2023
Bước vào Thánh Lễ qua Kinh thánh: Thánh lễ là gì?
Từ thời các tông đồ, Thánh lễ đã là hành vi trung tâm của phụng thờ Kitô giáo. Vì Thánh Lễ không gì khác hơn là việc cử hành Thánh Thể mà Chúa Giêsu đã thiết lập trong Bữa Tiệc Ly, khi Người truyền cho các tông đồ: “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (x. Lc 22, 19).
Thật khó để tóm tắt những gì xảy ra trong Thánh Lễ với một hai câu ngắn gọn, vì toàn bộ mầu nhiệm cứu chuộc được gắn liền với phụng vụ Thánh Thể. Thật vậy, như Đức Gioan Phaolô II viết, mầu nhiệm cứu độ của cái chết và phục sinh Đức Giêsu “như đã được quy tụ, báo trước và ‘tập trung’ mãi mãi vào ân sủng Thánh Thể”[1].
Ở đây, chúng ta xem xét ngắn gọn ba khía cạnh của Bí tích Thánh Thể làm nền tảng cho việc đi vào Thánh lễ: 1) Thánh Thể tưởng nhớ hy tế của Đức Kitô trên thập giá, 2) Thánh Thể là sự hiện diện thực sự của Đức Giêsu, và 3) Thánh Thể là sự hiệp thông với Chúa chúng ta.
1. Thánh lễ như là hy tế 2. Sự hiện diện thật sự của Đức Giêsu 3. Lạy Đấng Emmanuel, xin ngự đến! 4. Rước lễ |
Cử hành Thánh Thể thường được gọi là “Hy tế Thánh lễ”. Nhưng Thánh Lễ là một hy tế (sacrifice) theo nghĩa nào? Phải thừa nhận rằng điều này không dễ nhận thấy. Dẫu sao, người Công giáo không đi lễ như người Do Thái xưa đến đền thờ, mang theo thú vật đến thánh điện để tư tế giết mổ, xẻ thịt, đốt và dâng lên Thiên Chúa. Của lễ hy tế trong Thánh Lễ rõ ràng không phải là bò, cừu hay dê. Tuy nhiên, nó là một hy tế – hy lễ của Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng trong cái chết trên thập giá đã hiến mạng sống mình như một tặng phẩm hoàn toàn dâng lên Chúa Cha và cứu chuộc thế gian. Theo giáo huấn Công giáo, Thánh lễ không chỉ đơn thuần tưởng nhớ hay biểu trưng cho cái chết của Đức Giêsu trên thập giá. Thánh lễ hiện diện hóa hy lễ cứu chuộc của Đức Kitô trên đồi Canvê một cách bí tích, để quyền năng cứu độ của nó có thể được áp dụng trọn vẹn vào cuộc sống của chúng ta. Như Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo dạy: “Vì trong hy tế thần linh được thực hiện trong thánh lễ, cũng chính Đức Kitô Đấng đã tự hiến một lần bằng cách đổ máu trên bàn thờ thập giá, nay được hiến dâng và sát tế một cách không đổ máu”[2]. Việc xem xét kỹ lưỡng những lời của Đức Giêsu trong Bữa Tiệc Ly có thể làm sáng tỏ khía cạnh này của Thánh Lễ như một hy lễ.
Vào đêm trước khi chịu chết, Đức Giêsu đã thiết lập Bí tích Thánh Thể để tưởng nhớ cái chết và phục sinh của Ngài và là bảo chứng cho tình yêu của Ngài. Trong bối cảnh Lễ Vượt Qua, Người cầm lấy bánh và rượu và nói về những điều ấy, khi thân xác Người bị trao nộp và máu Người đổ ra để thứ tha tội lỗi. Ngài kết thúc Bữa Tiệc Ly bằng cách truyền cho các tông đồ cử hành bữa ăn này như một lễ tưởng niệm phụng vụ: “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”.
Một điểm quan trọng cần lưu ý là ngôn ngữ mà Đức Giêsu sử dụng khi nói về thân xác và máu của Ngài mang âm hưởng hy tế mạnh mẽ. Ngài nói rằng thân xác mình sẽ được dâng lên và máu sẽ đổ ra. Như chúng ta sẽ thấy, ngôn ngữ này gợi nhớ đến các nghi lễ hiến tế của người Do Thái, trong đó thi thể của một con vật được dâng lên và máu nó đổ ra để hiến tế. Vì thế, trong Bữa Tiệc Ly, Đức Giêsu đã dự liệu trước sự hy sinh của Ngài trên thập giá khi nói đến Mình và Máu Ngài được hiến tế giống như con chiên Vượt Qua được hiến tế.
Điểm thứ hai là ý niệm của người Do Thái về tưởng niệm (memorial). Trong Kinh Thánh, tưởng niệm không đơn thuần là nhớ lại một biến cố trong quá khứ. Nó làm cho biến cố đó hiện diện. Vì vậy, khi Chúa Giêsu nói: “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”, Ngài đang truyền cho các tông đồ thực hiện việc tưởng niệm theo Kinh thánh lễ hiến tế Mình và Máu Thánh của Ngài trong Bữa Tiệc Ly. Thật vậy, Mình và Máu Chúa Giêsu nói đến trong Bữa Tiệc Ly chính là Mình và Máu mà Ngài đã hy sinh trên Đồi Canvê, và đó cũng là những gì hiện diện với chúng ta trong Thánh Lễ. Như Đức Gioan Phaolô II giải thích, “Chúa Giêsu không chỉ nói rằng những gì Ngài cho họ ăn và uống là thân xác và máu của Ngài; Ngài cũng diễn tả ý nghĩa hiến tế của nó và làm cho hy lễ của Ngài hiện diện một cách bí tích, hy lễ sẽ được hiến dâng trên Thập Giá để cứu rỗi mọi người”[3]. Tương tự như vậy, sách Giáo Lý dạy rằng Thánh Lễ “làm cho hiện diện” (hiện tại hóa) hy tế của thập tự giá[4]. Qua Bí tích Thánh Thể, “hy tế đẫm máu được thực hiện một lần duy nhất trên thập giá được hiện diện, và việc tưởng niệm hy tế đẫm máu đó sẽ còn mãi cho đến ngày tận thế, và sức mạnh cứu độ của hy tế đó sẽ được áp dụng để tha thứ các tội lỗi chúng ta phạm hằng ngày”[5].
Khía cạnh thứ hai của Thánh Thể là nó chứa đựng sự hiện diện thật sự của Đức Giêsu. Giáo hội Công giáo dạy rằng mặc dù Đức Kitô hiện diện với dân Người bằng nhiều cách – nơi người nghèo, trong lời Ngài, trong các bí tích, và trong lời cầu nguyện của hai người họp nhau nhân danh Ngài – Ngài hiện diện độc nhất trong Thánh Thể. Vì trong bí tích Thánh Thể cực thánh, Mình và Máu cùng với linh hồn và thần tính của Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô, và như vậy, là Đức Kitô toàn thể (totus Christus), hiện diện một cách “đích thực, thật sự, và theo bản thể”[6].
Bí tích Thánh Thể không chỉ là biểu tượng của Đức Giêsu. Chúa Kitô cũng không chỉ hiện diện cách thiêng liêng trong bánh và rượu cách mơ hồ. Trong Bữa Tiệc Ly, Đức Giêsu cầm lấy bánh và rượu rồi nói: “Này là mình Ta… Này là chén máu Ta…”. Không giống như các cộng đồng Kitô hữu khác coi Bí tích Thánh Thể chỉ là một biểu tượng thánh hay “sự nhắc nhở” về Chúa Giêsu, Giáo Hội Công giáo khẳng định rằng khi linh mục đọc những lời này của Chúa Giêsu trong Thánh Lễ vào lúc truyền phép, bánh và rượu trên bàn thờ sẽ được biến đổi thành Mình và Máu Chúa Kitô. Thuật ngữ thần học dùng để mô tả sự thay đổi này là biến đổi bản thể (transubstantiation), nói lên rằng việc thánh hiến bánh và rượu, “biến đổi trọn vẹn bản thể bánh thành bản thể Mình Thánh Đức Kitô, Chúa chúng ta, và biến đổi trọn vẹn bản thể rượu thành bản thể Máu Thánh Người”[7]. Tuy nhiên, sự biến đổi này không phải là biến đổi hóa học. Tất cả những hình thức bên ngoài, sờ mó được của bánh và rượu vẫn còn đó. Tấm bánh vẫn trông giống như bánh (mì), vị như bánh (mì) và cảm giác như bánh (mì). Và chén thánh chứa thứ mà mọi giác quan đều cho là rượu bình thường. Cấu trúc hóa học của bánh và rượu nho vẫn giữ nguyên. Nhưng bên dưới những diện mạo này, Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu thực sự hiện diện trong Bí tích Thánh Thể.
Khi dạy về Bí tích Thánh Thể, chính Đức Giêsu đã sử dụng ngôn ngữ có tính hiện thực sâu sắc để mô tả cách chúng ta sẽ dự phần vào Mình và Máu Người. Chúa Giêsu không chỉ nói trong Bữa Tiệc Ly rằng bánh và rượu là Mình và Máu Ngài (“Này là Mình Thầy… Này là Máu Thầy”), mà khi đưa ra lời dạy sâu thẳm nhất về Bí tích Thánh Thể, Ngài nói rằng chúng ta phải thực sự ăn thịt và uống máu Ngài. Việc thông phần vào Mình và Máu thật của Ngài vào Bí tích Thánh Thể quan trọng đến mức Ngài đã dạy: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6, 53-56). Thánh Cyril thành Giêrusalem, một nhà thần học Kitô giáo sơ thời, đã khuyến khích các Kitô hữu tin tưởng vào những lời của Chúa Giêsu về Bí tích Thánh Thể thực sự là Mình và Máu Người: “Đừng thấy trong bánh và rượu chỉ là những yếu tố tự nhiên, bởi vì Chúa đã nói rõ ràng rằng đó là thể xác và máu của Ngài: đức tin bảo đảm với bạn về điều này, mặc dù các giác quan của bạn gợi ý điều khác”[8].
Một trong những danh hiệu trong Kinh thánh dành cho Đức Giêsu là “Emmanuel”, có nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt 1,23). Đức Giêsu là Con Thiên Chúa đã nhập thể và ở giữa chúng ta. Thế nên Ngài mong muốn được ở gần chúng ta để ban cho chúng ta món quà là sự hiện diện bí tích của Ngài trong Bí tích Thánh Thể. Do đó, Người tiếp tục là Emmanuel – Thiên Chúa ở cùng chúng ta – trong mỗi Thánh lễ được cử hành trên khắp thế giới. Chúng ta đừng bao giờ xem ân huệ này là đương nhiên. Sự kiện đáng kinh ngạc nhất trong vũ trụ diễn ra trong mỗi Thánh lễ: chính Con Thiên Chúa đến trên bàn thờ của chúng ta và ngự giữa chúng ta!
Nhưng ước muốn của Chúa ở lại với chúng ta không dừng lại ở đó. Sự hiện diện của Đức Kitô tiếp tục ngự trong các hình Thánh Thể ngay cả ngoài Thánh Lễ cho đến khi nào các dạng hình thánh vẫn còn. Vì thế trong mọi nhà thờ Công giáo, Thánh Thể phải được lưu giữ trong không gian linh thánh gọi là nhà tạm. Chúng ta nên tôn kính sự hiện diện của Chúa Kitô trong Thánh Thể bằng cách bái gối hay một số cử chỉ thánh thiện khác để bày tỏ lòng tôn thờ Chúa chúng ta trong Nhà tạm. Chúng ta cũng nên cố gắng dành thời gian với Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể ngoài Thánh lễ trong nhà thờ hoặc nhà chầu Thánh thể. Sự thân mật với sự hiện diện của Đức Kitô trong Bí tích Thánh Thể có thể mang lại sức mạnh và niềm an ủi lớn lao cho tâm hồn. Thánh Alphonsus Liguori lưu ý rằng đây là một trong những thực hành quan trọng nhất mà chúng ta có thể thực hiện: “Trong tất cả các việc đạo đức, việc sùng kính Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể là cao trọng nhất sau các bí tích, là việc sùng kính thân thiết đối với Thiên Chúa và hữu ích nhất cho chúng ta”[9]. Đức Gioan Phaolô II đã dạy rằng khi ở lại trong sự hiện diện của Chúa nơi Thánh Thể, thì dường như chúng ta trở nên giống như người môn đệ yêu dấu đã dựa vào ngực Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly.
Trong tất cả các nhà tạm trên khắp thế giới, Đức Giêsu tiếp tục là Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Ở đó, trong Mình Thánh Chúa, chúng ta gặp Đức Giêsu, Đấng đã đi trên đường phố Palestine, chữa người bệnh tật, kêu gọi mọi người hoán cải và ban cho họ ơn thứ tha tội lỗi. Và chính Đức Giêsu ấy tiếp tục công cuộc chữa lành, tha thứ và cứu chuộc trên thế giới; chỉ bây giờ Ngài mới đến gặp chúng ta một cách bí tích trong Bí tích Thánh Thể. Chúa Giêsu khao khát chúng ta đến gần Ngài và muốn thực hiện những công việc vĩ đại trong cuộc đời chúng ta, giống như Ngài đã làm cho dân Chúa cách đây 2.000 năm. Nhưng chúng ta phải đến cùng Ngài. Và chúng ta phải tin. Đức Gioan Phaolô II lưu ý Chúa Giêsu mong mỏi chúng ta đến thăm Người trong Bí tích Thánh Thể như thế nào: “Đức Giêsu chờ đợi chúng ta trong bí tích tình yêu này. Đừng từ chối thời gian đến gặp Người để tôn thờ, chiêm niệm đầy tràn đức tin… Đừng bao giờ ngừng tôn thờ Ngài”[10].
Tân Ước mạc khải Đức Giêsu là Chiên Vượt Qua được hiến tế trên đồi Canvê vì tội lỗi chúng ta (xem 1 Cr 5,7-8; 1 Pr 1,19; Kh 5,6). Tuy nhiên, trong Lễ Vượt Qua, cũng như trong các nghi lễ hiến tế khác của người Do Thái, việc giết các con vật là chưa đủ. Ăn thịt chiên hiến tế là một phần thiết yếu của việc cử hành Vượt Qua (xem Xh 12,8-12). Bữa ăn hiệp thông nối tiếp lễ hy tế, và chính bữa ăn được chia sẻ thể hiện sự gắn kết của giao ước và tạo nên sự hiệp thông giữa những người tham dự và Thiên Chúa.
Điều này thật quan trọng để hiểu Bí tích Thánh Thể là sự hiệp thông (communion). Nếu Đức Giêsu là Chiên Vượt Qua mới đã bị tế sinh vì tội lỗi chúng ta, thì thật thích hợp là sẽ có một bữa ăn hiệp thông đi kèm với sự hy sinh của Ngài trên thập tự giá – một bữa ăn trong đó chúng ta sẽ dự phần vào con Chiên Thiên Chúa thực sự là Đức Giêsu. Nhìn từ nhãn quan Kinh thánh, chúng ta gần như có thể nói đó là một bữa ăn hiệp thông bắt nguồn từ hy tế của Đức Kitô. Điều này là tuân theo khuôn mẫu hy tế và hiệp thông trong Kinh Thánh.
Thánh Phaolô chỉ cho chúng ta hướng đi này trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô, phản ánh quan niệm của người Do Thái về sự hy tế và hiệp thông. Ngài dạy: “Anh em hãy loại bỏ men cũ để trở thành bột mới, vì anh em là bánh không men. Quả vậy, Đức Kitô đã chịu hiến tế làm chiên lễ Vượt Qua của chúng ta. Vì thế, chúng ta đừng lấy men cũ, là lòng gian tà và độc ác, nhưng hãy lấy bánh không men, là lòng tinh tuyền và chân thật, mà ăn mừng đại lễ” (1 Cr 5,7-8). Hãy lưu ý hy tế của Đức Kitô được hiểu như thế nào để đạt đến đỉnh điểm trong một bữa ăn lễ hội. Ngay sau đó Thánh Phaolô nói rõ ngài đang nghĩ tới bữa tiệc lễ hội nào: Đó là Bí tích Thánh Thể. Trong chương 11, ngài kể lại việc Đức Giêsu thiết lập Bí tích Thánh Thể trong Bữa Tiệc Ly, và trong chương 10, ngài mô tả sự hiệp nhất sâu sắc được thiết lập qua việc thông phần Mình và Máu Chúa Kitô: “Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Đức Kitô ư? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao? Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1 Cr 10,16-17).
Chẳng gì ngạc nhiên khi Giáo hội Công giáo xem việc rước lễ là đỉnh cao của phụng thờ Thánh Thể. Như Sách Giáo lý giải thích: “Việc cử hành hy tế Thánh Thể hoàn toàn hướng đến sự kết hợp mật thiết của các tín hữu với Đức Kitô qua việc rước lễ. Rước lễ là lãnh nhận chính Đức Kitô, Đấng đã tự hiến vì chúng ta”[11]. Thật vậy, rước lễ là sự kết hợp sâu sắc nhất của chúng ta với Thiên Chúa ở bên này cõi vĩnh hằng. Thiên Chúa đến với chúng ta một cách bí tích trên bàn thờ trong Thánh Lễ và vẫn hiện diện với chúng ta ngoài Thánh Lễ trong nhà tạm. Riêng điều này thôi đã khá kinh ngạc rồi! Nhưng ước muốn hiệp nhất của Thiên Chúa với chúng ta còn đi xa hơn nữa. Khi hiệp lễ hay rước lễ, Chúa đi vào thân xác chúng ta, kết hợp với linh hồn chúng ta trong sự kết hiệp mật thiết nhất này.
Đây là lúc chúng ta dành sự quan tâm trọn vẹn nhất đối với Chúa, vì Ngài ngự trong chúng ta sau khi rước lễ. Khi trở lại chỗ ngồi của mình trong nhà thờ, chúng ta nên tâm sự với Chúa – yêu mến, cảm ơn Ngài, chia sẻ những nhu cầu và lời cầu xin sâu sắc nhất của chúng ta với Ngài. Trong những giây phút sau khi rước lễ, chúng ta trở nên giống Đức Maria, Đấng đã cưu mang vị Thiên Chúa – Con Người trong lòng mình suốt chín tháng. Thật là một mầu nhiệm! Maria đã có Đấng Tạo Dựng và Đấng Cứu Rỗi trong cung lòng mình! Chưa hết, những gì đã xảy ra nơi Đức Maria cũng xảy ra ở một mức độ nào đó cách bí tích nơi chúng ta, khi chúng ta lãnh nhận Mình và Máu Chúa[12]. Chúng ta trở thành những nhà tạm sống động, là nơi ở cho sự hiện diện của chính vị Thiên Chúa – Con Người. Đây không phải là lúc để nhìn quanh xem mọi người đang mặc áo gì quần gì. Đây không phải là lúc để nghĩ về trận bóng đá vào buổi chiều nay hay nghĩ ra chiến lược làm cách nào để ra khỏi bãi đậu xe cách nhanh chóng. Đây là lúc để nghỉ ngơi với Chúa, Đấng đã vì yêu thương đến ngự trong chúng ta.
Việc rước lễ thường xuyên có thể có tác động to lớn đến cuộc sống của chúng ta[13]. Nó có thể giúp chúng ta vượt qua sự yếu đuối và tội lỗi, hướng dẫn chúng ta trong các quyết định, hỗ trợ chúng ta trong những thử thách và đau khổ, và giúp chúng ta lớn lên trong sự thánh thiện. Khi nuôi dưỡng mình bằng Mình và Máu Thánh Đức Kitô, chúng ta dần được biến đổi bởi chính sự sống của Ngài đang ngự trong chúng ta. Theo một nghĩa nào đó, theo cách diễn đạt hiện đại, chúng ta sẽ trở thành những gì chúng ta ăn! Đó là quan điểm mà Thánh Lêô Cả đã từng nói: “Không có mục đích nào khác khi chúng ta dự phần vào Mình và Máu Đức Kitô, hơn là chúng ta biến đổi thành những gì chúng ta tiêu thụ, và luôn mang trong mình tinh thần và xác thịt Đấng mà chúng ta đã chết, được chôn và sống lại trong Ngài”[14].
Tóm lại, chúng ta đã thấy Thánh Lễ như là hy lễ, là sự hiện diện thực sự và sự hiệp thông thánh thiện. Với nền tảng cơ bản này, giờ đây chúng ta đã sẵn sàng để bắt đầu bước đi theo Kinh Thánh qua các phần của Thánh lễ.
Edward Sri
Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính
Chuyển ngữ từ tác phẩm: A Biblical walk through the Mass Understanding What We Say and Do in the Liturgy, Ascension Press, 2010
Nguồn: gpquinhon.org (16.10.2023)
[1] Gioan Phaolô II, Eucharistia de Ecclesia, số 5.
[2] GLHTCG (Giáo lý Hội thánh Công giáo) 1367; cũng xem GLHTCG, 1362-72.
[3] Gioan Phaolô, Ecclesia de Eucharistia, 12.
[4] GLHTCG, 1366.
[5] Ibid.
[6] GLHTCG, 1374.
[7] GLHTCG 1376.
[8] Được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô trích trong Ecclesia de Eucharistia, số 15.
[9] Thánh Alphonsus Liguori, Visite al SS. Sacramento e a Maria Santissima, Introduction: Opere Ascetiche (Avellino, Italy: 2000), tr. 295. Xem GLHTCG 1418.
[10] Gioan Phaolô II, Dominicae cenae, số 3; cũng trích trong GLHTCG 1380.
[11] GLHTCG 1382.
[12] Gioan Phaolô II, Ecclesia de Eucharistia, số 55.
[13] Người Công giáo buộc phải tham dự Thánh lễ Chúa nhật và các ngày lễ buộc. Việc rước lễ được khuyến khích vào mỗi Chúa nhật và các ngày lễ trọng, và thậm chí ngày thường (GLHTCG 1389). Tuy nhiên, người ta phải ở trong tình trạng ân sủng để tránh lãnh nhận Bí tích Thánh Thể một cách “không xứng đáng” (xem 1 Cr 11, 27-29). “Bất cứ ai mắc tội trọng đều phải lãnh nhận bí tích Hoà Giải trước khi rước lễ”(GLHTCG 1385).
[14] St. Leo the Great, Sermo 63, được dịch trong Matthias Scheeben, The Mysteries of Christianity (St. Louis: Herder and Herder, 1964), tr. 486-7.
2023
Mười hai lời khuyên của Đức Thánh Cha Phanxicô để trở thành người cừ khôi trong việc loan báo Tin Mừng
1. Mỗi Kitô hữu đều được mời gọi loan báo Tin Mừng
Đức Thánh Cha nói: trong Dân Thiên Chúa, “không có sự phân công trách nhiệm cho những người này là rao giảng Tin Mừng bằng cách này hay cách khác, và những người kia thì im lặng […], cũng không có những người này thì hoạt động tích cực và những người kia thì không”. Bởi vì, mỗi người đã được rửa tội đều được mời gọi loan báo Tin Mừng, bất kể chức vụ hay trình độ kiến thức đức tin của họ. Để không nhốt mình trong sự tĩnh lặng, Đức Thánh Cha mời gọi mỗi Kitô hữu nhận ra vẻ đẹp và sự nhưng không của món quà đã được trao cho mình và mang món quà này đến cho người khác: “Các con đã nhận được nhưng không, hãy cho đi một cách nhưng không” (Mt 10, 8).
2. Đừng chờ đợi biết mọi thứ
Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Chúng ta không được đợi cho đến khi chúng ta hoàn hảo và đã đi một chặng đường dài theo Chúa Giêsu để làm chứng cho Ngài”. Sứ mạng loan báo Tin Mừng của chúng ta “bắt đầu từ hôm nay”. Bản thân các tông đồ cũng không hoàn hảo và họ không chờ đợi để trở nên hoàn hảo hoặc biết hết mọi sự trước khi bắt tay vào sứ mạng này. Chúa Giêsu đã sai họ “trước khi hoàn tất việc chuẩn bị của họ”, Đức Thánh Cha giải thích và đồng thời nhắc lại rằng kinh nghiệm truyền giáo “là một phần của việc đào tạo”.
3. Loan báo rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta
“Thiên Chúa là ai? », Đức Thánh Cha hỏi trong bài giáo lý của mình, và giải thích: Người là “Đấng gần gũi, dịu dàng, thương xót”. Đây là thực tại của Thiên Chúa và nó phải được công bố cho mọi người, bởi vì “tình yêu của Thiên Chúa không chỉ dành cho một nhóm nhỏ mà dành cho tất cả mọi người”. Tất cả chúng ta đều là con cái yêu dấu của Chúa, bất chấp lỗi lầm và khuyết điểm, và Người luôn yêu thương chăm sóc mỗi người chúng ta. Đức Thánh Cha thốt lên: “Thật tuyệt vời biết bao khi được chia sẻ ánh sáng này với người khác”. “Anh chị em có coi cuộc sống của mỗi người chúng ta là một cử chỉ của tình yêu không? Đó có phải là một lời mời gọi yêu thương không? “.
4. Loan báo rằng Thiên Chúa tha thứ
Chúa Giêsu đến để giải thoát những người bị áp bức và do đó là những người cảm thấy bị đè bẹp bởi những sai lầm và tội lỗi mà không phương thuốc nào của con người có thể chữa lành được. Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại : “Tin vui là với Chúa Giêsu, sự dữ cổ xưa này, tội lỗi, dường như bất khả chiến bại, không còn có tiếng nói cuối cùng nữa”. “Lời cuối cùng là bàn tay của Chúa Giêsu sẽ nâng bạn dậy khỏi tội lỗi.” Chúa Giêsu tha thứ, nâng đỡ, chữa lành và trấn an tâm hồn khi chúng ta đến với Ngài. “Chúng ta chỉ cần đến gần Chúa và Ngài sẽ tha thứ cho chúng ta mọi sự.”
5. Có cái nhìn như Chúa Kitô
Khi chúng ta loan báo Tin Mừng, Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta có cùng một cái nhìn như Chúa Giêsu, bởi vì Chúa Giêsu đi đến với con người, đến với trái tim, đến với điều chính yếu. Giống như khi Người nhìn Mátthêu, người thu thuế. Người ta coi ông là kẻ cộng tác, kẻ phản bội dân tộc. Giờ đây, trong mắt Chúa Giêsu, Mátthêu là một con người với những đau khổ và sự cao cả của mình. Ngài thực sự nhìn mỗi người với lòng thương xót và ưu ái. Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Cái nhìn này của Chúa Giêsu – rất đẹp, nhìn người khác như người nhận được tình yêu, dù họ là ai – là khúc dạo đầu cho niềm say mê loan báo Tin Mừng.”
6. Thường xuyên đến với Chúa
Việc loan báo Tin Mừng bắt đầu bằng cuộc gặp gỡ cá nhân với Chúa. Đức Thánh Cha nhắc nhớ : loan báo Tin Mừng có nghĩa là có thể chiếu tỏa Chúa Kitô, nhưng “nếu chúng ta không nhận được ánh sáng của Người, chúng ta sẽ bị dập tắt. Nếu chúng ta không thường xuyên đến với Người, chúng ta sẽ mang chính mình thay vì Người và điều đó sẽ hoàn toàn vô ích”. Chính Chúa Kitô đã lánh riêng ra trong đêm, để cầu nguyện với Chúa Cha. “Chúng ta có thể tự hỏi: chúng ta có noi gương Người bằng cách uống nước từ suối cầu nguyện, để tâm hồn chúng ta hòa hợp với Người không? Chính Chúa Giêsu đã nói rõ ràng với các môn đệ của mình: “Không có Thầy các con không thể làm gì được””.
7. Thông truyền Tin Mừng mà chúng ta đã nhận được
Thánh Phaolô đã viết cho giáo đoàn Galata : “Nếu chính chúng tôi, hoặc nếu thiên sứ từ trời truyền cho anh em một Tin Mừng khác với Tin Mừng chúng tôi đã rao giảng cho anh em, thì người ấy đáng bị nguyền rủa!” (Gl 1, 8). Như Đức Thánh Cha Phanxicô nói, “cám dỗ tiến hành “một mình” luôn hiện hữu, đặc biệt khi con đường trở nên bế tắc”. Ngài giải thích rằng chính cơn cám dỗ này “đi theo những con đường giả Giáo hội dễ dàng hơn, chấp nhận lôgic thế gian, trông cậy vào sức mạnh của các ý tưởng, chương trình, cơ cấu của chúng ta”. Để tránh điều này, mọi Kitô hữu đều được mời gọi cầu xin Chúa Thánh Thần để có thể công bố sự thật về Chúa Giêsu Kitô và tính xác thực của Lời Người.
8. Không được chiêu dụ tín đồ
Loan báo Tin Mừng không giống như chiêu dụ tín đồ, hay tìm cách thuyết phục người khác. Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở: “Chúng ta không loan báo một đảng phái chính trị, cũng không một hệ tư tưởng, không: chúng ta loan báo Chúa Giêsu”. Truyền giáo có nghĩa là đưa “Chúa Giêsu tiếp xúc với mọi người, không thuyết phục họ, nhưng để Chúa thuyết phục”. Như người tiền nhiệm của ngài là Đức Bênêđíctô XVI cũng đã dạy, “Giáo hội không chiêu dụ tín đồ. Đúng hơn, Giáo hội phát triển thông qua “sự thu hút””.
9. Làm chứng cho cuộc gặp gỡ cá nhân với Chúa Giêsu
Theo Đức Thánh Cha Phanxicô, việc loan báo Tin Mừng trước hết phải là chứng tá cho cuộc gặp gỡ cá nhân với Chúa Giêsu Kitô. Đó thực sự là một chứng từ không thể thiếu bởi vì thế giới cần “những người loan báo Tin Mừng nói với thế giới về một Thiên Chúa mà họ biết và quen thuộc với họ”. Như Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã nói, “người đương thời sẵn sàng lắng nghe các chứng nhân hơn là các thầy dạy, […] hoặc nếu họ nghe các thầy dạy, đó là vì các thầy dạy này là những chứng nhân”. Để việc loan báo Tin Mừng có kết quả và hữu hiệu, chứng tá cá nhân là điều kiện thiết yếu.
10. Trở thành một Kitô hữu vui tươi
Chúa Giêsu tuyên bố: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi […] Ngài đã sai tôi mang Tin Mừng cho người nghèo khó” (Lc 4, 18). Vì Tin Mừng là lời loan báo về niềm vui và hạnh phúc. Như Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Chúng ta không thể nói về Chúa Giêsu mà không có niềm vui, bởi vì đức tin là một câu chuyện tình yêu tuyệt vời để chia sẻ”. Không có niềm vui, việc loan báo Tin Mừng là vô ích. Đức Thánh Cha nói: nhưng làm chứng cho Chúa Giêsu, với niềm vui, thực hiện những hành động nhân danh Người, với niềm vui, là để chứng tỏ rằng “chúng ta đã nhận được một món quà quá đẹp đến nỗi không lời nào có thể diễn tả được”.
11. Để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn
Nhân vật chính thực sự của việc loan báo Tin Mừng là Chúa Thánh Thần. Đức Thánh Cha nói: không có Chúa Thánh Thần, chúng ta không thể loan báo Tin Mừng, “chúng ta chỉ có thể quảng cáo cho Giáo hội”. Do đó, ngài mời gọi các Kitô hữu hãy để mình được Chúa Thánh Thần hướng dẫn và tin tưởng vào hành động của Người, ngay cả khi Người thúc đẩy chúng ta vượt qua những rào cản, giới hạn và biên giới của mình. Đức Thánh Cha nhắc lại : nếu Giáo hội không cầu nguyện với Chúa Thánh Thần, Giáo hội sẽ “tự quay lưng lại” và “ngọn lửa truyền giáo sẽ vụt tắt”. “Đây là lý do tại sao thánh Phaolô Tông đồ khuyên điều này: “Đừng dập tắt Thánh Thần” (1 Th 5, 19) […] chúng ta hãy cầu khẩn Người, cầu xin Người mỗi ngày thắp lên ánh sáng của Người trong chúng ta.”
12. Bắt chước các thánh truyền giáo
Để tái khám phá niềm say mê loan báo Tin Mừng, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu khám phá và để mình được truyền cảm hứng từ nhiều vị thánh truyền giáo. Thánh Têrêsa thành Lisieux, thánh Phanxicô Xaviê, thánh Josephine Bakhita… và rất nhiều người khác đã loan báo Tin Mừng ở đất nước của họ và khắp bốn phương trên thế giới. Như Đức Thánh Cha Phanxicô khuyến khích, chúng ta hãy đến gần những nguồn sống động và những chứng nhân này, “những người đã làm sống lại niềm say mê Tin Mừng trong Giáo hội, để các ngài có thể giúp chúng ta nhen nhóm lại ngọn lửa mà Chúa Thánh Thần luôn muốn đốt cháy trong chúng ta”.
2023
Ba nữ tu Nigeria bị bắt cóc đã được trả tự do
Ba nữ tu Nigeria bị bắt cóc đã được trả tự do
Kitô hữu Nigeria cầu nguyện cho hoà bình và an ninh (AFP or licensors)
Sơ Gloria nói: “Với lòng biết ơn Chúa, chúng tôi vui mừng thông báo việc ba chị em của chúng tôi, một chủng sinh và người lái xe bị bắt cóc trong những ngày gần đây đã được trả tự do.”
Sơ nói thêm: “Chúng tôi chân thành cảm kích Giáo hội và tất cả những người có thiện chí vì sự hỗ trợ tận tình của tất cả mọi người trong suốt thời gian thử thách này. Xin cảm ơn và xin Chúa chúc lành cho tất cả quý vị.”
Vụ bắt cóc ngày 5/10/2023
Ba nữ tu, gồm hai sơ thuộc Dòng Nữ tử Truyền giáo của Mẹ Thiên Chúa và một sơ thuộc Dòng Chúa Phục Sinh, cùng với một chủng sinh thuộc Dòng Nam tử Truyền giáo của Chúa Ba Ngôi, cùng với một tài xế đã bị bắt cóc khi họ đến Mbano, bang Imo của Nigeria để tham dự tang lễ của mẹ của một nữ tu.
Những kẻ bắt cóc đã liên hệ với lãnh đạo của Dòng Nữ tử Truyền giáo của Mẹ Thiên Chúa và yêu cầu tiền chuộc để thả các nạn nhân.
Sơ Gloria cho hãng tin ACI Africa biết rằng số tiền chuộc “1 triệu Naira (khoảng 1.300 đô la)” đã được trả để những người bị bắt cóc được thả tự do.
Nạn bắt cóc tại Nigeria
Việc bắt cóc các linh mục và tu sĩ ở Nigeria đã được biết đến từ lâu và là một phần của hiện tượng bắt cóc rộng hơn nhắm vào người nước ngoài, doanh nhân, chính trị gia, các quan chức chính phủ, nhà ngoại giao. Nhưng cả những công dân bình thường bao gồm cả sinh viên và học sinh, cũng thường là nạn nhân của các vụ bắt cóc hàng loạt, đến mức người ta nói về một “ngành công nghiệp bắt cóc” thực sự.
Các vụ bắt cóc được thực hiện bởi những tên tội phạm thông thường, các nhóm khủng bố như Boko Haram hoặc bởi các băng nhóm chăn nuôi Fulani.
Tình trạng bất ổn ở Nigeria đã bắt đầu kể từ năm 2009 với cuộc nổi dậy của Boko Haram, với mục đích biến nước này thành một quốc gia Hồi giáo. Kể từ đó, nhóm này, một trong những nhóm Hồi giáo lớn nhất ở châu Phi, đã tạo nên các cuộc tấn công khủng bố bừa bãi nhằm vào nhiều mục tiêu khác nhau, bao gồm các nhóm tôn giáo và chính trị cũng như thường dân. Tình hình bất an ở nước này càng trở nên phức tạp hơn do có sự tham gia của những người chăn thả gia súc Fulani, chủ yếu là người Hồi giáo, còn được gọi là Dân quân Fulani. (CNA 19/10/2023)
Hồng Thuỷ
Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/world/news/2023-10/ba-nu-tu-nigeria-bi-bat-coc-da-duoc-tra-tu-do.html
2023
Toà Thánh chào đón 12 linh mục được Nicaragua trả tự do
Toà Thánh chào đón 12 linh mục được Nicaragua trả tự do
Các tín hữu và linh mục trong một Thánh lễ ở Nicaragua (AFP or licensors)
Trả lời câu hỏi của các nhà báo, ông Bruni nói: “Tôi có thể xác nhận rằng Toà Thánh đã được yêu cầu tiếp nhận 12 linh mục từ Nicaragua, vừa mới được trả tự do. Toà thánh đã chấp nhận.”
Ông cho biết thêm rằng một quan chức của Phủ Quốc vụ khanh sẽ đón tiếp các linh mục và đưa họ đến một số cơ sở của giáo phận Roma.
Trong thông cáo báo chí ngày 18/10/2023, chính quyền của Tổng thống Daniel Ortega tuyên bố rằng việc trả tự do cho 12 linh mục đã diễn ra “sau các cuộc đàm phán hiệu quả với Toà Thánh”. Trong thông cáo, chính phủ tuyên bố rằng thoả thuận đã đạt được “với sự can thiệp của các cơ quan có thẩm quyền cấp cao của Giáo hội Công giáo ở Nicaragua và Vatican”.
Trong số các linh mục được trả tự do có 2 vị của Giáo phận Grenada, 1 của Giáo phận Matagalpa, 1 của Giáo phận Siuna, 6 của Giáo phận Estelí, 1 của Giáo phận Jinotega và 1 của Giáo phận Bluefields.
Trước đó, vào ngày 15/10/2023, 6 linh mục của Giáo phận Estelí và 1 của Giáo phận Jinotega và 1 của Giáo phận Bluefields đã bị đưa đến nhà tù El Chipote, được gọi là nhà tù tra tấn.
Hiện tại chính quyền Nicaragua còn giam giữ Đức cha Rolando Álvarez của Giáo phận Matagalpa. Vào ngày 10/2/2023, ngài đã bị kết án 26 năm 4 tháng tù. Một ngày trước khi tuyên án, ngài đã từ chối đi cùng với nhóm 222 người bị nhà nước Nicaragua trục xuất và đưa sang Hoa Kỳ và sau đó bị chế độ độc tài tước bỏ quốc tịch và tịch thu tài sản ở Nicaragua. (CNA 19/10/2023)
Vatican News
Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/vatican-city/news/2023-10/toa-thanh-chao-don-12-linh-muc-duoc-nicaragua-tra-tu-do.html