2023
Các Giáo hội Kitô lên án vụ không kích vào toà nhà của Giáo hội Chính thống Hy Lạp ở Gaza
Các Giáo hội Kitô lên án vụ không kích vào toà nhà của Giáo hội Chính thống Hy Lạp ở Gaza
Các lãnh đạo các Giáo hội Kitô đã mạnh mẽ lên án cuộc không kích vào một toà nhà liền kề với Nhà thờ Thánh Porphyrio của Chính thống Hy Lạp ở Gaza, vào tối ngày 19/10/2023, khiến ít nhất 17 Kitô hữu thiệt mạng, trong đó có 10 người thuộc một gia đình. Một số người khác được cho là vẫn bị mắc kẹt dưới đống đổ nát.
Khoảng 400 người, chủ yếu là Kitô hữu, đã tìm được nơi trú ẩn trong toà nhà khi chiến tranh bắt đầu gần hai tuần trước. Toà nhà đã sụp đổ trong vụ nổ do các cuộc tấn công bằng tên lửa của Israel.
Theo Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ, trong số các nạn nhân có một số Kitô hữu trẻ tham gia “Dự án tạo việc làm” dành cho giới trẻ Kitô giáo, do Toà Thượng phụ Latinh ở Giêrusalem điều hành.
Tòa nhà nằm cách Nhà thờ Công giáo Thánh Gia vài trăm mét, nơi có hơn 500 Kitô hữu đang trú ẩn. Nhiều gia đình từ tòa nhà Chính thống giáo Hy Lạp đã phải chuyển đến Nhà thờ Giáo xứ Thánh Gia, nơi đã chật kín người. Theo nguồn tin của Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ, khu nhà Công giáo cũng bị tấn công vào tối 19/10 bằng lựu đạn gây choáng.
Toà Thượng phụ Chính thống Hy Lạp: tội ác chiến tranh không thể bỏ qua
Trong tuyên bố đưa ra ngày 19/10/2023, Toà Thượng phụ Chính thống Hy Lạp nhấn mạnh rằng “nhắm mục tiêu vào các nhà thờ và các tổ chức liên kết của nó, và cả những nơi trú ẩn mà họ cung cấp để bảo vệ những công dân vô tội, đặc biệt là trẻ em và phụ nữ bị mất nhà cửa do vụ đánh bom của Israel vào các khu dân cư trong 13 ngày qua, cấu thành tội ác chiến tranh không thể bỏ qua”.
Hội đồng các Giáo hội Kitô Thế giới: cuộc tấn công vô lương tâm
Hội đồng các Giáo hội Kitô Thế giới cũng đã lên án mạnh mẽ vụ tấn công. Linh mục Jerry Pillay, Tổng Thư ký, nói: “Chúng tôi lên án cuộc tấn công vô lương tâm này vào một khu nhà thánh thiêng và kêu gọi cộng đồng thế giới thực thi các biện pháp bảo vệ ở Gaza đối với các nơi trú ẩn, bao gồm bệnh viện, trường học và nhà thờ… Chúng tôi cầu nguyện xin ơn chữa lành cho tất cả những người bị thương, cùng gửi lời chia buồn của chúng tôi tới Thượng phụ Theophilo II và tất cả anh chị em Chính thống Hy Lạp trong Chúa Kitô.”
2023
ĐTC ban ơn toàn xá cho các tín hữu ở Bán đảo Ả Rập nhân Năm Thánh 1500 năm Thánh Aretas tử đạo
Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ ban ơn toàn xá cho các tín hữu ở Bán đảo Ả Rập nhận dịp Năm Thánh ngoại thường sẽ được cử hành tại hai Hạt Đại diện Tông toà Bắc và Nam Ả Rập, từ ngày 24/10/2023 đến ngày 23/10/2024, nhân dịp kỷ niệm 1500 năm cuộc tử đạo của Thánh Aretas và các bạn tử đạo, bị sát hại trong cuộc đàn áp chống Kitô giáo vào năm 523 tại Najran, ở Ả Rập trước thời kỳ Hồi giáo.
Cuộc tử đạo của Thánh Aretas và các bạn tử đạo
Thánh Aretas, sinh năm 427, là thống đốc của thành phố Kitô giáo cổ Najran ở miền nam Ả Rập. Vua của Himyar (thuộc Yemen ngày nay), Dhu Nuwas, được cho là đã theo đạo Do Thái và tiến hành một cuộc đàn áp có hệ thống đối với những người theo Kitô giáo, đốt nhà thờ, buộc người dân phải cải đạo và xử tử những người không chịu từ bỏ đức tin Kitô giáo.
Sau khi chinh phục Najran, Vua Dhu Nuwas ra lệnh ném các linh mục, phó tế, nữ tu và giáo dân xuống hố và thiêu sống. Đàn ông, đàn bà, già trẻ, bị giết không phân biệt: một đứa trẻ 5 tuổi bị chết khi lao vào vào ngọn lửa để được ở bên mẹ. Thánh Aretas, lúc đó đã 95 tuổi, và một trăm Kitô hữu khác đã bị chặt đầu vào năm 523. Đại diện Tông toà Bắc Ả Rập cho biết đã có hơn 4.000 vị tử đạo trong cuộc đàn áp này, đã bị giết “vì đức tin vững mạnh vào Chúa Kitô bị đóng đinh”.
Mở cửa Năm Thánh
Hai vị Đại diện Tông toà Bắc và Nam Ả Rập, Aldo Berardi và Paolo Martinelli, sẽ mở Cửa Thánh ở Bahrain và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Thánh lễ khai mạc trọng thể Năm Thánh sẽ được Đức cha Aldo Berardi, Đại diện Tông toà miền Bắc Ả Rập, chủ sự lúc 11 giờ giờ địa phương vào ngày 4/11/2023, tại Nhà thờ Đức Mẹ Ả Rập ở Awali, Bahrain, đúng một năm sau chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến vùng đất này. Trước Thánh lễ sẽ có nghi thức mở Cửa Thánh.
Vào ngày 9/11/2023, lúc 6 giờ chiều theo giờ địa phương, Cửa Thánh cũng sẽ được Đức cha Paolo Martinelli, Đại diện Tông tòa Nam Ả Rập, mở tại Nhà thờ Thánh Giuse ở Abu Dhabi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, nơi Đức Thánh cha viếng đã thăm vào tháng 2/2019. Một thánh tích của Thánh Aretas, được Đức Thượng phụ Bartolomeo I của Constantinople tặng, dự kiếnsẽ được đưa đến Bahrain vào tháng 11.
Ơn gọi là một Giáo hội Công giáo ở bán đảo Ả Rập
Đức cha Berardi nói với hãng tin Fides: “Chúng tôi có những vị tiền nhiệm Kitô giáo ở những vùng đất này, những người đã nêu gương cho chúng tôi. Bây giờ đến lượt chúng tôi trở thành những chứng nhân của Đấng Phục Sinh trong thời điểm hiện tại. Được truyền cảm hứng từ các vị tử đạo Ả Rập, các Kitô hữu trên bán đảo Ả Rập ngày nay được kêu gọi trở thành ‘những vị tử đạo hằng ngày’, những người không ngừng làm chứng sống động cho Chúa Kitô và sứ điệp của Chúa trong những điều nhỏ nhặt hàng ngày của cuộc sống họ.”
2023
Vatican – Thống Kê Giáo Hội Công Giáo năm 2023
Vatican – Thống Kê Giáo Hội Công Giáo năm 2023
Như mọi năm, nhân dịp Chúa nhật Truyền giáo, năm nay kỷ niệm 97 năm thành lập vào Chúa nhật, ngày 22 tháng 10 năm 2023, Thông tấn xã Fides đưa ra một số số liệu thống kê được chọn lọc để đưa ra một bức tranh toàn cảnh về Giáo hội truyền giáo trên toàn thế giới.
Các bảng được lấy từ ấn bản mới nhất của «Sách Thống kê của Giáo hội» được xuất bản (cập nhật đến ngày 31 tháng 12 năm 2021) liên quan đến các thành viên của Giáo hội, cơ cấu Giáo hội, y tế, phúc lợi và giáo dục. Cuối cùng, bức tranh về các giáo khu phụ thuộc vào Bộ Truyền giáo được báo cáo.
Tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2021, dân số thế giới là 7.785.769.000, tăng 118.633.000 so với năm trước.
Sự gia tăng dân số đã được ghi nhận, ngay cả trong năm nay, ở mọi châu lục ngoại trừ Châu Âu.
Cùng ngày, ngày 31 tháng 12 năm 2021, số người Công Giáo trên thế giới đạt 1.375.852.000 trên tổng mức tăng 16.240.000 so với năm trước. Sự gia tăng ảnh hưởng đến tất cả các châu lục, ngoại trừ Châu Âu (-244.000). Như trước đây, mức tăng được ghi nhận chủ yếu ở Châu Phi (+8.312.000) và ở Châu Mỹ (+6.629.000), tiếp theo là Châu Á (+1.488.000) và Châu Đại Dương (+55.000).
Tỷ lệ người Công Giáo trên thế giới giảm nhẹ (-0,06) so với năm trước đạt 17,67%. Các lục địa có những biến đổi nhỏ.
Tổng số Giám mục trên thế giới giảm 23 vị, xuống còn 5.340. Số lượng giám mục giáo phận giảm (-1) và giám mục dòng (-22). Giám mục giáo phận là 4.155, trong khi Giám mục dòng là 1.185.
Tổng số linh mục trên thế giới giảm xuống còn 407.872 (-2.347). Châu lục ghi nhận mức giảm lớn lại là Châu Âu (-3,632) cũng như Châu Mỹ (-963). Mức tăng được ghi nhận ở Châu Phi (+1,518), ở Châu Á (+719) và ở Châu Đại Dương (+11). Linh mục giáo phận trên thế giới giảm 911 vị, đạt tổng số 279.610. Linh mục dòng giảm 1.436 vị, tổng số 128.262.
Các phó tế vĩnh viễn trên thế giới tiếp tục gia tăng, năm nay tăng 541 vị, lên 49.176. Mức tăng cao nhất được ghi nhận ở tất cả các châu lục: Châu Phi (+59), Châu Mỹ (+147), Châu Á (+58), Châu Âu (+268) và Châu Đại Dương (+9).
Các tu sĩ không phải linh mục giảm 795 vị, xuống còn 49.774. Mức giảm được ghi nhận ở Châu Mỹ (-311), Châu Âu (-599) và Châu Đại Dương (-115). Tăng ở Châu Phi (+205) và ở Châu Á (+25).
Ngay cả trong năm nay, số nữ tu nói chung cũng giảm 10,588 vị, xuống còn 608,958. Mức tăng một lần nữa được ghi nhận ở Châu Phi (+2,275) và Châu Á (+366), giảm ở Châu Âu (-7,804), Châu Mỹ (-5,185) và Châu Đại Dương (–240).
Số lượng Đại chủng sinh, giáo phận và tu sĩ giảm trong năm nay, trên toàn cầu có 1.960 vị, đạt tổng số 109.895. Mức tăng chỉ được ghi nhận ở Châu Phi (+187), giảm ở Châu Mỹ (-744), Châu Á (-514), Châu Âu (-888) và Châu Đại Dương (-1). Tổng số tiểu chủng sinh, giáo phận và tu sĩ năm nay tăng thêm 316 vị lên 95.714. Mức giảm được ghi nhận ở Châu Mỹ (-372), Châu Á (-1.216), Châu Âu (-144) và Châu Đại Dương (-5) trong khi mức tăng được ghi nhận ở Châu Phi (+2.053).
Trong lĩnh vực giáo dục, Giáo Hội Công Giáo điều hành 74.368 trường mẫu giáo với số 7.565.095 học sinh; 100.939 trường tiểu học với 34.699.835 học sinh; 49.868 trường Trung học với 19.485.023 học sinh. Giáo hội cũng trông coi 2.483.406 sinh viên kỹ thuật và 3.925.325 sinh viên đại học.
Các tổ chức y tế, từ thiện và hỗ trợ trên thế giới do Giáo Hội Công Giáo quản lý: 5.405 bệnh viện, 14.205 trạm xá, 567 bệnh viện cùi, 15.276 viện dưỡng lão, bệnh mãn tính và khuyết tật, 9.703 trại trẻ mồ côi, 10.567 trường mẫu giáo, 10.604 trung tâm tư vấn hôn nhân, 3.287 trung tâm phục hồi chức năng xã hội và 35.529 cơ sở loại hình khác.
Các giới hạn Giáo hội phụ thuộc vào Bộ Truyền giáo là 1.121 trung tâm. Hầu hết các giáo phận được ủy thác cho Bộ là ở Châu Phi (523) và Châu Á (481), tiếp theo là Châu Mỹ (71) và Châu Đại Dương (46). (Theo thống kê của Agenzia Fides, 22/10/2023)
Nguồn: Thanh Quảng sdb
2023
ĐTC một lần nữa điện thoại hỏi thăm các Kitô hữu đang sống giữa chiến tranh ở Dải Gaza
ĐTC một lần nữa điện thoại hỏi thăm các Kitô hữu đang sống giữa chiến tranh ở Dải Gaza
Cha Gabriel Romanelli, cha sở của giáo xứ Công giáo Latinh duy nhất ở Dải Gaza, đang bị kẹt lại ở Bêlem, cho biết hôm 18/10/2023, một lần nữa Đức Thánh Cha gọi điện cho cha để bày tỏ sự gần gũi và tình cảm quý mến đối với toàn cộng đoàn Giáo xứ Thánh Gia ở Gaza, cũng như chúc lành và cầu nguyện cho họ.
Tại Gaza có khoảng 1.000 Kitô hữu nhưng phần lớn thuộc Giáo hội Chính thống Hy Lạp, chỉ có khoảng 100 tín hữu Công giáo.
Đức Thánh Cha mời gọi sử dụng “vũ khí” cầu nguyện
Cha Romanelli chia sẻ với hãng tin SIR hôm 19/10/2023: “Đức Thánh Cha đã gọi cho tôi tối qua và một lần nữa, cũng như những cuộc điện thoại trước đây, ngài muốn bày tỏ sự gần gũi của ngài đối với chúng tôi. Ngài nhắc lại với tôi rằng chúng tôi luôn ở trong lời cầu nguyện của ngài và ngài ban phép lành cho tất cả các tín hữu. Ngài cũng không quên bày tỏ sự quan tâm đối với những gì đang xảy ra nhưng khuyến khích chúng tôi tiến về phía trước, gần gũi với cộng đoàn và trên hết – điều ngài luôn nhắc lại – là bảo vệ trẻ em. Ngài mời gọi chúng tôi sử dụng ‘vũ khí’ duy nhất trong tay để cổ vũ hoà bình: đó là cầu nguyện. Hãy cầu nguyện và luôn hiệp thông với ngài và với Giáo hội.”
Giáo xứ Thánh Gia đón tiếp người tị nạn
Ngay khi cuộc xung đột xảy ra vào ngày 7/10/2023, Giáo xứ Thánh Gia đã đón tiếp những người mất nhà cửa và việc làm, và trên hết là người thân và bạn bè. Cha Romanelli cho biết giáo xứ đang tiếp nhận hơn 500 người. Các tu sĩ nam nữ đang nỗ lực trợ giúp họ. Họ như đang sống trong cái lồng, bị bao quanh bởi đống đổ nát. Cha chia sẻ thêm: “Câu hỏi dai dẳng được đặt ra nơi các tín hữu: ‘Khi mọi sự đã qua rồi, chúng ta sẽ đi đâu?’ Có rất nhiều gia đình có con cái, – cha nhắc lại – tất cả sự giúp đỡ cụ thể và tinh thần của chúng tôi đều dành cho họ. Tại thời điểm này, ưu tiên hàng đầu là cứu mạng sống. Các cuộc đột kích và phóng tên lửa liên tục, vụ thảm sát tại bệnh viện Anh giáo, chỉ làm tăng thêm nỗi sợ hãi và căng thẳng.”
Các Kitô hữu Gaza chọn ở lại giáo xứ
Từ Gaza, Sơ María del Pilar Llerena, thuộc Dòng Ngôi Lời Nhập Thể (Ive) Tôi tớ của Chúa và của Đức Mẹ Matarà, chia sẻ: “Trong đêm có những vụ đánh bom lẻ tẻ trong khu vực của chúng tôi. Nhiều người trong chúng tôi đã cố gắng nghỉ ngơi. Tạ ơn Chúa, chúng tôi khá ổn.” Và sơ nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ không bỏ rơi giáo xứ. Chúng tôi sẽ không rời khỏi đây và chúng tôi sẽ không rời bỏ Giáo hội. Bất cứ ai nghĩ rằng tấn công giáo xứ thì chúng tôi sẽ rời đi thì đều sai lầm, bởi vì chúng tôi sẽ vẫn ở đây, quỳ gối trước Thánh Thể. Đây là nhà của chúng tôi và chúng tôi cảm thấy an toàn ở đây.”
Đã có 20 nhà của các Kitô hữu bị phá huỷ bởi bom đạn. Nhưng cộng đoàn Kitô hữu Gaza đã chọn không sơ tán về phía nam. (SIR 19/10/2023)