đã “nhập thể” trong lời của nó. Đó là sự trung gian mà qua đó chúng ta tiếp cận được Thiên Chúa.
Một nguyên tắc cổ xưa từ thời Mishnah (cơ sở cho luật truyền khẩu của Kinh Torah) nói rằng “Kinh Torah đến từ trời”. Hơi thở của Chúa xuyên qua nó. Nhưng trong Talmud, bộ sưu tập chính các bài chú giải tiếp theo, người ta tìm thấy một câu chuyện tuyệt vời kể về cuộc tranh cãi giữa các giáo sĩ về một chi tiết của lề luật.
Một người trong số họ tức giận nói: “Nếu tôi đúng, thì một kỳ công như thế hãy xảy ra,” và như thế ông tiếp tục tạo ra những kỳ công để chứng minh rằng mình đúng. Một giáo sĩ khác can thiệp: “Đủ rồi. Tất cả màn “pháo hoa” này đều không có giá trị”, và trích dẫn một câu trong sách Đệ Nhị Luật nói rằng “Kinh Torah không ở trên trời”. Nó đến từ trời, nhưng nó không còn ở trên trời nữa. Nó đã được giao phó cho chúng ta. Kinh Torah được mạc khải cũng vô ích, nhưng ý nghĩa của lời Thiên Chúa trở thành trách nhiệm của con người. Nó đang được tranh luận và phần lớn các giáo sĩ quyết định ý nghĩa của nó.
Chúng tôi không chỉ đơn giản là người tiếp nhận mà còn là diễn viên, đối tác của lời này. Điều này hàm ý không ở lại trong sự vâng phục thụ động hay chủ nghĩa bảo thủ kiên quyết, nhưng hàm ý không ngừng tự đặt câu hỏi về sự thích đáng, về sự tương hợp với thực tại.
La Croix : Chúng ta có thể đọc Thánh Kinh theo cách tương tự sau Shoah (nạn diệt chủng người Do Thái) không?
Rivon Krygier : Bất kỳ nhà thần học nghiêm túc nào cũng không thể bỏ qua Shoah. Dân tộc Do Thái vẫn còn bị tổn thương nặng nề đến nỗi, đến thế hệ thứ tư, chúng tôi vẫn còn bị ghi dấu lâu dài. Nhưng khi chúng tôi là người Do Thái và là người thừa kế Thánh Kinh, chúng tôi không có quyền để mình bị nhốt kín trong chấn thương. Nếu có một giới răn, thì đó là “Ngươi hãy thoát khỏi chấn thương”. Điều này phải làm tăng thêm ý chí kiên cường và chiến đấu của chúng tôi, không ảo tưởng nhưng với quyết tâm, để nhân loại trở nên huynh đệ hơn. “Chúng ta đọc Thánh Kinh để giải phương trình tình huynh đệ” theo công thức đanh thép của một trong những người thầy của tôi, Léon Ashkénazi.
Nguyên tắc lớn của Do Thái giáo, đó là chúng tôi ở trong thế giới để phục vụ Thiên Chúa. Điều quan trọng, đó không phải là những ân huệ mà Thiên Chúa sẽ ban cho chúng tôi, mà là những gì chúng tôi sẽ làm với lời của Người bằng cách cố gắng nâng cao bản thân về mặt đạo đức và tâm linh hướng về Người. Trong Sáng Thế Ký, một trong những câu hỏi đầu tiên Thiên Chúa hỏi con người là: “Ngươi đang ở đâu?” ” Bạn đang ở đâu? Đây là câu hỏi lớn không ngừng thách thức chúng tôi, mời gọi chúng tôi mở Thánh Kinh ra và “nhìn thấy những tiếng nói”.
——————————————————————-
Một giáo sĩ Do Thái thuộc cộng đồng Massorti, dấn thân vào cuộc đối thoại Do Thái-Kitô giáo
Người Pháp gốc Bỉ, Rivon Krygier, từ ba mươi năm qua, là giáo sĩ Do Thái của cộng đồng Massorti Adath Shalom, vốn có “ơn gọi là dung hòa giữa truyền thống và hiện đại” trong đạo Do Thái.
Ông nghiên cứu Do Thái giáo tại Viện Mayanot, rồi tại Đại học Do Thái ở Jerusalem, và chọn chủng viện giáo sĩ.
Đã kết hôn và là cha của hai đứa con, ông cũng dấn thân vào cuộc đối thoại Do Thái-Kitô giáo. Sự nhạy cảm mà ông có được từ lịch sử của cha mẹ mình, cả hai đứa trẻ đều được che giấu trong Thế chiến thứ hai. Ông làm chứng : “Cha tôi đã được cứu bởi một linh mục, người đã che giấu và chuyển ông ấy đi hết nơi này đến nơi khác. Khi còn nhỏ, tôi rất cảm động khi biết rằng vị linh mục này đã liều mạng sống mình. Sau đó, khi tôi đến Yad Vashem, Bảo tàng Shoah ở Giêrusalem, cái cây đầu tiên mà tôi sụp mình xuống ở lối đi Những Người Công Chính Giữa các Quốc gia mang tên ngài”. Đồng thời nói thêm rằng, khi còn nhỏ, ông cũng nghe bạn bè nói rằng ông đã giết Chúa Giêsu.
Những trải nghiệm khác nhau này khiến ông tò mò muốn tìm hiểu chủ nghĩa bài Do Thái này và muốn gặp gỡ các Kitô hữu. Trong mắt ông, Vatican II là “một sự kiện quan trọng”. “Việc một tôn giáo ở cấp độ cao nhất trong các tổ chức của mình có khả năng đặt vấn đề về những mặt quan trọng trong thần học của mình là một niềm hy vọng đáng kinh ngạc. Việc Giáo hội Công giáo đã làm điều này khiến tôi cảm động đến tận sâu thẳm nhất. ”
—————————————–
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn : nhật báo La Croix
2023
Nhiều bài thánh ca đã được chỉnh từ
Nói về việc này, linh mục nhạc sĩ Rôcô Nguyễn Duy, Tổng Thư ký Ủy ban Thánh nhạc/HĐGMVN cho biết, để “cho phù hợp với Giáo lý Công giáo, suy tư thần học và ngôn ngữ thời đại chúng ta”. Mặt khác, cha cũng nói thêm, việc chỉnh vài từ các ca khúc đã thịnh hành căn cứ vào những tiêu chuẩn phụng vụ thánh nhạc, mục vụ và quan tâm đến sự chọn lọc của thời gian. Hiện, có tất cả 164 bài hát được điều chỉnh các từ phù hợp, in trong tuyển tập Thánh Ca Việt Nam 1. Các ca khúc này đa dạng chủ đề từ ngợi ca Thiên Chúa, Đức Mẹ, các thánh, các mầu nhiệm… và xét trong phụng vụ cũng đa dạng đủ các mùa lễ quanh năm. Có những bài hát nhập lễ, dâng lễ, ca nguyện, cầu hồn, tạ ơn…
Nhiều khúc hát cầu cho các linh hồn quen thuộc trong phụng vụ và các giờ sinh hoạt chỉnh để hợp với thần học. Chẳng hạn, bài Từ chốn tối tăm của cha nhạc sĩ Kim Long, câu: “Nguyện xin Trinh Vương mau dủ thương chữa bầu để Chúa rút bớt thời gian thương đau”, được sửa lại thành: “Nguyện xin Trinh Vương mau dủ thương chuyển cầu để Chúa rút bớt thời gian thương đau”. Từ chuyển cầu được dùng bởi sự gần gũi với cách dùng hiện đại. Trong bài Vực sâu tối tăm của linh mục nhạc sĩ Văn Chi, câu “Lạy Chúa, nguồn cứu thoát vô biên êm đềm” sửa thành “Lạy Chúa, nguồn cứu thoát muôn dân muôn đời”. Một vài từ ở một số bài thánh ca cầu hồn khác cũng được thay đổi, không gì khác để ý nghĩa được sát hơn và hợp với ngôn ngữ đương thời. Tỷ như “Chúa đã đến thúc con” thành “Chúa đã đến đón con” (Chúa gọi con về, Lan Thanh). Có lẽ, “đón con” là hình ảnh người cha nhân hậu luôn chờ đợi và sẵn sàng chào đón con cái quay về sau bao ngày phiêu du, có những sai lầm đổ vỡ, có những đắng cay, chán chường. Hình ảnh Chúa đón con cũng toát lên sự nhân hậu, khiến người nghe liên tưởng đến dụ ngôn đứa con hoang đàng, dù đời sống có tội lỗi bao nhiêu vẫn được cha khoan dung thương xót. Và hơn hết, vì “Chúa là Đấng từ bi nhân ái” (TV 102) nên Chúa đón con với tất cả tình yêu thương, ấm áp. Hối nhân cũng an lòng mà quay về.
Các bài thánh ca cầu hồn được xướng lên trong tâm trạng đau xót hoặc của người đưa tiễn hoặc của người đồng hương, bạn bè chứng kiến cuộc tang thương. Có khi, vang cao và da diết trong lễ giỗ, giờ cầu nguyện, nhưng dù có dùng trong trường hợp nào cũng mang tâm tình trở về, xin Chúa đoái thương thân phận yếu hèn, tro bụi. Thoáng nhìn, các bài hát đã được sửa đều giúp ý nghĩa thần học được sáng rõ hơn, không chỉ vậy, còn gợi cảm giác tin cậy vào lòng thương xót Chúa. Vì thế, tuy lời vốn quen thuộc bị thay, sẽ làm lạ lẫm đôi chút nhưng giá trị biểu đạt và biểu cảm của ngôn từ không mất đi, ngược lại, dạt dào và mãnh liệt.
Điều này cũng là điểm sáng đáng ghi nhận trong nỗ lực của Ủy ban Thánh nhạc.
(còn tiếp)
THIÊN MI